PHÙ sa #4 tháng ½003



tải về 102.15 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu16.11.2017
Kích102.15 Kb.
#34370

PHÙ SA #4 - THÁNG ½003


Trang Mạng (website): http://geocities.com/baophusa
http://baophusa.topcities.com


Điện Thư (email) baophusa@yahoo.com

Hộp Thư Bưu Điện PHU SA
TSC-43
26-33 TAKANAWA 3 CHOME
MINATO-KU. TOKYO 108-0074, JAPAN


TRONG SỐ NàY...

tùy bút Thư Gửi Bạn, Lưu Hà Anh - trang 2

tùy bút Đôi Mắt, Nguyễn Kim Dung - trang 3

thơ Có Một Bài Thơ Không Bươm Bướm, Đỗ Trung Quân - trang 3

khoa học kỹ thuật căn Bản Về Internet, trang 4

bạn có biết? 1. Danh Nhân: Elie Weisel


2. Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền,
trang 4

phóng sự Cô Dâu Đài Loan: mãnh đời số 1, Bình Thiện - trang 5

luật pháp & anh ngữ Tiêu Chuẩn Quốc Tế Cho Người Di Dân Lao Động, trang 6

thơ Lại Ngẫm Về Hạnh Phúc, Bùi Minh Quốc - trang 7

lời hay ý đẹp - trang 6

văn Con Đường Sỏi Đá, Ngọc Nhi - trang 7

truyện ngụ ngôn Tờ Giấy Bạc 20 Dollars, Lý Thanh Thảo - trang 8

thơ Đêm Phương Bắc Nhớ Về Tổ Quốc, Trần Mạnh Hảo - trang 8




Lá Thư Phù Sa


Các bạn thân mến,

Thoáng chốc mà đã hơn bốn tháng.

Phù Sa đã được các bạn đón nhận liên tục bốn kỳ từ Hạ sang Thu. Dày đặc là những nỗi ưu tư, niềm thương cảm cho cuộc sống tha hương tạm bợ. Phảng phất đâu đó là những tâm tư, ước vọng vào một ngày mai khởi sắc khi quyền ước mơ được thực nghiệm. Ước mơ sao cuộc đời của chúng ta được thực dụng trong công bằng, lẽ phải. Sự sống sẽ không bị đe dọa bởi đói nghèo bệnh tật và chỉ có tiếng cười là ngôn ngữ chung của mọi người dân nước Việt để giữ trọn niềm an vui trong tinh thần hòa đồng, xây dựng.

Phù Sa đã mơ như thế! Phù Sa sẽ cùng bạn đọc tiếp tục nhìn tới phía trước với một cái nhìn lạc quan, cùng chia sẽ những kiến thức, tâm tư và ý niệm hữu dụng để phần nào giảm thiểu những bức xúc trong cuộc sống lao động của chúng ta và quê hương đất nước hiện nay.

Đón Xuân trên xứ người hay Xuân trên đất Tổ, Phù Sa đều thân mời bạn đọc cùng mơ và cùng nhìn về những giấc mơ tinh khôi đó. Ngọn nến tình người chỉ đến và làm ấm lòng những ai vững tin vào kết quả sau cùng của lẽ phải dù lẽ trái đang che phủ tầm nhìn phía trước.

Phù Sa đã cố gắng hết sức mình để mang lại chút hơi ấm tình người trong cuộc sống lao động tạm bợ nơi xứ người. Chắc hẳn không khỏi nhiều khuyết điểm, Phù Sa không ngần ngại và càng mong mỏi được đón nhận nhiều ý kiến đóng góp từ bạn đọc trong tinh thần xây dựng.

Một lần nữa nhân dịp Xuân Quí Mùi, Phù Sa thân chúc các bạn và gia đình luôn luôn vững tin và phấn đấu dù ở mọi hoàn cảnh, thuận hay nghịch, để những ước mơ cho dân tộc, gia đình và chính mình chóng thành sự thật.

Mời bạn lật những trang Phù Sa thân thương của chúng ta với một nụ cười rạng rỡ cho mùa Xuân đang tới.

Ban Biên Tập Phù Sa
Phù Sa... khoảnh vườn tâm hồn

cho và nhận

những trăn trở ngày, những thao thức đêm

ước mơ và chiêm bao

khung vải trắng

đường cong số kiếp

góc nhọn cuộc đời

cùng nhau vẽ những nụ cười tương lai

mảnh đất màu

chồi non ước vọng

dòng sông tưới mát khô cằn quê hương

Phù Sa...

Thư Gửi Bạn


Mấy tuần lễ nay tôi cứ dán mắt vào mục tin tức cho người lao động. Vụ đánh đập công nhân (CN) xảy ra tại Cty Sung Chang và Cty Doanh Đức (Bình Dương) mà đa phần do chủ nhân người Hàn Quốc làm chủ với số vốn 100% đầu tư đã gây biết bao nhiêu phẫn nộ cho CN lẫn giới chức trong liên đoàn lao động và các nhà chức trách.

Bắt nguồn từ những bất đồng ý kiến về giờ giấc, tăng ca rồi lương hay không lương phụ trội, không BHXH, BHYT, không khám sức khỏe định kỳ vân vân.. mọi thứ đều quá quen thuộc đối với chúng ta nếu đã có kinh nghiệm làm việc dưới quyền chủ nhân ngoại quốc nhất là Đài Loan và Hàn Quốc.

Tôi không mấy thích thú về những việc làm bị ép buộc như thế nên suốt mấy năm trời người ta vẫn thấy tôi lang thang từ công xưởng này tới xí nghiệp khác. Không một chỗ nhất định.

Mà nói cho cùng, tôi đâu có quyền lựa chọn ở hay không ở. Tôi chỉ có một quyền lựa chọn duy nhất đó là nói hay không nói. Giống y chang như mục ‘Nói hay Đừng’ trong tờ Lao Động.

Mục này có đôi điều không nói nhưng tôi thì quyết định nói. Tội vạ gì mà không nói nếu nói ra họa hoằng lắm thì bị đuổi sở về nhà phụ ba tôi chạy vài chuyến xe hay nhẹ hơn thì bị phạt lương tháng. Được gì mà không chịu nói? Nhiều lắm chứ. Cả một cái bầu tâm sự được trút ra và lương tâm khỏi bị cắn rứt. Lương tâm này không chỉ cho riêng tôi mà cho cả một dân tộc đó bạn ạ!

Trở lại chuyện đánh đập ở các hãng xưởng. Không biết con gà là thủ phạm hay cái trứng đáng bị đòn? Ý tôi muốn nói là lỗi, phải nằm nơi ai? Lỗi nơi chủ nhà không có luật lệ phân minh nên để khách vào ngồi chễm chệ trên tự ái dân tộc hay tại mình tự ti mặc cảm số vận nghèo nàn nên mở cửa cho người ta vào để hầu bao có chút tiền rủng rỉnh rồi giờ đây lại réo cả làng cả xóm rằng khách xâm phạm vào nhà khi sự thực là do nơi ý thức dân tộc và phẩm giá của mình từ lâu đã bị ràng buộc bởi đồng tiền bát gạo?

Thực tâm nghẫm nghĩ mà nói, tôi cho đó là một chuyện dài. Giải quyết một chuyện dài cần phải có thời gian và nhất là sự cương quyết, kiên trì của những người trong cuộc. Quan trọng hơn cả là phải có một cái nhìn thật trong sáng cho viễn cảnh của vấn đề. Cứ thử nhìn vào các vị quan tòa ở nước ta, các Bao Công thời nay ở Tòa Án Tối Cao mà còn thực hành không đúng Luật Tố Tụng Hình Sự làm không biết bao nhiêu bản án bị...phán oan, phán lầm. Bằng chứng rành rành đấy bạn ạ! Bạn có biết là có tới 31% số án hình sự phải ..cải sửa? Ký giả Lưu Quang (Báo LĐ) nói rằng: ‘Lòng tin của người dân vào chốn công đường, vào các vị Bao Công thời nay đang bị lung lay.’

Thật sự ra nếu có tinh thần công tư phân minh như ‘Bao Công’ ngày xưa cộng thêm một trái tim vì nước vì dân bênh vực lẽ phải thì chắc đã có sự chuẩn bị từ các nghành lập pháp đến hành pháp, các cơ quan xã hội và liên đoàn lao động để bảo vệ cho quyền lợi của những người thấp cổ bé miệng như mình.

Tôi có cảm tưởng rằng đời sống của chúng ta vì cố gắng chuẩn hóa theo quy định của đảng ta nên cứ chồng chéo lên nhau những mâu thuẫn quyền lợi và lương tri con người.

Tại sao tại nước ta hàng năm cho ra trường hàng nghìn cử nhân luật giỏi, rất nhiều người trong số này lại đang bị thất nghiệp?

Đồng ý rằng tòa án cần có những thẩm phán trong sạch về đạo đức, giỏi về nghiệp vụ, trình độ học vấn của đội ngũ này cũng như các cơ quan tư pháp nói chung cần phải theo tiêu chuẩn và ngang tầm với yêu cầu của nhiệm vụ, nhưng có cần phải là đảng viên cán bộ không bạn? Có phải một khi là đảng viên cán bộ thì có sẽ tự động trở thành những giới chức đạo đức không?

Quả thật không ổn! Quả thật đang có vấn đề tại vì theo Chánh án Nguyễn Kim Sơn, Tòa Án nhân dân tỉnh Hải Dương (kiêm đại biểu quốc hội) thẳng thắn thừa nhận như thế này, ‘Đại đa số bằng này là bằng tại chức. Toàn là con em trong nghành thi không đỗ, nhận vào rồi đi học..’

Công bằng lẽ phải còn đâu nếu bạn đã đỗ mà không được vào còn thằng con anh cán bộ trong vài năm nữa sẽ thành Chánh án khi trượt thi vài ba lần và chưa lần nào đỗ cả? Ấy vậy mà thời nay chúng ta mới có được hơn 85% cán bộ của nghành tòa án có bằng đại học vì đa phần đều đi ‘học đại’.

Tôi cũng trong số phận những người thất cơ lỡ vận. Tôi không ngồi chờ sung rụng như bao người khác vì tôi còn tin vào đôi tay và đôi mắt của tôi. Đôi tay tôi sẽ làm những gì tôi làm được khi đôi mắt tôi chứng kiến cảnh nghèo giàu bất bình thường nơi xã hội của mình. Đôi chân tôi sẽ đi để đem tới bạn những điều tôi biết, tôi viết. Ngồi đây viết lên những ý tưởng chia sẻ cùng các bạn để thấy được xã hội mình, đất nước mình cần sử a đổi nhiều thứ lắm. Nhiều đến nỗi các đồng chí đảng viên một mình không thể nào kham nổi. Thời hậu chiến đã qua lâu lắm rồi mà mình còn loay hoay tìm phương cách ổn định nội bộ thì quả thật nội bộ đang có vấn đề nên không thể giải quyết được tình trạng của mình, của bạn. Không ai giúp được mình thì mình phải tự giải quyết lấy. Dù có mất mát chút quyền lợi tạm thời mà vui sau này với kết quả lớn hơn, toàn hảo hơn, trường cửu hơn thì tại sao mình lại bịt một mắt mà đi?

Hãy tìm cho mình một ngọn đuốc trung trực, lương tri soi sáng dù cặp mắt vẫn còn tinh anh vì mỗi người chúng ta vẫn còn những đoạn đường đi ghập ghềnh trước mắt mà không biết khi nào mắt sẽ mờ đi làm chùng bước chân thanh niên nước Việt.

Giữ vững niềm tin và nụ cười trên môi bạn nhé.


Lưu Hà Anh


Tp HCM/VN

Tùy Bút

Đôi Mắt

Nguyễn Kim Dung


Thế giới quá hạn hẹp! Chỉ là cuộc sống dồn dập chung đụng ở KTX, rồi ngày hai buổi tới trường, náo nức cùng bạn bè sau giờ học bên giảng đường xung quanh trái me, trái ổi. Ấy vậy mà đôi khi lại thênh thang, rộng lắm!

Tôi đi một vòng quanh thành phố để thơ thẩn hơn là để chiêm nghiệm về cuộc đời. Tôi không thích suy tư: Thế nhưng cứ có gì đó thôi thúc, nhức nhối.

Hình ảnh những nhà hàng sang trọng, những tụ điểm khiêu vũ thâu đêm, trai thanh gái lịch, lả lơi trong ánh đèn lung linh huyền ảo với khói thuốc men bia, những cặp mắt đưa tình trong tiếng nhạc kích động như muốn át đi những ồn ào của cuộc sống, xua tan mọi suy tư phiền muộn... đánh thức cái bản năng muôn đời của con người trỗi dậy. Con người lao vào cuộc chơi và tìm cách khẳng định mình bằng những điệu nhảy và đôi mắt lim dim, rồi kết thúc nó bằng một cái ngáp dài, dài lắm! Tất cả đều như nhau.

Có những bữa tiệc chiêu đãi của toàn những ông "bụng phệ", uống bia không hết, dội lên đầu nhau chơi cho mát. Lại có những hình ảnh hết sức ngộ nghĩnh khi có những người thích thú ném vỏ bia, vỏ nước ngọt xuống sông Sài Gòn từ trên các tàu du lịch ở bến Bạch Đằng, rồi thích thú chỉ trỏ, bình phẩm những em bé đang cố nhoài ra dòng nước để lượm lon về bán ve chai... Tôi nhận ra trong họ có nhiều người vô tình, do hứng chí, hoặc do thiếu ý thức, trong số họ có những người làm ăn lương thiện, nhưng cũng có những người chuyên trục lợi, ăn cắp tiền của Nhà nước, của nhân dân để ăn chơi.

Tôi hỏi một vài đứa trẻ vô tình gặp trên đường và tôi hiểu được những suy nghĩ của chúng: Thế giới mà người ta luôn ca ngợi đối với chúng chỉ toàn là giả tạo. Bạn bè tốt là những đứa cùng chung cảnh ngộ, biết chỉ cho nhau chỗ nào có nhiều rác, có thể kiếm được tiền. Cha mẹ và người lớn là những người sống chỉ biết có lý thuyết. Phủi chút đất dính trên mẩu bánh mì rơi rớt trên vệ đường rồi ăn, có thấy đau bụng hay tiêu chảy gì đâu? Vào quán vồ vập chút đồ ăn thừa vẫn thấy ngon và ấm bụng rồi uống nước máy trong công viên, rồi ngủ bên vệ đường trên ghế đá công viên cùng lắm cũng chỉ bị vài con muỗi đốt. Chuyện nhỏ!

Người tàn tật lê lết bên đường với những lời cầu xin hết sức thành khẩn, ước mong có người ban ơn để xoa dịu cái đói đang dày vò. Cái nón rách trên tay như cả tấm lòng luôn sẵn sàng nhận lãnh mọi sự ban ơn, bố thí với khuôn mặt gầy khô đến rạc rời.

Cụ già 60-70 tuổi bước đi không vững vậy mà ngày nào cũng phải đi hàng chục cây số, trong mưa nắng để bán báo, bán vé số trên mọi ngóc ngách của thành phố, ước mong cho khách hàng luôn may mắn để có chút tiền thưởng, biết đâu sẽ có cơ hội thay đổi số phận! Dù già, họ vẫn có những ước mơ: Tiền! Tiền sẽ thay đổi đời sống họ. Ai bảo người già chẳng biết ước mơ?

Đêm về, tôi miên man với suy nghĩ: Ngày mai mình ra trường rồi sẽ ra sao?




Có một bài thơ không bươm bướm

Không thể nói khác hơn rằng hôm nay - buổi sáng rất buồn.


Anh mất nửa giờ ở ngã tư quen thuộc,
chỉ vì một gã đụng người rồi bỏ chạy luôn ...
Gã đụng người chạy luôn còn anh đứng lại.
Rồi một "người anh em" đến làm chứng lập lờ.
Anh mất nửa giờ và mất luôn ... nửa phần lương tháng
- Hỏi em có thấy buồn không?
Hỏi em có thấy buồn không rằng chiều nay
anh đã có lần dừng trước người con gái hỏng xe
Rất lịch sự xin được làm anh chàng hào hiệp
Người con gái giật mình với cái nhìn nghi hoặc (!)
Rồi bỏ mặc anh chàng cụt hứng đứng ngẩn ngơ...
Có những lúc lòng buồn anh tự hỏi
Liệu lòng tin có cần chứng minh thư?
Ví dụ như em lỡ độ đường và anh dừng xe lại
Em có ... mà thôi ! ...
Anh đã có những ngày buồn như thế
Trang thơ viết ra không có nổi chú bướm vàng
Nhưng anh vẫn tin một hôm nào xuống phố
Còn gặp những lòng người hóa bướm bay sang ...

Đỗ Trung Quân



Khoa Học Kỹ Thuật

Căn Bản về Internet


Mục Khoa Học Kỹ Thuật chuyên đề "Căn Bản về Internet" gồm 4 phần:

1. Cấu tạo máy và tên gọi

2. Internet, Mạng Lưới

3. E-mail, cách thức để có một địa chỉ E-mail cho riêng mình

4. Các Trang Nhà-Webside

Kỳ này xin giới thiệu đến các bạn 2 phần đầu "Cấu tạo máy và tên gọi" và "Internet, Mạng Lưới".


I. Cấu tạo máy và tên gọi


Máy Vi Tính (Computer) là tên gọi chung. Thông thường máy vi tính gồm ba bộ phận: màn hình (monitor), bàn phím (keyboard) có khi còn gọi là bộ gõ và CPU viết tắt từ chữ (Control Processing Unit) tức là bộ xử lý. Ngoài ra máy vi tính còn có con trỏ điều khiển, thường được gọi là con chuột, và loa để nghe. Một loại máy vi tính gọn nhẹ gọi là Laptop, có đầy đủ những bộ phận trên (CPU, màn hình, bàn phím, loa... tất cả gom lại mỏng như cuốn sách)

CPU là bộ phận chính của máy vi tính, thường có các ổ điã sau:

- Ổ điã A, dùng cho loại điã mềm (Floppy)

- Ổ điã để nghe nhạc CD (compact disc) hay để coi phim DVD

- Có một ổ điã bên trong máy gọi là ổ C (còn gọi là ổ điã cứng), chúng ta không thấy và (gần như) không lấy ra được.

Trong CPU có nhiều bộ phận khác như bộ nhớ, biến thế điện... CPU chỉ vận hành được khi có các loại phần mềm (CPU giống như một cái ti-vi, phần mềm là các đài khác nhau) Các phần mềm thông thường được cài sẳn trong CPU như: Window (gồm có: Microsoft Word, dùng để đánh máy, hay Internet Explorer dùng để vào mạng...) và một số phần mềm khác ta phải mua để sữ dụng cho những công dụng riêng như kế toán, thiết kế hình vẽ...


II Internet, Mạng Lưới


Một trong những công dụng của máy vi tính là để nối mạng, nối mạng nhanh hay chậm phù thuộc nhiều yếu tố. Tốc độ của máy (đắt tiền hay rẻ tiền), địa phương (Việt Nam, Mỹ hay Đài Loan...) và sự kiểm soát (vì tại VN để dể kiểm soát, chỉ có một cổng nối mạng với mạng lưới toàn cầu nên hay bị nghẻn) Tốc độ của máy như chiếc xe, điạ phương như đường xá và cổng nối mạng như trạm kiểm soát giao thông, xe chạy trên đường tốt không trạm kiểm soát sẽ nhanh hơn, còn đường nhỏ, nhiều trạm kiểm soát sẽ bị chậm hơn). Với hệ thống mạng toàn thế giới như thế, mọi người ở nhiều nơi trên thế giới sẽ dể dàng liên lạc với nhau.

(Còn tiếp kỳ sau.)


Bạn Có Biết

Danh Nhân: ELIE WIESEL - Giải Nobel Hoà Bình 1986


Elie Wiesel xem nhẹ chính trị nhưng coi trọng vai trò đạo đức của nhân chứng. Ông đứng về phía nạn nhân của Quốc Xã Đức, người Do Thái ở Nga, thuyền nhân Việt Nam, nạn nhân ở Bosnia và Kosovar, nhân dân Tây Tạng dưới sự chiếm đóng của Trung Quốc, người da đỏ Miskito ở Nicaragua. Thái độ của ông khác hẳn khi bàn đến người Palestine. Ông đã không hành xử đúng theo tuyên bố đọc trong ngày nhận giải Nobel Hòa Bình 1986: "Trung lập chỉ giúp kẻ áp bức chứ không giúp nạn nhân. Im lặng chỉ khuyến khích kẻ tra tấn chứ không khuyến khích kẻ bị tra tấn."

Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền


Điều 8: Mọi người đều có quyền được các toà án quốc gia có thẩm quyền bênh vực theo pháp luật.

Điều 9: Không ai bị bắt, giam giữ hay đầy đi nơi khác một cách vô cớ.

Điều 10: Mọi người, với tư cách bình đẳng về mọi phương diện, đều có quyền được một toà án độc lập và vô tư phân xử công bằng vàcông khai để xác định quyền , nghiã vụ hoặc bất cứ một lời buộc tội nào đối với người đó.

Điều 11: Mọi người, nếu bị quy tội hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đdến khi một toà án công khai, tức là nơi người đó có được tất cả những bảo đảm cần thiết để bào chữa cho mình, chứng minh được tội trạng của người đó dựa trên cơ sở luật pháp. Không ai bị kết tội hình sự vì một hành vi không bị coi là một tội hình sự theo quy định của luật pháp quốc gia hay quốc tế vào thời điểm đó. Cũng như không ai bị áp dụnh hình thức xử phạt đối với một tội hình sự nặng hơn so với quy định của luật pháp cho sự phạm tội đó.




Cô Dâu Đài Loan - Mảnh Đời Số 1

Bình Thiện

Trên con đường Cộng Hòa của Sài Gòn xe cộ đi lại ùn ùn, ngày nào cũng như ngày nào, tình trạng kẹt xe cứ diễn ra đều đều. Bụi và khói xe tỏa khắp làm cho tất cả người và xe cộ chìm vào trong một biển ô nhiễm không khí nặng nề. Đi sâu vào một con hẻm nhỏ là một dãy nhà cho thuê. Trong căn phòng cuối của dãy nhà, dì Hảo đang ngồi vá lại chiếc áo rách. Mấy bữa nay chỗ công ty mà dì vẫn đến quét dọn đã giải thể nên dì bị thất nghiệp. Năm nay dì đã già rồi, không làm ở chỗ ấy nữa thì chẳng biết làm đâu cả, thôi đành trông chờ vào cô con gái duy nhất mà dì có.

Từ hồi lấy chồng mãi dưới Cần Thơ, chồng ra đi với người đàn bà khác bỏ lại hai mẹ con dì bơ vơ không nhà không cửa, chỉ vẻn vẹn có một miếng đất nhỏ và cái lều lợp lá. Thoạt đầu dì còn đi buôn cá, mua lại của những người đánh cá rồi mang ra chợ bán lấy lời nuôi con. Sau, con gái dì lớn một chút, dì đưa con gái lên Sài Gòn thuê nhà kiếm sống. Hai mẹ con mỗi người một việc nương tựa lẫn nhau. Trước dì nấu một nồi chè bán vào khoảng năm giờ chiều trở đi, cũng lai rai nhưng đến mùa mưa thì chè ế chẳng có ma nào ăn. Thế là dì đành chuyển sang nghề nấu ăn phụ cho một quán nhỏ, gặp con mẹ chủ quán lại còn hách tính nữa, luôn nạt dì, đúng là diễn viên xấu bày đặt đóng vai ác. Dì cũng ráng chịu đựng ở quán phụ một thời gian rồi thì sức chịu đựng cũng có hạn, dì đành chuyển sang quét dọn cho mấy công ty. Cho đến bây giờ cái công ty mà dì đang làm tự nhiên giải tán, dì buồn khi gánh nặng tất cả hiện tại đều đổ lên vai cô con gái dì.

Con gái dì Hảo năm nay 18 tuổi, cái tuổi đẹp lắm của người con gái. Nếu giờ này con dì còn đi học thì chắc là vào năm đầu của đại học rồi. Nhưng thay vì đi học cô lại phải vật lộn với cuộc sống ở nấc thang thấp nhất của xã hội. Cô tên là Thu Tím, tên như thế bởi khi sinh ra cô, má cô luôn phải trông chờ cha cô mỗi đêm không thấy chồng về.

Thu Tím rất thương má nên lúc kiếm tiền dù ít nhiều tất cả Tím đều đưa cho má. Tím làm ở một nhà hàng trên đường Hồng Hà quận Tân Bình. Khách vào là Tím ra tiếp đồ ăn và bia cho khách, hôm nào vớ được khách sộp còn được kha khá tiền boa, rủi có bữa gặp mấy anh choai choai là sôi hỏng bỏng không.

Nhiều hôm nhà hàng không khách, Tím lê đôi chân mỏi mệt về với mẹ. Hai mẹ con lòng nặng trĩu, ôm nhau khóc cho cuộc đời sao cực khổ quá thể thế này, không kiếm được chút ít thì lấy đâu ra mà trả tiền nhà tháng này cơ chứ. Một người một ý nghĩ thầm kín riêng nhưng có lúc cả mẹ lẫn con đều lóe lên trong đầu ý định quyên sinh. Một hôm trong tâm trạng đó, hai mẹ con kéo nhau ra bờ sông Sài Gòn, ngồi trên băng ghế đá, yên lặng nhìn giòng nước tỉnh lặng. Trong bóng chiều chạng vạng tối, dì Hảo nhìn từ đằng xa đi lại một cậu bé con nhỏ chừng 10, 11 tuổi. Khi cậu bé đến gần, dì vẫy nó và hỏi:

- Con ơi, con đi đâu mà đi trời tối thế này ?

Cậu bé ngẩng khuôn mặt ngây thơ lên và trả lời:

- Dạ má con đau nặng, con mới đi bán vé số về xong bây giờ sang bên kia cầu mua thuốc cho má!

Nói rồi cậu thoắt cái đi mất tiêu, dì Hảo như chợt bừng tỉnh sau cơn mơ. Vậy là dì còn hạnh phúc hơn bà má của cái cậu bé con kia. Dầu gì Tím cũng lớn hơn cậu bé nhỏ nhoi gầy còm đó. Dầu gì dì cũng còn khỏe mạnh hơn bà mẹ tội nghiệp kia. Thế là hai má con dì lại lầm lũi ôm nhau về căn phòng cho thuê sống tiếp cái kiếp lưu đầy.

Cách nơi dì ở một con đường, có một khách sạn chuyên tuyển chọn và mai mối những cô gái trẻ đi làm dâu bên Đài Loan. Tím xem qua mục tuyển chọn và về bàn lại với má. Xa con thì mình còn biết sống với ai! nhưng suy đi tính lại, dì Hảo cũng đành chịu cho Tím đi, mong sao có thể đổi được đời của đứa con gái mình. Vài hôm sau, Tím đến đăng ký với nhân viên khách sạn. Cô tiếp tân hẹn Tím ba hôm sau đến cho họ tuyển. Hôm ấy như đúng hẹn, Tím đến khách sạn. Trong phòng tuyển có 9 người đàn ông, ai nấy đều khoảng trên 50 tuổi. Người thì chân khập khiễng, người thì lác lộn, lại còn có người hai bàn tay bị cụt mất mấy ngón nữa. Sau đó, Tím được gọi sang một phòng khác trong đó có hai người đàn ông cũng cỡ tuổi trên 50, miệng không có răng. Họ bảo Tím đứng lên ngồi xuống, đi đi lại lại cho họ coi người. Với dáng người cân đối nên Tím nhanh chóng chiếm cảm tình của hai người đàn ông trước mặt. Xong phần tuyển chọn, ra mắt, họ bảo Tím đưa địa chỉ và số DT để hồi sau họ sẽ liên lạc.

Khoảng độ hai tuần lễ sau cô tiếp tân khách sạn thông báo cho Tím là Tím đã trúng tuyển, chừng hai tuần lễ nữa chú rể Đài Loan sẽ sang làm đám hỏi cưới xin và các thủ tục. Tím mừng quá báo cho dì Hảo hay. Hai má con đều mừng. Mừng xong rồi lại ôm nhau khóc, không biết cái thằng chú rể già ấy tính tình nó đối xử với mình thế nào đây.

Hai tuần sau người đàn ông Đài Loan quá 50 tuổi đến tìm Tím tận nhà, mặt ông ta nom cũng hiền lành tử tế, dáng người thì lùn bé tí teo, miệng không có cái răng nào. Ông ta đi cùng với một người phiên dịch. Ông già nói một hồi sau đó người phiên dịch nói lại với Tím rằng ông chú rể tương lai này sẽ cho Tím một số tiền để học ngoại ngữ trước khi sang Đài Loan trong vòng ba tháng. Khi Tím đã có thể nói được chút ít ông sẽ sang cưới Tím, trả cho má Tím 1000 đô. Còn tiền cưới Tím sẽ là riêng, cộng với bao cả tiền thuê nhà cho má con Tím ở trong ba tháng học nữa. Hai ngày sau, lão đến đón hai mẹ con Tím đến một căn nhà khác ở đàng hoàng hơn.

Lão về trước rồi Tím cứ tưởng tượng hằng ngày, hằng đêm chung sống với con người da nhăn nheo ấy mà rùng mình. Nhưng nhớ lại cảnh nghèo đã qua Tím chỉ biết trút một hơi thở dài. Trong ba tháng ấy, tháng thì lão cho 100 đô, tháng thì lão cho 200 đô để hai mẹ con Tím đi chợ ăn uống. Đúng ba tháng sau, lão về Việt Nam cưới Tím, lễ cưới không linh đình mấy nhưng cũng đủ để chiêu đãi và ra mắt bà con chòm xóm, chú rể dáng thong thả từ tốn của người già cả chụp hình với cô dâu trẻ măng trong công viên Đầm Sen.

Căn nhà lụp xụp ở một vùng quê Đài Loan trong một căn hẻm nhỏ là nhà của vợ chồng Tím. Tuy nhà không cao, cửa không rộng nhưng lão chồng già của Tím khá là hiền lành và tử tế. Dần dà, Tím cũng quen với cảnh chồng già và rồi Tím đi làm như một công dân Đài Loan, chỉ có một điều mắc cười duy nhất là Tím không bao giờ dám nhìn kỹ vào miệng chồng vì lão không có cái răng nào cả!


Luật Pháp & Anh Ngữ


Cùng đọc và cùng học hỏi thêm về luật pháp và Anh ngữ. Để biết và để hiểu những quyền lợi của chính mình. Thân mời bạn đọc:

Tiêu Chuẩn Quốc Tế Cho Người Di Dân Lao Động

International Standards on Migrant Workers


Trích trang http://www.global-standards.com

International Labor Organization (ILO) Conventions:


The two main ILO Conventions designed to protect migrant workers are the Migration for Employment Convention (Revised), 1949, (No. 97) and the Migrant Workers (Supplementary Provisions) Convention, 1975, (No. 143). These conventions and the recommendations that supplement them - the latter go into greater detail:

"It addresses an array of issues facing migrant workers such as recruitment matters, information to be made available, contract conditions, medical examinations, assistance in settling into their new environment, vocational training, promotion at work, job security, liberty of movement, and appeal against unjustified termination of employment or expulsion".

The key provisions of these conventions aim at ensuring non-discrimination or equality of opportunity and treatment between migrant and national workers. Convention No. 97, for example, stipulates that:

"Each Member for which this Convention is in force undertakes to apply, without discrimination in respect of nationality, race, religion or sex, to immigrants lawfully within its territory, treatment no less favourable than that which it applies to its own nationals" in respect of matters such as remuneration, hours of work, overtime, etc.



(Tiêu Chuẩn Liên Hiệp Quốc về Quyền Di Dân Lao Động... Tiếp theo kỳ sau.)


Lại Ngẫm về Hạnh Phúc


 

Ta đang sống đây những năm tháng đọa đày

Đâu giữa ban ngày bốn bề cửa chờn vờn cú quạ.

Ngọn lửa thơ anh thắp giữa miền băng giá,

Chỉ mắt em nhìn cho biển lặng trời yên.

Chỉ mắt em nhìn cho biển lặng trời yên.

Đôi mắt thủa nào hỏi anh về hạnh phúc.

Câu hỏi muôn trùng chênh vênh thiên đường địa ngục,

Câu hỏi mang mang thế thái nhân tình.

Anh từng lao vào chốn thập tử nhất sinh,

Mà cảm nhận như mình đang hạnh phúc.

Hồn phơi phới bay về một chân trời hòa mục

Và tử thần khi ấy cũng chào thua.

Thong dong bước đời vướng đụng cả triều vua

Cả mạng lưới bùng nhùng ù lì vô cảm.

Mọi thứ gian manh, mọi trò đểu cáng

Thong dong bước đời thanh thản lương tâm.

Trong lao lung hạnh phúc lại ươm màu.

Hạnh phúc là gì, giữa cảnh đọa đày anh vụt hiểu,

Khi soi trong mắt em, trong mắt em hiền dịu.

Hạnh phúc là thanh thản lương tâm.

Hạnh phúc là thanh thản lương tâm

Hạnh phúc là thanh thản lương tâm.

Bùi Minh Quốc



Lời Hay Ý Đẹp


The whole secret of a successful life is to find what it is one’s destiny to do and then do it.

Tất cả bí quyết của một cuộc đời thành công là đi tìm những gì số mệnh đã an bài rồi thực hiện chúng.

- Henry Ford

Life shrinks or expands in proportion to one’s courage.

Cuộc sống của mỗi người sẽ co rút lại hay lớn mạnh ra cân xứng với sự can đảm của chính kẻ ấy.

- Anais Nin


Con Đường Sỏi Đá

Ngọc Nhi


Xong phổ thông trung học Thy ôm kệ thuốc ra hè phố vì chuyện cơm áo. Thành phố nhỏ như bàn tay khó giấu ai chuyện gì. Một cựu học sinh của trường Nguyễn Huệ nay lẫn lộn trong đám người vì mưu sinh từ chân cầu Tràng Tiền kéo dài đến hết đường Lê Lợi. Biết ai nên ai hư?

Nhỏ bí thư cũ một ngày ghé lại:

- Ê, mi đám hỏi rồi hả Thy? Hắn nghèo lắm phải không?

- Ừ! Chi không?

Trần trụi, viễn tưởng! Không biết có mấy phần quan tâm? Thy nghĩ theo cách nhìn đời qua lăng kính mới. Đường càng lúc càng vắng. Một vài người dừng xe mua nửa gói thuốc. Xế chiều, vài cơn gió ùa tới. Lá vàng òa xuống rồi lăn lông lốc trên mặt đường. Mưa nặng hạt rồi đổ rào rào. Thy ôm kệ thuốc chạy nhanh vào ki-ốt trong công viên. Vậy là toi một buổi chiều. Mưa rát mặt. Mưa luôn luôn gợi nhớ một kỷ niệm buồn...

Năm lớp mười hai, Thy chuyển lớp. Thầy dạy văn chủ nhiệm, những bài văn luôn luôn không quá năm điểm, Thy ghét thầy ngang bằng thầy ghét Thy. Tại vì Thy từ chối chức vụ lớp phó trong lớp mới? Tại vì Thy không hay tới nhà thầy như mấy học trò khác? Thy biết mình có điều gì không phải, nhưng không hoàn toàn vì Thy. Cuối năm, điểm lao động tròn trịa một con số không. Thy thắc mắc. Thầy hỏi: "Tại sao em nói có lao động đầy đủ mà không có điểm?" - "Thưa thầy em không được rõ". "Em định đổ lỗi cho lớp phó lao động hả? Tại sao người khác có điểm còn em thì không?" Niềm đau vỡ òa. Thy không biết trả lời. Thy mượn câu nói của chính thầy để ngăn dòng nước mắt sắp tràn ra. "Không can hệ gì cả! Phải, không can hệ gì cả?" Rồi Thy lầm lũi về trong mưa. Cám ơn trời đã mưa thật to để người đời không nhìn thấy Thy đã thổn thức như thế nào vì một điều không đáng khóc. Sau này Thy hay nói với bạn bè: Nếu được làm cô giáo, tao sẽ không bao giờ thiên vị!...

Hôm qua đi mua dép với me. Me đi hơi nhanh nên Thy cách me cả một đoạn. Me đội nón lá cũ và xách giỏ lưới cũ. Me đen sạm đi vì dầm mưa dầm nắng. Thy nhìn me rưng rưng. Me dừng trước hàng dép, lựa một đôi và hình như hỏi giá. Me khẽ khàng đặt đôi dép xuống và đi tiếp. Thy nghe bà bán hàng đanh đá: "Đồ xách giỏ! Mấy bà coi chừng mất đồ!" Tim Thy nhói lên. Lạy trời me không nghe. Thy không đủ lý trí để làm gì khác. Thy đuổi kịp me, lí nhí nói nhức đầu rồi lấy xe đạp đi. Đến khuya, bao nhiêu uất ức trào ra ướt đầm mặt gối. Thy thương me, thương ba, thương cái nghèo của nhà mình, Thy cố tìm một điểm tựa.

Lớp mười một. Khai lý lịch. Thy điền vào nghề nghiệp của ba hai chữ: Lao động - thấy cũng hay hay. Nửa tháng sau, thầy T. chủ nhiệm kêu Thy lên gặp. Thầy nói với Thy đầy vẻ thông cảm: "Em không nên mặc cảm vì nghề nghiệp của ba. Đạp xích lô có gì là xấu đâu. Vợ thầy biết rất rõ về ba em, ba em có học thức, có nhân cách, chẳng qua chỉ là thất cơ lỡ vận. Lớp này có ai tốt bằng em không?" Thy muốn kêu lên: "Thầy lầm rồi, em luôn tự hào về ba me em". Nhưng Thy không thể. Thy cũng cần một phần thông cảm của thầy bởi cuộc sống có quá nhiều cơ cực. Ba Thy nói tiếng Anh như gió, có bản lĩnh, có chừng mực. Nhưng sức khỏe của ba đã bị đánh gục bởi cái nghề xích lô đến nỗi phải ăn bám vợ. Me Thy từ một phụ nữ bốn con vẫn để tóc thề, giờ tàn tạ dưới cái nắng, cái rét, cái lo toan... Thy đặt lên đôi vai mười bảy cái gánh nặng trĩu dằn vặt, suy tư mà có giúp gì cho ba em được đâu! Năm đó, nhờ sự qua tâm, động viên của thầy, Thy không bỏ học nửa chừng và vẫn giữ được danh hiệu tiên tiến của năm trước.

Sau những ngày mưa, mặt trời ló dạng. Những tia nắng như mới mẻ, lạ lùng. Những giọt nắng nhảy nhót trên mặt đường chỗ khô chỗ ướt trông như một bức thông điệp về sự hồi sinh. Mấy đứa bạn ghé chơi, đánh bài và nói chuyện phiếm, rồi đi. Thy thấy vui vui. Dòng Hương Giang phía sau lấp loáng. Mấy chiếc thuyền nhè nhẹ trôi. Thy tự hỏi không biết chiếc thuyền nào đó đã chở nỗi niềm của mình ra biển để lòng Thy nhẹ tênh. Ba mẹ quyết định làm giấy đi HO. Cuối cùng phải có một sự lựa chọn. Hoặc là nghèo và con cái học nửa vời. Hoặc là cất được gánh lo toan và hy vọng có ngày trở về. Tóc ba bạc hẳn sau một tuần đắn đo, cân nhắc. Thy biết mình sẽ ở lại, cũng như biết mình có lỗi với ba me, nhưng đến lúc đó còn lâu mà.

Chiều nay đi bán về Thy mua cho ba tờ báo, và mua một gói khoai sắn cho Thảo, Ly. Thy giúp mẹ nấu cơm. Bữa ăn cũng là rau và cá khô như mọi lần. Cả nhà có vẻ vui hơn, ngon miệng hơn.

Tối, Thy rủ Nhung đi thăm cô Y chủ nhiệm lớp mười. Lúc đang học với cô, Thy ít có dịp nói chuyện với cô nhưng khi hết học rồi Thy rất thích đến thăm cô. Hồi đó, làm như có một sợi dây vô hình giữa cô và Thy. Một điều gì gần như là tình bạn. Cô hiểu được điều mà người khác không nhìn thấy được nơi Thy. Năm đó có một cái đuôi theo Thy. Cô hay nhìn Thy cười cười, nhột ghê. Cái đuôi ở bàn trên, Thy bàn dưới. Ngoài mặt Thy lành lạnh nhưng trong lòng thinh thích. Con gái mà! Một bữa cô đột nhiên đổi chỗ cái đuôi và hỏi: "Còn ai thích đổi chỗ nữa không?" Nhớ lại Thy đỏ mặt... Cuối cùng Thy và cái đuôi ngồi gần nhau (!). Cái đuôi viết tên nó và tên Thy lồng vào nhau và suốt buổi học cứ chìa ra trước mặt Thy. Chuyện là vậy và chỉ có vậy, nhưng là một kỷ niệm dễ thương...

Đêm cuối tháng, trời không có trăng nhưng có cả ngàn sao. Huế về đêm vắng quá! Thy đạp xe chầm chậm mà nghe lòng dâng lên một niềm thương: Thương ngôi trường cũ, thương con đường sỏi đá dẫn về nhà, thương thành phố nhỏ như lòng bàn tay. Mai này, nếu được phép lựa chọn, Thy nhất định không rời xa chốn này!



Truyện Ngụ Ngôn

Tờ Giấy Bạc 20 Dollars


Một diễn giả nổi tiếng trong một buổi nói chuyện của mình với gần 200 sinh viên đã đưa ra một tờ giấy 20 đôla. Người diễn giả đã hỏi các sinh viên Các anh chị có muốn lấy 20 đôla nầy hay không? Lập tức có rất nhiều cánh tay bên dưới giơ lên. Vị diễn giả tiếp tục Tôi sẽ đưa cho các chị 20 đôla nhưng trước tiên tôi sẽ phải làm điều nầy trước đã. Nói đoạn ông ta dùng tay vò tờ 20 đôla. Xong ông ta lại tiếp tục hỏi Bây giờ có còn ai muốn lấy 20 đôla nầy? Rất nhiều cánh tay vẫn tiếp tục giơ lên. Vị diễn giả lại tiếp tục Tốt, bây giờ nếu như tôi lại làm tiếp như thế nầy? Vừa nói dứt lời ông ta liền thả tờ 20 đôla xuống đất và dùng chân chà tờ 20 đôla sát vào mặt đất. Làm xong, ông liền nhặt tờ 20 đôla lên. Lần nầy tờ giấy 20 đôla vừa nhăn nhúm và vừa dơ. Vị giáo sư tiếp tục hỏi Bây giờ thì ai vẫn còn muốn tờ giấy bạc 20 đôla nầy? Phía bên dưới vẫn có rất nhiều cánh tay giơ lên.

Nhìn một lượt xuống bên dưới bên cách hài lòng, vị diễn giả bắt đàu nói chuyện một cách chậm rãi:

- Các anh chị thân mến, như vậy là hôm nay các anh chị đã học được một học rất quý giá. Bất kể tôi làm gì với tờ giấy bạc 20 đôla nầy, các anh chị vẫn còn muốn lấy nó. Lý do là vì 20 đôla nầy vẫn không bị giảm giá trị của chính nó. Dù cho tôi có làm như thế nào đi chăng nữa, thì tờ giấy bạc nầy cũng vẫn còn trị giá 20 đôla.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng đã té ngã, cũng đã bị dày vò, cũng bị chà đạp dưới bùn nhơ vì những quyết định sai lầm của chính mình hoặc vì hoàn cảnh đưa đẩy. Chúng ta cảm thấy mình trở thành một người không còn giá trị. Nhưng cũng như tờ giấy bạc 20 đôla nầy, bất kể chuyện gì xảy ra, các anh chị sẽ không bao giờ đánh mất đi giá trị của chính mình. Không có điều gì có thể làm giảm giá trị thật sự của các anh chị trong ánh mắt của Thượng Đế. Đối với Ngài, dù dơ hay sạch, dù nhăn hay không nhăn, các anh chị cũng vẫn vô giá đối với Ngài.



Đừng bao giờ quên, mỗi một chúng ta đều rất đặc biệt.


Đêm Phương Bắc nhớ về tổ quốc

Một màu trắng rợn người dân tộc tôi chưa biết


Đang đối chọi gắt gao với màu than đêm
Nỗi nhớ tôi xin nhập vào bão tuyết
Bay qua nước Nga, vượt Trung Hoa gió bấc
Mưa phùn đêm nay có thổi rát mặt Người
Tổ quốc ơi.
Nửa nước tôi giờ này cuốn trong rơm rạ
Biển dạ dày cồn sóng Thái Bình Dương
Tiếng mọt nghiến đêm kèo nhà đói võng
Từ đỉnh cao tập bước xuống đời thường
Đất nước tôi thuyền vỏ trấu vờn đỉnh sóng
Số phận người neo vào bóng Trường Sơn
Chẳng lẽ không còn con đường nào yên lành hơn
Ngoài một lối vượt đá ngầm dông bão
Trời mắt ếch đáy giếng nào kiêu ngạo
Tổ quốc tôi nằm ở nơi đâu
Trên mùa gặt địa cầu ?
Người cày xới bằng xương sườn lấy máu mình gieo hạt
Nứt nẻ vết chân cò, chân vạc toạc đồng sâu
Loa thành ơi, ai lường gạt Mỵ Châu ?
Dấu lông ngỗng tình xưa còn trắng tóc
Tổ quốc tôi đau mà không dám khóc
Hoa cau cười nhòe nhoẹt áo nàng Bân.
Đâu nỗi nhớ nhà đứt ruột Huyền Trân
Đâu Tổ quốc của nàng Kiều Kim Trọng ?
Thế giới này quá rộng
Nhưng nỗi nhớ thương chỉ một chỗ đi về
Chỉ nơi mẹ mò cua bùn lạnh cóng
Lửa đói lòng dìm bóng mẹ vào đêm
Chỉ một chỗ em qua đò vịn sóng
Trăng xòa tay dừa ngóng móng chân thềm.
Đêm ai hát tôi nghe qua nửa vòng trái đất
Đêm tro bếp quê hương mầm lửa mạ hoen màu
Nghe gió bấc gọi mặt trời xa khuất
Tổ quốc, xin Người đánh thức cả niềm đau.

Trần Mạnh Hảo



tải về 102.15 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương