BÁo cáo nghiên cứU, khảo sát hệ thống pháp luật về BÁo chí CỦa một số NƯỚc trên thế giớI



tải về 145.24 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.10.2017
Kích145.24 Kb.
#33520
BÁO CÁO

NGHIÊN CỨU, KHẢO SÁT HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

VỀ BÁO CHÍ CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

I. Pháp luật đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí

1. Quy định về tự do báo chí và những cơ chế để đảm bảo cho quyền tự do này.

Luật Tự do báo chí năm 1949 của Thụy Điển quy định: cấm mọi hình thức kiểm duyệt trước khi xuất bản; bất kỳ tạp chí nào xuất bản ít nhất bốn lần một năm phải có biên tập viên, người này phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung ấn phẩm theo luật pháp; sẽ là phạm luật nếu lần tìm nguồn thông tin cơ sở của một bài báo được đảm bảo không bị tiết lộ tên (không nguồn cung cấp thông tin nào có nguy cơ bị trừng phạt hoặc bị gây khó dễ); các tài liệu chính thức là công khai cho nhân dân với một số ngoại lệ (các tài liệu nói trên là những tài liệu nhận được hoặc lấy từ các cơ quan chính quyền địa phương hoặc Trung ương. Các cơ quan này - chẳng hạn như các Bộ và các cơ quan hành chính - có nghĩa vụ phải cho bất kỳ ai muốn có thông tin về việc xử lý một vấn đề nào đó được xem tài liệu của cơ quan đó. Rõ ràng là quyền tiếp cận tài liệu đã tạo cơ hội tốt cho các phương tiện thông tin kiểm tra xem các chính khách và nhân viên nhà nước sử dụng quyền hạn của họ như thế nào).

Nguyên tắc cơ bản đằng sau Luật Tự do báo chí Thụy Điển là báo chí phải được hưởng quyền tự do ở mức cao nhất có thể được nhằm thực hiện hữu hiệu chức năng kiểm soát của nó trong xã hội.

2. Quy định của Luật pháp quốc gia về quyền tự do báo chí.

Những hạn chế đó được ghi ngay trong những đạo luật đầu tiên của nhà nước tư sản. Luật về tội phỉ báng xem xét các loại hành động theo hai loại tính chất: dân sự và hình sự. Những bài báo làm tổn hại thanh danh và nghề nghiệp cá nhân thuộc loại thứ nhất. Khi làm tổn hại đến các chính sách và các cơ quan nhà nước, đến luật pháp và tôn giáo, đạo đức bị coi thuộc loại thứ hai. Đạo luật này ở Anh đóng thành tập dày tới 960 trang, gồm 67 Điều và dẫn ra 3.980 trường hợp áp dụng cụ thể. Ở Mỹ, những thông tin bị đánh giá là phỉ báng như "quảng cáo lừa bịp", "làm giả hàng hóa", "không có khả năng thanh toán những cam kết tài chính"…

Đạo luật về tội không tôn trọng tòa án càng hạn chế việc công bố tài liệu. Báo chí bị cấm bình luận về công việc của tòa án khi chưa kết thúc bản án, cũng như về việc chống án khi chưa có trả lời của tòa án cấp trên. Những tài liệu công bố trước khi khởi tố vụ án mà ảnh hưởng tới tòa án và cản trở công việc của tòa án cũng bị trừng phạt. Theo đạo luật này ở Anh, Mỹ, Đức, báo chí phải thông báo nguồn cung cấp thông tin cho tòa biết. Ở Anh, Mỹ còn cấm đăng ảnh hay phát thanh và truyền hình trực tiếp từ phòng xử án.

Đặc biệt, báo chí phải chấp hành những đạo luật liên quan đến bí mật quốc gia. Năm 1917, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật về tội do thám và năm sau là đạo luật về tội bạo động. Theo các luật này, người bị coi là tội phạm nếu có ý thức viết và truyền đi "các phóng sự và ý kiến không đúng, cản trở hoạt động và thành công của các lực lượng vũ trang hoặc hỗ trợ cho đối phương". Theo đạo luật về an ninh đối nội được thông qua năm 1950, thượng viện Mỹ đã thành lập Ủy ban Makkarty - một cơ quan điều tra các hoạt động bị coi là chống Mỹ, trong đó có thông tin trên báo chí. Năm 1953, Bộ luật hình sự của Mỹ được bổ sung thêm điều cho phép xét xử việc đăng các tài liệu mà chính phủ coi là bí mật.

Ở Anh đã ban hành các đạo luật về bảo vệ bí mật quốc gia vào các năm 1889, 1911, 1920, 1939. Theo luật năm 1911, bức ảnh hoặc bài viết nào về đề tài quân sự có thể bị đối phương sử dụng đều bị coi là phạm tội. Trên thực tế đạo luật này còn được áp dụng vào cả các đề tài liên quan đến quan hệ quốc tế, ngân hàng, hoạt động của chính phủ.

Cùng với hạn chế quyền công bố thông tin, các đạo luật về bảo vệ an ninh cũng hạn chế quyền nhận thông tin. Ở Anh, đạo luật này hạn chế cả quyền thu nhận và phổ biến thông tin về những vấn đề không liên quan đến an ninh quân sự. Các đạo luật của Anh về thị trường nông nghiệp (năm 1931), về ngân hàng (năm 1946), về thống kê thương mại (năm 1949) cấm các viên chức thông báo những tin tức nhất định cho báo chí.

Theo luật về đặc quyền của Nghị viện ở Anh, báo chí không được thông tin về một số hoạt động của Quốc hội. Việc công bố những quyết định của Chính phủ trước khi thông báo cho Quốc hội bị coi là vi phạm đặc quyền này và việc vi phạm đó do Quốc hội xác định.

II. Cơ chế tự điều chỉnh

Hiện nay, một số quốc gia quản lý truyền thông đại chúng theo cơ chế tự điều chỉnh. Mặc dù trong Hiến pháp và các luật chuyên ngành có những quy định quản lý về nội dung thông tin nhưng hầu như rất ít được các quốc gia này áp dụng. Bởi lẽ, mọi hoạt động của các cơ quan báo chí, các tổ chức sản xuất nội dung thông tin, Tổng Biên tập, biên tập viên, phóng viên bị chi phối bởi các quy định của Điều lệ hội, Hiệp hội báo chí, quy chế của cơ quan báo chí. Đạo đức nghề nghiệp là tiêu chí hàng đầu được đề cập khi đánh giá về một phóng viên. Thụy Điển, Lít Va và một số nước Bắc Âu là những quốc gia điển hình của mô hình hoạt động truyền thông đại chúng theo cơ chế tự điều chỉnh.



1. Ở Thụy Điển:

Thụy Điển có đạo luật về quyền tự do báo chí nhưng trên thực tế việc áp dụng các quy tắc đạo đức để điều chỉnh hành vi của phóng viên diễn ra phổ biến hơn. Các tổ chức báo chí ở Thụy Điển luôn chống lại việc báo chí lạm dụng các quyền tự do được Hiến pháp đảm bảo. Vì vậy, ngay từ năm 1916, Hội đồng báo chí Thụy Điển được thành lập bởi Câu lạc bộ báo chí quốc gia; Hội các nhà xuất bản báo, tạp chí (đại diện cho giới chủ báo) và Hội Nhà báo Thụy Điển (tổ chức công đoàn của các nhà báo).

Ba tổ chức này có trách nhiệm về những nguyên tắc chỉ đạo của Hội đồng báo chí và những chỉ đạo hiện hành đối với Thanh tra báo chí; đồng thời đều đóng góp tài trợ cho Hội đồng báo chí và Văn phòng Thanh tra báo chí. Hội đồng báo chí gồm có 1 thẩm phán làm chủ tịch (theo truyền thống, Chủ tịch CLB báo chí quốc gia cũng đồng thời là Chủ tịch của Hội đồng báo chí này), đại diện của 3 tổ chức nêu trên và 2 đại diện cho công chúng nói chung là những người không có quan hệ gì với các nhà xuất bản báo chí hoặc các tổ chức báo chí.

Ngay khi Hội đồng báo chí ra đời, CLB các nhà báo (CLB báo chí quốc gia) đã thông qua bản Quy ước đạo đức nhà báo lần đầu tiên vào năm 1923. Sau nhiều lần bổ sung, Bản Quy ước hiện nay được thông qua năm 1997 và đã được các nhà báo, các nhà xuất bản và các hãng phát thanh, truyền hình ở Thụy Điển tán thành. Bản Quy ước nhằm duy trì những tiêu chuẩn đạo đức cao cả nói chung và đặc biệt nhằm bảo vệ cá nhân chống lại việc xâm phạm vào đời sống riêng tư, bôi nhọ hoặc tuyên truyền gây tổn thương khác. Một phần đặc biệt dành để chống việc quảng cáo trên báo và những tác động thái quá khác từ bên ngoài nhằm đánh lừa độc giả. Có một Uỷ ban đặc biệt theo dõi loại hành động phi pháp này.

Hệ thống tự quản của báo chí Thụy Điển không dựa vào lập pháp. Nó hoàn toàn tự nguyện và được 3 tổ chức báo chí nêu trên tài trợ toàn bộ. Các tổ chức này cũng có trách nhiệm đề ra Bản Quy ước đạo đức đối với báo chí, phát thanh và truyền hình của Thụy Điển. Bản Quy ước gồm có 17 Điều có tính chất khuyến nghị, định hướng. Và khái niệm tự quản ở đây được hiểu là các bên đưa ra hướng dẫn cụ thể về đạo đức và nghiệp vụ và theo dõi các hướng dẫn này có được tôn trọng hay không. Các tổ chức báo chí đã thỏa thuận với nhau về các nguyên tắc cơ bản của đạo đức nghề nghiệp nhằm đạt một trong những mục đích là giảm đến mức tối thiểu nhu cầu phải viện đến luật pháp. Bản Quy ước này gồm các phần: quy ước đạo đức đối với báo chí, phát thanh truyền hình; các quy định về phổ biến thông tin (cung cấp thông tin chính xác, độ lượng trước việc phản bác, tôn trọng chuyện riêng tư của cá nhân, thận trọng trong việc sử dụng hình ảnh, lắng nghe từng bên, thận trọng khi đăng tải tên). Bản Quy ước nhằm duy trì những tiêu chuẩn đạo đức cao cả nói chung, đặc biệt nhằm bảo vệ sự toàn vẹn của cá nhân chống lại việc xâm phạm vào đời sống riêng tư, bôi nhọ hoặc tuyên truyền gây tổn thương khác. Một phần đặc biệt dành để chống việc quảng cáo trên báo và những tác động thái quá khác từ bên ngoài nhằm đánh lừa độc giả. Có một Ủy ban đặc biệt theo dõi loại hành động phi pháp này.

Văn phòng Thanh tra Báo chí Đại chúng (PO) giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức. Những đơn khiếu nại được chuyển đến cho Thanh tra Báo chí là người cũng có quyền hành động theo sáng kiến riêng của mình. PO có thể bác bỏ một đơn khiếu nại nếu xét thấy không có căn cứ hoặc nếu tờ báo đồng ý đăng lời hủy bỏ hoặc cải chính mà được người khiếu nại chấp nhận.

Khi PO xét thấy lời kêu ca phàn nàn có tính chất nghiêm trọng hơn, thì đơn khiếu nại sẽ được gửi đến Hội đồng Báo chí; Hội đồng sau đó sẽ ra tuyên bố miễn khiển trách hoặc khiển trách tờ báo. Tuyên bố khiển trách của Hội đồng được đăng trên tờ báo có liên quan và trên các tập san chuyên ngành của báo chí. Ngoài việc đăng ý kiến khiển trách, tờ báo phạm lỗi còn phải trả một khoản phí.

Hội đồng gồm sáu thành viên, hai vị đại diện cho công chúng nói chung, ba vị do các tổ chức báo chí cử, còn vị thứ sáu là chủ tịch hội đồng có lá phiếu quyết định. Đến nay, vị này thường là một thành viên của Tòa án tối cao.

Cần nhấn mạnh rằng Hội đồng Báo chí, Thanh tra Báo chí và Bản Quy ước tạo thành một hệ thống hoàn toàn tự nguyện, phi chính phủ và do giới báo chí quy định và đài thọ.

2. Ở Mỹ:

Theo Hiến pháp nước Mỹ thì Chính phủ không nắm hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng mà giao cho tư nhân để đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Tuy nhiên, các nhà báo hoạt động nghề nghiệp phải tuân theo Quy tắc Báo chí (do Hội các Chủ bút nước Mỹ quy định) và Quy tắc về Vô tuyến truyền hình (thông qua từ ngày 9/6/1958). Quy tắc Báo chí Mỹ thể hiện "lý thuyết trách nhiệm xã hội của báo chí" gồm 7 yêu cầu hoạt động nghề nghiệp là: 1.Trách nhiệm; 2. Tự do báo chí; 3. Sự độc lập; 4. Lòng thành, sự xác thật, đúng đắn; 5. Sự vô tư; 6. Bảo đảm tôn trọng thanh danh; 7. Giữ thuần phong, mỹ tục (xem phần tài liệu tham khảo của The New York Times).



3. Ở Nhật:

Chính phủ Nhật không có cơ quan chức năng quản lý báo chí nhưng Hiệp hội báo chí Nhật Bản về phương diện nghề nghiệp lại phát huy chức năng giám sát. Hội đồng báo chí quốc gia gồm 6 thành viên là những nhà báo uy tín có vai trò uốn nắn, rút kinh nghiệm nếu có tờ báo hay nhà báo nào vi phạm đạo đức nghề báo. Danh dự nhà báo là do chính nhà báo tự chịu trách nhiệm nếu bị kiện mà nhà báo thấy mình sai thì phải "tự xử", tức là viết bài xin lỗi trên mặt báo, nghiêm trọng hơn thì từ chức hoặc chuyển nghề. Một trong những yêu cầu hàng đầu của phóng viên báo chí Nhật Bản là phải tôn trọng sự thật khách quan, nếu ai bịa tin giả có thể bị phạt, thậm chí còn bị tòa báo đuổi việc.



III. Quản lý của Nhà nước

1. Ở một số nước, Hội nghề nghiệp và Quy tắc báo chí được đề cao trong quản lý báo chí; tuy nhiên, vai trò quản lý của Nhà nước cũng ngày càng được tăng cường.

Ở một số nước, nhiều Bộ trong Chính phủ (Nội vụ, Ngoại giao, Quốc phòng, Thông tin...) tiến hành công việc kiểm soát đối với báo chí. Quốc hội Mỹ có tiểu ban về thông tin của Hạ viện để phân tích và kiểm tra các thông tin trên báo chí trong thời gian có các cuộc khủng hoảng. Ủy ban liên bang về thông tin của Mỹ có chức năng không chỉ thuần túy điều phối về kỹ thuật. Nó được quyền ba năm một lần cấp giấy phép hoạt động cho các đài phát thanh và truyền hình dựa trên những đánh giá về hoạt động của các đài này.

Bộ Quốc phòng Anh có Ủy ban đặc biệt của lực lượng vũ trang về báo chí và phát thanh. Ủy ban này thường xuyên gửi đến các tòa soạn "những thông báo trước" yêu cầu không được phép công bố những tài liệu bảo vệ bí mật quốc gia hạn chế.

Ở nhiều nước cơ quan bưu điện được quyền quyết định không phổ biến những báo chí nào bị liệt vào loại "có tính bạo động, kích động". Năm 1918, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật cấm phổ biến bất kỳ loại ấn phẩm nào phê phán hình thức lãnh đạo của nước Mỹ. Ở Anh, Bộ trưởng Bộ Bưu điện "có quyền cấm phát hành bất kỳ tài liệu nào và bất kỳ lúc nào cũng có thể thu hồi giấy phép hoạt động của BBC hay IBA". Năm 1958, Chính phủ Pháp ra sắc lệnh về việc các cơ quan bưu điện không được quyền gửi đi những số báo không có lợi cho Chính phủ.

Qua nghiên cứu về mô hình quản lý nội dung thông tin trên báo chí của một số nước trên thế giới cho thấy một đặc điểm chung, đó là các chính thể của các quốc gia có thể chế chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí khác nhau nhưng bằng hình thức này hay hình thức khác các quốc gia đều thể hiện vai trò chi phối, nắm giữ đối với hoạt động truyền thông. Ở một khía cạnh khác, không một quốc gia nào lại không có các quy định để hạn chế những thông tin sai sự thật, xâm phạm đời tư công dân, xúc phạm uy tín của tổ chức, ảnh hưởng tới lợi ích chung của cộng đồng…

Kiềm chế và đối trọng là nguyên tắc nền tảng, phổ quát chi phối sự vận hành mọi thể chế chính trị ph­ương Tây và truyền thông đại chúng cũng không nằm ngoài sự tác động của quy luật đó. Hiến pháp - đạo luật tối cao của các nước t­ư bản, không chỉ tạo ra khung cấu trúc của bộ máy chính quyền mà còn đề ra những giới hạn đáng kể đối với quyền hạn của các cơ quan, trong đó có báo chí. Và, mặc dù không có sự quản lý chính thức nào đối với truyền thông đại chúng; song, trên thực tế vẫn có cơ chế “kiềm chế và đối trọng” chống lại sự thái quá của giới truyền thông ở cả trong và ngoài ngành. Cụ thể: kiềm chế từ bên ngoài gồm các đạo luật về chống bôi nhọ danh tiếng và sự giám sát của các tổ chức do báo giới thành lập. Kiềm chế từ bên trong được thực hiện bởi các “thanh tra viên” đ­ược các tờ báo chỉ định để điều tra dư luận xã hội về các hoạt động và uy tín của tổ chức truyền thông.

Do tác động của nguyên tắc kiềm chế và đối trọng quyền lực nên ở các nước tư bản truyền thông đại chúng cũng chịu sự chi phối, điều tiết của ba nhánh quyền lực chính thống (Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp). Với vai trò là “ng­­ười giám sát chính quyền”, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là truyền thông đại chúng được tự do nằm ngoài sự quản lý của nhà n­ước tư sản. Thông qua những quy định pháp luật hiện hữu, các cơ quan này đã tạo ra những ngăn chặn (trực tiếp hoặc gián tiếp) nhằm khống chế hoạt động của truyền thông đại chúng. Chẳng hạn, lập pháp có thể đ­­ưa ra những luật lệ giới hạn tự do báo chí; hành pháp quản lý truyền thông đại chúng bằng biện pháp hành chính (có thể tịch thu báo, có thể kiểm duyệt nội dung, thu hồi hoặc rút giấy phép); và ngành tư­­ pháp do các công tố viên hay nhân viên thi hành luật pháp có thể chi phối báo chí trong sự lựa chọn đ­ưa tin về những vụ án cụ thể hoặc về cách thức đưa tin. Đặc biệt, bằng quyền năng đã đư­ợc Hiến pháp giao phó, ngành tư­­ pháp cũng có thể truy tố phóng viên, đ­­ưa các nhà báo ra toà trên cơ sở các đạo luật. Các đạo luật chi phối báo chí hiện nay ở các nước tư bản cho phép nhà nước quản lý, kiểm tra chặt chẽ hệ thống báo chí. Đơn cử như ở Mỹ, các cơ quan về luật pháp, toà án, tài chính, an ninh, quân sự... trong phạm vi cho phép đều đ­ược tham gia khống chế thông tin báo chí, bảo đảm cho nền báo chí Mỹ phục vụ theo khuynh hướng chính trị của chính phủ.

Điều đó cho thấy hoạt động kiểm tra, giám sát của ngành tư­ pháp đối với truyền thông đại chúng ở các nước ph­ương Tây luôn đ­uợc thực hiện một cách có ý thức và thư­ờng xuyên.

Trong xu thế hội tụ thông tin, sự khác nhau về chính sách quản lý truyền thông đại chúng ở các quốc gia được căn cứ từ chính hệ thống luật pháp quản lý nội dung thông tin trên báo chí ở mỗi nước. Có thể khái quát ở 04 nhóm dưới đây:

- Nhóm thứ nhất là các quốc gia có xây dựng các quy định quản lý nội dung thông tin được thể hiện trong Hiến pháp, Luật Báo chí và các quy định dưới Luật, các quy định trong các Luật chuyên ngành khác (Nga, một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam).

- Nhóm thứ hai là các nước không có Luật Báo chí, quy định quản lý về nội dung thông tin được thể hiện trong Hiến pháp và các quy định của các đạo Luật chuyên ngành khác; ngoài ra áp dụng cơ chế tự điều chỉnh (đề cao trách nhiệm cá nhân: phóng viên viết bài, đội ngũ biên tập duyệt bài, Tổng Biên tập; chủ yếu áp dụng Điều lệ của Hội và nội quy của cơ quan báo chí, như Mỹ, Anh, Thụy Điển…).

- Nhóm thứ ba là các nước không có Luật Báo chí, quản lý nội dung thông tin thông qua các quy chế, công văn chỉ đạo (Trung Quốc…).

- Nhóm thứ tư là các nước có Đạo luật về truyền thông và đa phương tiện để quản lý nội dung thông tin trong xu thế hội tụ (Malaysia, Singapore…).

Tùy theo thể chế chính trị, điều kiện phát triển chính trị, kinh tế, xã hội, trình độ dân trí, cơ sở hạ tầng mạng viễn thông, Internet, mức độ và nhu cầu truy cập thông tin số, mỗi quốc gia có chính sách và các quy định khác nhau để quản lý nội dung thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ví dụ như ở Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển và nhiều quốc gia khác có quy định về quyền tiếp cận thông tin dành cho phóng viên báo chí. Quy định này thông thường được thể hiện trong Luật về quyền tiếp cận thông tin hoặc Đạo luật về quyền được thông tin của công dân. Theo Luật quyền tiếp cận thông tin thì mọi công dân đều có quyền được biết những thông tin mà nhà nước không cấm và các cơ quan hành chính nhà nước có nghĩa vụ cung cấp mọi thông tin mà theo Luật pháp không hạn chế quyền tiếp cận. Nhà báo ở các quốc gia này có quyền yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước cung cấp mọi thông tin không bị nhà nước cấm tiếp cận. Tất nhiên, cũng có những vùng cấm nhất định nhưng điều đáng nói ở đây là quy định nếu cơ quan hành chính không cung cấp thông tin cho báo chí thì sẽ bị báo chí khởi kiện tại tòa án. Quy định này tạo điều kiện cho báo chí có nhiều cơ hội thẩm tra nguồn tin từ nhiều kênh khác nhau, giảm thiểu được những thông tin sai sự thật khi đăng phát. Tuy nhiên, áp dụng quy định này phù hợp hơn với những nước có nền dân chủ phát triển mạnh, trình độ dân trí ở mức cao.

Tiếp cận từ mô hình thể chế chính trị và đặc điểm tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của từng nước, có thể phân loại như sau: nhóm các nước có báo chí tư nhân như Anh, Pháp, Mỹ, Đức…; nhóm các nước không có báo chí tư nhân; tư nhân và nước ngoài chỉ được phép liên kết về nội dung trong một phạm vi nhất định hoặc không được liên kết về nội dung - chủ yếu là các nước như Việt Nam, Triều Tiên, Cu Ba, Trung Quốc...

Tiếp cận từ chủ thể quản lý thấy rằng hiện nay các nước tư bản phát triển tồn tại ba loại chủ thể quản lý truyền thông đại chúng là tư nhân (kinh doanh), nhà nước và tổ chức xã hội. Truyền thông đại chúng tư nhân phổ biến ở Mỹ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí và hoạt động, sống chủ yếu bằng quảng cáo và bằng quyên góp ủng hộ. Hạn chế của loại này là do chạy theo lợi nhuận, nó phụ thuộc trực tiếp vào người thuê quảng cáo và vào giới chủ, hoặc một nhóm lợi ích nào đó, họ sẵn sàng vì lợi ích của mình mà bỏ qua quyền lợi xã hội, những chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ chung.

Truyền thông đại chúng nhà nước phổ biến ở Pháp, do Nhà nước hạch toán, quản lý, không phụ thuộc vào các nhà tài phiệt, giới tư bản mà hoạt động dưới sự điều hành, quản lý của Quốc hội và Chính phủ. Hạn chế của loại này là giảm tính cạnh tranh và có xu hướng chỉ chấp hành ý chí của chính quyền, dễ nảy sinh chủ nghĩa quan liêu. Và nó tiêu tốn đáng kể ngân sách nhà nước.

Truyền thông đại chúng của các tổ chức xã hội cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nhà nước và tư nhân. Họ có tư cách pháp nhân, tự quản, nhưng chịu sự quản lý của một ban lãnh đạo, bao gồm đại diện của các tổ chức, nhóm xã hội. Mô hình này phổ biến ở Đức, nhất là đối với truyền hình và phát thanh (ở Đức cũng có truyền hình và phát thanh tư nhân nhưng báo viết hoàn toàn nằm trong tay tư nhân). Cả ba mô hình nêu trên đều có những ưu điểm, hạn chế riêng.



2. Một số quy định quản lý báo chí in và phát thanh - truyền hình:

2.1. Báo in của Australia:

Tất cả các báo in của Australia đều do tư nhân sở hữu. Thị trường báo in của Australia rất tập trung, phần lớn do hai tập đoàn tư nhân sở hữu, đó là Rupert Murdoch và John Fairfax. Ở Australia, có khoảng 20 tờ báo lớn ra hàng ngày với hàng trăm báo và tạp chí định kỳ.

Mặc dù báo in của Australia không bị giới hạn bởi luật sở hữu, có nghĩa là một tập đoàn báo chí có thể có nhiều tờ báo hoặc tạp chí cũng được, nhưng chính phủ Australia đã áp dụng luật sở hữu chéo. Luật này quy định các ông chủ báo chí in không được sở hữu các phương tiện phát thanh - truyền hình, và ngược lại các ông chủ phát thanh - truyền hình không được sở hữu báo in. Bên cạnh đó, báo in cùng các phương tiện truyền thông khác cũng bị giới hạn bởi các quy định liên quan đến nghề nghiệp báo chí như làm phương hại đến thanh danh của các cá nhân khác mà không có bằng chứng, hoặc vi phạm việc công bố thông tin gây ảnh hưởng trong khi tòa án đang xét xử. Có một tổ chức được gọi là Hội đồng báo chí, do các tờ báo của Australia lập ra là đại diện cho họ và cũng là nơi nhận các lời kêu ca phàn nàn của dân chúng đối với báo viết (ngoài việc người dân có thể gửi trực tiếp đến cơ quan báo chí).

2.2. Phát thanh - truyền hình của Australia:

Phát thanh truyền hình của Australia bao gồm ba khối: khối thương mại, khối công chúng và khối cộng đồng.

- Khối thương mại (các đài có phát quảng cáo và nhận tài trợ): gồm các đài phát thanh, truyền hình riêng lẻ và hệ thống phát thanh truyền hình network do các tập đoàn tư bản tư nhân quản lý.

- Khối truyền hình công bao gồm hai hãng phát thanh truyền hình free to air là hãng phát thanh Truyền hình Australia ABC, và hãng phát thanh Truyền hình phục vụ đặc biệt SBS. Hai hãng này được nhận ngân sách của chính phủ từ tiền thu thế của nhà nước. Hãng Truyền hình và Phát thanh SBS của Australia được thành lập vào năm 1981 nhằm để phục vụ các cộng đồng đa sắc tộc từ các nước sang sinh sống ở Australia.

- Khối phát thanh truyền hình cộng đồng bao gồm 337 đài phát thanh và hai đài truyền hình, được thành lập và điều hàng bởi các tư nhân của các cộng đồng đa sắc tộc sinh sống tại Australia. Các đài phát thanh và truyền hình cộng đồng này hoạt động rất năng nổ, góp phần làm tăng thêm tính đa dạng, đa tiếng nói và chính kiến của xã hội dân chủ Australia.

Một đặc điểm đáng chú ý trong sự phát triển của báo chí Australia là những đài phát thanh thương mại của nước này. Do đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất của một đài phát thanh đơn giản và ít tốn kém hơn nhiều so với các phương tiện thông tin khác nên số lượng các ông chủ phát thanh ở Australia rất lớn, chính vì vậy mà nội dung phát thanh lại rất đa dạng, đặc biệt là nội dung tin tức. Các đài phát thanh thương mại của Australia đóng vai trò quan trọng đối với người dân sống ở vùng sâu, vùng xa nước ngày. Những đài phát thanh khu vực thường có các nội dung, sở thích và các vấn đề cần quan tâm khác với chương trình dành cho thính giả sống ở các thành phố lớn. Đời sống của người dân ở các vùng này dựa vào sản xuất kinh tế nông nghiệp và khai thác mỏ nên họ cần những thông tin và chương trình phù hợp với cuộc sống của họ.

Còn ở các thành phố, các đài phát thanh thương mại thường tập trung ở hai thể loại: các đài phát thanh chương trình âm nhạc và các đài phát thanh "hội thoại" (talk bach radio). Thể loại phát thanh talk - back tương tác này đang phát triển mạnh ở Australia vì giá thành sản xuất chương trình rẻ mà lại thu hút được nhiều người nghe cũng như tham gia.

Các đài truyền hình thương mại của Australia được bảo vệ để tránh sự cạnh tranh. Ví dụ, các nước như Mỹ và Canada có truyền hình trả tiền cáp hoặc vệ tinh từ những năm 1970, nhưng ở Australia mới được áp dụng vào giữa những năm 1990. Tuy nhiên, để được bảo vệ khổi sự cạnh tranh khốc liệt của cuộc chiến truyền hình thì đổi lại, các đài truyền hình thương mại phải cam kết thực hiện một số các quy tắc nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ "lợi ích công chúng".

Các quy tắc có thay đổi trong hơn 40 năm qua, nhưng tựu trung có một số điểm như sau: nguyên tắc sở hữu chéo; hạn chế quyền sở hữu của nước ngoài (không quá 20% tổng số vốn đầu tư); yêu cầu liên quan đến nội dung hướng Australia cả về nội dung chương trình lần quảng cáo; các yêu cầu liên quan đến thực hiện chương trình dành cho trẻ em; hạn chế thời lượng quảng cáo; yêu cầu về thông tin đúng và không thiên vị; và yêu cầu về các vấn đề liên quan đến thẩm mỹ, lịch sự, đúng mực trên truyền hình.



2.3. Phát thanh - truyền hình ở Đức:

Hiện nay, ở Đức các đài phát thanh và truyền hình của nhà nước cũng như của tư nhân kiểm duyệt nội dung chương trình theo cơ chế khác nhau. Mỗi đài phát thanh và truyền hình nhà nước sẽ thành lập hội đồng phát thanh và truyền hình riêng. Thành phần hội đồng gồm hai phần ba là đại diện tôn giáo, nghiệp đoàn, nhà báo, tổ chức thanh niên, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh... và một phần ba là đại diện của chính quyền.

Hội đồng phát thanh - truyền hình sẽ kiểm duyệt nội dung chương trình trước khi phát. Nếu để lọt chương trình vi phạm các nguyên tắc chung đã nêu trên, người đứng đầu hội đồng sẽ bị cắt chức. Đối với các đài phát thanh và truyền hình tư nhân, mỗi bang sẽ thành lập ra một cơ quan kiểm soát riêng với cơ cấu tương tự như hội đồng phát thanh - truyền hình của đài nhà nước. Hội đồng phát thanh - truyền hình hoặc cơ quan kiểm soát của bang tự bàn bạc và soạn thảo quy tắc hành nghề riêng.

2.4. Phát thanh - truyền hình ở Tây Ban Nha:

Tây Ban Nha có ba mô hình phát thanh và truyền hình: đài của nhà nước, đài nhà nước ở địa phương do Trung ương nhượng kênh và đài tư nhân hoạt động theo hợp đồng chuyển nhượng của đài nhà nước. Một Ủy ban của Quốc hội sẽ phụ trách quản lý các đài phát thanh và truyền hình nhà nước. Cơ quan đầu não trực tiếp kiểm soát nội dung chương trình phát thanh và truyền hình của các đài nhà nước là Cơ quan kiểm soát phát thanh và truyền hình quốc gia. Hàng tháng, cơ quan này hội ý định kỳ với Ủy ban của Quốc hội. Còn đối với đài tư nhân, Bộ Thông tin sẽ phụ trách quản lý.



2.5. Phát thanh - truyền hình ở Ý:

Nhà nước giữ độc quyền về phát thanh và truyền hình (trừ các chương trình địa phương phát qua cáp) và có thể nhượng chương trình cho công ty tư nhân tham gia. Các đơn vị phát thanh và truyền hình dù Nhà nước hay tư nhân phải đưa tin khách quan, nhiều chiều. Luật cũng cấm triệt để chiếu phim cấm người dưới 18 tuổi trên truyền hình và không cho phép chiếu phim cấm trẻ em dưới 14 tuổi từ 7 giờ đến 22 giờ 30. Chính phủ sẽ đề cử một người giám quản “hậu kiểm” các chương trình đã phát, khuyến cáo về lịch phát, ra quyết định xử phạt, đề nghị đình chỉ hoạt động.



2.6. Cơ chế, chính sách phát triển báo chí ở Trung Quốc

2.6.1. Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với báo chí:

Sau 30 năm cải cách đổi mới, Trung Quốc đã từng bước hoàn thiện khung pháp lý quản lý báo chí, xuất bản đặc sắc Trung Quốc theo nguyên tắc: Đảng ủy lãnh đạo, Chính phủ quản lý, doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, lấy báo Đảng làm trọng tâm, phát triển tốt theo cơ chế thị trường và xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên giỏi chuyên môn, vững về lập trường quan điểm. Đối với báo chí truyền thống, phải làm tốt công tác phát hành báo Đảng, hướng dẫn dư luận đúng, phục vụ và làm phong phú đời sống nhân dân; đồng thời tăng cường, phát triển phương tiện truyền thông mới như mạng Internet, mạng di động.

Báo chí Trung Quốc nở rộ theo sự phát triển "đa dạng hóa về vấn đề tư tưởng" của nền kinh tế thị trường. Mặc dù không cho phép báo chí tư nhân nhưng Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng chính sách "đa dạng", tức là cho phép sự mở rộng về số lượng và kích cỡ của báo in, phát thanh và truyền hình, theo quan điểm "hàng nghìn các loại báo chí khác nhau với một tiếng nói". Báo chí đa dạng kiểu Trung Quốc đã làm tăng sự lựa chọn rộng rãi và đa dạng của công chúng về các kênh phát thanh truyền hình, báo viết và viễn thông.

"Sự đa dạng hóa về vấn đề tư tưởng", hay còn gọi là cuộc cải tổ báo chí ở Trung Quốc cũng được bắt đầu vào thời kỳ cải cách kinh tế do Đặng Tiểu Bình khởi xướng ở nước này cuối những năm 1970. Báo in được điều hành áp dụng theo kiểu doanh nghiệp và cơ chế thị trường đầu tiên và sau đó các đài phát thanh, truyền hình đã làm theo. Chế độ phân phối báo chí độc quyền qua bưu điện trước đây đã thay thế bằng việc các tờ báo tự tổ chức phân phối sản phẩm của mình và được tiến hành có hiệu quả hơn, dịch vụ cũng tốt hơn. Cơ chế tự lập về kinh tế đã tạo ra những khoản thu nhập khổng lồ từ quảng cáo cho báo chí Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, ở mỗi thành phố, tỉnh thành đều có các tờ báo của chính quyền địa phương và của đảng bộ địa phương. Truyền hình vẫn là loại truyền thông - thông tin được ưa chuộng nhất ở đất nước này. Cạnh tranh trong lĩnh vực truyền hình ở Trung Quốc rất mạnh mẽ, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Thị trường truyền hình trả tiền phát triển rất nhanh ở Trung Quốc với hơn 130 triệu hộ khán giả đăng ký. Tổng số kênh truyền hình ở Trung Quốc, từ trung ương đến địa phương là vào khoảng 2.100 kênh. Trong khoảng gần 10 năm, Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã liên tiếp mở các kênh truyền hình phát sóng qua vệ tinh. Mỗi ngày, CCTV có tổng số thời lượng phát sóng khoảng hơn 200 giờ, rất hiếm một đài nào trên thế giới có số giờ phát sóng lớn như vậy. Kênh CCTV 9 được phát bằng tiếng Anh 24/24 giờ. Trung Quốc có hai đài phát thanh Trung ương là Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc và Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc với hơn 40 thứ tiếng.

2.6.2. Mô hình tập đoàn báo chí của Trung Quốc:

Công cuộc cải cách thể chế diễn ra rất mạnh mẽ tại Trung Quốc trong 15 năm gần đây và việc thành lập các tập đoàn Báo chí và tập đoàn Xuất bản là một tất yếu. Hiện tại các mô hình tập đoàn báo chí và tập đoàn xuất bản của Trung Quốc đang hoạt động rất hiệu quả và năng động. Tập đoàn hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp Nhà nước một thành viên, Ban Tuyên truyền Trung ương là chủ quản lãnh đạo, Tổng nha Báo chí Xuất bản là cơ quan quản lý, Bộ Tài chính quản lý vốn và doanh nghiệp hoạt động hoàn toàn độc lập, vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo nhiệm vụ chính là phục vụ công tác tuyên truyền văn hóa, xã hội, chính trị của đất nước.

Trong những năm vừa qua, các tập đoàn báo chí và tập đoàn xuất bản của Trung Quốc đều hoạt động và kinh doanh rất tốt và luôn luôn quán triệt nguyên tắc lấy nghề làm báo là chính, phục vụ Đảng và nhân dân, phát triển tốt báo Đảng luôn kết hợp hiệu quả xã hội và văn hóa trong đó hiệu quả xã hội là hàng đầu. Xác định rõ trách nhiệm các bên tham gia như phóng viên, biên tập viên phải khai thác thông tin một cách chân thật, khách quan để nhân dân có niềm tin và phải thoát ly khỏi kinh doanh, trong khi đó nhân viên kinh doanh phải vận hành theo cơ chế thị trường, thu nhập phải gắn liền với thành quả hoạt động của họ. Trung Quốc có quan điểm rõ ràng là bộ phận làm báo (nội dung) tách rời bộ phận kinh doanh và không ảnh hưởng hay lệ thuộc vào nhau.

Khi Trung Quốc chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường, ngành báo chí cũng dần dần phát triển theo hướng chuyển đổi, tiến tới cạnh tranh thị trường. Sự tồn tại của một cơ quan báo chí phụ thuộc vào các hoạt động kinh doanh tự thân hơn là dựa vào hỗ trợ của chính phủ. Sự cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí trở nên gay gắt hơn khi họ tìm cách thu hút độc giả.

Vì sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các cơ quan báo chí và sự tự do hoá của ngành xuất bản báo chí ở Trung Quốc, đồng thời với các cam kết gia nhập WTO, nhiều cơ quan báo chí đã được tập hợp lại hình thành nên những tập đoàn báo chí.

Tập đoàn báo chí đầu tiên của Trung Quốc ra đời vào năm 1996, tức là 5 năm trước khi Trung Quốc gia nhập WTO (12/2001). Đó là tập đoàn Nhật báo Quảng Châu (Guangzhou Daily Press Group). Đến thời điểm tháng 8/2003, đã có 41 tập đoàn báo chí ở Trung Quốc.

Cho đến nay, có thể nêu ra những tập đoàn báo chí tiêu biểu của Trung Quốc:

- Tập đoàn báo chí Thâm Quyến;

- Tập đoàn Bắc Kinh nhật báo;

- Tập đoàn báo chí Quảng Châu;

- Tập đoàn Shanghai Media & Entertainment Group (SMEG)

- v.v...v.v…

Quan điểm và bước đi của Trung Quốc trong việc hình thành tập đoàn báo chí:

- Đảng Cộng sản Trung Quốc giữ vai trò định hướng phát triển thông tin thông qua việc quản lí nhân sự. Cán bộ quản lý và hoạt động báo chí trước hết phải quán triệt và nhất trí cao đường lối của Đảng trên cơ sở Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông. Tuyển cán bộ phải đạt 4 mục tiêu: cách mạng hoá, trẻ hoá, tri thức hoá và hiện đại hoá, trong đó cách mạng hoá là quan trọng nhất.

- Trung Quốc xác định hoạt động kinh tế là một mục tiêu quan trọng của các tập đoàn báo chí Trung Quốc và chủ trương xí nghiệp hoá các cơ quan báo chí. Báo chí kinh doanh tự trang trải, nộp nghĩa vụ cho Nhà nước là một trong những chỉ tiêu quan trọng của cải cách báo chí ở Trung Quốc hiện nay.

- Trung Quốc “bật đèn xanh” cho liên kết giữa các cơ quan báo chí trong nước và nước ngoài, trong một số lĩnh vực không liên quan đến chính trị.

PHỤ LỤC

BỘ QUY TẮC ĐẠO ĐỨC CỦA THE NEW YORK TIMES

(Trích)

1. Theo Tổng Biên tập Adolph Ochs, mục tiêu của Thời báo New York (Thời báo) là đưa tin một cách vô tư nhất có thể “mà không phải lo sợ hay thiên vị” và cư xử công bằng và cởi mở với các độc giả, các nguồn tin, các nhà quảng cáo và những người khác, đồng thời làm sao để mọi người thấy chúng ta đang làm đúng như vậy. Uy tín của Thời báo cũng như uy tín chuyên môn của nhân viên phụ thuộc vào nhận thức đó. Bởi vậy, Thời báo, phóng viên các ban thời sự và các biên tập viên đều quan tâm về việc tránh xung đột lợi ích hoặc khả năng xảy ra xung đột.

2. Trong hơn một thế kỷ qua, nhân viên của Thời báo đã đảm bảo được tính liêm chính của tờ báo. Ngoài những gì có thể đóng góp cho Thời báo, nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là đảm bảo không làm tổn hại tới tính liêm trực đó khi tác nghiệp.

3. Xung đột lợi ích, dù có thực hay chỉ là biểu hiện, đều có thể xảy ra trong nhiều lĩnh vực. Xung đột ấy có thể xoay quanh quan hệ của nhân viên với độc giả, các nguồn tin, các nhóm cổ xuý, các nhà quảng cáo, hoặc các đối thủ cạnh tranh; quan hệ giữa từng nhóm với nhau hoặc với bản thân tờ báo hoặc công ty mẹ. Ở thời điểm khi các cặp vợ chồng trong các gia đình làm những ngành nghề khác nhau trở nên phổ biến, thì hoạt động chuyên môn và hoạt động với tư cách công dân của các cặp vợ chồng, gia đình, và bạn bè của họ có thể tạo ra xung đột hoặc nguy cơ xung đột lợi ích.

4. Chiểu theo những nghĩa vụ chính thức ghi trong Điều sửa đổi bổ sung thứ nhất của Hiến pháp, Thời báo phấn đấu duy trì những chuẩn mực đạo đức báo chí cao nhất. Thời báo tin rằng nhân viên của mình cùng chia sẻ mục tiêu đó. Thời báo cũng nhận thức rằng nhân viên phải được tự do làm những công việc riêng tư, mang tính sáng tạo và những công việc thuộc bổn phận công dân đồng thời làm ngoài để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, trước khi tham gia những hoạt động bên ngoài đó, nhân viên cần phải đánh giá chuyên môn cẩn thận và cân nhắc lợi ích mà chúng ta có được nhờ danh tiếng không gì thay thế nổi của Thời báo.

Phạm vi của Bộ Quy tắc này

5. Nhìn chung, bộ quy tắc đạo đức này áp dụng đối với tất cả thành viên của các phòng biên tập và thời sự, những người mà công việc của họ ảnh hưởng trực tiếp tới nội dung của tờ báo, kể cả những người đang nghỉ phép.

Những người này bao gồm phóng viên, biên tập viên, những người viết xã luận, các nhiếp ảnh gia, biên tập viên ảnh, chỉ đạo nghệ thuật, nghệ sĩ, các nhà thiết kế, biên tập viên đồ họa, và các nhà nghiên cứu. Nhóm các nhà báo chuyên nghiệp này được gọi chung là “nhân viên”.

6. Các thư ký phụ trách lưu trữ tin, trợ lý hành chính, thư ký và các nhân viên trợ giúp khác nhìn chung không bị ràng buộc bởi những quy định này, tuy nhiên có hai ngoại lệ quan trọng: Thứ nhất, nhân viên phòng tin tức hoặc nhân viên trang xã luận không được sử dụng tin mật thu được khi tác nghiệp vào mục đích cá nhân hoặc cậy có quan hệ với Thời báo để giành ưu đãi hoặc lợi thế cho mình. Thứ hai, không ai được làm gì gây tổn hại tới uy tín của Thời báo về thái độ trung lập trong việc đưa các tin bài về chính trị và chính phủ; cụ thể, không ai được đeo phù hiệu vận động tranh cử hoặc có bất cứ biểu hiện đảng phái chính trị nào khác khi tác nghiệp.

7. Trong hợp đồng của chúng ta với các cộng tác viên tự do có yêu cầu họ tránh xung đột lợi ích, dù xung đột đó là có thực hay mới chỉ là biểu hiện. Theo đó họ phải thực hiện đúng những hướng dẫn này khi làm việc tại Thời báo, như quy định trong mục 14.

8. Thời báo hoàn toàn tin rằng nhân viên của mình chia sẻ những giá trị mà Bộ quy tắc này muốn bảo vệ. Trước kia, Thời báo đã giải quyết những bất đồng quan điểm về việc áp dụng những giá trị này một cách tế nhị thông qua thảo luận, và hầu như không có ngoại lệ nào. Thời báo có đủ lý do để tin rằng biện pháp đó sẽ tiếp tục được thực hiện. Tuy nhiên, bất cứ hành vi vi phạm nghiêm trọng nào đối với Bộ quy tắc này đều được coi là tội danh nghiêm trọng có thể bị xử phạt, kể cả sa thải, chiểu theo các điều khoản trong bất kỳ thoả thuận đàm phán tập thể nào nếu có thể áp dụng được.

9. Mục tiêu cơ bản của chúng ta là bảo vệ sự vô tư, công bằng và trung lập của Thời báo và sự thống nhất khi đưa tin. Trong nhiều trường hợp, chỉ chuyên tâm vào riêng mục tiêu đó cũng đã thể hiện đạo đức nghề nghiệp của chúng ta. Đôi khi câu trả lời lại rất rõ ràng. Đơn giản chúng ta hãy tự hỏi liệu một hành động nào đó có làm tổn hại đến uy tín của tờ báo hay không. Chỉ một câu hỏi như vậy cũng đủ để đánh giá hành động chúng ta có phù hợp hay không.

10. Tất cả nhân viên phải đọc kỹ Bộ quy tắc này và suy nghĩ áp dụng như thế nào khi thực hiện những nghĩa vụ của họ. Nhân viên không thể viện cớ không nắm được các điều khoản đó để biện minh cho hành vi vi phạm; trái lại vi phạm đó càng nghiêm trọng hơn. Những điều khoản nêu ra ở đây chỉ là những nguyên tắc có tính khái quát và là một số ví dụ. Thế giới của chúng ta thay đổi liên tục, đôi khi còn thay đổi rất nhanh. Không một văn bản nào có thể tiên liệu được những điều sẽ xảy ra. Bởi vậy, chúng tôi hy vọng nhân viên sẽ tham khảo ý kiến của những người quản lý, phó tổng biên tập phụ trách quản trị tin tức hoặc phó tổng biên tập trang xã luận, nếu họ chưa rõ về các tình huống cụ thể hoặc cơ hội mà Bộ quy tắc này mang lại. Trong hầu hết các trường hợp đều có thể trao đổi bằng thư điện tử.

11. Bởi vậy bộ quy tắc đạo đức này không phải là một tập hợp tất cả các tình huống dẫn đến xung đột hoặc nguy cơ xung đột lợi ích. Bộ quy tắc này không loại trừ những tình huống hoặc những vấn đề dẫn đến xung đột đó nếu đơn giản chỉ vì chúng không thuộc phạm vi điều chỉnh của bộ quy tắc. Bản thân bộ quy tắc hay bất cứ điều khoản cụ thể nào của nó cũng không sản sinh ra bất cứ hợp đồng lao động ngầm hoặc công khai nào với các cá nhân thuộc phạm vi điều chỉnh của nó. Theo thời gian, Thời báo có quyền điều chỉnh và mở rộng phạm vi Bộ quy tắc nếu phù hợp.

12. Thẩm quyền giải thích và áp dụng bộ quy tắc này thuộc về các trưởng ban và các biên tập viên cao cấp, chủ yếu là phó tổng biên tập phụ trách quản trị tin tức và phó tổng biên tập trang xã luận. Những người này có thể trao quyền đó cho những trợ lý cấp cao của mình, song vẫn phải có trách nhiệm đối với những quyết định nhân danh họ.



Những chuẩn mực ứng xử khác

13. Ngoài bộ quy tắc này, chúng tôi còn tuân thủ Tuyên bố về tính liêm trực khi đưa tin, ban hành năm 1999. Tuyên bố này đề cập tới những thực tiễn chuyên môn cơ bản như tầm quan trọng của việc kiểm tra thực tế, tính chính xác của trích dẫn, sự nguyên vẹn của hình ảnh và không tin nguồn tin nặc danh. Tuyên bố này có tại văn phòng của phó tổng biên tập phụ trách quản trị tin tức hoặc trên trang chủ của phòng tin, mục Chính sách.

14. Với tư cách nhân viên của Tập đoàn Thời báo, chúng ta tuân thủ Quy tắc Tác nghiệp - những nguyên tắc ứng xử cơ bản điều chỉnh quan hệ của chúng ta với đồng nghiệp và hoạt động tác nghiệp. Những quy tắc này có tại văn phòng phó tổng biên tập phụ trách quản trị tin tức. Chúng ta có thể tìm thấy Quy tắc Tác nghiệp cùng với một tuyên bố về các nguyên tắc hỗ trợ trên Internet tại trang web http://insite.nytco.com/OUR_COMPANY/our_company.html.

Chúng ta cũng tuân thủ những chính sách của công ty chống quấy rối và những chính sách về thông tin liên lạc máy tính và điện tử, có trên Internet tại trang web http://insite.nytco.com/OUR_COMPANY/POLICIES/policies.html



Nghĩa vụ của chúng ta đối với độc giả

15. Thời báo đối xử với độc giả một cách công bằng và cởi mở nhất có thể. Dù là trên báo in hay báo điện tử, chúng ta đều cho độc giả biết sự thật đầy đủ và thẳng thắn như chúng ta hiểu rõ nhất. Nghĩa vụ của chúng ta là phải sửa chữa sai sót, dù lớn hay nhỏ, ngay khi chúng ta nhận ra những sai sót đó.

16. Đối với độc giả ở khu vực tư nhân và nhà nước chúng ta đều đối xử công bằng như nhau. Tất cả nhân viên làm việc với độc giả đều phải tôn trọng nguyên tắc đó, và phải nhớ rằng độc giả chính là những người chủ của chúng ta. Khi trao đổi trực tiếp với độc giả, qua điện thoại, thư từ hay trực tuyến, các nhân viên cần phải có thái độ lịch sự, lễ độ. Phép lịch sự xã giao đòi hỏi chúng ta không được rời xa độc giả bằng cách phớt lờ trước những lá thư cần phải trả lời.

17. Thời báo thu thập thông tin vì lợi ích của độc giả. Nhân viên không được lợi dụng vị trí của họ tại Thời báo để đòi hỏi vì mất cứ mục đích nào khác. Như được quy định tại đoạn 6, nhân viên không được lợi dụng hoặc tiết lộ thông tin thu được trong quá trình tác nghiệp nhưng chưa đến được với độc giả, để tư lợi hoặc phục vụ người khác.

18. Nhân viên nào sao chép thông tin hoặc chủ ý hoặc vô tình cung cấp những thông tin sai lạc để xuất bản đều là phản bội lại cam kết cơ bản của chúng ta đối với độc giả. Chúng ta không thể dung thứ những hành vi như vậy.

Săn lùng tin tức

19. Thời báo đối xử với các nguồn tin công bằng và cởi mở như đối với các độc giả. Chúng ta không soi mói đời tư của mọi người một cách vô mục đích. Nhân viên không được đe doạ làm tổn hại những nguồn tin bất hợp tác. Họ cũng không được hứa sẽ đưa tin có thiên vị để đổi lấy sự hợp tác. Họ cũng không được trả tiền cho các cuộc phỏng vấn hoặc những tài liệu không được xuất bản.

20. Nhân viên phải công khai danh tính cho những người mà họ đưa tin (trực diện hoặc bằng cách khác), mặc dù không nhất thiết lúc nào cũng phải xưng là nhà báo khi tìm kiếm những thông tin công khai. Khi làm việc với tư cách nhà báo, nhân viên không được mạo danh là nhân viên cảnh sát, luật sư, doanh nhân hay bất cứ người nào khác. (Chẳng hạn, đôi khi xảy ra hiện tượng là để vào được những nước đã cấm các nhà báo, các phóng viên thường đội lốt là thương gia hoặc khách du lịch).

21. Các nhà phê bình nghệ thuật, âm nhạc và sân khấu hoặc các cây viết khác khi xem xét, thẩm định hàng hoá và dịch vụ được cung cấp cho công chúng có thể giấu danh tính của họ với Thời báo nhưng tuyệt nhiên không được giả mạo danh tính. Trường hợp ngoại lệ, các nhà phê bình quán ăn, nhà hàng có thể đặt chỗ bằng tên giả để giữ kín danh tính của mình. Các nhà phê bình quán ăn, nhà hàng và các cây bút viết về vấn đề du lịch phải giấu danh tính của họ với Thời báo để loại bỏ khả năng được đối xử đặc biệt.



Quan hệ cá nhân với các nguồn tin

22. Phải có đánh giá đúng mức nhất và có ý thức tự giác khi quan hệ với các nguồn tin để tránh thực tế hoặc khả năng thiên vị. Xây dựng các nguồn tin là kỹ năng cơ bản, thường phát huy hiệu quả nhất trong những bối cảnh thân mật ngoài giờ làm việc bình thường. Tuy nhiên, các nhân viên, đặc biệt là những người có nhiệm vụ săn tin, phải cảnh giác bởi quan hệ cá nhân với các nguồn tin có thể dẫn tới sự thiên vị, dù trên thực tế hoặc có khả năng xảy ra. Và ngược lại nhân viên cũng phải ý thức được rằng các nguồn tin, vì những lý do riêng, rất muốn giành được thiện chí của chúng ta.

23. Mặc dù bộ quy tắc này định ra những nguyên tắc cứng rắn, nhưng điều cơ bản là chúng ta phải duy trì được sự độc lập về mặt chuyên môn, không hề thiên vị. Nhân viên có thể gặp gỡ các nguồn tin một cách không chính thức như đi ăn uống chẳng hạn, nhưng phải phân biệt giữa công việc hợp pháp với quan hệ cá nhân. Chẳng hạn, việc phóng viên của Toà thị chính thành phố hàng tuần chơi gôn với một đại biểu Hội đồng thành phố có thể dẫn tới sự thân mật quá mức, ngay cả khi thỉnh thoảng họ mới bàn về công việc. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với một phóng viên thường xuyên tham gia chơi bài, hoặc là gương mặt quen thuộc trong phòng họp của một tập đoàn hay những người nghỉ cuối tuần ở công ty của những người mà họ đưa tin. Bởi vậy, theo định kỳ, chúng ta phải lùi lại và xem xét cẩn trọng liệu chúng ta có quá gần gũi với những nguồn tin mà chúng ta làm việc thường xuyên không? Để tránh thái độ thiên vị cần phải có khả năng duy trì quan hệ làm việc tốt với tất cả các bên trong một vụ tranh chấp.

24. Rõ ràng, quan hệ mật thiết với một nguồn tin sẽ dẫn đến khả năng thiên vị. Bởi vậy những nhân viên nào có quan hệ gần gũi với những người có thể có tên trong bản tin mà họ cung cấp, biên tập, trình bày hoặc giám sát, phải công khai mối quan hệ đó cho phó tổng biên tập phụ trách quản trị tin tức hoặc phó tổng biên tập trang tin xã luận. Trong một số trường hợp, ngoài việc công khai mối quan hệ thì không có thêm yêu cầu nào nữa. Tuy nhiên, trong những trường hợp khác nhân viên có thể phải tránh đưa những tin bài nhất định. Trong những trường hợp khác có thể phải có sự điều chỉnh về nhiệm vụ hoặc thay đổi việc săn tin. Trong một số ít trường hợp nhân viên có thể phải chuyển sang bộ phận khác-từ ban tin tức kinh doanh và tài chính sang ban văn hoá-để tránh xuất hiện xung đột.



Tuân thủ luật pháp khi săn tin

25. Nhân viên phải tuân thủ luật pháp khi săn lùng tin tức. Họ không được đột nhập vào các toà nhà, các gia đình, căn hộ hay văn phòng. Họ không được đánh cắp dữ liệu, tài liệu hoặc các tài sản khác, kể cả những tài sản điện tử như cơ sở dữ liệu và thư điện tử, hoặc lời nhắn. Họ không được nghe trộm điện thoại, xâm nhập vào các tệp tin trong máy tính hoặc ngược lại dùng thiết bị điện tử để thu trộm các nguồn tin. Nói tóm lại họ không được gây ra bất cứ hành động bất hợp pháp nào.

26. Nhân viên không được sử dụng chứng minh thư hay các giấy phép đặc biệt nào do cảnh sát hoặc các cơ quan chính thức khác cấp ngoại trừ khi tác nghiệp. Những nhân viên nào đã từng xin cấp hoặc có thẻ “NYP”, hay các thẻ đặc biệt khác phải thông báo cho phó tổng biên tập phụ trách quản trị tin tức hoặc phó tổng biên tập trang tin xã luận biết. Những nhân viên nào mà công việc của họ không đòi hỏi phải có những loại thẻ đặc biệt thì phải trả lại.

27. Nhân viên không được ghi âm các cuộc đàm thoại nếu không có sự thoả thuận trước của tất cả các bên tham gia đàm thoại. Ngay cả khi luật pháp cho phép ghi âm nhưng chỉ có một bên duy nhất biết quy định đó thì hành động thu âm đó là dối trá. Các biên tập viên trang tin xã luận đôi khi được hưởng ngoại lệ ở những nơi mà việc ghi âm bí mật là hợp pháp.






tải về 145.24 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương