Trong ngày 26/3 đến đầu giờ sáng ngày 27/3/2015, một số báo đã có bài phản ánh những thông tin liên quan đến công tác tư pháp như sau



tải về 68.72 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu20.01.2018
Kích68.72 Kb.
#36171

BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 2015

ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 26/3 ĐẾN SÁNG NGÀY 27/3/2015

Trong ngày 26/3 đến đầu giờ sáng ngày 27/3/2015, một số báo đã có bài phản ánh những thông tin liên quan đến công tác tư pháp như sau:

I- THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Pháp luật Việt Nam có bài Chỉ xem xét trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân “kinh tế”?. Bài báo phản ánh: Tại Hội thảo “Một số định hướng cơ bản của Dự án Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi” do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho hay, trước mắt, Dự thảo BLHS (sửa đổi) xác định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân áp dụng với các pháp nhân là tổ chức kinh tế có hành vi phạm tội và cũng chỉ áp dụng đối với 15 tội danh thuộc nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường, tham nhũng, rửa tiền và tài trợ khủng bố. 

Ủng hộ đề xuất này, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC cho hay, trên thực tế, nhiều pháp nhân đã có những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng chỉ bị xử lý bằng chế tài hành chính hoặc bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự. 

Trong một số trường hợp, Nhà nước có xem xét xử lý hình sự chỉ đối với một số cá nhân có liên quan. Việc xử lý này bộc lộ nhiều hạn chế và thiếu hiệu quả, không đảm bảo tính công bằng, bình đẳng giữa công dân - pháp nhân trước pháp luật, chưa đủ mức răn đe đối với pháp nhân, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả xử lý vi phạm pháp luật, đến việc giải quyết bồi thường…

Việc áp dụng thủ tục hình sự để xử lý vi phạm của pháp nhân là hợp lý nhằm xử lý nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của xã hội, của người bị thiệt hại.

Tuy nhiên, ông Độ cũng lưu ý, pháp nhân phải chịu TNHS thông qua hành vi phạm tội của thể nhân, khi thể nhân thực hiện hành vi nhân danh pháp nhân, thay mặt pháp nhân… Việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân không loại trừ TNHS của cá nhân đã thực hiện hành vi cấu thành tội phạm cụ thể…

Tức là, nếu người lãnh đạo, người đại diện của pháp nhân đã thực hiện một tội phạm vì lợi ích hay trong khuôn khổ của pháp nhân thì cả pháp nhân và người lãnh đạo, người đại diện đó phải chịu TNHS về cùng tội phạm đó.

Không đồng tình với quan điểm này, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn thì cho rằng, cá nhân có trách nhiệm trong pháp nhân đã bị truy cứu TNHS. Nay lại truy cứu TNHS đối với cả pháp nhân thì có nghĩa là truy cứu TNHS hai lần, mà lỗi thì không phải của pháp nhân mà thuộc về cá nhân trong pháp nhân. Mặt khác, phải cân nhắc xem phương án truy cứu TNHS đối với pháp nhân có khả thi không, có giải quyết được tình hình hay lại làm phức tạp hơn, có đúng nguyên tắc cá thể hóa hình phạt không?

Cùng băn khoăn này, Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đặt câu hỏi, thủ tục tố tụng đối với pháp nhân sẽ như thế nào? Nếu truy cứu TNHS pháp nhân thì cũng chỉ có thể phạt tiền hoặc giải thể pháp nhân chứ không thể phạt tù được. Nó có khác gì so với xử phạt hành chính? Nên chăng chỉ đề cập đến “trách nhiệm bồi thường trong hình sự của pháp nhân” (chứ không phải là “truy cứu TNHS đối với pháp nhân”? 

Trung tướng Trần Văn Độ phân tích thêm, với điều kiện kinh tế - xã hội và tổ chức nhà nước ta thì hiện chỉ nên coi chủ thể TNHS là pháp nhân kinh tế (thương mại) để đảm bảo tính khả thi trong xử lý. Trong Luật cũng phải quy định cụ thể các loại tội mà pháp nhân chịu TNHS. 

Phạm vi của các tội này phải tương đồng với hoạt động của chủ thể là pháp nhân kinh tế và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về tính phổ biến và nhu cầu phòng ngừa tội phạm, đơn cử như: các tội phạm về môi trường, các tội xâm phạm an toàn công cộng, xâm phạm trật tự quản lý hành chính.

Về vấn đề này, Văn phòng Bộ đề xuất Vụ Pháp luật hình sự - hành chính theo dõi, nghiên cứu.

2. Báo Pháp luật Việt Nam có bài Điểm mặt các “đại gia” nợ bảo hiểm xã hội. Bài báo phản ánh:  Hàng loạt “đại gia” trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh nợ đọng, chây ỳ đóng bảo hiểm xã hội khiến các quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường và “bình chân như vại”, trong khi cơ quan hữu trách dường như bất lực...

Bắt đầu nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đầu năm 2012, đến cuối năm đó Mai Linh chính thức bị BHXH quận 7 khởi kiện đòi nợ 33 tỉ đồng. Tại bản án sơ thẩm, TAND quận 7 buộc 5 doanh nghiệp (DN) thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh phải trả hơn 52 tỉ đồng. 

Tại quận Gò Vấp, hai DN khác của Mai Linh cũng bị Tòa xử buộc đóng hơn 12 tỉ đồng BHXH.  Như vậy, chỉ riêng tại địa bàn TP.HCM, thời điểm đầu năm 2013, các công ty con của Mai Linh đã bị tòa xử buộc đóng tiền nợ BHXH hơn 60 tỉ đồng.

Ngay sau khi có bản án của tòa, cơ quan BHXH các quận 7, Gò Vấp đã khẩn trương đề nghị thi hành án, nhưng 2 năm qua Mai Linh tìm đủ mọi cách để né tránh. Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Phó Trưởng phòng Thu - BHXH TP.HCM cho biết, tính đến tháng 2/2015, tổng số nợ BHXH của Mai Linh đã lên 112 tỉ đồng. Cơ quan BHXH đã làm đủ mọi cách nhưng thiện chí khắc phục của Mai Linh là không đáng kể.

Một “ông lớn” khác là Công ty Cổ phần Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) – chủ sở hữu mạng di động SFONE, có trụ sở chính ở số 199 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh cũng khiến người lao động (NLĐ) điêu đứng vì trốn đóng BHXH. Sau khi thất bại với mạng di động SFONE, SPT kéo theo nhiều NLĐ không được chốt sổ BHXH, nợ lương, mất trợ cấp thất nghiệp… 

Ngày 21/3/2011, BHXH khởi kiện SPT tại Tòa án quận 1, cuối năm 2012 Tòa mở phiên sơ thẩm xét xử tuyên buộc SPT phải truy đóng hơn 12,4 tỉ đồng cho BHXH TP để giải quyết quyền lợi cho NLĐ. Sau đó, tháng 5/2013 cơ quan BHXH đã có đơn yêu cầu cơ quan thi hành án quận Bình Thạnh thi hành bản án của Tòa, nhưng không hiểu sao đến ngày 20/8/2014 cơ quan thi hành án quận Bình Thạnh lại ra quyết định “trả lại đơn yêu cầu thi hành án” cho cơ quan BHXH và vụ việc “dậm chân tại chỗ”.

Tại TP.HCM, tình trạng các DN lớn trốn đóng BHXH ngày càng phổ biến, nhiều DN thậm chí rơi vào tình trạng “hết thuốc chữa”. Một “điển hình” nữa là Công ty Cổ phần  Thương mại, dịch vụ hàng hải Phú Mỹ, trụ sở tại số 6 Trần Trọng Cung, phường Phú Thuận, quận 7, ngành nghề kinh doanh chính như bốc xếp, vận chuyển lai dắt tàu biển, xếp dỡ container tại cảng, bốc xếp gạo xuất khẩu, thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng… 

Tháng 3/2011, Phú Mỹ có biểu hiện bắt đầu chây ỳ đóng BHXH nên bị lập biên bản vi phạm, Sở LĐTB&XH tiến hành thanh tra. Ngày 24/9/2012, BHXH quận 7 đã khởi kiện, đến ngày 30/11/2012 Tòa quận 7 đã tuyên công ty phải nộp số tiền tính đến tháng 9/2012 là hơn 2,6 tỉ đồng. 

Ngày 13/12/2012, Phú Mỹ làm đơn kháng cáo, sau đó Tòa phúc thẩm xử và Phú Mỹ tiếp tục thua kiện. Theo BHXH quận 7, đến nay tổng số tiền trốn đóng BHXH của Phú Mỹ đã trên 4 tỉ đồng. Và dù cơ quan thi hành án đã vào cuộc cả gần một năm trời nhưng công ty này vẫn… ngó lơ?

Điều khiến dư luận khó hiểu là dù “kêu” khó khăn và không đoái hoài đến quyền lợi về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ, nhưng mỗi ngày hàng ngàn chiếc xe mang thương hiệu Mai Linh vẫn bon bon trên đường mang về nguồn thu dồi dào. Mai Linh còn trưng bảng tuyển dụng 2.000 tài xế taxi để mở rộng thị phần… Còn SPT và Hàng hải Phú Mỹ thì vẫn hoạt động đều đều…

Về vấn đề này, Văn phòng Bộ đề xuất Tổng cục Thi hành án dân sự theo dõi, nghiên cứu, đề xuất biện pháp tháo gỡ.

3. Báo Điện tử Chính phủ có bài Đề nghị hình sự hóa hành vi chở hàng quá tải. Bài báo phản ánh: Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị hình sự hóa đối với hành vi chở hàng quá tải trọng trên 150% đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm.

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ, có đề xuất này là do hiện nay tình trạng xe chở hàng quá tải trọng diễn ra phổ biến và hết sức nghiêm trọng, nhiều xe chở quá tải 100-200% tải trọng cho phép, nhiều nhà xe bị xử phạt nhưng vẫn tái phạm; các tuyến đường có nhiều xe quá tải đi qua hư hỏng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ đề nghị bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định (vượt quá 100 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,5 mg/1 lít khí thở).

Về vấn đề này, Văn phòng Bộ đề xuất Vụ Pháp luật hình sự - hành chính theo dõi.

II- MỤC THÔNG TIN VỀ PHẢN HỒI CHÍNH SÁCH

1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Bỏ khai mã ngành: Lợi bất cập hại!. Bài báo phản ánh: Bộ KH&ĐT vừa đưa dự thảo nghị định và thông tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp (DN) ra lấy ý kiến cộng đồng DN. Một trong các nội dung được quan tâm lớn là việc DN ghi hay không ghi mã ngành khi khai hồ sơ đăng ký kinh doanh (ĐKKD).

Trong thời gian góp ý cho dự thảo Luật DN 2014 (hiệu lực từ 1-7-2015), không ít ý kiến từ phía DN, luật sư cho rằng việc khai ngành nghề kinh doanh, áp mã ngành nghề rất khó khăn, khó chịu. Theo đó cần bỏ việc khai ngành nghề, áp mã ngành này đi để DN nhẹ gánh nặng thủ tục hành chính.

Một cán bộ quản lý Cục Quản lý ĐKKD (Bộ KH&ĐT) cho biết vì có nhiều luồng ý kiến về việc ghi - bỏ ghi mã ngành nên Bộ vẫn đưa ra lấy ý kiến cộng đồng. Các DN, chuyên gia đều có quyền ủng hộ hoặc phản biện và Cục, Bộ sẽ ghi nhận, cân nhắc.

2. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online có bài Chính sách thuế, đất đai đang cản trở đầu tư vào nông nghiệp. Bài báo phản ánh: Đại diện một số doanh nghiệp tại cuộc họp của nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp-nông thôn đã cho rằng những bất cập trong chính sách thuế và đất đai hiện nay đang cản trở đầu tư vào nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, cho hay công ty ông đang bị áp mức thuế cao đối với sản phẩm nhà kính dùng để sản xuất hoa, thay vì được hưởng thuế suất ưu đãi theo quy định trong luật.

Là một trong những đơn vị đầu tiên được cấp chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, nhưng Rừng hoa Đà Lạt vẫn phải nhập khẩu nhà kính với thuế suất là 25%. "Điều này đang làm giảm sức cạnh tranh của công ty, ngay cả trong nước chứ chưa nói tới thị trường xuất khẩu," ông Sơn nói.

“Do cơ chế rất mơ hồ, Luật công nghệ cao lại không đề cập rõ mức ưu đãi là bao nhiêu nên chúng tôi bị Hải quan làm khó và phải chịu mức thuế 25%,” ông Sơn nói.

Cũng liên quan tới thuế, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vinamit, cho hay công ty của ông mua sản phẩm nông nghiệp sau đó chế biến và bán ra thị trường. Thị trường nội địa chiếm khoảng 60% và xuất khẩu là 40% doanh số. Hiện Vinamit đang phải đóng thay cho người nông dân 10% thuế VAT vì nguyên liệu đầu vào mà công ty mua của nông dân không được khấu trừ VAT.

Đồng tình với quan điểm này, ông Sơn cho hay do các sản phẩm nông nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào nên giá thành phải cộng thêm 10%. “Như vậy chúng tôi rất khó cạnh tranh tại thị trường trong nước chưa nói tới quốc tế,” ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, đất đai cũng là một vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải. Theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình, công ty có xây dựng một nhà máy chế biến trên diện tích 1,2 héc ta nhưng phải đàm phán với 27 hộ trong vòng 3 năm mới lấy được 1,2 héc ta đất.

“Có những trường hợp tôi phải vào tận Vũng Tàu để đàm phán mua đất với họ. Như vậy, dự án lẽ ra 2 năm là có thể đi vào hoạt động nhưng phải 5 năm mới xây dựng xong nhà máy,” ông Báo nói. Theo ông Báo, hiện nay có rất nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhưng các chính sách này không đi vào thực tiễn.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Minh Phú, tập đoàn xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới với doanh thu xuất khẩu năm 2014 đạt 741 triệu đô la Mỹ, cho hay Minh Phú cũng gặp khó khăn về vùng đất để nghiên cứu chọn tạo tôm giống và nghiên cứu xử lý vấn đề dịch bệnh trên tôm. Do dự án của Minh Phú trải dài ở nhiều tỉnh thành và đến tỉnh nào cũng lại phải xin giấy phép để triển khai dự án nên Minh Phú đề nghị Bộ NNPTNT cấp giấy phép một lần.

Trước những kiến nghị của các doanh nghiệp về các các loại thuế, Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát cho hay sẽ chỉ đạo Vụ Tài chính (Bộ NNPTNT) nghiên cứu, làm việc với Bộ Tài chính để từng bước tháo gỡ vướng mắc về thuế cho doanh nghiệp.

III- THÔNG TIN KHÁC

1. Báo Điện tử Chính phủ đưa tin:

- Thông tin về vụ sập giàn giáo công trường Formosa

Vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa, Hà Tĩnh tối 25/3 làm 13 người chết, 28 người bị thương. Các lực lượng cứu hộ Hà Tĩnh trắng đêm dồn toàn lực tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát. Đến 15h30 chiều 26/3, lực lượng cứu hộ đã kết thúc tìm kiếm.

Tối 26/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã đến hiện trường vụ tai nạn lao động xảy ra trên công trường dự án Formosa ở KKT Vũng Áng để kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục sự cố, ổn định tình hình và thăm hỏi các nạn nhân đang được cấp cứu, điều trị tại BVĐK Hà Tĩnh.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nêu rõ với chủ đầu tư, nhà thầu về tính chất hết sức nghiêm trọng và thiệt hại rất lớn của vụ tai nạn lao động. Các đơn vị này phải xác định rõ trách nhiệm và phải làm hết sức để chỉ ra nguyên nhân, khắc phục thiệt hại, an ủi và chia sẻ với các nạn nhân và gia đình của họ.

Đại diện nhà thầu Samsung C&T bày tỏ lời xin lỗi đến Chính phủ Việt Nam và gia đình, thân nhân những người bị nạn, đồng thời cam kết sẽ quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ, có trách nhiệm với nạn nhân và gia đình nạn nhân.

- GDP quý I đạt mức cao nhất trong 3 năm gần đây

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), đây là mức tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2015 cao nhất trong vòng 3 năm.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế trong quý đầu năm đạt 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ năm 2013 (GDP đạt 4,76%) và 2014 (GDP đạt 5,06%), khi cả nước bắt đầu tính GDP theo giá so sánh năm 2010. Tuy nhiên mức tăng này vẫn thấp hơn mức quý IV/2014 (đạt 6,96%).

Ngành công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 8,35%, đóng góp 34,8% vào tổng giá trị sản phẩm trong nước. Nhóm dịch vụ tăng 5,82% và nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,14%.

- Tổng thầu Trung Quốc khiến Đường sắt trên cao chậm trễ

Ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt – PMU đường sắt (Bộ GTVT) cho biết tiến độ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông tiếp tục chậm trễ nghiêm trọng vì sự thiếu trách nhiệm của Tổng thầu EPC phía Trung Quốc.

2. Trang Infonet có bài Thanh tra Chính phủ lên tiếng vụ chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh. Bài báo phản ánh: Thanh tra Chính phủ đề nghị Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo việc thanh kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm, báo cáo kết quả xử lý trước ngày 15/4.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh vừa ký văn gửi bản tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị tiến hành thanh, kiểm tra vụ việc liên quan đến việc chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên địa bàn.

Ông Hạnh cho biết, những ngày gần đây nhiều báo đài, mạng xã hội đăng tải thông tin về việc UBND TP Hà Nội triển khai dự án chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên một số tuyến phố thuộc địa bàn Hà Nội có nhiều vấn đề chưa minh bạch, có dấu hiệu vi phạm khoản 2, điều 14 Luật Thủ đô và khoản 1, điều 14 Nghị định 64/2010 của Chính phủ quy định về quản lý cây xanh đô thị, gây bức xúc dư luận nhân dân.

Trước thực trạng trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội sớm chỉ đạo việc tiến hành thanh tra, kiểm tra, làm rõ về chủ trương, trình tự, thủ tục lập, thẩm định phê duyệt dự án và xử lý nghiêm những sai phạm của tổ chức, cá nhân liên quan theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời có biện pháp ngăn chặn kịp thời việc đốn hạ cây xanh tương tự có thể xảy ra. Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị UBND TP Hà Nội báo cáo kết quả xử lý trước ngày 15/4.

3. Báo Thanh niên có bài Thế giới bàng hoàng trước những vụ phi công cố tình cho máy bay rơi. Bài báo đưa tin: Chiếc Airbus A320 (chuyến bay 4U9525), chở 144 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn, rơi xuống khu vực hẻo lánh ở dãy núi Alps (Pháp) sau khi cất cánh từ thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) để đến thành phố Duesseldorf (Đức) vào ngày 24.3 khiến không một ai sống sót, theo AFP.

Reuters dẫn lời công tố viên Pháp Brice Robin ngày 26.3 cho biết cơ phó, được cho là một công dân Đức tên Andreas Lubitz (28 tuổi), đã ngồi một mình lái chiếc máy bay Airbus A320 sau khi cơ trưởng rời khỏi buồng lái, rồi sau đó từ chối mở cửa, đồng thời bấm nút cho máy bay rơi thẳng xuống đất.

“Hành khách trên chuyến bay định mệnh không hề hay biết chuyện gì đang xảy ra vì không hề có tiếng khóc cho đến phút cuối cùng. 150 người trên máy bay đã chết ngay tức thì”, ông Robin cho hay sau khi các điều tra viên phân tích bộ ghi âm buồng lái của máy bay hãng Germanwings.

4. Báo Nhân dân điện tử đưa tin:

- Một phái đoàn của Chính phủ Mỹ đã tới Cu-ba để trao đổi về những biện pháp Oa-sinh-tơn vừa ban hành, nhằm thay đổi tình trạng bao vây cấm vận viễn thông Cu-ba.

- Tại Ma-rốc, đại diện Quốc hội được quốc tế công nhận của Li-bi và Ðại hội Nhân dân toàn quốc (GNC - cơ quan lập pháp cũ được lực lượng Hồi giáo hậu thuẫn) đã thảo luận các đề xuất hòa bình nhằm chấm dứt tình trạng xung đột và thành lập một chính phủ lâm thời.

- Liên hiệp châu Âu (EU) và Cu-ba đã quyết định đẩy nhanh các cuộc đàm phán nhằm cải thiện quan hệ, đồng thời hy vọng đạt kết quả vào cuối năm nay.

- Liên minh quốc tế do Mỹ cầm đầu chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) lần đầu không kích các cứ điểm của IS tại TP Ti-crít, miền bắc I-rắc, nhằm hỗ trợ quân đội nước này giành lại thành phố chiến lược vốn bị IS chiếm từ nhiều tháng qua.

- Liên hiệp châu Âu (EU) công bố kế hoạch đầy tham vọng, nhằm đổi mới nền kinh tế kỹ thuật số vốn thiếu sự liên kết của châu lục này, theo đó cho phép người dân châu Âu có thể xem truyền hình và phim khi đi lại ở bất kỳ đâu trong EU, thậm chí ở ngoài khu vực.

- Tướng M.Ðem-xi, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ thăm Hàn Quốc, trong lúc dư luận đang quan tâm việc liệu hai bên có thảo luận về khả năng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối trên bán đảo Triều Tiên hay không.

- Chi-lê ban bố lệnh báo động khẩn cấp và huy động quân đội tới khu vực miền bắc nước này sau khi mưa lớn kéo dài nhấn chìm nhiều thị trấn tại khu vực A-ta-ca-ma, làm khoảng 40 nghìn người sống trong cảnh mất điện, khoảng 50 nghìn người không có nước uống.

- Tại cuộc họp chung của lưỡng viện Quốc hội Mỹ, Tổng thống Áp-ga-ni-xtan A.Ga-ni cảm ơn các công dân Mỹ tham gia cuộc chiến chống khủng bố kéo dài hơn mười năm qua tại Áp-ga-ni-xtan và bày tỏ lạc quan về mối quan hệ đối tác với Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực chống khủng bố.

- Tổng thống I-xra-en R.Ríp-lin đã trao Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu quyền thành lập chính phủ kế tiếp sau khi đa số nghị sĩ Quốc hội nước này đề xuất ông Nê-ta-ni-a-hu tiếp tục nhiệm kỳ Thủ tướng.

- Bộ trưởng Ngoại giao Ác-hen-ti-na E.Ti-mê-man bác bỏ việc nước này có kế hoạch tiến công quân sự quần đảo tranh chấp Man-vi-nát mà phía Anh gọi là Phô-clen, đồng thời tuyên bố sẽ tố cáo lên LHQ hành động leo thang quân sự của Anh tại quần đảo này.

- Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng phối hợp hành động nhằm bảo vệ trẻ em trong các cuộc xung đột trên toàn cầu. Ước tính khoảng 230 triệu trẻ em sinh sống ở các khu vực đang diễn ra xung đột vũ trang và 15 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi bạo lực.

- Tại hội nghị "Một thế giới không còn nạn đói" ở thủ đô Béc-lin, Chính phủ Ðức kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay xóa bỏ hoàn toàn nạn đói vào năm 2030 thông qua việc phát triển nông thôn và sản xuất nông nghiệp bền vững.

- Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chính phủ Ghi-nê bắt đầu tiêm thử nghiệm loại vắc-xin do Ca-na-đa điều chế VSV-EBOV phòng vi-rút E-bô-la tại huyện Cô-i-a, thuộc vùng Hạ Ghi-nê, nơi có tỷ lệ nhiễm E-bô-la cao nhất tại quốc gia Tây Phi này.

- Ni-giê-ri-a triển khai một loạt biện pháp nghiêm ngặt nhằm bảo đảm an ninh cho cuộc tổng tuyển cử vào cuối tuần này, như đóng cửa toàn bộ các đường biên giới trên đất liền và trên biển đến hết ngày 28-3, hạn chế đi lại trong thời gian các điểm bỏ phiếu mở cửa...

- Hạ viện Mỹ thông qua ngân sách trong tài khóa 2016, trong đó đặt mục tiêu cắt giảm 5.500 tỷ USD trong 10 năm tới, bãi bỏ luật chăm sóc sức khỏe Obamacare và xóa bỏ thâm hụt liên bang trong chín năm mà không cần tăng thuế.

- Tập đoàn chế tạo ô-tô lớn thứ hai của Mỹ Ford ra thông báo thu hồi 212.911 chiếc xe với một loạt lỗi kỹ thuật, có nguy cơ gây nguy hiểm với người sử dụng, chủ yếu đang lưu hành tại khu vực Bắc Mỹ.


Trên đây là thông tin báo chí trong ngày 26/3 và đầu giờ sáng ngày 27/3/2015, Văn phòng Bộ xin báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo./.

Nơi nhận:

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- Các Thứ trưởng (để báo cáo);

- Lưu: LTQHCC.



VĂN PHÒNG BỘ





Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 68.72 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương