Khủng hoảng tài chính trên thị trường cho vay cầm cố dưới tiêu chuẩn năm 2007



tải về 157.97 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu04.04.2018
Kích157.97 Kb.
#36820
Khủng hoảng tài chính trên thị trường

cho vay cầm cố dưới tiêu chuẩn năm 2007
Khủng hoảng tài chính trên thị trường cho vay cầm cố dưới tiêu chuẩn (suprime mortgage market) xảy ra khi một loạt các vụ tịch thu tài sản trên thị trường này gia tăng mạnh mẽ bắt đầu ở Mỹ vào năm 2006 và lan ra thành cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào tháng 7/2007. Một số chuyên gia cho rằng đây là sản phẩm của cựu Chủ tịch Quỹ dự trữ liên bang Mỹ Alan Greenspan với việc giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ đang trì trệ và kéo theo nó là bong bóng nhà đất và sự bùng nổ trên thị trường cho vay cầm cố dưới tiêu chuẩn. Do đó, khi lãi suất gia tăng trở lại và bong bóng nhà đất qua đi đã đẩy hàng trăm nghìn người vay đến nguy cơ vỡ nợ, buộc một số công ty cho vay dưới tiêu chuẩn lớn phải đệ đơn xin phá sản.

Cho vay dưới tiêu chuẩn (subprime lending) là hình thức cho vay rất phổ biến, đặc biệt tại Mỹ. Thuật ngữ “dưới tiêu chuẩn - subprime” ở đây liên quan đến vị thế tín dụng của người vay. Theo cẩm nang hướng dẫn của Bộ Tài chính Mỹ năm 2001: “Những người đi vay dưới tiêu chuẩn thường có quá khứ tín dụng yếu kém như thường có những khoản thanh toán quá hạn, và có thể có những vấn đề nghiêm trọng như phải ra toà, phá sản. Họ cũng có thể có khả năng thanh toán thấp xét trên những chỉ số như điểm tín dụng, tỷ lệ nợ trên thu nhập, hoặc một số tiêu chí khác…”. Không có một tài liệu chính thức nào quy định cụ thể về người đi vay dưới tiêu chuẩn nhưng ở Mỹ hầu hết những người vay này có điểm tín dụng thấp hơn 620, chiếm gần 25% dân số Mỹ. Do uy tín của người vay thấp và tình hình tài chính không mấy sáng sủa nên nhìn chung các khoản vay dưới tiêu chuẩn có lãi suất cao hơn lãi suất thị trường và điều này lại càng làm tăng thêm khó khăn tài chính cho người vay, đặc biệt khi lãi suất thị trường gia tăng.



Cho vay cầm cố dưới tiêu chuẩn (subprime mortgage) là một trong những loại hình thuộc lĩnh vực cho vay dưới tiêu chuẩn và đặc biệt phát triển mạnh từ đầu thế kỷ 21, trở thành một “ngành công nghiệp”. Trong giai đoạn 2004-2006, cho vay cầm cố dưới tiêu chuẩn chiếm khoảng 21% tổng các khoản vay cầm cố, tăng so với mức 9% giai đoạn 1996-2004, trong đó chỉ tính riêng năm 2006 tổng trị giá các khoản vay cầm cố dưới tiêu chuẩn lên đến 600 tỷ USD, bằng 1/5 thị trường cho vay mua nhà của Mỹ. Sự phát triển mạnh của hình thức cho vay cầm cố dưới tiêu chuẩn đi kèm với sự bùng nổ thị trường nhà đất của Mỹ là hệ quả của việc lãi suất giảm xuống mức thấp kỷ lục, các tiêu chuẩn cho vay nới lỏng và hội chứng “thích mua nhà” của dân Mỹ.

Năm 2001 đánh dấu sự hình thành của bong bóng nhà đất trên thị trường Mỹ sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ 11 lần giảm lãi suất từ mức 6,5% xuống mức 1,75% nhằm vực dậy nền kinh tế đang suy thoái sau sự sụp đổ của ngành công nghiệp dot-com. Bong bóng nhà đất kéo dài suốt giai đoạn 2001-2005, lãi suất thấp đã khuyến khích người dân mua nhà từ nguồn vay cầm cố, đẩy giá nhà liên tục leo thang, tăng 10% năm 2002 và tăng bình quân trên 25%/năm giai đoạn 2003-2005. Sự bùng nổ giá nhà giai đoạn này là một yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phục kinh tế của Mỹ do lãi suất giảm làm giảm giá trị các khoản thanh toán cầm cố hàng tháng của người dân trong khi giá nhà tăng giúp họ có được những khoản vay mới lớn hơn để chi tiêu tiêu dùng, thực hiện khẩu hiệu “đi mua sắm theo yêu cầu của Tổng thống và vì lòng yêu nước”, từ đó kích thích tăng trưởng.

Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế của Mỹ cùng với nguy cơ lạm phát gia tăng bởi cả những yếu tố từ cung, cầu thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất trở lại, đến tháng 8/2005 lãi suất liên ngân hàng định hướng của Mỹ (Fed Fund Rate) đạt mức 3,75%/năm và dự kiến còn tiếp tục tăng nên không còn là mức lãi suất hấp dẫn đối với người mua nhà. Bong bóng nhà đất bắt đầu xì hơi. Năm 2006 thị trường sụt giảm mạnh, tháng 8/2006, chỉ số xây dựng nhà của Mỹ giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, nhen nhóm lên nguy cơ khủng hoảng tín dụng trên thị trường cho vay cầm cố dưới tiêu chuẩn. Các chủ nhà đất lâm vào khó khăn tài chính do cùng với việc lãi suất tăng làm tăng giá trị hóa đơn thanh toán cho khoản vay cầm cố hàng tháng thì giá nhà giảm làm giá trị tài sản cầm cố giảm xuống thấp hơn mức tiền vay gốc để mua căn nhà. Tỷ lệ vỡ nợ của người vay tăng lên, đặc biệt là những người vay dưới tiêu chuẩn vốn thường xuyên ở trong tình trạng khó khăn tài chính, cùng với nó là sự gia tăng nhanh chóng của hoạt động xiết nợ từ các công ty cho vay. Năm 2007, giá nhà tiếp tục giảm, doanh số bán nhà chưa bao giờ “trượt dốc” như vậy kể từ năm 1989. Ngành công nghiệp cho vay cầm cố dưới tiêu chuẩn sụp đổ, việc xiết nợ tài sản tăng gấp 2 lần so với năm 2006 song vẫn không thể bù đắp thua lỗ của những công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực này do giá nhà đã giảm quá mạnh và rất khó khăn để bán nhà thu hồi vốn. Một số công ty tài chính lớn hoạt động trong lĩnh vực này đã phải đệ đơn xin phá sản, trong đó có Công ty tài chính New Century là công ty cho vay cầm cố dưới tiêu chuẩn lớn thứ 2 của Mỹ. Lãi suất tiếp tục tăng càng khiến giá nhà suy giảm hơn nữa, ảnh hưởng tiêu cực cả đến lĩnh vực cho vay đủ tiêu chuẩn, khiến công ty tài chính cho vay bất động sản lớn nhất của Mỹ Countrywide Financial phải cảnh báo rằng sự phục hồi trong lĩnh vực nhà đất dự báo sẽ không thể diễn ra cho đến năm 2009 do giá nhà đang giảm “mạnh chưa từng có ngoại trừ trong giai đoạn Đại suy thoái”.

Tác động của cuộc khủng hoảng lan cả ra ngoài lĩnh vực nhà đất và làm gián đoạn thị trường tài chính toàn cầu do các nhà đầu tư, chủ yếu là các quỹ bảo hiểm trong nước và nước ngoài, đã buộc phải đánh giá lại rủi ro mà họ đang nắm giữ và những người tiêu dùng mất khả năng tài trợ hơn nữa cho chi tiêu tiêu dùng của mình, gây ra sự biến động mạnh trên các thị trường trái phiếu, cổ phiếu và phái sinh. Ngày 15/8, chỉ số Dow Jones giảm xuống dưới mức 13.000 từ mức 14.000 đạt được hồi tháng 7, chỉ số S&P 500 sụt giảm ở mức chưa từng có. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở hầu khắp các thị trường trên toàn thế giới, trong đó thị trường Brazil và Hàn Quốc bị tác động mạnh nhất. Hiện tượng chỉ số chứng khoán có mức giảm lớn trong ngày trở thành phổ biến, chẳng hạn KOSPI giảm khoảng 7% chỉ trong 1 ngày.

Ngày 20/6/2007, Merrill Lynch đã phong tỏa 800 triệu USD tài sản của 2 quỹ bảo hiểm Bear Stearns liên quan đến hoạt động đầu tư chứng khoán đảm bảo bằng những khoản vay dưới tiêu chuẩn. Hiện nay, 2 quỹ này đang mất uy tín trầm trọng.

Công ty Đầu tư cầm cố nhà Mỹ (American Housing Mortgage Investment Corporation, Melville, New York) đệ đơn xin phá sản vào 6/8/2007, sau khi sa thải hàng hoạt công nhân trong tuần trước đó. Báo cáo ngày 10/8 của Accredited Home Lenders cho biết công ty dự kiến có thể thua lỗ tới 60 triệu USD trong quý I năm nay.

Ngày 8/8/2007, MGIC (Mortgage Guaranty Insurance Corporation, Milwaukee, Wisconsin) thông báo không thể tiếp tục khoản mua lại Radian Group (Philadenphia, Pennsylvania) sau khi thu lỗ 1 tỷ USD trong vụ đầu tư vào C-BASS (Credit-Based Asset Servicing and Securitization, New York City). C-BASS đang tìm kiếm đối tác để tái cơ cấu các khoản tài trợ. Thương vụ MGIC-Radian có thể đạt tới 4,9 tỷ USD.

Sau đó, ngày 9/8, ngân hàng BNP Paribas của Pháp chấm dứt hoạt động của 3 quỹ và đình chỉ việc rút tiền của các nhà đầu tư sau khi tai họa về cho vay cầm cố dưới tiêu chuẩn của Mỹ gây ra “sự bay hơi hoàn toàn về thanh khoản”.

Quỹ bảo hiểm lớn nhất trị giá 8 tỷ USD của Goldman Sach - Global Alpha – thông báo lỗ 26% trong năm 2007. Đồng thời, Citigroup cũng báo cáo thua lỗ 700 triệu USD trong hoạt động tín dụng tháng 7 và tháng 8/2007.

Ngày 14/8, một vài kênh truyền thông cho biết một quỹ khác là Sentinel Management Group đã đình chỉ việc tất toán nợ của các nhà đầu tư và bán tháo 321 triệu USD tài sản. 3 ngày sau, Sentinel đệ đơn xin phá sản. Chỉ số chứng khoán Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục giảm. Cuối ngày hôm đó, Thornburg Mortgage, một công ty cho vay cầm cố khổng lồ, thông báo họ đang phải hoãn lại việc chia cổ tức sau khi đối mặt với việc tăng dự phòng rủi ro và sự gián đoạn trong hoạt động đầu tư cầm cố trên thị trường chứng khoán đảm bảo bằng tài sản và thương phiếu. Giao dịch cổ phiếu của Thornburg đã giảm hơn 46% trên sàn chứng khoán New York.

Ngày 15/8, cổ phiếu của Countrywide Financial, công ty cho vay cầm cố lớn nhất ở Mỹ, giảm khoảng 13% trên sàn chứng khoán New York, mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ khủng hoảng thị trường chứng khoán năm 1987, do lo ngại rằng công ty có thể đối mặt với rủi ro phá sản. Điều này xảy ra một ngày sau khi Countrywide Financial cho biết các khoản xiết nợ và nợ quá hạn trong cho vay cầm cố đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2002.

Ngày 16/8, Rams Home Loans Group, công ty cho vay của Australia, đã thông báo rằng công ty không thể tái tài trợ các khoản nợ ngắn hạn do những người mua đã xa rời thị trường tín dụng. Công ty cho biết họ không thể bán 6,17 tỷ đô la Úc các thương phiếu có thể gia hạn, nguồn vốn lớn nhất cho những khoản nợ của công ty này. Cổ phiếu của Rams đã giảm 41% trên sàn giao dịch chứng khoán Úc.

Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu đã buộc ngân hàng trung ương các nước đồng loạt phải can thiệp. Lần đầu tiên kể sau cuộc tấn công khủng bố 11-9, các NHTW Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản cùng liên kết thực hiện một động thái là bơm tiền vào hệ thống ngân hàng nhằm tăng thanh khoản cho đồng nội tệ. Theo thống kê không đầy đủ, chỉ trong vòng 1 tuần kể từ 9/8, tổng số tiền bơm ra đạt hơn 400 tỷ USD tuy nhiên kết quả vẫn không mấy khả quan. Thị trường chỉ bắt đầu khôi phục trở lại sau khi Fed quyết định giảm lãi suất chiết khấu 0,5 điểm phần trăm xuống 5,75%/năm ngày 16/8 nhằm phát tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng. Ngày 18/9, Fed tiếp tục cắt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất liên ngân hàng định hướng (Fed Fund Rate) xuống 5,0%/năm đã thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ và kéo theo cả các thị trường châu Á tăng trưởng mạnh do kỳ vọng lãi suất giảm sẽ giúp hồi phục nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, cơn bão trên thị trường tài chính toàn cầu chưa chấm dứt, bằng chứng là sau 1 tháng lắng dịu, ngày 17/9, hàng trăm người xếp hàng rút tiền trước cửa ngân hàng cho vay cầm cố lớn thứ 5 của Anh, Northen Rock, sau khi ngân hàng này buộc phải thực hiện một khoản vay tái cấp vốn khẩn cấp từ NHTW Anh nhằm chống đỡ tác động của cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu. Các chuyên gia kinh tế hàng đầu, trong đó có cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Alan Greenspan, đều tỏ ra lo ngại rằng cơn bão trên thị trường tài chính toàn cầu “chỉ mới bắt đầu” và “các điều kiện sẽ còn xấu hơn nữa”.

Mặc dù thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam chưa chịu tác động lớn nào từ cuộc khủng hoảng, tuy nhiên nếu khủng hoảng tín dụng thế giới tiếp tục mạnh lên buộc NHTW các nước phải can thiệp sẽ tác động vào mặt bằng lãi suất thế giới và khi đó sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Thêm vào đó, lo ngại đối với rủi ro gia tăng trên thị trường chứng khoán có thể khiến các nhà đầu tư rút vốn ra khỏi thị trường và Việt Nam khi đó cũng không phải là ngoại lệ. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần theo dõi sát diễn biến này để có những động thái phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn trên đà suy giảm và lạm phát trong nước tăng cao như hiện nay.



Huyền Dịu (PTKT – CSTT)
Каталог: webcenter -> contentattachfile

tải về 157.97 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương