Nhiệm-Tích Thánh-Thể



tải về 95.24 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích95.24 Kb.
#31240

Nhiệm-Tích

Thánh-Thể




Biển-Đức Đỗ Quang-Vinh

(nhuận sắc từ sách Hành Trang Lên Đường, Toronto, 2004)

Dẫn nhập

Trong dịp tình cờ, người viết gặp một cha dòng Chúa Giê-su Thánh-Thể, Ngài nói: ở cái xứ văn-minh vật-chất này, nhiều người coi việc rước lễ như một “fashion”, có đi lễ là phải rước lễ, không cần biết phải chuẩn-bị tâm-hồn như thế nào. Thật thế, một số người rước lễ theo thói quen, thấy người ta lên rước lễ thì mình cũng lên, hoặc đi nghênh-ngang, cắp tay sau lưng, như đi dạo chơi tản bộ, không có vẻ gì gọi là nghiêm-trang cung kính. Nói chi những người ngoài đạo thắc mắc tại sao “ăn bánh” như thế gọi là rước Chúa vào lòng? Ðó chỉ là vì họ chưa ý-thức được sự hiện-hữu đích thực của Ðức Ki-tô trong bánh và rượu sau khi được vị chủ-tế truyền phép, cử-hành mầu-nhiệm thánh. Nói khác, đó là một nhiệm-tích, nhiệm-tích của chân-lý và của tình yêu.



A- Nhiệm-tích Thánh-Thể, một chân-lý tuyệt-đối

1- Ðây là một sự thật, đòi buộc người Ki-tô-hữu phải thâm-tín tuyệt-đối, sự thật không thể chối cãi đã được minh-thị trong thánh kinh.

1.1- Thánh Gioan thuật lại cuộc tranh-luận giữa người Do-Thái với nhau trong hội-đường ở Ca-pha-na-um khi nghe Ðức Giêsu giảng dạy nói về bánh bởi trời. Thấy họ xầm-xì tranh-luận thì Người trả lời họ: “Tôi là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế-gian được sống.... Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì sẽ được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi chính là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Ðấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy...” (Gioan 6, 51-58)

1.2- Thánh Luca thuật lại về bữa ăn lễ Vượt Qua: “Khi giờ đã đến, Ðức Giê-su vào bàn, và các Tông-đồ cùng vào với Người. Người nói với các ông: ‘Thầy những khát-khao mong-mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ-hình. Bởi vì Thầy nói cho anh em hay Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên-Chúa. Rồi Người nhận lấy chén, dâng lời tạ ơn và nói: ‘Anh em cầm lấy mà chia nhau. Bởi vì Thầy bảo cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống thứ sản-phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Triều-Ðại Thiên-Chúa đến.’ Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘Ðây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.’ Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: ‘Chén này là Giao Ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.’ “ (Lu-ca 22, 14-20)

1.3- Thánh Phao-lô cũng ghi lại tương-tự trong thư I gửi tín-hữu Co-rin-tô (11, 23-29): “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.’ Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: ‘Ðây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao-Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.’ Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén này của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân-biệt được Thân-Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình.”

1.4- Lời Chúa trong Tin Mừng Luca vẫn được vị chủ-tế lập lại trong thánh-lễ hằng ngày khi cử-hành mầu-nhiệm thánh. Lời thánh-thư kết-hợp với các Tin Mừng trên đây là một giải-đáp rõ-ràng cho những thái-độ còn thờ-ơ hoặc ngờ vực về chân-lý của nhiệm-tích Thánh-Thể, nhiệm-tích mà chính Chúa Ki-Tô đã thiết-lập, căn dặn phải lập lại, và do đó đòi buộc mọi người phải thâm tín.

2- Chân-lý này lại được xác-quyết qua các phép lạ được khoa-học công-nhận và qua biết bao nhiêu lần Mẹ Chúa tỏ mình ra khắp đó đây.

Bỏ qua những vụ xảy ra chưa được Toà Thánh công bố, người viết chỉ xin kể lại ở đây một vài trong số những sự kiện đã được Tòa Thánh chính thức công-nhận (full approval of the Church) mà thôi.



2.1- Phép lạ Thánh-Thể Bolsena

Năm 1263, một linh-mục người Ðức, từ Prague, Tiệp-Khắc đi hành hương La-mã để xin Chúa ban thêm đức tin vì ngài vẫn còn hồ-nghi việc Chúa Ki-Tô hiện diện thực sự trong Bánh và Rượu thánh. Giữa đường, ngài dừng chân tại thành phố Bolsena, cách La-mã 70 dặm. Ngài dâng lễ trên mộ Thánh Christina tử-đạo nằm trong thánh-đường mang tên vị thánh này. Khi ngài bẻ bánh, đọc lời truyền phép, và nâng Bánh Thánh lên cao, Bánh biến thành thịt và máu. Máu nhỏ giọt xuống khăn thánh nhỏ màu trắng trên bàn thờ, quen gọi là khăn corporal. Ngài liền bối-rối. Thoạt đầu ngài tính giấu đi, nhưng rồi ngài mang chiếc khăn này đến thành-phố Orvieto lân-cận là nơi Ðức Giáo-Hoàng Urban IV đang cư-ngụ. Ðức Giáo-Hoàng lập-tức mở cuộc điều-tra. Sau khi sự-kiện được xác-quyết, trong cuộc cung-nghinh tưng bừng cùng với các hồng-y, tổng giám-mục và các yếu-nhân Hội-Thánh, Ðức Thánh Cha long-trọng rước thánh-tích vào nhà thờ lớn. Năm sau, Người thiết-lập lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, và yêu-cầu Thánh Tô-Ma Aquino viết những bản thánh-ca mừng lễ này, đó là các bài hát chầu Mình Thánh “Tantum Ergo” và bài “O Salutaris Hostia!” ngày nay vẫn còn phổ-cập.

Năm 1964, kỷ-niệm 700 năm thiết-lập lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, Ðức Thánh Cha Phao lô VI đến dâng thánh-lễ tại đại thánh-đường Orvieto là nơi còn đang lưu giữ chiếc khăn thánh-tích này. Mười hai năm sau đó, viếng thăm lại Bolsena, qua thông-điệp truyền hình gửi đại hội Thánh-Thể quốc tế lần thứ 41, Ðức Phaolô VI nói: “Phép Thánh-Thể là một nhiệm-tích lớn lao và vô tận.” (a mystery great and inexhaustible (theo Joan Carroll Cruz, Eucharistic Miracles copyright 1987 TAN Books and Publishers, Inc.)

2.2- Phép lạ Thánh-Thể Lanciano:

Vào năm 750, tại thành-phố Lanciano, miền Abruzzo nước Ý, ở đan-viện thánh Legonziano (ngày nay là tu-viện thánh Phanxicô), một linh-mục dòng thánh Basilio, cũng vẫn hoài-nghi Chúa Giêsu hiện-diện thực-sự trong Bánh và Rượu thánh. Sau khi đọc lời truyền phép, vị linh-mục bỗng thấy bánh thánh trở thành thịt và rượu thành máu Chúa Giê-su. Các đan-sĩ Basilio gìn-giữ các thánh-tích đó cho tới năm 1175, rồi được các đan-sĩ Biển-Ðức thay thế. Năm 1252, các tu-sĩ Phan-Sinh thay thế các đan-sĩ Biển-Ðức. Các thánh-tích đã chịu 4 cuộc khảo-nghiệm và điều-tra của giáo-quyền vào những năm 1574, 1637, 1770, và 1886. Sau công đồng chung Vaticano 2, vào tháng 11 năm 1970, theo lời yêu cầu của Ðức Cha Perantoni, Tổng Giám Mục Lanciano, và cha bề-trên dòng Phan-Sinh ở Abruzzo, cùng với phép của Toà Thánh, các tu-sĩ Phan-Sinh uỷ-thác việc phân-tích cho giáo-sư Odoardo Linoli và các cộng-sự-viên của ông. Giáo-sư Linoli là bác-sĩ trưởng tại Liên-Hiệp Bệnh viện Arezzo, giáo-sư môn cơ-thể-học, tế-bào-bệnh-học, và môn hiển-vi bệnh-lý. Kết-quả hết sức ngạc-nhiên: đó là thịt và máu thật của loài người. Cả hai có cùng loại máu AB. Trong thịt có cơ tim, giây thần kinh, và thịt đó thuộc tâm-thất trái. Trong máu có chất đạm bình thường. Máu và thịt được ở trạng thái tự-nhiên, không có chất bảo-tồn hay tẩm ướp gì cả suốt trong 12 thế-kỷ, có cùng đặc-tính như thịt và máu mới lấy ngày hôm trước nơi một người còn sống. Giáo-sư Linoli nói rằng: “Tôi không thể ngờ được trong những điều tôi phân-tích đó có những chất hữu-cơ cách đây 12 thế-kỷ. Khoa học đứng trước một sự kiện lạ-lùng không thể giải-thích nổi và phải đầu hàng.” Phúc-trình của giáo-sư Linoli gây ngạc-nhiên đến độ năm 1973, Hội-Ðồng cấp cao của tổ-chức Sức Khoẻ Thế-Giới (OMS) đã thành-lập một uỷ-ban đặc-nhiệm để kiểm-chứng những kết-quả phân-tích của giáo-sư Linoli. Công cuộc kiểm chứng kéo dài 15 tháng với tổng-cộng 500 cuộc nghiên-cứu, và được công-bố tháng 12 năm 1976 tại New York và Genève. Những phân-tích lại được thực-hiện vào năm 1980 và tái xác nhận đồng thời nới rộng những kết-luận trước đây. Uỷ-ban tuyên-bố không chút do-dự rằng đó là một tế-bào sống vì nó đáp-ứng mau lẹ các phản-ứng hoá-học như các cơ-thể sống. (Cha Trần Ðức Anh O.P. thuật lại theo Jean Ladame et Richard Duvin trong “Les prodiges Eucharistiques, Ed. France-Empire, Paris 1981, pp. 258”. Ngoài ra Carroll Cruz trong sách Eucharistic Miracles cũng viết về phép lạ này) [xem chú thích #4-a]



2.3- Phép Lạ Thánh Thể Walldurn

Năm 1330, cha Heinrich Otto, dâng Thánh Lễ tại nhà thờ Thánh Georges ở Walldurn gần Frankfurt nước Đức. Sau khi giơ cao Mình Thánh và chén Thánh, cha vô ý làm đổ Máu Thánh Chúa lên khăn thánh. Cha sửng sốt thấy trên khăn thánh, rượu đã trở thành Máu thật, hiện thành hình Chúa Kitô Tử-Giá có 11 đầu Chúa đội mạo gai bao quanh, biểu tượng 11 môn-đệ đã bỏ Chúa, sau tử đạo, chỉ có Gioan dưới Thánh Giá, sau chết già. Thánh Lễ xong, cha mở khăn thánh coi, hình ảnh trên hiện rõ hơn. Cha lo sợ, giấu khăn thánh dưới Bàn Thờ. Theo lời cha xưng thú khi lâm chung, linh-mục giải tội tìm thấy tấm khăn thánh vẫn còn mang vết tích Máu thánh Chúa như xưa.  Phép lạ đã chữa lành xác hồn cho nhiều người. Năm 1445, Đức Thánh Cha Eugeniô IV phê chuẩn, xác nhận Phép Lạ Thánh Thể Walldurn, ban Đại Xá cho những ai tôn kính khăn thánh trong tuần bát nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa. Khăn thánh hiện đặt trên bàn thờ cạnh phía trái trong nhà thờ Saint Georges tân tạo và được nâng lên vương cung thánh đường năm 1962 bởi Đức Thánh Cha Gioan XXIII. [xem chú thích #4-c]



2.3- Ăn chay bằng Thánh-Thể Chúa Giêsu

Nhiều thánh-nhân, trong đời sống chiêm niệm, chay tịnh, tận hiến cho Chúa Giêsu, Mình Thánh Chúa là của nuôi chính yếu hoặc duy nhất. Sau đây xin tạm kể ra vài hiện tượng lạ-lùng.



a) Sự chay tịnh của thánh nữ Ca-ta-ri-na thành Siena.

BI. Raymond viết tiểu-sử của bà, có kể lại rằng: “Khi bị buộc phải dùng thức ăn, bà cảm thấy khó chịu như không còn muốn giữ lại thức ăn này trong dạ dầy và không làm sao tả hết được sự đau đớn phải chịu đựng mỗi khi bị bó buộc như vậy”. Lúc bắt đầu chay tịnh, cha giải tội bắt bà phải dùng thức ăn mỗi ngày, nhưng được ít ngày thì bà thánh hỏi cha rằng: “Như cha đã chứng kiến biết bao lần, con đang tự giết mình bằng thức ăn mà con phải tuân lệnh cha thử nghiệm, vậy tại sao cha không cấm con ăn chay, vì sự giữ chay này cũng có thể gây ra hậu-quả tương-tự?” Raymond kể lại, cha giải tội không biết trả lời gì hơn là bảo bà: “Từ rày về sau, con hãy làm theo Thánh-Thần linh-ứng, vì cha đã nhận-thức được rằng Thiên-Chúa đang làm những sự lạ phi thường trong con”. Ít lâu sau, cha giải tội thăm dò xem bà có thấy thèm ăn chút nào hay không, thì bà trả lời: “Chúa đã làm cho con được mãn nguyện đến nỗi trong phép Thánh Thể, con thấy không còn ham muốn ăn uống gì khác nữa.” Khi hỏi xem trong những ngày giữ chay như vậy, bà có thấy đói chút nào không, bà trả lời: “Sự hiện-diện duy nhất của Chúa đã là quá thoả mãn cho con rồi và con khẳng nhận rằng, để được hạnh-phúc, con chỉ cần được cùng với linh-mục dâng thánh-lễ là đủ cho con rồi.” (Joan Carroll Cruz, "Eucharistic Miracles", Tan Books and Publishers, Rockford, IL, 1987)



b) Trường-hợp thánh-nữ Juliana Falconieri

Thánh Juliana Falconieri sáng-lập dòng Nữ-Tỳ (the Servite Nuns): Bà giữ chay nghiêm nhặt suốt đời đến nỗi bà không thể nhận lãnh Chúa Giêsu trong phép Thánh-Thể. Trên giuờng bệnh lúc lâm chung. Bà yêu cầu linh mục đem Mình Thánh Chúa lại gần, để ít ra bà có thể được gần Chúa Giê-su. Khi ngài đem Chúa lại, thánh Juliana muốn hôn Chúa, nhưng ngài không cho. Juliana xin cho đặt khăn thánh corporal lên ngực chỗ trái tim của bà, để Chúa Giê-su có thể ngự ở đây chốc lát. Linh-mục đồng ý. Khi Mình Thánh Chúa vừa đặt lên ngực bà thì Mình Thánh Chúa biến mất. Thánh Juliana đã kết-hợp với Người trong tình yêu. Bà sinh thì, khuôn mặt rạng-rỡ hân hoan (radiant with joy). Các linh-mục và nữ-tu liền quỳ gối trước sự lạ này. Sau đó, khi các nữ-tu liệm xác, họ thấy trên ngực bà, nơi đã đặt Chúa Giê-su, hiện ra hình Chúa chịu đóng đinh viền xung quanh bởi Mình Thánh Chúa.



2.4- Các lần Ðức Mẹ hiện ra:

Những lần Ðức Mẹ hiện ra thường mang theo sứ-điệp tôn kính Thánh-Thể Chúa Giê-su song song với sứ-điệp tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Xin tạm kể ra một vài trường-hợp đặc-biệt:



a) Trong lần hiện ra thứ ba, ngày 13-7-1917, khi cho Luxia biết những bí-mật quan-trọng về tương-lai của thế-giới và của Giáo-Hội, Ðức Mẹ tuyên-bố: Thiên-Chúa muốn thiết-lập việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ trên hoàn-vũ như là phương cách cứu rỗi và vãn hồi hoà-bình. Ðồng thời Mẹ cũng hứa sau này sẽ đến để xin hiến dâng nước Nga và rước lễ đền tạ trong những ngày thứ bảy đầu tháng. Lời Mẹ hứa để xin hai điều này đã được thực-hiện. Lần thứ nhất tại Pontevedra trong phòng của chị Luxia ngày 10 tháng 12 năm 1925, Ðức Trinh Nữ hiện ra với chị, bên cạnh có Chúa Giê-su Hài-Ðồng để truyền dạy việc giữ các ngày thứ bảy đầu tháng, xưng tội, rước lễ, lần chuỗi, và suy gẫm 15 mầu-nhiệm Mân Côi trong vòng 15 phút. Lần thứ hai vào ngày 15-2-1926, Chúa Giê-su Hài-Ðồng hiện ra một mình qua hình-ảnh một em nhỏ, để tha-thiết xin chị Luxia truyền-bá điều Mẹ Maria đã nói với chị.

b) Thiên-thần đã hiện ra 3 lần với ba thiếu-nhi Fatima năm 1916. Vào lần hiện ra thứ ba, các em thấy một Bánh Thánh lơ-lửng và nhỏ Máu xuống chén thánh trong tay Thiên-Thần, và Thiên-Thần đã đọc ba lần lời nguyện: “Lạy Chúa Ba Ngôi chí thánh là Cha và Con và Thánh Thần, con sấp mình thờ lạy Chúa và dâng lên Chúa Mình Máu rất châu báu cùng linh hồn và thiên-tính Chúa Giê-su Kitô đang ngự trong tất cả các nhà tạm trên khắp thế-giới, để đền tạ những lăng nhục, phạm thánh và thờ-ơ lãnh-đạm mà chính Người đã bị xúc-phạm...” Sau đó thiên-thần cho Lu-xi-a rước Mình Thánh rồi cho hai em Phan-xi-cô và Gia-xin-ta rước Máu Thánh mà nói: “Hãy nhận lấy Mình và uống Máu Chúa Giê-su Ki-tô bị xỉ-nhục vì những kẻ vong-ân bội-nghĩa. Hãy đền bồi tội lỗi của họ và hãy an-ủi Thiên-Chúa của các em”. (1)

c) Nơi nhà nguyện nhỏ của tu-hội “Phụng Sự Thánh-Thể”, trên ngọn đồi nhỏ ở Yuzawadai, vùng Akita nước Nhật, tượng Ðức Mẹ đã khóc 101 lần và 3 lần chảy máu tay từ ngày 04-01-1975 đến ngày 15-9-1981. Từ ngày 12-6-1973, trong khi chầu Mình Thánh Chúa, nữ-tu Anges Sasagawa đã nhiều lần được Chúa Giêsu ẩn mình nơi Thánh-Thể trong nhà tạm dùng ánh sáng thần-bí để mặc-khải về Người. Ngày 28, chị thấy trong lòng bàn tay trái của mình sưng lên, có vết thương hình thánh giá đang rỉ máu. Trong khi cầu nguyện, chị nghe có tiếng nói vọng ra từ ảnh tượng Đức Mẹ cao 3 ft. Sau cùng một vài nữ-tu đã thấy những giọt máu rỉ ra từ bàn tay trái ảnh tượng. Ngày 29 tháng 9, sự lạ ngưng, nhưng lúc này, thay vì chảy máu, tượng Mẹ bắt đầu chảy nước mắt. Chị Agnes nhận được 3 mệnh-lệnh, cầu cho Đức Thánh Cha, cho hàng giáo-sĩ, và nói nếu loài người không hoán cải, Chúa sẽ giáng án phạt nặng nề trên nhân-loại, lúc đó chúng ta chỉ còn lại một vũ-khí sau cùng là chuỗi Mân-Côi và ấn-tín mà Chúa Con đã để lại.” [xem chú thích #4-b]

B- Nhiệm-tích Thánh-Thể, một tình yêu tuyệt-vời

Ấn-tín Chúa Giêsu để lại qua phép Thánh-Thể, phải chăng chỉ vì yêu thương chúng ta, yêu thương quá đỗi để chúng ta được cứu rỗi và muốn chúng ta nên một với nhau và nên một với Ngài trong tình yêu muôn thuở, yêu Thiên-Chúa và yêu tha-nhân? Ðúng thế, ấn-tín ấy cho ta tưởng-niệm cuộc đời Chúa Ki-tô phục-sinh đã hoàn-toàn tận-hiến cho nhân-loại để công-bố cho loài người sứ-điệp hoà-bình: sứ-điệp của tình yêu và hiệp-nhất



1- Ðó là một tình yêu tận-hiến

1.1- Chính vì tận-hiến mà Chúa đã từ bỏ địa-vị tột đỉnh của một Thiên-Chúa, khước từ mọi vinh-quang hằng-hữu của Người, để hạ mình mặc lấy thân nô-lệ, sống hoàn toàn vâng phục, sống tầm thường hèn mọn như bao người khác, chia sẻ mọi yếu đuối của con người trần-gian, kể cả sự chết, chỉ trừ tội lỗi. Trong thư gửi tín-hữu Phi-líp-phê, thánh Phao lô đã diễn-tả mầu-nhiệm Ðức Ki-tô qua tình yêu tận-hiến của Người trong đoạn thánh-thi súc-tích như sau:

“Ðức Giê-su Ki-tô

vốn dĩ là Thiên-Chúa

mà không nghĩ nhất-quyết phải duy-trì

điạ-vị ngang hàng với Thiên-Chúa,

nhưng đã hoàn-toàn trút bỏ vinh-quang

mặc lấy thân nô-lệ,

trở nên giống phàm-nhân

sống như người trần-thế.

Người lại còn hạ mình,

vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

chết trên cây thập-tự.”

(Phi-líp-phê 2, 6-8)

Ðể làm gì? Ðể đền tội cho chúng ta, như lời chứng của thánh Gioan:

“Tình yêu của Thiên-Chúa đối với chúng ta

được biểu-lộ như thế này:

Thiên-Chúa đã sai Con Một đến thế-gian

để nhờ Con Một của Người

mà chúng ta được sống.

Tình yêu cốt ở điều này:

không phải chúng ta đã yêu mến Thiên-Chúa,

nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta,

và sai Con của Người đến

làm của lễ đền tội cho chúng ta....

....Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm-ngưỡng

và làm chứng rằng:

Chúa Cha đã sai Con của Người đến

làm Ðấng cứu-độ thế-gian.”

(1 Gioan 4, 9-10 & 14)

1.2- Chính vì tận-hiến mà “trước lễ Vượt Qua, Ðức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế-gian mà về với Chúa, Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế-gian, và Người yêu thương họ đến cùng”, yêu cho đến phút chót của cuộc đời trần-thế, yêu cho đến tột cùng của tình yêu, một tình yêu khôn lường và khôn thấu (Gioan 13, 1). Chính vì tận-hiến mà trước khi cáo-biệt để đón nhận cái chết nhục-hình trên thập-giá, Người đã nêu gương phục-vụ tha-nhân với tất cả lòng khiêm nhường và bác-ái qua cử-chỉ rửa chân cho các môn đệ Người, bởi lẽ, như Người đã trả lời thắc-mắc của Phê-rô, “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ không được chung phần với Thầy.” (Gioa-an 13, 8), nghĩa là Người muốn nêu gương tận-hiến bằng “điều răn mới” “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” vì “ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn-đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Gioan 13, 34-35). Chính vì tận-hiến mà Ðức Ki-tô đã hứa với các môn-đệ: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó.” (Gio-an 14, 2-3)

1.3- Chính vì tận-hiến mà Người đã hứa: “bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó” và Ðức Ki-tô còn đoan chắc với các môn-đệ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo-Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là Thần Khí sự thật, Ðấng mà thế-gian không thể đón nhận, vì thế-gian không thấy và cũng chẳng biết Người, còn anh em biết Người vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em, Thầy sẽ không để anh em mồ-côi. Thầy đến cùng anh em.” (Gio-an 14, 13-14 & 16-18). Lời hứa này vẫn được lập lại khi cử-hành nhiệm-tích Thánh-Thể trong lễ mi-sa tưởng-nệm cuộc tử-nạn của Người. Và sau cùng, cũng chính vì tận-hiến mà Người vẫn hằng ở lại thế-gian này để sống mật-thiết với chúng ta cách riêng qua phép Thánh-Thể. Ðây là ý-nghĩa thứ nhất của sứ-điệp tình yêu.

2- Ðó là một tình yêu hiệp-nhất:

2.1-Thiên-Chúa kêu gọi mọi người hiệp-nhất với nhau và với Người như trong một thân-thể.

Trong thư I gửi tín-hữu Co-rin-tô, thánh Phao-lô đã nói: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên-Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Ðức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân-Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta cùng chia sẻ một tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân-thể” (1 Co-rin-tô 10, 16-17). Thật vậy, vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời trần-thế, Ðức Giê-su lập đi lập lại lời cầu-nguyện cho các môn-đệ Người được hiệp-nhất, Người nói: “Con xin thánh-hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh-hiến.” Và hơn thế nữa: “Con không chỉ cầu-nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế-gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh-quang mà Cha đã ban cho con để họ được nên một như chúng ta là một.” (Gio-an 17, 19 & 20-22).



2-2- Thân-thể ấy là Giáo-hội, mà Người là đầu và mỗi người chúng ta đều là chi-thể. “Người là đầu của thân-thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi-nguyên, là trưởng-tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu” (Cô-lô-xê 1, 18). Trước khi Ðức Ki-tô đến, nhân-loại bị phân rẽ. Thập-giá Chúa Ki-tô đem lại sự hoà-giải hiệp-nhất. Không còn phân-biệt dân Chúa và dân ngoại, tất cả mọi người quy tụ lại bên nhau để cùng thờ phượng một Thiên-Chúa, để “những người ở xa, vốn xa lạ với các giao-ước dựa trên lời hứa của Thiên-Chúa, vốn không có niềm hy-vọng, không có Thiên-Chúa ở trần-gian này, thì nay, “trong Ðức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Ðức Ki-tô đổ ra, họ sẽ trở nên những người ở gần.” (Ê-phê-xô 2, 12-13). Kế-hoạch tiền-định này là một mầu-nhiệm được mặc-khải nơi Ðức Ki-tô để tất cả mọi người được đón nhận ơn cứu-độ mà sống mật-thiết với Chúa trong một thân-thể tràn đầy tình yêu thương. So-sánh với thân-thể, thánh Phao-lô viết: “Thật vậy, ví như thân-thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ-phận, mà các bộ-phận của thân-thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân-thể, thì Ðức Ki-tô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta dầu là Do-Thái hay Hy-Lạp, nô-lệ hay tự-do, chúng ta đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân-thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn Thần Khí duy nhất.” (1 Co-rin-tô 12, 12-13). Vì vậy, “giờ đây tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian-nan thử-thách Ðức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi-ích cho thân-thể Người là Hội Thánh.” (Cô-lô-xê 1, 24).

Chúa Giê-su đã tự nhận là Mục-tử nhân-lành “hy-sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” vì như Người đã nói: “Tôi còn có những con chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục-tử.” (Gio-an 10, 15-16). Bởi vậy, như Người đã hứa sẽ phục-sinh và trở lại, Chúa Giê-su khi hiện ra ở bờ biển Ti-bê-ri-a, Người đã giao-phó đàn chiên của Người cho Phê-rô làm thủ-lãnh Giáo-hội khi hỏi đi hỏi lại ông Si-mon Phê-rô tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đã ba lần cam-kết trung-thành gắn bó với Người. Và cả ba lần Chúa Giê-su đều dạy ông: “Hãy chăn dắt đàn chiên của Thầy.” (Gio-an 21, 15-17). Ðây là ý-nghĩa thứ hai của sứ-điệp tình yêu.



Kết-luận

Thiên-Chúa tiếp-tục hiện-diện ở khắp mọi nơi và ở giữa chúng ta cho đến tận-thế. Người còn ẩn mình cách riêng trong nhiệm-tích Thánh-Thể để kết-hợp chúng ta với Người, hầu cho chúng ta được sự sống đời đời. “Thánh An-phong-xô Maria Li-gô-ri đã viết: Trong tất cả các lòng sùng kính, thì việc tôn thờ Chúa Giêsu trong bí-tích Thánh-Thể là việc đầu tiên trong các bí-tích, là việc thân thiết nhất đối với Thiên-Chúa và là việc lợi ích nhất cho chúng ta. Thánh-Thể là kho tàng khôn tả. Cử-hành Thánh-Thể, nhưng cũng ở lại để chầu Thánh-Thể ngoài thánh-lễ cho phép ta múc lấy ân-sủng ngay chính tại nguồn” (2). Vì trong Thánh-Thể, chúng ta được nhắc-nhở phải yêu thương nhau như Ðức Kitô đã thí mạng mình vì yêu thương (1 Gio-an 3, 23-24), và phải yêu thương nhau thật tình (1 Gio-an 3, 18), lại còn phải yêu thương ngay cả kẻ thù địch của mình nữa. (Rô-ma 12, 14-24). Thế nhưng cho đến nay, mặc dù đã được nhiều lần cảnh-cáo, mặc dù phải từng chịu bao nhiêu thiên-tai tàn khốc, nhân loại vẫn làm ngơ: chiến-tranh, hận thù, đói khát, nghèo khổ khốn cùng vẫn đang vây hãm con người trong thảm-hoạ diệt-vong. Bước vào thiên niên-kỷ mới, Giáo-hội mừng trọng thể năm thánh 2000, hình ảnh đau buồn của Chúa Giê-su ngồi trên núi Ô-liu thương tiếc thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị huỷ-diệt, (Mat-thêu 24, 128) hơn bao giờ hết vẫn là hình ảnh sống động nhắc ta thực-thi sứ-điệp hoà-bình của Người. Nhưng Lời Người đoan-hứa “Thầy để lại bình-an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình-an của Thầy” (Gioa-an 15, 27) vẫn còn là giải-đáp của bài toán mà con người chưa tìm ra ẩn-số, đó là Tình Yêu, bởi vì chỉ có hoà-bình khi có Hiệp-Nhất, và chỉ có Hiệp-Nhất khi có Tình Yêu Tuyệt-Vời: tình yêu chân thực và tận-tình. Phải chăng vì con người chưa thâm tín nhiệm-tích Thánh-Thể là chân-lý tuyệt đối, cho nên Mẹ Thánh Người đã từng công khai tỏ mình để van nài loài người ngừng xúc-phạm đến Thánh-Thể Chúa Ki-tô Con Mẹ, Ðấng đã hiến tế Mình và Máu trên thánh-giá thương đau?

---------------------------------------------------------------------

Cước-Chú:

(1) Fatima In Lucia’s Own Word (English version by Dominician Nuns of Perpetual Rosary, Postulation Centre, Fatima, Portugal, 1976) trích dẫn trong “Trái Tim Mẹ Toàn Thắng”, Cao-tấn-Tỉnh, tr. 169-70.

(2) Trích thông-điệp Ecclesia De Eucharistie của Ðức Giáo-Hoàng Gioan Phaolô II, chương 2, số 25)

(3) Về Nhiệm-Tích Thánh-Thể, xin mời đọc thêm tại mạng nối kết sau đây:

conggiaovietnam Chiêm-Ngưỡng Thánh-Thể Qua Mẹ Maria, Người Tỳ-Nữ Hy-Tế Của Thiên-Chúa

(4) Độc-giả có thể vào các mạng sau đây để tìm hiểu thêm về các phép lạ Thánh-Thể đã dẫn:

* Trong mạng dưới đây có bảng liệt-kê các trường-hợp kể từ năm 1347 đã được Toà Thánh công-nhận (full approval church), chưa công-nhận, hoặc đã bị bác bỏ (Disapproval by the Church), ví-dụ, đã bác bỏ (negative decision) hiện-tượng xảy ra năm 1985 với bà Julia Kim Yoon- Sun tại Naju Nam Hàn:

www.miraclehunter.com/marian_apparitions/unapproved_apparitions/

vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%A9c_M%E1%BA%B9_Naju

* Các mạng dưới đây liên-quan tới các trường-hợp lạ khác có trích dẫn trong bài như: Bolsena, Catarina Siena, Juliana Falconieri, đặc biệt là Lanciano, Akita, Walldurn.



www.cmns.mnegri.it/en/abruzzo/miracolo_eucaristico/voiceofhistory1.html

www.therealpresence.org/eucharst/mir/bolsena.html

www.davidtlig.org.uk/akita.html
www.cmns.mnegri.it/en/abruzzo/miracolo_eucaristico/tableofcontents.html

www.acfp2000.com/Miracles/eucharistic.html

www.newadvent.org/cathen/03447a.htm

www.monksofadoration.org/Catherine.html

quicksitemaker.com/members/prayer/Siena.html

www.mavicanet.ru/directory/eng/34547.html

a- Phép Lạ Thánh-Thể tại Lanciano

(Bánh Thánh biến thành Thịt)



b- Phép Lạ Thánh-Thể tại Akita (Japan 1973-1975)

(tượng Đức Mẹ khóc)



c- Phép Lạ Thánh-Thể tại Walldurn, nước Đức

Khăn này thấm chính Máu Ngài

Hiện hình Tử-Giá trên đồi Gôn-Ta.
Ôi, tình Chúa thật bao-la!
Xin Ngài thương xót thứ-tha lỗi lầm.

(Hình trên: tác-giả và phu-nhân ngày 27-6-2004

trước bàn thờ đặt khăn thấm Máu Thánh Chúa Giêsu trong Vương-Cung Thánh-Đường Saint Georges ở Walldurn, nước Đức)

Tâm Tình Với Chúa

Ôi Giêsu, con nay hạnh-phúc nào bằng!

Khát-khao rước Chúa, con hằng trông mong,

Giờ con có Chúa trong lòng,

Giờ con có Chúa ở trong cuộc đời.

Con xin mặc lấy Hồn Thầy, (1)

Để con thánh-hoá cuộc đời từ nay.

Con xin mặc lấy Mình Thầy,

Để con lướt thắng chông gai cuộc đời.

Con xin được uống Máu Thầy,

Uống say tình Chúa cao vời, mênh-mông.

Thầy cho nước cạnh nương-long,

Để con tẩy rửa sạch trong tâm-hồn.

Thầy thêm sức mạnh cho con,

Như Thầy gánh chịu bao cơn khổ-hình.

Vì Thầy nhân-hậu chí tình,

Xin Thầy đoái nhận lời kinh con cầu:

Cho con nương ẩn bền lâu,

Trong năm dấu thánh thẳm sâu của Thầy.

Bất kỳ mọi lúc mọi nơi,

Con không rời tách khỏi Thầy một giây.

Kéo con về với nẻo ngay,

Khi con sắp ngã sa lầy tới nơi.

Trong giờ con sắp lìa đời,

Gọi con về thẳng Nước Trời hiển-vinh,

Con cùng các thánh Thiên-Ðình,

Ngợi khen Thiên-Chúa uy-linh vĩnh-hằng.

(1) Đoạn này, tác-giả chuyển-ngữ kinh “Anima Christi”,

lời nguyện rất phổ thông, có từ thế kỷ 14,

đọc sau khi rước lễ mỗi lần, hưởng 500 ngày ân-xá (Giáo Hoàng Piô X)

Ðức Thánh Cha

Gioan Phaolô II

với Nhiệm-Tích Thánh-Thể

“Việc tôn thờ Thánh-Thể ngoài Thánh-Lễ là một giá-trị khôn tả trong đời sống của Giáo-Hội.

Việc tôn thờ này liên-hiệp chặt-chẽ với việc cử-hành Hy-Tế Thánh-Thể. Sự hiện-diện của Chúa Kitô dưới hình bánh thánh được lưu giữ sau Thánh-Thể – sự hiện-diện này tồn-tại khi hình bánh và hình rượu vẫn còn – do việc cử-hành Hy-Tế và trải dài cho tới khi rước lễ thật hay rước lễ thiêng-liêng. Các mục-tử cần phải khuyến-khích việc tôn thờ Thánh-Thể, bằng chính chứng-từ cá-nhân của các Ngài, đặc-biệt là việc đặt Mình Thánh Chúa, và ngay cả việc chầu Mình Thánh Chúa Kitô hiện-diện trong Thánh-Thể.

Truyện vãn với Chúa là điều tốt lành và nghiêng mình dựa vào ngực của Người như là người môn-đệ yêu-dấu (Gioan 13, 25) để được đụng tới tình yêu vô cùng của trái tim Người. Nếu như trong thời-đại của chúng ta, Kitô giáo phải được phân-biệt trước nhất bởi “nghệ-thuật cầu-nguyện”, làm sao mà lại không cảm thấy cần phải canh-tân việc ở lại lâu dài, để đàm-đạo cách thiêng-liêng, khi chầu giờ thánh trong thinh lặng, với cử-chỉ đầy tình thân ái, trước Chúa Kitô hiện diện trong bí-tích Thánh-Thể? Thưa anh chị em rất thân ái, nhiều lần Cha có kinh-nghiệm về điều này và Cha đã được mạnh-mẽ, được an-ủi và được nâng đỡ.”



(trích Thông-Ðiệp Ecclesia Eucharistie

của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, số 25)



tải về 95.24 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương