VIỆn kiểm sát nhân dân tối cao cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam


Một số lưu ý khi xây dựng báo cáo



tải về 288.72 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích288.72 Kb.
#19745
1   2   3

3. Một số lưu ý khi xây dựng báo cáo

- Báo cáo phải thể hiện, phản ánh được đầy đủ những thông tin cần thiết cho lãnh đạo đơn vị, cho lãnh đạo VKSND cấp trên; phải nêu đầy đủ kết quả hoạt động của các khâu công tác, theo thứ tự các nội dung đã quy định, hướng dẫn. Để các báo cáo phản ánh được đầy đủ các nội dung cần trong báo cáo thì cán bộ xây dựng báo cáo phải phải nắm vững nhiệm vụ, chức năng của ngành, của từng khâu công tác; nắm chắc các nội dung của Chỉ thị công tác năm, các chỉ thị, kế hoạch, chương trình và hướng dẫn công tác, các văn bản liên quan khác của VKSND tối cao cũng như của đơn vị mình. Phải chuẩn bị nguồn tư liệu đầy đủ, chính xác, nắm chắc các hoạt động nghiệp vụ của đơn vị, của Ngành trong thời điểm báo cáo. Các dẫn chứng về tình hình vi phạm, tội phạm nêu trong báo cáo phải có tính điển hình, tiêu biểu và kịp thời. Kết quả công tác phải đầy đủ nhưng ngắn gọn, chính xác làm nổi bật hiệu quả của việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.

- Báo cáo phải phản ánh được đầy đủ thông tin theo yêu cầu của VKSND tối cao, nội dung và số liệu trong báo cáo đã phản ánh đúng thực tế, độ chính xác cao. Các báo cáo phải khái quát được tình hình vi phạm, tội phạm ở các lĩnh vực trong phạm vi, trách nhiệm, trong thời điểm báo cáo; phản ánh đầy đủ những vi phạm, tội phạm điển hình, nổi bật, xảy ra trong thời điểm báo cáo; nội dung vụ việc có đầy đủ những thông tin cần thiết, được nhận định đánh giá một cách có cơ sở và được kiểm tra, xác nhận của khâu công tác nghiệp vụ liên quan. Báo cáo nêu đầy đủ những số liệu cần thiết của các khâu công tác cụ thể, nhất là các số liệu phản ánh kết quả việc thực hiện quyền năng của Ngành trong thực hiện chức năng.

- Kết quả công tác kiểm sát thực hiện chức năng và những công tác khác cũng như những kiến nghị, đề nghị của các VKSND địa phương, các đơn vị thuộc VKSND tối cao phải được phản ánh đầy đủ, kịp thời trong báo cáo. Các báo cáo phải có sự so sánh, phân tích, nhận định, đánh giá, khái quát một cách khách quan, để nêu bật được chất lượng, hiệu quả của hoạt động kiểm sát của các đơn vị theo đúng yêu cầu của cấp nhận báo cáo; chú trọng kiến nghị, đề xuất, tham mưu kịp thời và có giá trị để giúp cấp trên có những biện pháp, chủ trương đúng, kịp thời góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác trong toàn ngành.



II. HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH CÔNG TÁC

Tại Điều 19 của Quy chế 379 quy định việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, Viện kiểm sát Quân sự Trung ương, Viện kiểm sát quân sự cấp thứ hai và VKSND các cấp.



1. Khái niệm

Kế hoạch công tác của VKSND các cấp là văn bản xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và những biện pháp tổ chức thực hiện để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Chương trình công tác là văn bản cụ thể hóa việc thực hiện kế hoạch công tác của Viện kiểm sát cùng cấp, trong đó xác định rõ nội dung, biện pháp để thực hiện từng nhiệm vụ công tác đã đề ra trong kế hoạch, phân công người chỉ đạo, bộ phận đảm nhiệm, người thực hiện và dự kiến thời gian hoàn thành.

2. Mục đích của việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác

- Đảm bảo cho việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác của Viện kiểm sát các cấp và các đơn vị trực thuộc đúng với sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Viện trưởng VKSND cùng cấp, đáp ứng các yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ của từng cấp kiểm sát, từng đơn vị nghiệp vụ.

- Đảm bảo cho Viện kiểm sát các cấp, các đơn vị nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ một cách khoa học, chính xác, sát với tình hình thực tiễn và khả năng của từng cấp, từng đơn vị.

- Giúp cho Viện kiểm sát và đơn vị nghiệp vụ cấp trên làm căn cứ trong việc kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch và chương trình công tác của Viện kiểm sát và đơn vị nghiệp vụ cấp dưới, kịp thời uốn nắn những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện hiện kế hoạch và chương trình công tác.

- Góp phần nâng cao trình độ năng lực tổ chức thực hiện công tác của từng cấp Kiểm sát, từng đơn vị và cán bộ, Kiểm sát viên trong Ngành.

3. Yêu cầu của việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác

- Đảm bảo nguyên tắc tập trung thống nhất, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế. Yêu cầu này đòi hỏi trong từng khoảng thời gian đã được xác đinh, kế hoạch và chương trình công tác của VKSND cấp dưới phải phù hợp với với kế hoạch của VKSND cấp trên; chương trình công tác của các đơn vị trực thuộc phải phù hợp với kế hoạch công tác của Viện kiểm sát cùng cấp. Kế hoạch và chương trình công tác của các đơn vị trong toàn Ngành phải tuân thủ sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao, theo đó, các nội dung chỉ tiêu trong kế hoạch và chương trình công tác của các đơn vị cấp dưới không được thấp hơn các chỉ tiêu, nội dung của Viện kiểm sát và đơn vị nghiệp vụ cấp trên đề ra.

- Kế hoạch, chương trình công tác phải bám sát các yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong từng giai đoạn và các nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước đề ra trong từng thời gian cụ thể, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, sát với tình hình thực tiễn ở địa phương, phù hợp với khả năng của đơn vị. Người được giao xây dựng chương trình, kế hoạch công tác phải nghiên cứu kỹ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của VKSND tối cao và điều kiện, khả năng của từng đơn vị để đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cho sát hợp và bảo đảm tính khả thi.

- Phải xác định được các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Yêu cầu này đòi hỏi, bên cạnh việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ tổng thể, toàn diện, tùy từng giai đoạn, căn cứ vào tình hình thực tiễn mà VKSND tối cao xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm toàn ngành cần phải thực hiện và hướng dẫn, chỉ đạo VKSND cấp dưới, đơn vị trực thuộc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ trong tâm, trọng điểm của đơn vị, địa phương mình khi xây dựng kế hoạch, chương trình công tác.



4. Căn cứ để xây dựng kế hoạch, chương trình công tác

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của VKSND do Hiến pháp và Luật tổ chức VKSND quy định. Đây là vấn đề cơ bản để xác định nội dung kế hoạch, chương trình công tác ở các đơn vị, các cấp Kiểm sát. Nếu không nắm vững các quy định của pháp luật đối với VKSND thì sẽ không xác định được mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ sát đúng chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

Ví dụ: Trước năm 2002, theo quy định của Hiến pháp 1992 và Luật tổ chức VKSND năm 1992 thì chức năng của Viện kiểm sát là: kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các bộ, các cơ quan ngang bộ, các cơ quan khác thuộc Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Theo quy định của Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Luật tổ chức VKSND năm 2002 thì chức năng của VKSND là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Vì vậy khi xây dựng kế hoạch công tác phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ của VKSND theo quy định của pháp luật hiện hành cho phù hợp.

- Căn cứ vào chỉ thị, kế hoạch, chương trình công tác của VKSND tối cao. Khi xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao và VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp phải căn cứ và bám sát vào mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Chỉ thị, chương trình, kế hoạch công tác của Viện trưởng VKSND tối cao vì theo quy định của pháp luật hệ thống cơ quan VKSND hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất dưới sự chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao.

- Căn cứ vào tình hình thực tiễn ở địa phương và khả năng tổ chức, bộ máy, biên chế, phương tiện vật chất của đơn vị. Bên cạnh các căn cứ trên, đây là một căn cứ rất quan trọng đảm bảo tính khả thi trong khi xây dựng và thực hiện kế hoạch, chương trình công tác. Kế hoạch và chương trình công tác của Viện kiểm sát các cấp phải căn cứ vào Nghị quyết, chủ trương của địa phương cùng cấp và diễn biến tình hình vi phạm, tội phạm trên địa bàn cũng như các yếu tố khác như tổ chức, bộ máy, biên chế, phương tiện vật chất hiện có để đề ra mục tiêu, nhiệm vụ đối với đơn vị mình mới có khả năng hoàn thành kế hoạch, chương trình công tác đã đề ra.

5. Các loại kế hoạch, chương trình công tác

5.1. Kế hoạch công tác

Trong ngành Kiểm sát nhân dân có nhiều loại kế hoạch công tác khác nhau. Tùy theo tính chất công việc và thời gian mà tên gọi và nội dung của kế hoạch có sự khác nhau. Theo tính chất công việc thì có: kế hoạch triển khai, thực hiện các quy định mới của pháp luật, kế hoạch triển khai, thực hiện các Nghị quyết, thực hiện các cuộc vận động của Trung ương Đảng, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, kế hoạc tập huấn nghiệp vụ, kế hoạch hội nghị, hội thảo...; theo thời gian, có: kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, trung hạn (01 năm, 05 năm, 10 năm...).



5.2. Chương trình công tác

Chương trình công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân được xây dựng và tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp Kiểm sát, gồm các loại:

Chương trình công tác năm, Chương trình công tác 06 tháng, Chương trình công tác quý, Chương trình công tác tháng.

Chương trình công tác để thực hiện một hay một số nhiệm vụ cụ thể. Ví dụ: Chương trình triển khai thực hiện thông báo kết luận của thường trực Ban bí thư tại cuộc làm việc với Ban cán sự Đảng VKSND tối cao; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng v.v...



6. Nội dung của kế hoạch và chương trình công tác

6.1. Nội dung của kế hoạch công tác

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ công tác kiểm sát, ngành Kiểm sát nhân dân phải xây dựng nhiều loại kế hoạch công tác khác nhau, chuyên đề này đề cập đến nội dung của một số kế hoạch thông dụng nhất là Kế hoạch công tác năm, Kế hoạch có tính chất định hướng và Kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn.



6.1.1. Kế hoạch công tác năm:

Gồm có 4 phần:



- Phần mở đầu:

Có những nội dung chính sau:

+ Tổng hợp, khái quát kết quả công tác năm trước;

+ Dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật của năm xây dựng và thực hiện kế hoạch;

+ Những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện kế hoạch;

+ Những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong năm xây dựng và thực hiện kế hoạch có tác động trực tiếp đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND;

+ Những chủ trương, định hướng về thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong năm thực hiện kế hoạch.

- Phần thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành

+ Xác định nhiệm vụ chung và các nhiệm vụ cụ thể trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành ở từng cấp kiểm sát ngay từ đầu năm kế hoạch. Nhiệm vụ chung là những nhiệm vụ tổng quát, xuyên suốt toàn bộ hoạt động của Viện kiểm sát trong năm kế hoạch, là định hướng cho các khâu công tác để tổ chức thực hiện. Nhiệm vụ cụ thể của từng cấp kiểm sát do Viện kiểm sát cấp làm kế hoạch xác định nhưng phải đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ do VKSND tối cao đề ra và sát đúng với chức năng, nhiệm vụ của Ngành do luật định.

+ Nêu cụ thể trong kế hoạch các nhiệm vụ thực hiện từng khâu công tác, cần chú ý xác định những nhiệm vụ chủ yếu trong từng khâu công tác, các công tác trọng tâm, trọng điểm, các chỉ tiêu cụ thể; xác định đơn vị chỉ đạo, người theo dõi, chỉ đạo; đơn vị thực hiện, người thực hiện; xác định thời gian thực hiện và thời điểm hoàn thành từng công việc.

- Phần công tác xây dựng Ngành

Nêu các nhiệm vụ và biện pháp để thực hiện các công tác sau:

+ Công tác tổ chức cán bộ, gồm: kiện toàn tổ chức, bộ máy; công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và phát triển nguồn nhân lực; công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.

+ Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành cần nêu các nhiệm vụ chủ yếu và các chỉ tiêu về các mặt: Công tác xây dựng và triển khai nhiệm vụ trọng tâm; công tác quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ; công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ; việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, quản lý công tác.

+Công tác nghiên cứu khoa học cần nêu được các nhiệm vụ chủ yếu và các chỉ tiêu về các mặt: Các nhiệm vụ chủ yếu về nghiên cứu khoa học; công tác nghiên cứu, tham gia xây dựng pháp luật; triiển khai thực hiện các đề tài khoa học và chuyên đề nghiệp vụ.

+ Công tác hợp tác quốc tế cần nêu được các nhiệm vụ chủ yếu và các chỉ tiêu về các mặt: tổ chức các quan hệ quốc tế song phương và đa phương; thực hiện nhiệm vụ tương trợ tư pháp về hình sự; triển khai thực hiện các Dự án quốc tế.

+ Công tác thông tin, báo chí, tuyên truyền cần nêu được các nhiệm vụ chủ yếu và các chỉ tiêu về các mặt: các nhiệm vụ cụ thể về tuyên truyền kết quả hoạt động của VKSND; Những vấn đề các cơ quan thông tin, tuyên truyền cần chú trọng trong năm kế hoạch (Ví dụ: những chủ trương mới của Đảng và Nhà nước về ngành Kiểm sát, những quy định mới của pháp luật về ngành Kiểm sát, những tấm gương kiểm sát viên tiêu biểu v.v...).

+ Công tác tài chính và đảm bảo hậu cần cần nêu được các nhiệm vụ chủ yếu và các chỉ tiêu về các mặt: công tác tài chính kế toán; công tác đầu tư xây dựng cơ bản; việc đảm bảo hậu cần, phương tiện, cơ sở vật chất; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.



- Biện pháp tổ chức thực hiện

Phần này quy định cụ thể nhiệm vụ của từng cấp Kiểm sát, từng đơn vị nghiệp vụ trong triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch, dự kiến thời gian báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch để phục vụ cho việc sơ kết, tổng kết công tác và phân công đơn vị, người theo dõi việc thực hiện kế hoạch.



6.1.2. Kế hoạch có tính chất định hướng:

Khi xây dựng 01 bản kế hoạch có tính chất định hướng, cần chú ý một số vấn đề sau:

- Khái quát lý do vì sao phải xây dựng kế hoạch;

- Mục đích yêu cầu của việc xây dựng kế hoạch;

- Nêu những nội dung, nhiệm vụ cơ bản cần phải thực hiện;

- Xác định thời gian thực hiện;

- Xác định đơn vị, người theo dõi, chỉ đạo và đơn vị, người thực hiện;

- Các biện pháp chủ yếu để thực hiện;

- Các yếu tố đảm bảo cho việc thực hiện (kinh phí, phương tiện, các điều kiện vật chất khác...);

- Chế độ thông tin, báo cáo thực hiện kế hoạch.



6.1.3. Kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn:

Khi xây dựng kế hoạch để tổ chức một cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn, cần chú ý một số vấn đề sau:

- Xác định mục đích yêu cầu của việc tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn;

- Thời gian, địa điểm tổ chức tội nghị, tội thảo hoặc tập huấn;

- Thành phần, số lượng đại biểu tham dự;

- Thành phần Ban tổ chức và phân công nhiệm vụ cho các đơn vị, các cá nhân chuẩn bị nội dung và chuẩn bị điều kiện để tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc tập huấn;

- Xác định nguồn kinh phí cho hội nghị, hội thảo hoặc tập huấn.

6.2. Nội dung của chương trình công tác

Chương trình công tác (nói chung) là sự cụ thể hóa việc thực hiện kế hoạch công tác, vì vậy phải căn cứ vào nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch để xây dựng chương trình công tác cho phù hợp, phải nêu được toàn bộ các công việc phải làm trong thời gian của chương trình, được sắp xếp theo thứ tự thời gian.

Trong mỗi nhiệm vụ hoặc công việc đề ra trong chương trình công tác phải nêu đầy đủ các mặt: nội dung công tác; thời gian triển khai, thời gian hoàn thành công việc; người chỉ đạo đơn vị, người thực hiện; biện pháp phối hợp thực hiện; người theo dõi, tổng hợp kết quả báo cáo.

7. Trình tự, phương pháp xây dựng kế hoạch, chương trình công tác

7.1. Bước chuẩn bị

Người được phân công xây dựng kế hoạch, chương trình công tác phải chuẩn bị các việc cụ thể sau:

- Xác định mục đích của việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác;

- Nắm chắc các yêu cầu và căn cứ để xây dựng kế hoạch, chương trình công tác;

- Xin ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng, Thủ trưởng đơn vị về nội dung, biện pháp lớn cần nêu trong kế hoạch và chương trình công tác;

- Trao đổi về những dự kiến trước với các đơn vị nghiệp vụ và Viện kiểm sát cấp dưới, xem xột việc đề xuất của các đơn vị này về nội dung kế hoạch, chương trình công tác;

- Chuẩn bị các tài liệu, số liệu cần thiết cho việc xây dựng kế hoạch và chương trình công tác.

7.2. Dự thảo kế hoạch và chương trình công tác

Sau khi đã hoàn tất công tác chuẩn bị, người dự thảo phải tiến hành các công việc:

- Xây dựng đề cương theo nội dung nêu ở các phần trên, trình lãnh đạo Viện, Thủ trưởng đơn vị cho ý kiến chỉ đạo, bổ sung đề có đề cương chính thức;

- Bám sát đề cương chính thức để viết dự thảo kế hoạch, chương trình;

- Thông qua tập thể Lãnh đạo Viện và Ủy ban kiểm sát (đối với Kế hoạch công tác năm hoặc một số kế hoạch quan trọng khác) hoặc tập thể đơn vị (đối với các đơn vị nghiệp vụ) để thảo luận có bản dự thảo kế hoạch công tác hoặc chương trình công tác hoàn chỉnh.

7.3. Duyệt kế hoạch và chương trình công tác

Thông thường dự thảo kế hoạch và chương trình công tác được đưa ra thảo luận tại hội nghị tổng kết của Viện kiểm sát các cấp và các đơn vị, trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại hội nghị, đơn vị và người xây dựng kế hoạch, chương trình có trách nhiệm tổng hợp, bổ sung hoàn chỉnh, trình tập thể lãnh đạo Viện, Ủy ban kiểm sát duyệt chính thức và ban hành. Trong trường hợp đã xác định cụ thể, chính xác nội dung của kế hoạch, chương trình thì Lãnh đạo Viện quyết định ban hành chính thức để triển khai thực hiện mà không cần đưa ra hội nghị của Viện kiểm sát các cấp hoặc các đơn vị nữa.

Về thời gian ban hành kế hoạch, chương trình công tác năm; việc gửi kế hoạch, chương trình công tác và duyệt, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình được quy định tại Quy chế về thông tin báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân hiện hành. Đối với các chương trình, kế hoạch công tác khác thì tùy theo yêu cầu của cơ quan, đơn vị cấp trên hoặc cơ quan, đơn vị có liên quan mà xác định thời gian hoàn thành việc xây dựng sao cho đảm bảo.

8. Triển khai và kiểm tra thực hiện kế hoạch, chương trình công tác

Viện trưởng VKSND các cấp, Thủ trưởng các đơn vị nghiệp vụ VKSND tối cao có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác năm của Viện trưởng VKSND tối cao thông qua việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, chương trình công tác năm của đơn vị mình; xây dựng hướng dẫn đối với các đơn vị thuộc VKSND cấp dưới.

Viện trưởng VKSND tối cao và cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện kiểm sát quân khu và cấp tương đương có trách nhiệm kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, kế hoạch và chương trình công tác của các đơn vị trực thuộcvà Viện kiểm sát cấp dưới theo định kỳ hoặc đột xuất. Ngoài việc kiểm tra toàn diện, Viện kiểm sát cấp trên có thể kiểm tra chuyên sâu các mặt công tác nhằm phục vụ yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Viện trưởng VKSND cấp trên.

Viện kiểm sát cấp trên tiến hành kiểm tra đối với VKSND cấp dưới được thực hiện theo Quy chế về thanh tra, kiểm tra và các Quy chế nghiệp vụ do VKSND tối cao ban hành.







tải về 288.72 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương