Tự Do Dân Bản online Chủ trương & thực hiện



tải về 1.48 Mb.
trang6/8
Chuyển đổi dữ liệu26.04.2018
Kích1.48 Mb.
#37224
1   2   3   4   5   6   7   8

Nói với cháu rể



Mày rót bác cốc nước,
Rồi bác nói điều này.
Năm ngoái bác phản đối,
Không cho cháu lấy mày.
Vì sao ư? Đơn giản
Vì mày là công an.
May, giờ bác vẫn thấy
Mày ngoan, hoặc còn ngoan.
Công bằng ra mà nói,
Công an cũng chẳng sao.
Hơn thế, còn cần thiết,
Nhưng chẳng hiểu thế nào
Giờ lắm đứa tệ quá,
Đạp vào mặt người ta,
Còn giở các trò bẩn,
Đánh đập cả đàn bà.
Giả sử, mai “dự án”
Nó cướp đất nhà mày,
Mày có để lặp lại
Vụ Vân Giang gần đây?
Vợ mày đang có chửa.
Bác mừng cho chúng mày.
Nếu có đứa đạp nó,
Mày sẽ nghĩ sao đây?
Lại nữa, bác bị bắt,
Mày cứ nói thật lòng,
Người ta bảo mày bắn,
Mày có bắn bác không?
Mà bác thì mày biết,
Như mấy lão nông dân,
Làm sao mà “thù địch”,
Mà “phản động”, vân vân.
Nói thật cho mày biết,
Bác yêu đất nước này,
Người Văn Giang cũng vậy,
Hơn gấp vạn chúng mày.
Vứt mẹ cái khẩu hiệu
Còn đảng là còn mình.
Thế mai kia đảng chết,
Không lẽ mày quyên sinh?
Bác là người ngoài đảng.
Mày vào đảng, không sao,
Miễn là mày thực sự
Vì quốc dân, đồng bào.
Mày thừa biết chúng nó,
Cái bọn “vì nhân dân”
Đang ăn cướp trắng trợn,
Pháp luật chúng đếch cần.
Sống ở đời, cháu ạ,
Có nghề mới có ăn.
Làm công an cũng được,
Nhưng phải nhớ vì dân.
Mà dân là bố mẹ,
Là bác, là vợ mày.
Chứ mày nghe bọn xấu
Làm ngược lại là gay,
Là có tội, cháu ạ.
Chưa nói chuyện ở đời
Có cái luật nhân quả,
Tức là luật của trời.

oooooooooo 00000 ooooooooooooooo 00000 oooooooooo
Về xác ướp của Lenin

Bùi Tín

20.07.2012




Đã nhiều lần vấn đề chôn xác ướp của nhà độc tài Lenin ở Liên Xô được đưa ra bàn cãi, trên báo chí, trong quốc hội Nga, và nay là trong chính phủ, do bộ văn hóa Nga nêu lên.
Theo đài phát thanh Moscow, vừa qua bộ văn hóa Nga đã nêu lên vấn đề đã đến lúc nên đưa xác ướp của V.I. Lenin từ trong lăng ở quảng trường Đỏ ra ngoài thành phố để chôn.

Đây là một loạt động thái chính trị nối tiếp nhau sau khi Liên bang Xô viết tan rã cuối năm 1990, theo hướng thanh toán dần một thời kỳ lịch sử được đánh giá nhìn chung là tiêu cực, một chế độ độc đoán độc đảng kết hợp với quyền độc tài cá nhân đẫm máu tồn tại hơn 70 năm, từ năm 1917.

Năm 2010, tổng thống Nga Medvedev đã nói trong một bài diễn văn trước quốc hội liên bang Nga về vụ thảm sát 22 nghìn sỹ quan Ba Lan trong khu rừng Katyn do đich thân nhà độc tài Stalin chủ trương. Ông kết luận Stalin là “một kẻ sát nhân mang tội ác chống nhân loại”. Ngay sau đó nhiều di vật, vết tích tưởng niệm Stalin nơi công cộng bị xóa bỏ. Bức tượng toàn thân cuối cùng của Stalin ở ngoài trời tại quê hương ông ta là Georgia bị nhân dân địa phương kéo đổ sập.

Xác ướp của Stalin một thời đặt trong lăng cạnh xác ướp Lenin tù năm 1953 bị đưa ra khỏi lăng và đem chôn vào năm 1956, sau khi Đại hội đảng CS Liên Xô lần thứ 20 lên án tệ sùng bái cá nhân Stalin do chính ông ta chủ trương.

Về xác ướp của Lenin, ngay từ đầu thế kỷ này, năm 2001 đã có nhóm một số nghị sỹ quốc hội liên bang Nga nêu ý kiến cần đặt ra vấn đề đưa xác ướp Lenin ra khỏi Quảng trường Đỏ để chôn. Họ nêu lên một loạt lý do. Một là về chính trị, Lenin đã giải thích, vận dụng tùy tiện chủ nghĩa Marx để dựng lên một chế độ độc đoán phi dân chủ tệ hại, gây vô vàn tổn thất về sinh mạng, của cải của nhân dân. Đây là một nhân vật lịch sử mang bản chất tiêu cực hơn là tích cực. Hai là về khoa học và văn hóa, giáo sư sinh vật học Boris Zbarsky báo cáo chân thực trước quốc hội Nga rằng sau gần 70 năm ướp xác bằng hóa chất chủ yếu bằng chất formol, sau khi đã bỏ ra ngoài cơ thể các cơ quan: tim, gan, phổi, dạ dày, ruột, thận… hiện xác ướp chỉ còn chưa đến 10% cơ thể của Lenin. Tế bào da cũng đã hư hỏng gần hết, ở mắt nhãn cầu hiện nay là nhân tạo, môi đã rời ra, râu rụng, môi được khâu vào 2 má và dán râu giả. Về mặt khoa học và văn hóa, xác ướp không còn gì là của Lenin, bị phân bị hủy với thời gian, không còn nguyên tươi, đã rữa thối, về mặt vệ sinh đã thành vật ô nhiễm.

Nhìn chung về thể xác tiều tụy như thế nên về tinh thần xác ướp còn lại càng tạo nên cảm rác ghê sợ, thương cảm xót xa hơn là sự tôn trọng ngưỡng mộ.

Về mặt tài chánh, bộ văn hóa Nga cho biết xác ướp Lenin tại quảng trường Đỏ tuy có thu hút một số khách du lịch quốc tế, nhưng con số ấy không còn cao, sau khi họ biết rằng xác ướp không còn nguyên vẹn như các xác ướp ở Ai Cập hay Ấn Độ. Đã thế chi phí bảo quản cũng như bảo vệ lăng và xác ướp lại quá lớn, thành gánh nặng cho ngân sách.

Tổng thống Nga Putin, vào năm 2006, cũng từng có ý kiến là sớm hay muộn phải quyết định đưa đi chôn xác ướp không còn nguyên vẹn của Lenin, để quảng trường Đỏ mang một ý nghĩa và sức hấp dẫn khác. Ngay sau đó, nghị sỹ Vladimir Medinski, thủ lãnh đảng Nước Nga Thống nhất cho biết một cuộc thăm dò công luận cho thấy trong 3 ngày đầu có 70.000 người phát biểu, 69% nghĩa là hơn 2 phần 3 chủ trương đưa xác ướp Lenin đi chôn. Dư luận công chúng coi như là dứt khoát.

Nhân đây lại nói đến xác ướp của ông Hồ Chí Minh. Theo gương ướp xác của Lenin, hiện có 3 xác nữa được ướp cùng một kiểu, theo thứ tự thời gian là Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành, đều là lãnh tụ cộng sản. Cũng là các phủ tạng đã bị lấy ra mang chôn và hủy, rồi thay bằng một loại bông tơ nhân tạo.

Ở Việt Nam, ngoài những ý kiến hận thù dễ hiểu của không ít người muốn xóa bỏ lăng ông Hồ, cũng có ý kiến công khai của một số cán bộ, đảng viên, nhân sỹ ngoài đảng yêu cầu nên tổ chức an táng, chôn cất ông Hồ. Họ nêu một số lý do khá thuyết phục.

Lý do đầu tiên là về đạo lý. Ông Hồ đã viết trong di chúc tha thiết mong sẽ được hỏa thiêu, tro sẽ rải xuống 3 miền, không xây lăng mộ to lớn tốn kém. Đây là ý muốn đẹp. Làm theo ý muốn cao đẹp của người vừa khuất là một đạo lý, nhất là ở phương Đông. Làm trái ý ấy là một điều rất nên tránh. Tôi nhớ vào năm 1990, tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Hồ, giáo sư Lê Thành Khôi, đại diện đoàn Việt Kiều ở Pháp, người gốc thủ đô Hà Nội, đọc diễn văn ca ngợi ông Hồ, nhưng sau cùng ông tỏ ý mong rằng ước muốn thiêng liêng được hỏa thiêu của người quá cố sẽ được tôn trọng. Thế là ông gặp ngay bao nhiêu điều rắc rối. Một không khí ghẻ lạnh bao quanh ông. Người ta điều tra, phán đoán ông là cái loa của “bọn phản động”. Người ta chỉ muốn ông trở ngay về Pháp. Từ đó ông cạch không chơi với anh cộng sản cầm quyền. Nhưng ý ông trùng hợp với nhiều trí thức, nhân sỹ trong nước.

Hai là về văn hóa, về tình người. Cũng như Lenin, xác ông Hồ cũng chỉ còn dưới 10% cơ thể đã rỗng ruột, số tế bào còn lại cũng đã bị phân hủy, hư hại, phải son phấn, vá víu lại. Tóc râu đều phải dán vào. Một số chỗ phải dung sáp, chất dẻo. Theo bác sỹ Trung Quốc Lý Chí Thỏa, vành tai trái của ông Hồ đã bị rời ra, phải dán lại bằng chất keo đặc biệt.

Nhiều giới Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo cũng cho là có điều rất không ổn, sao những người lãnh đạo cộng sản lại nhẫn tâm cho phép bạo hành độc ác trên thân xác ông Hồ đến thế. Để sau hơn 40 năm rồi thân xác ông bị phân lìa xót xa mà vẫn chưa nhập được vào đất mẹ, vong linh ông còn vất vưởng chơ vơ. Đã đến lúc làm lễ cầu siêu chung và tổ chức hỏa thiêu cho ông Hồ, với sự tham dự chính thức của anh con trai ông là Nguyễn Tất Trung cùng gia đình anh, có cả cháu đích tôn ông Hồ, hiện đang sống âm thầm ở phố Khâm Thiên giữa thủ đô Hà Nội.

Đây là vài ý kiến chợt nghĩ ra khi tại nước Nga đang chuẩn bị để đưa đi chôn xác ướp Lenin, vì những lý do đã chín về chính trị, kinh tế - tài chính, văn hóa, thẩm mỹ, vệ sinh môi trường, về đạo lý, tâm lý và tín ngưỡng.

Xin nêu lên để mong có cuộc trao đổi cởi mở lành mạnh của đông đảo bà con ta về vấn đề này, một vấn đề chung được nêu lên trong xã hội ta, khi xác ướp của Lenin được đưa đi chôn trong một tương lai không xa.
oooooooooo 00000 ooooooooooooooo 00000 oooooooooo
Khi chế độ độc tài chấm dứt...

Ngày chế độ độc tài toàn trị chấm dứt, bối cảnh Việt Nam sẽ khác hẳn những gì đã xảy ra vào tháng 04/1975. Ở ngày đó, dù sự thay đổi đến từ đâu, và do ai, chắc chắn sẽ KHÔNG thể có "chính sách trả thù" và những "trại cải tạo".

Tình trạng độc quyền thay thế vị trí lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) cũng sẽ KHÔNG thể xảy ra. Khi độc tài không còn nữa, Tự do sẽ bùng nở, và Dân chủ sẽ từng bước được phát triển. Việt Nam sẽ có một thể chế dân chủ pháp quyền. Song thay đổi lớn đó sẽ không xảy ra một cách dễ dàng, hoặc không điều kiện.

Khi đất nước hết độc tài, nền dân chủ non trẻ sẽ khởi đầu với vô số trở ngại không thể tránh khỏi của buổi giao thời. Hoàn cảnh của chính phủ lâm thời, và ngay cả chính phủ dân cử chính thức sau đó, chắc chắn sẽ rất khó khăn. Ổn định tình hình trong khi xã hội đầy tâm lý nôn nóng là một áp lực vô cùng to lớn. Nhưng chính phủ mới sẽ phải bắt đầu bằng những gì có được -- tương tự như hoàn cảnh các nước vừa thoát khỏi chế độ độc tài trên thế giới.

Công việc đầu tiên là nỗ lực xây dựng thế hòa giải và đoàn kết dân tộc. Những người lãnh đạo mới phải có bản lãnh dung hoà được dị biệt giữa các thế lực chính trị bản xứ, và những ảnh hưởng chi phối bởi ngoại bang. Với khát vọng vươn lên đã được ươm mầm từ nhiều năm qua, hy vọng là các thành phần trí thức và công dân yêu nước sẽ hậu thuẫn chính quyền mới có được những chính sách đối nội và đối ngoại thích hợp với bối cảnh mới của đất nước.

Kế đến là xây dựng, củng cố và phát triển Dân Chủ như thế nào để thích hợp với văn hoá và hoàn cảnh đặc thù của nước ta. Trong thế giới liên lập ngày nay, nền chính trị của một quốc gia luôn có nhiều liên hệ sâu rộng với cộng đồng thế giới bên ngoài. Mặt khác, tuy cuộc chiến tranh lạnh đã chấm dứt song Việt Nam vẫn là một yếu tố trong nhu cầu cân bằng và phát triển quyền lực của các siêu cường. Do vậy, làm sao để đất nước có thể phát triển mà không bị lệ thuộc một cách bất lợi vào bất cứ thế lực quốc tế nào... là một thử thách đầy cam go; đòi hỏi sự linh động, cân bằng hiệu quả giữa nhu cầu đối ngoại và tinh thần dân tộc tự quyết. Nếu không muốn nền dân chủ mới sẽ bị lai căng, què quặt, người Việt không có sự chọn lựa nào hơn là phải dám đứng thẳng trên đôi chân của mình, và cùng đưa vai gánh vác lấy trách nhiệm với quốc gia.

Thách đố to lớn khác là giải quyết là những hậu quả để lại từ tình trạng độc đảng, tham ô và bất công. Tháo gỡ các quốc nạn tồn đọng cần có nhiều thời gian và biện pháp, nhưng khả năng ban đầu của chính phủ mới chắc chắn còn nhiều giới hạn. Tài nguyên quốc gia vận dụng được cho việc ổn định kinh tế lúc đó có thể sẽ không có nhiều. Việc hàng ngũ hoá nhân tài của đất nước cũng sẽ lắm nhiêu khê. Do vậy, chính phủ dân chủ đầu tiên sẽ phải chứng tỏ một thiện chí, bản lãnh và khả năng lãnh đạo vượt bực, bao gồm việc huy động được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ giới trí thức, doanh nhân và các tầng lớp xã hội. Tiến trình đó sẽ tốt đẹp hơn quá trình lột xác của các nước Đông Nam Á, Đông Âu, Bắc Phi và Trung Đông... hay không, câu trả lời tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố.

Công cuộc dân chủ hoá và phát triển đất nước sẽ đầy dẫy cam go song đó là một tiến trình khả thi.

Chúng ta có quyền tin tưởng mãnh liệt vào điều đó vì chế độ độc tài đương quyền đang mất dần khả năng tồn tại. Từ nhiều năm qua, đảng CSVN là một trở ngại to lớn cho sự phát triển của đất nước. Lý tưởng, kỷ luật và kiểm soát là ba yếu tố sinh tồn của CSVN, hiện đang bị hư hoại và lung lay tận gốc rễ. Cùng lúc đó, tình trạng khủng hoảng kinh tế, xã hội, chính trị và hệ thống lãnh đạo của đảng cầm quyền sẽ là chất liệu tự huỷ diệt khả năng tồn tại còn lại của chế độ. Sự tồn vong của hậu thân đảng CSVN trong tương lai tuỳ thuộc vào thái độ thành khẩn của những người cầm quyền hiện nay. Đối với chúng ta, vấn đề khẩn thiết là chuẩn bị như thế nào để giai đoạn giao thời đó sẽ không phải là một trang sử đau thương nhuộm đầy máu và nước mắt. Cách giải quyết của người quốc gia phải được đặt trên nền tảng của tinh thần nhân bản.

Khi đất nước hết độc tài, toàn dân sẽ có tự do. Ngày chiến thắng đó sẽ là thành quả chung của mọi thành phần dân tộc, kể cả những người vì hoàn cảnh lịch sử, đã từng có một thời góp phần gây ra những thảm trạng cho dân tộc. Khi đất nước có Dân Chủ, mọi công dân Việt Nam đều có cơ hội thụ hưởng nhân quyền một cách đúng nghĩa và trọn vẹn, kể cả những người đã từng là đảng viên CSVN. Chính phủ mới sẽ không thể trừng trị những người đã từng phục vụ cho chế độ cũ chỉ vì yếu tố quá khứ. Nhưng thiểu số có trọng tội với đất nước, đồng bào phải cần được luật pháp xét xử công minh và lịch sử ghi lại rõ ràng để làm gương cho hậu thế, dù còn sống hay đã chết -- không phân biệt là phục vụ cho chế độ Cộng sản hay Cộng hoà ngày trước.

Với hoàn cảnh chung hiện nay, hoạt động của các phong trào quần chúng rất quan trọng. Tuy nhiên, hoạt động của các đoàn thể đấu tranh đóng một vai trò không thể thiếu. Ở hiện tại, tuy phần lớn hoạt động của các tổ chức phải giữ trong vòng bí mật, song đều chủ động thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình dân chủ hoá đất nước. Trong chiều hướng đó, chắc chắn sẽ có một tổ chức đạt được thành công sau cùng. Đó là một vinh dự lịch sử nhưng dù vậy, sẽ không phải, và không thể, là điều kiện để có thể độc quyền thay thế đảng CSVN trong vai trò lãnh đạo đất nước.

Khi Việt Nam có dân chủ, một chính phủ đa đảng sẽ là kết quả tất nhiên qua cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do. Nói cách khác, dù tổ chức nào thành công trong cuộc đấu tranh dân chủ hoá Việt Nam, các tổ chức, chính đảng ở trong và ngoài nước cũng sẽ có cơ hội đồng đều để ganh đua phụng sự đất nước và đồng bào trong các vai trò dân cử.

Việt Nam cần có một chính phủ thực sự đáp ứng được nguyện vọng nhân dân và nhu cầu ổn định, phát triển của đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày nay, vượt thắng được trước những cạnh tranh khốc liệt trên thị trường sẽ không phải là điều đơn giản. Xây dựng được uy thế trên chính trường quốc tế cũng sẽ lắm cam go. Nhưng thực tế thế giới cho thấy, nước nào không bị phân hoá nội bộ, có một chính phủ tốt và thực sự thương nước thương dân, thì nước đó vẫn có khả năng và điều kiện để đứng vững trước các thử thách lớn của thời đại.

Nước Việt Nam mới có tốt đẹp như kỳ vọng của nhiều người hay không là tuỳ thuộc vào quyết tâm cách mạng hoá xã hội của toàn dân, và của những người lãnh đạo đất nước ở giai đoạn giao thời đó. Đó là một tiến trình tự nhiên và cần thiết để xem người Việt có đủ bản lãnh và xứng đáng để thụ hưởng một đời sống tự do, dân chủ đích thực.



Một nước Việt Nam dân chủ, tự do tuy chưa ở trong tầm tay song đã ở trong tầm mắt của chúng ta. Khoảng cách đó không tự nhiên mất đi mà cần phải được rút ngắn bằng chính những nỗ lực dấn thân và hy sinh đồng loạt của nhiều người. Ngày nào những người yêu nước thật sự biết quên mình để cùng lo việc chung, thì ngày đó tương lai Việt Nam sẽ ở trong tầm tay.-
Lâm Thế Nguyên (ĐVDVN) / www.vidan.info
oooooooooo 00000 ooooooooooooooo 00000 oooooooooo

VỀ “PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM”
Ts Nguyễn Thanh Giang

Tôi có chung nhận xét với tác giả Thanh Hương:


“Tôi đã đọc rất nhiều các tài liệu trong và ngoài nước. Tôi chưa bao giờ thấy được sự phân tích cốt lõi nào lại dễ hiểu và tác động đến nhận thức công bằng của người dân như vậy cả. Đứa con gái tôi mới 18 tuổi, khi tôi đưa nó đọc bài Quyền con người trong nhà nước pháp quyền và tôi hỏi có hiểu không. Nó trả lời rằng vậy lâu nay chúng ta bị tước đoạt sự công bằng từ gốc rồi mà mình cứ muốn có công bằng trên ngọn sao được.
Càng đọc tài liệu của PT CĐVN tôi càng ngạc nhiên. Tôi thấy là chưa bao giờ có môt chiến lược và cương lĩnh chính trị nào được chuẩn bị kỹ càng như vậy cả”.
Thật vậy, trong lịch sử Việt Nam cận-hiện đại sau Nhân văn-Giai phẩm, chưa có tổ chức chính trị đối lập nào (kiểu như: Khối 8406, Đảng Dân chủ XXI, Đảng Dân chủ Nhân dân, Hiệp hội Đoàn kết Công Nông …) ngay khi xuất hiện đã tỏ ra đàng hoàng, chững chạc, có tư thế đáng nể trọng như “Phong trào Con đường Việt Nam”.
Cùng với “Thư mời tham gia sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam” tôi nhận được một loạt văn bản liên quan:


  • Tổng quan về Phong trào Con đường Việt Nam.

  • Quá trình hình thành CĐVN

  • PTCĐVN – Quy chế điều hành tạm thời

  • Quyền Con người trong nhà nước pháp quyền

  • Quyền tự do truyền bá Tôn giáo và Đạo đức xã hội

  • Các nhà báo hãy hành động vì tự do báo chí

  • PTCĐVN – Nông dân và quyền công dân

  • PTCĐVN – Công nhân và quyền tự do lập công đoàn

  • Lời kêu gọi sinh viên, thanh niên chấn hưng Việt Nam vì hòa bình thế giới

  • Lời kêu gọi doanh nhân chấn hưng Việt Nam vì hòa bình thế giới

  • Lời kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Hiến chương Chấn hưng Việt Nam vì hòa bình thế giới của nhân dân Việt Nam

  • Thư của PTCĐVN gửi các ông Trương tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Tô Huy Rứa …

Những người khởi xướng PTCĐVN tỏ ra đã có một “nông dân quan” thật sâu sắc, thật biện chứng, thật nhân bản (hơn hẳn Mao Trạch Đông):


Sự phát triển sẽ không bao giờ tốt đẹp được và sẽ luôn bất ổn như hiện nay nếu nó không dựa trên nền tảng phát triển của 60 triệu nông dân chúng ta. Chỉ có sự hiện đại hóa nông nghiệp Việt Nam mới có thể tạo ra sự công nghiệp hóa hiệu quả cho đất nước này mà thôi. Mơ ước công nghiệp hóa để thay thế nông nghiệp đã cho thấy sự thất bại và hậu quả như ngày nay. Đất nước lấy đâu ra nguồn nhân lực cho những nền công nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng lớn trong khi tuyệt đại đa số nhân lực là ở nông thôn và không có được những cơ hội tối thiểu và công bằng để học tập, đầu tư vươn lên? Chúng ta hãy biết rằng cuộc canh tân Minh Trị vĩ đại hồi giữa thế kỷ 19 đã đưa nước Nhật trở thành cường quốc trong 30 năm thì 10 năm đầu tiên là tập trung phát triển hiện đại hóa nông nghiệp. Nhờ vậy họ mới có nền tảng để phát triển công nghiệp nhẹ trong 10 năm tiếp theo. Và 10 năm cuối cùng là công nghiệp nặng. Đó là sự phát triển thần kì nhưng không phải là sự đi tắt đón đầu”(1).
Nông dân hẳn sẽ nhiệt liệt hưởng ứng Phong trào khi thấy mình được suy tôn thật thấu lý đạt tình:

Từ lúc đất nước gia nhập WTO đến nay, lực lượng sản xuất kinh doanh có thể chứng tỏ được khả năng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam lại chính là nông dân chứ không phải của các ngành công nghiệp dịch vụ được nhà nước bảo hộ. Nhờ khả năng này mà nông dân đã giúp đất nước chống chọi được phần nào tác động của khủng hoảng kinh tế trong khi bao nhiêu ngành công nghiệp được hưởng đặc quyền thì ngã lăn ra đè gánh nặng cho cả nền kinh tế và 86 triệu người dân” (1).


Một thế giới quan rất sáng suốt cũng đã được trình bày thật khúc chiết:
Đang càng có nhiều nguy cơ đe dọa hòa bình quốc tế rõ rệt hơn bao giờ hết. Chủ nghĩa khủng bố khắp nơi, hạt nhân ở Iran và Bắc Triều Tiên, dân chủ thụt lùi ở Nga, sự trỗi dậy của Trung Quốc và những tranh chấp trên biển Đông Việt Nam chỉ là những phần nổi của tảng băng vốn thực sự là một cuộc chiến ở giai đoạn khởi đầu để tranh giành ảnh hưởng và lợi ích giữa các siêu cường. Điều này rất giống với tình hình trước hai cuộc chiến tranh Thế giới thứ I và thứ II đã hai lần mang đến những sự đau đớn khôn cùng cho nhân loại. Chúng tôi nhận thấy trong những cái trên, sự đe dọa nhất và cận kề nhất đến từ khu vực châu Á Thái Bình dương” (2).
Sự nổi lên của Trung Quốc và khát vọng vươn lên của người dân nước này là chính đáng và rất có giá trị đối với an ninh và sự ổn định quốc tế. Nhưng nếu những điều này phát triển trong một môi trường dân chủ thấp giống tình trạng ở Đức và Nhật vào đầu những năm 1930 thì những điều đó sẽ chắc chắn mang đến một cuộc chiến thảm họa khác cho thế giới chúng ta, dù rằng tuyệt đại đa số nhân dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình. Nhân dân Đức và Nhật cũng vậy. Nhưng quyền lực nhà nước đã không thực sự thuộc về họ trước Thế chiến II” (2).
Lâu nay người ta cứ nghĩ Việt Nam chỉ có thể chuyển hóa khi Trung Quốc chuyển hóa (cái đầu có quậy, cái đuôi mới vẫy), những người khởi xướng PTCĐVN đặt vấn đề ngược lại: cái bánh lái Việt Nam sẽ bẻ hướng con tàu Trung Quốc:
Chúng tôi cũng tin rằng nếu Việt Nam trở thành một nền dân chủ tự do thì điều đó sẽ khích lệ và củng cố niềm tin trong người dân Trung Quốc và thế giới rằng Trung Quốc sẽ nhanh chóng tham gia thế giới tự do dân chủ vì mô hình của Việt Nam không khác mấy so với Trung Quốc. Điều đó sẽ truyền cảm hứng cho nhân dân Trung Quốc và thúc đẩy xu hướng tiến bộ vì tự do, dân chủ và hòa bình của họ vốn đang cần rất gấp những sự hỗ trợ hiệu quả để thắng được xu hướng dân tộc hiếu chiến ngược lại đang nổi lên nhanh ở Trung Quốc” (2).
Cộng đồng quốc tế cũng sẽ bị PTCĐVN cuốn hút khi nhận ra được rằng Việt Nam cần thiết như thế nào trong việc ngăn chặn “họa Đại Hán” cho nhân loại:

Do vậy, chúng tôi tin rằng chỉ khi nào quyền lực tuyệt đối của Trung Quốc thuộc về nhân dân của họ thì thế giới chúng ta mới có thể ngăn ngừa được cuộc chiến thảm họa đó. Và nếu quyền lực tuyệt đối của Việt Nam thuộc về nhân dân Việt Nam thì nhân dân hai nước sẽ chọn chung sống và phát triển trong hòa bình. Đây là một nhân tố rất thiết yếu để duy trì an ninh, ổn định và hòa bình cho khu vực. Và bởi vì, như đã được thừa nhận rộng rãi, khu vực này sẽ xác định chủ yếu liệu thế giới phía trước sẽ được ghi dấu bởi tiến bộ và hợp tác hòa bình hay xung đột và thống khổ, nên hòa bình và sự thịnh vượng của nó sẽ tất yếu đảm bảo những điều tương tự cho thế giới của chúng ta” (2).


Dễ gì có được những chính trị gia dày công quan sát, suy tưởng để tạo lập luận sử dụng làm thuyết pháp thông minh và uyên thâm như vậy.
Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm sau đây của PTCĐVN:
Phong trào Con đường Việt Nam ủng hộ sự thay đổi từng bước theo quy luật phát triển khách quan dựa trên nền tảng là sự tăng cường ý thức làm chủ đất nước của nhân dân và tôn trọng nhân dân. Nhờ vậy sự thay đổi này tuy là từng bước nhưng nhanh và bền vững” (3).
Phong trào Con đường Việt Nam phản đối những sự thay đổi mang tính cách mạng loại trừ và mọi sự áp đặt từ trên xuống mà không thông qua sự thuyết phục nhân dân vì kiểu thay đổi này có thể lóe sáng nhưng mau chóng bất ổn và dẫn đến sụp đổ, gây tác hại lặp đi lặp lại cho nhân dân” (3).
Quan điểm trên chỉ có thể được hình thành trên cơ sở một nhân sinh quan bác ái, hoàn toàn tin vào xu thế thiện của nhân quần trong trạng thái tự do:

Và khi đó, thật hiệu quả và rất tự nhiên, đạo đức xã hội sẽ được tự điều chỉnh tốt đẹp và ngày càng văn minh thông qua sự vận động của các tổ chức dân sự hoạt động vì các chuẩn mực đạo đức xã hội mà ở đó các tổ chức tôn giáo luôn đóng vai trò nổi bật và không thể thiếu. Đây chính là sự vận hành của một xã hội dân sự, hay xã hội công dân – nơi mà công dân có tự do sử dụng đầy đủ các quyền Dân sự của mình nhằm tạo ra ảnh hưởng đối với xã hội theo quan điểm của anh/chị ta cho là đúng. Trong một môi trường công bằng như vậy thì những quan điểm nào thuyết phục được nhiều người sẽ trở thành xu thế. Do vậy, dù xã hội luôn tồn tại những cá nhân xấu thì tuyệt đại đa số người dân vẫn chọn cái tốt để tạo ra những xu thế áp đảo cái xấu nên xã hội luôn tiến bộ, đạo đức và văn minh hơn. Đây là một cơ chế tự động điều chỉnh các quan điểm cá nhân và các mối quan hệ xã hội giữa những người hoặc nhóm người khác nhau để đạt đến một trạng thái cân bằng về chuẩn mực của xã hội được gọi là Lương tri quy ước (conventional wisdom) mà nó luôn thay đổi theo chiều hướng ngày càng tốt hơn. Đó là lý do vì sao mà pháp luật không thể và không bao giờ theo kịp để điều chỉnh các quan điểm và quan hệ xã hội luôn biến động như vậy (4).


Pháp luật chỉ nên và chỉ có thể tham gia vào quá trình trên bằng cách đảm bảo một môi trường bình đẳng tuyệt đối – tức là quyền con người của từng mỗi người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng – để xã hội dân sự sẽ tự hình thành nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cơ bản để hỗ trợ cho những xu thế tốt tạo ảnh hưởng mạnh trong việc hình thành nên Lương tri quy ước – chính là sự bình đẳng phổ biến”(4).
Nhân sinh quan ấy, quan điểm ấy chỉ có thể được nung nấu từ những con người tử tế, thực tâm vì đồng bào, đồng loại.
Trong thư gửi tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, các tác giả PTCĐVN đã tỏ ra rất “cương”:
Nếu như ông đã phản đối mạnh mẽ điều mà ông cho là sự áp đặt công thức "dân chủ tự do" của phương Tây (như ông phát biểu tại Cuba ngày 9/4/2012) thì chúng tôi cũng đồng ý rằng mọi sự áp đặt đều không đúng và sẽ phản đối tới cùng nguyên tắc "tập trung dân chủ" mà đảng Cộng sản Việt Nam áp đặt lên toàn dân tộc” (5).
Song, tôi lấy làm thú vị và xin tán dương sách lược này:
Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất cho Nhà nước: những cách thức có thể giúp đảng Cộng sản Việt Nam mau chóng hiện thực hóa lý tưởng của mình thành những giá trị thực tế mà người dân hưởng thụ được trong cuộc sống hiện tại của họ, thay vì phải tuyên truyền những viễn cảnh để tìm kiếm niềm tin của họ. Cá nhân tôi tin rằng nếu có một tư duy thực chứng như vậy thì đảng Cộng sản Việt Nam đã có thể làm cho đất nước tốt đẹp như lý tưởng mà mình mong muốn từ lâu lắm rồi, thay vì phải mất bao nhiêu công sức hàng chục năm trời để lý luận chứng minh rằng tương lai sẽ tốt đẹp như vậy” (5).
Sao lại không thể/không đành hợp tác với ĐCSVN khi mà chưa thể làm khác được.
Dẫu ĐCSVN như một cơ thể đang bị hủy hoại bởi nhiều mầm bệnh quái ác nhưng, lấy lực lượng nào để có thể quật đổ được họ.
Trong các lực lượng đối kháng có thể có nhiều bậc trí giả có tâm, có tầm, có tài, có đức nhưng chưa có điều kiện và cũng chưa nhìn thấy người vừa có đủ uy tín, vừa có khả năng tổ chức và tập hợp quần chúng. Chưa kể rằng! thực tế cho thấy trong các lực lượng này ô hợp cả những phần tử cơ hội mạt hạng đã dễ dàng bị các thế lực chống dân chủ hóa sử dụng các thủ đoạn xảo trá, quỷ quyệt biến thành lính dõng lưu manh, gian ác đánh phá tan hoang từ bên trong !
Thể nào là dân chủ cuội?, thế nào là dân chủ cò mồi?
Cách đây nhiều năm tôi đã khuyến khích ông Hoàng Minh Chính cho phục hoạt Đảng Dân chủ. Phải đến ba bốn năm sau đó đề xuất của tôi mới được thực hiện nhưng do cách làm chưa đúng nên chưa thành.
Tôi cũng đã ra sức khuyến khích ĐCSVN nên chủ động thiết lập chế độ đa nguyên đa đảng bằng cách tự “đẻ” ra một vài đảng anh em thân thiết của mình. Theo cung cách đó ĐCSVN có thể vẫn tồn tại nhưng xã hội nhất định sẽ chuyển hóa nhanh hơn, vững chắc hơn mà ít khả năng xẩy ra những cuộc tàn sát trong nội bộ quốc gia.
Không lo các đảng do ĐCSVN “đẻ” ra sẽ mãi mãi là đảng cuội. Xu hướng phân hóa tất yếu sẽ hình thành yếu tố đối lập tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt nhưng lành mạnh như hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã cùng tồn tại lâu dài trong chính trường Hoa Kỳ.
Nhiều năm qua tôi cũng đã ra sức tìm đường phụ trợ cùng ông Võ Văn Kiệt phục hoạt Đảng Lao Động Việt Nam. Tiếc rằng do tài mọn, dũng khí lại chưa cao nên đến khi ông Kiệt đi xa rồi tôi mới dám bộc bạch ý đồ để chỉ còn nhận được tiếng cười mỉa mai.
Cho nên tôi cảm thấy thật xấu hổ khi nhận được Thư Mời với những dòng thiết tha như dưới đây:
Tôi tin rằng với sự cộng tác của Ông thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được như thế - sẽ mở ra một con đường nhanh nhất đưa đất nước đến thịnh vượng và văn minh bằng sự giàu sang của mọi con Lạc cháu Hồng” (6).
Chúng tôi đã dấn thân, nghiên cứu gần 10 năm qua và khẳng định rằng việc hình thành một phong trào và kêu gọi ra đời một hiến chương như thế này là hoàn toàn hợp hiến và không vi phạm luật.  Đây là nguyên tắc Quyền con người trong nhà nước pháp quyền rõ ràng, đương nhiên và không thể bác bỏ mà ba người khởi xướng chúng tôi nguyện dành trọn phần đời còn lại của mình để tranh đấu cho nó trở thành một giá trị phổ quát và đương nhiên tại Việt Nam” (6).
Tuy vậy, với thực tế trong việc hành xử pháp luật như hiện nay, tôi hoàn toàn ý thức rằng tôi có thể tiếp tục bị bắt bớ và đã sẵn sàng cho điều này như lần trước. Tôi chấp nhận cả những tình huống xấu nhất như thế với hy vọng rằng điều đó sẽ giúp dấy lên được một phong trào để mọi người suy tưởng và từ đó ý thức được những quyền cơ bản của mình và sử dụng chúng một cách tự tin theo đúng tinh thần pháp quyền” (6).
Tôi kính mong Ông, nếu xảy ra những tình huống mà tôi bị tiếp tục tước đoạt quyền tự do, hãy giúp chúng tôi tiếp tục lãnh đạo phong trào Con đường Việt Nam đi đến kết quả cuối cùng thành công” (6).
Tôi rất muốn cùng ghé vai gánh vác với anh chị em trong PTCĐVN nhưng tiếc rằng tuổi đã cao, hơi đã tàn, sức đã kiệt, uy tín đã bị hủy hoại … chỉ còn lại “tuổi già giọt lệ như sưong”.
Nhưng, tôi tin ở những người khởi xướng và rất trân trọng những người được mời sẽ tham gia sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam. Tin và cầu chúc cho đất nước tôi mau chóng đến “thịnh vượng, văn minh”, và không lâu nữa “Quyền con người trong nhà nước pháp quyền … trở thành một giá trị phổ quát và đương nhiên tại Việt Nam” bởi vì tôi kỳ vọng ở lời hứa trên đây: “… ba người khởi xướng chúng tôi nguyện dành trọn phần đời còn lại của mình để tranh đấu cho nó …”.
Hà Nội 20 tháng 7 năm 2012

Nguyễn Thanh Giang

Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay

Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội

Mobi: 0984 724 165


Ghi chú:


  1. - PTCĐVN – Nông dân và quyền công dân

  2. - Lời kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Hiến chương Chấn hưng Việt Nam vì hòa bình thế giới của nhân dân Việt Nam

  3. - Tổng quan về Phong trào Con đường Việt Nam.

  4. - Quyền tự do truyền bá Tôn giáo và Đạo đức xã hội

  5. – PTCĐVN gửi TBT Nguyễn Phú Trọng

  6. - Thư mời tham gia sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam


http://www.conduongvietnam.org/
oooooooooo 00000 ooooooooooooooo 00000 oooooooooo
Thư Cho Con

Giáo Già
Nhân Mùa Giỗ Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

Ðọc Lại Vài Bài Học Thầy Huy
Ngày 23 tháng 7 năm 2012
H,
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy có biệt tài tìm thấy những bài học sáng giá trong các tác phẩm nổi tiếng của những tác giả thời danh được truyền tụng trong dân gian, điển hình như tìm thấy “dụng ý chánh trị” trong tác phẩm “Lục Súc Tranh Công” và rút ra được ở đó những bài học sáng giá cho cuộc đấu tranh giải thể Cộng sản độc đảng độc tài đang cai trị Việt Nam. Sách được Mekong-Tỵnạn xuất bản năm 1991. Chúng tôi xin cho đăng lại đây trích đoạn cho thấy “dụng ý chánh trị” đó như sau:
Nhìn vào thực cảnh bi thương của người lưu dân Việt sau ngày đất nước lọt vào tay Cộng sản ngày 30 tháng 4 năm 1975; hiện nay, có rất nhiều đoàn thể và rất nhiều người quốc gia Việt Nam cùng nuôi chí khí lật đổ chánh quyền Cộng sản để phục hồi các quyền tự do cho nhơn dân Việt Nam. Nhưng vì có những quan điểm khác nhau, hoặc vì những lý do có tánh cách cá nhơn, các người và các nhóm người quốc gia khác nhau có lúc đã chỉ trích nhau mạnh mẽ, có khi còn phá hại việc làm của nhau. Bên trong mỗi nhóm, lại có những người vì tinh thần ích kỷ chủ quan mà chỉ trích chê bai chiến hữu hay đồng chí của mình đến nỗi có khi gây ra những lủng củng trong hàng ngũ. Nếu tình trạng này kéo dài thì người quốc gia Việt Nam dẫu có hy sinh tranh đấu đến mức nào cũng khó thành công được.

Khi hiệu đính, chú thích và in lại bộ “Lục Súc Tranh Công” này, ngoài việc cung cấp một tài liệu có giá trị văn chương và có thể giúp cho người Việt Nam ở hải ngoại hiểu thiêm về các tư tưởng và tin tưởng cố hữu của dân tộc, chúng tôi còn có ý đem một bài học của người xưa phổ biến cho người quốc gia Việt Nam ngày nay biết mà suy gẫm rồi thay đổi thái độ của mình. Ðiều mà chúng tôi mong ước là mọi người đều ý thức rằng không ai có thể chiến thắng Cộng sản được một mình, hay chỉ với tổ chức của mình, và tuy mọi người đều có những chỗ dở, mọi đoàn thể đều có những khuyết điểm, mọi người, mọi đoàn thể đều hữu ích và đều có thể đóng góp vào cuộc tranh đấu chung. Vậy, thay vì ganh tỵ với chiến hữu hay với đồng chí của mình và chê bai chỉ trích họ, người tranh đấu chống bạo quyền của bọn Cộng sản Hà Nội nên hòa hợp với nhau để cùng hoạt động cho đoàn thể mình mạnh lên.

Ðối với các đoàn thể khác cùng chống bọn Cộng sản Hà Nội như mình, người tranh đấu nên cố gắng có sự kết hợp để làm việc chung, nếu không được như vậy thì ít nhứt cũng nên tránh sự chỉ trích, chống báng hay phá hại việc làm của họ. Có được như vậy, người quốc gia Việt Nam mới mong đạt mục đích giải phóng dân tộc mình khỏi ách chuyên chế của bọn Cộng sản Hà Nội&” [xin xem toàn văn trong tác phẩm Lục Súc Tranh Công, trang 19-44].
Cũng vậy, đọc các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy nhìn thấy “các ẩn số chánh trị” trong các tác phẩm này và năm 1986 Giáo sư có sáng kiến viết thành tác phẩm “Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung” [Mekong-Tynan tái bản, 2009] để từ các tác phẩm được quần chúng ưa chuộng của Kim Dung tìm ra các ẩn số chánh trị, phê bình các sự kiện, các chuyển biến hấp dẫn, lôi cuốn của cốt chuyện, các cá tính độc đáo của các nhơn vật... để từ đó phô diễn tư tưởng vừa rút ra những bài học sáng giá vừa trình bày viễn kiến của Giáo sư.
Trước đó, đọc Bộ Tây Du Diễn Nghĩa Giáo sư đã nhận ra bài học vô cùng sáng giá cho cuộc đấu tranh giải phóng đất nước khỏi thảm nạn độc đảng độc tài của Cộng sản Việt Nam. Nó được Giáo sư ghi rõ trong phần cuối của bài viết “Nhân Năm Quy Hợi [1983] Nói Chuyện Về Bộ Tây Du Diễn Nghĩa Và Trư Bát Giới”. Ðó là:
Bài học mà tác giả Tây Du Ký Diễn Nghĩa muốn đưa ra trong bộ sách này là sự liên đới giữa những người cùng lãnh thi hành một nhiệm vụ, như các bộ phận khác nhau họp lại làm con người. Bốn thầy trò Tam Tạng phải đi chung nhau mới đến tây phương. Ngay cả phần tử có nhiều nhược điểm như Trư Bát Giái cũng cần thiết và các nhơn vật khác có bực bội nhưng vẫn phải dung nạp Trư Bát Giái. Nếu chúng ta so sánh việc tranh đấu để giải phóng đất nước khỏi ách bọn cộng sản Hà Nội với việc thỉnh kinh, chúng ta cũng phải có tinh thần cởi mở, dung nạp những phần tử mà chúng ta xem là không hoàn mỹ thì mới có thể đi đến sự thành công”.
Hôm nay, nhân mùa Giỗ năm thứ 22 của Giáo sư [qua đời ngày 28.7.1980 tại Paris, Pháp quốc] do yếu tố thuận lợi của không gian và thời gian Ðại Gia Ðình Nguyễn Ngọc Huy sẽ tổ chức lễ giỗ ở 2 thành phố Oakland và Sacramento, Bắc California, vào các ngày 18 và 19.8.2012 [Thiệp mời đính kèm trong attachmnet dạng pdf], chúng tôi xin cho đăng lại đây toàn văn bài viết như một nén nhang kính dâng hương linh Giáo sư; đồng thời cũng tự nhắc bài học sáng giá nêu trên. Sau đây là toàn văn bài viết:

Người Trung Hoa được xem như giống dân có biệt tài kể chuyện. Nhiều bộ sách trường thiên của họ, từ các tác phẩm cổ điển đến những pho kiếm hiệp cận đại đã hấp dẫn được một số rất đông người đọc. Không những người bình dân và trẻ con say mê theo dõi câu chuyện vì các sự kiện ly kỳ, các tình tiết gay cấn, nhiều người trí thức cũng thích thú khi đọc các sách ấy và tìm thấy trong đó những ngụ ý triết lý thâm trầm.



Tây Du Ký Diễn Nghĩa là một trong những tác phẩm nổi tiếng và hội tập được các đặc tính trên đây. Chuyện thầy trò Tam Tạng đi thỉnh kinh bị yêu quỉ ngăn trở hãm hại và nhờ Trời Phật Thánh Thần phù trì giúp đđã lôi cuốn được cả đại chúng lẫn người trí thức. Việc tác giả mượn cốt chuyện ly kỳ của Tây Du Ký Diễn Nghĩa để nêu ra một quan niệm triết lý về con người là điều không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, về dụng ý của ông, người ta đã có những ý kiến khác nhau.

Trong bản dịch bộ Tây Du Ký Diễn Nghĩa ra Việt ngữ xuất bản ở Sài Gòn năm 1962, ông Phan Quân cho rằng có hai lối giải thích khác nhau:

1. Tác giả muốn mô tả một cuộc xung đột giữa hai phe chánh và tà.

2. Thầy trò Tam Tạng là những nhơn vật điển hình cho các phần khác nhau của con người: Tam Tạng điển hình cho lý trí, Tôn Hành Giả điển hình cho sức mạnh, Trư Bát Giái điển hình cho dục vọng, Sa Tăng điển hình cho tánh biếng nhát, con ngựa điển hình cho phương tiện.

Ông Phan Quân đã nghiêng về lối giải thích thứ nhì kể trên đây. Lối giải thích nầy có những điểm đúng, nhưng không phù hợp hoàn toàn với các chi tiết trong bộ Tây Du Ký Diễn Nghĩa. Tam Tạng đã bị gạt gẫm nhiều lần một cách quá dễ dàng nên khó thể xem ông là tượng trưng cho lý trí. Về sự biếng nhát, nó không phải là đặc tính của một mình Sa Tăng vì Trư Bát Giái cũng có tật xấu ấy.

Do các nhận xét trên đây chúng tôi nghĩ rằng lối giải thích do một số người theo Thông Thiên Học đưa ra vào lúc Thế Chiến II có lẽ thích hợp hơn. Theo lối giải thích nầy, Tam Tạng tượng trưng cho linh hồn, Tôn Hành Giả tượng trưng cho trí thông minh, Trư Bát Giái tượng trưng cho bản năng và Sa Tăng tượng trưng cho thể xác. Chúng ta có thể nói thêm rằng con ngựa tượng trưng cho lòng dũng cảm của con người. Nhiều dữ kiện trong Tây Du Ký Diễn Nghĩa cho phép chúng ta nghĩ rằng lối giải thích trên đây phù hợp với tư tưởng của tác giả bộ sách ấy.

Theo các tôn giáo, linh hồn con người là một bộ phận hay một sản phẩm của vị chúa tể muôn loài, vì một lý do nào đó mà phải xuống ở chốn trần gian. Nơi đây, linh hồn người ta là một đối tượng tranh giành giữa thánh thần và ác quỉ, một bên muốn cho linh hồn tu niệm để trở về thượng giới, một bên muốn lôi kéo linh hồn sa đọa thêm và rơi hẳn vào nơi hắc ám muôn đời.

Trong Tây Du Ký Diễn Nghĩa, Tam Tạng vốn là Kim Thiền Trưởng Lão, một đệ tử của Ðức Phật ở cõi trên, vì phạm lỗi mà bị đưa xuống trần. Ông đã đi tu từ nhỏ, và việc đi thỉnh kinh cốt để ông có đủ công quả cần thiết để thành Phật. Ông đã được Quan Thế Âm Bồ Tát và nhiều thần thánh giúp đỡ. Trong khi đó, bọn ma quỉ yêu quái tìm mọi cách bắt ông đăn thịt. Chúng đồn đãi với nhau rằng ăn một miếng thịt của Tam Tạng như uống thuốc trường sanh, sống lâu ngàn tuổi. Ðó là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của chúng muốn tranh đoạt Tam Tạng cho bằng được. Câu chuyện đi thỉnh kinh cho rằng Tam Tạng tượng trưng cho linh hồn con người hướng về cõi trên, nhưng trong việc tìm về cõi trên lại bị nhiều ngăn trở, nhiều lôi cuốn phát xuất không những từ nơi ác quỉ, mà còn nơi những nhược điểm của chính mình. Nếu không có sự thành khẩn và kiên quyết tu niệm, cùng sự giúp đỡ của thần thánh, linh hồn rất khó trở về cõi trên.

* * *

Về phần Tôn Hành Giả, nhiều chi tiết trong Tây Du Ký Diễn Nghĩa cho thấy rằng ông tượng trưng cho trí thông minh. Nhưng muốn hiểu rõ dụng ý của tác giả bộ sách này, ta cần phải nhớ rằng người Trung Hoa không xem trí thông minh là sản phẩm của bộ óc như người Tây phương. Ðối với họ, trí thông minh phát xuất từ lòng dạ, hay nói rõ hơn nữa từ quả tim.

Theo tác giả Tây Du Ký Diễn Nghĩa, Tôn Hành Giả ở núi Hoa Quả, động Thủy Liêm. Hai địa danh này dùng để ám chỉ phổi và tim. Cuống phổi của người chia ra làm hai nhánh mang hai buồng phổi được xem như là một cái cây có hai cành mang hoa quả. Về tên Thủy Liêm, nó có nghĩa là Rèm Nước và dùng để mô tả quả tim, vì quả tim có những buồng trống đựng máu, khi tim bóp lại thì máu từ buồng trống vọt ra để chảy vào đại động mạch. Các tia máu vọt ra được so sánh với một rèm nước, và muốn vào bên trong quả tim, phải vượt qua rèm nước ấy.

Nơi Tôn Hành Giả học đạo là núi Linh Ðài Phương Thốn, động Tà Nguyệt Tam Tinh. Linh Ðài Phương Thốn có nghĩa là cái đầu vuông một tấc. Ðó là tên mà người Trung Hoa ngày xưa dùng để chỉ quả tim hay tâm địa người. Trong bộ Minh Tâm Bửu Giám có câu thơ:

Ðản tồn phương thốn địa

Lưu dữ tử tôn canh.

(Chỉ còn một mảnh đất vuông một tấc

để cho con cháu cày cấy)

Tác giả câu thơ này muốn dạy rằng việc để lại ruộng đất minh mông cho con cháu không hữu ích bằng sự vun bồi đạo đức, thi ơn huệ cho người khác.

Ruộng đất minh mông có thể mất vì lý do này hay lý do khác mà con cháu lãnh ruộng đất đó có thể bị đói hay bị tai họa vì sự tranh giành của người khác. Trái lại tấc lòng tốt của mình và của con cháu mình sẽ được sự báo đáp của những kẻ thọ ơn và con cháu mình sẽ không sợ đói hay bị hãm hại. Cũng trong Minh Tâm Bửu Giám, có câu thơ:

Tam điểm như tinh tượng

Hoành câu tư nguyệt tà.

(Ba chấm như hình ngôi sao

Một cái móc nằm ngang tựa như vành trăng khuyết)

Hai câu thơ này mô tả chữ tâm là tim hay lòng dạ. Trong Truyện Kiều, thi sĩ Nguyễn Du đã mượn ý này để nói đến việc Kiều nhớ Thúc Sinh (vốn tên là Kỳ Tâm):

Ðêm thu gió lọt song đào,

Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời.

Vậy núi Linh Ðài Phương Thốn và động Tà Nguyệt Tam Tinh đều chỉ tim hay lòng dạ. Theo người Trung Hoa, đó là nơi trí thông minh của con người phát xuất và được rèn luyện.

Một số chi tiết khác của Tây Du Ký Diễn Nghĩa cho thấy rằng Tôn Hành Giả tượng trưng cho trí thông minh của người. Tôn Hành Giả cốt là con khỉ hay leo trèo không thể ngồi yên một chỗ, lại học được phép cân đẩu vân, nhảy một cái đến hàng muôn dặm cũng như trí con người từ việc này liên tưởng sang việc khác cách biệt nhau rất xa. Muốn thành công, người phải tập trung tư tưởng vào một đề tài. Ðó là việc khó khăn cho trí óc người nên tác giả Tây Du Ký Diễn Nghĩa đã dùng hình ảnh của một Kim Cô xiềng đầu Tôn Hành Giả và có thể làm cho Tôn Hành Giả nhức đầu để nói đến nó. Trí thông minh của người có thể ứng phó với mọi hoàn cảnh và điều này được diễn tả qua 32 phép biến hóa của Tôn Hành Giả và qua cây thiết bảng mang tên là Như Ý Kim Cô có thể trở thành lớn hay nhỏ theo sự điều khiển của người sử dụng. Theo tác giả Tây Du Ký Diễn Nghĩa trí thông minh phát xuất từ vật chất và phải bị vật chất chi phối. Do đó, Tôn Hành Giả được xem là trứng đá nở ra và khi bị đè dưới núi Ngũ Hành thì không tự thoát ra được. Dầu vậy, trí thông minh của người làm cho người tự hào xem mình là một vật linh thiêng trong vũ trụ và xưng mình là Tề Thiên Ðại Thánh, tức là ông thánh ngang với trời. Ðiều có thể làm cho người đọc thắc mắc là tài năng Tôn Hành Giả: lúc loạn thiên cung thì đánh thắng các thánh thần một cách tương đối dễ dàng, nhưng khi đưa Tam Tạng đi thỉnh kinh thì thường không đương cự nổi lũ yêu quái, nhiều khi chỉ là thuộc hạ của các vị thánh thần đã từng thua mình. Tuy nhiên, nếu xem Tôn Hành Giả là tượng trưng cho trí thông minh, ta có thể giải thích được việc ấy: thời kỳ Tôn Hành Giả loạn thiên cung ám chỉ giai đoạn trí thông minh thiết lập kế hoạch và vượt qua các trở lực lý thuyết một cách dễ dàng, thời kỳ Tôn Hành Giả đưa Tam Tạng đi thỉnh kinh ám chỉ giai đoạn trí thông minh thực hiện kế hoạch và có thể thất bại trước các trở lực rất nhỏ.

* * *

Phần Trư Bát Giái tượng trưng cho bản năng làm nền tảng cho dục vọng của con người. Trong Tây Du Ký Diễn Nghĩa, Trư Bát Giái được trình bày như là con heo và có nhiều tật xấu, biếng nhát, dối trá, tham lam, hay gièm siểm... Khi được sai đi công tác, Trư Bát Giái thường tìm chỗ ngủ cho đã rồi trở về báo cáo láo. Gặp đàn bà con gái đẹp, Trư Bát Giái thường chọc ghẹo hay có ý muốn bỏ việc đi thỉnh kinh để cưới họ làm vợ. Có cơ hội dự tiệc tùng hay nếm món ngon vật lạ, Trư Bát Giái rất ham ăn và thường tỏ ra rất thô tục. Lúc bình thường, Trư Bát Giái nịnh bợ Tam Tạng và kích bát Tôn Hành Giả, xúi giục Tam Tạng trừng phạt Tôn Hành Giả. Nhưng gặp sự khó khăn, Trư Bát Giái lại dễ ngã lòng và thiên về chủ trương bỏ cuộc. Những tật xấu trên đây quả là biểu tượng của bản năng và dục vọng thấp kém của con người. Nhưng bản năng và dục vọng cũng có thể thúc đẩy con người có những hành động tốt. Nghe Quan Thế Âm Bồ Tát khuyên nhũ, Trư Bát Giái đã hăng hái xin đi bảo vệ người thỉnh kinh. Cũng chính Trư Bát Giái là nhơn vật xung phong cào quét gai góc trong núi Kinh Cát và các lớp hồng rụng trong truông Thập Tuyệt để dọn đường cho đoàn thỉnh kinh. Ðó là những việc làm nặng nhọc, hôi hám. Nhưng ngoài nhu cầu dọn sạch đường đđi thỉnh kinh, Trư Bát Giái còn được khích lệ vì ý tưởng được những bộ hành tương lai của các con đường ấy ca ngợi.

* * *

Sa Tăng là tượng trưng cho thể xác muốn sống, thể xác này phải được dinh dưỡng với những món ăn mà một phần là thịt cầm thú. Theo quan niệm nhiều nhà thần học, cầm thú cũng là sinh vật do tạo hóa sanh ra và có thể xem nhưđàn em của loài người. Bởi đó, Tây Du Ký Diễn Nghĩa mô tả Sa Tăng như một con quái ăn thịt người. Thể xác người vốn không có chủ trương riêng biệt và có thể tuân lịnh của trí thông minh hay của bản năng. Bởi đó, trong Tây Du Ký Diễn Nghĩa, Sa Tăng đã giữ vị trí trung lập giữa Tôn Hành Giả và Trư Bát Giái, không can ngăn khi Tam Tạng nghe lời gièm siểm của Trư Bát Giái mà niệm chú cân cô cho Tôn Hành Giả nhức đầu. Mặt khác, Sa Tăng sẵn sàng làm theo lịnh của Tôn Hành Giả như của Trư Bát Giái.

* * *

Trong xã hội cổ, con ngựa là một sinh vật dùng trong chiến trận. Ở Trung Quốc thời xưa, viên quan coi về quốc phòng mang tước hiệu là Tư Mã. Do đó, trong Tây Du Ký Diễn Nghĩa, con ngựa tượng trưng cho lòng dũng cảm. Ðó là một yếu tố cần thiết cho con người trong sự phấn đấu đđạt mục tiêu. Tuy nhiên, lòng dũng cảm có thể dùng đđạt những mục tiêu thấp hèn như trường hợp kẻ cướp rất can đảm trong việc đánh người lấy của. Người tu niệm muốn thành chánh quả phải có một lòng dũng cảm trong sạch hướng đến việc thiện. Bởi đó, trong Tây Du Ký Diễn Nghĩa, con ngựa được Tam Tạng cởi đi đến tây phương là con ngựa Kim do một con rồng bạch biến hóa ra. Cốt rồng và sắc trắng của con ngựa này dùng để biểu hiện lòng can đảm cao quí và trong sạch của một linh hồn thật tâm hướng thiện, xứng đáng được trở về thượng giới.

* * *

Bốn thầy trò Tam Tạng và con ngựa hợp lại thành một con người đầy đủ trên con đường học đạo. Tam Tạng là linh hồn, một yếu tố căn bản của con người nên đóng vai tuồng chủ tể mặc dầu tài sức thua các đệ tử rất xa. Rồi khi Tam Tạng nghe theo lời Trư Bát Giái tượng trưng cho bản năng và dục vọng thì bị gặp khó khăn và thất bại, còn nghe theo lời Tôn Hành Giả tượng trưng cho lý trí thì được yên ổn và tiến lên được. Trư Bát Giái tượng trưng cho bản năng và dục vọng có thúc đẩy Tam Tạng đi vào đường sai quấy, nhưng cũng có xung phong làm những việc khó khăn hôi hám như cào quét gai góc trong núi Kinh Cát và các lớp hồng rụng trong truông Thập Tuyệt. Tôn Hành Giả tượng trưng cho lý trí nên có tánh cách thanh bai hơn và không làm được các công việc đó. Vậy, tuy có nhiều tật xấu, Trư Bát Giái là một nhơn vật cần thiết trong việc thỉnh kinh. Mặc dầu thụ động, Sa Tăng tượng trưng cho thể xác và con ngựa tượng trưng cho lòng can đảm cũng là những nhơn vật không có không được. Bài học mà tác giả Tây Du Ký Diễn Nghĩa muốn đưa ra trong bộ sách này là sự liên đới giữa những người cùng lãnh thi hành một nhiệm vụ, như các bộ phận khác nhau họp lại làm con người. Bốn thầy trò Tam Tạng phải đi chung nhau mới đến tây phương. Ngay cả phần tử có nhiều nhược điểm như Trư Bát Giái cũng cần thiết và các nhơn vật khác có bực bội nhưng vẫn phải dung nạp Trư Bát Giái. Nếu chúng ta so sánh việc tranh đấu để giải phóng đất nước khỏi ách bọn cộng sản Hà Nội với việc thỉnh kinh, chúng ta cũng phải có tinh thần cởi mở, dung nạp những phần tử mà chúng ta xem là không hoàn mỹ thì mới có thể đi đến sự thành công. Nguyễn Ngọc Huy”.
Hẹn con thư sau,

Giáo Già


Каталог: groups
groups -> Báo cáo tài chính, luồng tiền và các khoản thuế (Mức độ: Dễ, Dễ/Trung bình, Trung bình/Khó, và Khó) Phần I
groups -> Viettudan an ban/ Edition: unicode fonts Dau tranh cho Tu-do Ca-nhan & Nguyen-tac Dan-chu Xa-hoi tai Viet-Nam
groups -> Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do
groups -> PHẦn chuyển tiếp kính thưa quý vị và các bạn trẻ, giữa những ngưới Việt chúng ta, tôi nói
groups -> Ý Nga sưu tầm và cập nhật hóa ngày 21-4-2013, với nhạc của nhạc sĩ: TừYên, Hà Thúc Sinh vừa thêm vào
groups -> BÁo cáo môn: RÈn luyện nghiệp vụ SƯ phạM 3
groups -> Phản Bội hay Tự Do cho Việt Nam ?
groups -> Tin khoa hoc december 31, 2010 Những vụ phóng vệ tinh thất bại trong 2010 Trong năm 2010, một số quốc gia đã vấp phải các sự cố trong việc phóng vệ tinh vào không gian
groups -> Một Thời Bạn Học Revised 8/4/10 việt nam

tải về 1.48 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương