Tự Do Dân Bản online Chủ trương & thực hiện


§ 1963: Tiến Sĩ Chánh Trị Học, Trường Đại Học Luật Khoa & Kinh Tế Paris. Luận án: “Đề tài người ưu tú trong tư tưởng chánh trị Trung Quốc cổ thời”



tải về 1.48 Mb.
trang4/8
Chuyển đổi dữ liệu26.04.2018
Kích1.48 Mb.
#37224
1   2   3   4   5   6   7   8
§ 1963: Tiến Sĩ Chánh Trị Học, Trường Đại Học Luật Khoa & Kinh Tế Paris. Luận án: “Đề tài người ưu tú trong tư tưởng chánh trị Trung Quốc cổ thời”
§ 1960: Cao Học Chánh Trị, Trường Đại Học Luật Khoa & Kinh Tế Paris.
§ 1959: Cử Nhơn Luật Khoa và Kinh Tế, Viện Đại Học Paris.
§ Tốt nghiệp Viện Nghiên Cứu Chánh Trị Đại Học Paris.
§ Tự học thi đậu bằng Tú Tàị.
§ Học sinh trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, thi đậu bằng Trung Học. Một trong học sinh đậu xuất sắc nhứt tại Đông Dương (xem phim tài liệu về Thân Thế & Sự Nghiệp Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy / Câu Lạc Bộ Đằng Phương thực hiện năm 2007).
Chức vụ:
Trong Ngành Giảng Huấn:
§ Từ 1976: Phụ Khảo tại Trường Đại Học Luật Khoa Harvard (Hoa Kỳ).
§ 1965-1975: Giáo Sư Chánh Trị Học và Luật Hiến Pháp ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh tại Sài Gòn, Trường Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội tại Cần Thơ, Trường Đại Học Sư Phạm tại Sài Gòn, Trường Đại Học Luật Khoa tại Huế. Ngoài ra còn giảng dạy tại các Trường Đại Học Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Minh Trí... và ở Trường Cao Đẳng Quốc Phòng, Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, Trường Đại Học Chiến Tranh Chánh Trị.
§ 1967-1968: Khoa Trưởng Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội tại Cần Thơ.
Trong Chánh Quyền:
§ 1973 và 1968-1970: Nhơn viên phái đoàn tham dự thương thuyết Hòa Đàm Paris.
§ 1967: Hội Viên Hội Đồng Dân Quân.
§ 1964: Đổng Lý Văn Phòng Phủ Phó Thủ Tướng Đặc Trách Bình Định.
Hoạt Động Chánh Trị:
§ Từ 1986: Hội Viên Ủy Ban Danh Dự của Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ VN Tự Dọ
§ Từ 1981: Chủ Tịch Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương Liên Minh Dân Chủ Việt Nam.
§ 1973-1975: Đồng Chủ Tịch Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội (gồm 6 đảng).
§ 1969-1975: Tổng Thơ Ký Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến.
§ 1964-1990: Thành lập đảng Tân Đại Việt và là lãnh đạo đảng cho đến năm 1990.
§ 1945-1964: Đảng viên Đại Việt Quốc Dân Đảng và tham dự Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương năm 1948.
Tưởng Lục:
§ WHO'S WHO đông bộ Hoa Kỳ, ấn bản lần thứ 18, 1981-1982.
§ Giải thưởng của Viện Đại Học Paris trao luận án Tiến sĩ xuất sắc nhất trong năm.
Chuyên Môn:
§ Luật Hiến Pháp, Tư Tưởng Chánh Trị, Định Chế Chánh Trị, Bang Giao Quốc Tế.
§ Thông thạo ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh và Hán văn.
Tác phẩm :
§ Tiếng Việt:
1. HỒN VIỆT, thơ, Sài Gòn, 1950, tái bản ở Paris năm 1984.
2. QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT (Quyển A), Việt Publisher, Canada, 1990.
3. DÂN TỘC SINH TỒN, chủ thuyết của Đại Việt Quốc Dân Đảng, được bổ túc, phong phú hóa và thâu nhận các nguyên tắc tự do dân chủ, (2 quyển), Sài Gòn, 1964.
4. DÂN TỘC HAY GIAI CẤP ?
5. BIỆN CHỨNG DUY XẠO LUẬN (Trào phúng).
6. CÁC ẨN SỐ CHÁNH TRỊ TRONG TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP KIM DUNG, Thanh Phương Thư Quán, San Jose, Hoa Kỳ, 1986.
7. HÀN PHI TỬ: bản dịch ra Việt ngữ tác phẩm của Hàn Phi, nhà lý thuyết trứ danh của học phái Pháp Gia Trung Quốc, (2 quyển), Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974.
8. LỊCH SỬ CÁC HỌC THUYẾT CHÁNH TRỊ, Cấp Tiến, Sài Gòn, 1970-1971.
9. ĐỀ TÀI NGƯỜI ƯU TÚ TRONG TƯ TƯỞNG CHÁNH TRỊ TRUNG QUỐC CỔ THỜI, bản dịch Luận án Tiến sĩ viết bằng tiếng Pháp, Cấp Tiến, Sài Gòn, 1969.
10. Tên Họ Người Việt Nam . Mekong-Tỵnạn, California, USA
- Cùng viết với Gs Trần Minh Xuân (2 cuốn 11 và 12 trong danh sách này):
11. Hiệu đính và chú thích LỤC SÚC TRANH CÔNG. Đi tìm tác giả và dụng ý chánh trị trong tác phẩm. Mekong-Tỵnạn, California, USA, 1991.
12. HỒ CHÍ MINH: TỘI PHẠM NHƠN QUYỀN VIỆT NAM. Mekong-Tỵnạn, USA, 1992.
§ Tiếng Pháp:
13. POUR UNE NOUVELLE STRATÉGIE DE DÉFENSE DU MONDE LIBRE CONTRE L'EXPANSION COMMUNISTE, Alliance Pour La Démocratie Au Vietnam, Paris, 1985.
§ Tiếng Anh:
14. THE LÊ CODE: LAW IN TRADITIONAL VIETNAM, bản dịch ra tiếng Anh và chú thích bộ QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT, tục danh LUẬT HỒNG ĐỨC của nhà Lê (1428-1788), Ohio University Press, Hoa Kỳ, 1987 - cùng viết với Gs Tạ Văn Tài và Gs Trần Văn Liêm -
15. A NEW STRATEGY TO DEFEND THE FREE WORLD AGAINST COMMUNIST EXPANSION, Alliance For Democracy In Vietnam, 1985.
16. PERESTROIKA OR THE REVENGE OF MARXISM OVER LENINISM, Việt Publisher, Canada, 1990.
Cùng viết với Gs Stephen B. Young (2 cuốn 17 và 18 trong danh sách này)
17. UNDERSTANDING VIETNAM, do T.D.T. Thomason xuất bản, The Displaced Persons Center Information Service, Bussum, The Netherlands.
18. THE TRADITION OF HUMAN RIGHTS IN CHINA AND VIETNAM, Yale Southeast Asia Studies, The LẠC VIỆT Series, New Haven, CT, USA, 1990.
Bài Đăng Báo:
§ Tiếng Việt:
- 1947-1990: Bài nhận định Tình Hình Thế Giới Trong Tháng Vừa Qua cùng nhiều bài báo về văn hóa & chánh trị Việt Nam trên nhiều tờ báo tiếng Việt ở trong và ngoài nước, như TỰ DO DÂN BẢN, ĐƯỜNG MỚI, MEKONG-TỴNẠN, SAIGON, THẰNG MÕ, HỒN VIÊT, HƯỚNG VIỆT, DIỄN ĐÀN VIỆT NAM, CẤP TIẾN, DÂN QUYỀN, LỬA THIÊNG, QUỐC PHÒNG, ĐUỐC VIỆT, THANH NIÊN ...
§ Tiếng Pháp:
- LA FRANCE ET LE VIETNAMIEN PARTISAN DE LA DÉMOCRATIE LIBÉRALE, trong ĐƯỜNG MỚI, Pháp Quốc, số 4, 1985.
- LE CODE DES LÊ, nhận xét về bản dịch bộ luật nhà Lê ra tiếng Pháp của Ông Deloustal và về niên biểu ấn hành của bộ luật này, trong BULLETIN DE L'ÉCOLE FRANCAISE D'EXTRÊME ORIENT, Quyển LXVII, Pháp Quốc, 1980.
§ Tiếng Anh:
- Cùng viết với Gs Tạ Văn Tài: THE VIETNAMESE LEGAL TEXTS, trong THE LAW OF SOUTH-EAST ASIA, Quyển 1, THE PRE-MODERN TEXTS, do M.B. Hooker xuất bản, Butterworth & Co, 1986.
- LIMITS ON STATE POWER IN TRADITIONAL CHINA AND VIETNAM, trong THE VIETNAM FORUM, Ban Nghiên Cứu Đông Nam Á Châu của Đại Học Yale, Hoa Kỳ, số 6, Hè-Thu 1985.
- THE MING CODE IN VIETNAMESE LEGAL HISTORY: ITS INFLUENCE ON THE VIETNAMESE CODES AND OTHER LEGAL DOCUMENTS, trong MING STUDIES, số 19, Thu 1984.
- ON THE PROCESS OF CODIFICATION OF THE NATIONAL DYNASTÝS PENAL LAWS, trong THE VIETNAM FORUM, Ban Nghiên Cứu Đông Nam Á Châu của Đại Học Yale, Hoa Kỳ, số 1, Đông-Xuân 1983.
- THE PENAL CODE OF VIETNAM'S LÊ DYNASTY, trong STATE AND LAW IN EAST ASIA, để kỹ niệm ngày Ông Karl Bunger trí sĩ, do Dieter Eikemeier và Herber Franke xuất bản, Otto Harrassowitz, Weisbaden, 1981.
Thuyết Trình:
· VAI TRÒ HỒ CHÍ MINH TRONG DIỄN TIẾN CỦA TÌNH TRẠNG NHƠN QUYỀN TẠI VIỆT NAM, HỘI THẢO VỀ ĐỀ TÀI “CON NGƯỜI VÀ DI SẢN CỦA HỒ CHÍ MINH” tại Điện Luxembourg (Trụ sở Thượng Nghị Viện Pháp), trong 2 ngày 25 và 26-5-1990.
· CHÁNH SÁCH QUỐC PHÒNG CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM tại Đại Học Không Quân Hoa Kỳ, Colorado Springs, ngày 11-4-1988.
· KINH NGHIỆM CỦA HOA KỲ TẠI VIỆT NAM , Đại Học Không Quân Hoa Kỳ, Colorado Springs, ngày 12-4-1988.
· CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀ NỀN AN NINH Á CHÂU tại Đại Học Monash, Melbourne, Úc Đại Lợi, ngày 17-9-1987.
· LIÊN MINH LIÊN SÔ - CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀ NỀN AN NINH CỦA ĐÔNG NAM Á CHÂU, Hội Thảo Bàn Tròn do Hội Đồng An Ninh Quốc Tế tổ chức ở Bangkok từ ngày 6 đến 8-7-1986.
· TRẬN CHIẾN ĐẤU CUỐI CÙNG VÀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA MIỀN NAM VIỆT NAM: 1973-1975, Hội Thảo do Đại Học Glassboro tổ chức trong ngày 7 và 8-4-1986.
· VIỆT NAM DƯỚI ÁCH CỘNG SẢN, Hội Thảo tại Đại Học Harvard, ngày 23-11-1981, sau được Đại Học George Mason đăng trong bài nghiên cứu về VN.
· THỰC TRẠNG Ở VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC ĐÔNG DƯƠNG VÀ GIẢI PHÁP CHO CÁC VẤN ĐỀ DO CÁC NƯỚC ẤY GÂY RA, Đại Học Minnesota, 3-10-1981.
· NGUYÊN NHƠN VÀ HẬU QUẢ CỦA VIỆC MIỀN NAM VIỆT NAM SỤP ĐỔ NĂM 1975, tại Đại Học Washington ở Seattle, 1980.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy qua đời vào ngày 28-7-1990 tại Paris hưởng thọ 66 tuổi, mang lại tiếc thương vô vàng cho mọi người mến mộ. Không những cho riêng người Việt, mà ngay cho cả người ngoại quốc. Có lẻ lần đầu tiên một người Việt Nam qua đời , được chính Tổng Thống Hoa Kỳ đương nhiệm - ông George Bush - chia buồn và lên tiếng ca ngợi là một nhân vật tận tụy phụng sự cho dân tộc Việt với tấm gương sáng ngời cho thế hệ mai sau (xem : Nhà Chí Sĩ Thời Đại : Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy / Câu Lạc Bộ Đằng Phương xuất bản năm 2003 / trang 11).
II. Tác phẩm
Giáo Sư Huy qua đời để lại một công trình sáng tác đồ sộ trải dài trên nhiều lãnh vực khác nhau , mà khi ấn bản tác phẩm cuối cùng " Tên Họ Người Việt Nam " Ký Giả Trần Minh Xuân kê khai ra rất đầy đủ . Điểm rất lạ là suốt đời Giáo Sư Huy hoạt động tranh đấu , lãnh đạo đoàn thể , đấu trí chống chỏi các thế lực độc tài , rồi lại bị bịnh ung thư kéo dài gần 10 năm , vậy mà vẫn có thể viết ra được quá nhiều những tác phẩm độc đáo .
Tìm hiểu thì thấy Giáo Sư Huy rất ham đọc sách, rất ham tìm hiểu . Thuở nhỏ ăn ở làm việc trong Thư Viện Quốc Gia tại Sàigòn, lớn lên làm luận án tiến sĩ tại Ðại Học Paris, về già nghiên cứu tại Ðại Học Harvard, toàn những nơi tàng trử sách quý nên ông có cơ hội tìm tòi . Ngoài ra lại thông thạo 3 sinh ngữ quan trọng (Anh, Pháp, Hán) nên càng dể dàng tham khảo . Vào ngày 4.8.1990 tại Austerlitz (Hoà Lan), Bác Sĩ Trần Ngọc Quang (Pháp) đã ca ngợi kiến thức uyên bác hầu như lãnh vực nào giáo sư Huy cũng thông suốt . Mà quả thực vậy, nhìn lại toàn bộ các tác phẩm của ông đã cho thấy rỏ điều đó . Nội trong quyển ‘‘Quốc Triều Hình Luật’’ dầy 263 trang được dẩn chứng 478 lần rút từ trên 100 quyển sách . Quyển Perstroika (Anh, Pháp, Việt) dầy 497 trang với 639 dẫn chứng của trên 200 tác phẩm ngoại quốc . Cũng nhờ một kiến thức uyên bác như vậy, Giáo Sư Huy tạo được sự kính nể và dể thuyết phục người đối diện .
Có lẽ nhờ kiến thức uyên bác , trí nhớ hiếm có , lối làm việc đam mê khác thường bất kể không gian và thời gian và nghị lực phi thường , Giáo Sư Huy viết được nhiều tác phẩm bất hủ như vậy . Ông còn rất nhiều dự định sáng tác, ông chết đi để lại nhiều di cảo . Trong những năm cuối cùng ông thường tâm sự, nếu có thì giờ rảnh rổi thì cứ mỗi tháng có thể viết xong một tác phẩm . Mặc dù trách nhiệm đè nặng trên đôi vai gầy, ông đã cố gắng viết được các tác phẩm giá trị (xem phần tiểu sử).
Trong đó có 6 tác phẩm được coi là đắc ý nhứt:
1) Thơ Hồn Việt: bao gồm những bài thơ đầy lòng ái quốc, thể hiện rỏ lý tưởng của giáo sư Huy từ lúc thiếu thời dấn thân vào con đường tranh đấu đến khi lìa đời . Những bài thơ “Anh Hùng Vô Danh”, đã được chọn giảng dạy tại học đường và đã trở thành những vần thơ lịch sử của Dân Tộc Việt .

2) Dân Tộc Sinh Tồn, Chủ Nghĩa Quốc Gia Khoa Học: Qua kinh nghiệm đau thương, tổ chức bị phân tán khi lãnh tụ Trương Tử Anh bị thất tung, Giáo Sư Huy đã dụng tâm, suy nghĩ, điều chỉnh chủ thuyết lại để thâu nhận các nguyên tắc tự do và dân chủ hợp hiến, phù hợp với tiến trình nhân loại . Ông đã dứt khoát bác bỏ đường lối lãnh tụ chế, vì nhận thấy sẽ đưa đên thảm họa độc tài .

3) Ðề Tài Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chánh Trị Trung Quốc Cổ Thời: Là luận án Tiến Sĩ của Giáo Sư Huy và được chấm xuất sắc nhứt trong niên khóa 1962-1963 tại Viện Ðại Học Paris . Ðây là sở học căn bản của ông và nhờ đó ông đã nổi tiếng là chuyên viên về địa hạt này tại các Ðại Học ở Quốc Nội cũng như Quốc Ngoại . Trong tất cả các sách, tài liệu chính trị về sau, ông đều trích dẫn rút ra từ tác phẩm căn bẳn đắc ý này .

4) Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung: Thoạt nhìn thì đây là quyển sách chỉ nhằm giải trí . Nhưng thực sự Giáo Sư đã dụng tâm lớn lao khi viết tác phẩm này . Ai cũng biết, nhờ hành văn kể chuyện đầy hấp dẫn và bố cục kết cấu tinh vi, truyện kiếm hiệp của Kim Dung đã lôi cuốn cả hàng tỷ đôc giả trên thế giới . Ngay tại Việt Nam hầu như đa số đã có thời say mê kiếm hiệp Kim Dung . Vì vậy lợi dụng qua đề tài hấp dẫn này Giáo Sư Huy muốn trình bày, giải thích lợi hại của đường lối chính trị (nhứt là tai hại của chủ trương độc tài) và từ đó đưa ra thông điệp chính trị . Với đề nghị cụ thể nhằm đạt được mục tiêu mang lại yên vui hạnh phúc cho người dân . Tác phẩm này được ghi nhận bán chạy nhứt với xuất bản lần thứ ba tại Hoa Kỳ, Pháp và Úc .

5) Quốc Triều Hình Luật: Ðây là bộ sách bách khoa bao gồm nhiều lãnh vực văn hóa lịch sử Việt Nam\. Qua thời gian dài nghiên cứu, Giáo Sư Huy khám phá ra sự thực:

- Ai là tác giả của Bộ Luật Hồng Ðức

- Từ triều đại nào phát sinh tinh thần giáo điều, mà đã làm một dân tộc Việt Nam thông minh, can đảm, quật cường nay phải chịu thảm cảnh đất nước tan nát nghèo đói .

Trong bài viết cuối cùng được dọc tại Hòa Lan vào ngày 4 tháng 8 năm 1990, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy ước mong khi đất nước được thanh bình thì lập tức lui về quê nhà viết sách phân tích rỏ ràng tại sao một dân tộc có lịch sử oai hùng mà lần lần lụn bại đến nổi nay trở nên một trong vài quốc gia nghèo nhất thế giới .

6) Perestroika: sự kiện lãnh tụ Liên Xô Gorbachev thay đổi chính sách làm đảo lộn tình hình thế giới . Ðiều này đã dẫn tới cuộc cách mạng tại các xứ cộng sản Ðông Âu và chắc chắn sẽ làm chủ nghiã cộng sản độc tài tan biến trong tương lai để Việt Nam sẽ thoát khỏi gông cùm cộng sản . Giáo Sư Huy đã phân tích rỏ ràng trong tác phẩm này dày 402 trang gồm 5 chương với dẫn chứng từ trên 200 tác phẩm . Theo lời ông Cao Thế Dung, đây là một tác phẩm rất quan trọng của Giáo Sư Huy . Tác phẩm này được xuất bản qua 3 thứ tiếng (anh, pháp, việt) để góp vào diễn đàn tư tưởng chánh trị quốc tế .
Một giai thoại khá đặc biệt là bản thảo " Tên Họ Người Việt Nam " bị thất lạc lúc Giáo Sư Huy qua đời năm 1990 và ai cũng tưởng rằng bị mất luôn tài liệu quý giá này . Chúng tôi tiếc lắm , vì biết rỏ Giáo Sư đã bỏ rất nhiều thì giờ nghiên cứu biên khảo và có lần Giáo Sư nhờ tìm kiếm một số danh tánh của các nhân vật nổi tiếng Tây Đức có ý nghĩa giải thích được nguồn gốc tên họ ở Âu Châu . Chúng tôi đã sưu tầm và dịch ra gửi đến cho Giáo Sư . Bất ngờ gần 10 năm sau , có lẻ nhờ sự hiển linh của hương hồn GS Huy , Ký Giả Trần Minh Xuân với sự trợ giúp của Tiến Sĩ Nguyễn Văn Trần tìm được bản thảo và xuất bản thành sách dày 206 trang . Chúng tôi nhận được sách tặng và rất cảm động đọc thấy lại kỷ niệm năm xưa qua những dẩn chứng với tên họ người Đức được xủ dụng như Tổng Thống Freiherr von Weizsaecker , Nữ vô địch quần vợt Steffi Graf , Bộ Trưởng Nội Vụ Zimmerman , Nam vô địch bơi lội Michael Gross ...
III. Con Người
1) Tình Yêu Tổ Quốc

Lớn lên với tâm tình nồng nhiệt cho quê hương, năm 21 tuổi ông đã dứt khoát gia nhập đảng cách mạng để tranh đấu tự do cho đất nước . Từ đó cho đến hơi thở cuối cùng, con người Nguyễn Ngọc Huy hiến dâng trọn vẹn cho Dân Tộc Việt Nam . Những vần thơ Hồn Việt đầy rung động đã được ông gởi gắm vào tâm tình nồng nàn ấy . Vì tình yêu tổ quốc, con người tài hoa lổi lạc đó chọn một cuộc sống đạm bạc, đơn giản và đầy gian nan thử thách . Ông đã đi không ngừng, đi rất nhiều nơi, xuất hiện biết bao nhiêu lần trên diễn đàn và hội nghị quốc tế để benh vực chính nghĩa người Việt Tự Do



2) Tình Yêu Gia Đình

Trong buổi lễ ra mắt tập thơ Hồn Việt tại California (Hoa Kỳ) có thính giả hỏi về bài thơ tặng bạn Ngọc Ðiệp phải chăng dành cho bạn gái . Giáo Sư Huy đã cho biết đó chỉ là người bạn cùng tranh đấu . Với giọng thổn thức đẩm lệ ông còn cho biết trong đời ông chỉ có một tình yêu cho người đàn bà . Ðó là người vợ (nhủ danh Dương Thị Thu) đã qua đời vào năm 1974 (tai nạn tại bải biển Vũng Tàu) và một tình yêu nữa là cho Tổ Quốc Việt Nam mà thôi . Khi bà Huy qua đời, mặc dù lúc đó còn ở tuổi trung niên đầy danh vọng và tài hoa, Giáo Sư Huy ở vậy nuôi con tôn thờ hình ảnh người vợ hiền cho đến chết . Thật là trường hợp hạn hữu . Đặc biệt hơn nữa , ông để lại ước nguyện được hoả táng để sau này tro tàn mang về Việt Nam thổ táng trộn cùng xương cốt của ngươì vợ hiền năm xưa .



3) Tình Nghĩa Thâm Sâu

Một điểm nổi bật nhứt của Giáo Sư Huy là được mọi cộng sự viên kính nể và thương yêu thật sự . Thực là hiện tượng hiếm có trong thời đại đầy nhiểu nhương và đổ vỡ này . Tiền bạc, danh vọng, ông chả còn gì trong tay để lôi cuốn dẫn dụ người khác cả . Nhưng rất nhiều người đã hết lòng hết dạ hy sinh thời giờ, tiền bạc và hạnh phúc gia đình để đi theo ông . Có nhiều chủ quan khác nhau, nhưng chắc chắn một điều là họ đặt niềm tin thực sự vào con người Nguyễn Ngọc Huy . Một con người chân thành không hề chủ trương bá đạo, đạt tình yêu Tổ Quốc lên trên hết và luôn luôn có tình nghĩa thâm sâu với các cộng sự viên .



4) Tấm Lòng Quân Tử

Dù trong hoàn cảnh nào, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy cũng luôn luôn giử được nét mặt hòa nhả với nụ cười vui vẻ từ tấm lòng chân thành mà ra . Từ năm 1982 bị mắc bịnh ung thư, tuy vậy ông cố gắng kiềm chế không để tâm tình nóng nảy bộc lộ . Năm 1986 anh em bên Pháp có sự bất đồng nội bộ . Ngay đêm đó Giáo Sư Huy triệu tập một buổi họp trong vòng thân mật, rồi chỉ nhẹ nhàng trách khẻ những điều đáng tiếc đã xảy ra và ông tỏ vẻ đau đớn không còn thấy tình cảm thắm thiết sống chết có nhau như thuở xa xưa thời chống Pháp . Mọi người trong phiên họp đều yên lặng thắm thía trước lời khiển trách đó và cuộc tranh chấp được tự động hóa giải .


Cuối cùng , biết sức mình sắp tàn , Giáo Sư Huy đã ráo riết làm việc không ngừng , chạy đua với tử thần để cố ráng làm xong sứ mạng cứu dân cứu nước. Đến năm 1990 , ông chuẩn bị mọi việc , viết sẳn dặn dò mọi điều cần thiết cho Đại Hội Thế Giới Kỳ 1 dể phòng hờ khi ông lìa đời với hy vọng tổ chức của ông sẻ tránh thoát những khó khăn có thể đưa đến suy vong . Di sản chính trị của ông để lại bàng bạc trong các tác phẩm . Ðặc biệt trong các tài liệu học tập . Giáo Sư Huy là người chủ trương tự do dân chủ thực sự, quyết liệt chống đường lối lãnh tụ chế, độc tài (dù là loại độc tài yêu nước mà các xứ chậm tiến như Việt Nam thường ca ngợi) . Ông đã đưa ra bài học Bắc Mỹ và Nam Mỹ cũng được độc lập . Bắc Mỹ chọn con đường tự do dân chủ thực sự nên đã thành cường quốc, dân chúng sống hạnh phúc ấm no . Trong khi đó Nam Mỹ chủ trương độc tài yêu nước, rốt cuộc đến nay vẫn còng đầy đảo chánh hổn loạn, dân chúng sống trong áp bức đói khổ .

Ngoài ra ông âu lo nhiều về tinh thần giáo điều đã thấm sâu vào huyết quản dân tộc Việt Nam, đưa đến nạn chia rẻ, kỳ thị (tôn giáo, địa phương, chủng tộc...) làm đất nước càng ngày càng suy vong .


Tuy vậy Giáo Sư Huy đặt rất nhiều hy vọng vào tương lai, vì nọc độc đó đã phát hiện được thì sẽ tuyệt trừ được . Trong buổi tiệc trà thân mật vào mùa hè 1989 tại thành phố Wiesbaden (Tây Ðức), ông đã tâm sự tin chắc đất nước Việt Nam mai này sẽ được tự do dân chủ và thế hệ tương lai sẽ giỏi dắn hơn, xây dựng được một đất nước ấm no hơn thế hệ của ông .

Có lẽ đó chính là biểu tượng rỏ ràng cho tinh thần Nguyễn Ngọc Huy, lúc nào cũng đầy quyết tâm và lạc quan hướng về tương lai dân tộc . Dù khen hay chê, phải khách quan nhìn nhận trong cùng hoàn cảnh thời đại này chưa ai dám chắc làm được nhiều việc tốt đẹp hơn ông . Một người đã dám sống tận tụy một tay chăm sóc mọi việc lớn nhỏ cho đến nổi kiệt sức trút hơi thở cuối cùng . Thật không khác gì trường hợp Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam Quốc vậy .


Trần Nguyên
oooooooooo 00000 ooooooooooooooo 00000 oooooooooo
Hồn Thiêng Khi Đã Về Trời
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, Chủ Tịch Ủy Ban Chấp Hành Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, tạ thế ngày 28 tháng 7 năm 1990 tại Paris, 5 ngày trước khi Ðại Hội LMDCVN Thế giới Kỳ I khai diễn tại Hòa Lan. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy mất đúng vào lúc công cuộc tranh đấu dành tự do và dân chủ cho nhân dân Việt Nam tiến vào một khúc quanh lịch sử đầy triển vọng, đúng vào lúc vai trò lãnh đạo của ông sáng tỏ và được công nhận rộng rãi trong hàng ngũ những người quốc gia.

Cuộc đời của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là một bản trường ca chính khí, giống như nhũng bản anh hùng ca trong tập thơ "Hồn Việt" do ông sáng tác với bút hiệu Ðằng Phương. Thực vậy, đọc thơ ông rồi đối chiếu với cuộc đời thấy có một sự thể hiện trung thực lạ lùng. Thơ của ông, từ thuở thiếu niên đến lúc bạc đầu, là tiếng đam mê một đời sống phụng sự Tổ Quốc cao thượng. Ông đã sống cuộc đời cao thượng ấy cho đến giây phút cuối cùng. Hơn 40 năm tận tụy làm việc, tranh đấu không ngừng nghỉ, bất chấp bao nỗi gian nan:

Ðây những người sinh nhằm thời quốc biến

Trong gian truân cố chuyển lại cơ trời

Giữa đêm sâu mưa máu rộn tơi bời

Vẫn thẳng tiến không rời đường cách mạng

( Anh Hùng Ðất Việt )

Tiếc thay đến lúc nhắm mắt ông vẫn chưa thấy được bình minh trên quê hương Việt Nam:

Lúc bước chân vào nẻo đấu tranh

Trên đầu mái tóc vẫn còn xanh

Nửa đời nếm đủ mùi cay đắng

Giấc mộng ngày xưa vẫn chưa thành

( Xuân Cảm )

Những năm cuối trước khi mất sức khỏe của ông sa sút một cách rõ rệt, cơ thể chỉ còn xương bọc da, lưng còng như sắp gập xuống. Trước kia là một nhà hùng biện, lời nói thao thao như nước chảy, nay cả hàm răng đã mất, hết cổ đau và lưỡi đau, phát âm chỉ nghe được tiếng còn tiếng mất. Mỗi bửa ông chỉ ăn được rất ít, thường chỉ là một chén súp đặc. Sức khỏe càng suy kém, ông càng làm việc nhiều hơn. Ông đã đi khắp nơi, năm châu bốn biển để xây dựng cơ sở cho tổ chức, huấn luyện cán bộ, biến Liên Minh Dân Chủ Việt Nam thành một đoàn thể chính trị tranh đấu vững mạnh và có đường lối qui củ rõ ràng. Ông đến diễn thuyết, nói chuyện với đồng bào, tiếp xúc với chính giới các nước, rồi bằng uy tín cá nhân và tài thuyết phục đã cùng với các chiến hữu trong đoàn thể vận động lập nên Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do qui tụ hàng trăm nghị sĩ, dân biểu, chính trị gia, tướng lãnh, nhà văn, nhà báo . . . của các nước Anh, Pháp, Ðức, Bỉ, Hòa Lan, Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại và một số nhân sĩ Việt Nam. Hai thành viên lỗi lạc, của Ủy Ban Quốc Tế này, Giáo sư Stephen Young, cựu Phó Khoa Trưởng Ðại Học Luật Khoa Havard ở Hoa Kỳ và ông David Kilgour, Phó Chủ Tịch Quốc Hội Canada đã nhiều lần bày tỏ sự khâm phục đối với ông và hết lời ca ngợi ông là Gandi của nước Việt Nam.

Trong khi cơ thể ông khô héo, chết dần, ý chí hay phép lạ nào khiến óc ông vẫn minh mẫn, mắt vẫn sáng, thần thái vẫn ung dung, tư tưởng vẫn lạc quan và đầy hào khí. Tác phẩm "PERESTROIKA" - Sự Phục Hận của Chủ Ngĩa Mác Ðối Với Chủ Nghĩa Lenine - dầy 300 trang chữ nhỏ viết bằng Anh ngữ hoàn tất 2 tháng trước khi ông mất là một tác phẩm lớn của thời đại, trình bày thực chất những thay đổi chấn động trong thế giới Cộng Sản - ở Liên Sô, ở Trung Hoa và ở Việt Nam - hậu quả cũng như triển vọng đối với nhân loại và các dân tộc liên hệ. Cuốn sách đã được đề tặng cho các chiến hữu của ông trong Ủy Ban Quốc Tế đang sát cánh tranh đấu cho một nhân loại tự do và tốt đẹp trong ngày mai. Cuốn sách đã được viết trong bóng tử thần!

Khi thấy ông tiều tụy quá, nhiều người khuyên can xin ông bớt làm việc, nhưng Ông chỉ mỉm cười nói qua chuyện khác hoặc lặng yên ghi nhận. Cách đó vài năm có báo chí đoán già đón non về bệnh trạng của ông, như rồi thấy ông vẫn bình thản làm việc lại đâm ra bán tín, bán nghi. Họ không biết được sự thực bởi vì ông không nói ra. Ðúng ra ông chỉ nói với một vài người thân cận, có lẽ ông nghĩ nói ra sẽ làm trở ngại cho cuộc vận động xây dựng thế quốc tế của cuộc tranh đấu và có thể làm nản lòng một số người đặt kỳ vọng vào sự lãnh đạo của ông. Chỉ đến khi biết cái chết đã gần kề, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy mới tiết lộ đầy đủ về bệnh trạng của ông: Ông bắt đầu bị ung thư từ năm 1982, từ lưỡi, xuống cổ họng, xuống ngực và lan khắp cơ thể rồi làm tiêu hết máu và thịt. Những năm sau cùng, các bác sĩ chuyên khoa đều bó tay và lấy làm lạ tại sao ông còn sống, vẫn làm việc và đi lại như thế vì người bị ung thư đến giai đoạn cuối rất đau đớn có khi phải dùng morphine để chống đỡ. Sau khi ông mất, tang lễ chưa cử hành, bản di chúc của ông được tuyên đọc trước Ðại Hội Thế Giới của Liên Minh Dân Chủ Việt Nam họp tại Hòa Lan với trên dưới 200 đại biểu có mặt, trong một khung cảnh rất bi tráng, hào hùng và đầy nước mắt! Bấy giờ thì mọi người mới hiểu rõ: khi cuộc đời còn lại đếm từng ngày thì nghỉ ngơi tĩnh dưỡng chỉ làm ông mất thời gian quí báu, cho nên bất chấp sự cấm cản của bác sĩ, trung tuần tháng 7, năm 1990, ông đáp máy bay từ Boston vượt Ðại Tây Dương đến Âu Châu nhất quyết tham dự Ðại Hội, sinh hoạt với các chiến hữu thân yêu. Lúc máy bay đáp xuống đất Bỉ thì ông đã bất tỉnh và được đưa ra khỏi phi trường trên chiếc băng-ca. Sau đó ông tỉnh dậy, về Paris sống được thêm 10 ngày nữa. Trong 10 ngày này mặc dầu kiệt quệ ông chủ tọa các phiên họp tiền đại hội, hoàn tất một số bài viết sắp xếp cho cuộc ra đi ngàn thu vĩnh biệt:

Những người sống là những người dám sống

Là những người luôn dũng cảm hiên ngang

Ðương đầu cùng trở lực chắn ngang

Là những người không hề màng vất vả

Nhằm mục đích thiêng liêng và cao cả

Tiến theo đường đã định mãi không thôi

Lúc hết hơi mới biết đến mạng trời

Và nhắm mắt mới đành thôi hoạt động

(Quyết Sống)

Lịch sử Việt Nam quả không thiếu những bậc anh hùng vị quốc vong thân, nhưng hiếm thấy người như ông - kiên trì tận tụy với dất nước trong một thời gian đằng đẵng, hết năm này đến năm khác đến nỗi lãnh đạm với mọi sinh thú ở đời, lãnh đạm cả với cái chết. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã đảm đương sứ mạng cứu nước một cách tự nhiên, thung dung tựu nghĩa, không cần ép uổng hay cố gắng. Ông cũng đảm đương vai trò lãnh đạo một cách tự nhiên và can đảm phi thường. Cuối năm 1971, sau khi đặc công Cộng Sản, ngay tại Saigòn, giữa thanh thiên bạch nhật, tung mìn ám sát Giao Sư Nguyễn Văn Bông, Chủ Tịch Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, người đồng chí thân thiết nhất của ông thì ai cũng biết rõ ông sẽ là mục tiêu kế tiếp. Thực vậy, Cộng Sản đã mưu toan ám sát ông nhiều lần kể cả lần định dùng chất nổ để giết ông tại nhà riêng trong ngỏ hẻm. Thế mà ông không chút sợ hãi, vấn tiếp tục hoạt động chính trị, diễn thuyết khắp nơi, đi dạy học như bình thường, chỉ thay vì đi xe đạp thì ngồi vắt vẻo sau chiếc Honda hai bánh có người chở với một người đồng chí cận vệ cũng lái xe gắn máy đi kèm, và thay đối lộ trình cùng giờ giấc đi về.

Năm 1973, vợ ông bất ngờ mất vì tai nạn. Ðứng cạnh quan tài người vợ hiền yêu quý mấy mươi năm, đáp lễ khách đến phúng viếng gồm Tổng, Bộ trưởng, chính khách, đồng chí, bạn đồng sự, môn đệ . . . nét mặt ông bình thản, nghiêm trang khiến ai cũng khâm phục trước sức tự chủ ghê gớm ấy. Ngày sau cùng ở Paris, kiệt quệ như ngọn đèn hết dầu, ông đã yêu cầu bác sĩ chích nước biển vào cơ thể, chích tới đâu mạch máu vỡ ra đến đó, nước tràn lênh láng vậy mà ông vẫn thản nhiên, không một lời thở than hay rên rỉ. Sự can đảm và tự chủ của ông một lần nữa làm cho những người chứng kiến đều kinh hồn động phách và không cầm được nước mắt. Dáng người bé nhỏ, tánh nết giản dị khiêm cung, nhưng ý chí bằng thép Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã sống và chết như một đại dũng sĩ:

Nhưng đã gần nhau ắt có xa

Thường nhân vẫn nhận thế kia mà

Huống chi ta, những người tranh đấu

Thề lấy non sông thế cửa nhà

Vả lại dầu xa mấy núi sông

Dẫu còn tái hội nữa hay không

Hồn ta vẫn ở bên nhau mãi

Vẫn sống trong tim những bạn lòng

Như thế ta còn bận bịu chi

Còn lo chi nữa lúc ra đi

Cười lên cho tiếng vui hăng hái

Ðánh bạt u buồn lúc biệt ly

Ta hay cười lên đón ánh dương

Lòng ta đã thoáng nghe văng vẳng

Tiếng khải hoàn ca dậy phố phường

(Giã Bạn Lên Ðường)

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy có 3 người con, hai trai một gái , đều học giỏi, hiền lành và đức hạnh. Ông không sống với các con vì nay đây mai đó, nhiều khi đi vắng cả hai ba tháng, lại muốn tập trung tâm trí vào việc nước. Hai người con lớn đã trưởng thành, tốt nghiệp Cao học và Tiến Sĩ, người con trai ở Paris, con gái ở Nữu Ước. Người con trai Út tên Nguyễn Ngọc Khánh Thụy, mồ côi mẹ từ lúc 6, 7 tuổi đi trọ học xa, trong nhà một người Mỹ, tánh hay buồn rầu vì thiếu tình gia đình. Năm 1982, có lẽ được biết bố bị ung thư, Khánh Thụy khủng hoảng tự vẫn chết. Làm lễ hoả táng con xong, ngay ngày hôm sau, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đáp máy bay sang Pháp tham dự một phiên họp quan trọng của Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, Liên Khu Bộ Âu Châu đúng như dự định. Không ai ngờ ông vừa mắc bệnh nan y và mất một người con yêu quí:

Ðã là kẻ hiến thân đền nợ nước

Tình thân yêu quyến thuộc phải xem thường

Éo le thay muốn phụng sự quê hương

Phải dẵm nát bao lòng mình yêu mến.

(Ngày Tang Yên Bái)

Sự cương quyết sắt đá của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy khiến người ta liên tưởng đến lời khẳng khái nghĩa khí can trường của nhà chí sĩ Phan Ðình Phùng hơn 100 năm trước, khi trả lời thư dụ hàng của Kinh Lược Sứ Hoàng Cao Khải, đại diện cho chính quyền thực dân Pháp: "Ta chỉ có một ngôi mộ rất to phải giữ, đó là nước Việt Nam, người bà con rất to phải cứu, đó là mấy mươi triệu đồng bào. Về sửa sang phần mộ của nhà mình, ai sẽ lo cho ngôi mộ của cả nước? Về để cứu lấy bà con mình, ai sẽ lo mấy mươi triệu anh em khác? Ta thề chỉ có chết mà thôi !" Thực ra với tâm hồn của một nhà thơ, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là người rất tình cảm. Chỉ vì lấy phụng sự quê hương làm lý tưởng, ông phải chôn dấu cảm xúc xuống tận đáy lòng. Trong suốt mười mấy năm bôn ba tìm phương cứu nước, đi đâu người ta cũng thấy ông mặc một chiếc áo măng-tô cũ bằng da, chiếc áo đã quá cũ bạc màu và rách tơi tả bên trong đến nổi không còn khâu vá lại được. Có anh em nằn nì xin ông thay áo khác thì ông nói giản dị: "Không phải vì tôi muốn tiết kiệm đâu, áo nầy nhà tôi mua cho tôi, lúc còn cùng sống lưu vong bên Pháp mấy chục năm trước, nay nhà tôi đã mất nên tôi không nở bỏ." Chỉ sau nầy chiếc áo đã rách quá, lại phải tiếp xúc nhiều hơn với các nhân vật chính trị Âu Mỹ, cần một bề ngoài tươm tất nên mới thấy ông mặc một chiếc áo mới hơn. Một lần hiếm hoi khác, tâm hồn đa cảm của ông hé lộ trong một bài thơ tạ tội với mẹ già viết trong những ngày lưu lạc ở quê người vào đầu thập niên 60:

"Bọn chúng tôi cùng một lứa tuổi đầu xanh

Không can tâm nhìn đất nước điêu linh

Mới cương quyết lao mình vào chiến đấu

Ðời cách mạng từ bao lâu bôn tẩu

Ðể mẹ già sống cực nhọc lầm than

Trước những giòng lệ ngọc ứa chứa chan

Lòng con há dững dưng không cảm xúc?

Nhưng đất nước chưa qua hồi tang tóc

Phải nghiến răng cắt đứt mối thâm tình

Tuy chẳng vì vụ lợi hay ham danh

Nhưng cũng đã trót làm cho mẹ khóc

Và con sẽ phải làm cho mẹ khóc

Hởi quê hương hởi đất nước thân yêu

Dầu gian truân dầu cực khổ bao nhiêu

Chúng tôi cũng vẫn sẵn sàng nhận lấy

Chỉ mong ước ngày mai còn được thấy

Cả non sông giống Việt hết điêu linh

Cả toàn dân giống Việt sống thanh bình

Và chỉ dầu một ngày hay một buổi

Dầu một phút hay một giây ngắn ngủi

Ðược như lời Phật nguyện chốn dương trần

Còn có cơ quỳ dưới gối từ thân

Ðể khấn thiết cúi xin người thứ lỗi

(Lời nguyện cầu của những kẻ làm cho mẹ khóc)
NUÔI TÂM THÌ LÀM THIÊN TÀI

Trong suốt nửa thế kỷ vừa qua có lẽ ông Lý Ðông A, Ðảng Trưởng Ðại Việt Duy Dân Ðảng và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là hai nhà lý thuyết chính trị Việt Nam xuất sắc nhất. Ông Lý, nhà cách mạng gần như huyền thoại, bị Cộng Sản sát hại lúc còn thanh niên, là người sáng tạo chủ nghĩa Duy Dân, một chủ nghĩa chính trị và triết lý được viết rất cô động và cao siêu nên người đời sau dù bái phục nhưng không mấy ai hiểu được đầy đủ. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, bút hiệu Hùng Nguyên đã san định, bổ túc, hệ thống hoá và phong phú hoá Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn của nguyên đảng trưởng Ðại Việt Quốc Dân Ðảng Trương Tử Anh để xây dựng một căn bản tư tưởng cần thiết và thích nghi cho cuộc đấu tranh cứu quốc và kiến quốc.

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy sống lâu hơn Ông Lý Ðông A nên ngoài tác phẩm Chủ Nghiã Dân Tộc Sinh Tồn, còn để lại những công trình trước tác và biên khảo đồ sộ hàng vạn trang giấy gồm hàng trăm bài viết, mấy chục pho sách Việt, Anh và Pháp ngữ về các thể loại chính trị, luật pháp và văn hoá. Ðọc những tác phẩm của ông, từ luận án tiến sĩ "Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chính Trị Trung Quốc Cổ Thời", đến "Hàn Phi Tử", "Chủ Thuyết Dân Tộc Sinh Tồn", "Những Ẩn Số Chính Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung", "Perestroika"... người ta luôn luôn tìm thấy những đặc điểm sau đây:
- Những cái nhìn rất mới lạ, bao quát và sâu sắc

- Phương pháp làm việc khoa học: cẩn thận, bằng cớ rõ ràng, phát biểu ôn hoà, lý luận chặc chẻ, trình bày sáng sủa, lời lẽ giản dị và dễ hiểu

- Khả năng phân tích và tổng họp phát huy tới mức cao độ.
Giáo Sư Cao Thế Dung, một nhà văn hoá, đồng thời một lãnh tụ chính trị, đã nhận xét về tác phẩm Quốc Triều Hình Luật và tác giả Nguyễn Ngọc Huy như sau:

"Người ta có thể tìm trong quyển A Quốc Triều Hình Luật một vùng đầy hoa thơm và dị thảo của văn minh văn hoá toàn Việt. Với tựa đề tưởng như khô khan vì chỉ là những nhận định luật pháp cổ thời, nhưng ngay từ những trang đầu đã cuốn hút người đọc vào thế giới của sử liệu của những đặc thù độc đáo trong hệ thống tư tưởng Tam Giáo qua một lối hành văn đơn giản trong sáng. Là một nhà khoa bảng uyên thâm về Hán học, nên Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã sở trường về cách dùng từ và chữ một cách bình dị mà vẫn giữ được sự chính xác của từ và chữ. Văn là người thì qua văn của tác giả thể hiện trong tác phẩm đã hiện rõ một Nguyễn Ngọc Huy chừng mực, phong cách, tôn trọng sự thực và nhất là tràn đầy tình tự quê hương dân tộc. Từ cái khô khan, cứng và khuôn thước của văn chương luật pháp và là luật pháp cổ, tác giả bằng cả tâm hồn và trí tuệ, ông đã dẫn người đọc vào dòng tình tự đầy phong hoa với những rung động truyền kỳ qua từng diễn biến lịch sử đã hình thành nên các hệ thống pháp chế cổ.

Tôi đã say mê đọc một "lèo" quyển A, Quốc Triều Hình Luật, nhiều lần phải dừng lại, lim dim mắt với hình ảnh một học giả uyên bác trước mặt. Hình ảnh Nguyễn Ngọc Huy nhà nho, một nhà nho khai phóng và cũng là người theo con đường đạo học và thiền học, ông là một tổng hợp của Tam Giáo trong dòng tình tự dân tộc. Và chính nhờ thế, tác giả đã làm nổi bật được Quốc Triều Hình Luật trong khu vườn trăm hoa của văn minh và văn hóa Việt. Từ nhiều năm qua với tư cách một người cầm bút, tôi rất khâm phục Giáo Sư Huy về sở học uyên bác của ông về nhiều bộ môn; tác giả quả là một hào kiệt hiếm quí, một hào kiệt văn hóa và cũng là một chiến sĩ văn hóa mà từ nếp sống của ông, chữ viết của ông trong tất cả các tác phẩm của ông đã tỏa ra tấm lòng rất nhân bản và khai phóng của ông. Cái tâm của Giáo Sư Huy rất lớn tuy lúc nào cũng ẩn dấu trong phong cách khiêm tốn, bình dị nhưng tràn đầy tình người và tình dân tộc. Ðọc Quyển A Quốc Triều Hình Luật sẽ bắt gặp cái tâm vĩ đại và trí tuệ của dân tộc Việt và cái tâm của một học giả yêu nước Nguyễn Ngọc Huy."

(Tự Do Dân Bản Số 49 tháng 3/90, trang 55)

Tất nhiên luôn luôn có những người không hoàn toàn đồng ý với quan điểm hay nhận định của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy nhưng chưa thấy ai có đủ khả năng bác bỏ những lập luận của ông. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là người trí thức của những người trí thức ông, ông thầy của những ông thầy - ông rất xứng đáng là bậc Tôn Sư của thời đại. Kiến văn quảng bác, thông minh lạ kỳ, một phần do bẩm sinh, nhưng chủ yếu là do - như lời ông Lý Ðông A đã nói :

"Nuôi tâm thì làm thiên tài, nuôi trí thì làm nhân tài, nuôi thân thì làm nô tài."

Ông không nuôi thân - làm việc tận tụy 40, 50 năm, tài sản đến khi chết chỉ có vài bộ quần áo cũ và một ít sách. Ông cũng không nuôi trí để tự hào về sở học của mình và khuất phục người khác. Khả năng đặc biệt do tâm đức mà có. Dâng hiến cuộc đời cho Tổ Quốc cho đến giọt máu khô kiệt cuối cùng, cho đến khi thân xác đã thành tro bụi, ông đã tập trung tất cả năng lực để nhiên cứu, học hỏi, suy nghĩ, hoạt đông cho một mục đích duy nhất. Một người có một lý tưởng cao cả và bền bỉ như vậy không trở thành thiên tài sao được?
TINH ANH RỰC RỠ NGHÌN SAU

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy không còn nữa - thể xác đã theo lửa hồng trờ về cát bụi - nhưng cái chết của ông, cái chết của ông mang bao nhiêu ý nghĩa và ảnh hưởng quan trọng:

1. Từ đây ông cùng với các bậc anh hùng liệt nữ Trưng, Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Phan Ðình Phùng, Nguyễn Thái Học, Trương Tử Anh, Lý Ðông A ... hợp thành hồn thiêng của sông núi Việt Nam. Nguyễn Ngọc Huy đã trở thành nhân vật lịch sử dân tộc, tên tuổi vĩnh viễn gần liền với nòi giống Việt. Nguyễn Ngọc Huy tuy chết nhưng đã trở thành bất tử:

Dù lăng ngà hay cổ khâu

Tuy tồn tại với thời gian việc làm chính ngĩa

Tranh sáng với trăng sao tấm lòng trượng phu

Hào khí người còn sang sảng

Ðâu đây lòa chói giấc mơ

Nước sông Dịch còn trôi hay đã cạn?

Gương anh hùng vằng vặc sáng thiên thu

(Vũ Hoàng Chương)

2. Sự ra đi đột ngột của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là lúc người ta nhìn lại cuộc đời, công nghiệp, tinh thần và tư tưởng của người chiến sĩ quốc gia lỗi lạc và rửa sạch những lời cáo giác do kẻ thù Cộng sản tung ra hay những người đố kỵ loan tuyền rằng ông kỳ thị địa phương, làm việc cho cựu tổng thống Thiệu, tham nhũng tiền bạc, thân Trung Cộng, CIA v..v.. Hãy đọc bài "Suối Tuôn Giòng Lệ” đăng trên báo Ngày Nay số ngày 15 tháng 8 năm 1990 vừa qua của một lãnh tụ chính trị khác, cựu thượng nghị sĩ Phạm Nam Sách, người mà trong quá khứ nhiều lần tấn công và đả kích Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy dữ dội nhất:

"Người ta thường nghĩ anh Nguyên Ngọc Huy có tinh thần kỳ thị Nam Bắc. Tôi không nghĩ như vậy. Anh có dè đặt khi nhận người Bắc vào hàng ngũ chẳng phải vì anh kỳ thị mà chính vì anh cẩn trọng. Nếu anh nhận lầm một cán bộ cộng sản, hậu quả cho đoàn thể sẽ không lường. Mà anh sanh trưởng ở trong Nam biết sao hết người miền Bắc. Có lần anh hỏi tôi biết người này, biết người nọ hay không. Tôi xem lại thì toàn là người Bắc. Khi tôi trả lời biết chắc thì anh giao ngay công tác mà không chút nhần ngại. Ai bảo anh Huy kỳ thị Nam Bắc, tôi không nghĩ thế. Làm chịnh trị phải thận trọng. Tôi có viết ở đâu đó rằng chẳng phải một sớm một chiều người ta có thể thành một người hoạt động yêu nước, một kẻ lăn lưng vào cách mạng, sẵn sàng quên hết mọi vui thú ở cuộc đời. Nhìn vào hàng ngũ những người lãnh đạo hiện nay thì anh là một người thật hiếm hoi mà tôi gọi là có dòng máu cách mạng. Anh cũng như anh Hà Thúc Ký, cũng như anh Nguyễn Văn Xuân, cũng như anh Nguyễn Quốc Xủng... đều có máu cách mạng, nói cách khác, các anh là những người yêu nước cả trăm phần nồng nhiệt. Ở các anh không có chỗ cho vợ con, gia đình; ở các anh không có chỗ cho danh vọng, bạc tiền. Ở các anh là Ðất Nước, là Quốc Dân, ở các anh là Anh Em, là Ðảng. Năm 1950 mới hồi cư về Nam Ðịnh, tôi đã đọc say mê từng bàt thơ yêu nước ký tên Ðằng Phương, đặc biệt là Ngày Tang Yên Báy:
"Mười ba người liệt sĩ Việt hiên ngang

Thong thả tiến đến trước đài danh dự

Trong quần chúng đứng cúi đầu ủ rũ...."
Nổi vui của tôi biết lấy chi cân khi biết Ðằng Phương là anh, ồ anh, các ngày anh viết bài thơ này anh đang học ở Hà Nội. Phải có tâm hồn yêu nước trong sáng, chân thành và tuyệt đối thế nào người ta mới viết được những câu thơ làm rung động lòng người. Anh chính là một trong những nhà thơ yêu nước dưới bút hiệu Ðằng Phương. Hồn nước đã hun đúc anh, tạo nên con người tuấn kiệt, đấu tranh không biết mỏi mệt cho ngày mai. Lòng dân đã thúc đẩy anh đi lên và đi lên mãi. Cuộc hành trình của chúng ta chỉ ngưng lại khi sức cùng lực kiệt. Và anh đã ngừng cuộc hành trình vì sức anh đã cùng, lực anh đã kiệt. Ở tôi vẫn là "suối tuôn giòng lệ ....".

Anh Huy ra đi, đất nước mất người con yêu, quốc dân mất người can đảm. Với cái tuổi ngoài 50, tôi đã chứng kiến nhiều cái chết của anh em. Mỗi lần như vậy tôi cảm thấy cô đơn thêm. Nhìn con đường trước mặt tôi rùng mình. Các bậc đàn anh rủ nhau đi hết, Quốc Dân ở lại vẫn chịu nhiều đớn đau. Ngày mai trên quê hương đầy bất trắc, những người quốc dân cò tấm lòng vẫn chia năm, xẻ bảy. Anh Nguyễn Ngọc Huy, tôi xin mượn mấy câu thơ của cụ Phan Chu Trinh để giải tỏ tấm lòng:

Thanh sơn bích thủy ủng cô phần

Phong vũ thiên thai khấp cố nhân

Vi cảm tận tình quyên huyết lệ

Hồi đầu quốc thổ chính trầm luân"

3. Trong đời tranh đấu Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã lập ra các đoàn thể - kể theo thứ tự thời gian: Ðảng Tân Ðại Việt, Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến và Liên Minh Dân Chủ Việt Nam. Mặc dù thương yêu các đồng chí và chiến hữu như anh em ruột thịt, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy hoàn toàn không có tình thần tư đảng vì ông luôn luôn coi đảng là phương tiện phục vụ Tổ Quốc, chứ không phải là cứu cánh. Khi hoàn cảnh thay đổi, phương tiện cũng phải thay đổi hay cải biến.

Vì vai trò lãnh đạo của ông trong cả 3 đoàn thể nên Liên Minh Dân Chủ Việt Nam ngày nay bao gồm những phần nhân sự cốt cán của Tân Ðại Việt và Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến - ở cả trong và ngoài nước. Trong 9 năm qua Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã dồn tâm lực xây dựng và phát triển Liên Minh thành một đoàn thể chính trị mạnh với các cơ sở hoạt động khắp nơi. Các đoàn viên gia nhập Liên Minh một phần vì lý tưởng tranh đấu, một phần vì cảm phục cá nhân Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, coi ông là hình ảnh để noi theo. Hệ quả là đoàn viên của Liên Minh thường có một số đặc điểm chung: tuổi trung niên trở lên, trình độ học thức tương đối cao, đứng đắn, ôn hòa, có tinh thần dân chủ và cởi mở, có khả năng lãnh đạo, chỉ huy - ít ra là trong phạm vi các cộng đồng địa phương. Một đội ngũ đoàn viên có phẩm chất như thế thì 100 cán bộ cũng có thể huy động hàng vạn người vào những mục tiêu tranh đấu khi cần thiết.

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã để lại cho Liên Minh một di sản tinh thần vô giá: chủ thuyết chính trị, đường lối và sách lược tranh đấu, một chương trình huấn luyện cán bộ đầy đủ và nhất là sự ngưỡng mộ của nhân dân Việt Nam đối với con người và công nghiệp của ông - Liên Minh Dân Chủ Việt Nam chính là một trong những công nghiệp kiệt xuất của ông. "Dưới tay tướng giỏi không có quân hèn" cho nên dù có phải trải qua một giai đoạn bối rối lúc giao thời, Liên Minh đã mạnh mẽ tiếp tục con đường phụng sự Tổ Quốc rất vinh quang mà người lãnh tụ anh hùng quá cố đã vạch ra.

4. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy mất, công cuộc cứu nước vẫn còn dang dở, giống như Khổng Tử thời Xuân Thu Chiến Quốc muốn dùng sở học để bình thiên hạ như Gia Cát Lượng đời Tam Quốc nhất tâm phục Hán, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã tận nhân lực và tri thiên mệnh. Nhưng ai dám nói những vĩ nhân này thất bại? Quốc Gia hưng vong, thất phu hữu trách, cứu nước là bổn phận của toàn dân, nào phải riêng ai. Riêng Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy ông đã làm hơn rất nhiều bổn phận của một con dân đất Việt và như một danh nhân Tây Phương nào đã nói "Quần chúng đối với thiên tài là một cái đồng hồ đi trễ", công việc cứu nước chưa hoàn tất có lẽ vì người đương thời đã không theo kịp ông. Cái chết của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy ít nhiều không khỏi là một trường hợp lương tâm của người Việt Nam. Bởi vì trước thảm họa quốc gia suy vong đã có bao nhiêu người công dân Viện Nam, như bản Quốc Ca thường hát, thực sự đứng lên đáp lời sông núi, hy sinh tiếc gì thân sống, chấp nhận hiến thân dưới cờ, lấy máu đào đem báo thù nước....? Có được bao nhiêu công dân Việt Nam trong lúc nệm ấm chăn êm, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan thành thực ủng hộ hay quan tâm đến một người nghĩa sĩ, tuổi già, tóc bạc, thân mang trọng bệnh ung thư sống chết trong sớm tối, lầm lũi trên đường thiên lý bất kể ngày đêm, bất kể sương tuyết, một lòng một dạ tìm phương cứu vớt 70 triệu đồng bào đang bị đày đọa trong địa ngục cộng sản?

Cái chết của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy gây xúc động lớn lao trong và ngoài nước, đã lay tỉnh người dân nước Việt và như vậy là thông điệp về chính nghĩa Quốc Gia và quyết tâm loại trừ chế độ cộng sản để xây dựng một nước Việt Nam thực sự Dân Chủ, Tự Do. Là thông điệp về lòng yêu nước và cuộc đời phục vụ lý tưởng cao thượng đối chiếu với cuộc đời tầm thường, nhỏ nhen. Là thông điệp về chính trị vương đạo so với chính trị bá đạo. Là thông điệp về yêu thương và đoàn kết. Cái chết của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy như thế vừa là một cái tang đau đớn, vừa là một niềm cảm hứng vô biên; vừa là một mất mát to lớn không thể thay thế được, vừa là một thông điệp của hy vọng về một ngày mai tươi sáng trên quê hương Việt Nam.
PHỤC HƯNG
oooooooooo 00000 ooooooooooooooo 00000 oooooooooo
QUỐC CA VIỆT NAM
A. SỰ XUẤT HIỆN CỦA Ý NIỆM QUỐC CA TRONG LỊCH SỬ NHƠN LOẠI

Ý niệm quốc ca đã từng xuất hiện một lượt với ý niệm quốc kỳ. Từ ngàn xưa, loài người đã có dùng những bản nhạc hay bài ca để đánh dấu sự có mặt của một nhơn vật lãnh đạo. Nhưng thời trước, với chế độ quân chủ, các bản nhạc hay bài hát loại này được xem là biểu tượng riêng của cá nhơn nhà vua, nhá quí tộc hoặc nhà đại diện cho các cự tộc cầm đầu cộng đồng. Về nội dung, nó có thể là một bài để cho nhơn vật lãnh đạo này cầu nguyện trời hay thần linh phù hộ ông, một bài chúc tụng ông, đề cao công nghiệp của ông hay của gia tộc ông, hay một bài mô tả cảnh thái bình thạnh trị, hoặc sự cường thạnh của cộng đồng mà ông là chủ nhơn.

Chỉ với cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789, khi quốc gia được xem là sở hữu của toàn thể mọi người sống trong cộng đồng mới có bài hát được dùng làm biểu tượng chung cho toàn thể quốc dân. Người Pháp đã dùng từ ngữ hymne national để chỉ loại bài hát này. Quan niệm của người Pháp lần lần được người nước khác chấp nhận và người thuộc các dân tộc nói tiếng Anh đã dùng từ ngữ national anthem khi nói đến bài hát tiêu biểu cho nước mình. Hymne national của Pháp hay national anthem theo tiếng Anh đã được người Việt Nam chúng ta dịch là quốc thiều nếu nhấn mạnh trên phần âm nhạc, hay quốc ca khi nhấn mạnh trên phần lời nói.

Về phần thực hiện cụ thể thì bản quốc ca đầu tiên trên thế giới là bài Marseillaise của Pháp. Bài này do một đại úy công binh Pháp tên Rouget de Lisle làm năm 1792 với tên là Chiến Ca Của Lộ Quân Sông Rhin (Chant De Guerre Pour l'Armée Du Rhin). Nhưng sau đó, nó được nổi tiếng khi được một tiểu đoàn chí nguyện quân gồm người gốc ở thị xã Marseille hát trong lúc kéo từ Marseille lên thủ đô Paris nên có tục danh là bài Marseillaise. Bài hát này đã được phổ biến rộng rãi ở Pháp từ năm 1792 và đến năm 1795, nó đã được chánh thức chọn làm quốc ca của Pháp.

Sau khi người Pháp tung ra ý niệm quốc ca, nhiều nước khác đã chấp nhận ý niệm này và đều có quốc ca. Có khi quốc ca được chọn là một bài đã được dùng để đánh dấu sự hiện diện của nhà vua. Ðó là trường hợp bài God Save The King (Trời Phù Hộ Ðức Vua) hay God Save The Queen (Trời Phù Hộ Nữ Hoàng) nếu quốc trưởng là một nữ hoàng. Bài này đã được dùng ở Anh từ trước Cách Mạng Pháp, nhưng đến năm 1825 mới được chánh thức xem là quốc ca của nước Anh.
B. CÁC BẢN NHẠC ÐÃ XUẤT HIỆN Ở VIỆT NAM VỚI TƯ CÁCH LÀ QUỐC THIỀU VÀ QUỐC CA

1. Quốc ca xuất hiện đầu tiên: bản Ðăng Ðàn Cung của Hoàng Ðế Bảo Ðại

Ở Việt Nam trước đây, cũng như ở các nước quân chủ cổ thời khác, có những bản nhạc và bài hát được dùng trong các lễ long trọng để đánh dấu sự hiện diện của nhà vua. Về ý niệm quốc thều hay quốc ca, nó chỉ xuất hiện ở nước ta khi dân tộc ta bị lọt vào ách thực dân Pháp.

Tuy nhiên, trong gần suốt thời kỳ Pháp thuộc, dân Việt Nam vẫn chưa có quốc thiều và quốc ca. Nam Kỳ lúc ấy là thuộc địa Pháp và khi có các cuộc lễ lớn thì bản nhạc được dùng là bài Marseillaise của người Pháp. Ở Huế thì triều đình nhà Nguyễn có một số bản nhạc được dùng khi có sự hiện diện của nhà vua. Nhưng các bản nhạc trên đây không phải là quốc thiều hay quốc ca theo đúng nghĩa kim thời của nó.

Ðến thời Thế Chiến II, Hoàng Ðế Bảo Ðại mới ấn định quốc thiều và quốc ca một lượt với quốc kỳ. Bản quốc thiều và quốc ca này là bản Ðăng Ðàn Cung. Ðó là một bản nhạc cổ điển của Việt Nam và được triều đình Huế dùng khi nhà vua ngự đến đài Nam Giao để đại diện cho tất cả thần dân làm lễ tế trời. Lễ này ba năm cử hành một lần và được xem là cuộc lễ quan trọng hơn hết của triều đình. Do đó, bản Ðăng Ðàn Cung được xem là bản nhạc trang nghiêm nhứt. Vì vậy, Hoàng Ðế Bảo Ðại đã dùng nó làm quốc thiều và quốc ca trong khi cờ long tinh được chọn làm quốc kỳ. Cũng như cờ long tinh, bản Ðăng Ðàn Cung chỉ được dùng trên lãnh thổ Ðại Nam tức là Trung Kỳ và Bắc Kỳ, còn ở Nam Kỳ bị xem là lãnh thổ Pháp thì bản Marseillaise vẫn phải được dùng.
2. Quốc ca thứ nhì: bản Việt Nam Minh Châu Trời Ðông thời chánh phủ Trần Trọng Kim

Sau khi Nhựt đảo chánh Pháp và Việt Nam tuyên bố độc lập, chánh phủ Trần Trọng Kim đã ban bố một chương trình hưng quốc ngày 8 tháng 5 năm 1945, trong đó bản Việt Nam Minh Châu Troi Ðông của nhạc sĩ Hùng Lân được chọn làm quốc ca. Lời ca của bản nhạc này như sau:
Việt Nam, minh châu trời Ðông!

Việt Nam, nước thiêng Tiên Rồng!

Non sông như gấm hoa uy linh một phương,

Xây vinh quang ngất cao bên Thái Bình Dương.

Từ ngàn xưa tài danh lừng lẫy khắp nơi.

Tiếng anh hùng tạc ghi núi sông muôn đời.

Máu ai còn vương cỏ hoa

Giục đem tấm thân xẻ với sơn hà.

Giơ tay cương quyết,

Ta ôn lời thề ước.

Hy sinh tâm huyết,

Ta báo đền ơn nước.

Dầu thân này nát tan tành gói da ngựa cũng cam,

Thề trọn niềm trung thành với sơn hà nước Nam.
Bản quốc ca này được dùng chung với cờ quẻ Ly ở Bắc và Trung Việt, nhưng không được dùng ở Nam Việt vì Nam Việt đã bị người Nhựt thay người Pháp điều khiển một cách trực tiếp và chỉ được trả cho triều đình Huế lúc Hoàng Ðế Bảo Ðại đã sắp thoái vị rồi. Vậy, trong thời kỳ từ khi người Nhựt đảo chánh Pháp cho đến khi Mặt Trận Việt Minh củng cố được chánh quyền của nó ở Nam Việt, cả lãnh thổ này không có quốc ca. Bài hát được người quốc gia ở Nam Việt dùng khi đứng lên tranh đấu cho nền độc lập của Việt Nam thời đó là bài Thanh Niên Hành Khúc hay Tiếng Gọi Thanh Niên của Thanh Niên Tiền Phong, chung với cờ vàng sao đỏ cũng của tổ chức này. Như chúng tôi sẽ trình bày sau đây, bản nhạc của bài Thanh Niên Hành Khúc hay Tiếng Gọi Thanh Niên này chính là bản nhạc của bài quốc ca mà chúng ta đang dùng.
3. Quốc ca thứ ba: bản Tiến Quân Ca của tập đoàn CSVN

Khi cướp được chánh quyền, tập đoàn CSVN đã dùng làm quốc ca bản Tiến Quân Ca của nhạc sĩ Văn Cao. Bản nhạc này đã được họ bắt đầu dùng khi tổ chức các đơn vị võ trang đầu tiên và cho đến nay, vẫn được họ dùng làm quốc ca.
4. Quốc ca của Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc

Khi Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc thành lập năm 1946, những người cầm đầu phong trào Nam Kỳ Tự Trị đã dùng làm quốc ca một bản phổ nhạc của mấy câu thơ đầu trong Chinh Phụ Ngâm Khúc mà tác giả là Giáo Sư Võ Văn Lúa, một giáo sư trung học thời Pháp thuộc. Sau đó, Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc lại dùng một bản nhạc khác cũng của vị giáo sư này làm quốc ca, nhưng về nhạc và lời, bản sau này cũng chẳng hơn gì bản trước. Các bản quốc ca quái đản trên đây thật xứng với lá cờ sốt rét dùng làm quốc kỳ cho Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc. Nó đã là một đề tài chế giễu của ngưoi dân Nam Việt lúc đó và ngày nay nhắc lại nó, chúng tôi không biết nên cười hay nên khóc vì tuy hết sức lố bịch, nó đã được dùng làm biểu tượng cho một tổ chức chống lại nền thống nhứt của Việt Nam và đã gây nhiều đau khổ chết chóc cho những người tranh đấu cho nền thống nhứt này.
5. Quốc ca của chúng ta ngày nay

Bản quốc ca của chúng ta hiện nay có một lịch sử đặc biệt. Người sáng tác bản nhạc là Lưu Hữu Phước, một cựu học sinh trường trung học Pétrus Ký và cựu sinh viên Viện Ðại Học Hà Nội. Nếu tôi không lầm thì bản nhạc này đã được soạn ra lúc Lưu Hữu Phước còn học ở trường Pétrus Ký. Năm 1942, anh ta là sinh viên của Viện Ðại Học Hà Nội. Thời Thế Chiến II, Viện Ðại Học này là Viện Ðại Học duy nhứt của các nước Ðông Dương. Nó có khoảng 800 sinh viên trong đó phân nửa là người Việt Nam, còn lại là người Khmer, người Lào, người Pháp và ngay cả người một số nước láng giềng như Trung Quốc và các nước Ðông Nam Á Châu.

Vì là Viện Ðại Học duy nhứt của Ðông Dương nên Viện Ðại Học Hà Nội đã họp tập tất cả sinh viên Việt Nam thời đó. Các sinh viên ái quốc gia nhập các chánh đảng cách mạng tranh đấu cho nền độc lập của Việt Nam đã tổ chức những tổ bí mật tại đó. Ðặc biệt Ðại Việt Quốc Dân Ðảng có đảng trưởng Trương Tử Anh và một cán bộ nồng cốt là Anh Nguyễn Tôn Hoàn học tại Viện Ðại Học Hà Nội thời Thế Chiến II. Anh Nguyễn Tôn Hoàn là người giỏi về nhạc nên được bầu làm Trưởng Ban Âm Nhạc của Tổng Hội Sinh Viên Ðông Dương (Association Générale des Étudiants Indochinois) và anh đã lãnh nhiệm vụ bí mật hướng dẫn các sinh viên hoạt động về văn hóa theo chiều hướng tranh đấu chống thực dân.

Chiều ngày 15 tháng 3 năm 1942, Tổng Hội Sinh Viên Ðông Dương (THSVÐD) đã tổ chức tại Ðại Giảng Ðường của Viện Ðại Học Hà Nội một buổi hát để lấy tiền giúp các bịnh nhơn nghèo của các bịnh viện được dùng làm nơi thực tập cho các sinh viên Khoa Y Dược. Các sinh viên Việt Nam đóng vai tuồng chủ động trong Tổng Hội đã quyết định nhơn cơ hội này tung ra một bản nhạc đặc biệt là Sinh Viên Hành Khúc, tên Pháp là Marche des Étudiants. Anh Nguyễn Tôn Hoàn được ủy nhiệm chọn bản nhạc dùng vào công việc đó. Lúc ấy, Lưu Hữu Phước đã đưa cho anh một số bài nhạc do anh ta soạn. Anh Nguyễn Tôn Hoàn nhận thấy rằng trong tất cả các dự thảo của Lưu Hữu Phước, bản nhạc mà chúng ta hiện dùng làm quốc thiều có tánh cách khích động tinh thần tranh đau hơn hết nên đã chọn nó làm nhạc cho Sinh Viên Hành Khúc. Sau đó, một ủy ban soạn lời ca cho bản nhạc này đã được thành lập với Ðặng Ngọc Tốt, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng, Phan Thanh Hòa, Hoàng Xuân Nhị. Lời ca này gồm ba đoạn với một điệp khúc chung:
I. Này sinh viên ơi! Ðứng lên đáp lời sông núi!

Ðồng lòng cùng đi, đi, mở đường khai lối.

Vì non sông nước xưa, truyền muôn năm chớ quên,

Nào anh em Bắc Nam! Cùng nhau ta kết đoàn!

Hồn thanh xuân như gương trong sáng,

Ðừng tiếc máu nóng, tài xin ráng!

Thời khó, thế khó, khó làm yếu ta,

Dầu muôn chông gai vững lòng chi sá.

Ðường mới kíp phóng mắt nhìn xa bốn phương,

Tung cánh hồn thiếu niên ai đó can trường.

(Ðiệp khúc)
Sinh viên ơi! Ta quyết đi đến cùng!

Sinh viên ơi! Ta thề đem hết lòng!

Tiến lên đồng tiến! Vẻ vang đời sống!

Chớ quên rằng ta là giống Lạc Hồng!
II. Này sinh viên ơi! Dấu xưa vết còn chưa xoá!

Hùng cường trời Nam, ghi trên bảng vàng bia đá!

Lùa quân Chiêm nát tan, thành công Nam tiến luôn,

Bình bao phen Tống Nguyên, từng ca câu khải hoàn.

Hồ Tây tranh phong oai son phấn,

Lừng tiếng Sát Thát Trần Quốc Tuấn.

Mài kiếm cứu nước nhớ người núi Lam,

Trừ Thanh, Quang Trung giết hằng bao đám.

Nòi giống có khí phách từ xưa chớ quên,

Mong đến ngày vẻ vang, ta thắp hương nguyền.

(Trở lại điệp khúc)
III. Này sinh viên ơi! Muốn đi đến ngày tươi sáng,

Hành trình còn xa, chúng ta phải cùng nhau gắng!

Ngày xưa ai biết đem tài cao cho núi sông,

Ngày nay ta cũng đem lòng son cho giống dòng.

Là sinh viên vun cây văn hoá,

Từ trước sẵn có nhiều hoa lá.

Ðời mới kiến thiết đáp lòng những ai

Hằng mong ta ra vững cầm tay lái.

Bền chí quyết cố gắng làm cho khắp nơi

Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời!

(Trở lại điệp khúc)


Các lời ca tiếng Việt như trên đây được dùng cho sinh viên Việt Nam và có mục đích thúc đẩy người Việt Nam tranh đấu cho đất nước Việt Nam. Nhưng vì như trên đã nói, Viện Ðại Học Hà Nội lúc ấy còn có nhiều sinh viên không phải Việt Nam nên ngoài lời ca tiếng Việt, lại còn có lời ca tiếng Pháp để mọi sinh viên của Viện đều có thể dùng nó được. Lời ca tiếng Pháp này dĩ nhiên là không thể nói riêng về Việt Nam mà phải nói đến cả Ðông Dương để cho phù hợp với tên THSVÐD. Lời ca tiếng Pháp cũng do ủy ban nói trên đây soạn ra:
Étudiants! Du sol l'appel tenace

Pressant et fort, retentit dans l'espace.

Des côtes d'Annam aux ruines d'Angkor,

À travers les monts, du sud jusqu'au nord,

Une voix monte ravie:

Servir la chère Patrie!

Toujours sans reproche et sans peur

Pour rendre l'avenir meilleur.

La joie, la ferveur, la jeunesse

Sont pleines de fermes promesses.

(Ðiệp khúc)
Te servir, chère Indochine,

Avec coeur et discipline,

C'est notre but, c'est notre loi

Et rien n'ébranle notre foi!
Buổi hát chiều ngày 15 tháng 3 năm 1942 đã đưa đến những kết quả mỹ mãn và bản Sinh Viên Hành Khúc tên Pháp là Marche des Étudiants đã được chánh thức công nhận là bản nhạc của THSVÐD. Mùa hè năm đó, Tổng Hội này lại tổ chức một buổi lễ mãn khoá tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Lần này, có Toàn Quyền Ðông Dương và nhiều viên chức cao cap Pháp khác đến dự. Bản Sinh Viên Hành Khúc được dàn nhạc của Hải Quân Pháp trình tấu. Âm điệu hùng hồn của nó đã làm mọi người khích động và khi nó được trổi lên, tất cả mọi người tham dự lễ mãn khoá năm 1942 của Viện Ðại Học Hà Nội, kể cả các viên chức cao cấp Pháp, đều đã nghiêm chỉnh đứng dậy để chào nó. Sau đó, nó được phổ biến khắp nơi. Các sinh viên Pháp, Khmer và Lào dĩ nhiên là theo lời ca Pháp. Về phía Việt Nam thì các sinh viên chỉ lo đi học chớ không có nhiệt tâm tranh đấu chánh trị cũng chỉ biết có lời ca Pháp. Phần các sinh viên Việt Nam có nhiệt tâm tranh đấu cho nền độc lập của dân tộc thì đem ra phổ biến ở khắp cả ba kỳ trong kỳ nghỉ hè năm đó với lời ca tiếng Việt, nhứt là đoạn I nói trên đây. Vì thế, từ năm 1943, bài Sinh Viên Hành Khúc đã được người Việt Nam ở cả ba kỳ biết.

Năm 1945, sau khi Nhựt đảo chánh Pháp, Thanh Niên Tiền Phong được thành lập ở Nam Việt và lấy bản nhạc trên đây làm đoàn ca. Tên bản nhạc được đặt lại là Thanh Niên Hành Khúc hay Tiếng Gọi Thanh Niên. Về lời thì hai chữ sinh viên được thay bằng hai chữ thanh niên. Lúc người Pháp trở lại chiếm Nam Việt cuối năm 1945, Thanh Niên Tiền Phong đã huy động người ái quốc Việt Nam ở Nam Việt đứng lên chống lại họ dưới lá cờ vàng sao đỏ và bản Thanh Niên Hành Khúc hay Tiếng Gọi Thanh Niên.

Năm 1948, trong phiên họp lịch sử ở Hongkong giữa Cựu Hoàng Bảo Ðại và một số thân hào nhơn sĩ cùng đại diện các đoàn thể chánh trị và tôn giáo ở Việt Nam, Anh Nguyễn Tôn Hoàn đã đề nghị lấy bản nhạc của Thanh Niên Hành Khúc làm quốc thiều cho Quốc Gia Việt Nam. Hội nghị đã đồng ý và tên bản nhạc được đặt lại là Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân. Về lời ca, đoạn I của bài Thanh Niên Hành Khúc nói trên đây đã được dùng, với hai chữ công dân thay cho hai chữ thanh niên.

Ngày 2 tháng 6 năm 1948, chánh phủ lâm thời Việt Nam được thành lập với Tướng Nguyễn Văn Xuân làm Thủ Tướng và Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân được chánh thức dùng làm quốc ca. Lúc Ông Ngô Ðình Diệm lật đổ Quốc Trưởng Bảo Ðại để thành lập chế độ cộng hoà, Quốc Hội Lập Hiến được bầu năm 1956 đã có đặt vấn đề chọn một bài quốc ca khác. Tuy nhiên, lúc đó, phần lớn các bản nhạc được đề nghị dùng làm quốc ca đều không đủ tiêu chuẩn để được chấp nhận. Bài duy nhứt được xem là xứng đáng làm quốc ca chính là bài Việt Nam Minh Châu Trời Ðông của nhạc sĩ Hùng Lân đã được chánh phủ Trần Trọng Kim chọn làm quốc ca năm 1945. Tuy nhiên, hai Ông Ngô Ðình Diệm và Ngô Ðình Nhu cuối cùng đã không chấp nhận việc dùng bản Việt Nam Minh Châu Trời Ðông làm quốc ca vì một lý do đặc biệt.

Năm 1945, hai Ðảng Việt Nam Quốc Dân Ðảng (VNQDÐ) và Ðại Việt Quốc Dân Ðảng (ÐVQDÐ) đã sáp nhập lại làm một với tên chung là Quốc Dân Ðảng và Ðảng này đã lấy bài Việt Nam Minh Châu Trời Ðông làm đảng ca. Sau đó, VNQDÐ và ÐVQDÐ lại tách nhau ra, nhưng cả hai đều giữ đảng ca Việt Nam Minh Châu Trời Ðông. Vì biết được việc này nên hai anh em Ông Diệm đã không chấp nhận bản nhạc này làm quốc ca. Rốt cuộc, Quốc Hội Lập Hiến năm 1956 đã quyết định giữ lại bản Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân làm quốc ca, nhưng đổi lời lại như sau:
Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng.

Ðồng lòng cùng đi, hy sinh tiếc gì thân sống!

Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên,

Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền.

Dầu cho thây phơi trên gươm giáo,

Thù nước lấy máu đào đem báo.

Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy,

người công dân luôn vững bền tâm trí,

Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi

Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời!

(Ðiệp khúc)

Công dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ!

Công dân ơi! Mau làm cho cõi bờ

Thoát cơn tàn phá, vẻ vang đời sống

Xứng danh ngàn năm dòng giống Lạc Hồng.
Bản nhạc và lời ca này đã được dùng suốt thời Ðệ Nhứt và Ðệ Nhị Cộng Hòa cho đến ngày nay.
C. VẤN ÐỀ THAY ÐỔI QUỐC CA

Nói tóm lại, trừ các bản nhạc vô duyên đã được Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc dùng làm quốc ca, nhưng thật sự không thể xem là quốc ca được, dân tộc Việt Nam có cả thảy bốn bản nhạc xứng đáng với danh nghĩa quốc ca là Ðăng Ðàn Cung, Việt Nam Minh Châu Trời Ðông, Tiến Quân Ca và Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân. Bốn bản quốc ca này đã được dùng song song với bốn lá quốc kỳ: bản Ðăng Ðàn Cung với cờ long tinh, bản Việt Nam Minh Châu Trời Ðông với cờ quẻ Ly, bản Tiến Quân Ca với cờ đỏ sao vàng và bản Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân với cờ vàng ba sọc đỏ.
1. So sánh các bản quốc ca với nhau

Bản Ðăng Ðàn Cung là bản nhạc cổ điển Việt Nam thuộc loại nhã nhạc. Loại nhạc này có tánh cách nghiêm trang và ôn hòa, trái với dâm nhạc là loại nhạc biểu lộ tình cảm một cách nồng nhiệt và chỉ được dùng trong việc giải trí hay hội họp vui chơi. Bản Ðăng Ðàn Cung là một bài nhã nhạc dùng trong lễ tế Nam Giao của nhà vua. Do đó, nó có tánh cách trang trọng, nhưng không hùng hồn và không khích động được tinh thần người nghe. Bản Việt Nam Minh Châu Trời Ðông là một bản tân nhạc có tánh cách khích động hơn bản Ðăng Ðàn Cung, nhưng cái hùng của nó là loại trầm hùng nên không khích động tinh thần người nghe bằng bản Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân. Vì là một hành khúc, bản quốc ca hiện nay của chúng ta khích động tinh thần người nghe một cách mạnh mẽ hơn. Mặt khác nữa, hoàn cảnh lịch sử đã làm cho nó đóng một vai tuồng tích cực trong cuộc tranh đấu cho nền độc lập và tự do của dân tộc Việt Nam. Thời Thế Chiến II, với tên là Sinh Viên Hành Khúc, nó đã được dùng để đánh thức tinh thần tranh đấu của nhơn dân Việt Nam. Ðến lúc người Pháp đem binh đến để tái chiếm Nam Việt, dưới tên Thanh Niên Hành Khúc hay Tiếng Gọi Thanh Niên, nó đã được dùng để thúc đẩy các chiến sĩ cầm tầm vong vạt nhọn đứng lên tranh đấu với Quân Ðội Viễn Chinh Pháp. Khi nước Pháp chánh thức nhìn nhận nền độc lập và thống nhứt của Việt Nam, nó đã thành bản quốc ca với tên là Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân.

Bản Tiến Quân Ca của CSVN cũng có tánh cách khích động tinh thần người nghe như bản quốc ca của chúng ta. Nhưng về lời ca thì từ hình thức Sinh Viên Hành Khúc qua Thanh Niên Hành Khúc đến Quốc Dân Hành Khúc, bản quốc ca của chúng ta nhiều lắm là nói đến "thù nước lay máu đào đem báo", còn Tiến Quân Ca với lời "thề phanh thây uống máu quân thù" rõ là sắt máu quá và có thể làm cho thế giới xem dân tộc Việt Nam là dã man. Về mặt chánh trị, bản Thanh Niên Hành Khúc đã được dùng để thúc đẩy các thanh niên ái quốc Nam Việt cầm tầm vông vạt nhọn chống lại Quân Ðội Viễn Chinh Pháp trong khi bản Tiến Quân Ca đã được trổi lên để chào đón Quân Ðội này lúc họ đổ bộ ra Bắc Việt theo sự thoả thuận với Hồ Chí Minh trong Sơ Ước ngày 6 tháng 3 năm 1946. Sau đó, nó đã được dùng khi bộ đội Việt Minh cùng với bộ đội Pháp hợp tác nhau trong Ban Liên Kiểm Việt-Pháp để tiến đánh các chiến khu của Ðại Việt Quốc Dân Ðảng, Việt Nam Quốc Dân Ðảng và Việt Nam Cách Mạng Ðồng Minh Hội.
2. Lý luận của những người muốn đổi quốc ca

Những người muốn đổi quốc ca đã đưa ra nhiều lý luận khác nhau. Trong các lý luận được đưa ra, chỉ có một cái đáng cho chúng ta lưu ý. Lý luận này đặt nền tảng trên chỗ tác giả bản nhạc được chúng ta dùng làm quốc ca là Lưu Hữu Phước, hiện là một cán bộ cộng sản, và Lưu Hữu Phước đã lên tiếng sỉ vả người quốc gia Việt Nam là vô liêm sỉ khi lấy bản nhạc của anh ta và đặt lại lời ca để dùng. Một số người quốc gia Việt Nam đã tỏ ra khó chịu về việc này và những người muốn thay đổi quốc ca đã dựa vào đó để kêu gọi mọi người bỏ bản quốc ca hiện tại.
a. Nhận định về cá nhơn Lưu Hữu Phước

Vì lý luận trên đây dựa vào cá nhơn Lưu Hữu Phước nên chúng ta cần phải biết về cá nhơn này trước khi phán đoán. Thời Thế Chiến II, Lưu Hữu Phước là một sinh viên có tinh thần quốc gia và cũng như nhiều sinh viên khác của Viện Ðại Học Hà Nội, chỉ có chủ trương giành độc lập cho Việt Nam mà không gia nhập đoàn thể chánh trị nào. Lúc CSVN chưa cướp được chánh quyền, Lưu Hữu Phước đã hoạt động với Anh Nguyễn Tôn Hoàn là một cán bộ của Ðại Việt Quốc Dân Ðảng tại Viện Ðại Học Hà Nội.

Lúc CSVN cướp được chánh quyền, Lưu Hữu Phước và một số sinh viên khác gia nhập Ðảng Tân Dân Chủ, một chánh đảng hợp tác với CSVN trong Mặt Trận Việt Minh, nhưng lúc đầu phân biệt với Ðảng CSVN và nhiều khi cạnh tranh lại đảng này. Tuy nhiên, bằng cách vừa mua chuộc, vừa lấn ép, CSVN đã lôi phần lớn các đảng viên Tân Dân Chủ vào Ðảng CS và chỉ còn dùng tên Ðảng Tân Dân Chủ làm một nhãn hiệu để làm cho người ta lầm tưởng rằng chế độ họ xây dựng lên không phải là chế độ độc đảng.

Lưu Hữu Phước thuộc thành phần đảng viên Tân Dân Chủ bị lôi kéo vào Ðảng CS. Anh ta không đủ khí phách để chống lại việc đó và bị loại ra khỏi trường chánh trị như Ðặng Ngọc Tốt, cũng không đủ tinh thần sắt máu để được CSVN tin dùng như Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng, Trần Bửu Kiếm. Mặt khác, anh ta không có một khả năng đặc biệt về chánh trị mà CSVN có thể khai thác được như Mai Văn Bộ. Trước sau, Lưu Hữu Phước chỉ là một nhạc sĩ. Do đó, CSVN đã dùng anh ta như một văn công, sản xuất nhạc theo lịnh Ðảng và lên tiếng về các vấn đề khác những khi Ðảng thấy cần. Nói tóm lại, Lưu Hữu Phước đã sáng tác bản nhạc của Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân lúc còn là một sinh viên có tinh thần quốc gia. Ngày nay, anh ta là một văn công của CSVN và mọi lời phát biểu của anh ta chỉ là do Ðảng CSVN mớm cho.
b. Quan niệm chung của người các nơi trên thế giới về quốc ca

Nhưng dầu cho lúc sáng tác bản nhạc của Quốc Dân Hành Khúc, Lưu Hữu Phươc đã là một đảng viên cộng sản rồi và việc chỉ trích chúng ta dùng bản nhạc đó là do ý anh ta, chúng ta cũng không phải bận tâm về vấn đề này, vì theo quan niệm chung của người các nơi trên thế giới về quốc ca thì khi một bản nhạc đã được quốc dân nhận làm quốc ca, nó không còn của riêng ai nữa mà là của toàn dân. Do đó, cá nhơn người sáng tác bản nhạc cũng như người chọn bản nhạc làm quốc ca không thành một vấn đề đem ra thảo luận. Chúng ta có một tiền lệ đáng lưu ý về việc này.

Ðó là trường hợp bản Marseillaise được dùng làm quốc ca Pháp. Bản quốc ca này được một nhà quí tộc Pháp là Rouget de Lisle sáng tác năm 1792. Lúc ấy, Vua Louis thứ XVI còn trị vì và Rouget de Lisle là một sĩ quan trong Quân Ðội Pháp. Năm 1793, Vua Louis thứ XVI bị xử tử và Rouget de Lisle bị bắt vì là người quí tộc theo phe bảo hoàng chống lại Cách Mạng. Lúc ấy, Ông Lazare Carnot, Ủy Viên Quốc Phòng của Hội Ðồng Cách Mạng vì muốn cứu một sĩ quan cùng binh chủng với mình, lại là tác giả bản Marseillaise, đã đề nghị Rouget de Lisle tuyên thệ trung thành với Cách Mạng thì sẽ được tha, nhưng Rouget de Lisle từ chối vì không chịu phủ nhận lý tưởng bảo hoàng của mình. Cuối cùng, ông ta chỉ thoát chết vì chánh phủ cách mạng chủ trương Ðại Khủng Bố do Robespierre cầm đầu đã bị lật đổ trước khi bản án tử hình của ông ta được đem ra thi hành. Nhưng mặc dầu sau năm 1793, Rouget de Lisle đã trở thành người chống lại Cách Mạng, chánh quyền cách mạng Pháp vẫn tiếp tục dùng bản Marseillaise do ông sáng tác và năm 1795 đã chánh thức quyết định lấy nó làm quốc ca.
c. Trường hợp bản Tiến Quân Ca được tập đoàn CSVN dùng làm quốc ca

Bản Tiến Quân Ca được tập đoàn CSVN dùng làm quốc ca vốn do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác trong thời kỳ CSVN chưa cướp được chánh quyền ở Việt Nam. Không rõ lúc ông sáng tác bản nhạc này, Văn Cao đã là một đảng viên cộng sản hay chưa. Nhưng chắc chắn là về sau, ông đã vào Ðảng CSVN. Tuy nhiên, cũng như nhiều văn nghệ sĩ có nhiệt tâm yêu nước thời đó, Văn Cao đã lần lần nhận chân được bộ mặt thật của Cộng Sản. Ðiều đáng quí là ông đã can đảm hơn nhiều người khác như Lưu Hữu Phước chẳng hạn, và đã dám nói lên sự bất mãn và chống đối của mình. Ông đã tham dự phong trào Nhân Văn Giai Phẩm hồi năm 1956 và đã dứt khoát chống lại Ðảng CSVN. Trong con mắt của CSVN hiện nay, Văn Cao là một phần tử phản Ðảng, phản động, phản cách mạng.

Với chủ trương độc tài sắt máu và lòng tự hào là Ðảng mình lúc nào cũng hành động hợp với chánh nghĩa, CSVN rất xấu hổ về chỗ bản quốc ca họ dùng là sáng tác của một nhạc sĩ phản Ðảng, phản động và phản cách mạng. Bởi đó, họ không chịu theo quan niệm thông thường bắt đầu với lịch sử bản Marseillaise của Pháp, nghĩa là bất chấp lập trường chánh trị về sau của tác giả bản quốc ca. Họ đã treo một giải thưởng lớn cho người sáng tác được một bản nhạc đáng làm quốc ca mới. Nhưng trong nhiều trăm bản nhạc gởi đến dự thi, họ đã không chọn được bản nào ra hồn. Cuối cùng, họ phải hậm hực giữ bản Tiến Quân Ca làm quốc ca.

Người quốc gia Việt Nam chúng ta theo quan niệm thông thường trên thế giới về quốc ca nên không có gì phải hậm hực vì tác giả bản quốc ca chúng ta đang dùng hiện đã trở thành một văn công của CSVN. Và nếu có người nào đem việc Lưu Hữu Phước sỉ vả chúng ta về chỗ đã lấy bản nhạc do anh ta sáng tác làm quốc ca, chúng ta có thể bảo họ nên dùng các lời sỉ vả đó đặt trong miệng Văn Cao để gởi cho tập đoàn CSVN.
3. Nhiệm vụ của người quốc gia Việt Nam đối với bản quốc ca Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân

Người quốc gia Việt Nam may mắn có một bản quốc ca hùng hồn được dùng để thúc đẩy người ái quốc tranh đấu cho nền độc lập và sự tự do của dân tộc. Bản quốc ca này rất xứng đáng với lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ. Với giá trị nội tại của chính nó, thêm vào vai tuồng lịch sử mà nó đã đóng, nó lúc nào cũng gây sự xúc động mạnh mẽ trong tâm trí người Việt Nam ái quốc. Từ khi được chánh thức dùng làm quốc ca của nước Việt Nam độc lập, nó đã được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến. Tại Việt Nam, nó đã cùng với quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ làm yếu tố hội tập nhiều triệu chiến sĩ quân nhơn như dân sự tranh đấu cho sự tự do của dân tộc Việt Nam. Nó đã là bản nhạc tiễn đưa ra nghĩa trang nhiều trăm ngàn người đã chết vì Tổ Quốc Việt Nam. Như vậy, nó cũng là một bảo vật thiêng liêng của chúng ta y như quốc kỳ.

Hiện nay, bản Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân không còn được chánh thức dùng bên trong nước Việt Nam, nhưng như mọi người Việt Nam ở quốc nội đều biết rằng đó là bản nhạc của người quốc gia chống lại Cộng Sản. Bên ngoài Việt Nam, nó cũng được người ngoại quốc xem là bản nhạc biểu tượng cho người quốc gia chống cộng. Không bản nhạc nào khác có thể thay thế Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân về mặt này. Vậy, việc tôn trọng bản quốc ca đó và tiếp tục dùng nó chung với quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ một cách rộng rãi ở mọi nơi là một công cuộc đóng góp vào việc giải phóng Việt Nam khỏi ách Cộng Sản. Nếu mọi người Việt Nam ở hải ngoại đều đồng tâm nhứt trí để tranh đấu chung nhau thì một ngày không xa lắm, bản Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân sẽ được hát lên ở khắp các nẻo đường đất nước Việt Nam từ mũi Cà Mau đến ải Nam Quan. Chúng tôi nghĩ rằng lúc ấy, chắc chắn không có bài khải hoàn ca nào hay hơn nó được.
Giáo Sư NGUYỄN NGỌC HUY
oooooooooo 00000 ooooooooooooooo 00000 oooooooooo
Việc Mở Đất Nam Việt
Dưới Thời Các Chúa Nguyễn Và Đời Nhà Nguyễn
Nguyễn Ngọc Huy

 

LTS : Cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là một nhân tài đa năng hiếm có của xứ Bưởi Biên Hòa . Từ nhỏ đã từng nổi tiếng với những bài thơ ái quô hùng tráng đi vào văn học sử . Lớn lên trở thành Lãnh tụ tổ chức chính trị Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến , Khoa trưởng Đại Học Luật khoa ... Ra hải ngoại làm việc nghiên cứu biên khảo về luật tại Viện Đại hoc Harvard / Hoa Kỳ . Trong bài biên khảo đặc sắc dưới đây , Gs Huy có đề cập đến tỉnh Biên Hòa cùng nhân vật Trần Thượng Xuyên .


Lúc Chúa Nguyễn Phúc Nguyên bắt đầu chuẩn bị sự tự lập đối với triều đình vua Lê do chúa Trịnh điều khiển thì ở Chơn Lạp có một phong trào chống lại sự thần phục nước Xiêm. Vua Soryopor bắt buộc phải thoái vị năm 1618 để nhường ngôi cho con là Chey Chetta II. Vua này phục hồi triều nghi Chơn Lạp, không thần phục Xiêm nữa, và để bộc lộ ý chí phục hưng và độc lập, ông dời đô lên Oudong (ở giữa Lovek và Phnom Penh). Người Xiêm đã sai quân sang đánh vua này năm 1623 và 1624 nhưng đều bị đẩy lui. Để có một hậu thuẩn trong việc chống lại Xiêm, vua Chey Chetta II đã tìm cách dựa vào chúa Nguyễn. Do đó, năm 1620 ông đã cầu hôn với chúa Nguyễn và chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã đem một con gái là công chúa Ngọc Vạn gả cho ông (cuộc hôn nhân này không được sử Việt Nam chép lại, và ta chỉ biết được nó nhờ các sách sử Cam Bu Chia do người Pháp biên soạn, nhưng sách sử này không ghi tên bà hoàng hậu Việt Nam của vua Chey Chetta II. Sử gia Phan Khoang khảo trong Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên thì thấy chúa Nguyễn Phúc Nguyên có bốn con gái, trong đó hai nàng Ngọc Liên, Ngọc Đảnh thì có chép rõ sự tích chồng con, còn hai nàng Ngọc Vạn và Ngọc Khoa thì chép là khuyết truyện, tức là không rõ chuyện. Sử gia Phan Khoang cho rằng bà hoàng hậu của vua Chey Chetta II là một trong hai vị công chúa đó - Phan Khoang, Việt Sử, Xứ Đàng Trong, Sài Gòn, 1969, trang 401 - Trong bộ Biên Hòa Sử Lược Toàn Biên, ông Lương Văn Lưu cho biết thêm rằng trong gia phả của chúa Nguyễn được ông Tôn Thất Hân sưu nghị trong Tập Kỷ Yếu Các Bạn Hữu Cố Đô Huế năm 1920 thì công chúa Ngọc Khoa được gả cho vua Chiêm Thành là Po Rome năm 1631; vậy bà công chúa được gả cho vua Chey Chetta II phải là bà Ngọc Vạn - Lương Văn Lưu, Biên Hòa Sử Lược Toàn Biên, Tập II, Biên Hòa, 1972, trang 89-90).

Cuộc hôn nhơn này có ảnh hưởng lớn lao đến tình thế Việt Nam và Chơn Lạp về sau. Như chúng tôi đã nói trong phần trình bày về sự giao thiệp giữa Việt Nam với Trung Hoa thời các chúa Nguyễn, từ cuối thế kỷ thứ 16 đã có người Việt Nam đến vùng Bà Rịa và Biên Hòa ngày nay để vở đất làm ruộng. Thời đó, những đất nói trên đây hãy còn là lãnh thổ của Chơn Lạp, và người Việt Nam kiều cư Chơn Lạp như vậy chắc không đông đảo lắm. Khi công chúa Ngọc Vạn được gả về vua Chơn Lạp Chey Chetta II, bà đã đem theo nhiều người Việt đến Oudong, người thì được giữ chức vụ trong triều, người thì lập xưởng thợ hay nhà buôn ở kinh đô Chơn Lạp. Năm 1623, chúa Nguyễn sai một phái bộ đến yết kiến vua Chey Chetta II, xin đặt những cơ sở thâu thuế ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn ngày nay và đã được vua Chơn Lạp chấp thuận (trong Bulletin de la Societe des Etudes Indochinoises - Tập san của Hội Cổ Học Đông Dương, năm 1942, tập 2, trang 25, nhà học giả Pháp Louis Malleret cho biết rằng theo sử Cam Bu Chia, hai địa điểm mà vua Chơn Lạp cho chúa Nguyễn dùng làm cơ sở thâu thuế là Prey Nokor và Kas Krobey. Theo Avmonier, Prey Nokor trong tiếng Khmer là Rừng Của Vua, còn theo linh mục Tandart, nó có nghĩa là Thành Phố Giữa Rừng. Ông đốc phủ Lê Văn Phát thì cho rằng tên vùng này là Prey Kor, tiếng khmer có nghĩa là Rừng Gòn và đó là nguồn gốc của tên Sài Gòn. Vấn đề địa danh này thực sự đến nay vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Nếu ông bà chúng ta muốn dịch nghĩa tên Khmer Prey Kor thì các cụ đã gọi đất nầy là Củi Gòn, Cây Gòn hay Rừng Gòn, chứ không dùng một tiếng Hán-Việt là Sài - có nghĩa là củi đốt - để ghép với tiếng nôm Gòn thành Sài Gòn được. Mặt khác, năm 1623, vùng Sài Gòn, Chợ Lớn ngày nay hãy còn là một nơi hẻo lánh, chắc không thể mang tên Prey Nokor là Thãnh Phố Giữa Rừng hay Rừng Của Vua. Tên này chỉ có thể có từ năm 1674 là năm vùng này được dùng làm thủ đô cho vua thứ nhì của Cam Bu Chia là Nặc Ông Nộn. Dầu sao, điều chắc chắn là trọng tâm của Prey Kor hay Prey Nokor là chùa Cây Mai ở Phú Lâm tức là trong phạm vi Chợ Lớn ngày nay, và vùng này trước đây ông bà chúng ta gọi là Sài Gòn. Còn về đất ngày nay ta gọi là Sài Gòn thì thời đó, ông bà chúng ta lại gọi là Bến Nghé. Theo ông Vương Hồng Sển - trong bộ Sài Gòn Năm Xưa, Sài Gòn, 1969 - nghĩa là Vũng Trâu. Tên này rất gần với tên Kas Krobey của ông Malleret đã nêu ra. Kas Krobey tiếng Khmer có nghĩa là Cù Lao Trâu, và có thể Kas Krobey của ông Malleret và Kompong Krabei của ông Vương Hồng Sển là một: đó là tên của vùng Sài Gòn ngày nay mà ông bà ta gọi là Bến Nghé). Khi đã đặt chơn được ở vùng này một cách chánh thức, chúa Nguyễn đã khuyến khích người Việt đến đó làm ăn, rồi lấy cớ giúp chánh quyền Chơn Lạp gìn giừ trật tự, đã phái một tướng lãnh đến đóng ở nơi được vua Chơn Lạp cho đặt cơ sở thuế. Do đó, lúc vua Chơn Lạp Chey Chetta II mất năm 1628, vùng đất từ Sài Gòn qua Bà Rịa, Biên Hòa cho đến Trung Việt đã có nhiều người Việt Nam kiều cư và khai thác đất đai.

 

Trong khi người Việt Nam đã xây dựng được một cơ sở vững chắc trên đất Chơn Lạp như vậy thì các người kế vị cho Chey Chetta II lại xung đột với nhau để tranh giành quyền vị. Năm 1642, một người con của vua Chey Chetta II là Chant, ta gọi là Nặc Ông Chân giết vị vua tiền nhiệm là một người em con nhà chú của mình tên Ang Non I để lên làm vua. Vì Nặc Ông Chân cưới một người Mã Lai làm hoàng hậu và theo Hồi Giáo nên hoàng tộc Chơn Lạp bất mãn. Họ nổi lên chống lại Nặc Ông Chân năm 1658 nhưng thất bại và đến nương náu với bà thái hậu người Việt con của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Bà này đã khuyên họ nên cầu cứu với chúa Nguyễn, lúc ấy là chúa Nguyễn Phúc Tần. Chúa Nguyễn nhơn cơ hội nầy cho quân vào đánh Nặc Ông Chân và bắt được vua này đem về Việt Nam. Năm 1660, Nặc Ông Chân mất, chúa Nguyễn Phúc Tần phong cho một người trong hoàng tộc Chơn Lạp làm vua nước ấy, lấy hiệu là Batom Reachea. Vua này cố nhiên là phải dựa vào chúa Nguyễn và để cho người Việt Nam tự do nhập cư Chơn Lạp. Do đó, dân Việt Nam đến ở vùng phía đông Nam Việt ngày càng nhiều. Người Khmer yếu thế hơn mà lại không muốn sống chung đụng với người Việt Nam vốn khác văn hóa với họ, nên vùng nào có người Việt Nam đến ở đông thì họ lại bỏ để đi nơi khác. Vì vậy, phía đông Nam Việt lần lần trở thành một vùng đất mà đa số dân chúng là người Việt Nam.



 

Năm 1672, vua Chơn Lạp Batom Reachea bị người vừa là rễ vừa là cháu là Chey Chetta III giết, em là Ang Tan chạy sang cầu cứu chúa Nguyễn. Trong khi đó thì Chey Chetta III cũng bị giết. Con của Batom Reachea là Ang Chei, ta gọi là Nặc Ông Đài lên ngôi năm 1673, rồi dựa vào Xiêm để chống lại Việt Nam. Ông cho quân chiếm Sài Gòn rồi lập đồn lũy ở Mô Xoài, tức vùng Bà Rịa ngày nay, để phòng thủ. Vì không thấy phía Việt Nam có phản ứng gì nên người Khmer lần lần xao lãng trong việc canh giữ. Do đó, năm 1674 quân Việt Nam thình lình từ Trung Việt kéo vào đã đánh úp và lấy được đồn lũy Khmer ở Mô Xoài một cách dễ dàng rồi tiến chiếm Sài Gòn. Sau đó, quân Việt Nam đánh lên Chơn Lạp, phá các đồn lũy ở vùng thủ đô Cam Bu Chia. Nặc Ông Đài phải bỏ trốn vào rừng rồi bị thủ hạ giết chết. Ông hoàng Khmer Ang Tan đã xin quân cứu viện của chúa Nguyễn lúc ấy cũng đã bị bệnh mà chết, nên em là Ang Non, ta gọi là Nặc Ông Nộn, được lập lên làm vua ở Oudong. Ít tháng sau, em Nặc Ông Đài là Ang Saur, ta gọi là Nặc Ông Thu, nổi lên chống Nặc Ông Nộn. Quân đội Việt Nam lúc ấy rút về Sài Gòn và Nặc Ông Nộn cũng theo về đó. Nặc Ông Thu lên ngôi với hiệu là Chey Chetta IV, nhưng không dám chống hẳn Việt Nam nên lại xin cầu phong với chúa Nguyễn, chúa Nguyễn đã chấp thuận việc nầy. Từ đó, Chơn Lạp có hai vua, vua thứ nhứt là Nặc Ông Thu đóng ở Oudong, vua thứ nhì là Nặc Ông Nộn đóng đô ở Prey Nokor, tức là Chợ Lớn ngày nay. Cả hai đều thần phục chúa Nguyễn (vì cả hai vua Chơn Lạp đều dâng cống phẩm cho chúa Nguyễn ở Prey Nokor nên ông Malleret đã theo thuyết của ông Maurice Verdeille cho rằng tên Sài Gòn phát xuất từ tiếng Tày Ngòn, nếu đọc theo Việt Nam có nghĩa là Cống Phẩm Của Phía Tây. Tiếng Hán Việt có nghĩa là Tây Cống và Tày Ngòn hẳn là Tây Cống nhưng phát âm theo giọng người Trung Hoa. Nhưng ông bà chúng ta ngày xưa rất sính dùng tiếng Hán Việt. Ngay cả cái tên nôm hoàn toàn như Bến Nghé mà khi viết vào sách sử, các cụ còn dịch ra tiếng Hán Việt là Ngưu Chữ chứ không chép tên Bến Nghé thì không có lý do gì các cụ lại không dùng cái tên Hán Việt Tây Cống mà lại phiên âm tiếng Tây Cống đó theo giọng người Trung Hoa là Tày Ngòn để viết thành Sài Gòn) và năm 1687, khi chúa Nguyễn Phúc Tần mất, cả hai đều có cho quân Khmer đến dâng hương phúng điếu (về đoạn nầy, chúng tôi viết theo tác phẩm của sử gia Phan Khoang, "Việt Sử, Xứ Đàng Trong", Sài Gòn, 1969, trang 400-407. Trong tác phẩm nầy, sử gia Phan Khoang đã dùng cả dữ kiện do sử Việt Nam chép lại và các dữ kiện của các sử gia Pháp viết theo tài liệu của người Khmer).

 

Khi nhóm di thần nhà Minh do Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch lãnh đạo đến xin thần phục Việt Nam, chúa Nguyễn Phúc Tần đã sai sứ đưa thơ cho vua Chơn Lạp yêu cầu chia cắt đất đai cho họ, rồi cho người hướng dẫn nhóm Trần Thượng Xuyên đến ở vùng tỉnh lỵ Biên Hòa ngày nay, và nhóm Dương Ngạn Địch đến ở vùng Mỹ Tho ngày nay. Về sau, khi Dương Ngạn Địch bị phó tướng là Huỳnh Tấn sát hại năm 1688, quân Long Môn của Dương Ngạn Địch được giao về cho Trần Thượng Xuyên kiêm lãnh. Nhóm người Trung Hoa này đã khuếch trương công nghệ, thành lập một trung tâm thương mại thạnh vượng ở Cù Lao Phố, gần tỉnh lỵ Biên Hòa ngày nay, và qui tập thêm người Việt Nam và Trung Hoa đến ở miền đông Nam Việt (về vấn đề này, xin xem lại phần I về Sự Giao Thiệp Giữa Việt Nam Với Trung Hoa Thời Các Chúa Nguyễn).



 

Trong khi đó thì hai vua Chơn Lạp là Nặc Ông Nộn và Nặc Ông Thu lại xung đột nhau. Năm 1679, Nặc Ông Nộn từ Sài Gòn đem quân về đánh Nặc Ông Thu, Nặc Ông Thu nhờ quân Xiêm cứu viện nên đuổi được Nặc Ông Nộn trở về Sài Gòn. Đến 1682, Nặc Ông Nộn tuyển chọn một số người Trung Hoa cư ngụ miền đông Nam Việt lúc bấy giờ làm lực lượng nồng cốt để lập một đạo quân rồi tiến đánh Nặc Ông Thu. Bị đánh thình lình Nặc Ông Thu phải lui về phía tây Oudong. Nhưng nhờ quân Xiêm cứu trợ, ông ta lại phản công và đuổi được Nặc Ông Nộn chạy về Sài Gòn. Nặc Ông Nộn xin vua Xiêm làm trọng tài giúp mình, nhưng không được bèn quay về cầu cứu với chúa Nguyễn. Năm 1689, chúa Nguyễn Phúc Trăn sai quân vào Nam Việt, trước hết đánh Huỳnh Tấn để trị tội giết chủ tướng anh ta là Dương Ngạn Địch, rồi kế đó tiến đánh Nặc Ông Thu. Chiến dịch này kéo dài đến năm 1690. Cuối cùng Nặc Ông Thu chịu thần phục Việt Nam và giữ ngôi vua Chơn Lạp, còn Nặc Ông Nộn thì được về Chơn Lạp sống tự do. Năm 1698, ngay sau khi chúa Nguyễn Phúc Chu đã chinh phục được hết Chiêm Thành, một viên quan Chơn Lạp miền đông Nam Việt là Êm muốn dựa vào chúa Nguyễn để chống lại vua mình, và hứa sẽ dâng vùng này để đền ơn. Êm thất bại trong mưu đồ của ông ta, nhưng chúa Nguyễn Phúc Chu đã lợi dụng cơ hội đó sáp nhập miền đông Nam Việt vào bản đồ Việt Nam, và đất phủ Gia Định gồm hai dinh Trấn Biên, sau là Biên Hòa, và Phiên Trấn, sau là Gia Định, chiếm phần lớn phía đông Nam Việt ngày nay. Vùng Mỹ Tho thì chưa chánh thức sáp nhập vào bản đồ Việt Nam trong lúc ấy, nhưng với quân Long Môn cũ của Dương Ngạn Địch do Trần Thượng Xuyên đóng tại Biên Hòa điều khiển, đất này thật sự cũng đã thuộc quyền cai trị của chúa Nguyễn rồi (Phan Khoang, sđd, trang 410-418, và Lê Ngọc Trụ và Phạm Văn Luật, phần tiểu sử của bộ "Nguyễn Cư Trinh Với Quyển Sãi Vãi", Sài Gòn, 1969, trang 44-49).

 

Nặc Ông Thu bất mãn về việc đó nên chống lại Việt Nam, cho người cướp bóc. Năm 1699, chúa Nguyễn cho quân sang đánh Chơn Lạp, năm sau 1700, Nặc Ông Thu thua trận lại xin hàng. Sau đó triều đình Chơn Lạp bị rối loạn vì sự tranh giành ngôi vua giữa hai phe thân Xiêm và thân Việt Nam, và chúa Nguyễn lại có cơ hội để can thiệp vào việc nội bộ Chơn Lạp.



 

Về phía tây Nam Việt thì từ năm 1708, Mạc Cửu đã đem vùng Hà Tiên xin qui phục chúa Nguyễn, và với sự che chở của chúa Nguyễn, Mạc Cửu đã mở mang thêm được đất này.

 

Từ đó Cam Bu Chia thành vùng tranh chấp giữa chúa Nguyễn và người Xiêm. Năm 1714, quân Việt Nam kéo lên Chơn Lạp yểm trợ cho nhà lãnh tụ Chơn Lạp thân mình là Ang Em, ta gọi là Nặc Ông Yêm, năm sau 1715, vì không chống cự nổi quân Việt Nam, vua Chơn Lạp thân Xiêm là Thomea Reachea, ta gọi là Nặc Ông Thâm, phải bỏ trốn. Nặc Ông Yêm được lập làm vua Chơn Lạp. Khi quân Việt Nam rút về thì quân Xiêm lại sang đánh ở cả hai mặt bộ và thủy. Trên đường bộ khi quân Xiêm đến, Nặc Ông Yêm đã chịu thần phục Xiêm, về phía biển thì quân Xiêm chiếm được Hà Tiên đến năm 1718 mới rút đi.



 

Năm 1731, có người Lào kiều cư Chơn Lạp là Sá Tốt chiêu dụ người Khmer nổi lên chống Việt Nam. Chúa Nguyễn phải cho quân sang bình định đến năm 1732 mới xong. Sau trận này, chúa Nguyễn Phúc Trú buộc vua Chơn Lạp chánh thức nhường hai tỉnh Me So và Long Hor, tức là Mỹ Tho và Vĩnh Long ngày nay, cho Việt Nam.

 

Đến 1736, vua cũ của Chơn Lạp là Nặc Ông Thâm từ Xiêm trở về chống lại vua Chơn Lạp là Satha II, con của Nặc Ông Yêm, ta gọi là Nặc Ông Tha. Ông này chạy về Gia Định. Nặc Ông Thâm được tôn lên làm vua Chơn Lạp rồi xin thần phục chúa Nguyễn và được chúa Nguyễn Phúc Trú chấp nhận. Nhưng năm 1739, Nặc Ông Thâm lại đem binh đánh Hà Tiên và bị đẩy lui. Năm 1747, Nặc Ông Thâm chết, nước Chơn Lạp lại rối loạn vì sự tranh giành ngôi vua. Năm sau đó 1748, người khmer ở Nam Việt nổi lên đánh phá phía Mỹ Tho. Chúa Nguyễn Phúc Khoát sai quân vào dẹp rồi thừa thế kéo luôn lên Chơn Lạp đưa Nặc Ông Tha trở về làm vua. Nhưng sau đó, dân Khmer nổi lên chống lại; quân Việt Nam và Nặc Ông Tha phải rút về Gia Định. Người Khmer liền tôn một lãnh tụ khác là Ang Snguon, ta gọi là Nặc Ông Nguyên, làm vua Chơn Lạp năm 1749.



Đến 1753, chúa Nguyễn Phúc Khoát lấy cớ người Côn Man, tức là người Chiêm Thành bị xem là thần dân chúa Nguyễn khi chúa Nguyễn đã lấy hết đất Chiêm Thành năm 1679, kiều cư Chơn Lạp bị hiếp đáp để cho quân sang đánh Chơn Lạp. Chiến dịch này kéo dài đến năm 1755. Năm ấy vua Chơn Lạp là Nặc Ông Nguyên trốn về Hà Tiên nương tựa với Mạc Thiên Tích và nhờ Mạc Thiên Tích làm môi giới, xin nộp cho chúa Nguyễn các đất Tầm Bôn, nay là Tân An, và Lôi Lạp hay Soi Rạp, nay là Gò Công, để xin chuột tội. Chúa Nguyễn chấp nhận. Đến năm 1757, Nặc Ông Nguyên mất, triều đình Chơn Lạp lại có sự tranh giành ngôi vua. Ban đầu, Nặc Ông Nhuận được đưa lên ngôi và nộp cho chúa Nguyễn các đất Preah Trapeang, nay là Trà Vinh và Bến Tre, và Ba Thắc, nay là Sóc Trăng và Bạc Liêu để cầu xin ủng hộ. Nhưng Nặc Ông Nhuận lại bị giết, con là Nặc Ông Tôn trốn sang Hà Tiên. Mạc Thiên Tích xin chúa Nguyễn ủng hộ Nặc Ông Tôn làm vua, và để đền ơn, vua này đã dâng cho chúa Nguyễn đất Tân Phong Long, nay là Châu Đốc và Sa Đéc, đồng thời hiến cho Mạc Thiên Tích năm phủ Cần Bột, Vũng Thơm, Chưng Rùm, Sài Mạt, và Linh Quỳnh, thuộc các tỉnh Kampot, Kompong Trach và Kompong Som của Cam Bu Chia ngày nay. Mạc Thiên Tích dâng các đất này cho chúa Nguyễn và chúa Nguyễn đã cho sáp nhập vào trấn Hà Tiên do Mạc Thiên Tích quản trị. Mạc Thiên Tích lại xin chúa Nguyễn lập các đạo Kiên Giang, nay là Rạch Giá, và Long Xuyên, nay là Cà Mau, đặt quan cai trị rồi chiêu tập dân đến ở. Từ đó, toàn cõi Nam Việt và một dãi đất ở phía bắc Hà Tiên đã trở thành đất của Việt Nam (Phan Khoang, sđd, trang 427-445).

 

Năm 1769, vua Xiêm là Trịnh Quốc Anh vì cớ vua Chơn Lạp không chịu nộp cống và Mạc Thiên Tích ở Hà tiên dung nạp con vua Xiêm cũ, nên mở cuộc tấn công. Quân Xiêm chiếm được Hà Tiên rồi tiến đánh Chơn Lạp. Vua Chơn Lạp Nặc Ông Tôn bỏ chạy, người Xiêm lập Nặc Ông Nộn làm vua ở Phnom Penh. Sang 1772, chúa Nguyễn Phúc Thuần ra lịnh phản công, đánh lui quân Xiêm ở Chơn Lạp và đưa Nặc Ông Tôn trở về. Sau cuộc cứu giúp lớn lao này, chúa Nguyễn gần như lập cuộc bảo hộ Chơn Lạp: một viên quan Việt Nam được đặt ở kinh đô Chơn Lạp để duyệt xét những bản văn chính trị mà vua Chơn Lạp ban hành. Nhưng vua Chơn Lạp do người Xiêm lập lên là Nặc Ông Nộn vẫn còn ở lại vùng Cần Bột (Kampot) với một số quân Xiêm; ở nhiều tỉnh các quan lại không theo Nặc Ông Tôn mà cũng không theo Nặc Ông Nộn (Phan Khoang, sđd, trang 447-450).



 

Trong lúc đó ở Trung Việt các lãnh tụ Tây Sơn đã nổi lên chống chúa Nguyễn từ năm 1773, rồi năm 1774 chúa Trịnh lại thừa cơ tiến đánh Phú Xuân. Năm 1775 chúa Nguyễn Phúc Thuần phải bỏ chạy về Gia Định. Cũng năm ấy, Nặc Ông Tôn thua buồn nhường ngôi cho Ang Non II, ta gọi là Nặc Ông Vinh. Ông này có xu hướng thân Xiêm nên không thần thuộc Việt Nam, không chịu nạp cống cho Việt Nam, từ chối không chịu giúp chúa Nguyễn trong việc chống lại Tây Sơn, lại mưu toan chiếm lại Mỹ Tho và Vĩnh Long nhưng không lấy lại được các đất ấy (Phan Khoang, sđd, trang 450). Phần chúa Nguyễn thì sau khi lấy lại được Nam Việt, đã sai Đổ Thành Nhơn và Hồ Văn Lân đem binh đánh Chơn Lạp năm 1779, lập con Nặc Ông Tôn là Nặc Ông Ấn lên làm vua, rồi để Hồ Văn Lân ở lại bảo hộ. Nhưng khi đất Gia Định bị Tây Sơn tái chiếm năm 1782, quyền bảo hộ Chơn Lạp lại thuộc về nước Xiêm (Trần Trọng Kim, "Việt Nam Sử Lược", trang 351 và 419).

 

Khi vua Gia Long thống nhứt lại Việt Nam thì ở Chơn Lạp vua Nặc Ông Ấn đã mất, con là Nặc Ông Chân nối ngôi và vẫn thần phục Xiêm. Nhưng đến năm 1807 Nặc Ông Chân lại trở về xin thần phục Việt Nam. Ba em của Nặc Ông Chân muốn tranh quyền với anh nên sang cầu cứu với Xiêm, vua Xiêm bắt Nặc Ông Chân phải chia đất cho các em nhưng Nặc Ông Chân không chịu. Vua Xiêm cho quân sang đánh, Nặc Ông Chân thua chạy sang Tân Châu xin Việt Nam cứu viện. Năm 1811 vua Gia Long viết thơ cho sang trách nước Xiêm. Vua Xiêm thấy Việt Nam đang lúc cường thạnh nên nhượng bộ, chịu để cho Việt Nam xử trí việc này. Do đó năm 1813 vua Gia Long sai tổng trấn Gia Định Thành là Lê Văn Duyệt hộ tống Nặc Ông Chân về nước, rồi xây thành Phnom Penh làm kinh đô nước Chơn Lạp, lại để lại một đạo quân bảo hộ vua Chơn Lạp. Nhơn dân Cam Bu Chia không chấp nhận sự bảo hộ đó nên đã nổi lên chống lại năm 1820 và 1833 nhưng đều bị dẹp tan (Trần Trọng Kim, "Việt Nam Sử Lược", trang 419. 420 và Đào Duy Anh, "Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời", Hà Nội, 1964, trang 200).



 

Năm 1834, nhơn việc Lê Văn Khôi nổi lên chống lại triều đình Huế, quân Xiêm lại sang đánh Chơn Lạp, chiếm được Phnom Penh, Nặc Ông Chân phải bỏ chạy. Nhưng cuối cùng quân Xiêm đã bị quân Việt Nam đẩy lui. Vua Minh Mạng sai đưa Nặc Ông Chân về nước và cho Trương Minh Giảng ở lại Phnom Penh để bảo hộ. Cuối năm ấy, Nặc Ông Chân mất, không có con trai, vương quyền do bọn đại thần Trà Long và La Kiên nắm giữ. Những người này nhận quan chức Việt Nam. Vua Minh Mạng nhơn cơ hội muốn thôn tính luôn Chơn Lạp nên năm 1835 phong cho con gái Nặc Ông Chân là Ang Mey làm quận chúa với tên Ngọc Vân Công Chúa, rồi đổi nước Chơn Lạp ra Trấn Tây Thành. Từ đó triều đình Huế tổ chức sự cai trị đất Cam Bu Chia một cách trực tiếp. Để thực hiện chánh sách của mình, các quan lại Việt Nam đã đưa Ngọc Vân Công Chúa về Gia Định, đày các đại thần Khmer là Trà long, La Kiên ra Bắc Việt. Do đó nhơn dân Khmer oán giận, nổi lên chống lại. Năm 1840, em Nặc Ông Chân là Nặc Ông Đôn cầm đầu cuộc khởi nghĩa và được người Xiêm giúp đỡ. Do đó Việt Nam và Xiêm lại đụng độ trực tiếp với nhau nhiều trận. Trong khi đó thì người Khmer ở vùng Trà Vinh cũng thừa cơ hội nổi lên tranh đấu. Quân Việt Nam đánh dẹp mãi không xong nên năm 1841 vua Thiệu Trị đã ra lịnh rút quân khỏi Chơn Lạp để về giữ Nam Việt (Trần Trọng Kim, sđd, trang 461, 467 và Đào Duy Anhy, sđd, trang 200. Thành là một đơn vị hành chánh lớn của Việt Nam thời Gia Long và đầu đời Minh Mạng. Bắc Việt lúc ấy là Bắc Thành và Nam Việt gọi là Gia Định Thành, mỗi thành bao gồm nhiều trấn, tức là tỉnh sau này, và có một tổng trấn cầm đầu. Năm 1831 vua Minh Mạng cải tổ hành chánh, gọi trấn là tỉnh và bỏ đơn vị thành, để các tỉnh trực tiếp liên lạc với triều đình. Nhưng khi chiếm Chơn Lạp, vì chưa tổ chức chặc chẽ đất này được như các tỉnh cũ của Việt Nam, vua Minh Mạng đã dùng lại tổ chức hành chánh cấp thành bao gồm một lãnh thổ rộng và được đặt dưới quyền của một võ quan cao cấp. Tên Trấn Tây Thành chứng tỏ rằng lúc đó, vua Minh Mạng đã xem đất Cam Bu Chia như là lãnh thổ Việt Nam, mặc dầu tổ chức hành chánh có hơi khác với phần đất Việt Nam đã thuộc quyền nhà Nguyễn trước đó).

 

Nặc Ông Đôn được về làm vua Chơn Lạp dưới sự bảo hộ của Xiêm, nhưng quan Xiêm lại cư xử một cách tàn bạo nên người Chơn Lạp lại sang cầu cứu Việt Nam. Do đó năm 1845, vua Thiệu Trị sai quân đánh lên Chơn Lạp. Người Xiêm núng thế cầu hòa. Triều đình Huế thấy sự thắng lợi hoàn toàn khó đạt được nên thỏa hiệp với Xiêm để cùng giải giới và để Nặc Ông Đôn làm vua Chơn Lạp thần phục cả hai nước Việt Nam và Xiêm. Năm 1846, Nặc Ông Đôn chánh thức nộp biểu xin tạ tội với triều đình Huế và năm 1847 được vua Thiệu Trị phong làm Cao Miên quốc vương (Trần Trọng Kim, sđd, trang 467-468 và Đào Duy Anh, sđd, trang 200). Nhơn dịp ấy, năm phủ mà Nặc Ông Thôn biếu cho Mạc Thiên Tích năm 1757, thuộc vùng Kampot, Kompong Trach, Kompong Som, được giao trá cho Cam Bu Chia. Từ đó biên giới giữa Việt Nam và Cam Bu Chia không có sự thay đổi gì quan trọng nữa (Lê Ngọc Trụ và Phạm Văn Luật, sđd, chú thích 1, trang 49. Theo Phan Khoang, sđd, chú thích 1, trang 446, và Đào Duy Anh, sđd, trang 201, các đất này được trao trả cho Cam Bu Chia vào đời Tự Đức. Chúng tôi nghĩ rằng việc trả đất vào đời Thiệu Trị, lúc triều đình Huế giải quyết vấn đề Cam Bu Chia như các ông Lê Ngọc Trụ và Phạm Văn luật nói hợp lý hơn).



 

Khi người Pháp đánh lấy ba tỉnh phía đông Nam Việt, người Xiêm đã thừa cơ hội Việt Nam yếu thế và nhơn cuộc tranh giành quyền vị trong vương triều Cam Bu Chia, cho quân sang bảo hộ nước này. Nhưng vua Norodom do người Xiêm đưa về nước lại nhận thấy rằng dựa vào Pháp có lợi cho nước ông hơn là dựa vào Xiêm nên năm 1863 ông đã ký hiệp ước với Pháp và nhận sự bảo hộ của Pháp. Thủ đô của Cam Bu Chia được dời hẳn về Phnom Penh năm 1866. Đến năm 1899, Pháp tách đất Stung Treng của Hạ Lào sáp nhập vào lãnh thổ Cam Bu Chia. Sau đó, với những hiệp ước ký với Xiêm những năm 1902 và 1907 Pháp đã đòi được về cho Cam Bu Chia các đất Melouprey, Tonle Repou, Siemreap, Battambang và Sisophon. Về biên giới giữa Việt Nam và Cam Bu Chia, nó đã được toàn quyền Đông Dương là Brevie ấn định rõ ràng năm 1939.

 

Thời kỳ thuộc Pháp, sự giao thiệp giữa dân Việt Nam và dân Khmer vẫn tốt đẹp và ảnh hưởng của Việt Nam ở Cam Bu Chia vẫn mạnh vì nhiều lý do. Trong tổ chức Đông Dương thuộc Pháp một số công sở do Phủ Toàn Quyền quản trị và viên chức của các công sở này là người của toàn cõi Đông Dương được chọn qua các kỳ thi tuyển. Số người Việt Nam thi đổ vào ngạch viên chức Phủ Toàn Quyền này tương đối đông hơn số người Lào và người Khmer rất nhiều. Họ được gởi đi làm việc ở Lào và Cam Bu Chia và có những mối liên hệ chặc chẽ với các viên chức Lào và Khmer làm việc cho chánh phủ của nước họ hay cho các công sở Pháp ở địa phương. Mặt khác, người Việt Nam đã đến kiều cư khá đông và thành công mỹ mãn không những trong lãnh vực công nghệ và thương mại, mà cả trong lãnh vực canh nông và ngư nghiệp nên đã có một vai tuồng quan trọng trong nền kinh tế Cam Bu Chia.



 

(Nguyễn Ngọc Huy, Sự Giao Thiệp Giữa Việt Nam Với Trung Hoa, Lào Và Cam Bu Chia Từ Quá Khứ Đến Hiện Tại, 1979, trang 64-73)


oooooooooo 00000 ooooooooooooooo 00000 oooooooooo
Họ và Tên trên thế giới và ở Việt-Nam
I. Họ ở một số nước trên thế giới
1.- Họ của người Mông Cổ
Sau khi Cộng sản Nga chiếm và cai trị Mông Cổ năm 1925, nhà cầm quyền CS Nga đã tước đoạt quyền mang Họ của người dân Ngoại Mông để vĩnh viễn xóa sạch chế độ phong kiến. Người Mông Cổ từ đó chỉ có Tên mà không có Họ, vì vậy nên sự trùng Tên rất phổ biến. Ở Thủ đô Mông Cổ có đến mười ngàn phụ nữ mang chung một cái tên: Altantsetseg (Kim Hoa) hoặc Narantsetseg (Nhật Hoa). Mãi đến năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ, người dân Mông Cổ mới có quyền tự do phục hồi lại Họ của mình. Nhưng vì đã bị xóa bỏ Họ quá lâu nên tìm lại nguồn gốc không phải chuyện đơn giản và dẫn đến mất hẳn mối dây liên hệ về tông tộc.
Hơn nữa, người dân thường xuyên bị phân tán, di chuyển khỏi quê quán theo chế độ công an trị của cộng sản, nên tìm lại nguồn gốc càng khó hơn. Để giúp cho hơn 60% dân chúng Mông Cổ hoàn toàn không biết tông tộc có thể tìm lại Họ, ông SERJEE thiết lập bản kiểm kê các Họ đã có từ trước cách mạng vô sản 1921 và phân phối theo từng vùng. Theo những tài liệu này, nhiều người dân đã phủ nhận Họ liên hệ với chính tông tộc của mình vì cho rằng cách phiên âm quá xấu. Ngược lại, nhiều người tự chọn cái Họ thật đẹp, thật kêu! Trong việc tái lập Họ, người Mông Cổ từ đó thật sự bắt đầu sống đời sống dân chủ.
2. Họ của người Pháp và Tây phương
Riêng tại Pháp vào những năm trước thế kỷ 13, người Pháp chỉ gọi nhau bằng "tên rửa tội" (còn gọi là "tên thánh") và không có quyền mang Họ nếu không phải thuộc giới tăng lữ hoặc quí tộc. Giới quý tộc hoặc tăng lữ mang Họ thường gắn liền với tên đất đai thuộc quyền sở hữu của mình. Ngày nay, ở Pháp có một số Họ là địa danh như họ Auteuil, Soisson, Chirac---nay vẫn còn làng Chirac ở miền Tây Nam Pháp vì nước Pháp thời xưa theo chế độ phong kiến.
Để phân biệt nhau vì trùng tên quá đông, người dân phải gọi nhau bằng biệt danh hay hỗn danh. Cách đặt tên này do một sự ngẫu nhiên, hoặc để nhắc lại một sự việc xa xưa hay để nói lên một đặc tánh. Biệt danh hay hỗn danh hoàn toàn không có giá trị như Họ, nhưng được lưu hành rất tự nhiên và có khi được truyền lại cho con cháu. Một người có tầm vóc cao vượt hơn nhiều người khác thì được lối xóm gọi Anh Cao, thay vì chỉ gọi tên riêng là Nhựt. Con trai của Cao tên Thời được mọi người gọi Thời con của Cao.
Cách gọi tên này trở thành tiện lợi trong giao tiếp hằng ngày nên được giữ lâu dài. Có một số tên theo cách " thấy mặt đặt tên" như vậy và về sau đã trở thành Họ của một gia đình.
Đến năm 1539, nhà vua định chế hóa tên họ cho dân Pháp. Biệt danh, hỗn danh được lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau như Họ chánh thức. Và cũng từ đây, hộ tịch được thiết lập để chấm dứt vĩnh viễn tình trạng dân chúng chỉ có tên mà không có Họ. Có một số Họ bắt nguồn từ thời Trung cổ do cách đặt biệt danh (ví dụ Họ Couturier-Thợ May) được lưu truyền cho các thế hệ sau. Hiện nay rất khó sưu tầm lại lịch sử của những Họ thời Trung cổ ở Pháp, vì hoàn cảnh và nguyên nhân xuất hiện của những họ đó ngày nay không còn nữa.
Đại để, chúng ta có thể phân loại Họ của người Pháp và Tây phương theo các thể loại sau đây:
Họ có nguồn gốc là tên
Để tránh trùng tên, người ta gọi tên một người kèm theo tên của người cha, hoặc do lấy biệt danh như trên đây.
Thí dụ: Pierre fils au Paul (Pierre con trai của Paul) trở thành Pierre Aupaul (Pierre là tên và Aupaul trở thành Họ của Pierre từ đây, do mượn tên Paul của cha). Martin fils de Jean trở thành Martin Dejean.
Người Á Rập và Hồi giáo cũng có cách lập Họ giống như người Pháp nhưng Họ ghép với tên các thần thánh. Thí dụ: Abd (= nô tỳ) ghép với một thuộc tính của Thượng đế (Allah) trở thành Abdal – Aziz, có nghĩa là Nô tỳ đấng toàn năng. Abd al-Karim, là nô tỳ đấng Độ lượng. Abdullah là nô tỳ của Chúa. Người Á rập và Hồi giáo cũng có Họ ghép với tên cha hoặc mẹ như Abu (= cha của) hay Umm (= mẹ của). Theo đây, Abu Musa Ali có nghĩa là Ali, cha của Musa.
Một số Họ Á rập và Hồi giáo cũng bắt nguồn từ quan hệ ngành nghề, nhơn dạng, tánh tình, tài ba, nơi cư trú, sanh quán.
Thí dụ:

- Al–Tawil, có nghĩa là người Cao.
- Al–Rashid, là người thẳng thắn
- Al–Hallaj, là người kéo sợi.
- Al–Isfahani, là người tỉnh Isfahan.
Họ do ngành nghề
Hiện nay ở Pháp có rất nhiều người sanh sống bằng nghề nghiệp liên quan xa gần với cái Họ. Như De Laporte là Họ của một Kiến trúc sư (La porte = cái cửa) hiện đang sanh sống và làm việc tại Paris 16. Tuy nhiên, có những Họ chỉ ngành nghề nhưng lại không có nguồn gốc theo từ nguyên. Như Họ Boulanger, người làm bánh mì nhưng ngày xưa người thợ làm bánh mì lại là Fournier (cũng là họ ngày nay). Họ Cuisinier mà ngày xưa người làm bếp là le queux.
Họ do nguồn gốc di dân
Những người mới đến định cư và lập nghiệp tại một vùng đất mới thường bị dân sở tại phân biệt đối xử bằng cách gọi tên nơi sanh quán. Như Ông Lallemand (Đức), Ông Hollande (Hà lan). Ở Huê kỳ có tướng Westmoreland nghĩa "miền tây còn đất nữa."
Họ do nơi cư ngụ
Người ở gần rừng có Họ là Bois hoặc Dubois, ở gần cầu có Họ là Dupont, ở gần sông có Họ là Rivière.
Họ do nhân dạng, tánh tình
Người có nước da trắng được lấy Họ là Blanc, Le Blanc; nước da ngâm là Brun, Le Brun; có nước da đen là Noir, Le Noir.
Những người mập mang Họ là Gros, Legros; hoặc cao lêu nghêu thì Lelong (Dân biểu Brice Lelong). Người trông có vẻ trẻ được cái Họ là Lejeune (trẻ); người trông già bị mang Họ Vieillard (ông già).
Người được nhiều người nhìn nhận là người tốt được gọi là Bon, Lebon. Còn bị xem là người xấu thì gán cho Họ Mauvais (xấu). Hiện nay, ở nhà thương Lariboisière (Paris 10) có một vị bác sĩ giải phẩu bộ phận tiêu hoá có Họ là Mauvais. Nhiều bệnh nhơn gặp phải Bác sĩ Mauvais đều muốn tránh chỉ vì cái tên Mauvais (xấu) sợ bị xui xẻo. Nhưng Bác sĩ Mauvais lại là một vị lương y, bởi ông rất tận tâm đối với bệnh nhơn do ông chửa trị.
Nhìn qua lịch sử các Họ Tây phương và Trung Quốc, chúng ta sẽ nhận thấy Họ của Việt Nam cũng có phần giống về mặt nguồn gốc. Điểm khác biệt nổi bật duy nhất của Việt Nam là đặc tính văn hóa nhơn bản. Việt Nam là một nước quân chủ cho đến năm 1945 khi Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố thoái vị để làm dân một nước độc lập nhưng Việt Nam lại hoàn toàn không phải là một nuớc phong kiến. Hoàng thân quốc thích hoặc quan chức có công lớn với triều đình được phong tước và cấp đất để sanh sống, nhưng phần đất này chỉ được cấp cho sử dụng có thời hạn và không có quyền lưu truyền cho người thừa kế. Họ của người Việt Nam không gắn liền với đất đai của mình làm chủ. Và điều thấy rõ ràng là mọi người Việt Nam đều có Họ và thứ dân cũng có thể mang cùng Họ với vua hoặc quan chức chánh quyền.
II.- Họ của người Việt
Theo thống kê của Hà Nội năm 1987, Việt Nam gồm 54 sắc tộc trong đó người Kinh chiếm đa số. Năm mươi tư sắc tộc này chia nhau khoảng 200 Họ từ vần A đến Ư. Như Họ Âu (Âu Trường Thanh) hoặc Âu Dương (có nghĩa là một vùng hoặc một địa phương nhỏ (Âu Dương Lân, Âu Dương Thệ), họ Ung như Ung Bảo Toàn. Những Họ lớn khác còn có Nguyễn, Trần, Lê... Họ người Việt Nam do xu hướng vật tổ như họ Hùng hay họ Hồng (Hùng Vương, Hồng Bàng) hoặc do hoàn cảnh lịch sử lập quốc mà thiên di từ Bắc xuống Nam và pha trộn với các Họ ở địa phương, hoặc do nơi cư ngụ và sanh quán.
1. Ảnh hưởng vật tổ
Ở Việt Nam ngày nay, chúng ta còn thấy họ Hùng hoặc Hồng, tuy Họ này rất hiếm. Ở Cao nguyên Daklak và Gia-Rai có họ Hmok Pai của người Êđê, nghĩa là con thỏ nên người dân địa phương không ăn thịt thỏ.
2. Do hoàn cảnh thiên cư lập quốc hoặc sanh quán
Những họ Nguyễn, Trần, Lê, Hồ, ... là những Họ đã có từ phương Bắc gắn liền bước Nam tiến dựng nên nước Việt Nam ngày nay.
Có những Họ trùng với Họ ở Trung Quốc nhưng lại là Họ của Việt Nam. Họ Tống nghe qua tưởng là Họ của người Trung Quốc, vì ở Đài Loan có Tống Mỹ Linh là phu nhơn của Tưởng Giới Thạch. Nhưng họ Tống (Tống Văn, Tống Hữu, Tống Phước) là Họ của tướng và một số dân quân của Nguyễn Hoàng theo ông lập nghiệp vào thể kỷ 16. Họ là những người dân sanh sống ở vùng núi Tống thuộc huyện Tống Sơn, Thanh Hoá, nơi sanh quán của Nguyễn Hoàng.
Họ Chử có lịch sử dài cả 4.000 năm như truyền thuyết về Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung. Thời Hùng vương thứ ba, có một người nghèo khổ không biết mình thuộc dòng họ nào, bèn lấy nơi ở là bãi sông (chử) làm Họ. Đó là Chử Vi Vân, ông tổ của dòng họ Chử ngày nay. Còn Chử Đồng Tử (có nghĩa là đứa trẻ ở bãi sông) là con của Chử Vi Vân.
Họ Bàng là một Họ xuất hiện tại tỉnh Hà Nam dưới triều đại nhà Trần khi Trần Thủ Độ triệt hạ nhà Lý. Ông viện dẫn lý do ông cố tổ tên Lý, nên bắt buộc những ai mang họ Lý phải đổi ra họ Nguyễn. Có một người không thi hành lệnh bèn chỉ cây bàng cổ thụ ở trước nhà tuyên bố: "Kể từ nay, gia đình ta thuộc họ Bàng" (thi sĩ Bàng Bá Lân, Bàng Sĩ Nguyên).
Họ có công lớn khai mở miền Nam, mở rộng bờ cõi đất nước là họ Nguyễn. Về nguồn gốc, họ Nguyễn trước kia xuất hiện ở phương Bắc thuộc miền Nam nước Trung Quốc vào khoảng 1766 – 1123 trước Tây lịch. Lúc bấy giờ tại vùng Kinh Châu (tỉnh Cam Túc ngày nay) có một nước nhỏ tên là Nguyễn quốc. Đến đời nhà Châu (1136 trước Tây lịch), Nguyễn quốc bị Châu Văn Vương tiêu diệt. Hoàng tộc phải bôn tẩu về phương Nam, truyền lệnh cho mọi người lấy tên nước làm Họ và định cư ở vùng Khai Phong làm nguyên quán.
Theo An Nam Chí Lược của Lê Tắc, tại Giao Châu có thứ sử Nguyễn Di Chí cùng võ tướng Nguyễn Vũ Chi phá được đội chiến thuyền của vua Lâm Ấp tên Phạm Dương thường tới khuấy phá vùng này. Phạm Dương có thể là khởi tổ của họ Phạm ngày nay, thuộc gốc Chiêm Thành.
Theo tài liệu ghi chép, vào thời Bắc thuộc năm 353, thứ sử đất Giao Châu là Nguyễn Phu. Sau đó vào năm 357, một người khác làm quan cũng tại Giao Châu là Nguyễn Lãng. Con cháu của Nguyễn Phu ở lại đất Giao Châu và truyền đến đời Nguyễn Bặc là Thái tể dưới triều Nhà Đinh (thế kỷ thứ 10). Thái tể Nguyễn Bặc quê quán ở Ninh Bình và được họ Nguyễn ngày nay nhận làm khởi tổ. Họ Nguyễn có nhiều dòng và những dòng này nhìn nhận quê hương khác nhau. Dòng Nguyễn Hữu tự cho là gốc Quảng Bình hoặc dòng Nguyễn Phước lấy Thanh Hóa làm nguyên quán. Vì họ Nguyễn phát xuất từ Trung Quốc nên ở Trung Quốc cũng có người mang họ Nguyễn. Vậy họ Nguyễn Việt Nam và họ Nguyễn Trung Quốc có phải cùng một gốc là dân của tiểu quốc Nguyễn thời Xuân Thu hay không?
Ngày nay, người Việt Nam họ Nguyễn đã tìm nguồn gốc của mình đến Nguyễn Bặc là thủy tổ sống ở thế kỷ thứ 10.
Chữ Nguyễn có nghĩa là gì?
Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với nhiều vị học giả về chữ nho, nhưng chỉ làm ngạc nhiên các vị ấy và vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa mãn. Gần đây được cụ Đồ Nho ở Paris giải thích rằng theo chiết tự thì trong chữ Nguyễn có bộ phụ, chỉ cái mô đất hay một vùng đất cao. Như vậy phải chăng chữ Nguyễn có nguồn gốc xa xưa liên hệ đến Nguyễn quốc?
Sau cùng, chúng ta cũng nên kể thêm một cách đặt Tên Họ vô cùng lạ lùng, gần như một thứ huyền bí. Đó là cách đặt Tên Họ của dân INUITS sống tại miền Bắc cực Canada. Sắc dân này vừa thành lập cộng đồng quốc gia NUNAVUT vào đầu tháng 4/1999 với dân số 24.000 người, trên một diện tích đất đai rộng 2.000.000 km2. Cách đặt Tên Họ của dân INUITS không chỉ mang ý nghĩa như cách đặt Tên Họ của chúng ta, tức cho người một danh xưng để giao tiếp trong quan hệ xã hội, mà còn mang một nét đặc thù văn hóa vì sắc tộc đã tồn tại từ ngàn năm qua. Đặc điểm văn hóa INUITS là lối suy nghĩ về một vũ trụ quan mới, một chiều kích khác về vũ trụ và con người. Một vị lãnh tụ quốc gia NUNAVUT cho biết ông có những đứa cháu mà phần đông trong số đó lớn tuổi hơn ông rất nhiều.
Nghe nói như vậy chắc chắn không ai không khỏi ngạc nhiên! Còn ngạc nhiên hơn, nếu có người chứng kiến một bà mẹ khi nói chuyện với đứa con gái lên mười mà "thưa ông nội". Mỗi người INUITS đều có một tên hoặc một loạt tên. Nhưng những tên gọi này lại không phù hợp theo ý nghĩa về Tên với Họ như của Việt Nam. Tên của người INUITS thể hiện một thứ bản thể của họ. Đặt tên để xác định những cá nhơn đó là ai, như để làm sống tiếp một người đã chết vì tên của người INUITS mang một linh hồn. Một đứa trẻ vừa sanh được vài ngày, cha mẹ lấy tên của một người vừa chết đặt tên con. Có khi lấy tên của người sắp chết đặt tên cho đứa trẻ mới sanh, như vậy người sắp chết biết mình sẽ được sống tiếp ở đứa bé sơ sanh ấy. Đây không phải là một sự tái sanh mà là một sự nối tiếp đời sống để đời sống được kéo dài miên tục. Do đó một đứa bé mới sanh hoặc một đứa trẻ lại có tuổi lớn hơn một người lớn, và có khi đứa bé hay đứa trẻ ấy là ông, bà của cha mẹ hiện tại.
lll. Tìm về tông tộc là ý thức lịch sử dân tộc, thể hiện lòng hiếu để
Ngày nay việc tìm hiểu dòng tộc của mình đang bắt đầu phát triển ở nhiều nơi trên thế giới. Không chỉ riêng người Việt, mà cả người Pháp cũng đã bắt đầu quan tâm tìm về cội nguồn. Ở Pháp xuất hiện nhiều sách nghiên cứu về Họ và Tên. Có những văn phòng tư nhơn chuyên về việc thiết lập Tông chi. Có những Hội và Câu lạc bộ trao đổi giúp nhau những thông tin liên quan đến những Họ mà ngày nay con cháu bị mất nguồn gốc.
Riêng việc tìm về cội nguồn của người Việt Nam ngày nay đã trở thành cần thiết, bởi hoàn cảnh đất nước chiến tranh kéo dài quá lâu. Nhiều người phải di chuyển đến nơi khác sanh sống, lánh nạn và nhiều gia đình buộc phải rời bỏ quê quán dưới chế độ cộng sản ở miền Bắc trong những năm chiến tranh. Hiện tại ở hải ngoại có hơn ba triệu người Việt Nam sanh sống như một nước Việt Nam thứ hai. Trong ít lâu nữa, những người Việt Nam của thế hệ thứ 3, thứ 4 sẽ ngỡ ngàng khi phải trả lời về nguồn gốc, tông tộc của mình.
Tìm về nguồn gốc và tông tộc của mình, về mặt đạo lý là một cách tỏ lòng hiếu để.
Ts Nguyễn Văn Trần

Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Ngọc Huy: Tên Họ người Việt Nam, MéKong tỵ nạn, Hoa kỳ, 1996.
- Phạm Côn Sơn: Tộc phả tân biên, Saigon, 1999.
-Pierre Blanche: Dictionnaire et armorial des noms de famille de France, Paris 1974
- Paul Chapuy: Origine des noms patronymiques français, Paris, 1934.
- Albert Dauzart: Les noms de famille de France, Paris, 1977.
- Annick Cojean: Le Monde, 27/08/98, Paris.
- La Croissance: Tạp chí tháng 8/99, Paris.
- Lê Trung Hoa: Họ và Tên người Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 2006
Ghi chú thêm:
Nguyễn là Họ rất phổ thông ở Việt Nam. Theo ước tính có đến 40% dân chúng mang Họ NGUYỄN .
Sau biến cố 30/04/1975, nhiều gia đình mang Họ NGUYỄN sang tỵ nạn tại hải ngoại. Ở Úc, Họ NGUYỄN chiếm 7% trong số những Họ phổ thông nhứt, chỉ đứng hàng thứ 2 sau Họ SMITH ở Melbourne (theo niên giám điện thoại), và hàng thứ 54 ở Pháp . Ở Huê kỳ, Họ NGUYỄN được xếp thứ 229 trong số những Họ phổ biến (theo ước tính năm 1990) nên Họ NGUYỄN trở thành phổ thông bbên cạnh Họ DOUGLAS (257) và GILBERT (237). Nhưng theo thống kê của Social Security Index, Họ NGUYỄN đứng thứ 124
oooooooooo 00000 ooooooooooooooo 00000 oooooooooo
Thái Bá Tân và dòng thơ đánh thức dân tộc VN
Là một nhà văn, nhà dịch thuật và nhà giáo với nhiều chục năm trong nghề, tác giả hiện sống và dạy học tại Hà Nội.Trên trang blog của tác giả, Thái Bá Tân tự bạch cuộc đời mình qua hình ảnh, tiểu sử, cũng như tác phẩm của ông từ 50 năm qua. Là một dịch giả, Thái Bá Tân có hơn ba mươi đầu sách được ông dịch ra từ các tác phẩm nổi tiếng thế giới. Ông thông thạo nhiều thứ tiếng trong dó Anh ngữ là ngoại ngữ chính. Ngoài ra ông còn là một nhà thơ với hàng trăm bài ngũ ngôn, thể loại mà ông dùng khá nhiều trong thơ của ông.Nói chuyện với chúng tôi một cách ngắn gọn ông cho biết:“Tôi cũng viết đa dạng lắm chủ yếu là dịch nhiều hơn mặc dù đã viết 150 truyện ngắn rồi. Tôi sáng tác thơ 8 chữ cũng nhiều và dạo này tự nhiên lại sáng tác thơ 5 chữ. Chắc tại chán chán nên muốn viết dân dã một tí. Tôi già rồi nên cũng muốn phá phách một tí, giả vờ ngây một tí. Già rồi thì tự nhiên lại muốn thật thà không hoa lá cành nữa.

Tôi nghĩ rằng nhà văn nhà thơ mà cứ im mãi thì không đúng. Phải có trách nhiệm của công dân. Tôi chẳng chống phá gì đâu thậm chí tôi còn ăn lộc của chế độ vì được ăn học tử tế nhưng chuyện nào ra chuyện ấy trách nhiệm công dân thì mình phải nói.”

Каталог: groups
groups -> Báo cáo tài chính, luồng tiền và các khoản thuế (Mức độ: Dễ, Dễ/Trung bình, Trung bình/Khó, và Khó) Phần I
groups -> Viettudan an ban/ Edition: unicode fonts Dau tranh cho Tu-do Ca-nhan & Nguyen-tac Dan-chu Xa-hoi tai Viet-Nam
groups -> Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do
groups -> PHẦn chuyển tiếp kính thưa quý vị và các bạn trẻ, giữa những ngưới Việt chúng ta, tôi nói
groups -> Ý Nga sưu tầm và cập nhật hóa ngày 21-4-2013, với nhạc của nhạc sĩ: TừYên, Hà Thúc Sinh vừa thêm vào
groups -> BÁo cáo môn: RÈn luyện nghiệp vụ SƯ phạM 3
groups -> Phản Bội hay Tự Do cho Việt Nam ?
groups -> Tin khoa hoc december 31, 2010 Những vụ phóng vệ tinh thất bại trong 2010 Trong năm 2010, một số quốc gia đã vấp phải các sự cố trong việc phóng vệ tinh vào không gian
groups -> Một Thời Bạn Học Revised 8/4/10 việt nam

tải về 1.48 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương