Thực hiện Quyết định số 1076/QĐ-ttg ngày 14/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 924/kh-ubnd ngày 07/8/2015 của ubnd tỉnh Quảng Bình về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)


Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội



tải về 196.86 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích196.86 Kb.
#29041
1   2   3

2. Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.

a) Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên

Điều 12 BLHS hiện hành quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng”.

Dự thảo Bộ luật lần này (Điều 12) kế thừa quy định của BLHS hiện hành nhưng chỉ rõ hơn những tội phạm cụ thể mà người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS. Cụ thể là:

“Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em, tội cướp tài sản, tội cướp giật tài sảntội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:

a) Điều 133 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 142 (tội cưỡng dâm);

b) Điều 168 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản); Điều 169 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 172 (tội trộm cắp tài sản); Điều 177 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);

c) Điều 249 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội tàng trữ, trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 253 (tội chiếm đoạt chất ma túy);

d) Điều 275 (tội đua xe trái phép);

đ) Điều 294 (tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm dùng để tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 295 (tội phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 296 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 298 (tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 299 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản); Điều 300 (tội truy cập trái phép tài khoản ngân hàng của tổ chức, cá nhân chiếm đoạn tài sản); Điều 304 (tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa thông tin về tài khoản ngân hàng); Điều 305 (sản xuất mua bán, tàng trữ, lưu hành thẻ ngân hàng giả để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản;

e) Điều 311 (tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng); Điều 316 (tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia)”.

Về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với quy định tại Điều 12 của dự thảo BLHS (sửa đổi) vì:



Thứ nhất, theo quy định hiện hành thì diện các tội phạm mà trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự là khá rộng và quan trọng hơn là quy định này không rõ ràng, minh bạch, nên bản thân các em không thể hoặc khó có thể biết được chính xác khi nào thì hành vi bị coi là tội phạm. Điều này dẫn đến công tác phòng ngừa không đạt hiệu quả.

Thứ hai, thực tế cho thấy, số trường hợp trẻ em từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi tự mình thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng là không nhiều và chủ yếu tập trung vào một số tội thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, các tội xâm phạm sở hữu. Còn lại phần lớn các trường hợp khác các em tham gia thực hiện tội phạm là do bị người lớn xúi giục, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa,...., bản thân các em không nhận thức được một cách đầy đủ về tính chất, mức độ nguy hiểm của loại tội phạm mà mình đã thực hiện (ví dụ: các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phạm về kinh tế, môi trường, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh, ...). Vì vậy, việc xử lý hình sự đối với các em trong những trường hợp này có phần quá nghiêm khắc và ít có tác dụng giáo dục, phòng ngừa, giúp các em nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của bản thân.

Do đó, BLHS cần khoanh lại một số tội mà người chưa thành niên ở độ tuổi này hay thực hiện và quy định rõ những tội danh cụ thể thuộc một số nhóm tội phạm mà người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS. như: các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm sở hữu; các tội phạm về ma túy và các tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn công cộng.

- Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành (Điều 12): “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng”, vì nếu quy định như dự thảo BLHS thì dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

b) Các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội

BLHS hiện hành không quy định các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội mà chỉ quy định miễn TNHS đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình, cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục (khoản 2 Điều 69).

Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bổ sung các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội cụ thể là Khiển trách (Điều 91), Hòa giải tại cộng đồng (Điều 92), Giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức (Điều 93).

Về vấn đề này có hai loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc bổ sung quy định về biện pháp thay thế xử lý hình sự như trong dự thảo BLHS (sửa đổi) là cần thiết để tiếp tục thực hiện chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, nhất là đối với đối tượng cần bảo vệ đặc biệt là người chưa thành niên theo hướng hạn chế khả năng đưa người chưa thành niên vào vòng quay tố tụng. Việc bổ sung các quy định này nhằm khắc phục bất cập của quy định hiện hành, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục tại cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

- Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành (tại khoản 2 Điều 69), đồng thời cụ thể hóa các điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên, giúp các cơ quan tố tụng có cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng để áp dụng trên thực tế.



3. Việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân.

a) Về bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm

BLHS hiện hành quy định hình phạt tử hình đối với 22 tội danh.

Dự thảo BLHS (sửa đối) dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh, cụ thể là các tội: cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh (các Điều 164, 314, 404, 410, 433, 434 và Điều 435), đồng thời, dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với hành vi phạm tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy quy định tại Điều 194 của BLHS hiện hành.

Về vấn đề này hiện có hai loại ý kiến:



- Loại ý kiến thứ nhất tán thành phương án bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh cũng như như hành vi phạm tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trong dự thảo BLHS (sửa đổi) và đề nghị nếu có quy định hình phạt chung thân không giảm án thì nên rà soát để bỏ thêm hình phạt tử hình đối với một số tội phạm nữa, vì:

Thứ nhất, điều này là nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương giảm áp dụng hình phạt tử hình theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp.

Thứ hai, đối với tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231 BLHS hiện hành): từ BLHS năm 1985 đến BLHS năm 1999, tội phạm này đã có sự chuyển đổi về khách thể xâm hại từ an ninh quốc gia sang trật tự, an toàn xã hội, và do vậy, tầm quan trọng và yêu cầu bảo vệ khách thể đối với tội này cũng đã có sự thay đổi không còn ở mức cao như trước đây. Hơn nữa, đối tượng xâm hại của tội này là tài sản dưới dạng các công trình, phương tiện có tầm quan trọng về an ninh quốc gia, trước đây đều thuộc sở hữu Nhà nước nên có chính sách xử lý nghiêm khắc hơn, nhưng nay thuộc nhiều sở hữu của các thành phần kinh tế khác nhau mà về nguyên tắc, phải được bảo vệ như nhau theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Do vậy, hình phạt tù chung thân đối với tội phạm này là đủ nghiêm khắc. Ngoài ra, thực tiễn cũng cho thấy, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các Tòa án không áp dụng hình phạt tử hình đối với những người phạm tội này. Mặt khác, việc bỏ tử hình đối với tội danh này không bó tay chúng ta trong việc xử lý tội phạm, bởi lẽ, trong một số trường hợp nhất định, người thực hiện hành vi phá hủy công trình, phương tiện có tầm quan trọng về an ninh quốc gia có thể bị xử lý về các tội phạm tương ứng trong BLHS, ví dụ: tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam (Điều 85); tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 84) hoặc tội khủng bố (Điều 230a) là những tội có quy định hình phạt tử hình.

Thứ ba, đối với tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 341 BLHS hiện hành), tội chống loài người (Điều 342 BLHS hiện hành) và tội phạm chiến tranh (Điều 343 BLHS hiện hành): Thực tiễn thi hành BLHS cho thấy, tuy các tội danh này có quy định hình phạt tử hình nhưng trên thực tế từ năm 1985 đến nay chưa có trường hợp nào phạm các tội này và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là những tội chủ yếu mang tính phòng ngừa. Hơn nữa, xu hướng quốc tế cũng đã bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm này. Liên bang Nga cũng chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội diệt chủng - một trong số tám tội danh thuộc nhóm các tội phá hoại hòa bình và an ninh loài người. Trong điều kiện chúng ta đang thực hiện chủ trương của Đảng về giảm hình phạt tử hình thì việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh này là cần thiết. Trường hợp cần thiết có thể xử lý về một số tội danh khác có quy định hình phạt tử hình, ví dụ như: các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội giết người, ... Do vậy, việc bỏ hình phạt tử hình đối với 03 tội này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm mà lại góp phần làm giảm bớt số lượng tội danh có quy định hình phạt tử hình trong BLHS.

Thứ tư, đối với tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS hiện hành): Bản chất của tội này là tước đoạt quyền sở hữu của người khác bằng vũ lực hoặc bằng các hành động khác tấn công nạn nhân làm cho họ không thể chống cự được. Vì vậy, trong khi thực hiện hành vi cướp tài sản, người phạm tội có thể gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của nạn nhân. Tuy nhiên, mục đích của người phạm tội này là chiếm đoạt tài sản của người khác chứ không phải là xâm phạm tính mạng, sức khỏe. Việc gây thương tích hoặc làm chết người khi thực hiện hành vi cướp không nằm trong ý định chủ quan của người phạm tội cướp. Hơn nữa, không phải mọi trường hợp phạm tội cướp tài sản đều gây chết người, do vậy, việc áp dụng hình phạt tù chung thân đối với tội phạm này là đủ nghiêm khắc cũng tương tự như trường hợp cố ý gây thương tích dẫn đến chết nhiều người quy định tại khoản 4 Điều 104 của BLHS. Nếu chứng minh được người phạm tội còn có ý định tước đoạt sinh mạng của nạn nhân thì có thể xử lý về tội giết người mà hình phạt cao nhất là tử hình.

- Loại ý kiến thứ hai không đồng tình với việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh; cướp tài sản, vận chuyển trái phép chất ma túy. Việc duy trì hình phạt tử hình đối với các tội này là để bảo đảm sự răn đe, phòng ngừa chung.



b) Về quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về một số tội phạm, nhưng sau khi bị kết án đã khắc phục về cơ bản hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc lập công lớn (Điểm c khoản 3 Điều 39 dự thảo)

BLHS hiện hành không quy định vấn đề này.

Dự thảo BLHS (sửa đổi) bổ sung quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Về vấn đề này có hai loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định này vì:

Thứ nhất, đây là quy định nhằm hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế, góp phần thực hiện chủ trương của Nghị quyết 49 về giảm hình phạt tử hình.

Thứ hai, mục đích chính của quy định này là nhằm tạo cho người bị kết án tử hình cơ hội cuối cùng để được sống nhưng phải có sự nổ lực, tích cực bằng những hành động cụ thể để khắc phục cơ bản hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, hợp tác tích cực trong việc phát hiện, khám phá tội phạm hoặc có sự lập công lớn. Người được áp dụng quy định này vẫn phải chịu án tù chung thân.

Thứ ba, quy định này không chỉ cho phép người bị kết án có cơ hội giữ lại mạng sống mà còn giúp các cơ quan chức năng thu hồi lại được các tài sản bị chiếm đoạt, bị thất thoát, lãng phí (đây là vấn đề nhức nhối hiện nay).

Thứ tư, diện đối tượng áp dụng quy định này cũng rất hẹp, chủ yếu tập trung vào đối tượng bị kết án tử hình về một số tội mang tính kinh tế, như: sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, tham ô. Quy định không áp dụng đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người và xâm phạm trật tự, an toàn công cộng (ví dụ: các tội ma túy, khủng bố) thì không áp dụng quy định này.

Thứ năm, đây cũng là kinh nghiệm của Trung Quốc nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm tham nhũng.

- Loại ý kiến thứ hai không đồng tình với quy định này vì cho rằng, điều này ở khía cạnh nào đó sẽ dễ dẫn đến cách hiểu là dùng tiền để thoát án tử hình.



c) Về vấn đề giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm (khoản 3 Điều 63)

BLHS hiện hành không quy định chế định này.

Khoản 3 Điều 63 của dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định:

PA 1. Không áp dụng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đối với trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm.

PA 2. Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 39 Bộ luật này thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 20 năm và phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 25 năm.

Về vấn đề này hiện có hai loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất tán thành với phương án 1 quy định tại khoản 3 Điều 63 của dự thảo BLHS (sửa đổi), vì cho rằng, xét từ góc độ quyền sống của con người được quy định lần đầu tiên trong Hiến pháp 2013 thì việc áp dụng tù chung thân không giảm án là giải pháp có ý nghĩa lớn vì đã tạo cho người đã bị kết án tử hình một cơ hội để tiếp tục được sống, được lao động, gặp gỡ người thân, đồng thời cũng tạo cơ hội để khắc phục sai lầm có thể xảy ra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với người bị kết án tử hình. Những điều này sẽ không thực hiện được nếu án tử hình được thi hành. Quy định này cũng góp phần giảm hình phạt tử hình trên thực tế, đồng thời, đây là một bước quá độ để tiến tới việc loại bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình.

- Loại ý kiến thứ hai đồng tình với phương án 2 của khoản 3 Điều 63 dự thảo BLHS (sửa đổi)và đề nghị bổ sung quy định đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 39 Bộ luật này thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 20 năm và phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 25 năm.



d) Về quy định không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên

BLHS hiện hành không quy định vấn đề này.

Dự thảo BLHS (sửa đổi) bổ sung quy định không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên (Khoản 2, điểm b Khoản 3 Điều 39)

Về vấn đề này có hai loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với quy định này vì cho rằng, đây là một hướng góp phần giảm hình phạt tử hình trên thực tế, đồng thời nó mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, là một đặc ân của Nhà nước đối với đối tượng người bị kết án đã đến tuổi thượng thọ, được hướng chế độ ưu đãi của Nhà nước.

- Loại ý kiến thứ hai đề nghị không nên bổ sung quy định này vì thực tế tuổi thọ trung bình nước ta đã được nâng cao hơn trước. Mặt khác, người 75 tuổi vẫn có thể là người chỉ huy các băng nhóm tội phạm.



4. Về chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn (Điều 35 và Điều 36 dự thảo).

BLHS hiện hành không quy định chế định này.

Dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định về cơ chế chuyển đổi hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù, cụ thể như sau:

- Về chuyển đổi hình phạt tiền thành hình phạt tù có thời hạn, khoản 4 Điều 35 dự thảo quy định:

PA 1. Khi tuyên hình phạt tiền là hình phạt chính, Tòa án tuyên nếu trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án không chấp hành thì hình phạt tiền được chuyển đổi thành hình phạt tù, đồng thời ấn định mức phạt tù mà người đó phải chấp hành theo nguyên tắc sau:

a) Nếu khung hình phạt áp dụng không có quy định hình phạt tù thì mức phạt tù cao nhất không quá 03 năm tù;

b) Nếu khung hình phạt được áp dụng có quy định hình phạt tù lựa chọn với phạt tiền thì mức phạt tù cao nhất không quá mức cao nhất của hình phạt tù tại khung hình phạt tương ứng;

c) Trường hợp người bị kết án đã chấp hành một phần hình phạt tiền thì căn cứ vào phần hình phạt còn lại phải chấp hành, Tòa án quyết định chuyển đổi thành mức hình phạt tù tương ứng.

Không áp dụng quy định tại khoản này đối với pháp nhân, người bị kết án là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người khuyết tật nặng.

PA 2. Không quy định khoản này”.

- Về chuyển hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn, Khoản 5 Điều 36 dự thảo quy định:

“5. Khi tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ, Tòa án tuyên trong bản án trường hợp người bị kết án không thực hiện các nghĩa vụ thì hình phạt này được chuyển thành hình phạt tù theo nguyên tắc 03 ngày cải tạo không giam giữ bằng 01 ngày tù.

Không áp dụng quy định này đối với người bị kết án là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người khuyết tật nặng.”

Về vấn đề này có hai loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất tán thành việc bổ sung cơ chế chuyển đối từ hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù có thời hạn, vì:



Thứ nhất, một trong những định hướng lớn sửa đổi BLHS lần này là giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số tội phạm theo tinh thần Nghị quyết 49 của Đảng về cải cách tư pháp. Theo đó, dự thảo đã bổ sung hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ vào nhiều điều luật. Tuy nhiên, kết quả tổng kết thực tiễn hơn 14 năm thi hành BLHS cho thấy, hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ tính khả thi không cao, hiệu quả kém, vì thế đã phần nào làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Do đó, cần thiết bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án để bảo đảm tăng tính răn đe, phòng ngừa của hình phạt này. Nếu để xử lý về tội không chấp hành án thì quá lâu và còn làm nặng thêm tình trạng của người bị kết án (đồng thời phải chấp hành hai bản án) Việc chuyển đổi này cũng là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

Thứ hai, việc quy định chuyển đổi hình phạt là nhằm bảo đảm tính khả thi của hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ trên thực tế. Khi chuyển đổi thì người bị kết án phạt tiền, cải tạo không giam giữ chỉ phải chấp hành hình phạt tù (hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ được quy đổi). Nếu không quy định trường hợp này, người bị kết án không chịu chấp hành án có thể bị truy tố về tội không chấp hành án. Điều này xảy ra tình trạng cùng một lúc người bị kết án phải đồng thời chấp hành hai loại hình phạt chính khác nhau.

- Loại ý kiến thứ hai không tán thành với quy định việc chuyển hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù vì cho rằng, không nên cùng một lúc áp dụng hai loại hình phạt khác nhau. Nếu người bị kết án không chấp hành hình phạt sẽ bị truy tố về tội không chấp hành án; việc chuyển đổi này sẽ làm xấu hơn tình trạng của bị cáo (là đang từ không tước tự do là phạt tiền và cải tạo không giam giữ bị chuyển thành hình phạt tù).



5. Về hình phạt Trục xuất

Bộ luật hình sự hiện hành quy định hình phạt Trục xuất vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung (Điều 28 và Điều 32 BLHS 1999). Dự thảo BLHS (Điều 32) quy định hình phạt này áp dụng theo hai phương án: Phương án thứ nhất: giữ nguyên như BLHS hiện hành (vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung); Phương án hai chỉ là hình phạt bổ sung.



Về vấn đề này hiện có hai loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, nên giữ như quy định hiện hành, theo đó, hình phạt trục xuất vừa có thể áp dụng là hình phạt chính, có thể là hình phạt bổ sung để bảo đảm sự linh hoạt cho Tòa án trong việc cân nhắc áp dụng hình phạt trục xuất trong từng trường hợp phạm tội cụ thể và từng đối tượng phạm tội cụ thể.

- Loại ý kiến thứ hai đề nghị chỉ nên áp dụng hình phạt này với tư cách là hình phạt bổ sung vì cho rằng, người phạm tội (dù là công dân Việt Nam hay người nước ngoài) khi bị đưa ra xét xử tại Tòa án Việt Nam theo pháp luật hình sự Việt Nam thì cần phải bình đẳng, trong đó bao hàm cả sự bình đẳng về việc áp dụng loại, mức hình phạt và nghĩa vụ chấp hành hình phạt. Sẽ bất công nếu công dân Việt Nam phạm một tội cụ thể trên lãnh thổ Việt Nam thì phải chịu cả hình phạt chính lẫn hình phạt bổ sung và các nghĩa vụ dân sự khác, trong khi đó, nếu đối tượng phạm tội là người nước ngoài (cũng phạm tội đó) lại có thể chỉ bị áp dụng hình phạt trục xuất (với ý nghĩa là hình phạt chính) mà không phải chịu thêm một nghĩa vụ nào khác. Trong khi đó, thực tiễn cho thấy, khi công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài thì thông thường phải chấp hành xong hình phạt và các nghĩa vụ thì mới bị trục xuất.

6. Về việc thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế

BLHS hiện hành quy định tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165).

Dự thảo BLHS (sửa đổi) dự kiến cụ thể hóa hành vi phạm tội có tính chất cố ý làm trái trong các lĩnh vực kinh tế và quy định thành các tội danh cụ thể trong từng lĩnh vực để thay thế cho tội danh này.

Về vấn đề này có hai loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với đề xuất như trong dự thảo BLHS (sửa đổi) vì:

Thứ nhất, để tăng cường tính minh bạch của BLHS, nhất là trong khi Việt Nam đang trong quá trình chuyển đối cơ chế quản lý kinh tế từ cơ chế tập trung sang cơ chế thị trường và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nhiều chính sách kinh tế vừa làm vừa thử nghiệm thì việc duy trì một tội phạm với dấu hiệu cấu thành là “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” được coi như là một “trở ngại”, làm nản lòng các nhà đầu tư, nhà quản lý. Do đó, dự thảo BLHS (sửa đổi) dự kiển chuyển dấu hiệu tội phạm của tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (từ cấu thành tội phạm chung) bằng cách rà soát, quy định trong các cấu thành tội phạm cụ thể.

Thứ hai, dự thảo BLHS (sửa đổi) không đặt vấn đề bãi bỏ tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mà chỉ cụ thể hóa hành vi phạm tội này thành các tội danh cụ thể trong từng lĩnh vực để bảo đảm tính công khai, minh bạch của BLHS, tránh sự tùy tiện trong việc áp dụng BLHS để xử lý tội phạm, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp mới năm 2013. Theo đó, tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được cụ thể hóa trong 45 tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thuộc 3 nhóm lĩnh vực: 1) sản xuất, kinh doanh, thương mại; 2) thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; 3) lĩnh vực kinh tế khác. Bên cạnh đó, BLHS cũng có một số điều khoản mang tính chất ”cố ý làm trái” trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngoài ra, trong chương các tội phạm về chức vụ cũng đã quy định một số tội danh liên quan đến hành vi “cố ý làm trái” của người có chức vụ, quyền hạn như: tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

- Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc chưa nên bỏ tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vì nếu chúng ta không lường hết được các trường hợp xảy ra, thì có thể dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm.



Каталог: 3cms -> upload
upload -> CHƯƠng 1 khái quáT ĐẶC ĐIỂM ĐỊa lý TỰ nhiên và XÃ HỘi vị trí địa lý
upload -> Chương 1 khái quáT ĐẶC ĐIỂM ĐỊa lý TỰ nhiên vị trí địa lý
upload -> Thủ tục Giải quyết trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945
upload -> Quyết định ban hành Nội quy lao động (Mẫu số 02)
upload -> Ủy ban quốc gia vì SỰ tiến bộ CỦa phụ NỮ việt nam
upload -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
upload -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
upload -> BỘ TÀi chính bộ TƯ pháP
upload -> Thủ tục: Đăng ký hợp đồng cá nhân đối với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài a Trình tự thực hiện
upload -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc ĐƠN ĐỀ nghị

tải về 196.86 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương