GS. ts. Nguyễn văn mạNH



tải về 87.5 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu09.06.2018
Kích87.5 Kb.
#39791
ĐAN XEN VĂN HOÁ TRONG CỘNG ĐỒNG CÁC DÂN TỘC

Ở QUẢNG BÌNH HIỆN NAY



GS.TS. NGUYỄN VĂN MẠNH

Trường Đại học Khoa học Huế

Đan xen văn hóa/quan hệ văn hóa (culture relation) thể hiện quá trình tương tác, xích lại gần nhau, quá trình hòa hợp cố kết của các tộc người trong một cộng đồng các quốc gia đa dân tộc; nó là một xu hướng tất yếu của lịch sử, mang nhiều giá trị tích cực, như sự học hỏi, vay mượn, tiếp nhận những cái hay, cái đẹp của văn hóa các tộc người cận cư; tuy nhiên, quá trình này đồng thời cũng tiềm ẩn những mặt hạn chế nhất định, như sự lai căng, hoặc như Alvin Toffler đã từng cảnh báo là “nhiễu loạn”1 trong tiếp nhận văn hóa. Vì vậy, nghiên cứu đan xen văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong một quốc gia nói chung hay từng địa phương nói riêng là một việc làm vừa có ý nghĩa khoa học vừa có giá trị thực tiễn, nhằm tìm ra những xu thế tất yếu, những mặt tích cực để phát huy, nhưng đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế để đẩy lùi và ngăn chặn.

Quảng Bình là một tỉnh đa tộc người, ngoài người Việt, bao gồm cả nhóm Nguồn, chiếm hơn 97% dân số, phân bố ở các vùng đồng bằng, vùng ven biển, trung du và miền núi, còn nhiều dân tộc thiểu số cư trú ở vùng miền núi với 19.871 người, chiếm khoảng 2,3% dân số toàn tỉnh2. Các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình bao gồm dân tộc Bru - Vân Kiều với các nhóm Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong và dân tộc Chứt bao gồm các nhóm, Sách, Mày, Rục, Arem, Mãliềng. Ngoài ra, còn có một số dân tộc thiểu số khác ở phía bắc mới di cư vào không lâu và số lượng cũng không nhiều như Mường, Thổ, Tày, Nùng,…

Cộng đồng các dân tộc ở Quảng Bình từ lâu đã diễn ra quá trình đan xen văn hóa, giao lưu, vay mượn, học hỏi lẫn nhau giữa các tộc người thiểu số với tộc người thiểu số, giữa các tộc người thiểu số với người Việt và cả quan hệ xuyên quốc gia với các dân tộc ở Lào. Ngày nay do tác động của toàn cầu hóa, quá trình đó lại càng được thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ. Trong quá trình đó đã diễn ra những xu hướng hợp lý, tích cực, nhưng đồng thời cũng chứa đựng những xu hướng không bình thường, tiêu cực. Làm thế nào để sự giao lưu văn hóa/đan xen văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Quảng Bình ngày càng phát triển theo xu hướng tích cực là một yêu cầu đặt ra hết sức cấp thiết đối với sự phát triển bền vững xã hội nước ta nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng.

Nhận thức được điều đó, chúng tôi, qua báo cáo này, tập trung giải quyết ba vấn đề:

- Lịch sử dân cư và sự phân bố dân cư của các tộc người ở Quảng Bình

- Xu hướng đan xen/quan hệ văn hóa trong cộng đồng các dân tộc ở Quảng Bình hiện nay

- Tác động của quá trình đan xen/quan hệ văn hóa trong cộng đồng các dân tộc ở Quảng Bình hiện nay

1. Lịch sử dân cư và sự phân bố dân cư của các tộc người ở
Quảng Bình

Theo chúng tôi, cộng đồng các tộc người trong lịch sử ở Quảng Bình có thể chia thành hai lớp dân cư: Lớp văn hóa Việt - Chăm cổ với các nhóm Sách, Mày, Rục, Arem, Mãliềng thuộc dân tộc Chứt; lớp dân cư người Việt, bao gồm cả nhóm Nguồn với các nhóm Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều.

Đối với lớp dân cư thứ nhất, cho đến nay nguồn tư liệu và dấu tích về họ còn lại rất ít ỏi. Trước hết là dấu tích thành lũy, theo Đại Nam nhất thống chí, “ở phía bắc huyện Bình Chính, trên dãy núi Hoành Sơn chất đá làm lũy… tương truyền lũy này do Lâm Ấp đắp để làm đường phân giới với Giao Châu”3. Đầu thế kỉ XX, nhiều học giả nước ngoài như R.L.Cadièrre, Finot, L. Goloubew, Barton, Antoine, M.Bonffier đã có những cuộc khảo sát vùng Quảng Bình và đã cho ta biết những thông tin rất ngắn gọn về dấu tích văn hóa người Chăm. Năm 1903, R.L.Cadièrre đã có cuộc khảo sát thành lồi ở Cao Lao Hạ và kết luận: “Thành Cao Lao Hạ có lẽ được xây dựng trên địa điểm của những công sự Chiêm Thành”4. Bên cạnh đó, các khảo cứu về thành Ninh Viễn, các pho tượng Chăm ở Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch; ở Bồ Khê, Kẻ Nại, huyện Bố Trạch; ở Đại Hữu, huyện Quảng Ninh và đặc biệt dấu tích văn hóa Chămpa ở hang động Phong Nha, như chữ Chăm khắc trên vách đá, gạch Chăm và nhiều mảnh gốm Chăm gồm các bài vị, tượng Phật bằng đá, bàn thờ đá của người Chăm và của người Việt,… đã được các học giả nước ngoài ghi chép lại một cách cụ thể. Tại hang động Phong Nha, các học giả nói trên đã đi đến nhận định: hang động Phong Nha được dùng làm nơi thờ tự Phật giáo của cả người Chăm và người Việt5.

Năm 1995, GS.Trần Quốc Vượng và các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học Hà Nội đã đưa ra những nhận định khi thám sát hang động Phong Nha như sau: Dấu tích ở hang Bi Kí trong động Phong Nha có thể là thánh đường Chăm từ thế kỉ IX đến đầu thế kỉ XI. Ở đây có nhiều mảnh thân và miệng các bình gốm thô không men cùng với các mảnh gốm có men với hoa văn hình cánh sen điển hình cho đồ gốm của người Chăm, cùng với nhiều mẩu gạch bị vỡ mềm ra như đất và những dấu tích nền móng, vật liệu kiến trúc đá của người Chăm6.

Vùng miền núi Quảng Bình là địa bàn sinh sống chủ yếu của các nhóm dân tộc Chứt. Có thể nói, ở vùng đất này, lớp dân cư có mặt sớm nhất phải nói đến là các nhóm Sách, Mày, Rục, Arem, Mãliềng thuộc dân tộc Chứt. Trong đó, người Sách ở vùng thấp (sách là đơn vị hành chính thời phong kiến ở miền núi, dần dần Sách trở thành tên gọi của một nhóm người); người Rục, Arem ở vùng cao (Rục là tên gọi chỉ đặc điểm cư trú của nhóm người ở gần rục nước - mạch nước ngầm chảy qua những lèn, những mô đá lớn, Arem ở dưới những rèm đá…). Nên nhớ rằng, vùng núi ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng có nhiều rèm đá, rục nước…

Dân tộc Chứt có khoảng 4.000 người, phân bố chủ yếu ở 11 xã thuộc ba huyện: Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch. Trong khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, người Chứt có mặt ở 6 xã thuộc 2 huyện: Minh Hóa và Bố Trạch, với khoảng trên 2.000 người, bao gồm các nhóm Arem, Rục, Sách (Từ hang động Phong Nha theo đường tỉnh lộ 20, về phía tây khoảng 4-5km chúng ta sẽ gặp các nhóm người thuộc dân tộc Chứt). Họ là những cộng đồng dân cư nói ngôn ngữ Việt - Mường. Điều đặc biệt là các nhóm dân tộc này tách khỏi cộng đồng tiền Việt - Mường trước khi Mường tách khỏi Việt.

Lớp dân cư thứ hai có mặt ở miền núi Quảng Bình gồm nhóm người Trì, Khùa, Macoong thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều chỉ mới xuất hiện ở vùng này vào khoảng thế kỉ XVII (họ chủ yếu ở Lào di cư sang)7 và cộng đồng dân cư người Việt, trong đó có nhóm Nguồn. Nhóm người Nguồn với hơn 40.000 người phân bố chủ yếu ở hai huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa. Họ vốn là những người Việt ở vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh và vùng đồng bằng Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình di cư lên vùng núi thượng nguồn sông Gianh vào khoảng thế kỉ XIV8. Còn bộ phận người Việt cư trú ở vùng kề cận Phong Nha - Kẻ Bàng phân bố ở các làng Mé, Trằm, Hà Lời, Na, Phong Nha… Họ vốn là những cộng đồng dân cư ở vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh, vùng đồng bằng Bắc Bộ và cả vùng đồng bằng Quảng Trạch, Bố Trạch ở Quảng Bình lên định cư lập làng ở các vùng phụ cận Phong Nha - Kẻ Bàng vào các thời kì khác nhau (có thể từ thế kỉ XI theo “chiếu mộ dân” của vua Lý Nhân Tông vào lập nghiệp ở đây9, và về sau, đến thế kỉ XVI gắn với sự kiện Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa và Trịnh - Nguyễn phân tranh lấy sông Gianh làm giới tuyến).

Ở Quảng Bình, các nhóm tộc người thuộc ngôn ngữ Việt-Mường bao gồm người Việt, người Nguồn (một nhóm địa phương của dân tộc Việt)10 và các nhóm Sách, Mày, Rục, Arem, Mãliềng (các nhóm địa phương của dân tộc Chứt)11. Các nhóm tộc người này sống kề cận với nhau trên một vùng địa lý rộng lớn - vùng rừng núi thuộc ba huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào gặp nhiều khó khăn, nhiều giá trị văn hóa truyền thống dần bị mai một, nhất là ở các nhóm thuộc dân tộc Chứt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi cả nước tiến hành sự nghiệp CNH-HĐH, giao lưu kinh tế, văn hóa vùng miền ngày càng có nhiều cơ hội để phát triển, ở các nhóm tộc người thuộc ngữ hệ Việt - Mường thuộc tỉnh Quảng Bình diễn ra xu hướng quan hệ tộc người ngày càng đa dạng và sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống văn hóa - xã hội.



2. Xu hướng đan xen văn hóa trong cộng đồng các dân tộc ở Quảng Bình hiện nay

- Xu hướng hòa hợp, cố kết văn hóa giữa các tộc người trong
khu vực

Đây là một trong những xu hướng quan trọng trong đan xen/quan hệ văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Quảng Bình hiện nay. Đó là sự hòa hợp cố kết giữa các nhóm trong một tộc người và giữa các tộc người với nhau, như nhóm Nguồn với người Việt, với các nhóm Sách, Mày, Rục, Arem, Mã Liềng và giữa người Nguồn, người Việt với các nhóm của dân tộc Chứt, dân tộc Bru - Vân Kiều.

Trước hết, xu hướng quan hệ tộc người này được thể hiện ở việc phân bố dân cư giữa các nhóm địa phương của tộc người Chứt, tộc người Bru-Vân Kiều với nhau và với người Nguồn, người Việt. Có một hiện tượng khá phổ biến là trong một bản của người Chứt, người Bru - Vân Kiều có sự cộng cư của các tộc người khác, đồng thời cũng ở đó xuất hiện một số gia đình người Nguồn, người Việt đến làm ăn buôn bán. Thêm nữa, hiện tượng một bộ phận người Mường, người Tày, người Thổ trong những năm gần đây đã di cư vào vùng miền núi Quảng Bình, sống xen lẫn trong cùng một bản làng với người Nguồn và với các nhóm của tộc người Chứt, người Bru-Vân Kiều ngày càng phổ biến.

Sự giao thoa đó còn thể hiện đậm nét trong lĩnh vực hôn nhân. Nếu như trước đây hôn nhân khác tộc và đặc biệt là hôn nhân giữa các tộc người thiểu số với người Việt rất ít xảy ra, thì hiện nay do sự giao lưu văn hóa, sự tác động của kinh tế thị trường, hôn nhân khác tộc ngày càng diễn ra phổ biến, như chồng người Sách, Rục, Mã Liềng, Arem, Vân Kiều, Khùa, Trì, Ma Coong và vợ người Nguồn hoặc người Việt…

Đặc biệt đan xen/quan hệ văn hóa trong cộng đồng các dân tộc ở Quảng Bình hiện nay thể hiện rõ nét trong sự giao thoa và tương đồng văn hóa. Cụ thể, chúng ta thấy giữa người Nguồn và các nhóm tộc người Chứt, Bru-Vân Kiều xét về phương diện làng bản và nhà cửa, đều là những bản làng với cây cối, núi rừng bao quanh và cũng đều là những ngôi nhà bằng chất liệu gỗ, tranh, tre, nứa, lá; về công cụ sản xuất, nhà cửa, đi lại... cơ bản đều giống nhau, được chế tác từ các nguyên liệu gỗ, tre, nứa; về sinh hoạt kinh tế, hiện nay chủ yếu đều là sản xuất ruộng nước, nương rẫy, săn bắn, đánh cá, hái lượm…

Về ẩm thực, giữa người Nguồn và các nhóm tộc người Chứt, Bru-Vân Kiều đã xuất hiện sự đan xen món ăn của tộc người này với tộc người khác mà rất khó để xác định nó là của tộc người này hay tộc người kia. Ví như món cơm, món bồi, món ốc suối, rượu cần, các món bánh nếp (như bánh chưng, bánh dày, bánh lá),… đang trở thành món ăn không chỉ của người Nguồn mà còn của cả các nhóm khác của tộc người Chứt ở Minh Hóa, Tuyên Hóa và miền núi huyện Bố Trạch.

Về phong tục tập quán, lễ nghi tôn giáo, giữa người Nguồn và các nhóm tộc người Chứt, Bru-Vân Kiều rất khó phân biệt đâu là của tộc người này hay tộc người kia. Ví như các nghi thức cúng phát rẫy, gieo hạt, cơm mới hay phong tục chọn đất lập bản làm nhà,… Nhiều nghi lễ tôn giáo đều có ở cả các tộc người trong khu vực, ví dụ như người Rục dùng phương pháp “thổi” để chữa bệnh, dùng độc dược để “thư” kẻ thù, thì những nhóm Sách, Mày, Mã Liềng, Nguồn, Arem cũng biết thổi, biết thư như vậy.

Trong văn học nghệ thuật, những mô típ truyền thuyết, truyện cổ dân gian, như nguồn gốc loài người, sự tích cây cối, muông thú ở rừng, quan hệ xã hội giữa người giàu - người nghèo,… rất khó phân biệt đâu là của tộc người này, đâu là của tộc người kia; hay, các loại hình nhạc cụ như sáo Pi, sáo K’nông, tù và, đàn môi đều xuất hiện ở các nhóm tộc người Chứt, người Bru-Vân Kiều và cả ở người Nguồn.

Đặc biệt trong những năm gần đây, do tác động của kinh tế thị trường, do sự mở rộng của các nông lâm trường ở vùng rừng núi, những yếu tố văn hóa của người Việt lại càng có điều kiện giao lưu, hội nhập với văn hóa các tộc người thiểu số. Những ngôi nhà đất bê tông, mái ngói hoặc lợp tôn, những trang phục, dụng cụ sinh hoạt gia đình của đồng bào chính là được mua hoặc trao đổi từ người Việt; rồi các món ăn, dụng cụ chế biến thức ăn, dụng cụ ăn uống,… tất cả đều được “Việt hóa”. Ngay cả phong tục tập quán-yếu tố ít chịu ảnh hưởng và biến động nhất, cũng có xu hướng giao lưu, biến đổi, như một số bản làng của tộc người thiểu số đã rập khuôn theo cách của người Việt, tổ chức tảo mộ vào dịp lễ tết, thắp hương lập bàn thờ tổ tiên, tổ chức lễ tết cùng với người Việt; hôn nhân cũng chịu ảnh hưởng từ trang phục, bài trí, tổ chức của người Việt. Thậm chí xuất hiện cả xu hướng thanh thiếu niên dân tộc bây giờ chỉ học và nói tiếng Việt, sử dụng rất ít tiếng nói của tộc người mình...

Bên cạnh đó cũng cần phải nói đến sự đan xen văn hóa các tộc người xuyên biên giới ở miền núi tỉnh Quảng Bình. Hiện tượng này diễn ra chủ yếu ở vùng cửa khẩu Cha Lo huyện Minh Hóa giữa các dân tộc ở Quảng Bình với người Lào, mà cụ thể ở đây là quá trình trao đổi mua bán hàng hóa giữa người Lào với người Việt, người Mày, người Khùa… Ví dụ sản phẩm thổ cẩm và nhiều mặt hàng bông vải sợi cùng với một số dụng cụ sinh hoạt gia đình của người Lào bày bán ở chợ Yleng được người Mày và người Khùa rất ưa chuộng. Một số nhạc cụ và làn điệu dân tộc Lào như điệu Khắp ở người Mày, các loại nhạc cụ khèn sáo khác ở người Khùa, người Mày rất có thể đã tiếp nhận từ người Lào. Nên nhớ rằng, đa số người Lào thuộc ngữ hệ Tày-Thái. Họ rất giỏi trồng bông dệt vải và sử dụng rất phong phú nhiều loại nhạc cụ dân tộc.

Hiện tượng giao thoa văn hóa xuyên biên giới này mặc dù mới chỉ là bước đầu nhưng đó là là hiện tượng tích cực kích thích sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các tộc người trong khu vực cần được phát huy.

- Xu hướng giao lưu và hội nhập văn hóa hiện đại

Trong những năm gần đây, chúng ta thấy ở cộng đồng các dân tộc ở Quảng Bình đang diễn ra một quá trình hội nhập văn hóa giữa truyền thống và hiện đại mạnh mẽ và rộng khắp, cả các làng xóm người Việt ở đồng bằng và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Vùng người Việt là quá trình CNH-HĐH, đô thị hóa, còn các bản làng của đồng bào thiểu số đã kết hợp tốt những yếu tố văn hoá hiện đại và truyền thống, đơn cử như các nhóm của tộc người Bru-Vân Kiều và Chứt, đặc biệt là người Vân Kiều, người Sách đã biết chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng cường trồng lúa vãi, lúa nước, trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng, trồng các loại cây ăn quả có giá trị cao, biết chăn nuôi bò lai, biết sử dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc giống - cây - con... Trong thiết kế nhà cửa, nhiều bản làng đã biết kết hợp xây dựng nhà chung cộng đồng, nhà sàn theo lối hiện đại (bê tông hóa, xi măng hóa...), hoặc các trường học, trạm xá, trụ sở ủy ban được xây dựng theo lối hiện đại bên cạnh bản làng của đồng bào. Trong ẩm thực, các yếu tố văn hoá hiện đại ngày càng được du nhập một cách mạnh mẽ vào bản làng của đồng bào các dân tộc thiếu số, kể cả những bản làng xa nhất. Đó là sự xuất hiện của các phương tiện chế biến món ăn như nồi cơm điện, bếp ga, nồi lẩu điện,... Thậm chí có cả một số món ăn công nghiệp đóng hộp, bánh mì, bơ, sữa, mì ăn liền… trong bữa ăn của đồng bào. Trong trang phục, bên cạnh các bộ đồ Âu bằng cotton đã được người dân sử dụng từ lâu, nay xuất hiện complet, áo len, áo dài và thậm chí còn có cả trang phục hiện đại của cô dâu chú rể trong ngày cưới. Việc tổ chức lễ hội đã có sự kết hợp các yếu tố truyền thống và hiện đại, như bên cạnh việc cúng tế, lễ nghi tôn giáo còn có tổ chức liên hoan văn nghệ, thi đấu thể thao. Nhiều gia đình các tộc người thiểu số đã sử dụng các phương tiện hiện đại trong sinh hoạt hàng ngày như xe máy, tivi, radio… Tất cả những điều đó đã làm cho đời sống các tộc người thiểu số ở vùng rừng núi ngày càng đổi mới. Một số bản làng nhanh chóng tiếp nhận các phương tiện nghe nhìn hiện đại như loa phát thanh, tivi màn ảnh rộng, phim ảnh, sách báo, các bài hát, điệu múa, nhạc cụ hiện đại và những bộ quần áo theo mốt mới, dây chuyền vàng, nhẫn vàng, những đồ dùng bằng nhựa, bằng ni lông và cả những dàn karaoke... vốn chỉ có ở phố huyện.



- Xu hướng đồng hóa về văn hóa

Trong quá trình đan xen/quan hệ văn hóa trong cộng đồng các dân tộc ở Quảng Bình hiện nay, một xu hướng thường diễn ra đó là đồng hóa văn hóa, bao gồm cả đồng hóa tự nhiên và đồng hóa cưỡng bức. Đồng hóa tự nhiên là quá trình tiếp nhận văn hóa một cách tự nguyện giữa các tộc người, thường giữa các tộc người có dân số lớn hơn, có trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cao hơn với tộc người hay nhóm tộc người nhỏ sống cận cư. Xu thế này dẫn đến tình trạng các tộc người và nhóm tộc người nhỏ tiếp thu văn hóa một phần hoặc hoàn toàn (khi bị đồng hóa) với tộc người có trình độ cao hơn. Còn đồng hóa cưỡng bức là áp đặt, ép buộc khi cộng đồng dân cư đó chưa tự nguyện tiếp nhận văn hoá. Đây là xu hướng thường diễn ra trong điều kiện xã hội có giai cấp với sự nô dịch và xâm lăng. Và rõ ràng đồng hóa cưỡng bức là tiêu cực.

Đồng hoá khác với giao lưu văn hóa ở chỗ, nếu giao lưu văn hóa là tiếp nhận văn hóa của tộc người khác trên cơ sở cái truyền thống của mình để bổ sung và đổi mới thì đồng hóa văn hóa là vay mượn thuần tuý, để bổ sung vào các yếu tố văn hóa của tộc người cận cư có trình độ phát triển cao hơn (trong nhiều trường hợp đồng hóa làm suy giảm các yếu tố văn hóa truyền thống).

Trong những năm gần đây, cùng với quá trình phát triển kinh tế thị trường, các xu hướng đồng hóa mà chủ yếu là đồng hóa tự nhiên đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ ở vùng đồng bào thiểu số ở Quảng Bình. Quá trình đó diễn ra ở hai trường hợp sau đây:

+ Ở vùng thung lũng thấp của các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa có nhóm người Sách, khoảng trên 2.000 người sống kề cận với nhóm người Nguồn (thuộc dân tộc Việt). Nhóm tộc người này đang ngày càng có xu hướng bị đồng hóa tự nhiên bởi tộc người kề cận có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn. Bởi vậy, có hiện tượng một số người Sách tự nhận mình là người Nguồn và ngược lại (trong trường hợp người Nguồn tự nhận mình là Sách chỉ vì lý do để được hưởng các chính sách xã hội, vì người Sách là dân tộc thiểu số). Vì thế, hiện nay chúng ta rất khó phân biệt đâu là người Sách, đâu là người Nguồn nếu chỉ xét về phương diện văn hóa vật thể của hai nhóm tộc người này.

+ Trường hợp đồng hóa tạo nên những thay đổi mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống các nhóm tộc người Chứt và cả các nhóm của tộc người Bru-Vân Kiều trong những năm gần đây là quá trình diễn ra đồng hóa tự nhiên với văn hóa người Việt. Trường hợp này được đồng nhất với quá trình hiện đại hóa văn hóa ở các nhóm tộc người thiểu số trong tỉnh. Việc đồng hóa tự nhiên này diễn khá mạnh mẽ từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần, như sự tiếp nhận quy trình và kỹ thuật sản xuất ruộng nước, trồng trọt, chăn nuôi, cách thức cư trú, nhà cửa, các phương tiện sinh hoạt trong gia đình (giường, tủ, bàn, ghế,...), dụng cụ và phương thức chế biến món ăn, cách ăn, các loại hình ca múa nhạc, và thậm chí cả tín ngưỡng lễ nghi tôn giáo (cách thức tảo mộ, lập bàn thờ tổ tiên, lễ nghi trong tang ma, cưới hỏi12,...).

Đối với đồng hóa cưỡng bức, đây là một xu hướng chỉ diễn ra ở một số trường hợp trong quá trình thực hiện chính sách định canh, định cư hoặc thực hiện chương trình 134, 135 ở một số bản làng. Đó là việc xây dựng những ngôi nhà đất với chất liệu bê tông cốt thép chật hẹp, mái lợp tôn, xung quanh không có đất vườn, xa khu vực sản xuất và nguồn nước, hoặc đưa người dân về sống ở các khu định cư khi người dân chưa đồng tình... Những trường hợp như vậy, ở mặt này, mặt khác đều là sự biểu hiện của hình thức đồng hóa cưỡng bức.

3. Tác động của quá trình đan xen/quan hệ văn hóa trong cộng đồng các dân tộc ở Quảng Bình hiện nay

- Tác động tích cực: Đan xen/quan hệ văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc ở Quảng Bình hiện nay đã tác động đến sự phát trển kinh tế văn hóa xã hội của các địa phương trên toàn tỉnh. Trước hết, giao lưu văn hóa đã tạo cơ hội để các nhóm tộc người hiểu biết lẫn nhau, học hỏi những cái hay, cái đẹp của nhau, đặc biệt là các nhóm tộc người Bru-Vân Kiều và tộc người Chứt học hỏi người Việt (nhất là nhóm người Sách), như học cách làm ruộng nước, học cách thờ tổ tiên, cách tảo mộ, cách tổ chức lễ tết, các lễ nghi cưới hỏi, làm nhà,… Từ quan hệ văn hóa, các nhóm tộc người càng có điều kiện thúc đẩy quan hệ kinh tế, trao đổi hàng hóa, nhờ vậy tư duy kinh tế, tư duy sản xuất hàng hóa ngày càng được các tộc người Chứt, Bru-Vân Kiều tiếp nhận. Thêm vào đó, nhờ quan hệ tộc người mà các sản phẩm văn minh vật chất như tivi, quạt điện, xe máy… đã có mặt trong đời sống của đồng bào dân tộc. Đó là những nhân tố thúc đẩy biến đổi sản xuất, kích thích lao động theo lối kinh tế thị trường… Và cũng chính nó đang ngày càng lấn át tiềm thức lao động thủ công nhờ trời, lệ thuộc vào tự nhiên của các nhóm người Chứt, người Bru-Vân Kiều.

Bên cạnh đó, đan xen văn hóa còn góp phần tạo nên một nền văn hóa đa dạng, phong phú và tiên tiến. Các nhóm tộc người trong một dân tộc và giữa các dân tộc ngày càng xích lại gần nhau, học hỏi những cái hay, cái đẹp của nhau. Và tất cả những nhân tố đó càng thúc đẩy tích cực công cuộc xóa đói giảm nghèo, biến đổi cuộc sống của người dân theo hướng văn minh hiện đại.



- Tác động tiêu cực: Tuy nhiên, đan xen văn hóa cũng làm nảy sinh những mặt trái trong đời sống xã hội của đồng bào các dân tộc. Đó là nó đã làm mai một và đứt gãy văn hóa truyền thống. Đây là hệ quả của quá trình quan hệ tộc người ở cộng đồng các dân tộc ở Quảng Bình hiện nay, mà chủ nhân của nó tự đánh mất một phần hoặc toàn bộ các yếu tố văn hóa trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội. Nó không phải là quá trình kế thừa, tiếp nhận, loại bỏ và bổ sung để phát triển mà là sự lãng quên, đứt gãy truyền thống. Từ đó dẫn đến hiện tượng cái cũ mất đi, nhưng cái mới chưa hình thành, tạo nên sự hẫng hụt trong đời sống văn hoá mà hậu quả là các giá trị văn hóa của họ bị suy thoái và trở nên nghèo nàn.

Như vậy, các nhóm tộc người trong cộng đồng các dân tộc ở Quảng Bình trong những năm gần đây do tác động của các xu hướng quan hệ tộc người đã xuất hiện quá trình mai một và đứt gãy văn hóa truyền thống. Chúng ta có thể nhận thấy quá trình đứt gãy này ở mối quan hệ xã hội và tổ chức xã hội. Ở đây, vai trò già làng, chủ đất và cả thầy cúng bị mờ nhạt, thậm chí có một số bản họ chỉ còn tồn tại trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo, như các bản người Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong, Sách, Mày, Rục, Mã Liềng. Hoặc trong quan hệ xã hội, sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, sự bình đẳng và dựa trên quyền sở hữu tối cao của cộng đồng, những tri thức bản địa, luật tục,… đang có xu hướng mai một, mờ nhạt dần vai trò của nó trong đời sống của người dân. Trong đời sống văn hóa vật thể và phi vật thể chúng ta cũng bắt gặp những hiện tượng tương tự. Dụng cụ đánh bắt, trang phục, nghề thủ công truyền thống đang có nguy cơ bị mai một và dần bị thay thế bởi những sản phẩm công nghiệp. Kể cả các lễ nghi tôn giáo, lễ hội do quan hệ cộng đồng và vai trò già làng bị suy giảm, nên cũng theo đó bị mai một, đứt gãy; kho tàng truyện cổ, ca múa nhạc của các tộc người do tác động của xã hội hiện đại mà cũng dần bị lãng quên... Theo xu hướng này, hệ quả là cái cũ, cái truyền thống bị suy thoái trong lúc chủ nhân của nó chưa đủ nội lực để tiếp nhận cái mới, dẫn đến sự “lai căng” văn hóa, và tất yếu, bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư đó trở nên nghèo nàn.

Tác động tiêu cực thứ hai của quan hệ tộc người là nó làm nhiễu loạn văn hóa. Quan hệ tộc người đã làm nảy sinh một hệ quả là tầng lớp trẻ trong khi chưa tiếp nhận bền vững những giá trị văn hóa truyền thống, lòng tự hào, tự tôn dân tộc chưa được bồi đắp một cách dày dặn thì những làn sóng văn hóa bên ngoài tràn vào hằng ngày hằng giờ đã khiến cho “bộ lọc” tiếp nhận của họ không đủ sức phân loại, và trong nhiều trường hợp, họ sẽ bị lạc lõng, bỡ ngỡ trước những thang giá trị mới, từ đó dẫn đến việc tiếp nhận văn hóa hiện đại theo lối lai căng, học đòi. Và hệ quả như Alvin Toffler đã nói: “… nếu đặt một nền văn hóa mới chồng lên văn hóa cũ… một nền văn hóa bị cắt đứt với quá khứ”13 thì sẽ tạo ra sự “nhiễu loạn” trong tiếp nhận, mà ông gọi là “ cú sốc văn hóa”14.

Trong quan hệ tộc người còn có xu hướng đồng hóa cưỡng bức. Đó là hiện tượng việc thực hiện các chương trình dự án của Nhà nước chưa mềm dẻo và hiệu quả. Có những trường hợp người dân như bị cưỡng bức, gò ép theo khuôn mẫu của dự án. Họ được bố trí cư trú trong những ngôi nhà được xây dựng sẵn, liền kề (ở vùng người Rục, người Arem); những ngôi nhà chung để sinh hoạt cộng đồng được xây dựng theo lối phòng họp với tường gạch, mái lợp tôn; người dân được đưa về định cư ở những vùng gần trục đường giao thông nhưng xa không gian sản xuất, bãi chăn thả… Những điều đó đã khiến người dân trong nhiều trường hợp hoặc bất bình, hoặc có tâm lý ỷ lại, và hiệu quả của các chương trình dự án do đó không cao, đời sống của người dân vốn đã nghèo nay cũng không được đổi mới bao nhiêu. Đó là nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng tái nghèo, tái quay trở lại đời sống du cư trong rừng sâu của một số hộ người Mãliềng, người Rục, Arem.

Rõ ràng, quá trình đan xen văn hóa trong cộng đồng các dân tộc ở Quảng Bình những năm gần đây có những tác động tích cực cần được phát huy, bởi nó không chỉ góp phần đắc lực vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, nâng cao cuộc sống của người dân mà còn phục hồi và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, quá trình này trong không ít trường hợp đã dẫn đến những tác động theo hướng tiêu cực. Vì vậy trong quá trình diễn ra đan xen văn hóa, chúng ta cần tìm hiểu đầy đủ những xu hướng, những tác động tích cực và tiêu cực của nó để góp phần phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt trái có nguy cơ dẫn đến sự đứt gãy, lai tạp và nhiễu loạn văn hóa truyền thống. Có như vậy, quá trình đan xen văn hóa mới diễn ra một cách tích cực và bền vững.

Tài liệu tham khảo:

1. Alvin Toffler (1996), Đợt sóng thứ 3, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

2. Alvin Toffler (2002), Cú sốc tương lai, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

3. Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình (2008), Sổ tay công tác dân tộc, Đồng Hới.

4. Nguyễn Dương Bình (1975), Về thành phần dân tộc của người Nguồn; trong Về vấn đề xác định thành phần các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

5. R.L.Cadièrre, Lịch sử địa danh Quảng Bình, bản dịch tại Thư viện tỉnh Quảng Bình.

6. Khổng Diễn (2004), Trở lại thành phần dân tộc người Nguồn, Tạp chí Dân tộc học, số 6.

7. Nguyễn Thế Hoàn (2002), Sự hình thành và phát triển làng xã Quảng Bình trước 1945, Tạp chí Dân tộc học, số 5.

8. Nguyễn Văn Mạnh (2008), “Dấu ấn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Quảng Bình”, Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, số 3/2008.

9. Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Khắc Thái (2007), Hoa trên đá núi - Chân dung các dân tộc thiểu số miền Tây Quảng Bình, Nxb Thống kê,
Hà Nội.

10. Viện Dân tộc học (1978), Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978.

11. Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Quảng Bình (2002), Phong Nha - Kẻ Bàng - Từ tư liệu tổng quan, Quảng Bình.

12. Quốc sử quán triều Nguyễn (1999), Đại Nam nhất thống chí, Tỉnh Quảng Bình, Nxb Thuận Hóa, Huế.



QUẢNG BÌNH VỚI KHĂM MUỘN VÀ SAVANNAKHET

1 Alvin Toffler, 2002, tr.27.

2 Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, 2008, tr.11.

3 Quốc sử quán triều Nguyễn, 1999, tr.140.

4 R.L.Cadièrre, Lịch sử địa danh Quảng Bình, bản dịch tại Thư viện tỉnh Quảng Bình.

5 Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Quảng Bình, 2002, tr.11-12.

6 Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Quảng Bình, 2002, tr.12-13.

7 Viện Dân tộc học, 1978, tr.126.

8 Nguyễn Dương Bình, 1975, tr.473.

9 Nguyễn Thế Hoàn, số 5/2002, tr.43.

10 Người Nguồn ở Quảng Bình được coi là người Việt ở Thanh - Nghệ - Tĩnh di cư vào vùng núi Tuyên Hóa, Minh Hóa vào khoảng thế kỉ XIV-XV, với dân số khoảng trên 3 vạn người.

11 Các nhóm tộc người Chứt được các tác giả như Hà Văn Tấn, Phạm Đức Dương, Nguyễn Văn Tài, Trần Chí Dõi, Nguyễn Văn Mạnh… thống nhất cho rằng họ thuộc nhóm cư dân tiền Việt – Mường cư trú biệt lập ở vùng núi Quảng Bình và một số ít ở Hà Tĩnh.

12 Thực ra xu hướng này vừa bao hàm nội dung giao lưu văn hóa vừa đồng hóa tự nhiên giữa người Việt với các tộc người thiểu số.

13 Alvin Toffler, 1996, tr.18.

14 Alvin Toffler, 2002, tr.27.


tải về 87.5 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương