V¡n ho¸ viöt nam: toµn cçu ho¸ Vµ thþ tr¦êNG



tải về 1.77 Mb.
trang2/17
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.77 Mb.
#17135
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17

§



KYÛ YEÁU HOÄI THAÛO QUOÁC TEÁ VIEÄT NAM HOÏC LAÀN THÖÙ BA

TIEÅU BAN VAÊN HOAÙ VIEÄT NAM





êI SèNG V¡N HO¸ CñA NG¦êI VIÖT NAM
SAU HAI M¦¥I N¡M §æI MíI

PGS.TS Nguyễn Văn Dân*


Sau hai mươi năm đổi mới và hội nhập, văn hoá Việt Nam đã có những biến đổi sâu sắc theo hướng nâng cao, trở nên phong phú hơn, cởi mở hơn. Đó là kết quả đường lối mở cửa của Đảng và Nhà nước. Điều này rất phù hợp với xu thế chung của thế giới ngày nay là giao lưu và hội nhập. Làm được như vậy trước hết là vì chúng ta đã đổi mới tư duy. Trong đời sống văn hoá, đổi mới tư duy được thể hiện trên tất cả các mặt. Ở đây tôi sẽ phân tích sự đổi mới trên một số mặt quan trọng như: đổi mới văn hoá về khía cạnh chính trị – pháp lý; tiếp thu các giá trị văn hoá thế giới; đổi mới trong quan niệm sống và lối sống; phục hồi và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; đổi mới trong tự do sáng tác; và cuối cùng tôi sẽ bàn đến vấn đề nảy sinh trong đổi mới văn hoá.

1. Đổi mới văn hoá về khía cạnh chính trị – pháp lý

Trong đời sống văn hoá, đổi mới tư duy được thể hiện quan trọng nhất là ở khía cạnh chính trị – pháp lý. Vì thế, nói đến đổi mới trong đời sống văn hoá trước hết là nói tới đổi mới về đường lối, chủ trương, chính sách. Kể từ thời mở cửa, chúng ta phải ghi nhận một cột mốc quan trọng về mặt đổi mới đường lối văn hoá Việt Nam. Đó là việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII ra Nghị quyết Trung ương 5 “Về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, ban hành ngày 16/7/1998.

Trong Nghị quyết này, Đảng đã đánh giá khách quan những thành tựu văn hoá, nghiêm khắc kiểm điểm những mặt yếu kém, thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể để phát triển văn hoá.
Đảng đã có chủ trương phát triển văn hoá rất đúng theo quan điểm hội nhập quốc tế, xây dựng con người và văn hoá Việt Nam trong mối quan hệ biện chứng giữa dân tộc với quốc tế; coi văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội; nhấn mạnh ngay ở nhiệm vụ đầu tiên là phải xây dựng con người Việt Nam vừa có đức tính yêu nước, vừa đoàn kết với nhân dân thế giới; đề cao giá trị dân chủ và tôn trọng tự do sáng tác của các văn nghệ sỹ; mở cửa tiếp thu mọi thành tựu văn hoá của thế giới; hoàn toàn không nhắc đến quan điểm giáo điều suy tôn phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, để khẳng định rằng Đảng “khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác”1. Đây là một điều rất mới, là cơ sở pháp lý đúng đắn, đảm bảo quyền tự do văn hoá cho con người Việt Nam. Điều này đang được thể hiện thành hiện thực sáng tác phong phú và đa dạng trong văn học – nghệ thuật đương đại.

Đến Đại hội IX (2001), tiếp nối tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII, Đảng đã đề ra định hướng phát triển văn hoá là “Đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; “Xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hoá”;... “Phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; bảo tồn và tôn tạo các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể làm nền tảng cho sự giao lưu văn hoá giữa các cộng đồng, giữa các vùng cả nước và giao lưu văn hoá với bên ngoài”2. Ở Đại hội này, phát triển văn hoá được nhấn mạnh vào việc xây dựng “đời sống văn hoá”, “nếp sống văn minh”, đẩy mạnh “giao lưu văn hoá” trong biên giới và liên biên giới. Có thể thấy rõ, đường lối phát triển văn hoá theo tinh thần hội nhập đã được Đảng kiên trì quán triệt.

Đại hội X (2006) của Đảng đã khẳng định lại phương hướng coi phát triển văn hoá là “nền tảng tinh thần của xã hội”. Cụ thể là phải “làm cho văn hoá thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hoá đồi truỵ độc hại. Nâng cao tính văn hoá trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân”3.

Gần đây nhất, ngày 16/6/2008, Đảng đã ban hành Nghị quyết 23–NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng dành riêng cho văn học nghệ thuật, một lĩnh vực cụ thể của văn hoá, như là sự cụ thể hoá Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng nền văn hoá Việt Nam. Trong Nghị quyết lần này, Đảng cũng khẳng định quyền tự do sáng tác khi nói đến thành tựu của văn học nghệ thuật thời gian qua: “Tự do trong sáng tạo nghệ thuật và sự đa dạng về nội dung, phong cách sáng tác, phương thức biểu hiện được tôn trọng; dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo được khẳng định”4. Và trong phần “Mục tiêu, quan điểm chỉ đạo...”, Đảng chủ trương: “Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà.” Đây là sự quan tâm sát sao của Đảng đối với việc xây dựng và phát triển văn hoá và đời sống văn hoá của người Việt Nam, là sự quyết tâm của Đảng đối với sự nghiệp đổi mới văn hoá.

Vì thế, từ ngày đổi mới đến nay, đời sống văn hoá của người dân Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới, trở nên đa dạng và phong phú hơn rất nhiều. Các loại hình văn hoá – nghệ thuật cũ được phát huy. Đồng thời, các loại hình văn hoá – nghệ thuật mới của thế giới cũng được tiếp thu rộng rãi. Đây cũng là kết quả của việc Đảng công nhận và mở rộng quyền tự do văn hoá, theo đúng với xu hướng chung về mở rộng quyền con người của thế giới.

Một điều đổi mới quan trọng trong tư duy là Đảng đã công nhận khía cạnh quyền lợi cá nhân trong quyền tự do văn hoá. Trong các đức tính của con người Việt Nam, Đảng chủ trương xây dựng con người có đức tính lao động chăm chỉ “vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội” (Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII). Đó là một điều rất mới, bởi lẽ trước đây chúng ta vẫn hô hào hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích tập thể. Điều này ngày nay cũng có nghĩa là sáng tạo văn hoá không chỉ vì lợi ích tinh thần, mà nó còn có thể đem lại lợi ích vật chất – kinh tế. Với tư cách là nền tảng của đời sống tinh thần, văn hoá không thể không mang giá trị vật chất – kinh tế, nhất là khi nó được đưa vào đời sống, trở thành đời sống văn hoá của người dân. Vì thế chúng ta không có quyền xem nhẹ giá trị vật chất – kinh tế của văn hoá. Về điều này, Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII của Đảng cũng nói rất rõ: Phải xây dựng “Chính sách kinh tế trong văn hoá nhằm gắn văn hoá với các hoạt động kinh tế”.

Có thể nói, đổi mới về khía cạnh chính trị – pháp lý đã làm thành cơ sở quan trọng cho đổi mới văn hoá nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Nó chính là đòn bẩy để chúng ta xây dựng và phát triển con người và nền văn hoá mới vừa mang tính tiên tiến của thời đại, vừa phát huy các giá trị bản sắc dân tộc của văn hoá truyền thống.

2. Tiếp thu các giá trị văn hoá của thế giới để làm giàu cho văn hoá Việt Nam

Nhờ chính sách mở cửa, ngày nay người dân Việt Nam đã được tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật mới. Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII đã vạch rõ: Bảo vệ bản sắc dân tộc không có nghĩa là đóng cửa khép kín, tách biệt với bên ngoài, mà: “Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hoá các dân tộc khác”5. Đại hội X của Đảng cũng chỉ rõ: phải “kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hoá đồi truỵ độc hại”. Từ đó, mọi loại hình văn hoá của các dân tộc đều được chúng ta mở cửa đón nhận.



Trước hết nói về lĩnh vực điện ảnh. Phim ảnh nước ngoài, đặc biệt là phim phương Tây, bắt đầu được giới thiệu rộng rãi ở nước ta, kể cả phim có giá trị nghệ thuật đặc thù lẫn phim giải trí có giá trị thương mại. Đây là một trong những lĩnh vực thể hiện rõ nhất sự biến đổi trong đời sống văn hoá của người dân Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập. Hiện tại người dân không còn chỉ được thưởng thức các bộ phim của các nước xã hội chủ nghĩa như trước đây. Trước thời kỳ Đổi mới, do hoàn cảnh lịch sử của hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc quy định, chúng ta đã không có sự trao đổi về văn hoá, hoặc trao đổi rất hạn chế, với các nước phương Tây. Cho nên phim ảnh các nước phương Tây vắng bóng hoàn toàn trong đời sống văn hoá Việt Nam. Đây là sự thể hiện một quan điểm giáo điều trong quản lý văn hoá. Nhưng tất nhiên điều này có lý do lịch sử chính đáng của nó.

Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ truyền thông hiện đại, phim ảnh nước ngoài đang tràn ngập đời sống văn hoá của người dân Việt Nam. Truyền hình và mạng Internet là những công cụ đắc lực phổ biến phim nước ngoài, đặc biệt là phim phương Tây.

Ngành điện ảnh Việt Nam được thành lập ngày 15/3/1953, theo sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam. Hơn 55 năm qua, từ một doanh nghiệp, ngành điện ảnh nước ta đã có một quá trình phát triển quan trọng. Nhưng, với tiềm năng kinh tế yếu kém, và với nhiệm vụ được giao cho điện ảnh là chủ yếu phục vụ chính trị chứ không phải nhằm thu lợi kinh tế, chúng ta chưa có được một ngành công nghiệp điện ảnh thực thụ. Khía cạnh văn hoá nghệ thuật của loại hình văn hoá này cũng không phát huy được khả năng của mình. Ngoài ra, với đội ngũ diễn viên, đạo diễn thiếu kinh nghiệm và tay nghề, cộng với tình trạng thiếu kịch bản hay, ngành điện ảnh Việt Nam đã không có khả năng đáp ứng nhu cầu văn hoá của người dân và không thể cạnh tranh được với điện ảnh nước ngoài.

Hiện tại các nhà hoạt động trong ngành điện ảnh đang kêu gọi phải chuyên nghiệp hoá ngành điện ảnh Việt Nam, tức là phải biến nó thành một ngành công nghiệp thực sự: ngành công nghiệp điện ảnh. Chúng ta đang xoá bỏ chế độ bao cấp trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có điện ảnh. Nhưng cơ chế thị trường điện ảnh lại chưa thực sự được hình thành. Từ đó dẫn đến tình trạng sa sút của điện ảnh Việt Nam và hiện nay tình hình này đã đến mức báo động: Từ 300 rạp chiếu bóng xuống còn dưới 100; từ mức sản suất 20 phim truyện nhựa hàng năm xuống còn dăm bảy phim. Đội ngũ làm phim, từ biên kịch đến đạo diễn, diễn viên, quay phim, đều chưa có tính chuyên nghiệp thực sự. Đặc biệt là chúng ta chưa có trường quay, một điều kiện cốt lõi của công cuộc chuyên nghiệp hoá điện ảnh và của ngành công nghiệp điện ảnh7.

Có thể nói, sự biến đổi trong đời sống điện ảnh Việt Nam hiện nay mới chỉ diễn ra chủ yếu trên lĩnh vực thị trường. Có thể đã có những đổi mới trong quan niệm và nhận thức về ngành công nghiệp điện ảnh, nhưng từ quan niệm đến thực hành vẫn còn một khoảng cách khá xa, mà ở giữa hai cực đó là một loạt các điều kiện vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực mà chúng ta vẫn chưa đáp ứng được. Trên thị trường điện ảnh, sự biến đổi rõ rệt nhất là chúng ta chấp nhận hội nhập quốc tế, cho phép phim ngoại thâm nhập vào thị trường điện ảnh trong nước. Điều này có thể có cả ảnh hưởng tiêu cực lẫn tích cực. Việc điện ảnh nước ngoài thâm nhập vào Việt Nam đã làm cho thị phần phim Việt Nam ở trong nước bị thu hẹp đến mức tối thiểu. Có lẽ điện ảnh là lĩnh vực mà ở đó khái niệm “hàng nội” đã bị mất đi ý nghĩa nhiều nhất. Khán giả, dù có lòng yêu nước đến đâu thì khi xem phim Việt cũng không khỏi ngậm ngùi cho trình độ kỹ thuật và thẩm mỹ của bộ phim. Nhưng, sự thâm nhập của điện ảnh nước ngoài cũng có tác động đổi mới đến tư duy làm phim của Việt Nam và kích thích ngành điện ảnh Việt Nam phát triển. Dứt khoát, nếu muốn tồn tại, ngành điện ảnh nước nhà sẽ phải đổi mới căn bản trong tất cả các khâu, tiến tới trở thành một trong những ngành công nghiệp văn hoá có khả năng sinh lợi cao, phục vụ cho công cuộc phát triển.

Theo tinh thần đó, mặc dù chủ trương mở cửa tiếp nhận điện ảnh nước ngoài, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn kiên quyết phát triển ngành công nghiệp văn hoá có khả năng sinh lợi quan trọng này. Theo quy hoạch phát triển ngành điện ảnh của Bộ Văn hoá – Thông tin từ năm 2001, nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, thì đến năm 2010, trong số phim truyện nhựa chiếu ngoài rạp, sẽ phải có ít nhất 1/3 là phim Việt Nam8. Đây là một nỗ lực đáng khuyến khích. Tuy nhiên, để có được những bộ phim có chất lượng nghệ thuật cao, chúng ta sẽ còn phải làm rất nhiều việc. Và việc hội nhập văn hoá sẽ là một trong những đòn bẩy để ngành điện ảnh Việt Nam phát triển.

Trong lĩnh vực nhiếp ảnh cũng có sự đổi mới đáng kể. Trong suốt thời gian diễn ra hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, ngành nhiếp ảnh Việt Nam đã hoàn toàn dành sự nghiệp phục vụ cho các nhiệm vụ chiến lược của đất nước. Mọi quan niệm và chức năng nghệ thuật của nhiếp ảnh đều được dùng để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Cho đến thời kỳ Đổi mới, nhiếp ảnh mới bắt đầu được thể hiện đầy đủ các chức năng của nó. Chức năng thẩm mỹ và giải trí được quan tâm. Ở đây nữa, tự do văn hoá được thể hiện rõ ràng. Lần đầu tiên trong lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam, ảnh khoả thân được xuất bản thành sách: Tập sách ảnh khoả thân Xuân thì của Thái Phiên đã được xuất bản năm 2007 tại NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Quả thực, đây là một trong những đổi mới gây ấn tượng nhất trong văn hoá Việt Nam hiện đại.

Âm nhạc hiện đại thế giới cũng thâm nhập vào Việt Nam một cách ồ ạt chẳng kém gì phim ảnh. Bắt đầu từ cuối thế kỷ XX, nhạc rock, pop, hip-hop (trong nhạc hip-hop thì thịnh hành nhất là nhạc rap) của nước ngoài được giới trẻ tự do tiếp nhận, được giới thiệu hàng ngày trên sóng phát thanh và truyền hình, được biểu diễn tại các kỳ liên hoan âm nhạc, các cuộc thi, các sàn diễn, phòng trà...

Nhạc rock thâm nhập vào Việt Nam với sự ồn ào náo nhiệt vào đầu những năm 1990, với hai trung tâm lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Cuộc thi nhạc rock 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút 30.000 người hâm mộ. Hiện tại, cứ hai năm một lần, Việt Nam lại tổ chức cuộc thi “Sao Mai điểm hẹn” để chọn các ngôi sao âm nhạc của Việt Nam.



Các hoạt động thể thao cũng nhanh chóng hội nhập với thế giới. Chúng ta bắt đầu tham gia các kỳ đại hội thể thao khu vực và thế giới. Các cúp quốc tế bóng đá, bóng chuyền, taekwondo, v.v... liên tục được tổ chức tại Việt Nam. Đặc biệt là chúng ta đã tổ chức thành công rực rỡ một kỳ Thể thao Đông Nam Á: SEA Games 22 năm 2003, với việc lần đầu tiên Việt Nam đứng thứ nhất toàn đoàn. Đây là những thành tựu rất mới mà chỉ có đổi mới và hội nhập mới tạo ra được.

Tuy nhiên cái mới trong thể thao không chỉ dừng lại ở những con số thành tích, mà quan trọng là chúng ta đã có những đổi mới tư duy trong quan niệm về thể thao: Từ việc chỉ coi trọng thể thao phong trào sang việc quan tâm đến thể thao chuyên nghiệp. Vào những ngày cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai, 30/11/2000, Việt Nam đã chính thức thành lập bóng đá chuyên nghiệp, cho phép các đội bóng được ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp, được phép thuê cầu thủ và huấn luyện viên nước ngoài. Có thể nói, đây là những ví dụ sinh động cho thấy Việt Nam đang hội nhập thực sự với thế giới.

Các môn thể thao trước đây được coi là “xa xỉ” thì nay cũng được du nhập và đang dần trở thành một bộ phận của thể thao Việt Nam, như tenis, golf... Sân golf thi nhau mọc lên bên cạnh những khu nghỉ dưỡng kèm theo du lịch sinh thái. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng đang làm nảy sinh những vấn đề về văn hoá môi trường, về chiến lược an ninh lương thực và an sinh xã hội mà tôi sẽ bàn đến ở phần sau.

Đặc biệt là hình thức thi hoa hậu, một hình thức trước đây bị coi là xa lạ và thậm chí cấm kỵ, đã được công khai thừa nhận và được tổ chức liên tục ở rất nhiều cấp độ: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu miền, Hoa hậu của các tỉnh – thành, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu biển, Hoa hậu áo dài Việt Nam, Hoa hậu tuổi học trò, Hoa hậu ảnh, Hoa hậu thể thao, Hoa hậu báo Tiền Phong, v.v... Riêng cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã được tổ chức lần đầu tiên từ năm 1988, ngay sau thời điểm bắt đầu Đổi mới được hai năm, và từ đó nó được tổ chức hai năm một lần. Còn nếu kể cả các cuộc thi hoa hậu khác thì gần như hằng năm đều có các cuộc thi. Gần đây, Việt Nam đã tạo được uy tín cho việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu thế giới. Cụ thể là năm 2008, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức thi Hoa hậu Hoàn vũ. Việt Nam cũng đã giành quyền đăng cai tổ chức thi Hoa hậu Quý bà Thế giới 2009 tại Bà Rịa – Vũng Tàu; và quan trọng là Việt Nam đã giành quyền tổ chức thi Hoa hậu Thế giới lần thứ 60 vào năm 2010 tại thành phố Nha Trang. Đây là một trong những ví dụ sinh động nhất của chính sách mở cửa và hội nhập văn hoá của Việt Nam.

Cùng với loại hình văn hoá thi hoa hậu là loại hình biểu diễn người mẫu thời trang. Đây cũng là một loại hình văn hoá hoàn toàn mới, chỉ có được từ ngày Việt Nam đổi mới và hội nhập với thế giới. Khác với loại hình thi hoa hậu, biểu diễn người mẫu đang có xu hướng phát triển từ một loại hình hoạt động văn hoá thành một nghề văn hoá có thu nhập kinh tế. Để tiến tới điều đó, ngày 27/10/2006, Bộ Văn hoá – Thông tin đã ra quyết định thành lập Hội Người mẫu Việt Nam, Hội sẽ hoạt động như một hội nghề nghiệp. Như vậy, sau đúng 20 năm đổi mới, các loại hình văn hoá mang tính đại chúng nhất của phương Tây đã hoàn toàn thâm nhập vào Việt Nam.

Các hiện tượng khác của văn hoá nước ngoài cũng rất dễ dàng được Việt Nam đón nhận trong thời kỳ mở cửa này, ví dụ những lễ hội nước ngoài như lễ Valentine, lễ Noel, lễ Phục sinh,... Đây là những lễ hội đang được công chúng hân hoan tiếp nhận. Ở đây có vai trò của quá trình toàn cầu hoá kinh tế như là vật truyền dẫn để phổ biến những hiện tượng văn hoá phương Tây. Vì thế chúng ta hiểu tại sao trong thời đại hội nhập này, những hiện tượng văn hoá phương Tây lại có sức lan toả mạnh hơn so với các hiện tượng văn hoá phương Đông.

Hai lĩnh vực quan trọng của đời sống văn hoá là văn học – nghệ thuật ngôn ngữ cũng thể hiện sự giao lưu và tiếp nhận các giá trị bên ngoài rất sôi động. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của hai lĩnh vực này, tôi sẽ bàn sâu đến chúng trong những dịp khác. Ở đây tôi chỉ nói vắn tắt rằng hai lĩnh vực này đã chịu những ảnh hưởng rất sâu sắc của giao lưu văn hoá. Văn học – nghệ thuật Việt Nam, cả sáng tác lẫn lý luận – phê bình, đã thoát ra khỏi những quy định giáo điều để hội nhập với thế giới. Các phương pháp sáng tác và phương pháp nghiên cứu mới đã được tiếp thu. Bộ mặt văn học – nghệ thuật Việt Nam trở nên phong phú hơn, đa dạng hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, chúng ta chưa chuẩn bị được đầy đủ cơ sở thực tiễn và lý luận để tiếp thu cái mới, cho nên sự tiếp thu tỏ ra có phần xô bồ, chưa có hệ thống, đôi khi phạm phải căn bệnh rập khuôn, bắt chước, thiếu chọn lọc, thiếu sáng tạo, không xem xét đầy đủ đến tính khả dụng và tính tương thích của các phương pháp mới trong môi trường văn hoá Việt Nam. Trong ngôn ngữ cũng vậy, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực góp phần làm giàu cho tiếng Việt, thì sự tiếp thu tiếng nước ngoài theo kiểu bắt chước một cách máy móc, không tính đến quy tắc lôgíc và cơ sở văn hoá – ngôn ngữ đặc thù của người Việt Nam, cũng như không có các chuẩn ngôn ngữ để tuân theo, đã làm cho tiếng Việt trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết trên tất cả các lĩnh vực như từ vựng, ngữ âm, chính tả và cú pháp...

Và tất cả những hiện tượng trao đổi văn hoá nói trên là biểu hiện sinh động nhất của sự biến đổi trong đời sống văn hoá theo hướng tiếp thu các giá trị văn hoá thế giới. Chúng cũng là những hiện tượng đang làm thay đổi căn bản bộ mặt của đời sống văn hoá Việt Nam. Có thể nói, các loại hình văn hoá – nghệ thuật mới của phương Tây đã được tiếp thu rộng rãi để làm thành một bộ phận quan trọng của văn hoá Việt Nam.

Song, đời sống văn hoá không chỉ có những hiện tượng trao đổi văn hoá, mà nó còn bao gồm cả những hiện tượng thể hiện quan niệm sống và lối sống của con người. Chúng ta hãy xem quan niệm sống và lối sống của người Việt Nam đã có những biến đổi như thế nào.



3. Biến đổi trong quan niệm sống và trong lối sống của con người Việt Nam

Sự biến đổi trong quan niệm sống của người Việt Nam ngày nay được thể hiện trước hết ở sự biến đổi trong mục đích sống. Trước đây người dân nước ta được khuyên là phải sống vì cộng đồng, sống cho “cái ta”, khi cần thiết phải biết hy sinh “cái tôi” cho cái tập thể. Nhưng ngày nay người ta bắt đầu được sống cho “cái tôi”, thậm chí trong một số trường hợp người ta còn sống cho “cái tôi” nhiều hơn là cho “cái ta”.

Từ đó bắt đầu xuất hiện tư tưởng cho rằng “sống là để hưởng thụ”. Tất nhiên đây chỉ là một trong nhiều mục đích sống của người dân. Và ở mỗi tầng lớp thì cái tư tưởng này được thể hiện ở mức độ khác nhau. Nhưng có thể nói, tư tưởng “sống để hưởng thụ” đang trở thành một mục tiêu phấn đấu của một bộ phận trong xã hội, và nó được thể hiện thành nhiều đặc điểm khác nhau của lối sống hiện đại.

Lối sống hiện đại đó có những đặc điểm như sau:

- Lối sống nhanh hậu công nghiệp. Người ta cho rằng lối sống nhanh hậu công nghiệp là ăn nhanh, đi nhanh, hành động nhanh, phù hợp với tốc độ của công nghệ cao của thời siêu hiện đại. Có thể nói đó là sự thay đổi về tốc độ sống. Ta có thể thấy tốc độ sống nhanh được thể hiện hàng ngày qua cách ăn, cách mặc. Mốt thời trang được cập nhật hàng ngày. Các quán “ăn nhanh” xuất hiện ngày càng nhiều. Tốc độ của cuộc sống có chiều hướng tăng lên nhanh hơn so với trước đây.

Tuy nhiên trong việc tiếp thu lối sống nhanh của phương Tây, nhiều khi chúng ta mới chỉ tiếp thu cái bề mặt văn hoá mà chưa tiếp thu được cái chiều sâu kinh tế – xã hội của lối sống đó. Chính vì vậy mà lối sống nhanh ở Việt Nam mới chỉ thể hiện ở bề nổi chứ chưa có cơ sở bền vững ở chiều sâu. Các quán ăn nhanh nhiều khi thực chất chỉ là “quán của thức ăn được làm nhanh” (đúng với nghĩa của từ tiếng Anh “fast foods”) chứ không phải là quán để ăn nhanh. Bởi lẽ người ta vào quán ăn nhanh nhưng lại ngồi lai rai hàng mấy tiếng đồng hồ. Các đôi nam nữ nhiều khi chọn quán ăn nhanh để ngồi tâm sự cả buổi. Mặt khác, tác phong ăn nhanh và sống nhanh vẫn chưa thực sự làm thay đổi được lối sống của con người nông nghiệp Việt Nam: thú ham muốn liên hoan ăn nhậu vẫn thịnh hành trong nhiều tầng lớp dân cư.

- Lối sống gia đình ít con. Với mục đích sống cho cái tôi cá nhân, gia đình ngày nay cũng bắt đầu có xu hướng đi theo mô hình gia đình đơn thế hệ và hai thế hệ. Con cái có xu hướng thích sống độc lập, muốn xây dựng cuộc sống riêng sau khi lập gia đình. Trên thế giới, khi các quốc gia trở nên có học vấn hơn, đô thị hoá nhiều hơn và được thiết chế hoá hơn, hay nói một cách khái quát là khi các quốc gia đến gần với trình độ của một xã hội tri thức, thì tỷ lệ sinh sẽ nhanh chóng giảm xuống. Hiện tại nước ta cũng đang đi theo xu hướng này. Tư tưởng trọng nam khinh nữ trong việc sinh con đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng tích cực. Tuy nhiên, điều này chưa được thực hiện đồng đều trong mọi tầng lớp và mọi khu vực dân cư: khu vực nông thôn vẫn có tình trạng đẻ nhiều để có con trai.

- Lối sống hiện đại còn là lối sống theo kiểu chủ nghĩa tiêu thụ. Ngày nay, sự tiêu thụ không phải chỉ là để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt cần thiết của con người mà nhiều khi người ta tiêu thụ chỉ để thoả mãn một thú vui, thậm chí chính bản thân việc mua sắm được coi là một thú vui lớn nhất của con người hiện đại; hoặc người ta tiêu thụ chỉ để theo kịp với bước tiến của nhịp sống hiện đại. Tâm lý này xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, kể cả ở giới trẻ và tầng lớp trung lưu mới ở Việt Nam. Trong các cuộc phỏng vấn những người tham gia trò chơi truyền hình, rất nhiều chị em phụ nữ đã bày tỏ sở thích của mình là đi mua sắm ở siêu thị.

Trong thời đại của toàn cầu hoá kinh tế và đứng từ góc độ kinh tế, tiêu thụ được coi là một động lực của sản xuất. Tiêu thụ đồng nghĩa với sự đảm bảo việc làm cho công nhân. Thậm chí trong những lúc kinh tế khó khăn như trong năm 2008, người ta đã nói đến khả năng cứu giúp các doanh nghiệp của “quyền lực mềm” của người tiêu dùng9.

Tuy nhiên, tiêu thụ thái quá cũng có mặt trái của nó là sự lãng phí. Ví dụ, trong một cuộc điều tra năm 1996, 82% người Mỹ được hỏi đã đồng tình với lời xác nhận rằng: “Đa số chúng ta mua sắm và sử dụng nhiều hơn mức chúng ta cần, đó là sự lãng phí” (quan điểm của H. Henderson, 1996)10. Có thể nói, lối sống hiện đại là một trong những vấn đề quan trọng của đời sống văn hoá. Xây dựng một lối sống công dân lành mạnh, có trách nhiệm với xã hội, vì lợi ích bản thân, nhưng cũng phải vì lợi ích của cả “gia đình, tập thể và xã hội” như Đảng chủ trương, sẽ là một nhiệm vụ quan trọng của nền văn hoá tiên tiến của chúng ta.



4. Phục hồi và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống

Nói đến Đổi mới, người ta thường thấy nó thể hiện rõ nhất ở khía cạnh tiếp thu cái mới bên ngoài. Nhưng trên thực tế, đổi mới trong việc kế thừa các giá trị truyền thống luôn có một ý nghĩa quan trọng cho việc xây dựng một nền văn hoá mới. Bởi lẽ, xây dựng một công trình mới sẽ ít tốn kém hơn nhiều nếu nó được dựa trên những cơ sở có sẵn.

Đảng đã khẳng định: “Di sản văn hoá là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá”11. Vì thế, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống luôn là nhiệm vụ hàng đầu của toàn xã hội.

Ở nước ta, thời kỳ trước Đổi mới, vấn đề tiếp thu di sản văn hoá truyền thống cũng đã gặp phải căn bệnh giáo điều, ấu trĩ. Mặc dù ở nước ta không có những hiện tượng huỷ hoại văn hoá nghiêm trọng, nhưng có một thời chúng ta chỉ tiếp thu những giá trị văn hoá phù hợp với hệ tư tưởng của chúng ta. Những giá trị trái ngược với chủ nghĩa vô thần đều bị hạn chế. Ngày nay, với đường lối tự do văn hoá được cụ thể hoá thành tự do tín ngưỡng, chúng ta đã phục hồi và tiếp thu các giá trị văn hoá tín ngưỡng phong phú của dân tộc. Đình, chùa, nhà thờ được phục hồi. Các học viện thần học như thiền viện, chủng viện được xây dựng khắp nơi. Mọi người dân đều được quyền tự do lựa chọn những giá trị văn hoá nào phù hợp với niềm tin của mình. Trong tinh thần đó, lễ hội truyền thống cũng được phục hồi trên khắp nước. Có thể nói, từ ngày Đổi mới, một môi trường văn hoá mới đang được hình thành trên đất nước ta theo tinh thần của quyền tự do văn hoá.

Thế nhưng, quyền tự do văn hoá vượt ra ngoài các nguyên tắc đạo đức – luật pháp sẽ có nguy cơ gây tác hại đến hệ giá trị văn hoá của dân tộc. Đảng đã chủ trương rất đúng về phát huy di sản văn hoá trong Nghị quyết Trung ương 5
khoá VIII: “Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ”12.

Vậy mà ở nước ta, khi tiếp thu di sản văn hoá truyền thống, trong thời gian đầu của thời Đổi mới, người ta đã nhân danh việc bảo vệ bản sắc dân tộc để phát động những chiến dịch phục hồi tràn lan mọi hiện tượng văn hoá của quá khứ. Lễ hội được tổ chức triền miên ở khắp các địa phương. Đi kèm với nó là những hủ tục lạc hậu như lên đồng, bói toán, đốt vàng mã xa xỉ... Có một thời chúng ta có cảm giác như người dân Việt Nam đang phát động một cuộc “tổng hành hương” trở về quá khứ, với quan điểm phiến diện cho rằng chỉ có truyền thống văn hoá mới cho chúng ta có được tính dân tộc. Xu hướng phục hồi đền chùa, lễ hội đã được phát động để thực hiện mục đích này. Tất nhiên phục hồi vốn cổ không có gì là sai, nhưng phục hồi không phải là để phục hồi, mà phải là để phục vụ thiết thực cho công cuộc hiện đại hoá. Xu hướng phục hồi nói trên chính là một xu hướng hoài cổ, thủ cựu, một biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, của mặc cảm tự ti mà nhiều nhà khoa học trên thế giới đã phê phán. Về điều này, chính UNDP cũng đã cho rằng: “Việc bảo vệ truyền thống một cách cực đoan và bằng mọi giá có thể kéo lùi sự phát triển con người”13. Rõ ràng, những hiện tượng tiêu cực trong việc kế thừa, tiếp thu di sản văn hoá truyền thống đang làm cho môi trường văn hoá đổi mới của nước ta có phần nào bị ô nhiễm, và vì thế chúng cần phải được loại bỏ.

Trong tinh thần đó, tôi thấy gần đây ở nước ta đang xuất hiện một hiện tượng đổi mới đáng ghi nhận trong việc phát huy loại hình lễ hội. Các lễ hội truyền thống mang tính tín ngưỡng có vẻ như đã trở nên bão hoà và đang nhường chỗ phần nào cho loại hình lễ hội thế tục mang tính chất phát huy các giá trị văn hoá hiện đại. Loại lễ hội này hướng tới mục tiêu phát huy giá trị vật chất – kinh tế của văn hoá để phục vụ công cuộc phát triển. Điều này rất phù hợp với xu hướng thực dụng trong văn hoá tiêu dùng của thế giới hiện đại thời kỳ toàn cầu hoá. Ở đây có sự giao lưu giữa các giá trị truyền thống với hiện đại. Người Việt Nam đã nhanh nhạy tiếp thu xu hướng thực dụng hiện đại của lễ hội trên thế giới, biến lễ hội thành một công cụ văn hoá phục vụ sự nghiệp phát triển. Và thế là mấy năm gần đây, chúng ta được chứng kiến sự đăng quang của các lễ hội thế tục rất hiện đại như lễ hội du lịch, lễ hội thể thao, lễ hội sách, lễ hội báo xuân, lễ hội trái cây, lễ hội sinh vật cảnh, lễ hội nhảy dù, lễ hội pháo hoa, lễ hội ẩm thực, lễ hội sông nước, v.v... Nói chung ngày nay, cái gì cũng có thể trở thành lễ hội. Và để thu hút giao lưu quốc tế, chúng ta còn dùng cả tiếng Anh để gọi tên một số lễ hội, trong đó đặc biệt có “Festival Huế” được tổ chức hàng năm, một lễ hội văn hoá đa sắc thu hút sự tham gia của đủ các loại hình văn hoá và của nhiều đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. Có thể nói, sự kế thừa và phát huy di sản văn hoá truyền thống ở nước ta đang đi đúng hướng theo tinh thần đổi mới và hội nhập.

Các thể loại văn hoá truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, các làn điệu dân ca cổ truyền, và đặc biệt là cả những thể loại nghệ thuật mà trước đây không được coi trọng như ca trù (hát ả đào), nay cũng được Nhà nước và giới nghiên cứu quan tâm. Chúng ta đã có chủ trương, chính sách bảo tồn các thể loại văn hoá truyền thống này. Các nhà hát được đầu tư, cải tạo, các nghệ nhân cao tuổi được chú ý và khuyến khích phát huy tài năng để truyền thụ kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, theo quy luật phát triển của hệ giá trị, các loại hình văn hoá truyền thống không thể giữ nguyên được giá trị cũ của chúng. Vì thế, việc đổi mới và phát huy tác dụng của các thể loại văn hoá này phải được tiến hành như thế nào để cho chúng có được vị trí trong sự tiếp nhận của xã hội và để phục vụ cho sự nghiệp hiện đại hoá đất nước vẫn đang là một bài toán khó giải đáp.

Có thể nói, kế thừa và phát huy di sản truyền thống kết hợp với tiếp thu các giá trị văn hoá thế giới đã trở thành một chiến lược quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hoá phục vụ công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

5. Đổi mới trong tự do sáng tác và những giới hạn của nó

Về thực chất, tự do diễn đạt chính là một trong những quyền cơ bản quan trọng nhất của con người. Và vì tự do sáng tác cũng nằm trong quyền tự do diễn đạt, cho nên tự do sáng tác cũng là một trong những quyền quan trọng nhất của con người.

Quyền tự do này đã được Đảng đặt thành đường lối ngay từ những ngày đầu Đổi mới. Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII 1998 đã tuyên bố: “Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác” (NV nhấn mạnh), và cũng từ đó cho đến Nghị quyết 23–NQ/TW gần đây nhất, Đảng không hề nhắc đến phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa nữa, mà chỉ kiên trì nhắc lại: “Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm,...”. Trọng tâm nhấn mạnh của Đảng là: “Văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ14. Như thế, bằng việc khẳng định quyền tự do sáng tác, Đảng đã đi đúng hướng trong việc tôn trọng và đảm bảo quyền con người cho xã hội nước ta.

Có thể nói, trong lịch sử văn hoá Việt Nam, chúng ta chưa bao giờ có được tự do sáng tác như bây giờ.

Đây là một điều rất mới và là sự “cởi trói” quan trọng cho sáng tác văn hoá của nước ta. Thực tế cho thấy, trong mọi loại hình sáng tác văn hoá, các văn nghệ sỹ đã có được tự do để thể hiện tài năng của mình. Trong văn học, sân khấu, điện ảnh, hội hoạ, âm nhạc v.v..., các nghệ sỹ được tự do thể hiện phong cách cá nhân. Nhiều nghệ sỹ đang muốn thể hiện những tìm tòi mới trong phương pháp sáng tác. Những kỹ thuật mới mẻ của phương Tây như “phân tích dòng chảy ý thức”, “thăm dò ẩn ức vô thức”, “thâm nhập không – thời gian siêu thực”, “thủ pháp phi lý”, v.v... đã được thể nghiệm và không phải là không gặt hái được thành công. Tuy nhiên cũng có những thủ pháp và những hình thức nghệ thuật vẫn còn là những đối tượng tranh cãi chưa có hồi kết, như thủ pháp “thơ hoạ hình”, hình thức “thơ trần tục”, “thơ trình diễn”, “trình diễn thơ”..., hay như đề tài tình dục trong văn, thơ, phim, ảnh. Thế nhưng, chúng cũng chứng tỏ các nghệ sỹ được quyền tự do sáng tác hơn bao giờ hết. Có thể nói, nhờ có tự do sáng tác, văn hoá – nghệ thuật nước ta đang phát triển đa dạng và phong phú chưa từng có.

Đặc biệt, nhờ có các phương tiện truyền thông đại chúng và với sự trợ giúp của công nghệ thông tin hiện đại, tự do sáng tác đã đạt tới mức độ gần như không có giới hạn cả về nội dung lẫn hình thức. Người nghệ sỹ, thông qua hình tượng nghệ thuật, được quyền bộc lộ cả những băn khoăn, trăn trở, thậm chí cả những suy nghĩ bất bình đối với một số hiện tượng chính trị – xã hội. Nhiều nghệ sỹ còn được quyền tự do trả lời phỏng vấn trên cả các phương tiện truyền thông nước ngoài. Đó là điều đổi mới quan trọng trong văn hoá nói chung và trong văn hoá chính trị nói riêng, phù hợp với các nguyên tắc của xã hội công dân, của chế độ dân chủ, với quyền con người nói chung và quyền tự do diễn đạt nói riêng.

Mặc dù quyền tự do diễn đạt được coi trọng rất cao trong xã hội thông tin và xã hội tri thức ngày nay, nhưng nó có phải là một quyền tuyệt đối không?

Trong tư duy triết học kinh điển Mácxít, tự do và tất yếu là một cặp phạm trù biện chứng. Không bao giờ có tự do tuyệt đối độc lập đối với tất yếu khách quan. Con người chỉ có được tự do thật sự khi hiểu được các quy luật của tất yếu khách quan.

Mặt khác, trên thực tế đôi khi quyền tự do diễn đạt vẫn tỏ ra mâu thuẫn với các quyền hoặc với các nguyên tắc khác đã được tuyên bố công khai trên toàn thế giới. Chẳng hạn khi một đài phát thanh ở một nước kích động nạn diệt chủng hoặc thanh trừng sắc tộc, thì liệu việc kiểm duyệt đài phát thanh đó có thể bị coi là vi phạm tự do diễn đạt và tự do thông tin không? Vì vậy, chúng ta cần phải coi một số nội dung thông tin là có tội để có thể áp đặt những giới hạn khả dĩ cho quyền tự do diễn đạt và tự do thông tin.

Công ước châu Âu về quyền con người, được ban hành năm 1950 và sửa đổi năm 1998, đã đưa ra một số quy định hạn chế mang tính hợp pháp và đáng mong muốn đối với những nội dung thông tin có hại. Theo Công ước này, vì mục đích phát triển con người và vì một nền dân chủ công bằng, chúng ta không được phép coi thường các quyền khác của con người khi xuất hiện những sự mâu thuẫn với quyền tự do diễn đạt và tự do thông tin. Có nghĩa là tự do phải đi đôi với trách nhiệm. Điều này cũng phù hợp với quan điểm của Đảng, thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII: “Bảo đảm tự do sáng tác đi đôi với nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của văn nghệ sỹ, các nhà văn hoá”. Rõ ràng, vai trò điều tiết của chính trị là rất quan trọng trong việc xây dựng một xã hội thông tin toàn cầu và xã hội tri thức.

Nói tóm lại, ở bất cứ thời đại nào và ở bất cứ nơi nào, không bao giờ tồn tại tự do tuyệt đối. Không ở đâu có thứ tự do vượt lên trên luật pháp, vượt lên trên quyền dân chủ và quyền con người. Ở nước ta cũng vậy, tự do phải đi đôi với trách nhiệm công dân, tự do phải tuân thủ luật pháp. Đó mới là tự do thật sự.

6. Vấn đề nảy sinh trong đổi mới văn hoá

Tiếp thu văn hoá thế giới là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Nhưng tiếp thu phải dựa trên cơ sở và điều kiện kinh tế – xã hội – văn hoá của Việt Nam, phải tiếp thu những gì phù hợp với nước ta và nhất là những gì có khả năng vận dụng vào nước ta.

Có một quy luật phổ biến là một đất nước sau một thời gian đóng cửa lâu dài, khi được mở cửa sẽ rất dễ bị rơi vào một trạng thái cực đoan khác: tiếp thu xô bồ và không phân biệt. Việt Nam hiện nay cũng có phần rơi vào tình trạng như vậy.

Nhìn vào đời sống văn hoá Việt Nam, ngoài những thành tựu tiếp thu tích cực có khả năng phục vụ cho sự nghiệp hiện đại hoá đất nước, chúng ta còn có cảm giác như tư duy của chúng ta có phần nào bị lệ thuộc vào lối tư duy của phương Tây. Đó là một lối tư duy bắt chước một cách phi lôgíc. Từ đó dẫn đến những hiện tượng lạm dụng trong việc tiếp thu. Chúng ta lạm dụng trong việc sử dụng tiếng Anh; lạm dụng trong việc tiếp thu các khái niệm và lý thuyết văn học – nghệ thuật; lạm dụng trong các chương trình giải trí và quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng (đặc biệt là trên truyền hình và truyền thanh);


lạm dụng sách thương mại; lạm dụng yếu tố nhục dục trong văn học, phim ảnh, âm nhạc, và kể cả sân khấu (ngày nay thường được gọi chung bằng hai từ thời thượng là “sex” và “cảnh nóng”), thậm chí cảnh “sex” còn được đưa vào cả trong các sinh hoạt văn hoá đời thường: múa “sex” ở đám tang tại Thành phố Hồ Chí Minh15, múa gần như khoả thân hoàn toàn của hai sinh viên Trung tâm FPT Arena thuộc Đại học FPT vào dịp lễ kỷ niệm 20 năm thành lập FPT ngày 13/9/2008 làm xôn xao dư luận, dẫn đến việc Giám đốc Trung tâm bị cách chức và một cán bộ của Trung tâm trong Ban Tổ chức bị buộc thôi việc; lạm dụng hình thức biểu diễn một số loại hình văn hoá đại chúng như biểu diễn người mẫu, thi hoa hậu; lạm dụng một số môn thể thao “xa xỉ” như chơi golf; lạm dụng việc tổ chức lễ hội,...

Về những cuộc thi hoa hậu gần đây, theo cuộc thăm dò dư luận trên mạng yahoo.com.vn, thì tỷ lệ cư dân mạng phản đối thi hoa hậu tính đến cuối tháng


8/2008 là rất cao: 76% số người được hỏi trả lời rằng “hiện đang có quá nhiều cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam”. Báo mạng Tuanvietnam.net cũng đăng dư luận của nhiều bạn đọc phản đối sự phù phiếm và xa xỉ của tình trạng lạm dụng thi hoa hậu trong điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn của Việt Nam16. Và rồi đến kết quả cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2008 ngay sau đó, chuyện bê bối về gian lận học bạ của hoa hậu Trần Thị Thuỳ Dung và cách giải quyết vô trách nhiệm của Ban Tổ chức đã làm cho dư luận bất bình và thất vọng nổ bùng lên như giọt nước làm tràn ly. Dư luận còn cho thấy, để có được những cảnh diễn hoa hậu mang tính văn hoá, người ta đã dung túng cho biết bao những hành vi vô văn hoá xảy ra bên trong hậu trường trước và sau những cuộc thi hoa hậu. Có thể thấy, trong thâm tâm, người dân Việt Nam vẫn cho rằng sự “chừng mực” cùng với tính chân thực và trong sáng vẫn là một số trong những tiêu chí của các giá trị văn hoá.

Sự lạm dụng “cảnh nóng” trong văn học nghệ thuật cũng gây ra những tác động tiêu cực trong xã hội: Tỷ lệ nạo thai trẻ em gái vị thành niên đang ở mức báo động17. Hiện tượng ngoại tình gia tăng ngày nay cũng là một hệ quả tương tự.

Còn đối với hiện tượng xây dựng sân golf, hiện đang có quá nhiều tiếng kêu của người nông dân. Người ta nói đến chuyện: Sân golf “xuống” ruộng, nông dân mang án nghèo!18. Nghe những tiếng than của người nông dân, chúng ta mới thấy rõ căn bệnh vụ lợi đang thâm nhập vào đời sống của người dân Việt Nam, làm cho những người có chức quyền trở nên vô cảm trước nguy cơ người nông dân bị bần cùng hoá vì các dự án sân golf, nhà nghỉ dưỡng (mà người ta thích gọi bằng cái tên tiếng Anh cho “oai” là “spa”, “resort”). Theo một số người thì hiện tại con số sân golf ở nước ta là quá cao: cả nước có tới 123 sân golf đã và đang được xây dựng, chiếm tới 38.000 ha, trong đó đặc biệt nguy hại là gần một nửa diện tích là đất nông nghiệp19. Đến mức chính Tổng Bí thư Đảng Nông Đức Mạnh khi về làm việc với tỉnh Hoà Bình cũng phải tuyên bố: phải hết sức tránh đưa sân golf xuống các cánh đồng lúa20. Và trong thời điểm kinh tế thế giới gặp khó khăn vào những ngày tháng 8/2008, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cũng yêu cầu giới chức Hàn Quốc tạm dừng chơi golf21. Như thế, xây sân golf có phải là hiện tượng lạm dụng ở Việt Nam không?

Và đặc biệt hơn cả là sự lạm dụng quyền tự do sáng tác. Như đã nói, Đảng rất nhiều lần khẳng định quyền tự do sáng tác, nhưng Đảng cũng nhấn mạnh tự do phải đi đôi với trách nhiệm công dân. Nhưng trên thực tế vẫn có những hiện tượng cực đoan. Một mặt, đây đó vẫn còn những “ý kiến chỉ đạo” mang tính cửa quyền, làm tổn hại đến tự do diễn đạt và tự do sáng tác. Nhưng mặt khác, với sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là Internet, quyền tự do diễn đạt và tự do sáng tác nhiều khi đã vượt quá giới hạn. Với việc xuất bản trên mạng hiện nay, ở đó vai trò của nhà xuất bản và thậm chí của cả người biên tập hầu như không còn22, thì tự do diễn đạt và tự do sáng tác đã đạt tới mức gần như tuyệt đối, lấn át trách nhiệm công dân. Có nhiều bài viết như thể chỉ để thoả mãn lòng hiếu thắng cá nhân. Có những sáng tác, những bài viết cẩu thả, tắc trách vẫn cứ được đưa lên mạng. Một kiểu đăng bài thiếu trách nhiệm biên tập như vậy đang gây ra những cái sai đến mức lộn xộn, sai một cách sơ đẳng, không những không nâng cao mà còn có nguy cơ hạ thấp tri thức của người dân, đi ngược lại các nguyên tắc của xã hội tri thức. Có thể nói trong trường hợp như vậy, tự do của người này đang làm tổn hại đến tự do của người khác. Những bài viết kiểu như thế này có rất nhiều, đó là chưa kể đến các loại thông tin “bẩn”, thông tin bịa đặt, lừa đảo. Cứ thế, tự do diễn đạt cùng với tự do sáng tác đang tung hoành thế giới ảo, làm cho các tác giả một bản báo cáo của UNESCO đã đánh giá rằng: một nửa khối lượng thông tin đang lưu hành trên mạng Internet chỉ là thông tin giả hoặc không chính xác23 (tôi nhấn mạnh). Rõ ràng, một kiểu tự do diễn đạt và tự do sáng tác như thế sẽ là vi phạm quyền con người.

Tóm lại, những hiện tượng lộn xộn nói trên chỉ có thể được gói gọn trong một từ: sự lạm dụng. Và chúng cũng cho thấy đời sống văn hoá đòi hỏi phải được quản lý một cách khoa học và hợp lý. Quản lý khoa học và hợp lý tức là phải quản lý bằng luật pháp. Đó chính là thể hiện vai trò của văn hoá chính trị. Có như thế chúng ta mới xây dựng được một nền văn hoá mang tính nhân văn, dân chủ, nhân quyền và làm thành động lực cho sự phát triển.


1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương