Em yêu lịch sử việt nam



tải về 43.34 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích43.34 Kb.
#17478
BÀI DỰ THI TÌM HIỂU “EM YÊU LỊCH SỬ VIỆT NAM”
Câu 1: Ngày 6-12-2012 UNESCO đã chính thức công nhận một tín ngưỡng ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Anh (chị) hãy cho biết đó là tín ngưỡng gì? Nêu những điều mà anh (chị) tâm đắc về thời đại là nguồn gốc hình thành nên tín ngưỡng đó.

Tại Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Liên chính phủ công ước 2003 về bảo tồn văn hóa phi vật thể diễn ra tại Pa-ri ngày 6-12, UNESCO đã chính thức xác nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Con người có Tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn



(Ca dao)

Ngày nay quan niệm đó đã đi vào tâm thức của từng người Việt Nam chúng ta. Con cháu ở đâu, ông bà và tổ tiên ở đó. Quan niệm đó dần trở thành ý thức tâm linh và được hun đúc trong từng người và trong cả cộng đồng Việt Nam chúng ta. Trong cái sâu thẳm của tâm hồn người Việt, ai cũng quan niệm rằng, chúng ta là những người sinh ra cùng một bọc, là con Rồng cháu Tiên và hình ảnh vua Hùng là vị vua đã có công dựng nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên của người Lạc Việt, là tổ tiên của người Việt Nam. Đó cũng là điều Bác Hồ từng căn dặn:



Các vua Hùng có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.

Không riêng gì người dân ở trong nước mà người Việt có mặt ở đâu sẽ thờ tổ ở đó, tín ngưỡng đó để cùng nhau ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của tổ tiên để thể hiện ý thức đạo đức và bổn phận của của mõi người. Uống nước nhớ nguồn tri ân công đức tổ tiên là nếp sống văn hóa cộng đồng. Văn hóa ấy là tấm gương phản chiếu sự hiểu biết niềm tin tín ngưỡng và phong tục cổ truyền của một dân tộc.

Dù ai buôn bán gần xa

Nhớ ngày giỗ Tổ, tháng ba mồng mười

Từ bao đời nay, những người con dân đất Việt đều ghi nhớ nằm lòng nhắn nhủ hướng về tổ tiên, cội nguồn, lời hẹn ước, hội tụ vào tháng ba hàng năm.

Chính vì thế hiện nay Quyết định của UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đáp ứng các tiêu chuẩn để được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quyết định cũng nêu cụ thể: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng nhiều quốc gia trên thế giới về lòng biết ơn tổ tiên, về thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa.

Được sinh ra là người Việt Nam con Hồng cháu Lạc chúng ta tự hào có một ông Tổ chung là các vị vua Hùng. Và hôm nay việc ghi danh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đó không chỉ là niềm vui và tự hào của dân tộc Việt Nam mà còn được đánh giá cao tính nhân văn của dân tộc ở Việt Nam là tục thờ cúng Tổ tiên. Đồng thời khi cả dân tộc đang đón nhận một di sản văn hóa có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, thiết nghĩ chúng ta cũng nên nhắc sơ qua một chút về lịch sử của vua Hùng để cùng nhau ôn cố tri ân. Theo bộ sử kí Đại Việt Sử kí toàn thư, sử gia Ngô Sĩ Liên viết ở thế kỉ XV chép rằng: “Đế Minh sinh ra Lộc Tục, Lộc Tục sinh ra Lạc Long Quân, kế tiếp Lạc Long Quân và vợ Âu Cơ sinh được một trăm trứng, nở thành 100 người con trai, 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên núi cùng suy tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Bạch Hạc, Phú Thọ. Nước Văn Lang được hình thành vào khoảng năm 2879 TCN và kết thúc vào năm 258 TCN bởi An Dương Vương Thục Phán. Từ đây hình thành quan niệm dân gian coi nước Văn Lang đời Hùng Vương ra đời cách ngày nay khoảng hơn 4000 năm và thường được nghe nói 4000 năm văn hiến”.



Vào thời ấy chúng ta đã được nghe kể và đọc rất nhiều chuyện cổ tích cũng như truyền thuyết của nước ta, chẳng hạn như: Truyện “Con Rồng cháu Tiên”; “Họ Hồng Bàng”, “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, “Phù Đổng Thiên Vương”, “Bánh chưng, bánh dày”, “Sự tích Dưa Hấu”, “Chữ Đồng Tử”...qua các truyện trên đã cho thấy dưới thời đại Hùng Vương các vị vua đã chỉ dạy dân ta khai phá đảo hoang, đắp đê chống lụt, làm bánh, buôn bán và biết giữ nước.

Vua Hùng trong tín ngưỡng cội nguồn của người dân Việt khắp nơi trên thế giới đã trở thành niềm tin thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc và đoàn kết dân tộc; đồng thời khích lệ nhận thức về lòng biết ơn tổ tiên. Chính những giá trị tiêu biểu đó trở thành một trong 17 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện mới của thế giới.



Câu 2: Anh (chị) hãy nêu cảm nhận của mình về một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.

Nhìn lại con đường lịch sử đã qua, trong bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải chiến đấu chống ngoại xâm gần như thường xuyên và đã chiến thắng ngoại xâm một cách oanh liệt. Đó là một nét nổi bật của lịch sử Việt Nam là thử thách gay go nhất nhưng cũng là niềm tự hào lớn nhất của dân tộc ta.



Lịch sử Việt Nam đã trải qua nhiều bước thăng trầm và làm sao tránh khỏi những lúc lầm than tủi nhục, con đường mà dân tộc đã đi qua đầy gian nan, nguy hiểm. Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức” không để cho kẻ thù khuất phục. Bao đời nay từ thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung cho đến ngày nay lịch sử đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ với sự quyết tâm, ý chí và nghị lực của cả dân tộc vươn lên kiên cường, sức sống phi thường luôn hướng về phía trước. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã đi qua dân tộc ta luôn luôn tự hào với cuộc cách mạng tháng Tám thành công. Và năm 1945, chủ Tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho cả dân tộc, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do cho độc lập. Toàn thể dân tộc Việt nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một kỉ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Bởi nó phá tan hai tầng xiềng xích nô lệ Pháp - Nhật (hơn 80 năm), lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế (hơn 1000 năm), lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đưa nước Việt Nam từ nước thuộc địa trở thành một nước độc lập, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ thành người dân độc lập tự do làm chủ nước nhà.

Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra một kỉ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỉ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, kỉ nguyên độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng tháng Tám ở nước ta là thắng lợi đầu tiên trong thời đại mới của dân tộc thuộc địa. Vì vậy có tác dụng cổ vũ các dân tộc thuộc địa, nữa thuộc địa khác noi theo, đặc biệt là nhân dân châu Á, châu Phi. Góp phần củng cố hòa bình ở khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Kẻ thù đã thử thách sức sống của dân tộc ta một cách ghê gớm và lịch sử là bằng cứ hùng hồn chứng minh rằng “dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng” như chủ Tịch Hồ Chí Minh đã nói. Bốn nghìn năm giữ nước của dân tộc ta là một thiên anh hùng ca rạng rỡ với biết bao chiến công oanh liệt chống ngoại xâm.

Câu 3: Trong lịch sử dân tộc Việt Nam anh (chị) yêu thích nhân vật lịch sử nào? Vì sao? Hãy trình bày hiểu biết của anh (chị) về nhân vật đó.

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mỗi nhân vật lịch sử đều gắn với từng triều đại chống giặc ngoại xâm, nhân vật nào cũng đáng kính, đáng nể và đáng khâm phục. Họ đều là những vị tiền bối làm nên những trang sử vẻ vang hào hùng của dân tộc.




(1911 – 2013)
Gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đô hộ, ngoài cha già đáng kính Hồ Chí Minh ra thì nhân vật lịch sử để lại trong em một sự gần gũi, kính trọng, và yêu thích đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bởi ngoài cuộc sống giản dị, thanh bạch, người còn là một thầy giáo dạy môn lịch sử mà em yêu thích. Ngoài ra Đại tướng còn có một vai trò rất lớn trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí trực tiếp chỉ huy các chiến dịch lớn: chiến dịch Biên Giới 1950, chiến dịch Điện Biên Phủ 1954...Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ thủy, tỉnh Quảng Bình.

Ngày tham gia cách mạng 1925, ngày vào Đảng năm 1940, năm phong quân hàm cấp tướng: ngày 20/11/1948. Chủ Tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh số 110/SL phong đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng mất ngày 4/10/2013 tại Hà Nội.



Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp vạch kế hoạch và chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông là một tướng giỏi; một nhà quân sự tài ba; áp dụng nghệ thuật lấy ít địch nhiều; lấy yếu chế mạnh; đánh chắc, thắng chắc.

Lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi cuối cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đánh bại một nước đế quốc lớn của thời đại, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn hội nghị Giơ-ne-vơ công nhận độc lập, chủ quyền của ba nước Đông Dương. Chấm dứt sự thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ. Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của tổ tiên, học hỏi, tham khảo bạn bè quốc tế và được đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân ông.

Câu 4: Ở tỉnh, thành phố quê hương anh (chị) có những di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) tiêu biểu nào? Anh (chị) hãy giới thiệu về một di sản văn hóa của quê hương mà anh (chị) ấn tượng nhất? Theo anh (chị), cần phải làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa đó?

Đến với Hà Tĩnh, khám phá về các di sản văn hoá tiêu biểu (vật thể và phi vật thể), người dân Hà Tĩnh luôn tự hào về di sản văn hóa vật thể, có các danh thắng nhiều người biết đến như: Núi Hồng sông La, Đèo Ngang, Hồ Kẻ Gỗ, Thác Vũ Môn... Về di sản văn hóa phi vật thể có các loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc như: Ca trù Cổ Đạm, ví phường vải Trường Lưu, hò chèo cạn Nhượng Bạn...

Có thể nói ca trù Cổ Đạm, một trong những cái nôi phát tích của Ca trù Việt Nam vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2009.

Khi Thạch Hà là cái nôi của hát ca trù đã không còn tồn tại, thì Nghi Xuân được coi là miền đất cổ của điệu hát này. Tuy không còn sân khấu biểu diễn và không gian sinh hoạt như trước nhưng trong đời thường, họ vẫn hát cho nhau nghe rồi truyền dạy cho con cháu. Những cố Mơn, cố Nga, cố Bình... lần lượt được phong tặng danh hiệu nghệ nhân, dân gian và trở thành chỗ dựa vững chắc cho việc khôi phục và bảo tồn vốn văn hóa quý báu này.



Như vậy để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa đó các nghệ nhân cần phải “hi sinh” về vật chất lẫn tinh thần để thể hiện niềm đam mê, say đắm của mình. Ngày xưa, các nghệ nhân sống bằng nghề hát, gánh hát đi tới đâu có khán giả ở đó, họ say mê thưởng thức các làn điệu ả đào. Ngày nay không gian sinh hoạt đó không còn nên các thành viên câu lạc bộ đều phải tự bỏ tiền túi để duy trì vốn cổ. Hơn nữa ca trù là một thể đòi hỏi nhiều yếu tố bản năng và kỉ thuật. Học được một bài ca trù có khi mất hàng tháng trời. Thế nhưng học xong chẳng biết hát cho ai nghe ngoài những người cùng câu lạc bộ. Nghi Xuân là vùng đất du lịch nhưng việc kết nối giữa các khu, điểm du lịch với “đặc sản” ca trù chưa được chú trọng. Hiện nay, ngoài liên hoan ca trù toàn quốc được tổ chức 2 năm một lần, còn nữa ca trù chỉ được lên sân khấu những hoạt động văn nghệ quần chúng nhờ sự linh động sắp xếp, xen kẽ của bộ văn hóa. Ở các trường học vào những ngày lễ lớn hay tiết ngoài giờ lên lớp theo chủ đề, cần đưa nét đẹp văn hóa truyền thống, dân gian, đặc sắc ca trù thổi vào ngọn lửa đam mê trong lòng người Nghi Xuân cũng như tới các em học sinh để đến với ca trù bằng niềm say mê tuyệt đối. Đó cũng là cách bảo tồn, phát triển bởi niềm đam mê cháy bỏng với câu hát quê hương.

Có thể khẳng định rằng, Hà Tĩnh là vùng đất kết tinh nhiều giá trị văn hóa dặc sắc. Đối với những di sản đã được UNESCO công nhận và đang đề nghị công nhận thì cần có cơ chế, chính sách, lộ trình bảo tồn, phát triển cụ thể, rõ ràng chứ không phải chỉ hô hào là coi như xong. Giữ gìn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể như thế nào, phát huy ra sao, ở mức độ nào, đang cần sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự chung tay của các nghành liên quan và vai trò của ngành chủ quản.


Câu 5: Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam



Anh (chị) hãy cho biết hai câu thơ trên là của ai? Nêu ý nghĩa của hai câu thơ đó. Theo anh (chị), cần phải làm gì để người học yêu thích môn lịch sử?

Hai câu thơ trên được Hồ Chí Minh viết trong cuốn “Lịch sử nước ta” bằng 208 câu thơ lục bát vào năm 1942.

Đất nước ta, dân tộc ta đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, với nhiều thành tựu và chiến công huy hoàng rất đáng tự hào. Hồ Chí minh đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta...” Bác dạy chúng ta phải học, phải hiểu, phải biết cho tường tận cụ thể gốc tích lịch sử nước nhà Việt Nam. Sử ta dạy cho ta những truyền thống vẻ vang của tổ tiên ta biết được cội nguồn của mình và dân tộc mình là con Rồng cháu Tiên để từ đó chung tay dựng xây và bảo vệ đất nước xứng đáng với ông bà tổ tiên. Đó cũng chính là tinh thần, tư tưởng cách dạy sử từ cuốn “Lịch sử nước ta” của Hồ Chí Minh cách đây 70 năm vẫn còn nguyên giá trị cho ngày nay.

*Lịch sử đóng vai trò quan trọng trong giáo dục thế hệ trẻ và không thể thiếu được trong việc học tập của học sinh ngày nay là chủ nhân của tương lai đất nước. Chính vì thế có nhiều bạn học sinh cho rằng: “Môn lịch sử chỉ là môn học phụ, nhàm chán, lịch sử là môn học rắc rối với quá nhiều sự kiện khó nhớ, dài dòng...”. Chắc có lẽ các bạn không xác định được mục đích học tập, chưa có phương pháp học tập đúng, sinh ra quan niệm sai lầm về vai trò ý nghĩa của môn học lịch sử.



Vậy làm thế nào để người học yêu thích môn lịch sử và vì sao phải học lịch sử. Đặc biệt là thế hệ học sinh phải hiểu rõ được lịch sử Việt Nam, bởi lẽ lịch sử là những gì thuộc về quá khứ. Nếu không có quá khứ sẽ không có hiện tại và tương lai. Đã là người Việt Nam thì dù ở đâu cũng phải biết lịch sử Việt Nam, vì đó là đạo lí muôn đời của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”. Vấn đề không chỉ dừng lại ở đó, đối với mỗi giáo viên ngoài nội dung và cách trình bày cần phải khai thác hình ảnh minh họa sống động những trận chiến ác liệt hay những câu chuyện hồi kí những tâm tư của người lính sau chiến tranh. Cái mà học sinh học được ở đây làm sao có thể cảm nhận những mất mát hi sinh to lớn của những người đi trước, là xương máu mồ hôi, công sức của biết bao con người. Những chuyển biến về nhiều lĩnh vực xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa trong các giai đoạn lịch sử khác nhau để từ đó ý thức được việc giữ gìn thành quả của cha ông trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khơi lên trong tâm hồn học sinh lòng biết ơn sâu sắc, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, thêm yêu những trang sử hào hùng của dân tộc. Những cái đó không đâu ngoài những câu chuyện người thật việc thật, những hình ảnh sinh động những câu chuyện mang tính thông tin mang hơi thở của thời cuộc. Sau sách giáo khoa phải kể đến sách tham khảo lịch sử, hiện nay, có quá ít những cuốn sách lịch sử hấp dẫn người đọc. Đó là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng và sự yêu thích bộ môn lịch sử của học sinh ở các cấp hiện nay.

Bài viết của em: Phan Thị Phương Thảo, học sinh trường THCS Đồng lộc, Can lộc. Hà tĩnh.

tải về 43.34 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương