VIỆt nam phật giáo sử luận nguyễn Lang Nhà Xuất Bản Văn Học Hà Nội 1979 o0o Nguồn


CHƯƠNG XXXX - CHÍNH QUYỀN NGÔ ĐÌNH DIỆM SỤP ĐỔ



tải về 5.52 Mb.
trang40/49
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích5.52 Mb.
#35590
1   ...   36   37   38   39   40   41   42   43   ...   49

CHƯƠNG XXXX - CHÍNH QUYỀN NGÔ ĐÌNH DIỆM SỤP ĐỔ

SINH VIÊN VÀ HỌC SINH ĐỨNG DẬY

Sáng ngày 21.8.1963,sau khi đánh úp các chùa trong toàn quốc, tổng thống Ngô Đình Diệm triệu tập nội các và báo tin là quân luật đã được thiết lập trên toàn lãnh thổ vì Cộng quân đã xâm nhập vào các châu thành thủ đô Sài Gòn. Ông cũng cho các vị bộ trưởng hay về việc đánh chiếm các chùa và bắt giữ “bọn tăng ni làm loạn”.

Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Văn Mẫu đập bàn lên tiếng phản đối hành động dã man của chính quyền. Ông bỏ buổi họp ra về, cạo đầu để bày tỏ lập trường mình và gửi thư từ chức bộ trưởng bộ Ngoại Giao. Rồi ông bôn ba tìm các vị khoa trưởng và các vị giáo sư đại học đồng nghiệp cũ của ông, vận động thành lập Phong trào Trí Thức Chống Độc Tài. Hành động quả cảm của ông Vũ Văn Mẫu đã châm ngòi cho sinh viên và học sinh bùng cháy trong toàn quốc. Sinh viên Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ bãi khóa ngay trong buổi chiều 21.8.1963. Giáo sư Lê Sĩ Ngạc của Trung Tâm đứng lên tán đồng lập trường của sinh viên và lên án chính sách tàn bạo của chính quyền.

Chiều ngày 22.8.1963 khoa trưởng Y Khoa Sài Gòn là bác sĩ Phạm Biểu Tâm gửi đơn từ chức. Ông bị bắt giam và ngày hôm sau 23.8.1963, nghe tin ông bị bắt, tất cả sinh viên Y Khoa kéo nhau đến trường. Họ bàn tính kế hoạch chia nhau từng nhóm nhỏ đi thuyết phục các vị khoa trưởng và giáo sư các khoa từ chức. Đồng thời họ bàn luận kế hoạch vận động thành lập một Ủy Ban Chỉ Đạo Sinh Viên Liên Khoa. Chiều hôm ấy Ủy ban này được thành lập, do sinh viên Tô Lai Chánh đứng đầu làm chủ tịch. Ủy ban gồm có mười tám sinh viên. Đại diện cho Dược Khoa có cô Lê Thị Hạnh; Y Khoa: Đường Thiệu Đồng; Văn Khoa: Lâm Tường Vũ; Kiến Trúc: Nguyễn Hữu Đồng; Công Chánh: Nguyễn Thanh; Sư Phạm: Nguyễn Văn Vinh; Luật Khoa: Tô Lai Chánh.: Ủy Ban Chỉ Đạo Sinh Viên Liên Khoa phát động phong trào bãi khóa: sinh viên các trường Y Khoa, Luật Khoa, Dược Khoa, Mỹ Thuật v.v… theo gót sinh viên Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ lần lượt bãi khóa. Trong thời gian vài tuần lễ, phong trào bãi khóa lan tới tất cả các cấp trung học toàn quốc.

Sáng ngày 24.8.1963 trên ba ngàn sinh viên và học sinh tụ tập tại trường Luật Khoa Sài Gòn để tiếp giáo sư Vũ Văn Mẫu. Họ vây quanh ông Mẫu, hoan hô ông vang dội. Đồng thời Ủy Ban Chỉ Đạo tung ra một bản tuyên ngôn mà họ đã biểu quyết ngày hôm qua, 23.8.1963, yêu cầu chính quyền:

1- Thực sự tôn trọng và bảo vệ tự do tín ngưỡng.

2- Trả tự do cho tăng ni và tín đồ Phật giáo, sinh viên, học sinh và giáo sư hiện giam giữ.

3- Chấm dứt tình trạng khủng bố, bắt bớ hành hạ tín đồ Phật giáo.

4- Giải tỏa chùa chiền, ban bố tự do ngôn luận.

Bản tuyên ngôn kết thúc bằng những câu sau đây: “Sinh viên và học sinh Việt Nam nguyện đem mồ hôi và xương máu để tranh đấu cho bốn nguyện vọng khẩn thiết trên. Đồng bào hãy sát cánh cùng chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho tự do và đòi được quyền phụng sự Tổ Quốc”.

Dưới bản tuyên ngôn, danh từ Ủy Ban Chỉ Đạo Sinh Viên Liên Khoa được đổi thành Ban Chỉ Đạo Sinh Viên Và Học Sinh.

Chỉ trong vòng ba hôm sau ngày đánh úp các chùa, phong trào sinh viên và học sinh đã làm rung động thủ đô Sài Gòn.

Ngày 25.8.1963 ba trăm sinh viên học sinh tổ chức biểu tình tại Công trường Diên Hồng phía trước chợ Bến Thành. Cuộc biểu tình này được tổ chức một cách tài tình bởi vì trong tình trạng giới nghiêm, khắp nơi trong thủ đô đều có các đơn vị võ trang canh gác, nhất là tại trung tâm Sài Gòn. Từng nhóm nhỏ sinh viên và học sinh đã do nhiều ngã đường đi tới: vào khoảng mươi giờ sáng đột nhiên biểu ngữ được tung ra trước chợ Bến Thành và cuộc biểu tình thành hình. Các trung đội Cảnh Sát Chiến Đấu gần đó được tin liền kéo tới đàn áp. Cảnh sát bắn cả vào đám biểu tình. Một em nữ sinh tên Quách Thị Trang bị trúng đạn tử thương 403. Một số sinh viên trốn thoát được. Một số bị thương. Khoảng 200 người bị bắt giữ. Tử thi Quách Thị Trang bị mang đi mất. Ngay chiều hôm đó chính quyền đô thành ra thông cáo rằng các lực lượng an ninh đã được lệnh nổ súng vào bất cứ đám đông nào tụ họp ngoài công lộ mà không xin phép trước.

Sau cuộc biểu tình ngày 24.8.1963, sinh viên và học sinh đã trở thành đối tượng khủng bố và đàn áp của chính quyền. Các phân khoa đại học và các trường trung học lớn tại Sài Gòn đều được giây thép gai và những hàng rào cảnh sát để gác. Để đáp lại biện pháp này, sinh viên và học sinh tổ chức bãi khóa. Họ còn vận động với các giáo sư của họ gửi thư từ chức.

Ngày 7.9.1963, học sinh các trường trung học công lập Gia Long, Trưng Vương và Võ Trường Toản tổ chức mít tinh bãi khóa ngay tại sân trường của họ. Họ không vào lớp mà kê bàn tại ngoài sân để đứng lên diễn thuyết, tố cáo tội ác của chế độ. Biểu ngữ được họ viết lên trên các bức tường hoặc trên những tấm bia lớn mà họ giăng lên khắp nơi.

Học sinh các trường Trưng Vương và Võ Trường Toản định tổ chức biểu tình diễn hành, nhưng vừa ra khỏi cổng trường họ liền bị cảnh sát đàn áp. Cuộc xung đột tại cổng trường trung học Chu Văn An là một trường nam sinh, nổi tiếng là tranh đấu ác liệt nhất với cảnh sát 404. Ta cũng nên nhớ là ba trường đi tiên phong cho phong trào bãi khóa và tranh đấu của học sinh có tới hai trường nữ trung học: đó là Trưng Vương và Gia Long.

Số học sinh các trường trung học tại Sài Gòn bị bắt giữ lên tới hai ngàn. Tại các tỉnh, học sinh các trường công lập và tư thục cũng đứng lên tranh đấu tương tự.

Trong lúc đó, trên đài phát thanh Sài Gòn, chính quyền kêu gọi phụ huynh học sinh kiểm soát con cái mình đừng cho chúng “mắc mưu Cộng sản”. Ông Phan Văn Tạo, tổng giám đốc Thông Tin mở cuộc họp báo đưa hai thiếu nhi 15 và 16 tuổi để hai em này tự nhận là Cộng Sản xúi dục đồng bạn đi biểu tình. Cuộc họp báo này không chinh phục được ai bởi vì trong thâm tâm các bậc phụ huynh đều biết vì lý do gì mà con cái mình tham dự vào cuộc tranh đấu. Dưới sự đàn áp của bạo quyền, đất nước mang một bộ mặt rách nát, tả tơi. Vấn đề không còn là vấn đề thành bại của cuộc tranh đấu Phật giáo. Vấn đề là vấn đề sinh mệnh và thể diện của cả một dân tộc. Một bầu không khí u uất nặng trĩu đè nặng lên cả trên một đất nước. Không những dân chúng mà đến quân đội và nhiều thành phần trong lực lượng chính quyền và cảnh sát cũng cảm thấy áp lực nặng nề và u uất đó.

---o0o---



tải về 5.52 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   36   37   38   39   40   41   42   43   ...   49




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương