Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua



tải về 216.13 Kb.
trang4/4
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích216.13 Kb.
#9075
1   2   3   4

C. NHÌN ĐẾN TƯƠNG LAI

Không ai phủ nhận sự cần thiết của Thánh nhạc trong Phụng vụ, nên những thao thức để có được một nền Thánh Nhạc thực sự thánh thiện và có tính nghệ thuật cao luôn tiềm ẩn trong lòng mọi người, đặc biệt là Hội Đồng Giám Mục. Vì thế, Ủy Ban Thánh nhạc luôn nhắm tới tương lai với những ước nguyện cụ thể:

- Đào tạo nhân sự: Ngoài việc vận động Giáo quyền các địa phương gửi người đi du học (đặc biệt tại viện Thánh Nhạc Rôma), Ủy Ban phối hiệp với TRUNG TÂM MỤC VỤ giáo phận Tp. Hồ Chí Minh mở các lớp nhạc ngắn hạn và dài hạn, nâng cao trình độ cho các Ca Trưởng, Ca viên… phổ biến  những qui định của Giáo Hội về Thánh Nhạc, phát động và cổ võ những sinh hoạt chuyên sâu…

- Tuyển chọn và giới thiệu các Tuyển tập Thánh ca từ khởi đầu cho tới nay để các nơi có sẵn trong tay những bài hát nên sử dụng trong Phụng Vụ.

- Dự thảo một Tài liệu Hướng dẫn Mục vụ về Thánh Nhạc và Nhạc Phụng Vụ chung cho các giáo phận tại Việt Nam và đệ trình HĐGM phê chuẩn.

- Tuyển chọn một bài “Đệm đàn” mẫu (không lời hoặc có lời ca).

- Qui tụ các Nhạc sĩ để học hỏi thêm và sáng tác những bài Thánh ca mới, đáp ứng nhu cầu Phụng vụ trong mỗi giai đoạn cụ thể…

- Thúc đẩy và hỗ trợ sinh hoạt Thánh Nhạc các giáo phận…

- Hoàn thiện thư viện thánh nhạc toàn quốc. (Về căn bản là Thư viện hiện nay - toạ lạc tại quận Tân Phú, Tp. HCM -  của linh mục nhạc sĩ Phêrô Kim Long và Ngài sẽ giao lại ngôi nhà và tài sản thánh nhạc cho UBTN. HĐGMVN để toàn quyền sử dụng.

Mọi cố gắng của những người phục vụ Chúa và Hội Thánh qua lời ca tiếng hát qua dọc dài lịch sử Hội Thánh Việt Nam, trong quá khứ cũng như hiện nay, thực sự giúp cộng đoàn Dân Chúa trên quê hương này cầu nguyện cách sống động và trang trọng hơn, phát triển đức tin sâu sắc hơn, tôn vinh Thiên Chúa cách cụ thể hơn và làm cho nhiều người sống đạo bền vững hơn.

Và để cụ thể hóa mục đích Thánh nhạc là: Tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tâm hồn”, Ủy ban Thánh nhạc đã cùng nhau lập kế hoạch hoạt động trong 5 năm tới, như sau:

- Xác định nhiệm vụ: Hướng dẫn và cổ vũ mọi thành phần Dân Chúa, nhất là các Ủy ban Thánh nhạc giáo phận, góp phần làm cho nền Thánh nhạc Việt Nam tiến triển hòa nhịp với nền mục vụ về Phụng vụ (x. Huấn thị Âm Nhạc Trong Phụng Vụ - ANTPV- số 68; HCPV số 44-46): sáng tác và ca hát theo đúng tinh thần Phụng vụ và phù hợp với tinh thần Phụng vụ (x. HCPV số 114 và 121; nghiên cứu và phát triển các bài Thánh ca phù hợp với ngôn ngữ và âm nhạc truyền thống dân tộc (HCPV số 37, 119; ANTPV số 61).

- Phổ biến các văn kiện về Thánh nhạc: tài liệu Tòa Thánh, các chỉ dẫn của Giáo quyền đặc biệt là 3 thông báo mà trước đây Ban Thánh nhạc toàn quốc đã phổ biến (Xin xem tài liệu đính kèm). Việc phổ biến này sẽ lần lượt được đăng tải trong Nội san Hương Trầm (dự định phát hành 4 tháng 1 lần, đã thực hiện được 9 số báo).

- Quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nhân sự cho Thánh nhạc toàn quốc và hỗ trợ đào tạo nhân sự cho các Giáo phận; tăng cường huấn luyện về Phụng vụ và về chất “thánh” trong Thánh nhạc cho các nhạc sĩ để sáng tác đúng các tiêu chuẩn của Thánh nhạc, cũng như cho các ca trưởng để thể hiện đúng giáo huấn của Giáo hội về Thánh nhạc.

- Tìm ra một hướng đi riêng biệt cho việc HỘI NHẬP VĂN HÓA trong Thánh nhạc Việt Nam, giúp phúc âm hóa văn hóa Việt Nam. Sưu tầm và phổ biến di sản hội nhập văn hóa dân gian Công giáo trong các cung Kinh, Sách, Ca Vãn, Ngắm nguyện, Dâng Hoa,v..v..

- Kêu gọi mọi người quan tâm đến nền Thánh nhạc Việt Nam suy tư và đóng góp để có thể hình thành được một nền Thần học Thánh nhạc Việt Nam.

- Tuyển chọn các bài Thánh ca từ đầu cho đến nay để làm thành TUYỂN TẬP THÁNH CA VIỆT NAM, gồm 3 cuốn:

1/ Tuyển tập MỘT: gồm những bài từ khi hình thành nền thánh nhạc Việt Nam cho đến năm 1975.

2/ Tuyển tập HAI: gồm những bài từ 1975 cho đến nay của các tác giả đã có tác phẩm xuất bản thành sách.

3/ Tuyển tập BA: gồm những bài của các tác giả không có sách xuất bản riêng, cùng một số bài hợp xướng quen thuộc với các ca đoàn.

 D. HƯỚNG VỀ NĂM THÁNH 2010:

Toàn thể dân Chúa tại Việt Nam (và hải ngoại) đang hướng về Năm Thánh 2010, kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Ủy ban Thánh nhạc cùng hòa chung niềm vui tạ ơn trong giòng chảy của Giáo Hội nên sẽ thực hiện những công trình về mặt tinh thần và đạo đức để chào mừng và cảm tạ, bao gồm:

1. Nội san “HƯƠNG TRẦM SỐ ĐẶC BIỆT” (với nhiều bài viết và nghiên cứu có tính  học thuật cao), như: Tính Nghệ Thuật của Lời trong Thánh Ca (Khổng Thành Ngọc), Đệm Đàn Trong Phụng Vụ (Tiến Linh), Những nhạc sĩ tiên phong trong nền Thánh Nhạc Việt Nam (Lê Ngọc Bích) v.v..

2. TUYỂN TẬP I THÁNH CA CHUNG VIỆT NAM hơn 1000 trang khổ A 5, với 500 bài thánh ca phổ thông và những Bộ Lễ quen dùng.

3. SÁCH và CD THÁNH CA mừng Năm Thánh:. các nhạc sĩ công giáo sáng tác các bài thánh ca (dành trong phụng vụ), bài ca sinh hoạt, bài ca giáo lý (dành cho các buổi hội thảo, học hỏi hay chia sẻ,v..v..)

4. Sưu tầm và ghi chép lại trên giấy hoặc băng dĩa các cung kinh, sách, ca vãn, ngắm nguyện, dâng hoa…của địa phương mình và Ban thánh nhạc toàn quốc thực hiện Bộ sưu tầm kho tàng hội nhập văn hóa trong thánh nhạc Việt Nam.

5. Bổ sung tư liệu về nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh

6. Sưu tầm ca vãn và cung kinh sách cổ truyền:

7. Tổ chức Hội diễn Thánh ca mừng Năm Thánh.

8. Sưu tầm, san định và sáng tác các bài cho kèn đồng.

9. Nghiên cứu và giảng dạy kỹ thuật đệm đàn trong phụng vụ.

E. KẾT LUẬN

Trải qua 50 năm, thánh nhạc Việt Nam đã cùng đồng hành với dân Chúa, đã góp phần không nhỏ trong đời sống đức tin của họ. Đức tin trong âm nhạc nâng cá nhân và cộng đoàn lên cao khỏi chính mình và giúp vươn tới người khác. Bởi vì mỗi bài thánh ca được hát lên (lời ca từ Thánh Kinh, từ Phụng vụ, từ suy tư thần học, hay trải nghiệm của tác giả) cũng là lúc người tín hữu ca hát những thăng trầm của cuộc đời, biến cuộc đời thành bài ca tôn vinh Thiên Chúa và mưu ích cho các tâm hồn.

Âm nhạc dành cho mọi người nói chung (cả người có niềm tin, người không có niềm tin lẫn người đang chao đảo vì niềm tin nữa), còn thánh nhạc dành cho các kitô hữu nói riêng. Nhưng hiệu quả là “muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước mọi dân (Kh 5, 9)” đều bị lôi cuốn vào âm nhạc. Một hình thức nghệ thuật mà hầu như ai cũng biết cảm nhận. Thánh nhạc là con đường có thể dẫn ta tới gặp Thiên Chúa hay mở cửa lòng ta biết trân quý cuộc sống, biết trân quý người khác và biết trân quý thế giới kỳ diệu mà ai cũng có trách nhiệm phải chăm sóc.

Vì thế, có thể nói được rằng hoạt động thánh nhạc chỉ là một nối dài thừa tác vụ mà Thiên Chúa đã kêu gọi người tín hữu từ khi họ lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy.



Ước mong mọi người tín hữu ý thức sự cao quý của hoạt động thánh nhạc, vì đó là một hoạt động thuộc đức thờ phượng, một công tác tông đồ, một việc làm bác ái và một sinh hoạt nghệ thuật. Thánh nhạc vừa làm đẹp cho buổi cử hành Phụng vụ, vừa nuôi dưỡng và làm tăng triển đời sống đạo đức của tín hữu.

UB Thánh nhạc / HĐGMVN

tải về 216.13 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương