NĂM 1604: MỘt sự LỰa chọn hợp lý VÀ ĐỒng thuận cn. Trần hùng I. Cần thiết phải có một “Ngày Quảng Bình”



tải về 66.71 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích66.71 Kb.
#9521
NĂM 1604: MỘT SỰ LỰA CHỌN HỢP LÝ VÀ ĐỒNG THUẬN
CN. TRẦN HÙNG
I. Cần thiết phải có một “Ngày Quảng Bình”

Tỉnh Quảng Bình - cũng như mọi miền quê khác của đất nước Việt Nam - là một vùng đất giàu truyền thống văn hoá, lịch sử. Từ thuở bình minh của lịch sử, vùng đất Quảng Bình đã là một thành phần máu thịt của dân tộc: thuộc Bộ Việt Thường của nhà nước Văn Lang cổ đại, thời vua Hùng. Trải bao biến thiên nhiên của lịch sử, trong diễn trình phát triển của mình, vùng đất Quảng Bình đã qua nhiều lần thay đổi về không gian lãnh thổ, về thể thức hành chính và cả về danh tính, để trở thành một tỉnh Quảng Bình ổn định và phát triển về lịch sử, văn hoá và kinh tế như ngày nay.

Từ ngày tái lập tỉnh đến nay, lần đầu tiên, nhiều vấn đề văn hoá - lịch sử tỉnh Quảng Bình đã được tổ chức nghiên cứu có hệ thống, chủ yếu bằng năng lực tại chỗ: bản sắc văn hoá, làng xã văn hoá, các vốn văn hoá vật thể và phi vật thể, lịch sử, địa chí… Mặc dù những kết quả này còn quá nhỏ bé trước hiện thực to lớn của di sản văn hoá địa phương, nhưng trên thực tế, đã có những đóng góp hữu ích trong việc sưu tập, hệ thống hoá các di sản văn hoá đang có nguy cơ bị thất truyền và thông qua đó, góp phần giáo dục truyền thống, giáo dục lòng tự hào quê hương cho mỗi người dân, làm cơ sở dữ liệu tham khảo cho những quyết sách trên bước đường xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Sống trên mảnh đất quê hương, kế thừa những thành quả của biết bao thế hệ tiền nhân khai khẩn và xây đắp, mỗi người dân Quảng Bình với đạo lý uống nước nhớ nguồn đã không ít lần băn khoăn tự hỏi: Quảng Bình - Anh là ai? Quảng Bình xuất hiện với tư cách là một đơn vị hành chính chỉnh thể trực thuộc chính quyền Trung ương từ bao giờ?

Đó là những câu hỏi đầy tâm huyết, đầy trách nhiệm, là một đòi hỏi khoa học về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất quê hương không mấy dễ trả lời nhưng lại vô cùng cần thiết. Tìm kiếm và lựa chọn được ngày thành lập tỉnh chẳng những sẽ đem đến cho đồng bào Quảng Bình đang sinh sống trong và ngoài tỉnh sự tự hào truyền thống quê hương, kết nối cộng đồng, mà còn mang lại sự tác động tích cực vào sự nghiệp phát huy truyền thống trong công cuộc xây dựng, phát triển tỉnh nhà và đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước.

Nhận thấy vai trò quan trọng của sự xác định thời điểm hình thành địa phương, những năm gần đây, liên tiếp các tỉnh thành trong cả nước đã tổ chức nghiên cứu, lựa chọn được cho địa phương mình thời điểm lịch sử - văn hóa trọng đại ấy và long trọng tự hào tổ chức kỷ niệm: Thành phố Hồ Chí Minh (1998), Đồng Nai (1998), Khánh Hoà (2003), Thừa Thiên Huế (2006), Nghệ An ( 2010), Phú Yên (2011), Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hưng Yên... Những hoạt động văn hóa có ý nghĩa này trên thực tế đã tác động tích cực đến tâm thức của nhân dân, kết nối cộng đồng đoàn kết xây dựng quê hương.

Qua tham khảo kết quả xác định thời điểm hình thành địa phương của các tỉnh, thành đi trước, chúng tôi nhận thấy, với hoạt động này, các tỉnh, thành có các đặc điểm chung sau đây:

- Thao tác đầu tiên của hầu hết các tỉnh, thành khi tiến hành nghiên cứu, xác định thời điểm hình thành địa phương là tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, trưng cầu ý kiến chuyên gia, ý kiến các cơ quan khoa học chuyên ngành trung ương, làm cơ sở để từ đó xác định chính thức thời điểm hợp lý với sự đồng thuận của các cấp, các ngành và nhân dân.

- Thời điểm hình thành địa phương mà các tỉnh, thành đi trước đã lựa chọn được cho mình hầu hết tập trung ưu tiên vào các tiêu chí:

+ Là thời điểm mà vùng đất ấy đã trở thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh, hoặc tương đương cấp tỉnh, trực thuộc chính quyền Trung ương.

+ Là thời điểm mà vùng đất ấy mang danh xưng như ngày nay, hoặc gần gũi với ngày nay.

+ Là thời điểm mà vùng đất ấy có lãnh thổ ổn định, trùng khít hoặc tương tự ngày nay.

Như vậy, dựa vào sự câu thúc nội tại và tình hình chung của cả nước, việc tìm hiểu và lựa chọn cho quê hương một “ngày Quảng Bình” ở thời điểm hiện nay là vô cùng cần thiết. “NGÀY QUẢNG BÌNH” là cách nói để chỉ thời điểm ra đời trong diễn trình lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Quảng Bình, một thời điểm quan trọng mà qua đó:

- Nhằm tôn vinh truyền thống, độ dài lịch sử của vùng đất Quảng Bình với tư cách một đơn vị hành chính chính thức trực thuộc chính quyền Trung ương, trong vị thế chung của dân tộc, của đất nước đã được lịch sử thừa nhận.

- Để hiểu rõ hơn bản sắc riêng nhằm phát huy các giá trị tinh thần truyền thống tỉnh Quảng Bình, qua đó giáo dục sự cố kết cộng đồng, lòng yêu quê hương xứ sở cho mỗi người dân Quảng Bình.

- Có được một thời điểm lịch sử xác định về sự phát tích một đơn vị hành chính thống nhất, bao gồm các truyền thống văn hóa, lịch sử… lâu đời.



II. Lựa chọn “Ngày Quảng Bình”: 1604

Ngày 11 tháng 7 năm 2012, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khoá XVI, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết số 41/NQ-HĐND về công nhận năm hình thành tỉnh Quảng Bình là năm 1604.


Để làm cơ sở cho việc lựa chọn được “Ngày Quảng Bình”, từ hơn 10 năm trước, tại tỉnh Quảng Bình, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức cuộc hội thảo khoa học Xác định ngày thành lập tỉnh Quảng Bình với sự tham gia chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cùng với đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và những người tâm huyết đến từ các cơ quan khoa học Trung ương, khu vực miền Trung, các tỉnh bạn và trong tỉnh.

Kết quả rất thành công của cuộc hội thảo đã được PGS, TS Lương Ngọc Bính, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (nay là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình) thay mặt ban chỉ đạo, ban tổ chức hội thảo phát biểu tổng kết: “Về phương pháp luận khoa học, khi xem xét một hiện tượng lịch sử, ta phải tách riêng các yếu tố cấu thành của đối tượng để khảo sát đánh giá những thuộc tính riêng biệt của nó, nhưng khi xác định bản chất và vai trò lịch sử của các sự kiện thì phải đặt nó trong chỉnh thể mối tương quan biện chứng với các quá trình lịch sử, trong tính hệ thống vốn có của nó để đối tượng lịch sử bộc lộ đầy đủ các giá trị đích thực. Với tinh thần đó, tôi đồng ý tán thành với quan điểm được thể hiện phần lớn qua các tham luận khoa học là chọn các mốc lịch sử 1069, 1604 và 1831 để nghiên cứu đề xuất việc xác định thời điểm thành lập tỉnh, trong đó đáng lưu ý là mốc 1604 gắn liền với tên gọi Quảng Bình ấm áp và thiêng liêng cho tới ngày nay”.

Đối tượng xác định thời điểm ra đời tỉnh Quảng Bình, là vùng đất - đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình ngày nay. Có nghĩa là phải xem xét vùng đất có danh xưng tỉnh Quảng Bình hiện nay đã ra đời như một đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc chính quyền Trung ương, có danh xưng và không gian lãnh thổ ổn định, có truyền thống lịch sử - văn hóa từ bao giờ, trong tiến trình lịch sử lâu dài của nó. Xác định thời điểm ra đời tỉnh Quảng Bình là một công việc khó khăn vì những biến động liên miên về không gian lãnh thổ, về danh xưng, về quy mô hành chính… qua các thời kỳ và các giai đoạn lịch sử.

Trên thực tế, ba mốc lịch sử quan trọng do hội thảo đề xuất: 1069, 1604, 1831 đã được lãnh đạo tỉnh và các cấp các ngành chức năng cân nhắc, nghiên cứu để xác định được một thời điểm truyền thống thỏa mãn được các đòi hỏi của khoa học, tình cảm của nhân dân, dựa vào hệ thống các tiêu chí cơ bản được đông đảo cộng đồng thừa nhận:

- Về không gian lãnh thổ.

- Về hành chính.

- Về dân tộc, truyền thống lịch sử-văn hóa.

- Về danh xưng.

Không dễ tìm thấy một thời điểm xác định nào trong ba mốc lịch sử kể trên thỏa mãn tuyệt đối, đồng thời các tiêu chí, nên vấn đề đang xem xét là rất khó khăn và mang tính tương đối, tuy nhiên đó nhất thiết phải là sự tương đối được thừa nhận, trên cơ sở thỏa mãn nhiều nhất có thể các tiêu chí cụ thể và khoa học.

Năm 1069: Là thời điểm vua Chămpa Chế Củ đã cắt vùng đất ba châu Bố Chinh, Địa Lý, Ma Linh (Nay là địa phận Quảng Bình và một phần phía Bắc Quảng Trị) của đất nước Chămpa cho Đại Việt để chuộc mạng. Ở thời điểm quan trọng này, lần đầu tiên, trên danh nghĩa, vùng đất này được nhập vào Đại Việt, là thời điểm quan trọng rất đáng được lưu ý trong lịch sử mở mang bờ cõi Đại Việt, trong lịch sử phôi thai đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình. Năm 1069, trên thực tế đang mang trong mình nó các giá trị khởi đầu, tiền thân rất quan trọng đối với các thế hệ người dân Quảng Bình về sau. Do vây, nếu lựa chọn năm 1069 làm năm thành lập tỉnh sẽ tôn vinh được yếu tố truyền thống lâu đời, đáng tự hào của một vùng đất, mà trong tình cảm, gần như tất cả chúng ta đều mong muốn.

Tuy nhiên, nếu suy xét các tiêu chí hình thành một đơn vị hành chính thì năm 1069 còn thiếu hụt nhiều điều kiện để xem đây là thời điểm hình thành đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình.

Theo sử sách, ngày Canh Thân, tháng ba, năm Kỷ Dậu (nhằm 18/3/1069 dương lịch), đoàn quân Đại Việt do vua Lý Thánh Tông thân chinh, đại tướng quân Lý Thường Kiệt đi tiên phong, khởi hành bằng đường thủy từ cửa Nam Giới (cửa Sót - tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) bắt đầu cuộc chinh phạt Chămpa. “Lúc thuyền quân ta tới Nhật Lệ, thủy quân Chàm chặn đánh, Lý Thánh Tông sai tướng đại-liêu-ban Hoàng Kiện tiến đánh. Quân Chiêm thua (…) Quân ta không đổ bộ ở Nhật Lệ vì mục đích vua Lý là phá kinh thành và bắt chúa. Cho nên thuyền quân lại thẳng xuống phương nam.(…) Bốn ngày sau qua khỏi khoảng cát Đại-tràng-sa. Ấy vào ngày kỷ tháng hai (DL 27-3)” (Lý Thường Kiệt - Hoàng Xuân Hãn). Như vậy trong hành trình 9 ngày đi qua vùng đất ba châu Địa Lý, Bố Chíinh, Ma Linh của Chămpa, đoàn quân Đại Việt chỉ đụng độ quân Chiêm một trận ở cửa biển Nhật Lệ và không hề đổ bộ lên bất cứ địa điểm nào ở vùng đất ba châu này để đặt quân đồn trú. Đó chỉ là một cuộc hành quân trừng phạt thuần túy chứ không hề có mục đích chiếm đất, mở mang bờ cõi. Chính vì vậy, sau khi thất bại, bị bắt, vua Chămpa Chế Củ đã cắt vùng đất này cho Đại Việt để chuộc mạng, nhưng thực tế ở thời điểm năm 1069 và suốt nhiều năm sau đó, nhà nước Đại Việt chưa chính thức quản lý và chưa thể quản lý vùng đất mới này. Phải đến năm 1075, Lý Thường Kiệt mới cho vẽ bản đồ vùng đất ba châu này vào Đại Việt, triều đình chiêu dân Đại Việt đến ở, nhưng xem ra phải rất lâu sau đó mới hình thành các cụm cư dân Đại Việt đầu tiên đến ở đây, bởi đường thiên lý chưa có, giao thông chủ yếu bằng đường biển, địa hình, thời tiết phức tạp, khắc nghiệt và người bản địa (Chàm) chống đối… Trong điều kiện như thế, không thể nói ở những thời điểm này, tại đây đã hình thành và tồn tại một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương Đại Việt.

Theo đó, năm 1069 chưa phải là các thời điểm hội tụ các điều kiện cho sự ra đời của Quảng Bình.



Năm 1831: Trong đợt cải cách hành chính toàn diện và mạnh mẽ trong phạm vi toàn quốc, vua Minh Mạng đã cho đặt tỉnh Quảng Bình, một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền phong kiến Trung ương có danh xưng và lãnh thổ hoàn toàn trùng khớp với tỉnh Quảng Bình ngày nay. Có thể nói đây là thời điểm hoàn thiện cuối cùng trong tiến trình hình thành tỉnh Quảng Bình cả về không gian lãnh thổ, hành chính, đặc trưng văn hóa và danh xưng, là thời điểm đã hội tụ gần như đầy đủ và chín muồi các tiêu chí đặt ra để xác định thời điểm ra đời tỉnh Quảng Bình.

Tuy nhiên thời điểm năm 1831 không được lựa chọn vì các lý do sau:

- Đây là thời điểm tuy chắc chắn về các tiêu chí, nhưng nó quá muộn so với diễn trình hình thành tỉnh Quảng Bình. Tại thời điểm năm 1831 này có đến 2 tiêu chí: đặc trưng văn hóa - lịch sử và danh xưng, trên thực tế đã hình thành, phát triển tại đơn vị hành chính thống nhất phủ Quảng Bình cách đó từ hơn 227 năm trước (1604) và ổn định cho đến ngày nay. Đây là những tiêu chí phi vật thể rất quan trọng, góp phần định hình một tỉnh Quảng Bình ngày nay với những bản sắc riêng độc đáo và thống nhất chung trong cộng đồng Việt Nam . Theo đó, nếu lựa chọn thời điểm 1831 làm năm thành lập tỉnh là chúng ta đã bỏ sót một lượng các giá trị tinh thần truyền thống quý giá của tỉnh nhà.

- Một đặc đểm lớn khác của năm 1831 là chính thức xuất hiện danh xưng đầy đủ tỉnh Quảng Bình và có không gian lãnh thổ cơ bản giống như ngày nay. Tuy nhiên, khái niệm tỉnh trên thực tế đó cũng là tên gọi khác cùng cấp độ hành chính của các đơn vị hành chính trực thuộc trực tiếp chính phong kiến Trung ương trước đó: Châu, Trấn, Phủ, Lộ... qua các thời điểm lịch sử, trên con đường cải cách hành chính lâu dài của nước nhà.



Năm 1604: Chúa Nguyễn Hoàng đổi tên vùng đất này từ phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình

Thời điểm này, Phủ Quảng Bình thực sự đã trở thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh thống nhất, ổn định trực thuộc chính quyền Trung ương, kế thừa bền vững sự khởi nguồn là một đơn vị hành chính thống nhất của thời gian trước đó: Trấn Tân Bình (năm 1397, đời Trần Nhân Tông).

Mặt khác, đây là năm mà lần đầu tiên danh xưng QUẢNG BÌNH xuất hiện trong diễn trình hình thành các danh xưng tỉnh này và tồn tại liên tục cho đến ngày nay. Danh xưng, về mặt ngôn ngữ học chỉ là một ký hiệu để phân biệt đối tượng này với đối tượng khác. Tuy nhiên, một khi danh xưng xuất hiện, tồn tại bền vững và lâu dài cùng đối tượng, mà ở đây là một đơn vị hành chính, thì danh xưng đó không còn là một ký hiệu ngôn ngữ học thuần túy nữa, mà trở thành một phần thuộc tính của đối tượng, chuyên chở rất nhiều các giá trị tinh thần truyền thống của đối tượng, đặc biệt đối tượng đó là một cộng đồng hành chính - văn hóa - lịch sử. Và do đó, với thời gian, tiêu chí danh xưng QUẢNG BÌNH này trở nên rất quan trọng đối với con người và vùng đất - đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình sau này.

Cho đến năm 1604, trên mảnh đất phủ Quảng Bình, cộng đồng dân cư Việt ngày càng gia tăng về số lượng, ổn định cuộc sống, định hình phát triển truyền thống lịch sử - văn hóa vùng đất và dần hình thành bản sắc. Đó là sự kế thừa, bồi đắp, hoàn thiện, phát triển truyền thống văn hóa - lịch sử đã được sơ khởi từ các làng xã của hàng trăm năm trước. Sách Ô châu cận lục của Dương Văn An (viết năm 1553) đã kê cứu hàng trăm làng xã, nhiều huyện, phủ ở vùng đất này với một thiết chế hành chính khá ổn định. Hơn thế nữa ông đã miêu tả nhiều phong tục tập quán, nhiều giá trị tinh thần truyền thống phong phú, độc đáo của rất nhiều miền quê, khẳng  định một bản sắc văn hóa mới, không còn nguyên gốc như nơi phát tích, do sự ổn định của vùng đất do sự tiếp biến văn hóa tạo dựng nên. Những tinh hoa đó được tích lũy, trao truyền, phát triển qua các thời điểm đang bàn thảo và cho đến tận ngày nay.

Ở thời điểm năm 1604, phủ Quảng Bình có không gian lãnh thổ hơi tụt xuống phía Nam một ít so với địa phận tỉnh Quảng Bình ngày nay. Sự thật thì ở thời điểm Trịnh - Nguyễn phân tranh dai dẳng và khốc liệt tại khu vực sông Gianh - đèo Ngang, khi phân định phủ Quảng Bình, chúa Nguyễn Hoàng phải định liệu một đơn vị hành chính có cương vực hơi tụt xuốn phía Nam một ít, là để phòng thủ Đàng Ngoài trong ý đồ cát cứ của mình. Và trên thực tế, cũng vì chiến tranh mà phần đất Bắc Bố Chính, ngay cả Đàng Ngoài cũng gần như không quản lý. Đó là vùng đất "lưu không", là chiến trường mà cả hai bên đều không thể quản lý. Các triều đại sau này nhận thấy  sự bất hợp lý này đã lại nhập vào đất cũ.

Không gian lãnh thổ Quảng Bình từ năm 1069 đến nay có rất nhiều biến động, theo đó, định vị một không gian ở một thời điểm nào  đó trong quá khứ trùng khít với lãnh thổ tỉnh Quảng Bình hiện tại là rất tương đối. Do vậy, năm 1604 là thời điểm đáng được chấp nhận về tiêu chí này. Nó đã kế thừa sự ổn định tương đối về không gian lãnh thổ thời điểm 1379 trấn Tân Bình và gần phù hợp với không gian lãnh thổ tỉnh Quảng Bình ngày nay.

Năm 1692, Nguyễn Hữu Cảnh người con ưu tú của phủ Quảng Bình vâng lệnh Chúa Nguyễn đi mở cõi phương Nam. Ông đã dùng các địa danh của Quảng Bình đặt tên cho nhiều địa danh vùng đất mới, di dân Quảng Bình vào ở và chắc chắn đã sử dụng kinh nghiệm hành chính làng, xã, huyên, phủ nơi chánh quán để lập nên thôn ấp xã, tỉnh… tại vùng đất mới. Ngày nay nhiều địa phương đồng bằng ở sông Cửu Long và vùng Sài Gòn - Gia Định đều coi ông là Thành hoàng và đã lần lượt kỷ niệm 300 năm ngày thành lập.

Qua đánh giá các tiêu chí của từng thời điểm đã nêu trên, năm 1604 đã được lựa chọn làm năm thành lập tỉnh Quảng Bình.



III. Năm 1604: Sự lựa chọn dựa trên cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và sự đồng thuận

Xác định năm 1604 là năm hình thành tỉnh Quảng Bình là sự lựa chọn dựa trên các cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và sự đồng thuận:

1. Có thể thấy rằng, tại hội thảo xác định ngày thành lập tỉnh Quảng Bình, năm 1604 là năm được nhiều tham luận quan tâm nhất trong quá trình tìm kiếm khoa học khách quan, độc lập và đầy trách nhiệm. Mặc dù vấn đề rất khó khăn, song với một phương pháp luận khoa học, trên cơ sở sự hợp lý hợp tình, nhìn trên tổng quát, hội thảo đã tìm kiếm được sự  thống nhất quý giá trong quá trình giải quyết vấn đề.

Có một thực tế là  trong khoa học, không phải lúc nào số đông cũng đúng. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, đây không phải là sự đồng thuận của một số đông bất kỳ, mà là số đông của một tập hợp các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu gần như thuần khiết, được lựa chọn, có chuẩn bị, có tư duy độc lập, từ nhiều nguồn nghiên cứu, và do đó sự đồng thuận của số đông này không thể không đem đến cho chúng ta một nhận thức hữu ích nào đó. Có lẽ nhờ đó mà kết quả hội thảo trên tực tế đã được dư luận đồng tình và đánh giá thỏa đáng, theo đó làm cơ sở khoa học quan trọng cho các cấp, các ngành làm dữ liệu để xem xét.

2. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trong Công văn số 131/HKHLS, ngày 10/12/2011 cũng đã xác định:

“- Kết quả Hội thảo khoa học về “Xác định ngày thành lập tỉnh Quảng Bình” do Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức ngày 13 tháng 12 năm 2001 đã đề nghị chọn mốc năm 1604 - “Năm hình thành tỉnh Quảng Bình” là hoàn toàn phù hợp.

Bởi lẽ, tại thời điểm này mới bắt đầu có danh xưng đầy đủ “Quảng Bình” và là đơn vị hành chính cấp “Phủ” (đồng cấp tỉnh) trực thuộc chính quyền Trung ương của Quốc gia Đại Việt mà sau là Việt Nam, bao quát tương đối toàn bộ lãnh thổ tỉnh Quảng Bình ngày nay.

- Việc tỉnh Quảng Bình chọn mốc 1604 làm kỷ niệm hoàn toàn không ảnh hưởng đến tính logic hình thành so với các tỉnh chọn mốc 1831. Phần lớn các tỉnh chọn mốc 1831 là do mới tách ra hình thành tỉnh mới, hoặc danh xưng đã có từ lâu nhưng chưa có sự thống nhất toàn vẹn tương đối về lãnh thổ và địa giới hành chính như từ năm 1831 đến nay”.

3. Trước đó, nhà sử học Dương Trung Quốc, một nhà khoa học từng nhiều năm gắn bó với các hoạt động khoa học lịch sử, văn hóa tỉnh Quảng Bình, với tư cách người đồng chủ trì hội thảo cũng khẳng định: “Chỉ theo dõi những tham luận được trình bày tại cuộc hội thảo của chúng ta cũng thấy phản ánh những quan điểm khác nhau xuất phát từ sự lựa chọn những tiêu chí khác nhau. Phải nói rằng, mặc dầu khác nhau nhưng mỗi luận chứng đều được phát biểu một cách có hệ thống với những lập luận chặt chẽ.

Do vậy, để có được một sự đồng thuận, tôi xin dùng chữ “đồng thuận” chứ không nói đến sự nhất trí thì lãnh đạo tỉnh phải xác định rõ được cái mục đích chính của sự tìm chọn này. Phương pháp khoa học nhưng mục tiêu chính phải là chính trị. Mà cái mục tiêu chính trị cao nhất phải đặt sự tồn tại và phát triển của Quảng Bình trong sự thống nhất và phát triển của dân tộc, đồng thời nó lại ăn sâu vào tâm thức, tạo nên niềm tự hào của địa phương.

Do vậy, sau khi được nghe tất cả những nhóm ý kiến  khác nhau, với những lập luận khác nhau, theo ý kiến cá nhân tôi, tôi cho rằng sự lựa chọn mốc năm 1604 là có nhiều điểm hợp lý, hợp tình hơn cả. Về lý thì nó là cái mốc vừa đánh dấu một quá trình hình thành vừa tạo ra một động lực cho sự phát triển  và hoàn chỉnh tiếp theo. Hơn thế, về tình nó lại gắn liền với tâm thức của nhân dân, những người đang sống trên địa bàn của tỉnh cũng như những người con Quảng Bình đang sống trên các vùng lãnh thổ khác, trong và ngoài nước cũng như cũng như ngay cả những đồng bào ở các địa phương khác luôn khắc sâu tên gọi Quảng Bình như một địa danh của một địa phương mang trong lòng những truyền thống tốt đẹp đáng tự hào. Là người tham gia chủ trì cuộc hội thảo này tôi mong mọi người có thể tìm đến sự đồng thuận làm cơ sở cho lãnh đạo tỉnh vững tâm quyết định”.

3. Trên cơ sở kết quả của hội thảo khoa học, ý kiến chuyên môn của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, sự tham mưu của các cấp, các ngành, sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, ngày 11/07/2012, HĐND tỉnh Quảng Bình khoá XVI, kỳ họp thứ 5, đã đồng thuận biểu quyết và ban hành Nghị quyết số 41/NQ-HĐND công nhận năm hình thành tỉnh Quảng Bình là năm 1604.

Năm 2014, chúng ta sẽ tổ chức kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh tỉnh Quảng Bình. Ở thời điểm lần đầu tiên kỷ niệm năm hình thành tỉnh, chúng ta vừa rất đỗi tự hào về lịch sử lâu bền của tỉnh nhà, vừa tin tưởng, đoàn kết hướng tới tương lai xây dựng một tỉnh Quảng Bình giàu đẹp, văn minh.
Tài liệu tham khảo:

1. Dương Văn An, Ô châu cn lục, Nxb Văn hóa Á Châu, 1961.

2. Nguyễn Văn Siêu, Đại Việt địa dư toàn biên, Viện Sử học, Nxb Văn hóa, 1997.

3. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Thư viện Quảng Bình xuất bản năm 1998.

4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Thư viện Quảng Bình xuất bản năm 1998.

5. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Thuận Hóa, 1994.

6. Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, Nxb Văn học, 1995.

7. Lương Duy Tâm, Địa lý - Lịch sử Quảng Bình, 1963 (bản đánh máy).



8. Nguyễn Thế Hùng, Xuôi dòng lịch sử, Tập san Quảng Bình quê tôi, Sài Gòn, 1974.

9. Kỷ yếu hội thảo khoa học Xác định ngày thành lập tỉnh Quảng Bình, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Quảng Bình, 2001.

tải về 66.71 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương