VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc



tải về 54.37 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích54.37 Kb.
#18960

BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2016



ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY12/5 ĐẾN SÁNG NGÀY 13/5/2016

Trong ngày 12/5 đến đầu giờ sáng ngày 13/5/2016, một số báo đã có bài phản ánh những thông tin liên quan đến công tác tư pháp như sau:



I- THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Pháp luật TP.HCM có bài: TP.HCM thành lập thêm 11 văn phòng công chứng. Bài báo phản ánh: Ngày 12-5, tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND TP vừa có văn bản chấp nhận đề xuất của Sở Tư pháp về quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP.HCM năm 2016.

Cụ thể, UBND TP cho phép thành lập 11 văn phòng công chứng tại các quận 1, 2, 4, 6, 7, 8, 9, 12, Bình Tân, Tân Phú và huyện Nhà Bè. Thời gian thực hiện trong quý III-2016.

UBND TP cũng giao Sở Tư pháp xây dựng, trình UBND TP ban hành quy định về tiêu chí và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng tại các địa bàn nêu trên.

2. Báo Nghệ An có bài: Nghệ An: 335 trẻ em được cấp số định danh cá nhân. Bài báo phản ánh: Quế Phong là một trong 03 huyện khó khăn thuộc chương trình 30a của tỉnh Nghệ An được Bộ Tư pháp chọn để triển khai thí điểm ứng dụng phần mềm hộ tịch điện tử trong việc đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân. Qua 3 tháng triển khai có 335 trẻ em đã được cấp số định danh cá nhân.

Từ tháng 01/2016, 14/14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quế Phong đã truy cập, kích hoạt tài khoản và nhập thông tin vào hệ thống khai sinh điện tử, cấp số định danh cá nhân. Điều thuận lợi là huyện có đội ngũ 21 công chức tư pháp hộ tịch tốt nghiệp Đại học Luật, 07 công chức có trình độ trung cấp Luật và các ngành khác. Tất cả đều sử dụng thành thạo máy vi tính, đáp ứng được việc áp dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch, cụ thể là đăng ký khai sinh trên hệ thống khai sinh điện tử cấp số định danh cá nhân.


Qua 03 tháng triển khai thực hiện, toàn huyện đăng ký được 361 trường hợp khai sinh, cấp 335 số định danh cá nhân cho trẻ em, 26 trường hợp đăng ký lại việc sinh, trong đó chỉ có 02 trường hợp yêu cầu điều chỉnh thông tin do cán bộ Tư pháp - Hộ tịch nhập sai dữ liệu.

Việc thí điểm thành công phân hệ đăng ký khai sinh qua phần mềm hộ tịch điện tử đã tạo điều kiện cho cán bộ Tư pháp hộ tịch tiếp cận với công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch, giúp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc theo dõi, quản lý nghiệp vụ đăng ký khai sinh nhanh chóng, khoa học và kịp thời phát hiện sai sót để điều chỉnh. Trong thời gian tới, rất cần sự quan tâm của ngành chức năng và chính quyền các cấp về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch để huyện Quế Phong tiếp tục thực hiện tốt việc thí điểm đăng ký khai sinh nói riêng và đăng ký hộ tịch nói chung qua phần mềm hộ tịch điện tử. Từ đó nhân rộng, thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

3. Báo Pháp luật Việt Nam bài: Cần sớm triển khai cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trực tuyến. Bài báo phản ánh: Ngay từ những ngày đầu khi Luật Lý lịch tư pháp được ban hành và triển khai, Bộ Tư pháp đã quan tâm, chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác LLTP để đáp ứng yêu cầu cấp phiếu của người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đã đến lúc đổi mới mạnh mẽ hơn nữa theo hướng cung cấp dịch vụ trực tuyến trong cấp phiếu LLTP.


Theo quy định của Luật LLTP hiện nay, cá nhân phải nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP và nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu. Chính phương thức cấp phiếu này đã làm tăng chi phí và đã gây những khó khăn nhất định cho người yêu cầu cấp Phiếu đang học tập, lao động, cư trú ở nước ngoài hoặc cư trú ở xa nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Không những thế, thời gian vừa qua đa số các trường hợp công dân Việt Nam có yêu cầu cấp Phiếu lại có thời gian thường trú tại nhiều tỉnh, thành phố, có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài nên kết quả tra cứu, xác minh của Công an cấp tỉnh thường chậm so với quy định. Nguyên nhân chính của việc chậm thời hạn cấp phiếu LLTP cho dân là do có sự “tắc nghẽn” một cửa tra cứu bên Công an tỉnh, phương pháp trao đổi thông tin thủ công, chưa được quan tâm, chú trọng. 

Nhằm khắc phục hạn chế trên, ở Trung ương, bên cạnh việc sử dụng Phần mềm Quản lý LLTP do Cục Công nghệ thông tin xây dựng, Trung tâm LLTP quốc gia cũng nghiên cứu, xây dựng những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin khác như giải pháp “tự động hóa công tác xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu”; giải pháp “Kiềng ba chân”. Tại các địa phương, một số Sở Tư pháp đã chủ động tiến hành xây dựng phần mềm riêng để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP và thực hiện cấp phiếu LLTP. 

Vì vậy, để giải quyết triệt để những vấn đề nêu trên, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Hoàng Quốc Hùng cho biết, thời gian tới đây sẽ nghiên cứu bổ sung quy định về các phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả yêu cầu cấp phiếu LLTP; phương thức tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP. Cụ thể, sẽ đa dạng hóa phương thức nộp hồ sơ và trả kết quả yêu cầu cấp Phiếu LLTP cho người dân quyền lựa chọn cơ quan cấp Phiếu LLTP, phương thức nộp hồ sơ và trả kết quả trực tiếp, qua bưu điện hoặc trực tuyến trên cơ sở kết quả thí điểm cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí, gánh nặng, khó khăn cho người dân. Ngoài ra, cần mở rộng thẩm quyền cấp Phiếu LLTP cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP và các Sở Tư pháp, để tạo điều kiện cho người dân có quyền lựa chọn bất cứ cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu nào hoặc thông qua mạng Internet, thông qua bưu điện để xin Phiếu LLTP mà không phải phụ thuộc vào địa giới hành chính. Đặc biệt là việc cần có những quy định pháp lý cụ thể, rõ ràng về tính hợp lệ của bản điện tử (bản chụp, scan) của các giấy tờ công dân do người đăng ký cấp Phiếu cung cấp trên hệ thống đăng ký trực tuyến.

4. Trang vtv.vn có bài: Bộ Tư pháp chủ trì rà soát tổng thể tình hình con lai. Bài báo phản ánh: Chiều 12/5, Bộ Tư pháp cho biết, đang rà soát tổng thể tình hình và đề xuất những giải pháp, nhằm giải quyết những vướng mắc pháp lý với những trường hợp trẻ em là con của những cô dâu Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, hiện đang sinh sống tại Việt Nam.

Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp yêu cầu đến hết tháng 7, các địa phương phải hoàn thành việc rà soát, đánh giá, phân loại từng nhóm trẻ em. Đây là cơ sở để Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với những em chưa được đăng ký khai sinh, chưa có quốc tịch, thì sẽ đăng ký khai sinh và xác định quốc tịch ngay theo pháp luật Việt Nam. Đối với các em đã có quốc tịch nước ngoài, Cục sẽ báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp trao đổi với Bộ Ngoại giao, để có biện pháp bảo hộ bảo vệ trong trường hợp cần thiết. Một cuộc họp liên ngành do Bộ Tư pháp chủ trì với các Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được tổ chức trong thời gian sớm nhất.

5. Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh đưa tin: Tổng cục Thi hành án dân sự vừa đưa lên website Trang thông tin THADS hai mẫu logo biểu trưng cho ngành THADS để lấy ý kiến.

Theo đó, Tổng cục này đề nghị các cơ quan trực thuộc Tổng cục và Cục THADS các tỉnh, TP trực thuộc trung ương đề xuất lựa chọn một mẫu làm biểu trưng (logo) THADS. Tiêu chí lựa chọn là logo có tính sáng tạo, độc đáo, thẩm mỹ, trang trọng, hiện đại, đồng thời phản ánh được đầy đủ các đặc trưng của công tác THA.

II- PHẢN HỒI CHÍNH SÁCH


1. Báo Tin tức – Thông tấn xã có bài: “Luật hóa” năng lực nhà thầu giao thông. Bài báo phản ánh: Việc đánh giá năng lực nhà thầu mới chỉ được coi là “tài liệu tham khảo” do quy định lựa chọn nhà thầu chưa được luật hóa, các chủ đầu tư không bắt buộc phải lựa chọn nhà thầu tại bảng xếp hạng này và khả năng “lọt lưới” nhà thầu yếu kém vẫn có thể xảy ra.

Vì vậy, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu để nâng bảng đánh giá xếp hạng nhà thầu lên thành văn bản quy phạm pháp luật. Khi đó, các Ban QLDA sẽ buộc phải căn cứ vào đó để đánh giá, lựa chọn nhà thầu. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp, nhà thầu phải chỉn chu hơn, trau dồi năng lực của mình hơn để được lựa chọn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng các công trình giao thông. Nếu Ban QLDA không lựa chọn nhà thầu tại bảng xếp hạng thì bị xử lý theo chế tài.



2. Báo Pháp luật Việt Nam có bài: Vợ nông dân gặp khó vì “sổ đỏ” chỉ mang tên chồng. Bài báo phản ánh: Tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu: “Phụ nữ (PN) hoạt động nông nghiệp và tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam” vào hôm qua (12/5) tại Hà Nội do cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức, kết quả nghiên cứu cũng gợi ý cần chú trọng một số điểm sau nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nữ nông dân trồng lúa và cây ăn quả: như sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cả vợ và chồng; áp dụng những biện pháp tạm thời tạo điều kiện thuận lợi cho PN có thể tiếp cận với hình thức vay vốn có thế chấp mà không bị ảnh hưởng bởi việc có tên trong “sổ đỏ”; có chính sách chăm sóc sức khỏe và những hỗ trợ về mặt bảo hộ lao động cho nữ nông dân vì họ đang là người chủ yếu trực tiếp tiếp xúc với thuốc sâu và làm việc ở môi trường có nhiều ảnh hưởng không tốt tới tình trạng sức khỏe…

3. Báo Thanh niên có bài: Bán cát kiểu lợi bất cập hại: Đừng ăn vào tương lai. Bài báo phản ánh: Liên quan đến việc tỉnh Quảng Nam cho bán hơn 857.000 m3  cát “tận thu” từ 3 dự án phòng chống lụt bão, đường cứu hộ, cứu nạn ở Thăng Bình, Núi Thành, Tam Kỳ, nhiều ý kiến tiếp tục ủng hộ dự trữ cát vì cho rằng bán tài nguyên thu ngân sách chính là “ăn vào tương lai”.

4. Báo Bảo vệ pháp luật có bài: Xử lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Nghị định cũ còn nhiều bất cập. Bài báo phản ánh: Nghị định 119/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Với Nghị định này nếu không sửa đổi sẽ là lỗ hổng để các cơ sở giết mổ, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tiếp tục tái phạm.

Cụ thể, Điều 36 Nghị định này mới quy định xử phạt đối với cơ sở chăn nuôi nông hộ, cơ sở chăn nuôi trang trại và cơ sở sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi mà không có điều khoản xử phạt đối với cơ sở giết mổ.

Thậm chí, Nghị định này còn cho phép cơ sở chăn nuôi tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ và chỉ buộc tiêu hủy động vật trong trường hợp tái phạm.

5. Báo Sài Gòn Đầu tư có bài: Bao thanh toán vướng rào cản pháp lý. Bài báo phản ánh: Bao thanh toán ở Việt Nam là một công cụ tài chính hữu hiệu cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong hoạt động xuất nhập khẩu, tuy nhiên hoạt động này tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thăm dò, chưa phát triển và có nhiều vấn đề bất cập liên quan đến các quy định pháp lý cũng như rào cản về mức độ hiểu biết.

Khái niệm bao thanh toán của Việt Nam không tương đồng với thông lệ quốc tế, một số quy định mới được ban hành khác quy định cũ nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Các quy định về điều kiện cấp phép thực hiện bao thanh toán cũng không thống nhất với nhau. Hơn nữa, hiện nay xu hướng chung là sử dụng thương mại điện tử, nhưng quy định về bao thanh toán ở Việt Nam vẫn sử dụng chứng từ giấy. Đối với các DN có nhiều nhà cung cấp, lượng chứng từ rất nhiều, nếu NH thu thập được hết chứng từ đó rất vất vả và bản thân DN cũng ngại trong việc cung cấp chứng từ cho NH. Được biết phía NHNN cũng có quan tâm nghiên cứu giải pháp để sửa đổi vướng mắc, khuyến khích phát triển đối với dịch vụ tài chính này. Tuy nhiên, do vướng mắc có xuất phát từ bất cập của Luật các TCTD năm 2010.

6. Báo Lao động có bài: Bất cập trong Luật xử lý vi phạm hành chính. Bài báo phản ánh: Trong Luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 quy định thẩm quyền của người Quyết định xử phạt VPHC; Quyết định tạm giữ người; Quyết định cưỡng chế thì được giao quyền cho cấp phó khi văng mặt. Nhưng thẩm quyền Quyết định khám phương tiện vận tải, đồ vật; Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy tờ… thì không quy định được giao quyền cho cấp phó, gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng khi thi hành.


III- THÔNG TIN KHÁC

1. Báo Thanh niên đưa tin: Chánh án TAND Tối cao vừa ban hành Quyết định số 220 công bố 6 bản án lệ - bước tiến dài trong hoạt động tư pháp.

2. Báo Hà Tĩnh có bài: Phố ’vô danh’, người dân bất tiện! Bài báo phản ánh: Tại kỳ họp thứ 15, khóa XVI diễn ra vào cuối năm 2015, HĐND tỉnh đã chính thức ban hành Nghị quyết số 163 về việc đặt tên bổ sung một số tuyến đường trên địa bàn TP Hà Tĩnh...


Theo đó, toàn thành phố đã có 13 tuyến đường được đặt tên mới, 4 tuyến kéo dài vẫn giữ nguyên tên cũ và 2 tuyến điều chỉnh về lộ tuyến. 13 tuyến đường trong danh mục được cấp mới lần này chủ yếu nằm ở khu đô thị Sông Đà (tổ dân phố 8, 9 phường Trần Phú). Tuy nhiên, điều trớ trêu là những tuyến phố mới này đã có số nhà, có ngõ, ngách… nhưng không có biển tên đường.

Sự chậm trễ này khiến nhiều hộ dân sinh sống ở khu vực này lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười trong quá trình liên lạc, giao dịch hành chính.



3. Báo Lao động thủ đô có bài: Xây trạm quan trắc giám sát Formosa xả thải là “cấp bách”. Bài báo phản ánh: Vừa qua UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cấp kinh phí, chỉ đạo Sở TN&MT gấp rút hoàn thành trạm quan trắc môi trường tự động giám sát Formosa xả thải. Nếu triển khai chậm sẽ bị xử lý.

Thông tin về việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho biết, sau chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã xác định đây là công trình cấp bách, không thể chậm trễ và giao Sở TN&MT chủ trì. Trước thông tin này thì phía Sở TN&MT vẫn chưa thực hiện chỉ đạo với lí do kinh phí và đang tìm kiếm nhà thầu.


4. Báo Điện tử Chính phủ có bài: Thêm 2 tỉnh thí điểm xe điện 4 bánh du lịch. Bài báo phản ánh: Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng nặng lượng điện phục vụ khách tham quan du lịch trong phạm vi hẹp tại các tỉnh Quảng Nam (thành phố Hội An), Kiên Giang (huyện Phú Quốc).


Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh Kiên Giang, Quảng Nam chịu trách nhiệm quy định và tổ chức thực hiện thí điểm trên địa bàn về thời gian hoạt động trong ngày, lộ trình tuyến đường được phép hoạt động, bảo đảm an toàn giao thông và không gây ùn tắc giao thông; lưu ý, loại xe điện trên phải tuân thủ các quy định của pháp luật giao thông đường bộ khi tham gia giao thông; sau 6 tháng thực hiện, tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện để rút kinh nghiệm cho việc thực hiện tiếp theo.

5. Báo Giáo dục và Thời đại có bài: Cử tri xã đảo Thổ Châu bầu cử vào ngày 19/5. Bài báo phản ánh: Ngày 19/5, xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ tổ chức bỏ phiếu bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIV và bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, sớm hơn 3 ngày so với quy định.

Ngày 12/5, ông Đỗ Văn Dừng - Chủ tịch Ủy Ban bầu cử xã Thổ Châu (Chủ tịch UBND xã Thổ Châu) - cho biết: “Xã Thổ Châu nhỏ nên đến nay công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 người dân trên đảo đều nắm rõ. Công tác chuẩn bị cho đợt bầu cử đã cơ bản hoàn tất đúng theo quy định”.

Điều đáng lo ngại nhất trên đảo Thổ Châu, hàng năm vào tháng 5 bắt đầu có gió Nam. Khi có gió Nam thổi mạnh thì khoảng 30 - 40% dân sẽ di chuyển từ bãi Ngự (trung tâm chính của xã) sang bãi Dong ở phía Đông của đảo để sinh sống, khoảng cách từ bãi Ngự sang bãi Dong khoảng 5km.

“Ủy Ban bầu cử xã Thổ Châu đã tính đến chuyện này, nếu thời tiết xấu, người dân phải di chuyển từ bãi Ngự sang bãi Dong thì xã sẽ có thùng phiếu phụ được đưa đến, để người dân bỏ phiếu. Hiện nay, tuyến đường vòng quanh đảo từ bãi Ngự sang bãi Dong được xây dựng hoàn thành, thuận tiện cho người dân đi bầu cử”, ông Đỗ Văn Dừng - Chủ tịch Ủy ban bầu cử - chia sẻ.


6. Báo Tin nhanh có bài: Nông dân trồng rau Thanh Hóa chấp nhận lời xin lỗi của VTV. Bài báo phản ánh: Theo thông tin từ ông Trần Văn Khánh - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), nông dân trồng rau tại địa phương này đã chấp nhận lời xin lỗi của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và không yêu cầu xin lỗi công khai trên chương trình Cà phê sáng của VTV3.

Trong buổi làm việc với chính quyền địa phương, bà con nông dân trồng rau ở xã Vĩnh Thành đã yêu cầu VTV cử phóng viên làm phóng sự đính chính, xin lỗi trên sóng truyền hình. Đồng thời, người trồng rau cũng đề nghị chính quyền định giá thiệt hại, bắt các cá nhân, tổ chức có liên quan phải đền bù.


Trước yêu cầu của bà con nông dân, lãnh đạo UBND xã đã giải thích rằng VTV nghiêm túc xử lý vụ việc này bằng cách xin lỗi trên Website chính thức của VTV vào tối 11/5. Sau khi nghe giải thích, bà con nông dân không yêu cầu VTV xin lỗi trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, theo ông Khánh, chính quyền vẫn thống kê thiệt hại và đề nghị VTV hỗ trợ phần nào cho người dân.

“Những thiệt hại do phóng sự thiếu trung thực của VTV3 gây ra cho bà con là có. Vì vậy, hiện chính quyền địa phương đang tìm nguồn tiêu thụ rau, đồng thời tiến hành thống kê thiệt hại để đề nghị VTV3 hỗ trợ một phần cho người dân” - ông Khánh nói với Thanh Niên.

Phóng sự “Cây chổi quét rau” trong chương trình “Cà phê sáng với VTV3” phát ngày 3/5/2016 đã bị dư luận lên án gay gắt vì tính thiếu trung thực của nó. Theo người dân xã Vĩnh Thành, phóng viên VTV đã nhờ người dân cầm chổi quét để dàn dựng vụ việc giả vết sâu cắn, ảnh hưởng uy tín người nông dân trồng rau ở xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

VTV đã chính thức xin lỗi trên website tối ngày 11/5 và tạm đình chỉ phóng viên sai phạm.


7. Báo Dân trí có bài: Cục Trồng trọt làm trái: Bộ đã gửi công an điều tra. Bài báo phản ánh: Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết thẩm quyền của cơ quan thanh tra là kiểm tra, rà soát và kiến nghị cơ quan Bộ làm sáng tỏ vấn đề và kiến nghị hình thức xử phạt bước đầu. Mọi hình thức xử phạt sẽ được Bộ NN&PTNT quyết định sau khi có kết luận cuối cùng. Bộ trưởng khẳng định: phải làm kiên quyết, không bao che, vi phạm đến đâu, xử lý đến đó không có vùng cấm trong vấn đề này. Bộ sẽ xử lý các cá nhân liên quan, cả kể xử lý hình sự các dấu hiệu vi phạm pháp luật có yếu tố hình sự.


Hiện, văn bản Bộ gửi cơ quan Công an chưa có phản hồi vì mới được mấy ngày, việc dấu hiệu vi phạm và đề xuất xử lý kiểm điểm là làm rõ trách nhiệm chứ không phải chỉ dừng ở đó thôi. Xử phạt và kết tội một cán bộ, một con người phải đúng pháp luật và trình tự để không gây oan sai và đúng người, đúng tội. Chúng tôi kiến nghị xử lý hình sự thì các anh (báo chí) và dư luận không còn gì hoài nghi cả và hãy chờ cơ quan công an vào cuộc.

Trên đây là thông tin báo chí ngày từ ngày 12/5 đến đầu giờ sáng ngày 13/5/2016, Văn phòng Bộ xin báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo./.



Nơi nhận:

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- Nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường;

- Các Thứ trưởng (để báo cáo);



- Lưu: LTQHCC.

VĂN PHÒNG BỘ







Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 54.37 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương