THỊ trưỜng hàng hoá ĐÁng quan tâm trong tuần chính phủ đồng ý bơm mạnh ngoại tệ để cứu tỷ giá


Tập đoàn Đức đầu tư dự án điện gió tại Sóc Trăng



tải về 176.87 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích176.87 Kb.
#38097
1   2   3

Tập đoàn Đức đầu tư dự án điện gió tại Sóc Trăng

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã làm việc với tập đoàn EAB, Đức và chấp thuận cho đầu tư thực hiện dự án “Công nghệ điện gió” tại huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng.

Dự án công nghệ điện gió này sẽ được tập đoàn EAB và Công ty cổ phần thương mại sản xuất và dịch vụ tổng hợp (TRASESCO) triển khai thực hiện trong năm tới tại hai xã Vĩnh Tân và Vĩnh Phước của huyện Vĩnh Châu - nơi có vị trí rất thuận lợi cho việc đón hướng gió.
Theo ông Lietzmann Klaus Deieter, Tổng giám đốc tập đoàn EAB, qua tìm hiểu tại vùng ven biển Sóc Trăng cho thấy khả năng phát triển dự án tại địa phương là rất khả quan. Trong tương lai, ngoài các dự án điện gió, EAB mong muốn phát triển thêm các dự án điện khác nhắm đến vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sóc Trăng.

Khi dự án được đưa vào sử dụng sẽ góp phần giải quyết vấn đề năng lượng tại địa phương.


Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã chấp thuận chủ trương cho các nhà đầu tư thực hiện bốn dự án về điện gió với tổng công suất khoảng 300MW, bao gồm các dự án điện gió ở xã Vĩnh Tân, Vĩnh Phước của EAB-TRASESCO; dự án điện gió Trần Đề của Công ty cổ phần đầu tư Liên Nghĩa; dự án điện gió Lai Hòa của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công Lý và dự án điện gió Hồ Bể (huyện Vĩnh Châu) của Công ty cổ phần Power Green./.
Doanh nghiệp Singapore tăng tốc rót vốn vào bất động sản Việt

Ngày 28/10, hai tập đoàn bất động sản của Singapore là CapitaLand và Keppel Land đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác đầu tư trong lĩnh vực địa ốc với các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, Tập đoàn CapitaLand Limited, thông qua công ty con 100% vốn sở hữu là CapitaLand (Vietnam) Holdings, đã ký thỏa thuận liên doanh với đối tác Việt Nam là Tập đoàn Đầu tư Địa ớc NovaLand.

Đây là lần hợp tác đầu tiên giữa hai doanh nghiệp trong việc phát triển dự án khu dân cư có diện tích khoảng 9.000 m2 tại quận 9, Tp.HCM, với vốn đầu tư ước tính 40 triệu USD.


Ông Chen Lian Pang, Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á của CapitaLand Commercial, kiêm Tổng giám đốc CapitaLand (Vietnam) Holdings cho biết, ngoài số vốn góp vào dự án trên, dự kiến tập đoàn này sẽ nâng số vốn đầu tư vào bất động sản ở Việt Nam từ 400 triệu SGD lên xấp xỉ 2 tỷ SGD trong thời gian từ 3 - 5 năm tới.
Trong khi đó, Công ty Keppel Land Limited đã ký thỏa thuận liên doanh với Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Hưng Phú, cùng phát triển dự án biệt thự tại quận 9, Tp.HCM, với tổng diện tích 9,8 ha và tổng vốn đầu tư 63 triệu USD. Đây là dự án khu dân cư thứ hai Keppel Land hợp tác với công ty Hưng Phú tại Tp.HCM.

Thỏa thuận thứ 3 mà Công ty Keppel Land Limited ký là hợp đồng liên doanh với Công ty TNHH Tiến Phước, cùng phát triển dự án biệt thự tại quận 9, Tp.HCM, với tổng diện tích 13,5 ha, vốn đầu tư 115 triệu USD. Đây là lần hợp tác thứ tư của Keppel Land với đối tác này tại Tp.HCM.

Các dự án liên doanh trước đây của hai doanh nghiệp này bao gồm: dự án The Estella (xây dựng 1.393 căn hộ cao cấp), dự án khu đô thị phức hợp ven sông có diện tích 30 ha cùng hợp tác với công ty TNHH Trần Thái, và dự án dân cư ven sông tại Quận 12.
Cũng trong ngày hôm qua, Tập đoàn PepsiCo đã ký thỏa thuận thuê đất với đại diện Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) nhằm xây dựng nhà máy sản xuất nước giải khát trị giá 73 triệu USD trong Khu công nghiệp này tại tỉnh Bắc Ninh.

Đây là nhà máy thứ năm thuộc sở hữu của tập đoàn PepsiCo tại Việt Nam. Tập đoàn PepsiCo cũng đã cam kết đầu tư 250 triệu USD vào Việt Nam trong ba năm tới, đưa tổng vốn đầu tư của tập đoàn này trong giai đoạn 2008 - 2013 lên hơn 400 triệu USD.


Tính đến tháng 9/2010, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ năm tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký lũy kế đạt 17.9 tỷ USD, đầu tư vào 851 dự án trải đều trong các lĩnh vực từ khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, khách sạn, logistics, cho đến xây dựng cảng.
Bổ sung 18.000 tỷ đồng để mua cà phê tạm trữ




Hiện cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đã tăng lên 34.000 đồng/kg, mức giá cao nhất trong vòng 3 năm qua.                           

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng Đầu tư - Phát triển, Công thương, Ngoại thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch bổ sung từ 15.000 - 18.000 tỷ đồng vốn lưu động cho các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh này để phục vụ cho vay mua tạm trữ, xuất khẩu cà phê niên vụ 2010-2011.

Đồng thời tỉnh đề nghị kéo dài thời gian cho vay vốn từ 3 tháng hiện nay lên 6 tháng. Dự kiến, các doanh nghiệp ở Đắk Lắk mua tạm trữ và xuất khẩu khoảng 600.000 tấn cà phê, với giá bình quân 30.000 đồng/kg thì tổng nhu cầu vốn mua khoảng 18.000 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, vốn huy động tại chỗ chỉ mới đáp ứng 40% nhu cầu tín dụng./.


Kiến nghị mua tạm trữ 300.000 tấn cà phê
Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết vừa kiến nghị Chính phủ cho phép mua tạm trữ 300.000 tấn cà phê trong niên vụ 2010-2011.

Tại hội nghị tổng kết vụ cà phê 2009-2010 tổ chức ngày 29-10, ông Lương Văn Tự, chủ tịch Vicofa, cho biết việc mua tạm trữ sẽ góp phần giữ giá mua của người dân trong vụ thu hoạch, đồng thời điều tiết lượng hàng bán, qua đó điều tiết giá xuất khẩu.


Do vụ cà phê Việt Nam chỉ thu hoạch rộ trong thời gian ngắn (khoảng hai tháng) trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu cả năm, nên nếu không tạm trữ doanh nghiệp phải bán ồ ạt trong thời gian ngắn dẫn đến giá giảm mạnh như đầu năm 2010.

Vicofa kiến nghị Chính phủ có chính sách để các ngân hàng cho các doanh nghiệp cà phê vay vốn với thời hạn dài hơn (trên sáu tháng so với ba tháng hiện nay) để mua tạm trữ và chủ động trong xuất khẩu.

* Theo Vicofa, vụ cà phê 2010-2011 sẽ bắt đầu vào tháng 11 với sản lượng ước giảm khoảng 10% (đạt gần 1 triệu tấn) so với niên vụ trước do thời tiết không thuận lợi và nhiều diện tích cây cà phê già năng suất giảm.
Từ 2011-2015, cần tái canh 100.000 héc ta cà phê
Diện tích tái canh nói trên đều đang ở độ tuổi từ 17-25 tuổi, năng suất cho trái không cao, khoảng 1,2 tấn/héc ta, bằng 50% năng suất trung bình của cả nước.

Trong vòng 5 năm tới, khoảng 20% diện tích cà phê (100.000 héc ta) tại các tỉnh Tây Nguyên cần phải được tái canh, và chi phí trung bình để tái canh khoảng 100-120 triệu đồng/héc ta.

Ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết trong số 100.000 héc ta cần phải tái canh nói trên đều đang ở độ tuổi từ 17-25 tuổi, năng suất cho trái không cao, khoảng 1,2 tấn/héc ta, bằng 50% năng suất trung bình của cả nước.

“Số diện tích này được trồng vào những năm 1990 tại những khu vực đất đai phì nhiêu, có nguồn nước tưới đầy đủ và gần các trục đường giao thông lớn nên việc tái canh sẽ dễ dàng”, ông Báu cho hay.

Theo ông Báu, để có thể tái canh được số diện tích nói trên phải có sự hỗ trợ chi phí từ nhà nước, đặc biệt là từ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trong ngành cà phê ít nhất trong 2 năm đầu vì đa phần người nông dân các tỉnh Tây Nguyên phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu nhập từ cà phê.

“Nếu không có sự hỗ trợ kinh phí nhiều khả năng người dân sẽ chuyển sang trồng bắp trên diện tích này vì hiện giá bắp đang lên cao, và năng suất thu hoạch từ trồng bắp vào khoảng từ 5-7 tạ/héc ta, cao hơn sản lượng trung bình của cả nước (4 tạ bắp/héc ta)”, ông Báu nói.

Ông Nguyễn Nam Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần giám định cà phê và hàng hòa xuất khẩu (Cafecontrol) thì cho rằng, việc tái canh đến 20% tổng diện tích cà phê của cả nước phải có những đánh giá tổng hợp về hiệu quả cho trái của cây cà phê từ nhiều khía cạnh khác nhau.

Ông Hải cũng kiến nghị với diện tích cà phê tái canh này thì nhà nước nên khuyến cáo người dân trồng và tạo sản phẩm cà phê bền vững (cà phê sạch) đạt các tiêu chuẩn như bộ nguyên tắc Utz Kapeh, bao gồm 114 điều từ trồng trọt, thu hái và chế biến; hay tiêu chuẩn 4C, còn gọi là Hiêp hội quy tắc chung cho cộng đồng cà phê (Common Code for the Coffee Community Association), cung cấp quy trình trồng cà phê dựa trên nguyên tắc bền vững môi trường, kinh tế, xã hội của châu Âu.




TIN THẾ GIỚI


FED táo bạo bơm 600 tỷ USD để thúc đẩy kinh tế

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 3/11 đã nhất trí bơm 600 tỷ USD vào nền kinh tế nước này nhằm duy trì sự phục hồi hiện mong manh và giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao.

Đây được coi là một động thái táo bạo song cũng ẩn chứa đầy rủi ro

Trong một tuyên bố sau cuộc họp, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) nhấn mạnh tốc độ phục hồi sản lượng và việc làm vẫn chậm nên FED sẽ mua các khoản nợ của Bộ Tài chính với tỷ lệ khoảng 75 tỷ USD/tháng - mức chưa từng thấy kể từ giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009.

Thời điểm bắt đầu thực hiện kế hoạch này là cuối quý 2/2011. Ngoài ra, FED cũng quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản thấp kỷ lục từ 0-0,25% nhằm kích thích sự phục hồi kinh tế.

Mặc dù FED đã có những biện pháp tương tự trong giai đoạn khủng hoảng, song động thái tăng lượng tiền bơm vào nền kinh tế là chưa từng có và chúng được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thoát khỏi nguy cơ sụp đổ.

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại tính hiệu quả của chính sách này và ảnh hưởng của nó tới các nền kinh tế khác.

Hiện FED đã rót hơn 1.500 tỷ USD để phục hồi nền kinh tế Mỹ./.


Tiêu thụ cà phê thế giới sẽ tăng 2%/năm trong 10 năm tới

Michael Neumann, giám đốc tập đoàn kinh doanh cà phê Neumann Kaffee của Đức nhận định, tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ tăng trưởng 2% mỗi năm trong 10 năm tới cho dù giá cao.

“Chúng tôi hy vọng tăng trưởng tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ khoảng 2%, có thể là 2,5% trong 10 năm tới. Đây không phải là con số lớn, nhưng có nghĩa là tiêu thụ cà phê thế giới đến năm 2020 sẽ vượt 160 triệu bao”, ông nói.

Tổ chức Cà phê Quốc tế trong khi đó dự báo sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2010/11 sẽ dao động từ 133 – 135 triệu bao.

Trong lễ động thổ xây dựng trụ sở mới của Neumann tại Hamburt, giám đốc Neumann phát biểu, “Nếu dựa vào tính toán năng suất trên mỗi hécta cà phê như hiện nay, chúng ta sẽ cần thêm 1 triệu ha đất nông nghiệp trong 4 – 5 năm tới. Đây là một thách thức khổng lồ. Cách duy nhất chúng ta có thể thực hiện được mục tiêu nêu trên là giá cả hợp lý trên thị trường, và bao gồm cả sự cải thiện xã hội”.

Neumann là một trong những công ty kinh doanh cà phê lớn nhất thế giới, với hệ thống công ty có mặt ở khoảng 28 nước.

Nông dân ở các nước đang phát triển sẽ cần khuyến khích đủ để cải thiện diện tích cây trồng, ông nói. Nhưng thời gian để cây cà phê trưởng thành phải mất 4 – 5 năm mới đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng sản lượng trong 10 năm.

Giá cà phê arabica trên thị trường New York đang ở mức cao nhất trong vòng 13 năm qua, trong khi giá cà phê robusta cao nhất hai năm, một phần bởi những lo lắng liên quan đến nguồn cung.

Ông Neumann dự đoán, tiêu thụ cà phê thế giới sẽ tiếp tục tăng trong năm 2011 cho dù giá cao. Nhu cầu mới dự đoán sẽ đến từ các nước đông Âu và châu Á.

Chuyên gia dự báo giá cao su sẽ tăng

Chênh lệch cung cầu sẽ đưa giá cao su thế giới đi lên trong dài hạn.

Chuyên gia của Tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG) trong hội nghị diễn ra tại Việt Nam hôm 3-11 cho biết chênh lệch cung cầu sẽ đưa giá cao su thế giới đi lên trong dài hạn. Tuy nhiên kinh tế nhiều khu vực trên thế giới hồi phục chậm sẽ ảnh hưởng đến giá cao su trong ngắn hạn.

Dự báo về tình hình, ông Stephen Evans, Tổng thư ký tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG) cho biết, tình trạng mất cân bằng giữa cung và cầu cao su thiên nhiên sẽ tiếp tục tăng, tác động đến giá cao su trong dài hạn.

"Theo dự báo của chúng tôi, sản lượng cao su tổng hợp trên toàn thế giới đến năm 2015 sẽ chỉ đạt 10 triệu tấn trong khi nhu cầu của ngành công nghiệp ô tô của Ấn Độ, Trung Quốc... lên đến hơn 14 triệu tấn. Trong khi đó, nhiều quốc gia trồng cao su lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia đều không có khả năng tăng đột biến về sản lượng trong năm tới, chưa tính đến diễn biến thời tiết bất ổn sẽ gây nhiều tác động đến sản lượng cao su toàn cầu", ông Evans cho biết.

Theo IRSG, ngành sản xuất ô tô của Trung Quốc, nước đang nhập khẩu đến 80% sản lượng cao su thiên nhiên từ Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, đây chính là cơ hội lớn cho các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, đẩy mạnh xuất khẩu cao su thiên nhiên và tổng hợp sang thị trường này.

Theo ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, cho biết năm 2010 là một trong những năm giá cao su lên cao nhất, có thời điểm giá cao su xuất khẩu lên trên 4.000 đô la Mỹ/tấn. Trong ngắn hạn, diện tích trồng cao su của tập đoàn vẫn có thể được mở rộng, do cao su là cây đa mục tiêu, vừa nông nghiệp, vừa lâm nghiệp.

Diện tích cao su hiện nay của Tập đoàn cao su Việt Nam vào khoảng 240.000 hec ta, chiếm 36% tổng diện tích cả nước với sản lượng gần 300.000 tấn, chiếm 41% tổng sản lượng cả nước. Theo quy hoạch ngành, diện tích trồng cao su đến năm 2020 được mở rộng ra đến 800.000 hec ta với sản lượng 1,2 triệu tấn.

Tuy nhiên ông Thuận thừa nhận việc mở rộng diện tích cũng như tăng sản lượng ở những vùng trồng cao su truyền thống như Tây Nguyên và Đông Nam Bộ sẽ gặp nhiều khó khăn, do quỹ đất đô thị tăng lên, lấn át đất trồng cao su.
Sản lượng cao su của Thái Lan có thể giảm 4,1% trong quý 4

Sản lượng cao su thiên nhiên của Thái Lan, nước sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất, có thể giảm 4,1% trong quý 4 năm nay do mưa lớn cản trở việc khai thác, điều này sẽ hỗ trợ giá cả.

Theo Hiệp Hội cao su Thái Lan, sản lượng trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 có thể đạt 930.000 tấn, so với 970.000 tấn cùng kỳ năm ngoái.

Chủ tịch hiệp hôi, ông Luckchai Kittipol cho rằng, giá cao su kỳ hạn tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom) có thể giao dịch trong khoảng từ 320 yên đến 340 yên/kg (3.978 USD – 4.227 USD/tấn) trong hai tháng tới, trong khi giá giao ngay tại Thái Lan sẽ từ 115 baht (3,85USD) đến 125 baht/kg, ông Luckchai cho biết. Giá cao su tại Thái Lan đã đạt mức kỷ lục là 130,55 baht/kg hôm 27/4.

“Nguồn cung hiện đang khá thấp do mưa đã kéo dài từ tháng 7, làm cản trở việc cạo mủ. Điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ giá”, Luckchai nói.

Nhu cầu cao su cho sản xuất lốp xe và găng tay đã 19% trong bối cảnh hiện tượng La Nina gây mưa lớn ở các quốc gia sản xuất cao su chính ở châu Á và do nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất, để bổ sung lượng dự trữ hiện chỉ bằng 71% so với năm cao nhất.

Cuối tháng 10 vừa qua, Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên nhận định sản lượng cao su toàn cầu năm nay khó có thể tăng trưởng trên 5,3% lên 9,4 triệu tấn, so với dự báo trước đó là 6,3%. Hiệp hội còn giảm thêm dự báo sản lượng bởi hoạt động cạo mủ ở Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sản lượng cao su của Thái Lan dự kiến giảm 3,9% trong quý 4 xuống 933.000 tấn.

Lũ lụt


Lũ lụt đang hoành hành trên một nửa diện tích của Thái Lan, làm ít nhất 101 người chết và làm hư hại 3% diện tích đất nông nghiệp. Thiên tai có thể làm giảm 0,3% tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Cục Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai Thái Lan cho biết, hiện vẫn còn khả năng lũ quét tại 10 tỉnh miền nam. Các khu vực phía Nam chiếm tới 68% diện tích trồng cao su.

Nỗi lo mưa ở các tỉnh phía Nam sẽ càng khiến cung khan hiếm hơn là nguyên nhân khiến giá cao su Thái Lan tăng cao hơn trong ngày hôm qua 02/11.

Ông Luckchai cho biết thêm “Lũ lụt đã lan ra các tỉnh Songkhla và nông dân không thể tiến hành cạo mủ trong 4 – 5 ngày nay”.

Tổng sản lượng cao su của quốc gia năm nay có thể đạt 3,15 – 3,2 triệu tấn, tương tự như ước tính trước đó. Các tác động đến tổng sản lượng sẽ phụ thuộc vào thời gian mưa kéo dài.

Dự trữ của Trung Quốc

Ông Luckchai cho rằng, giá cao su Thái Lan khó có cơ hội lập kỷ lục mới bởi giá cao sẽ khiến tiêu thụ giảm. Giá cao su benchmark hôm qua đứng ở 120,30 baht.kg, tức 4,03 USD/kg.

Trên thị trường Tokyo, giá cao su giao tháng 4 đã ở 333,3 yên/kg trong ngày hôm qua. Giá từng leo lên mức cao 27 tháng ở 343,3 yên/kg hôm 26/10 bởi hoạt động đầu cơ trước thông tin Trung Quốc sẽ mua co su để bổ sung dự trư trong bối cảnh lo ngại cung khan do lũ lụt và mưa lớn.


ABN Amro giảm dự báo thặng dư ca cao niên vụ 2010/11 xuống 28.000 tấn

ABN AMRO Bank N.V./VM Group vừa hạ dự báo thặng dư ca cao thế giới niên vụ 2010/11 xuống 28.000 tấn, từ mức 47.000 tấn đưa ra trong tháng 7.

Báo cáo hàng tháng của ABN Amro cho thấy, thặng dư ca cao vụ này sẽ bị đe doạ bởi hiện tượng La Nina ở Indonesia và sản lượng giảm ở Ecuador.

“Indonesia đang có mưa nhiều hơn và nặng hơn trong mùa mưa năm nay so với mọi năm (từ tháng 9 đến tháng 12) có thể khiến sản lượng ca cao giảm, dù rằng giữa vụ (tháng 3 đến tháng 7) nhận được lượng mưa tốt cho sự phát triển của cây, nhưng La Nina sẽ ảnh hưởng tới vụ mùa đầu năm 2011”, báo cáo nêu rõ.

ABN Amro tuy nhiên dự đoán sản lượng ca cao thế giới niên vụ 2010/11 sẽ cao hơn so với vụ trước, đạt 3,734 triệu tấn, từ 3,518 triệu tấn trong vụ 2009/10. Hãng này dự báo sản lượng của Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, sẽ đạt 1,3 triệu tấn.
Giá đường ở sát mức kỷ lục của 29 năm

Giá đường tăng phiên thứ 6 liên tiếp, giao dịch ở mức cao nhất trong 29 năm bởi lo lắng nguồn cung từ Ấn Độ sẽ hết sức hạn chế. Giá ca cao, cà phê hạ.

Năm 2009, Ấn Độ trở thành nước nhập khẩu đường lớn nhất bởi thời tiết xấu ảnh hưởng nặng nề tới vụ mùa trồng đường. Dự trữ đường của Ấn Độ chỉ đạt khoảng 4 triệu tấn so với mức mong muốn 10 triệu tấn của Ấn Độ. Giá đường tại thị trường New York đã tăng 12% trong năm nay.

Tại thị trường New York, giá đường thô giao tháng 3/2011 tăng 0,03 cent tương đương 0,1% lên mức 30,15 cent/pound. Giá đường biến động mạnh trong phiên giao dịch ngày4/11, có lúc giảm 1,8% xuống 29,58 cent/pound. Phiên ngày trước đó, giá đường lên mức 30,64 cent/pound, mức cao nhất từ tháng 1/1982.

Tại thị trường London, giá đường tinh luyện giao tháng 3/2011 tăng 1,80USD tương đương 0,2% lên mức 748,80USD/tấn. Trong phiên đã có lúc giá đường lên mức 756,60USD/tấn, mức cao nhất từ ngày 26/01/2010.

Giá đường còn tăng bởi dấu hiệu cho thấy sản xuất tại Braxin, nước sản xuất đường lớn nhât thế giới, đang đi xuống. Nửa đầu tháng 10/2010, sản lượng đường tại Braxin giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thị trường New York, giá ca cao giao tháng 12/2010 hạ 41USD/tấn tương đương 1,5% xuống 2.764USD/tấn. Tại thị trường London, giá ca cao giao tháng 12/2010 hạ 43 bảng tương đương 2,3% xuống 1.847 bảng tương đương 2.940USD/tấn,

Tại thị trường New York, giá cà phê arabica hạ 3,25 cent tương đương 1,6% xuống 1,9615USD/pound.

Tại thị trường NYSE Liffe, giá cà phê robusta giao tháng 1/2011 hạ 7USD/tấn tương đương 0,4% xuống 1.932USD/tấn.
Thái Lan sẽ đạt sản lượng 6,8 triệu tấn đường trong niên vụ 2010/11

Cơ quan Điều hành Mía Đường Thái Lan (OCSB) dự báo, quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sẽ sản xuất 6,8 triệu tấn đường trong niên vụ 2010/11, giảm nhẹ so với 6,9 triệu tấn của niên vụ trước.

“Chúng tôi hy vọng sẽ đạt 66 triệu tấn mía trong năm nay và có thể ép được 6,8 triệu tấn đường bởi năng suất năm nay tốt hơn dự kiến”, Pongtheb Jaru-ampornparn, phó tổng thư ký của OCSB cho biết.

Dự đoán này của OCSB cũng tương đương với dự báo 6,6 – 6,7 triệu tấn mà các thương nhân và các quan chức trong ngành đưa ra.

Pongtheb cho biết, mùa ép mía dự kiến bắt đầu từ đầu tháng 12, muộn hơn so với mọi năm nhưng đúng với hầu hết các dự báo bởi mưa ở các khu vực trồng mía nhiều nhất đã không bị ảnh hưởng bởi đợt lũ lụt gần đây.

Giá đường cao kỷ lục đã khuyến khích người nông dân Thái Lan chuyển từ trồng khoai mì và lúa gạo sang trồng mía. Điều này đã giúp diện tích trồng mía ở Thái Lan gia tăng, tuy nhiên sản lượng giảm là bởi ảnh hưởng của lũ lụt. Theo khảo sát mới nhất của OCSB, có khoảng 1.600 hécta mía đã bị phá huỷ bởi lũ.

Giá đường thô tại New York đã leo lên mức cao nhất 29 năm ở 30,40 cent/lb hồi tháng 2 năm nay bởi cung khan hiếm. Giá đường hiện tại cách không xa so với mức kỷ lục đó, ở quanh 29 cent/lb.

OSCB dự tính, tiêu thụ đường ở thị trường nội địa năm 2011 sẽ khoảng 2,5 triệu tấn, tăng so với 2,3 triệu tấn của năm nay và cũng cao hơn so với mức trung bình 2 triệu tấn của những năm gần đây.

Hồi tháng 7 năm nay, Thái Lan đã phải mua lại 74.350 tấn đường từ các kho dự trữ quốc tế để đáp ứng sự thiếu hụt ở thị trường nội địa. Với 2,5 triệu tấn tiêu thụ ở nội địa năm tới, Thái Lan có thể xuất khẩu 4,3 triệu tấn đường trong năm 2011.

Năm 2009, xuất khẩu đường Thái Lan đạt kỷ lục 5,11 triệu tấn. Năm 2006, quốc gia chỉ xuất khẩu 2,2 triệu tấn đường khi vụ mùa năm này bị tàn phá bởi hạn hán.

Từ đầu năm tới nay, Thái Lan đã xuất khẩu 3,8 triệut ấn mía và dự kiến cả năm sẽ xuất không dưới 4,5 triệu tấn.
Giá thép tại Trung Quốc ổn định

Giá thép trên thị trường Trung Quốc vẫn không đổi trong tuần cuối tháng 10, tuần ổn định thứ 2 liên tiếp trong tháng này, bởi hoạt động giao dịch thưa thớt và các nhà đầu tư còn chờ đợi chính sách mới từ chính phủ cho những tháng còn lại của năm nay.

Tại thị trường Thượng Hải, giá thép xây dựng vẫn giữ ở 4.170 NDT/tấn, tức 624,2 USD/tấn trong tuần này, không đổi kể từ ngày 15/10. Nhu cầu từ những người sử dụng đầu cuối vẫn thấp và các thương nhân đang băn khoăn liệu chính phủ có hạn chế hơn nữa sản lượng trước khi năm 2010 qua đi hay không.

Một thương nhân tại Bắc Kinh nhận định, “thị trường đang rất ảm đạm, người ta còn chờ đợi chính sách khác từ chính phủ, dự kiến sẽ thông báo vào tuần đầu tháng 11”.

Các thương nhân dự đoán, có khả năng chính phủ sẽ tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp thép cắt giảm sản lượng trong lộ trình thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng giai đoạn 5 năm đến năm 2010.

Hồi tháng 9 năm nay, một loạt các nhà máy thép ở tỉnh Hà Bắc và Giang Tô đã phải cắt giảm sản lượng, theo yêu cầu của chính phủ về tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn cuối của kế hoạch phát triển đất nước 5 năm lần thứ 11.

Năm 2006, Trung Quốc đề ra mục tiêu sẽ giảm tiêu thụ năng lượng trên mỗi đơn vị GDP là 20% so với năm 2005, trong giai đoạn từ 2006 đến 2010.

Tờ Thời báo Kinh tế Trung Hoa đưa tin, các nhà máy thép ở Hà Bắc đang đối mặt với sự hạn chế ngày càng nhiều hơn về cung điện trong tuần cuối tháng 10 bởi tỉnh này đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu tiêu thụ năng lượng trong tháng 10.

Trong 10 ngày đầu tháng 10, sản lượng thép của quốc gia chỉ đạt 1,563 triệu tấn/ngày, giảm 3,9% so với 10 ngày cuối tháng 9.


THÔNG TIN DU LICH


Ngành du lịch gần đạt mục tiêu đón 4,2 triệu khách quốc tế




Theo tin từ Tổng cục Du lịch, trong tháng 10, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 440.000 lượt (tăng trên 99% so với cùng kỳ năm 2009)

Tính chung 10 tháng của năm 2010, Việt Nam đã đón gần 4,172 triệu lượt khách du lịch quốc tế (tăng 39% so với cùng kỳ năm 2009). Điều đáng mừng là lượng khách đều tăng ở tất cả thị trường trọng điểm của Việt Nam, trong đó, tăng mạnh nhất là Campuchia (tăng hơn 97%), Trung Quốc (tăng hơn 90%), Thái Lan (tăng 41%); Hàn Quốc (tăng 36%), Australia (tăng hơn 32%)... Như vậy, so với mục tiêu đón 4,2 triệu lượt khách quốc tế năm 2010 mà Tổng cục Du lịch đặt ra thì con số này đã gần hoàn thành.




 DOANH NGIỆP CẦN BIẾT


Каталог: Uploads -> Articles02
Uploads -> TRƯỜng đẠi học ngân hàng tp. Hcm markerting cơ BẢn lớP: mk001-1-111-T01
Uploads -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
Uploads -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1
Articles02 -> Các hướng phát triển
Articles02 -> THỊ trưỜng hàng hoá ĐÁng quan tâm trong tuần cpi tháng 11 được dự báo tăng 0,8%
Articles02 -> Ngày 24 tháng 11 năm 2010, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tiềm năng và cơ hội xuất khẩu
Articles02 -> 2006/QĐ-ttg CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Articles02 -> Quyết định 315/QĐ-ttg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 2013
Articles02 -> TUẦn lễ phim nhật bản tại tp. Hcm

tải về 176.87 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương