Hai chữ quan họ trong thư tịch cũ Nguyễn Hùng Vĩ



tải về 34.03 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích34.03 Kb.
#11048
Hai chữ QUAN HỌ trong thư tịch cũ
Nguyễn Hùng Vĩ
Nghĩa của hai chữ QUAN HỌ rất liên quan đến việc tìm hiểu nguồn gốc, tính chất, quá trình phát triển và qua đó liên quan đến việc bảo lưu và phát huy di sản dân ca quý báu này. Những sưu tầm và nghiên cứu từ 1959 đến nay đã có những cố gắng giải thích hai chữ này nhưng vẫn chưa có những kết quả thống nhất, thậm chí có những cách giải hiểu sai lạc. Chúng tôi thử tìm về những ghi chép từ thế kỉ XIX trở về trước để mong hiểu hơn nghĩa của nó. Công việc sẽ còn tiếp tục nhưng những kết quả ban đầu đã cho phép trình bày để mở một lối nhỏ tìm hiểu vấn đề thú vị này.

 1. Từ những văn bản cổ.

Quá trình tìm hiểu cho chúng tôi thấy tất cả các từ điển liên quan đến tiếng Việt từ thế kỉ XIX trở về trước không có từ ghép quan họ và bởi thế không có cụm từ hát quan họ (trong lúc đó các từ hát xoan, hát đúm, hát ghẹo, hát bội, hát nhà trò…đã có). Cũng dễ hiểu là, không phải cái gì có trong tiếng Việt thì các từ điển phải có, và cũng ham nghĩa là, tính phổ biến toàn dân của nó chưa cao.

1.1.Qua tìm hiểu của chúng tôi cho đến hiện nay, hai chữ quan họ xuất hiện trên văn bản sớm nhất là vào năm 1759 của thế kỉ XVIII, cách nay đã 251 năm và dưới dạng chữ quốc ngữ lúc đó. Trong một bức thư của thầy giảng Juan Hiến còn được giữ trong Kho lưu trữ Hội truyền giáo nước ngoài tại Paris mang kí hiệu thư viện V426 có đoạn viết: “…ấy là bấy nhiêu mlời xin Đ.C.B. phù hộ cho hầu cùng cả và quan họ nhà hầu được mọi sự lành hai đời chẳng cùng”. Thời gian ghi là “Cảnh hưng nhị thập niên, ngũ ngoạt thập ngũ nhật” tức ngày 15 tháng 5 năm (âm lịch) năm 1759.

Tài liệu này đã được cụ Đoàn Thiện Thuật, nguyên Giáo sư Khoa Ngôn ngữ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội sưu tầm và chủ biên trong cuốn sách Chữ quốc ngữ thế kỉ XVIII (Nxb Giáo dục. HN. 2008. Các trang 80 và 293).

Đọc tài liệu này và một số thư từ chữ quốc ngữ liên quan thì ta thấy rằng, vào năm 1759, thầy giảng Juan Hiến từ Đàng Ngoài được sai vào Bố Chính (Quảng Bình) để giải quyết một số bất đồng về quan niệm giữa các thầy giảng với nhau. Thầy Hiến đã mang thư vào nhà Hầu tả Kiên, một vị quan theo công giáo đã ba đời, có nhiều công đức đóng góp cho việc truyền giáo, công đường đóng tại xứ Phù Kênh ( nay là  làng Phú Kinh ven sông Son, thuộc xã Liên Trạch, huyện  Bố Trạch) để nhờ giải quyết hộ. Trong đoạn trên, Đ.C.B. là viết tắt ba chữ Đức Chúa Blời (Đức Chứa Trời). Trong ngữ đoạn “ cả và quan họ nhà hầu” thì hai chữ quan họ dùng để chỉ toàn thể gia quyến, kẻ cả người ăn con ở, nhà hầu tả Kiên, tức người nhà của ông quan này.

1.2. Sau tài liệu trên 5 năm, vào ngày 18 tháng 10 năn Giáp ngọ (1764) ta gặp chữ quan họ trong bài hịch bằng chữ Nôm của Hoàng Ngũ Phúc khi vâng mệnh Chúa Trịnh đem quân vào Nam Hà đánh nhà Nguyễn. Trong bản hịch Nôm này có những câu như sau:

- Khá thương những quân dân vài mươi vạn sinh linh, chi để mắc tiểu nhân bại hoại; Khá tiếc cho quan họ hai trăm năm cơ nghiệp, nỡ ngồi xem gian đảng khuynh nguy…



- Ai là kẻ lòng vì quan họ, thấy quan quân mà mở thành đón rước, ấy là đoàn hướng nghĩa, thì thu hào vô phạm, ắt thấy yên vui; Ai là kẻ theo với họ Trương, thấy quan quân mà cậy hiểm chống ngăn, ấy là lũ bất trung, thì xích kiếm tất tru, quyết không dung thứ.

Tài tiệu này đã được GS Hoàng Xuân Hãn phiên âm trong luận văn mang tên Thống nhất thời xưa cụ viết vào tháng 10 năm 1976 tai Paris mà nay đã in trong bộ La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II, các trang 1372, 1373.

Trong mục chú thích, GS Hoàng Xuân Hãn viết: “Quan họ hoặc Họ trỏ nhà chúa”. Đọc bài hịch ta thấy Hoàng Ngũ Phúc dùng chữ quan họ để chỉ tập đoàn nhà Nguyễn. Ông không công nhận nhà Nguyễn là “chúa”. Vì là tướng của chúa Trịnh nên ông gọi chúa Trịnh là vương thượng còn chúa Nguyễn chỉ là Nguyễn gia mà thôi. So sánh với bản hịch chữ Hán còn được Lê Quí Đôn chép trong Phủ biên tạp lục thì ta sẽ rõ. Khi xưa khi viết hịch, bên cạnh bản hịch viết bằng Hán văn, người ta còn có thể viết cùng một bản Nôm để tuyên truyền cho binh lính và nhân dân. Tinh thần hai bản là thống nhất với nhau. Hoàng Ngũ Phúc lấy lí do diệt tả tướng Trương Phúc Loan, cứu cơ đồ nhà Nguyễn mà khởi binh. Tuy nhiên, ông quan niệm nhà Nguyễn không phải là chúa, mà chỉ là một tập đoàn quan lại trấn thủ phương nam mà thôi. Vậy, hai chữ quan họ vừa để chỉ nhà Nguyễn và bao hàm những ai theo sự nghiệp của tập đoàn này.

1.3. Nếu như tác phẩm Văn tế sống Trường lưu nhị nữ là đúng của thi hào Nguyễn Du sáng tác thì ta gặp trong tác phẩm này 3 lần xuất hiện chữ quan họ. Tư liệu này có sau bản hịch Nôm của Hoàng Ngũ Phúc khoảng hơn 20 năm và cũng thuộc thế kỉ XVIII. Hai chữ này nằm trong những ngữ cảnh như sau:

-Nhất lịch sự là quân phường ngoài Chế, những vất ra điếu thuốc bông đào; Đội thế thần thì quan họ trong làng, cũng mang tới cân ngà, quả đá…

-Ngồi trong nhà thì chị em chín mười ả, ả ví, ả hát, ả kéo sợi, ả đưa thoi, cũng có ả trao trầu tận miệng: mĩ nữ như hoa; Léo lên giường thì quan họ năm bảy ông, ông nói, ông cười, ông ngâm thơ, ông đọc chuyện, lại có ông lấp áo trùm đầu: cao bằng mãn tọa…

-Vì quan họ nên ta mộ đức, bạn hữu quen còn đến rủ nhau; Vào trong làng hỏi ả Sạ Uy, lứa tác cũ hãy còn bao ná.

Khi phiên âm bài này in trên báo Thanh Nghị số 32 tháng 3 năm 1942, GS Hoàng Xuân Hãn chú thích: “Quan họ trong làng: con cháu các quan trong làng, nhất là họ Nguyễn Huy”. Lại chú thích: “ Quan họ: những người thuộc họ sang”. Trong khi bình luận tác phẩm, GS còn viết thêm: “Ta lại nhận thấy rằng… tác giả là bạn của các “quan họ” làng Trường Lưu. Vì chơi xuân, nên các bạn rủ nhau đi hát. Quan họ ấy là người họ Nguyễn Huy và ta lại biết rằng họ Nguyễn Huy và họ Nguyễn ở Tiên Điền là hai cự tộc đời bấy giờ liên lạc nhau bởi dây nhân duyên và bằng hữu”.

Sự giải thích của GS Hoàng Xuân Hãn là đúng đắn, rõ ràng và mạch lạc. Rất tiếc là, những người nghiên cứu dân ca quan họ khi tìm nghĩa của hai chữ này, đã không tiếp thu được. Cũng có người nhắc đến một trong ba ngữ liệu trên nhưng giải thích việc Nguyễn Du dùng hai chữ quan họ trong văn tế trên là vì mẹ của cụ người Bắc Ninh(?!). Ta không biết mẹ của Juan Hiến, mẹ của Hoàng Ngũ Phúc có phải là người Bắc Ninh không, vậy mà họ cứ dùng vô tư!.

Với những tài liệu trên, trong các văn cảnh của nó, cho ta rõ nghĩa hai chữ quan họ : dùng để chỉ họ hàng, quyến thuộc, gia nhân của những người làm quan trong thời phong kiến. Vậy từ quan họ này từ đâu mà có?.

 2.Quan họ là từ quan hộ mà ra.

Trong văn bản Nôm, để viết hai chữ quan họ, người ta dùng hai chữ Hán là quan hộ. Hán ngữ đại từ điển giải nghĩa quan hộ như sau:

- Nghĩa 1:Người phạm tội hoặc thuộc lại trong gia đình tuy chưa phục vụ trong quan phủ nhưng đã biên nhập vào hộ tịch đặc biệt, gọi là quan hộ. Sách Tùy thư – Mạch Thiết Trượng truyện viết: “Niên hiệu Thái Kiến thời (Nam) Trần (569 – 592), Mạch Thiết Trượng kết tụ thành bọn trộm cắp, Thứ sử Quảng Châu là Âu Dương Cố bắt được để dâng lên, không phải là quan hộ, cho làm người cầm lọng cho vua Trần” . Lại theo Đường luật sớ nghĩa, danh liệt, quan hộ bộ khúc viết: “ Quan hộ lệ thuộc vào ti nông, ở châu huyện vốn không có hộ tịch và quê quán”.

- Nghĩa 2 : Quan hộ là một loại quan nô tì đời Kim. Thân phận thấp hơn nhiều so với quan hộ thời Đường. Phạm Văn Lan, Thái Mỹ Bưu.. trong Trung Quốc thông sử cho biết: “Trong quan nô tì thời Kim, nguyên do nguyên do hộ tịch của người bình dân nhập vào quan lại, nếu thuộc vào hộ tịch của cung đình thì gọi là giám hộ, mà nô tì nhập vào quan phủ, lệ thuộc Phủ giám thì gọi là quan hộ”.

- Nghĩa 3 : Quan hộ là gia thuộc cùng hậu duệ của quan viên. Lục Du thời Tống trong Lão học am bút kí, quyển 4 viết: “Bình quán khi bình định giặc, đem lại giàu có cho dân, để lại văn hiến về sau. Quan văn mới tâu rằng: Dâng sách có thể dùng, quan võ nói rằng: Quân đội phía trước còn nhiều mệt mỏi. Rồi bổ cho làm quan. Nhưng hứa phải cố gắng, được phong là quan hộ. Tống sử, Cao tông kí viết: “Mùa Thu năm tân hợi chiếu ban cho các châu khảo các đinh tịch của huyện, y theo luật lệ hàng năm mà thu hoặc bỏ đi, chợ, dân vật, quan hộ, gia thế cùng biên tên dân lưu vong đều như nhau cả”. Cũng trong Trung Quốc thong sử, Pham Văn Lan, Thái Mỹ Bưu… cho biết: Gia thuộc nhà quan viên cũng như như các đời sau của họ, đều được gọi là quan hộ. Hình thế hộ và quan hộ đều được miễn phu phen tạp dịch.

Hán ngữ đại từ điển, khi giải nghĩa và khi đưa các ngữ liệu chứa chữ quan hộ, cho ta thấy dù có sự thay đổi nghĩa trong lịch sử nhưng cái nghĩa chung nhất là dùng để chỉ những người thuộc quyền quản lí trực tiếp của nhà quan dù họ có thân phận nô tì hay gia nhân, hậu duệ…

Cái nghĩa này hoàn toàn thống nhất với những chữ quan họ trong thư tịch thế kỉ XVIII của chúng ta : Chỉ những người thuộc về nhà quan. Điều này khẳng định chữ quan họ trong tiếng Việt là từ quan hộ trong tiếng Hán mà ra xét cả về mặt ngữ âm, cả mặt ngữ nghĩa.

 3.Quan họhát quan họ.

Sau khi đã hiểu từ quan họ trong thư tịch cũ thì việc hiểu cụm từ hát quan họ là đơn giản. Đó là chỉ những sinh hoạt ca hát thuộc về nhà quan, trong nhà quan, phục vụ cho nhà quan. Xuất phát điểm của nó chắc chắn là như vậy. Tuy nhiên cũng có vài ý trình bày cho rõ hơn.

Kho tàng ca hát truyền thống của chúng ta có những tục hát gần gũi với hát quan họ. Đó là hát cửa đình còn gọi đình môn ca, hát cửa quyền còn gọi là quyền môn ca… Các nhà nghiên cứu đều thống nhất quyền môn ca là hát ở phủ chúa Trịnh. Hai chữ quyền mônquan hộ gần nghĩa nhau một cách lạ kì, hay nói cách khác, cùng nằm trong một trường nghĩa. Quyền có nghĩa để chỉ để chỉ quyền thế, quyền lực của những người đảm nhận chức vụ nhà nước. Quan cũng chỉ những người có chức vụ làm việc cho nhà nước. Môn nghĩa gốc trỏ cửa có hai cánh. Hộ nghĩa gốc chỉ cửa có một cánh. Quyền môn chỉ nhà quyền thế. Quan hộ chỉ nhà quan cách. Quyền môn đẳng cấp cao hơn quan hộ. Hoàng Ngũ Phúc quan niệm Chúa Trịnh là quyền môn và chỉ chấp nhận nhà Nguyễn là quan họ (hộ). Có quyền môn ca chắc chắn sẽ có quan hộ ca. Quyền môn cahát cửa quyền thì quan hộ ca sẽ là hát cửa quan. Điều này là có thể khẳng đinh và rất phù hợp với những cách hiểu của những truyền thuyết dân gian mà những nhà nghiên cứu sưu tầm được trên đất Bắc Ninh trong công cuộc nghiên cứu từ 1959 đến nay.

Trong lịch sử ca hát truyền thống chúng ta thấy có hát cung đình, hát vương phủ, hát ti trấn (hát nhà tơ), hát cửa đình thì chắc chắn hát cửa quan là có thật. Cũng giống như trước đây, chúng ta có đoàn văn công trung ương, đoàn văn công tỉnh, đội văn công huyện, tổ văn công xã thôn vậy. Các cấp bực tổ chức và quản lí là như nhau tuy cách thức tổ chức khác nhau mà thôi. Thời phong kiến vua, chúa, quan lại tổ chức và nuôi dưỡng thì sau này các cấp chính quyền sẽ làm việc đó. Lịch sử là dòng chảy bất tận.

Vậy, hát cửa quan thì có là dân ca không?. Cái này tùy theo cách nhìn. Giữa nghệ thuật dân gian và nghệ thuật bác học có sự phân biệt nhưng không bao giờ có ranh giới tuyệt đối trong quá trình vận động miên trường của mình. Cách lập luận đã là bác học thì không dân gian, đã là dân gian thì không bác học là cách nhìn siêu hình, thiếu thực tế. Tượng phật là điêu khắc dân gian hay bác học? Ngôi đình là kiến trúc dân gian hay bác học? Ca trù là dân gian hay bác học? Tuồng là dân gian hay bác học? Câu hỏi không dễ trả lời. Có những hiện tượng vừa là thế này vừa là thế kia trong đời sống thực tế của nó. Sĩ nông công thương trong chế độ phong kiến là dân. Những người hát quan họ trong cửa quan chắc chắn thuộc phạm trù DÂN. Vậy chúng ta quan niệm nó là một loại dân ca cũng chẳng phải là sai, đặc biệt là khi chúng ta tiến hành nghiên cứu nó thì hiện trạng đã được dân gian hóa sâu sắc rồi.

 Việc hiểu đúng gốc tích hai chữ quan họhát quan họ cũng chỉ là một lối nhỏ trong việc nghiên cứu toàn bộ dân ca này. Tuy nhỏ nhưng lại quan trọng vì nó sẽ định hướng cho các cách tiếp cận và lí giải nhiều vấn đề về nguồn gốc, tính chất, các hiện tượng đặc biệt, quá trình phát triển và đặc biệt nhiệm vụ bảo lưu nó. Đồng thời việc nghiên cứu đúng đắn sẽ giúp cho sự đánh giá công lao to lớn, quyết định của Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh đối với việc phát huy nó trong hơn 40 năm qua. Chúng tôi sẽ dành các bài viết khác cho việc tìm hiểu này.



 Hà Nội 27 / 4 / 2010

http://khoavanhoc-ussh.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=713:hai-ch-quan-h-trong-th-tch-c&catid=87:vn-hc-dan-gian&Itemid=260

tải về 34.03 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương