1. Thực dân Pháp trở lại xâm lược Quảng Bình và chủ trương của Đảng về việc xây dựng làng chiến đấu



tải về 114.53 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích114.53 Kb.
#13072
PHONG TRÀO XÂY DỰNG LÀNG CHIẾN ĐẤU VÀ NHỮNG LÀNG CHIẾN ĐẤU TIÊU BIỂU Ở QUẢNG BÌNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

ThS. TRỊNH THỊ LỆ HÀ

Trung tâm Sử học

Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ

1. Thực dân Pháp trở lại xâm lược Quảng Bình và chủ trương của Đảng về việc xây dựng làng chiến đấu

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước ta phải đương đầu với nhiều khó khăn, đặc biệt là nguy cơ xâm lược trở lại của thực dân Pháp. Chỉ vài tháng sau khi ta giành được chính quyền, ngày 23 tháng 9 năm 1945, núp dưới bóng quân Anh, mượn danh nghĩa quân Đồng minh, thực dân Pháp trở lại Sài Gòn gây hấn ở Nam Bộ, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Nhân dân Nam Bộ nhất tề đứng lên kháng chiến. Cả nước hướng về Nam Bộ, nơi “máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam” và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc.

Ngày 25 tháng 11 năm 1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc. Bản Chỉ thị nhận định những thay đổi căn bản tình hình thế giới, trong nước sau chiến tranh thế giới thứ hai, đồng thời nêu rõ những thuận lợi cơ bản và những thử thách lớn của cách mạng giải phóng dân tộc mà nhân dân ta đang tiến hành. Về cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, Đảng ta chủ trương tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân rộng khắp, huy động sức mạnh tại chỗ và sức mạnh cả nước, vừa kháng chiến vừa kiến quốc để giữ vững nền độc lập và thống nhất.

Để có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, Chính phủ ta đã ký với đại diện Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 và sau đó là Tạm ước 14/9/1946. Nhưng với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã tiến hành đánh chiếm nhiều nơi ở nước ta. Điều này cho thấy khả năng hòa hoãn và giải quyết cuộc chiến tranh bằng hòa bình không còn nữa và chúng ta buộc phải cầm súng chống quân xâm lược. Tháng 11 năm 1946, thực dân Pháp nổ súng khiêu khích lấn chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và một số tỉnh ở miền Bắc. Ngày 17 tháng 12 năm 1946, thực dân Pháp gây hấn tại Thủ đô Hà Nội. Trước tình hình đó, ngày 18 và 19 tháng 12 năm 1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc. Ngày 20 tháng 12 năm 1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ với lời lẽ giản dị, đanh thép và nội dung ngắn gọn, súc tích là lời hịch cứu quốc, tiếng gọi của núi sông, huy động toàn dân đứng lên đánh giặc, là khởi nguồn và nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đầu năm 1947, Bộ chỉ huy Pháp đã mở nhiều cuộc tiến công đánh chiếm miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Sau khi đánh chiếm Thừa Thiên, Quảng Trị và được tăng thêm viện binh, thực dân Pháp tiến công đánh chiếm Quảng Bình, thực hiện chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh”. 16 giờ ngày 26 tháng 3 năm 1947, thực dân Pháp cho 5 tàu chiến và 2 ca nô rập rình ngoài khơi cách cửa sông Nhật Lệ chừng 2 hải lý. Chi đội Lê Trực cùng lực lượng dân quân, du kích thị xã Đồng Hới được lệnh triển khai đội hình chiến đấu như kế hoạch đã định.

Sáng ngày 27 tháng 3 năm 1947, thực dân Pháp chính thức tấn công xâm lược Quảng Bình lần thứ hai. Chúng chia thành hai cánh quân: Cánh thứ nhất khoảng 2.000 tên, từ Quảng Trị theo quốc lộ 1A đánh ra; cánh thứ hai dùng lực lượng tàu chiến đưa quân đổ bộ tiến đánh vào Thanh Khê, Đồng Hới.

Tại cửa biển Nhật Lệ, quân Pháp đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của một đơn vị vệ quốc quân dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Thanh Đồng, tiểu đoàn trưởng Chi đội Lê Trực. Với quân đông, hỏa lực phi pháo mạnh, quân địch ào ạt tiến đánh hết đợt này đến đợt khác. Lực lượng của ta ít, vũ khí thô sơ nhưng với tinh thần quyết chiến đã anh dũng đánh bật các đợt tiến công của địch khi chúng mới đặt chân lên bãi biển. Đến trưa, lực lượng ta bị tổn thất nặng, đồng chí Lê Thành Đồng hy sinh, Ủy ban Kháng chiến tỉnh ra lệnh cho các đơn vị rút lui để bảo toàn lực lượng.

Đến trung tuần tháng 4 năm 1947, thực dân Pháp đã hoàn thành về cơ bản việc xâm lược Quảng Bình lần thứ hai. Lực lượng kháng chiến của Quảng Bình gặp nhiều khó khăn, cơ quan lãnh đạo chuyển ra đóng ở Tuyên Hoá. Do xa cơ quan lãnh đạo, địch lại tăng cường việc càn quét, cô lập lực lượng kháng chiến với nhân dân nên lực lượng vũ trang tỉnh đứng trước những thử thách lớn.

Thực hiện âm mưu “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, thực dân Pháp đã mở nhiều cuộc hành quân càn quét đẫm máu để dồn dân, bắt lính, vơ vét của cải, tài sản của nhân dân. Trong tháng 7 năm 1947, chúng đã tiến hành 4 cuộc càn quét đốt sạch, giết sạch, phá sạch gây nhiều tang tóc đau thương cho đồng bào ta. Ngày 3 tháng 7, chúng tấn công thôn Trung Thuần đốt trại của đồng bào tản cư, phá các cơ quan kháng chiến. Ngày 13 tháng 7, chúng tấn công các trại tản cư ở Thuận Đức (Đồng Hới) giết một lúc 45 người. Ngày 14 tháng 7, chúng tàn sát đồng bào chợ Gộ (Quảng Ninh) giết 65 người. Ngày 27 tháng 7, địch tấn công Rào Trù (Quảng Ninh) đốt phá bệnh viện, giết 30 người. Ngày 29 tháng 11, chúng gây vụ thảm sát Mỹ Trạch Thượng (Lệ Thủy), đốt 400 nóc nhà, giết 300 người, đa số là người già, phụ nữ và trẻ em. Tội ác của giặc Pháp trong những ngày đầu đánh chiếm Quảng Bình không thể nào gột rửa được.

Đến cuối năm 1947, thực dân Pháp đã xây dựng đồn bốt, đóng chiếm các vị trí xung yếu khắp các huyện thị trong tỉnh (trừ Tuyên Hóa chúng chưa chiếm được). Tính đến tháng 11 năm 1947, thực dân Pháp đã đóng 31 vị trí chính, với tổng số quân 1.350 tên (Pháp 695 tên, bảo vệ quân 645 tên). Ngoài ra, chúng còn lập Đảng quốc gia liên hiệp có hệ thống từ xã đến huyện; thực hiện việc mua chuộc, dụ dỗ một số phần tử thiên chúa giáo, một số thân sỹ để thực hiện âm mưu chia rẽ lương giáo, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Cùng với việc xây dựng đồn bốt, thực dân Pháp xúc tiến thành lập bộ máy chính quyền bù nhìn các cấp, tổ chức hương vệ, bắt dân rào làng cô lập mọi liên hệ với kháng chiến. Ở Quảng Trạch, trong số 68 thôn, địch đã lập được chính quyền 32 thôn, trong đó 15 thôn chúng nắm được hoàn toàn, 17 thôn dân chúng buộc phải lập để tránh sự khủng bố của địch. Ở Bố Trạch, trong số 68 thôn, chúng lập được chính quyền 23 thôn, trong đó có 8 thôn chúng nắm được hoàn toàn, 15 thôn ta đưa được người vào. Tại thị xã Đồng Hới, chúng lập được chính quyền tất cả các thôn nhưng chỉ có 2 thôn chúng nắm được hoàn toàn. Quảng Ninh có 61 thôn chúng lập chính quyền được 36 thôn. Lệ Thủy trong 98 thôn chúng lập được chính quyền 20 thôn.

Về quân sự, để xúc tiến kế hoạch bình định và mở rộng vùng chiếm đóng, Bộ Tư lệnh Bắc Trung phần do tướng LeBris cầm đầu đã chia Bình - Trị - Thiên ra 3 phân khu; Quảng Bình thành một phân khu, dưới phân khu có các tiểu khu. Trong từng tiểu khu, địch bố trí hệ thống trọng pháo để khống chế chiến khu, vùng du kích và vùng tự do. Thực dân Pháp không những dùng lực lượng quân sự để đàn áp, khủng bố nhân dân ta mà còn phá hoại kinh tế kháng chiến của ta.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Quảng Bình đã kịp thời đề ra chủ trương chuyển hướng hoạt động. Địa bàn Quảng Bình được chia thành 3 khu: Khu Bắc (từ Bắc sông Gianh trở ra); Khu Trung (từ Nam sông Gianh vào Bắc Long Đại) và khu Nam (từ Nam Long Đại trở vào). Thường vụ Tỉnh phân công khu Bắc do đồng chí Thanh Hải, Bí thư Tỉnh uỷ phụ trách; khu Trung do đồng chí Hoàng Văn Diệm, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh phụ trách; phụ trách khu Nam là đồng chí Hồng Xích Tâm. Đồng thời, tỉnh tăng cường cán bộ cho cơ sở và các lực lượng vũ trang, nhất là các huyện trọng điểm, thị xã để xây dựng lại cơ sở bị vỡ, nắm quần chúng, ổn định tình hình.

Trong những ngày đầu của chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến tỉnh đã có kế hoạch triển khai các công tác bảo vệ nhân dân, bảo vệ các cơ quan của chính quyền, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Ngay chiều hôm giặc Pháp chiếm Đồng Hới, đồng chí Hoàng Văn Diệm, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh đồng thời phụ trách khu Trung đã họp với cán bộ trong Ủy ban nhận định tình hình và đề ra các chủ trương chỉ đạo kịp thời.

Quán triệt đường lối “Kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài” của Đảng, Tỉnh uỷ Quảng Bình chủ trương xây dựng các làng xã chiến đấu. Ủy ban Kháng chiến đề ra chủ trương phải nhanh chóng thành lập các đội du kích thường trực (gọi là biệt động đội) ở các địa phương để đánh địch; xây dựng các làng chiến đấu để bảo vệ làng xóm, bảo vệ nhân dân. Để có thể thực hiện một cuộc chiến tranh “toàn dân, toàn diện, lâu dài” thì vấn đề cốt lõi chính là việc xây dựng hậu phương thật vững chắc. Việc xây dựng hậu phương là một vấn đề có tính chất chiến lược và quyết định sống còn đối với thắng lợi của toàn bộ cuộc chiến, như luận điểm nổi tiếng của Lênin: Muốn tiến hành chiến tranh một cách thực sự, phải có một hậu phương có tổ chức vững chắc… Và làng xã chiến đấu chính là bước thực hiện đầu tiên nhằm tạo cơ sở cho hậu phương vững chắc đó.

Thực hiện khẩu hiệu “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm là một pháo đài”, công tác xây dựng làng chiến đấu được đẩy mạnh khắp các huyện, xã trong toàn tỉnh. Ông Phan Xuân Thiết, một cán bộ tiền khởi nghĩa ở Quảng Bình, từng công tác trong Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh thời kỳ này nhận định rằng: Phong trào xây dựng làng chiến đấu thật sự rất mạnh ở Quảng Bình. Ở đây, nhân dân huy động các loại tre trồng kín quanh làng, làm cổng làng bằng tre gai, tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện và kiểm tra những người lạ mặt vào làng. Hệ thống hầm hào, công sự được đào đắp từ xóm này sang xóm khác, kết hợp với hầm chông, bãi mìn theo phương án chiến đấu đánh ngoài làng, đáng trong làng. Một số khu vực trống trải được cắm chông cao để đề phòng địch đổ bộ đường không1.

Những làng chiến đấu tiêu biểu đầu tiên ở Quảng Bình trong kháng chiến chống Pháp có thể kể đến: Cự Nẫm (Bố Trạch), Cảnh Dương (Quảng Trạch), Quảng Xá (Quảng Ninh), Hưng Đạo (Lệ Thủy), Hoàn Lão (Bố Trạch), Hiển Lộc (Lệ Thủy).

2. Một số làng chiến đấu tiêu biểu ở Quảng Bình

2.1. Làng chiến đấu Cự Nẫm (huyện Bố Trạch)

Ngày 27 tháng 3 năm 1947, Quảng Bình bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cự Nẫm có vị trí chiến lược rất quan trọng về an ninh và quốc phòng trong toàn tỉnh. Làng Cự Nẫm nằm trên trục đường Tỉnh lộ 2 đoạn từ Hoàn Lão đi Khương Hà, Phong Nha, cách huyện lỵ Bố Trạch 15km về phía Tây Bắc. Phía Tây làng có khe Cái Trong đổ ra nguồn sông Son để sau đó hợp với sông Gianh đổ ra biển; phía Bắc có đường xe lửa xuyên Việt chạy qua. Xung quanh làng có nhiều cao điểm độc lập hoặc liên hoàn như Cồn Tro, Cồn Nàn, Rú Nguốn, Đồng Dôn, Hố Đá... rất thuận lợi cho việc bố trí binh, hỏa lực tấn công và phòng thủ. Cự Nẫm còn nằm trên đường liên lạc bí mật của tỉnh, là tiền đồn phía Đông, là chiếc áo giáp bên ngoài của vùng tự do Bố Trạch và của cả tỉnh (lúc bấy giờ cơ quan lãnh đạo kháng chiến huyện đóng ở Hà Lời, Cổ Giang, Troóc, Củ Lạc). Cự Nẫm là vựa lúa của huyện Bố Trạch, là cửa ngõ giữa vùng địch hậu và vùng tự do.

Xác định vị trí chiến lược quan trọng và địa thế hiểm yếu của Cự Nẫm đối với cuộc kháng chiến, nhận định đúng âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù đối với địa phương, quán triệt đường lối kháng chiến của Đảng, Tỉnh ủy Quảng Bình chủ trương thành lập làng chiến đấu Cự Nẫm để động viên toàn dân kháng chiến. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Huyện ủy Bố Trạch đã chỉ đạo chi bộ Đảng ở Cự Nẫm lãnh đạo nhân dân rào làng chiến đấu.

Chi bộ Cự Nẫm tuy chỉ có 7 đảng viên nhưng đã biết lấy lực lượng dân quân du kích làm nòng cốt, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của đại đội 3, chi đội Lê Trực nhằm vận động nhân dân xây dựng làng chiến đấu. Làng có hàng rào bảo vệ gồm 3 tuyến làm bằng tre, gỗ, trong đó tuyến 3 là tuyến kiên cố nhất. Hàng ngàn bụi tre ngà, tre rỉ được nhân dân đốn xuống dựng lũy. Ở tuyến 1 và tuyến 2 có rào cao 3m. Ở tuyến 3, lợi dụng lũy tre quanh làng, nhân dân gia cố thêm nên rất dày và kiên cố. Bên trong các tuyến rào là giao thông hào chạy xuyên các tuyến, chằng chịt như bàn cờ để du kích cơ động và ẩn nấp. Ngoài ra, nhân dân còn đào hầm bí mật, hố chiến đấu, đặt bẫy, gài chông. Cả làng chỉ có 2 lối ra vào, được du kích túc trực canh gác thường xuyên. Ở vòng ngoài, ta bố trí 9 vọng gác trên các ngọn đồi cao (Rú Nguồn, Cồn Tro, Cồn Nàn, Động Sơn, Cồn Tèo, Mò Cua, Vải Chết...) để kiểm soát người qua lại trong vùng. Mỗi một vọng gác đều có hiệu lệnh riêng để báo về Sở chỉ huy khi có tình huống mới. Sở chỉ huy đặt ở đình làng, hiệu lệnh chỉ huy là tiếng trống, tiếng mõ. Trống lệnh được đặt ở vị trí vừa bí mật, vừa thuận lợi cho việc phát lệnh trong mọi tình huống. Phương án chiến đấu thống nhất giữa Sở chỉ huy với các vọng gác với lực lượng du kích và nhân dân. Khi có chiến sự xảy ra, các tổ dân quân theo giao thông hào dẫn người già, trẻ em tản ra các vùng an toàn bí mật quanh làng đã được chuẩn bị từ trước, có hầm cất giấu lương thực, bếp nấu ăn, vò đựng nước; lực lượng du kích thì ở lại triển khai chiến đấu2.

Lực lượng vũ trang của làng có 3 trung đội, do đồng chí Nguyễn Bộ làm thôn đội trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Phí, Bí thư chi bộ làm chính trị viên. Trung đội cơ động có 42 đồng chí do đồng chí Hoàng Túc làm Trung đội trưởng cùng với tiểu đội Vệ quốc đoàn của đồng chí Giá là lực lượng tác chiến nòng cốt. Ngoài ra, ở đây còn một trung đội hậu cần, một trung đội liên lạc, một ban sơ tán có giấu gạo, vò đựng nước, chuồng gia súc và bếp nấu ăn. Hàng ngàn thúng lúa gạo do nhân dân đóng góp được du kích chôn giấu kỹ trong lòng đất phòng khi bị địch bao vây lâu dài.

Thấy rõ vị trí xung yếu của Cự Nẫm, thực dân Pháp đã nhiều lần đánh vào đây nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến, lập hội tề, đóng đồn bốt cắt đứt đường giao thông liên lạc của ta từ Bắc vào Nam Quảng Bình. Với sự bố phòng kiên cố, tinh thần chiến đấu anh dũng, quân dân Cự Nẫm đã nhiều lần đánh tan các cuộc tấn công của giặc Pháp, tiêu diệt nhiều tên địch, bảo vệ làng.

Ngày 7 tháng 5 năm 1947, một trung đội lính Pháp đánh vào làng Cự Nẫm, nhằm mục đích tiêu diệt lực lượng kháng chiến; lập hội tề, cắt đường giao thông liên lạc giữa Bắc và Nam Quảng Bình; khai thông đường tỉnh lộ 2 làm cơ sở đánh chiếm vùng tự do của ta. Dân quân du kích và nhân dân Cự Nẫm đã đánh trả quyết liệt, giết 10 tên, làm bị thương nhiều tên, phá tan cuộc hành quân của địch. Từ ngày 7 tháng 5 năm 1947 đến tháng 12 năm 1947, thực dân Pháp đánh vào làng chiến đấu Cự Nẫm 25 trận lớn nhỏ3, nhưng tất cả đều bị dân quân du kích và nhân dân Cự Nẫm đánh cho tan tác. Với những thành tích xuất sắc ấy, làng Cự Nẫm đã được Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu IV đã biểu dương “là một làng chiến đấu kiểu mẫu ở Quảng Bình, dân làng đã tổ chức được nhiều đội du kích thiện chiến, gan dạ, Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã đã biết huy động lực lượng dân chúng trong làng tham gia vào cuộc kháng chiến. Do đó, làng đã đương đầu được với quân Pháp từ khi xảy ra tác chiến ở Quảng Bình”4.

Lo sợ “một làng chiến đấu kiểu mẫu” như Cự Nẫm sẽ lan ra nhiều nơi ở Quảng Bình nên địch lại tiếp tục huy động quân đánh lớn vào Cự Nẫm trong các ngày 1, 2, 3 tháng 3 năm 1948. Đây là cuộc hành quân lớn nhất của địch nhằm tiêu diệt lực lượng ta, san bằng cái chốt Cự Nẫm để đạt cho được mục tiêu xâm lược của chúng. Địch huy động trên 250 quân (trong đó có 213 tên lính Âu - Phi) cho trận càn. Ngoài ra địch bắt thêm 200 dân thường đi theo làm bia đỡ đạn cho chúng. Ngoài súng cá nhân, địch còn trang bị thêm 1 đại bác 75 ly, 12 xe Jeep, 30 ô tô, 7 ca nô.

Về phía ta, để phản công lại cuộc hành quân lớn nhất của địch ta huy động 3 đại đội vệ quốc đoàn, 1 đại đội du kích huyện và lực lượng quân dân tại chỗ. Vũ khí gồm súng trường, ba-dô-ka, bom, địa lôi và đao, kiếm...

4 giờ chiều 1 tháng 3 năm 1948, lực lượng của địch đến gần Rú Nguốn. Một tổ cảm tử quân của Cự Nẫm do đồng chí Nguyễn Triêm chỉ huy đã đặt 3 quả bom ở cuối Dốc Dôn. Địch tiến vào, ta bất ngờ giật bom, diệt 45 tên địch, làm bị thương 12 tên. Mặc dù bị thiệt hại nặng ngay từ đầu nhưng địch vẫn liều lĩnh tiến lên Khương Hà. Sau đó, chúng bắt dân làm đường từ Đồng Dôn vòng lên Cây Đa. Đường làm xong địch cho xe cơ giới từ Cầu Vàng tiến lên Cự Nẫm. Ta lại đặt bom và 3 chiếc đi đầu đã phải đền mạng. Ngày 2 tháng 3 năm 1948, cánh quân từ Khương Hà cho đại bác và súng cối bắn vào ven rừng Khương Hà và Cổ Giang để dọn đường. Sau đó chúng cho 90 tên lính tiến theo ven rừng Khương Hà để vào Cự Nẫm. Đại đội 3 đánh trả quyết liệt làm địch không thể vào làng được. Đến chiều ta tổ chức phản kích mạnh ở Rào Bùng, Gia Hưng làm địch bị thiệt hại thêm nhiều sinh lực. Cùng ngày, địch tăng viện bằng đường thủy từ Thanh Khê lên, du kích ta bố trí dọc sông đã bắn trọng thương 1 ca nô. Sáng ngày 3 tháng 3, ta và địch tiếp tục giành giật nhau từng vị trí, đến chiều địch phải rút quân ở nhiều nơi. Tối đến, lực lượng địch có viện binh, so sánh lực lượng, vũ khí quá chênh lệch nên ta chủ động rút lui về tuyến thứ 2.

Sau 3 ngày chiến đấu, quân và dân Cự Nẫm đã tiêu diệt gần 100 tên địch, phá hỏng 4 xe quân sự, 1 ca nô; phía ta bị địch giết 30 người, bị cướp mất 70 trâu bò. Cự Nẫm đã nêu gương sáng về tinh thần chiến đấu ngoan cường, hy sinh dũng cảm, đi đầu trong phong trào rào làng chiến đấu bảo vệ quê hương. Cự Nẫm được Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu IV nêu gương và phát động cho quân dân toàn liên khu học tập.

Đóng được đồn ở Cự Nẫm, giặc Pháp trả thù rất dã man. Chúng đốt làng, tàn sát dân thường, có người chúng chặt làm 3 khúc, có gia đình chúng giết sạch (như gia đình ông Thức). Sau khi lực lượng vũ trang rút về tuyến 2, nhân dân Cự Nẫm chấp hành chủ trương của Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã thực hiện triệt để tản cư làm “vườn không nhà trống”, lực lượng của ta vẫn duy trì và phát triển chiến tranh du kích, tổ chức quấy phá, tiêu hao địch, đánh bại trên dưới 30 trận càn, đưa địch lùi dần vào thế bị động, phải luôn luôn đối phó với du kích của ta.

Địch đóng đồn ở Cự Nẫm nhưng lại không kiểm soát được dân, không thể tự do đi lại càn quét, luôn bị du kích bám sát tiêu diệt nên về cơ bản chúng vẫn không thực hiện được mục tiêu. Tháng 2 năm 1951, trước tinh thần và hành động cương quyết của quân dân Cự Nẫm, giặc Pháp buộc phải rút quân ở Cự Nẫm và các vị trí xung quanh. Tuy vậy, địch vẫn thường xuyên sử dụng máy bay, trọng pháo bắn phá Cự Nẫm.

Sau khi địch rút, nhân dân Cự Nẫm từ vùng tản cư trở về làng tiếp tục cuộc kháng chiến. Quân dân Cự Nẫm vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng quê hương Cự Nẫm cùng một số vùng lân cận trở thành căn cứ du kích mạnh của huyện. Trung đội du kích tập trung của Cự Nẫm trở thành lực lượng nòng cốt trong đại đội bộ đội địa phương đầu tiên của lực lượng vũ trang Quảng Bình.

Có thể nói, Cự Nẫm là làng chiến đấu xuất hiện đầu tiên, là “làng chiến đấu kiểu mẫu” ở Quảng Bình. Nhân dân Cự Nẫm đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng. Những kinh nghiệm qua thực tế ở Cự Nẫm đã đóng góp vào kho tàng kinh nghiệm chiến tranh của dân tộc, làm sâu sắc hơn nghệ thuật quân sự Việt Nam. Với những chiến công vang dội trong kháng chiến chống Pháp, cùng với những thành tích xuất sắc trong những năm chống Mĩ cứu nước và xây dựng CNXH, năm 1966 và năm 1970 hai lần Cự Nẫm vinh dự được Quốc hội tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

2.2. Làng chiến đấu Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch)

Cảnh Dương là một trong tám bức tranh hoành tráng, văn vật của Quảng Bình: “Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim”5. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Cảnh Dương ở vào một vị trí chiến lược hết sức quan trọng: là cầu nối liền vùng tự do Thanh - Nghệ Tĩnh với phân khu chiến trường Bình Trị Thiên, là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Quảng Bình. Vì vậy, đây chính là mục tiêu chiến lược quân sự mà thực dân Pháp cần đánh chiếm nhằm chặt đứt mạch máu giao thông, chiếm giữ đèo Ngang và làm vị trí tiền tiêu quan trọng. Đặc biệt, Cảnh Dương ở vị thế ở sát biển, gần đường Quốc lộ 1A rất thuận tiện cho việc tiến quân về mặt giao thông thủy bộ, do đó, nếu chiếm được Cảnh Dương thì cả khu vực Roòn dễ dàng nằm trong vòng kiểm soát của thực dân Pháp.

Nhận rõ vị trí xung yếu của vùng đất này, ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến, Huyện ủy Quảng Trạch đã chỉ đạo chi bộ xã Cảnh Dương phát động toàn dân đem hết sức người, sức của ra xây dựng, bố phòng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Noi gương sáng từ làng chiến đấu Cự Nẫm, ở Cảnh Dương hàng trăm người đã lên rừng chặt gỗ; các gia đình đã dỡ nhà để lấy cột, kèo, đòn tay để rào làng chiến đấu. Cả làng được che chở trong ba lớp rào dày đặc. Hàng trăm thùng gỗ dùng để chế biến nước mắm đã huy động đựng cát dựng thành lũy, hàng trăm tường nhà đã được đục thủng làm đường giao thông để dân quân du kích di chuyển trong chiến đấu. Để ngăn chặn tàu địch đánh vào cửa biển, nhân dân Cảnh Dương đã tiến hành ngăn sông Roòn. Họ dùng 28 chiếc ghe có trọng tải từ 20 đến 60 tấn được sắp đá vào cho đắm chìm dưới nước và chất kè đá thêm ở hai đầu bờ sông làm thành một kè dài từ đầu làng sang bến đò thôn Bắc Hà. Ở cửa lạch, nhân dân đóng cọc bằng gỗ để bịt luồng chính. Trên ba hướng vào làng đều có đặt vọng gác, trạm quan sát tàu biển, quy định lệnh báo động, cắt cử người tuần tra canh gác suốt ngày đêm. Cả Cảnh Dương như một pháo đài nổi nằm cạnh sông, biển sẵn sàng đánh trả quân cướp nước. Bên cạnh đó, lực lượng dân quân du kích được huấn luyện kỹ về lối đánh du kích và phòng thủ theo kế hoạch kháng chiến. Chính vì vậy, trong vòng hơn một năm từ sau Cách mạng tháng Tám đến trước ngày 27 tháng 3 năm 1947, với sự nỗ lực lớn, chi bộ Đảng đã lãnh đạo quân và dân xây dựng Cảnh Dương thành một làng chiến đấu, đủ sức đánh bại các cuộc tấn công có quy mô lớn của thực dân Pháp.

Giữa năm 1948, sau khi chiếm xong các vị trí Thanh Khê, Ba Đồn, thực dân Pháp đã mở nhiều cuộc càn ra khu vực Roòn, hòng chiếm giữ đèo Ngang, nhằm cắt đứt mọi sự chi viện của ta từ miền Bắc vào chiến trường Bình - Trị - Thiên qua Quốc lộ 1A và đường biển. Ngày 6 tháng 5 năm 1948, thực dân Pháp huy động hơn 300 tên chia làm hai mũi tấn công vào Cảnh Dương (thủy, bộ), nhưng đều vấp phải sự chống trả quyết liệt của lực lượng dân quân du kích. Hai bên giằng co nhau suốt cả ngày, ta diệt được tên quan hai Pháp và làm bị thương hai tên khác. Địch không chiếm được Cảnh Dương buộc phải rút quân. Thắng lợi trong trận càn này đã cổ vũ thêm tinh thần quyết tâm đánh giặc giữ làng của nhân dân Cảnh Dương.

Cay cú trước thất bại đó, từ ngày 6 đến ngày 12 tháng 5 năm 1948, giặc Pháp lại điều thêm một tiểu đoàn có pháo và ca nô yểm trợ chia thành hai hướng đánh vào Cảnh Dương: một hướng theo đường bộ từ Ba Đồn ra; hướng thứ hai theo đường biển bằng ca nô tạo thành hai gọng kìm kẹp chặt Cảnh Dương. Với quyết tâm bảo vệ quê hương, quân và dân Cảnh Dương đã dũng cảm chiến đấu đánh trả quyết liệt, kết quả đã tiêu diệt được 11 tên địch và làm bị thương 10 tên khác.

Không chiếm được pháo đài kiên cố làng chiến đấu Cảnh Dương, không uy hiếp được vùng Roòn, giặc Pháp càng tăng cường bắn phá ác liệt hơn. 5 giờ sáng ngày 12 tháng 7 năm 1948, địch bắt đầu tấn công vào cùng Roòn với lực lượng trên 1.000 quân có máy bay yểm trợ. Lần này chúng không đánh thẳng vào Cảnh Dương mà cho 250 quân nhảy dù xuống các làng như Kim Long, Phú Lộc ở Tây Bắc Roòn, nhằm uy hiếp tinh thần và dùng đó làm bàn đạp tấn công vào Cảnh Dương. Nhận định được tình hình thực dân Pháp sẽ tập trung tấn công làng Cảnh Dương, ban chỉ huy thôn đội chủ trương cho đồng bào đi tản cư, còn lực lượng dân quân du kích chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Cán bộ, đảng viên, dân quân du kích đã tập trung tại đình thờ tổ, dưới lá cờ quốc kỳ làm lễ tuyên thệ “Quyết tử giữ làng” làm tăng thêm dũng khí chiến đấu cho mọi người. Đúng như dự đoán, sáng ngày 12 tháng 7 năm 1948, Pháp tấn công vào làng nhưng không thể chọc thủng phòng tuyến của ta, đến 10 giờ chúng phải rút lui.

Năm 1953, thực hiện kế hoạch tiến công chiến lược của Nava, thực dân Pháp lại liều lĩnh tấn công vào Cảnh Dương một lần nữa. Đó là trận đánh vào đêm ngày 3 tháng 6 năm 1953. Quân địch lợi dụng đêm tối đổ quân ở Di Luân, Di Lộc rồi áp sát hàng rào của làng. Dân quân Cảnh Dương sau phút bất ngờ đã kịp thời tổ chức phản kích quyết liệt. Trong trận này du kích Cảnh Dương đã bị thiệt hại nặng song vẫn đánh bật được quân Pháp ra khỏi làng. Máu của đồng bào, du kích Cảnh Dương đã đổ xuống trên các nẽo đường thôn xóm, ghi thêm trang sử hào hùng của một làng chiến đấu kiên cường. Sau trận này, giặc Pháp phải từ bỏ âm mưu bình định Cảnh Dương. Từ đó Cảnh Dương là cửa ngõ an toàn của vùng tự do Bắc Quảng Trạch nối liền với Thanh - Nghệ Tĩnh.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, nhân dân Cảnh Dương không những đã xây dựng quê hương mình thành một làng chiến đấu kiểu mẫu theo đường lối chiến tranh nhân dân, đã chống trả hơn 120 trận càn lớn nhỏ (trong đó đã đánh bại 4 trận càn có quy mô lớn), tiêu diệt 84 tên địch và làm bị thương 112 tên, mà còn làm tốt công tác hậu phương phục vụ chiến đấu, đóng góp hơn 5.000 ngày công vận tải đường bộ, có 237 người nhập ngũ...

Tên tuổi làng chiến đấu Cảnh Dương đã trở thành một biểu tượng mẫu mực đối với nhân dân Quảng Bình cũng như nhân dân cả nước. Với những đóng góp to lớn và lập được nhiều thành tích trong kháng chiến chống Pháp, Cảnh Dương đã được Quốc hội và Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý: 1 Huân chương chiến công hạng nhất, 2 Huân chương chiến công hạng hai, 1 Huân chương chiến công hạng ba và 1 Huân chương quân công hạng ba. Ngày 2 tháng 9 năm 1976, Cảnh Dương đã được Quốc Hội và Chính phủ phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Cảnh Dương hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu mà Bác Hồ đã trao tặng: “Cảnh Dương - làng chiến đấu anh dũng”.

2.3. Làng chiến đấu Quảng Xá (huyện Quảng Ninh)

Làng Quảng Xá được lập vào đầu thế kỉ XVI. Vị tiền khai khẩn của làng là một người họ Dương, vốn gốc là người làng Giàng thuộc thôn Dương Xá, xã Thiệu Dương, Thanh Hóa vào sinh cơ lập nghiệp. Lúc đầu làng có tên gọi là “Kẻ Đờng”, đến năm 1802 vua Gia Long cho đổi tên thành làng Quảng Xá. Quảng Xá vốn là một làng quê thuần nông, quanh năm chỉ có cấy cày làm ruộng, sau này thêm nghề thủ công quay tơ dệt vải. Làng Quảng Xá ngày nay thuộc xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Quảng Xá là một xã có phong trào rào làng chiến đấu phát triển mạnh, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Nói là làng chiến đấu bởi làng có bề dày truyền thống chiến đấu giết giặc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Quê hương. Ngay từ những ngày đầu khi thực dân Pháp đặt chân lên xâm lược Quảng Bình, nhân dân làng Quảng Xá đã học tập theo tấm gương của nhân dân Cự Nẫm, tiến hành rào làng, đắp lũy, xây dựng làng chiến đấu nhằm ngăn chặn âm mưu của thực dân Pháp.

Ngày 12 tháng 2 năm 1948, trong trận giặc Pháp tràn vào làng càn quét, khủng bố phong trào cách mạng, nhân dân làng Quảng Xá dưới sự chỉ huy chiến đấu của đội du kích đã tiêu diệt 80 tên giặc. Bị đánh trả và làm tiêu hao lực lượng, kẻ địch bắt đầu tăng viện và điên cuồng ra sức tàn sát giết người cướp của. 64 người con Quảng Xá đã hy sinh anh dũng trong trận chiến đấu.

Trong 8 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân Quảng Xá đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét của giặc Pháp, tiêu diệt 2 tên lính Pháp, hàng chục lính nguỵ, bắt sống và làm bị thương nhiều tên khác, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Làng Quảng Xá đã được Nhà nước công nhận là làng chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp.

Nhằm ghi nhận những thành tích của làng trong những năm kháng chiến, ngày 18 tháng 12 năm 2008, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 3355/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với làng chiến đấu Quảng Xá thuộc xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.



2.4. Làng chiến đấu Hưng Đạo (huyện Lệ Thủy)

Xã Hưng Đạo là phần đất cuối cùng về phía Nam của tỉnh Quảng Bình. Theo gia phả của một số dòng họ, xã Hưng Đạo được thành lập vào khoảng năm Quang Thuận (Canh Thiên 1460). Thời mới thành lập, xã nằm trong tổng Thủy Liên (gồm 19 làng xã). Đầu thời Nguyễn (Gia Long), xã Hưng Đạo thuộc huyện Lệ Thủy, phủ Quảng Bình. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện đã thống nhất thành lập các xã mới, trong đó có xã Hưng Đạo (2/1946). Trải qua chiều dài lịch sử tên xã cũng như địa giới hành chính có nhiều thay đổi, ngày nay cụm trung tâm di tích lịch sử xã chiến đấu Hưng Đạo thuộc xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Ủy ban Kháng chiến các cấp được thành lập và ra lời kêu gọi động viên nhân dân ra sức chuẩn bị mọi mặt để kháng chiến. Ngày 27 tháng 3 năm 1947, Quảng Bình bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngay từ đầu, nhận thấy vị trí quan trọng của Hưng Đạo là cửa ngõ án ngữ con đường chiến lược quan trọng từ Huế ra Quảng Bình, thực dân Pháp bằng mọi cách đánh chiếm cho được Hưng Đạo. Chúng coi đây là “yết hầu” về mặt quân sự, là nơi có thể cung cấp sức người, sức của cho chiến tranh xâm lược. Vì vậy, sau khi chiếm được Đồng Hới, tháng 7 năm 1947 chiếm được đồng bằng Lệ Thủy, quân Pháp tiến về xã Hưng Đạo, đóng ba vị trí: Sen Hạ, Phú Thiết và chợ Mai. Mỗi vị trí có một đại đội đóng giữ để án ngữ vùng giáp ranh giữa Quảng Bình, Quảng Trị và con đường giao thông huyết mạch Quốc lộ 1A. Dựa vào bọn địa chủ cường hào, chúng tổ chức ra hội tề và hương vệ khắp thôn, bắt nhân dân rào làng, thành lập 30 bốt gác ngày đêm có hương vệ canh phòng báo động.

Trước sự khủng bố gắt gao của địch, số cán bộ, đảng viên bị lộ phải lên chiến khu. Chi bộ chỉ còn 3 đồng chí nhưng chẳng bao lâu lại sa vào tay giặc. Đến tháng 12 năm 1948, sau gần một năm xây dựng, tình hình bắt đầu có sự chuyển biến, chi bộ Hưng Đạo tổ chức hội nghị bất thường để quán triệt tình hình mới, lúc này số đảng viên đã tăng lên 50 người, thành lập 3 tổ. Đồng chí Đinh Duy Trịnh được cử làm Bí thư kiêm chủ tịch xã Hưng Đạo, đồng chí Lê Đồng làm xã đội trưởng, đồng chí Hoàng Sĩ Kiểm làm xã đội phó.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ xã Hưng Đạo, thực hiện khẩu hiệu “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm là một pháo đài”, chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân, du kích đã đào được hàng trăm hầm, hàng chục ki lô mét giao thông hào vòng quanh các làng, xóm nối xóm, thôn nối thôn. Không kể già trẻ, gái, trai tất cả mọi người đều tham gia chặt tre, chất thành lũy, rào cao từ 1,5m đến 2m. Tính chung cả xã có hơn 20km chiều dài, 2,5km chiều rộng hàng rào. Trên hệ thống hàng rào đó có các hệ thống tín hiệu chặt chẽ, có địch đến là có tiếng mõ báo động lan truyền nhanh nhạy, gây cho địch nỗi lo sợ về chiến tranh du kích.

Trong 8 năm kháng chiến gian khổ và oanh liệt đó, nhân dân, du kích Hưng Đạo đánh phục kích 66 trận (chỉ tính những trận tương đối lớn) phối hợp với bộ đội 25 trận, tiêu diệt trên 1.100 tên địch, bắt sống 17 tên, thu 73 khẩu súng, phá hủy 1 pháo đài 75 ly, 6 xe quân sự, đốt phá 30 đồn bốt địch, phối hợp với bộ đội tiêu diệt 1 đồn địch và 5 lô cốt lớn, cất dấu và vận chuyển hơn 200 tấn vũ khí và lương thực từ bờ biển lên chiến khu, đóng góp gần một vạn ngày công phục vụ hoả tuyến.

Di tích làng chiến đấu Hưng Đạo là niềm tự hào về truyền thống đánh giặc giữ làng, về tinh thần cách mạng của nhân dân Hưng Đạo nói riêng, của Quảng Bình và cả nước nói chung. Những kinh nghiệm qua thực tiễn ở Hưng Đạo đã đóng góp một phần quan trọng vào kho tàng kinh nghiệm chiến tranh của dân tộc, làm sâu sắc hơn nghệ thuật quân sự Việt Nam.

2.5. Làng chiến đấu Hoàn Lão (huyện Bố Trạch)

Hoàn Lão nằm ven đường Quốc lộ 1A, cách thị xã Đồng Hới 18km về phía Bắc, là ngã ba của đường số 1 và đường số 2 đi Tây Trạch, Cự Nẫm, Phúc Trạch nối với vùng tự do Thanh - Nghệ Tĩnh. Cơ sở kháng chiến ở Hoàn Lão vững chắc là có thể khống chế được toàn bộ hoạt động của địch ở vùng Bắc Quảng Bình. Xây dựng cơ sở ở Hoàn Lão là làm chủ được đường tỉnh lộ từ Đại Nam lên Sen Bàng và kiểm soát Rào Dinh, bảo đảm tuyến giao thông vận tải, liên lạc Bắc - Nam.

Dưới sự chỉ huy của tên quan tư Niex, thực dân Pháp dựng ở Quảng Bình 5 khu vực chiếm đóng... Hoàn Lão là khu trung tâm của Trung Trạch, cũng là khu vực trung tâm Bố Trạch. Xung quanh Hoàn Lão là một hệ thống tiến đồn Vạn Lộc, Võ Thuận, Cự Nẫm, Liên Dinh, Kẻ Bàng và hàng chục lô cốt bao bọc. Trong 5 khu vực đóng quân, khu vực Hoàn Lão – Bố Trạch chúng bố trí nhiều hệ thống đồn bốt nhất trong toàn tỉnh.

Học tập tinh thần chiến đấu của làng Cự Nẫm, nhân dân Hoàn Lão dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng đã đào hàng trăm giao thông hào từ xóm này qua xóm khác, thôn này qua thôn khác trong toàn xã. Hàng trăm ngày công, ván, gỗ, tre được huy động ra xây dựng làng chiến đấu. Các ụ súng dọc đường Quốc lộ 1A, Tỉnh lộ 2 và các ngõ xóm được xây dựng vững chắc và bí mật.

Đại đội du kích Trung Trạch chia làm các trung đội về xây dựng cơ sở bí mật trong lòng địch. Mặc cho địch càn quét, khủng bố, chà đi xát lại nhiều lần nhưng những chiến sĩ du kích hoạt động bí mật đã làm cho địch mất ăn mất ngủ và nhiều phen nao núng. Họ tiêu diệt những toán tuần tiễu, leo lên cây ném lựu đạn vào xe giặc đi càn. Ban đêm họ dùng rơm, xăng đốt cháy hàng chục mét hàng rào xung quanh đồn địch. Có nhiều bà con bỏ lựu đạn vào rổ giả vờ đi chợ, sau đó khi gặp địch thì ném vào chúng. Nhiều người trong đội biệt động là thợ cắt tóc, đã cắt đầu địch ngay giữa chợ Hoàn Lão. Dân quân du kích Hoàn Lão liên tục hoạt động một cách xuất quỷ nhập thần, khi cắt dây điện thoại, khi phá đường giao thông, khi diệt đồn bằng đủ cách, địch không thể tìm được quy luật để đối phó. Chi bộ xã đã tổ chức trung đội nữ du kích làm nhiệm vụ canh gác, nắm tình hình địch. Ban đêm Trung đội nữ du kích dùng bức kích pháo bắn vào đồn, chôn bom ngay trước cổng đồn làm cho địch không dám ra vào, thậm chí phải mua nước để uống, hoặc tập trung quân yểm hộ đi lấy nước sông Dinh về dùng.

Hoàn Lão - Trung Trạch là làng chiến đấu ở đồng bằng, ngay trong lòng địch. Chi bộ Đảng đã lãnh đạo nhân dân giữ vững phong trào liên tục. Nhiều cán bộ tỉnh, huyện về hoạt động, cơ sở bị lộ nhưng không có đồng chí nào bị bắt. Sáu tháng đầu năm 1949, dân quân du kích Hoàn Lão đã tiêu diệt 60 tên địch, làm bị thương 30 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang và quân dụng6. Đội du kích được Liên khu IV tặng cờ danh dự, Chính phủ tặng Huân chương kháng chiến hạng nhì cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Hoàn Lão.



2.6. Làng chiến đấu Hiển Lộc (huyện Quảng Ninh)

Ngay sau khi thực dân Pháp đặt chân lên đất Quảng Bình, thực hiện khẩu hiệu: “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xã là một pháo đài”, Huyện uỷ Quảng Ninh đã chỉ đạo nhân dân Hiển Lộc không quản gian lao, ngày đêm thực hiện kế hoạch rào làng chiến đấu, toàn dân đánh giặc giữ làng. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân, du kích đã tích cực góp công, góp của rào làng, đào hầm, đắp ụ, xây dựng làng xã chiến đấu. Bao quanh làng là một hàng rào tre cao từ 3-4m, tiếp đó là một tuyến giao thông hào dài khoảng 4.000m trải quanh làng và đi vào từng xóm. Do làng nằm giữa vùng chiêm trũng, thường bị úng nước, một số bà con đã có sáng kiến hạ rầm nhà để lát hầm hào. Việc làm đó được nhiều người nghe theo và trở thành phong trào hạ rầm trong toàn xã. Gần 200 gia đình, nhà nào cũng đăng ký giao rầm cho cán bộ, có nhà đã tình nguyện tháo dỡ cả bức rầm bằng gỗ quý giao cho thôn đội. Có thể nói đây là một nét sáng tạo, đáng tuyên dương của nhân dân làng Hiển Lộc.

Với truyền thống đánh địch vốn có và thế trận làng chiến đấu vừa tạo được, Hiển Lộc trở thành một căn cứ vững chắc. Các mặt bảo đảm cho cuộc kháng chiến được nhân dân Hiển Lộc tổ chức khá chu đáo, từ lương thực, thuốc men, lập trạm cứu thương đến tổ chức báo động truyền tin.

Từ tháng 8 năm 1949 đến tháng 10 năm 1950, thực dân Pháp đã 10 lần đem quân tấn công Hiển Lộc, song cả 10 lần chúng đều thất bại. Chỉ tính trong năm 1949, riêng về thành tích diệt địch, du kích Hiển Lộc đã diệt được 41 tên, làm bị thương 10 tên khác, bắt 2 tù binh và thu nhiều súng đạn. Trong những năm 1953-1954, địch mở nhiều cuộc càn quét vào vùng Quảng Ninh, bộ đội và nhân dân các làng xã đã củng cố hệ thống hầm hào ngầm, chôn mìn, chông, quanh làng, bẻ gãy hàng chục cuộc tấn công của địch, tiêu diệt hơn 100 tên, làm bị thương 75 tên khác. Riêng ở Hiển Lộc bộ đội và du kích tiêu diệt 49 tên.

Ngày nay, Hiển Lộc đang phát huy những truyền thống cách mạng để thực hiện công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, cùng cả huyện, cả tỉnh thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng Hiển Lộc thành một đơn vị giàu, mạnh và đẹp về văn hoá.

3. Thay lời kết

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã thắng lợi hoàn toàn. Đó chính là thắng lợi của đường lối chiến tranh “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ” mà Đảng và Bác Hồ đã đề ra từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Đề cao vai trò của quần chúng nhân dân, Hồ Chủ tịch đã từng nói: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng”, và điều đó càng đúng, càng cần thiết khi tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân như cuộc kháng chiến ở Việt Nam.

Có thể nói, làng chiến đấu chính là nền tảng để tiến hành chiến tranh nhân dân. Đây là một hình thức căn cứ địa cấp cơ sở, là chỗ dựa để phá tan an mưu vơ vét sức người, sức của của địch, đồng thời là nơi bồi dưỡng, tích lũy tiềm lực kháng chiến của ta. Đó là những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên bức tường căn cứ địa kháng chiến sau này.

Đồng thời, làng chiến đấu còn là nơi động viên tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm kháng chiến của nhân dân. Làng chiến đấu được xây dựng rộng khắp trên đất Quảng Bình trong kháng chiến chống Pháp, tuy còn những hạn chế nhất định nhưng từ đó đã dấy lên phong trào nhân dân tham gia kháng chiến một cách rộng rãi, tạo chỗ đứng chân cho lực lượng vũ trang của tỉnh. Đó là cơ sở để huy động sức người, sức của phục vụ kháng chiến. “Các làng chiến đấu ấy không những chỉ bảo vệ hay che chở cho dân quân, mà còn là lợi khí của dân quân để giết địch ngay tại chỗ”7. Rõ ràng, giá trị của những làng chiến đấu trong vùng địch kiểm soát hay sắp kiểm soát đã được xác định một cách rõ ràng.

Trong kháng chiến chống Pháp, các làng chiến đấu ở Quảng Bình đã trở thành một mẫu hình quan trọng có tính chiến lược cho chủ trương “bám lấy thắt lưng địch mà đánh” trên cả nước. Đó là sự đóng góp điển hình của Quảng Bình vào kho tàng di sản quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp.

Tài liệu tham khảo:


  1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, Tập 1 (1930-1954), tháng 2/1995.

  2. Lịch sử hệ thống Hành chính Nhà nước cấp tỉnh ở Quảng Bình 1945-2000 (Lưu hành nội bộ), Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, 2012.

  3. Phỏng vấn ông Phan Xuân Thiết, cán bộ tiền khởi nghĩa ở Quảng Bình, ngày 7/12/2009, người phỏng vấn: Trịnh Thị Lệ Hà.

  4. Vũ Quang Hiển, “Đảng lãnh đạo xây dựng căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc Bộ trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954)”, Luận án Tiến sĩ Sử học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, 2000.

Tài liệu Internet:

  1. Cự Nẫm - Làng chiến đấu kiểu mẫu trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”, nguồn:

http://www.quangbinh.gov.vn/3cms/?art=1186363103041&cat=1179730730203&cmd=130

  1. Làng chiến đấu Cảnh Dương”, nguồn:

http://www.quangbinh.gov.vn/3cms/?cmd=130&art=1186363103033&cat=1179730730203

  1. Làng chiến đấu Hiển Lộc”, nguồn:

http://www.quangbinh.gov.vn/3cms/?cmd=130&art=1385449020864&cat=1179730730203

  1. Làng chiến đấu Quảng Xá”, nguồn:

http://www.quangbinh.gov.vn/3cms/?cmd=130&art=1230012854104&cat=1179730730203

  1. Xã chiến đấu Hưng Đạo”, nguồn:

http://www.quangbinh.gov.vn/3cms/?cmd=130&art=1186213703101&cat=1179730730203

10. Tài liệu hướng tới kỷ niệm 410 năm Quảng Bình hình thành và phát triển, nguồn: http://dostquangbinh.gov.vn/uploads/410qb/tong.htm




1 Phỏng vấn ông Phan Xuân Thiết, cán bộ tiền khởi nghĩa ở Quảng Bình, ngày 7/12/2009, người phỏng vấn: Trịnh Thị Lệ Hà.

2 Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, Tập 1 (1930-1954), tr.163.

3 Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, Tập 1 (1930-1954), tr.164.

4 Báo cáo tình hình kháng chiến Liên khu IV (tháng 1, 2, 3 năm 1948). Lưu tại Bộ phận nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh, dẫn theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, Tập 1 (1930-1954), tr.164.

5 Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngoạ, Văn Hóa, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại.

6 Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, Tập 1 (1930-1954), tr.202.

7 Hội nghị dân quân lần II (4/1948), Hồ sơ 03, phông CDQ, Lưu trữ BQP, tr.101. Dẫn theo Vũ Quang Hiển, “Đảng lãnh đạo xây dựng căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc Bộ trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954)”, Luận án Tiến sĩ Sử học, tr.54.


tải về 114.53 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương