The Buddha and His Teachings


Kinh Niệm Xứ (Satipatthana Sutta) 514



tải về 3.18 Mb.
trang40/43
Chuyển đổi dữ liệu10.03.2018
Kích3.18 Mb.
#36443
1   ...   35   36   37   38   39   40   41   42   43

Kinh Niệm Xứ (Satipatthana Sutta)
514


Lúc ấy tôi có nghe như thế này:

Đức Phật tuyên ngôn như sau:

Này chư Tỳ Khưu, có con đường duy nhất 515 để chúng sanh tự thanh lọc, để diệt trừ đau khổ 516, để thành đạt trí tuệ, và để chứng ngộ Niết Bàn - đó là Tứ Niệm Xứ. Bốn đó là gì?

Nơi đây, người đệ tử 517 sống :



I. Quán niệm thân (Kayanupassana) trong thân 518, nhiệt tâm (atapi), hiểu biết rõ ràng (sampajano), giữ chánh niệm (satima), dứt bỏ 519 tham ái (abhijjha) và sầu khổ (domanassa) 520 trong thế gian (loke) này.

II. Quán niệm thọ (vedananupassana);

III. Quán niệm tâm (cittanupassana);

IV. Quán niệm pháp (dhammanupassana).

---o0o---


I. Niệm Thân (Kayanupassana)


Người đệ tử quán niệm thân như thế nào?

1. Niệm Hơi Thở (anapana sati).

Vị đệ tử rút ẩn dật vào rừng 521 hay dưới một cội cây, hoặc một nơi vắng vẻ, ngồi kiết già 522, thân người ngay thẳng, chuyên chú an trú trong chánh niệm. Chú tâm hay biết (sato), vị ấy thở vô; hay biết, vị ấy thở ra. Thở vô một hơi dài, vị ấy hay biết: "Tôi đang thở vô một hơi dài". Thở ra một hơi dài, vị ấy hay biết: "Tôi đang thở ra một hơi dài". Thở vô một hơi ngắn, vị ấy hay biết: "Tôi đang thở vô một hơi ngắn". Thở ra một hơi ngắn, vị ấy hay biết: "Tôi đang thở ra một hơi ngắn".

Chứng nghiệm trọn vẹn tiến trình 523 (của hơi thở), (sabakayapatisamvedi): "Tôi sẽ thở vô", vị ấy luyện tập như vậy.

Chứng nghiệm trọn vẹn tiến trình (của hơi thở): "Tôi sẽ thở ra", vị ấy luyện tập như vậy.

Làm lắng dịu tiến trình của hơi thở (passambhayam kayasamkharam): "Tôi sẽ thở vô", vị ấy luyện tập như vậy.

Làm lắng dịu tiến trình của hơi thở: "Tôi sẽ thở ra", vị ấy luyện tập như vậy.

Cũng như người thợ tiện chuyên nghiệp, hay người đang học nghề làm thợ tiện, khi kéo sợi dây của bàn tiện một đoạn dài thì biết: "Tôi đang kéo một đoạn dài", khi kéo một đoạn ngắn, biết: "Tôi đang kéo một đoạn ngắn", cùng thế ấy, vị đệ tử thở vô dài thì biết: "Tôi đang thở vô một hơi dài", thở vô ngắn, biết: "Tôi đang thở vô một hơi ngắn".

Chứng nghiệm trọn vẹn tiến trình... (lặp lại như trên)... vị ấy luyện tập như vậy.

Như thế ấy, vị đệ tử niệm thân trong thân, hay niệm thân ngoài thân, hoặc cả hai, niệm thân trong thân và niệm thân ngoài thân 524. Vị ấy sống quán niệm bản chất sanh khởi 525 (samudayadhamma) của tiến trình hơi thở, bản chất hoại diệt 526 (vayadhamma), bản chất khởi sanh và hoại diệt của tiến trình hơi thở.

Lúc bấy giờ phát sanh đến vị ấy sự hay biết, "chỉ có một cơ thể" 527, trong mức độ cần thiết để phát triển trí tuệ, để phát triển chánh niệm. Vị ấy sống độc lập 528, không bám níu vào bất luận gì trong thế gian 529 này.

Như thế ấy, vị đệ tử sống niệm thân.

---o0o---



2. Quán Niệm Những Oai Nghi Của Thân (Iriyapatha)

Trong khi đi 530, vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang đi"; khi đứng, hiểu biết: "Tôi đang đứng"; khi ngồi, hiểu biết: "Tôi đang ngồi"; khi nằm, hiểu biết: "Tôi đang nằm". Vị ấy hiểu biết mọi oai nghi (thế cử động) của thân mình.

Như thế ấy, vị đệ tử niệm thân trong thân, thân ngoài thân, hoặc quán niệm cả hai, trong thân và ngoài thân.

Vị ấy quán niệm bản chất sanh khởi của thân, hay bản chất hoại diệt của thân. Lúc bấy phát sanh đến hành giả sự hay biết, "chỉ có một cơ thể", trong mức độ... (như trên)... vị ấy sống không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này.

---o0o---

3. Quán Niệm Sự Hay Biết (Catusampajanna)

Vị đệ tử hoàn toàn hay biết khi đi tới, đi lui, khi nhìn về phía trước hay nhìn quanh, khi co tay, co chân vào hay duỗi ra, khi đắp y, mang bát, khi ăn, uống, nhai, nếm, khi đi đại tiện hay tiểu tiện, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi ngủ, khi thức, khi nói và khi giữ im lặng.

Như thế ấy vị đệ tử quán niệm thân... (như trên)... vị ấy sống không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này.

---o0o---



4. Quán Tưởng Tánh Cách Ô Trược Của Thân (Patikkulamanasikara). 531

Vị đệ tử quán tưởng đến cơ thể của chính mình, từ bàn chân trở lên và từ đỉnh đầu trở xuống, bao bọc trong một lớp da và chứa đầy các loại uế trược khác nhau.

Trong thân này có: tóc, lông, móng tay, móng chân, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, màng phổi, lá lách, phổi, bao tử, ruột, ruột non, phẩn, mật, đờm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, dầu, nước miếng, nước mũi, nước nhớt ở các khớp xương và nước tiểu.

Cũng giống như có một cái bao trống hai đầu, chứa đựng đầy những loại mể cốc như gạo, lúa, đậu xanh, đậu váng, mè và trấu; người kia dở miệng bao lấy ra từng món và quán tưởng: đây là gạo, đây là lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu váng, đây là mè, đây là trấu, cùng thế ấy, vị đệ tử quán tưởng đến tánh chất ô trược khác nhau của từng bộ phận trong thân mình.

Như thế ấy, vị đệ tử niệm thân trong thân... (như trên)... vị ấy sống không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này.

---o0o---



5. Quán Tưởng Về Tứ Đại (Dhatumanasikara)532

Vị đệ tử quán tưởng đến các nguyên tố cấu thành thân này của chính mình. Trong thân này có thành phần đất (địa đại, nguyên tố có đặc tánh cứng hay mềm, chiếm không gian, nới rộng, duỗi ra), thành phần nước (thủy đại, nguyên tố có đặc tánh lỏng, làm dính liền lại), thành phần lửa (hỏa đại, nguyên tố có đặc tánh nóng hay lạnh) và thành phần gió (phong đại, nguyên tố có đặc tánh di động).

Cũng như người đồ tể thiện xão, hay người đang học nghề làm đồ tể, khi hạ một con bò và cắt ra thành từng phần rồi ngồi tại ngã ba đường, bày các phần thịt ấy ra (hiểu biết đây là đùi, đây là vai, đây là sườn v.v...), cùng thế ấy, vị đệ tử quán tưởng đến các thành phần cấu thành cơ thể mình.

Như thế ấy, vị đệ tử niệm thân trong thân... (như trên)... vị ấy không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này.

---o0o---

6. Quán Tưởng Chín Loại Tử Thi (Navasivathikapabba)

a. Vị đệ tử nhìn thấy một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma, của người chết được một ngày, hai ngày, hay đã chết ba ngày, sình lên, bầm tím và chảy nước hôi thúi. Lúc bấy giờ vị đệ tử liên tưởng đến thân của chính mình như thế này: "Thật vậy, thân này cũng cùng thế ấy, cũng cùng một bản chất như vậy, cũng trở thành như vậy và sẽ không thể tránh khỏi trạng thái ấy."

Như thế ấy, vị đệ tử niệm thân trong thân... (như trên)... vị ấy không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này.

b. Vị đệ tử nhìn thấy một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma bị quạ, diều, kên kên, chó nhà hoặc chó rừng cấu xé để ăn thịt, hay các loại giòi tửa hoặc côn trùng đục khoét. Vị ấy liên tưởng đến thân mình như thế này: "Thật vậy, thân này cũng cùng thế ấy, cũng cùng một bản chất như vậy và sẽ không thể tránh khỏi trạng thái ấy."

Như thế ấy vị đệ tử niệm thân trong thân... (như trên)... vị ấy không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này.

c. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma chỉ còn bộ xương dính liền nhau nhờ mấy sợi gân, còn chút ít thịt và máu...

d. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma chỉ còn bộ xương dính liền nhau nhờ mấy sợi gân, còn lem luốc máu, mà thịt đã hết...

e. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma chỉ còn bộ xương trơ trọi, dính liền nhau nhờ mấy sợi gân, thịt và máu đã hết ...

f. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma chỉ còn là những khúc xương rời rạc nằm ngổn ngang: xương bàn tay, xương bàn chân, xương ống quyển, xương đùi, xương mông, xương sống, sọ...

g. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma chỉ còn những khúc xương trắng phao như vỏ sò, vỏ ốc (bỏ lâu ngày ngoài mưa nắng)...

h. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma của người đã chết hơn một năm, chỉ còn một đống xương...

i. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma chỉ còn những lóng xương thâm đen, đang dần dần tan rã thành cát bụi. Vị đệ tử liên tưởng đến thân mình như thế này: "Thật vậy, thân này cũng cùng thế ấy, cũng cùng một bản chất như vậy, cũng trở thành như vậy, và sẽ không thể tránh khỏi trạng thái ấy."

Như thế ấy vị đệ tử niệm thân trong thân... (như trên)... vị ấy không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này.

---o0o---


II. Niệm Thọ (Vedananupassana)


Khi chứng nghiệm thọ lạc, vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ lạc".

Khi chứng nghiệm thọ khổ, vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ khổ".

Khi chứng nghiệm thọ vô ký (không lạc, không khổ), vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ vô ký".

Khi chứng nghiệm thọ trần tục (samisa, thuộc về thế gian), vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ lạc trần tục".

Khi chứng nghiệm thọ lạc phi trần tục (niramisa, không thuộc về thế gian), vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ lạc phi trần tục".

Khi chứng nghiệm thọ khổ phi trần tục, vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ khổ phi trần tục".

Khi chứng nghiệm thọ vô ký phi trần tục, vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ vô ký phi trần tục".

Như thế ấy, vị đệ tử sống niệm thọ trong thọ, hay thọ ngoài thọ, hoặc cả hai, bên trong và bên ngoài.

Vịấy sống quán niệm bản chất sanh khởi, bản chất hoại diệt, bản chất sanh khởi và hoại diệt của những thọ cảm.

Lúc bấy giờ phát sanh đến vị ấy sự hay biết: "chỉ có những thọ cảm" trong mức độ cần thiết... (như trên)... vị ấy sống không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này.

---o0o---

III. Niệm Tâm (Cittanupassana)


Khi tâm có tham (raga), vị đệ tử hay biết rằng tâm có tham. Khi tâm không có tham, hay biết không có tham.

Khi tâm có sân (dosa), vị ấy hay biết rằng tâm có tham. Khi tâm không có sân, hay biết rằng không có sân.

Khi tâm có si (moha), vị ấy hay biết rằng tâm có si. Khi tâm không có si, hay biết rằng không có si.

Khi tâm uể oải (samkhitta, tức liên hệ đến dã dượi hôn trầm), hay biết tâm uể oải.

Khi tâm loạn động (vikkhitta, tức liên hệ đến uddhaca, danh từ gọi chung các loài tâm thuộc Sắc Giới hay Vô Sắc Giới), vị ấy hay biết rằng có tâm phát triển cao thượng.

Khi có tâm không phát triển cao thượng (amahaggata, tức các loại tâm thuộc Dục Giới, kamavacara), hay biết có tâm không phát triển cao thượng.

Khi có tâm hữu hạn 533 (sanuttara, còn có thể hơn được, tức là các loại tâm thuộc Dục Giới hay Sắc Giới, vì các loại tâm nầy còn có thể được phát triển cao hơn, đến tâm Vô Sắc Giới), vị ấy hay biết rằng có tâm hữu hạn.

Khi có tâm vô thượng (anuttara, không thể hơn được nữa), vị ấy hay biết có tâm vô thượng.

Khi có tâm tâm định (samahita, an trụ vững vàng), vị ấy hay biết có tâm định.

Khi có tâm tâm không định (asamahita,), vị ấy hay biết có tâm không định.

Khi có tâm giải thoát (vimutta, tự do), vị ấy hay biết có tâm (tạm thời) giải thoát.

Khi có tâm tâm không giải thoát (avimutta), vị ấy hay biết có tâm không giải thoát.

Như thế ấy, vị đệ tử sống quán niệm tâm trong tâm, hay quán niệm tâm ngoài tâm, hay quán niệm tâm trong và tâm ngoài.

Vị ấy sống quán niệm bản chất sanh khởi của các trạng thái tâm, bản chất hoại diệt của các trạng thái tâm, bản chất khởi sanh và hoại diệt của các trạng thái tâm. Lúc bấy giờ phát sanh đến vị ấy sự hiểu biết, "chỉ có những trạng thái tâm" trong mức độ cần thiết ... (như trên) ... vị ấy không bám níu vào bất luận gì trong thế gian nầy.

---o0o---



tải về 3.18 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   35   36   37   38   39   40   41   42   43




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương