Chuyên đề KẾt quả NỖi bật và MỘt số BÀi học kinh nghiệm sau 02 NĂm thực hiện chưƠng trình mtqg



tải về 95.04 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích95.04 Kb.
#23706
Chuyên đề

KẾT QUẢ NỖI BẬT VÀ MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM SAU 02 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MTQG

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI HÀ TĨNH

Xác định nông thôn có vai trò hết sức quan trọng, nên Hà Tĩnh đã sớm chủ động phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, từ năm 2001, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-TU “về tiếp tục lãnh đạo chương trình xóa đói, giảm nghèo giải quyết việc làm và tập trung xây dựng nông thôn mới”. Ngày 02/8/2001 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định 1635/QĐ-UBND về tiêu chí xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí, với các nội dung chủ yếu: giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn, nhất là hệ thống thuỷ lợi là những nội dung được quan tâm cao; ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí cho các xã khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển.

Hà Tĩnh triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở kế thừa những kết quả và kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới có được từ những giai đoạn trước, mô hình thí điểm của Ban Bí thư Trung ương tại xã Gia Phố (huyện Hương Khê) và lại được Trung ương chọn là một trong 5 tỉnh của cả nước làm điểm chỉ đạo của Trung ương. Đây là một Chương trình lớn bao trùm tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, nhận thấy là “cơ hội vàng” để phát triển nông thôn vì vậy, Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc, nêu cao vai trò chủ thể của cư dân nông thôn, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trọng điểm duy trì thường xuyên và lâu dài.

Sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình, Hà Tĩnh đã đạt kết quả bước đầu khá rõ nét cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, được Trung ương đánh giá là tỉnh có cách làm “chủ động, bài bản, sáng tạo, quyết liệt, tâm huyết”. Trên tất cả các lĩnh vực, cả 19 tiêu chí đều có sự chuyển biến tích cực; đã có 06 xã đạt từ 16 - 18 tiêu chí gồm: Tùng Ảnh, Gia Phố, Hương Trà, Cẩm Bình, Thạch Châu, Thiên Lộc; 44 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí; 155 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí và 30 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 42 xã so với 2 năm trước.



I. KẾT QUẢ NỔI BẬT

1. Hoàn thiện hệ thống tổ chức chỉ đạo, điều hành, thực hiện Chương trình và hoạt động hiệu quả cao.

Bộ máy thực hiện Chương trình từ tỉnh đến cơ sở được thành lập sớm, ngày càng được kiện toàn theo hướng chuyên trách và hoạt động ngày càng có tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Ngay khi có Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình nông thôn mới có đầy đủ các thành phần trong hệ thống chính trị và các đoàn thể chính trị xã hội. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn công tác chỉ đạo, giám sát tại các địa phương; Đoàn công tác của Tỉnh ủy do đồng chí Thường vụ làm trưởng đoàn.

Xác định chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Điều phối các cấp phải đủ điều kiện để thực hiện tốt cả 3 chức năng cơ bản: Chức năng văn phòng, chức năng điều phối và chức năng tổ chức thực hiện (đối với một số nội dung, công việc được giao khác); đặc biệt là chức năng điều phối phải được thể hiện rõ và có thẩm quyền, vị thế để thực hiện chức năng này nên tỉnh đã thành lập Văn phòng Điều phối nông thôn mới ở cấp tỉnh và cấp huyện tham mưu trực tiếp cho Ban chỉ đạo và Ủy ban nhân dân. Ở cấp tỉnh do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực là Phó Giám đốc sở và 1 lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn làm Phó Chánh Văn phòng.

Cấp huyện thành lập Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND làm Trưởng ban, thành lập Văn phòng Điều phối do Phó Chủ tịch UBND làm Chánh Văn phòng và bố trí từ 2 - 5 cán bộ chuyên trách. Cấp xã thành lập Ban Chỉ đạo và Ban quản lý chương trình, thành lập các tiểu ban, bố trí 1 cán bộ chuyên trách theo dõi lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mới, ở cấp thôn thành lập Ban phát triển thôn.

Tất cả các tổ chức này cơ bản đã được kiện toàn, củng cố đảm bảo hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

2. Ban hành đồng bộ, cơ bản đầy đủ các quy hoạch, chương trình, đề án, cơ chế, chính sách và hướng dẫn thực hiện Chương trình.

- Cấp tỉnh: Hệ thống văn bản được ban hành đồng bộ, kịp thời tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện. Đã có 4 chương trình, 14 quy hoạch, 12 đề án được phê duyệt và đặc biệt là bộ chính sách về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới được ban hành đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, như: Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2015; phê duyệt danh mục sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh; chính sách hỗ trợ lãi vay để phát triển sản xuất; ban hành cơ chế huy động, lồng ghép và quản lý thanh quyết toán nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới; ban hành định khung mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho từng nội dung, công việc cụ thể để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các sở, ngành liên quan đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện.

- Cấp huyện: 12/12 huyện, thành phố, thị xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; một số địa phương đã xây dựng các đề án chuyên sâu; tất cả các huyện, thành phố, thị xã đã có những chính sách riêng khuyến khích phát triển sản xuất và xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015.

3. Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục cả chiều rộng và chuyển dần vào chiều sâu, tạo sự chuyển biến cơ bản nhận thức về Chương trình; công tác tập huấn được triển khai đến tận thôn xóm, kết hợp giải quyết các vướng mắc ở cơ sở.

Xác định xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài và liên tục, hội tụ sức mạnh và đồng thuận của nhân dân là “chìa khóa thành công của Chương trình”. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thực hiện thường xuyên, liên tục, sâu rộng để thay đổi, chuyển biến nhận thức, tư tưởng của người dân. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch, nội dung tuyên truyền và chỉ đạo các cấp, các ngành, các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng và thời kỳ. Kết quả đã làm chuyển biến rõ nét về nhận thức, tư duy của người dân và cán bộ về xây dựng NTM, người dân đã nhận thức được mình làm vì mình, mình là chủ thể, Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ; tư tưởng trông chờ, ỉ lại đã dần được đẩy lùi; sự tự giác được thể hiện ngày càng rõ nét, nhất là trong việc hiến đất, dời dọn công trình làm đường giao thông thôn, xóm; nhận thức về tầm quan trọng của phát triển sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm của nông dân đã được nâng lên.

Trong 2 năm, đã tổ chức được 1.053 đợt tuyên truyền với 192.887 lượt người tham gia; 3.000 tin bài, phóng sự trên các báo… nổi bật như website "nongthonmoihatinh.vn" với nhiều tin bài thiết thực phản ánh hoạt động nông thôn mới trong và ngoài tỉnh đã thu hút hơn 3,3 triệu lượt người truy cập; Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, Đoàn các Cơ quan cấp tỉnh phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh thực hiện Chương trình văn nghệ tuyên truyền “Chung sức xây dựng nông thôn mới” kết hợp triển lãm ảnh tại 34 xã trong tỉnh. Các sở ban ngành, các tổ chức đoàn thể, cấp hội cũng đã lồng ghép trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình để tuyên truyền.

- Cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư gắn với xây dựng NTM” ngày càng được nâng cao chất lượng, sát với thực tiễn, đi vào cuộc sống của từng người dân, từng gia đình, dòng họ và mang lại hiệu quả thiết thực. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục, y tế, dân số/KHHGĐ được nhân dân tích cực hưởng ứng: 100% khu dân cư có quy ước, hương ước; tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 73,9%, khu dân cư văn hoá đạt 34%, khu dân cư có nhà văn hoá đạt 92,6%. Công tác phối hợp giữa các ngành, các tổ chức thành viên trong việc lồng ghép các phong trào, các cuộc vận động, các chương trình ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng cuộc sống ấm no, bình đẳng tiến bộ, hạnh phúc trong các cộng đồng dân cư.

- Công tác đào tạo, tập huấn thời gian qua đã trang bị cơ bản kiến thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở triển khai thực hiện hiệu quả, đúng hướng chương trình xây dựng NTM ở địa phương. Sau 2 năm cấp tỉnh đã tổ chức được 1.174 lớp đào tạo, tập huấn với 68.095 người tham dự, trong đó: 605 lớp đào tạo nghề cho 20.056 học viên; các huyện, thị tổ chức được 363 lớp đào tạo với 33.979 người tham dự. Các nghề được đào tạo chủ yếu như may công nghiệp, kỹ thuật hàn, may dân dụng, may công nghiệp, công nghệ ô tô, điện dân dụng, vận hành các loại máy nông nghiệp, máy công trình, nghề mây tre đan, trồng rau sạch, chăn nuôi gia súc, gia cầm; Văn phòng điều phối phối hợp với các sở, ngành tập huấn cho cán bộ cốt cán từ cấp xã, huyện trong toàn tỉnh về quan điểm, mục tiêu, phương châm xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn thực hiện Đồ án quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới và Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn và các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; ngoài ra cấp huyện còn tổ chức 395 lớp đào tạo nghề cho 13.399 học viên.

4. Kết quả thực hiện theo các nhóm tiêu chí.

4.1. Quy hoạch, thực hiện Quy hoạch và xây dựng các đề án.

Xác định Quy hoạch và xây dựng Đề án là cơ sở quan trọng để thực hiện Chương trình đúng hướng, đạt hiệu quả, đây là việc làm đầu tiên nên Hà Tĩnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác lập quy hoạch và 2 Đề án cùng trong 1 thời gian.

+ Đến nay, tất cả các xã đã được phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh là 1 trong 3 tỉnh (Hà Tĩnh, Thái Bình và Nam Định) hoàn thành sớm nhất (cả nước đến nay đạt 83,6%)

+ 100% số xã đã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn (cả nước đạt 60,4%) và 100% số xã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.



4.2. Kinh tế và tổ chức sản xuất.

Xác định tiêu chí Thu nhập là tiêu chí đặc biệt quan trọng mà để đạt được tiêu chí này sản xuất là vấn đề cốt lõi, tỉnh đã tập trung chỉ đạo cao thực hiện Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; tỉnh đã công bố 13 sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp và ưu tiên các nguồn lực cho sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm,... phong trào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng phát triển rộng khắp và đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh. Sau 2 năm thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2012 tăng gấp 1,73 lần so với năm 2010.

Đến nay đã có hàng ngàn mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, trong đó 552 mô hình SXKD gắn với xây dựng NTM có quy mô vừa và lớn, lợi nhuận cao, trong đó: Chăn nuôi: 210 mô hình, chiếm 38%; Trồng trọt: 91 mô hình, chiếm 16,5%; Thủy sản: 97 mô hình, chiếm 17,6%; lâm nghiệp: 13 mô hình, chiếm 2,4%; nông lâm kết hợp, chế biến, thương mại, dịch vụ: 141 mô hình, chiếm 25,5%; đặc biệt có 33 mô hình đạt tiêu chí cấp tỉnh, trong đó mô hình chăn nuôi chiếm 51,5%.

Sự tham gia của các Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trực tiếp hoặc gián tiếp, liên kết, liên doanh ngày càng nhiều; toàn tỉnh đã thành lập mới 101 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nâng tổng số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn lên 368. Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam với hình thức liên kết "chăn nuôi gia công" đã xây dựng được 86 cơ sở chăn nuôi lợn liên kết quy mô từ 500 - 1.200 con (Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam: 50 cơ sở; Tổng công ty Khoáng sản thương mại Hà Tĩnh: 36 cơ sở); liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn từ 5 xã (của 3 huyện) diện tích 500 ha lên 26 xã (của 5 huyện) diện tích 2.700 ha tăng hơn 5 lần cả số xã và diện tích. Công ty TNHH Hoàng Long liên kết xây dựng Tổ hợp phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường bằng bể Biogas với hơn 2.000 hộ dân chăn nuôi lợn, góp phần cải thiện và giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi, tiết kiệm chi phí điện chiếu sáng… từ đó hướng nghề chăn nuôi thân thiện hơn với môi trường.

Các hình thức tổ chức sản xuất hợp tác được củng cố, phát triển, thành lập mới 157 Hợp tác xã, nâng tổng số HTX đến nay lên 631 HTX; thành lập mới được 110 Tổ hợp tác, nâng tổng số THT đến nay lên 493 THT; vốn góp bình quân vào HTX khá cao, bình quân 1,3 tỷ đồng/HTX, hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn, tiền công của xã viên và người lao động bình quân 2,5- 3 triệu đồng/người/tháng.

4.3. Hạ tầng kinh tế - xã hội.

Các tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, thiết yếu dân sinh được cải thiện đáng kể: Trong 02 năm, đã nhựa hóa và bê tông hóa 2.062 km đường giao thông nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tỷ lệ km đường GTNT được nhựa và bê tông hóa đạt chuẩn lên 53,4%; cứng hóa 389km đường trục chính nội đồng đạt chuẩn. Kiên cố hóa 196km kênh mương do xã quản lý nâng tổng số kênh mương được kiên cố hóa lên 3.094/8.284 km, đạt 37,3%. Xây dựng 832km đường điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật ngành điện. Cải tạo, nâng cấp được 143 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, 7.403 nhà ở dân cư, 34 nghĩa trang, 53 khu xử lý rác thải, 39 nhà văn hóa xã, 237 nhà văn hóa thôn...



4.4. Văn hóa - xã hội - môi trường.

Hà Tĩnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học năm 1992, phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2002 và từ đó đến nay kết quả phổ cập giáo dục tiếp tục được củng cố vững chắc; hiện nay, tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2013 (đã có 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn vào năm 2012).

Đến nay, Hà Tĩnh đã xây dựng được một hệ thống giáo dục với quy mô khá hoàn chỉnh, đủ các bậc học, cấp học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá và xã hội hoá; từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của toàn dân để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Giáo dục Hà Tĩnh luôn được đánh giá là một trong những tỉnh mạnh trong toàn quốc chất lượng giáo dục được giữ vững và tiếp tục nâng cao chất lượng. Đến nay 100% số xã có trường mầm non, trong đó có 115 trường đạt chuẩn quốc gia (khu vực nông thôn 72 trường); 309 trường tiểu học, trong đó có 298 trường đạt chuẩn quốc gia, vùng nông thôn có 283 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 96,5%), mỗi xã có ít nhất một trường, một số xã có 2-3 trường (cá biệt như xã Hà Linh, huyện Hương Khê có 4 trường); 71,49% số xã có trường trung học cơ sở, số trường đạt chuẩn quốc gia 106 trường (chiếm 41%), trong đó khu vực nông thôn có 187 trường, với 74 trường chuẩn quốc gia (chiếm 39,6%); 44 trường trung học phổ thông (tại 12,77% số xã), trong đó có 35 trường công lập, 4 trường bán công, 5 trường dân lập, hiện có 17 trường đạt chuẩn quốc gia đều ở khu vực nông thôn.

Y tế nông thôn ngày càng được củng cố và phát triển, theo đánh giá của Bộ Y tế, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có phong trào xây dựng chuẩn quốc gia về y tế khá của cả nước: Đến nay, 235 xã có trạm y tế, trong đó có 77 trạm y tế được xây dựng kiên cố, chiếm 32%, còn lại là bán kiên cố; có 199 trạm xá đạt chuẩn quốc gia (chiếm 76 %); 97,11% số thôn có cán bộ y tế; tuyến trạm y tế phường, xã có tổng số 1.310 giường bệnh, phòng khám đa khoa khu vực có 205 giường bệnh.

Các thiết chế văn hóa từng bước được hoàn thiện. Đến nay cơ bản khu dân cư có quy ước, hương ước; 74% đạt gia đình văn hoá, 34% đạt khu dân cư văn hoá, điển hình như xã Thạch Châu đạt giải nhất Liên hoan Dân ca Ví giặm Xứ Nghệ tổ chức tại Nghệ An năm 2012.

Vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện, tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh được tăng lên đáng kể, đến nay tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh 79,81%, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng công trình hợp vệ sinh đạt 64,1%, tỷ lệ số hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 66%.



4.5. Hệ thống chính trị.

Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố và tăng cường, cán bộ cấp xã từng bước được trẻ hóa, chuẩn hóa. Đến nay có 133/235 xã đạt chuẩn tiêu chí Hệ thống chính trị (đạt 56,6%), việc sáp nhập thôn cơ bản hoàn thành, từ 2.535 thôn xuống còn 1.929 thôn (giảm 606 thôn và gần 5.000 cán bộ thôn); mỗi thôn sau sáp nhập có ít nhất 150 hộ.

An ninh trật tự xã hội được giữ vững, ổn định, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào XDNTM" được đẩy mạnh; các hộ gia đình cơ bản chấp hành nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng gia đình văn hoá, làm giàu chính đáng.

* Kết quả huy động nguồn lực:

- Tổng vốn huy động trong 02 năm qua là 15.628 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước: 2.838 tỷ đồng chiếm 18%, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án 1.948 tỷ đồng (chiếm 12,5%); vốn tín dụng 11.267 tỷ đồng (chiếm 72%); vốn doanh nghiệp 321 tỷ đồng (chiếm 2%); nhân dân đóng góp 1.100 tỷ đồng (chiếm 8%), trong đó: Tiền mặt 68,3 tỷ đồng, hiến đất 2,7 triệu m2 quy ra tiền gần 345 tỷ đồng, ngày công lao động và tài sản trên đất 778 tỷ đồng.

- Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, UBND Tỉnh đã tổ chức Lễ phát động “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” và Chủ tịch UBND tỉnh gửi thư kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm, con em Hà Tĩnh sinh sống và công tác trên mọi miền tổ quốc chung sức xây dựng nông thôn mới; đồng thời giao nhiệm vụ cho các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị và các doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm tài trợ, đỡ đầu cho các xã xây dựng nông thôn mới. Sau 2 năm đã đạt kết quả đáng trân trọng: Đã có 82 đơn vị đỡ đầu cho 104 xã và 8 đơn vị tài trợ bằng tiền qua Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh; ngoài ra ở nhiều địa phương còn có sự đóng góp xây dựng quê hương của con em xa quê và các tổ chức, cá nhân khác; đã huy động được 166 tỷ đồng, tiêu biểu như Can Lộc 61,7 tỷ đồng, Đức Thọ 34 tỷ đồng (riêng xã Tùng Ảnh hơn 20 tỷ đồng), Hương Sơn 26,3 tỷ đồng, Thạch Hà 26,7 tỷ đồng,...

II. MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ

1. Về công tác tuyên truyền, tập huấn.

Công tác tuyên truyền tuy đã được triển khai khá đồng bộ, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là chiều sâu, điểm nhấn còn hạn chế, một số địa phương chính sách chưa chuyển tải hết đến người dân hoặc dân chưa hiểu, phần lớn đang nằm lại ở cán bộ chủ trì cấp cơ sở. Việc tập huấn, hướng dẫn của các sở, ngành chưa kịp thời, vẫn còn mang tính một chiều, chưa có nhiều nội dung mang tính phản biện và giải đáp những vướng mắc của cơ sở nên tác dụng chưa cao.

2. Về Quy hoạch, thực hiện quy hoạch và 2 Đề án.

Chất lượng quy hoạch và đề án ở nhiều xã còn thấp, tính khả thi chưa cao, chậm được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh khi có hướng dẫn mới. Việc xây dựng quy hoạch chi tiết, nhiều địa phương chưa triển khai, đặc biệt các xã còn lúng túng trong việc xây dựng các đề án chuyên sâu, giải pháp và lộ trình thực hiện như: Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cần phải cụ thể, rõ ràng để thực hiện, nhưng lại còn chung chung; chưa xác định rõ tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức ngay tại địa phương; việc quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn bất cập, chưa sát với tình hình thực tế, nhu cầu thị trường.



3. Về phát triển sản xuất.

- Tuy thời gian qua đã xuất hiện được khá nhiều mô hình, điển hình tốt, nhưng trên diện rộng còn hạn chế; tỉnh đã ban hành đồng bộ chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nhưng đến nay số mô hình kinh tế chủ yếu quy mô nhỏ; năng lực sản xuất và chất lượng hàng hóa còn thấp, tính cạnh tranh chưa cao, một số mô hình hoạt động còn mang tính tự phát, thiếu bền vững. Số mô hình phát triển kinh tế theo hướng liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, mức độ tăng còn chậm, chưa tạo được vùng sản xuất hàng hóa lớn để kết nối thị trường tiêu thụ; trình độ kỹ thuật, kỹ năng quản trị sản xuất của nhiều chủ hộ còn hạn chế, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và quy trình sản xuất tiến bộ chưa nhiều; thiếu kỹ năng kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm… Người dân thiếu vốn nhưng khó đáp ứng đủ điều kiện vay vốn theo quy định hiện hành.

- Các hình thức tổ chức sản xuất tăng nhanh về số lượng, song quy mô còn nhỏ, lẻ, hoạt động chưa hiệu quả, lúng túng trong xác định chiến lược sản xuất, chưa thể hiện được vai trò “bà đỡ” cho nông dân. Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ chuyên môn của cán bộ cơ sở còn hạn chế, thiếu năng động, sáng tạo, tư duy chưa đáp ứng theo cơ chế thị trường; nhiều HTX chưa xây dựng được phương án SXKD, không vay được vốn ngân hàng; không có trụ sở, không có đất sản xuất, vai trò của HTX còn mờ nhạt đối với sản xuất của xã viên.



4. Về xây dựng cơ sở hạ tầng.

Chương trình xây dựng NTM được người dân rất kỳ vọng, song nguồn lực trong dân rất hạn chế, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn khó khăn, vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình còn thấp nên đầu tư xây dựng ít, còn xa với nhu cầu, nhất là các xã ngoài nhóm về đích năm 2015. Việc thiết kế “mẫu định hình” các công trình trong xây dựng nông thôn mới của các sở, ngành ban hành chậm, thiếu hướng dẫn thực hiện và nhiều loại công trình có thể thiết kế định hình nhưng chưa được ban hành. Cơ chế giải ngân vốn xây dựng cơ bản còn vướng về thủ tục, đặc biệt là đối với các công trình người dân tự tổ chức thực hiện; vấn đề trao quyền tự chủ cho cộng đồng và người dân bàn bạc, lựa chọn và thực hiện ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức.



5. Về Văn hóa, xã hội, an ninh trật tự.

Các thiết chế văn hóa, thể thao xã và thôn còn thiếu; chất lượng gia đình văn hóa, làng văn hóa chưa cao; phổ cập giáo dục mầm non chưa đạt kế hoạch, chất lượng khám chữa bệnh chưa cao. An ninh trật tự nhiều địa phương còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, nhất là các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, lô đề, ma túy, trộm cắp, ngay cả ở xã xây dựng điểm nông thôn mới vẫn còn xảy ra… Nhiều địa phương thực hiện các Chỉ thị: số 05, số 35, số 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định số 31, số 33 của UBND tỉnh chưa nghiêm túc.



6. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Nhiệm vụ xây dựng NTM vai trò cấp xã là quyết định, nhưng ngay ở cấp xã, việc lãnh đạo, chỉ đạo của nhiểu địa phương chưa quyết liệt, chưa thật sự tâm huyết, thậm chí vẫn còn một số bộ phận cán bộ chủ chốt cấp xã thờ ơ, vô cảm trước khó khăn của người dân; một số huyện thiếu tập trung. Một số sở, ngành chưa xác định rõ trách nhiệm thực hiện các tiêu chí thuộc ngành mình phụ trách, chưa sâu sát nắm bắt kết quả thực hiện các tiêu chí ở cơ sở, công tác đỡ đầu, tài trợ kết quả chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cán bộ, đảng viên lãnh đạo các cấp, các ngành chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm, sự gương mẫu của mình trong việc quán triệt và triển khai, thực hiện Chương trình NTM, nhất là vai trò của người đứng đầu.



III. MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM SAU 2 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Một là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải chủ động, sáng tạo, bài bản, quyết liệt, tâm huyết, sâu sát thì mới mang lại kết quả và hiệu quả cao.

Phải xác định chiến lược lâu dài và nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần có sự tập trung chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Lãnh đạo, chỉ đạo vừa phải có tính toàn diện nhưng vừa phải cụ thể, liên tục, đồng bộ. Phải xây dựng chương trình và quy chế làm việc, phân công mỗi cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm một loại việc và địa bàn cụ thể; đề cao và gắn trách nhiệm của người đứng đầu; phải xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhỡ đến tận thôn, xóm một cách thường xuyên kịp thời phát hiện xử lý những khó khăn, vướng mắc, đồng thời điều chỉnh định hướng đúng cho cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện.

Lãnh đạo, chỉ đạo phải sát sao, cụ thể nhưng không làm thay tránh sự ỷ lại của cơ sở.

Thường xuyên kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ đã giao đối với từng thành viên và các tổ chức đoàn thể. Đề cao tinh thần tâm huyết và trách nhiệm của mỗi một cán bộ và người dân vì nông thôn mới.



Hai là, tổ chức bộ máy theo hướng chuyên nghiệp để thực hiện Chương trình.

Bộ máy thực hiện Chương trình cần phải đồng bộ, đủ mạnh. Văn phòng Điều phối các cấp phải hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, đúng "tầm".



Ba là, công tác tuyên truyền, vận động phải đi trước và phải duy trì thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình thực hiện Chương trình.

Công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, phải làm cho người dân ý thức được vai trò chủ thể của mình, chủ động, tự giác thực hiện, nhà nước định hướng, hỗ trợ, toàn xã hội quan tâm; tuyên truyền không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan truyền thông mà là trách nhiệm của mỗi một tổ chức, cá nhân; cần phải lồng ghép trong cả các hoạt động khác; có sự thay đổi về nội dung, phương pháp phù hợp trong từng giai đoạn.



Bốn là, lập Quy hoạch và xây dựng Đề án nông thôn mới, Đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn phải được bàn bạc, thảo luận kỹ, xuất phát từ yêu cầu, ý tưởng người dân, chất lượng tư vấn tốt, đảm bảo tính khả thi cao; không nên vì thời gian mà giảm chất lượng.

Quy hoạch phải là sản phẩm được thể hiện nguyện vọng, ý chí của nhân dân; chủ đầu tư là cấp xã phải nâng cao trách nhiệm của mình trong tất cả các giai đoạn lập quy hoạch; lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, có tầm nhìn về chiến lược kinh tế xã hội.

Các bước thực hiện lập quy hoạch phải được tuân thủ chặt chẻ đặc biệt là công tác tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng dân cư, nhất là các lão nông tri điền, các nhà khoa học và ý kiến của chuyên môn cấp huyện.

Năm là, cán bộ là yếu tố tiên quyết cho sự thành công của Chương trình.

Phải coi trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở; thường xuyên quan tâm công tác cán bộ, giáo dục ý thức, phẩm chất người cán bộ, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới đủ năng lực, chủ động, sáng tạo, tâm huyết.



Sáu là, tập trung cao phát triển sản xuất, cần phải biết khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và sự chủ động sáng tạo của mỗi địa phương để đạt được hiệu quả cao nhất; cần xây dựng mô hình mang tính mẫu hình có tính thuyết phục và khả năng nhân rộng cao.

Việc khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương là hết sức cần thiết, trong đó cũng nên chọn sản phẩm chủ lực phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương để tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa quy mô lớn.

Phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung hàng hóa, sản xuất cần có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong tất cả các khâu từ các yếu tố đầu vào đến đầu ra kể cả chuyển giao khoa học công nghệ; tạo chuỗi giá trị sản phẩm để tạo ra giá trị gia tăng cao. Trong trồng trọt cần tạo ra cánh đồng mẫu lớn; trong chăn nuôi cần hướng theo chăn nuôi công nghiệp tách khỏi khu dân cư; trong nuôi trồng thủy sản cần phát triển mạnh theo hướng áp dụng công nghệ cao...

Cần phát triển nhanh các hình thức tổ chức sản xuất mang tính hợp tác, công nghiệp cao, như: trang trại, THT, HTX, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn làm hạt nhân, đầu kéo.

Việc lựa chọn xây dựng các mô hình mẫu nên theo các vùng miền, theo các mức độ khó khăn thuận lợi khác nhau để thực hiện mới có khả năng nhân rộng cao trong thực tế.

Tổng kết đánh giá sâu, kỹ mô hình rút bài học thành công, thất bại (nếu có) là hết sức cần thiết; động viên khen thưởng kịp thời những mô hình có hiệu quả, tạo thành phong trào thi đua rộng khắp.



Bảy là, cơ chế, chính sách đồng bộ, sát đúng, kịp thời; nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách phải mang tính kích hoạt để huy động tối các nguồn lực khác xây dựng nông thôn mới.

Các cơ chế, chính sách phải điều chỉnh, tác động trên tất cả các lĩnh vực và phải mang tính thống nhất cao, dễ thực hiện, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân. Đối với kinh phí ngân sách hỗ trợ phải xác định đó là “vốn mồi” để thu hút được cao nhất các nguồn lực khác để cùng thực hiện, như: hỗ trợ lãi vay thì sẽ thu hút được một lượng vốn lớn nhiều lần so với kinh phí ngân sách hỗ trợ để thực hiện Chương trình. Trong tổng kinh phí hỗ trợ ngân sách nhà nước ưu tiên cao cho phát triển sản xuất, hạ tầng thiết yếu.

Cơ chế, chính sách phải thể hiện rõ và đảm bảo được quyền quyết định của chủ thể là người dân; cộng đồng dân cư trực tiếp tham gia, bàn bạc lựa chọn nội dung, công việc thực hiện, quyết định mức đóng góp (phải cân đối được nguồn lực thực hiện cho mỗi nội dung, công việc) và tổ chức thực hiện. Thủ tục đầu tư, hồ sơ thanh quyết toán nguồn vốn phải đơn giản hóa nhất.

Đối với công tác đỡ đầu, tài trợ các xã xây dựng nông thôn mới phải xác định vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm. Các tổ chức trong hệ thống chính trị phải coi đây như là một nhiệm vụ; đề cao tình cảm, trách nhiệm của các doanh nghiệp, cá nhân và con em xa quê hướng về cội nguồn cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Có phương pháp linh hoạt phù hợp trong việc vận động đỡ đầu tài trợ.

Người dân phải nêu cao tinh thần tự nguyện, tự giác như đối với làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng không đặt ra vấn bồi thường trong giải phóng mặt bằng.

Tám là, tạo điều kiện cho người dân thực thi được quyền chủ thể của mình trong thực tế và thực hiện tốt quy chế dân chủ thì Chương trình mới thành công.

Mọi nội dung, công việc khi thực hiện, người dân phải bàn bạc, lựa chọn việc làm trước, làm sau, quyết định mức đóng góp và tổ chức thực hiện.

Hàng năm khi triển khai thực hiện phải xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện (phương án cụ thể) với sự tham gia của cộng đồng dân cư (Hà Tĩnh đã xây dựng cuốn Sổ tay để hướng dẫn thực hiện; nguồn kinh phí được ngân sách hỗ trợ thì phải giành ít nhất 70% được phân bổ về thôn để người dân bàn bạc lựa chọn nội dung, công việc và quyết định thực hiện)…

Mọi công việc phải được công khai, minh bạch.



Chín là, song song với tập trung cao phát triển sản xuất phải quan tâm cao đến các nội dung xây dựng hạ tầng thiết yếu, văn hoá, xã hội, môi trường và trật tự an ninh xã hội.

Thu nhập là một tiêu chí đặc biệt quan trọng trong 19 tiêu chí, để thực hiện tốt tiêu chí này phải ưu tiên cao cho phát triển sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế khác. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào nội dung này sẽ bị thiên lệch về kết quả chung trong quá trình thực hiện Chương trình, với yêu cầu của Chương trình là tổng thể các hoạt động của đời sống kinh tế xã hội ở nông thôn; nếu làm sau hoặc không quan tâm đúng mức đối với các nội dung này thì sẽ bị chậm trễ cả Chương trình và sẽ hạn chế sự tác động tích cực lẫn nhau giữa các yếu tố trong quá trình thực hiện, trong khi nhiều nội dung không cần phải có nhiều kinh phí hoặc thậm chí không cần kinh phí cũng thực hiện được.

Đối với xây dựng cơ sở hạ tầng thì cần ưu tiên cao cho phát triển sản xuất và hạ tầng thiết yếu trong giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường.

Quan tâm cao xây thể chế văn hóa, xã hội, môi trường, giáo dục để hình thành tư duy mới, con người mới, cách làm mới trong xây dựng nông thôn mới.



Mười là, phải lấy tinh thần thi đua, cạnh tranh làm phương châm chủ đạo trong xây dựng nông thôn mới; công tác sơ, tổng kết phải làm một cách bài bản, rút ra được những bài học quý từ thực tiễn.

Phải khơi dậy ý thức tự trọng “con gà tức nhau tiếng gáy” trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức, mỗi địa phương; cùng một cơ chế, chính sách có điều kiện tương đồng nhưng kết quả đạt thấp thì phải biết xấu hổ.

Kết quả đạt được trong kỳ là một căn cứ quan trọng trong việc bình xét thi đua đối với tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và là cơ sở để phân bổ kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong kỳ sau.

Nguồn lực từ ngân sách nhà nước hỗ trợ nên có quy định về hạn định thời gian trong từng gói kích cầu, ai làm tốt, làm nhanh sẽ được hỗ trợ nhiều, ai làm chậm sẽ bị thiệt thòi.

Việc sơ, tổng kết phải soát xét kỹ từng nội dung, công việc từng chủ thể đảm trách từng nội dung, công việc tìm ra nguyên nhân của thành công nhất là nguyên nhân của tồn tại hạn chế, những lực cản trong quá trình thực hiện.

Phải nêu cao tinh thần làm gương của cán bộ, đảng viên; nêu gương, biểu dương kịp thời những tổ chức, cá nhân làm tốt trong xây dựng nông thôn mới.



Trong quá trình thực hiện mỗi một tổ chức, đơn vị cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm. Những bài học kinh nghiệm quý được rút ra từ thực tiễn sẽ là cẩm nang cho mỗi tổ chức, cá nhân trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện góp phần quan trọng để thúc đẩy Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới sớm đi đến thành công./.







tải về 95.04 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương