Sự thay đổi hệ thống


Sự thay đổi cấu trúc chính trị trong cách tiếp cận thực chứng



tải về 383.74 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích383.74 Kb.
#31250
1   2   3   4

Sự thay đổi cấu trúc chính trị trong cách tiếp cận thực chứng

Trong mười thành viên trung Âu mới của Liên minh châu Âu (EU) không chỉ điều kiện tối thiểu đã được thực hiện: đã chấm dứt sự thống trị chuyên chế của đảng cộng sản theo hệ tư tưởng marxist-leninist thù địch với chủ nghĩa tư bản và như thế khiến cho việc chuyển sang họ-hệ thống tư bản chủ nghĩa là có thể. Đã xảy ra nhiều hơn thế nhiều, bước ngoặt sâu sắc hơn nhiều: nền dân chủ đã thay thế chế độ độc tài, sự cạnh tranh đa đảng đã thay sự độc quyền chính trị của đảng cộng sản.

Sự thay đổi chính trị này [chuyển sang nền dân chủ]– như trong phần trước của dòng tư duy tôi đã nhấn mạnh – không phải là điều kiện cần của sự thay đổi hệ thống. Chủ nghĩa tư bản có thể thay thế chủ nghĩa xã hội theo cách, một loại chế độ chuyên chế khác thế chỗ cho một loại chính thể chuyên chế [cũ]. Hãy chỉ nghĩ về 1919 và thời kỳ đầu sau đó, khi khủng bố trắng thay cho khủng bố đỏ. Hay hãy nhớ lại cuộc đảo chính Pinochet.* Sự may mắn lịch sử đặc biệt đã khiến cho có thể là hai loại biến đổi này – biến đổi kinh tế và chính trị – trùng với nhau. Không chỉ phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài. Các phong trào và sự tổ chức đối lập dân chủ quay mặt lại với hệ thống cộng sản, quá trình khai sáng trí tuệ, sự lung lay ý thức hệ và đạo đức của tầng lớp lãnh đạo của đảng cộng sản, tức là các lực lượng bên trong, đã đóng góp [vào sự thay đổi này]. Ở một số nước, có lẽ nhất là ở Hungary và Ba Lan, vai trò của các lực lượng bên trong là lớn hơn, còn ở các nước khác tác động bên trong là nhỏ hơn. Thế nhưng không thể phủ nhận rằng cuối cùng không phải là các lực lượng bên trong đã đưa đến sự sụp đổ của chế độ chuyên chế cộng sản, mà là các hoàn cảnh bên ngoài, những thay đổi đã xảy ra trong tương quan lực lượng quốc tế, đã làm cho điều đó là có thể. Liên xô đã có thể cản trở sự rời khỏi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Hungary năm 1956, ở Tiệp Khắc năm 1968 và ở Ba Lan năm 1981, nhưng trong các năm 1989-1990 thì đã không.

Cho đến đây tôi dùng từ “nền dân chủ” mà không có lời giải thích. Bởi vì mục đích chính của bài này là làm rõ khái niệm, cần phải giải nghĩa thuật ngữ này. Tôi lại dùng cùng phương pháp (và đây không phải là phương pháp luận hiển nhiên, được mọi người chấp nhận!), mà tôi đã dùng khi định nghĩa chủ nghĩa tư bảnchủ nghĩa xã hội. Một lần nữa, chúng ta tiến đến sự hiểu tường tận hiện tượng không với cách nhìn chuẩn tắc mà với cách nhìn thực chứng. Có các nước, mà người ta đồng thuận gọi là các nền dân chủ. Chắc chắn có thể liệt kê vào đây các nước thành viên cũ của EU, ngoài ra vài nước bên kia đại dương: Hoa Kỳ, Canada, Australia, New-Zealand. Các nét đặc biệt nào của các nước này là các đặc trưng chung và thực sự phân biệt chúng với các nước không được coi là dân chủ? Hệt như trước đây, khi phân tích thực chứng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, tôi kiếm càng ít đặc trưng càng tốt – các điều kiện cần và đủ, các tiêu chuẩn khu biệt chính, căn bản hay chủ yếu.8

Theo gương Schumpeter, trong các nét đặc trưng thủ tục của nền dân chủ chúng ta tìm thấy các đặc trưng khu biệt, những nét phân biệt các hình thức cầm quyền khác nhau (Schumpeter, 1942). Theo cách tiếp cận thực chứng, hình thức cầm quyền của một nước được coi là dân chủ khi và chỉ khi, nếu các vị lãnh đạo được tuyển chọn theo khuôn khổ của thủ tục được xác định rõ ràng. Các yếu tố quan trọng nhất của thủ tục là sự cạnh tranh của các đảng chính trị và sự bầu cử lặp đi lặp lại, theo định kỳ, dựa trên sự cạnh tranh đó, cũng như hoạt động lập pháp của quốc hội được bầu. Không cần (và cũng không thể) loại bỏ những người đang cầm quyền bằng các cuộc biểu tình, bằng áp lực quần chúng, khởi nghĩa, bạo loạn, bằng lực lượng vũ trang, bằng chém giết, bằng âm mưu lật đổ. Có thể thay thế những người đó theo hình thức văn minh, trong khuôn khổ thủ tục bầu cử, trong các dịp bầu cử sắp đến. Các lãnh đạo trước đây, những người không được bầu [lại], trao chức vị của họ cho những người thắng cử mà không có sự chống đối. Tôi coi các đặc trưng thủ tục này là các điều kiện tối thiểu cần và đủ của sự đạt được nền dân chủ.

Tôi đặc biệt nhấn mạnh cái mà sự phân tích ở trên không bao gồm.



  1. Nó không chứa bất cứ khẳng định loại nào liên quan đến nền dân chủ của hệ thống được nói đến đã chín muồi hay phát triển đến đâu. Cũng thoả mãn các điều kiện tối thiểu ngay cả nếu [nền dân chủ] vẫn còn khá thô và chưa phát triển, nếu tính minh bạch của việc cầm quyền vẫn chưa thật tốt và sự tham gia của công dân vào các quyết định chính trị vẫn còn yếu.

  2. Các điều kiện tối thiểu không chứa các yêu cầu liên quan đến chất lượng của chính thể. Chính phủ được lựa chọn một cách dân chủ có thể giỏi hay kém cỏi, có thể tiết kiệm hay hoang phí, có thể chân thật hay đánh lạc hướng – điều kiện tối thiểu được thoả mãn nếu trong việc chọn lựa các vị lãnh đạo các quy tắc chơi của nền dân chủ đã được tôn trọng.

  3. Việc diễn đạt các điều kiện tối thiểu không sử dụng bộ máy khái niệm của luật học hiến pháp. Hiến pháp của một nước có thể chứa trong bản thân nó các điều kiện tối thiểu, tức là quy định thủ tục bầu quốc hội và thủ tục chỉ định chính phủ. Thế nhưng hình thức chính thể cũng có thể thoả mãn các điều kiện tối thiểu, nếu hiến pháp không đủ chính xác về khía cạnh này. Nước đi tiên phong về tính hiến pháp, Vương quốc Anh, cho đến ngày nay không có hiến pháp được pháp điển hoá của mình.

  4. Các điều kiện tối thiểu không chứa bất cứ loại khẳng định nào liên quan đến tính ổn định của nền dân chủ. Chúng cho phép việc làm rõ, liệu có nền dân chủ hay không ở một nước nhất định trong một thời điểm cho trước. Thế nhưng, chúng không chứa các khuyến nghị chính trị về cần phải làm thế nào để duy trì nền dân chủ. Đây là một cảnh báo quan trọng mà tôi phải đưa thêm vào các bài viết trước đây của mình.

Tại Hungary hiện nay có nền dân chủ, bởi vì cho đến nay các quy định thủ tục liên quan đến bầu và thay đổi những người lãnh đạo đã được tôn trọng. Những người thất bại đã từ bỏ quyền lực và chuyển quyền lực cho những người thắng theo các thể thức văn minh. Năm ngoái, năm 2006, xảy ra lần đầu tiên rằng liên minh cầm quyền được bầu lại – và việc này cũng xảy ra theo các quy tắc chơi đúng thủ tục.

Thế nhưng, sự thực rằng cho đến nay luôn luôn đã xảy ra như thế, không cho một đảm bảo tuyệt đối rằng điều này cũng xảy ra trong tương lai. Sự thoả mãn các điều kiện tối thiểu ngày hôn nay không phải là điều kiện đủ của việc, ngày mai chúng ta cũng duy trì được nền dân chủ. Phải tôn trọng các điều kiện tối thiểu mỗi ngày, lần này và lần nữa, liên tục. Nếu thắng – hãy sống với quyền cầm quyền! Nếu thất bại – hãy chấp nhận sự thất bại chính trị! Chấp nhận chiến thắng, việc này không quá khó, Chấp nhận thất bại – đây mới là thuốc thử, qua đó có thể đo được liệu nền dân chủ có hoạt động hay không. Nếu các lực lượng chính trị đáng kể không thực hiện các điều kiện tối thiểu này, thì nền dân chủ bị lâm nguy.9

Tôi quay lại việc liệt kê các khẳng định mà các điều kiện tối thiểu không bao gồm.


  1. Từ quan điểm của dòng tư duy của tiểu luận của mình là quan trọng để tôi nhấn mạnh: định nghĩa được giới thiệu đến đây không bao hàm phán xét giá trị.10 Có thể thích hay ghét hình thức chính thể dân chủ thoả mãn các điều kiện tối thiểu. Ở đây và bây giờ chúng ta chỉ giới hạn ở câu hỏi thực chứng: trong một nước ở một thời điểm cho trước có nền dân chủ hay không?

Áp dụng các tiêu chuẩn của cách tiếp cận thực chứng chúng ta có thể xác nhận: đúng, ở Hungary (và tương tự ở chín nước thành viên mới của EU) có nền dân chủ.

Sự chấp nhận chủ nghĩa tư bản và nền dân chủ - cách tiếp cận chuẩn tắc

Tôi chuyển sang cách tiếp cận chuẩn tắc của các vấn đề. Tôi chia ra làm hai đoạn. Đầu tiên tôi nói về những người không nghi ngờ các khẳng định thực chứng, theo đó chủ nghĩa tư bản đã thay cho chủ nghĩa xã hội, và nền dân chủ đã thế chỗ của nền độc tài [ở Hungary và Trung Âu]. Họ không phủ nhận điều này – họ chỉ không bằng lòng, hay thực sự phẫn nộ nhìn tình trạng hình thành do những biến đổi này gây ra.

Tôi biết rõ, sự bất mãn là rộng rãi. Không phải các cuộc biểu tình rầm rộ được tôi coi là sự thể hiện chính của tâm trạng xấu. Quan trọng hơn, còn đáng chú ý hơn là sự than vãn của những người không hô vang những lời ca thán của họ trên đường phố. Sự bất mãn của họ được phản ánh không phải chỉ bởi một nghiên cứu-dư luận đáng tin cậy, cũng như nhiều tiểu luận cẩn trọng và khách quan (Ferge, 1996, Vásárhelyi, 2005, Sági, 2006).

Trong tiểu luận này tôi không phân tích những thể hiện và nguyên nhân của sự bất mãn của quần chúng. Tôi chỉ đưa ra vài nhận xét đối với quan điểm được nhắc tới nhiều lần trong giới trí thức và trong thảo luận chính trị. Tôi bàn đến ba nhóm quan điểm.

Tôi liệt vào một nhóm những quan điểm ủng hộ cải cách chủ nghĩa tư bản. Họ phê phán tình trạng hiện hành, nhưng không bác bỏ chủ nghĩa tư bản. Sự phê phán này chỉ hướng chống lại một số đặc tính của hệ thống. Tôi coi loại này là hữu ích, và bản thân tôi cũng cố gắng đưa ra loại phê phán này.

Loại phê phán này có thể đi rất xa, cũng có thể rất gay gắt. Trong nhiều trường hợp chúng ta đối mặt với các tính chất đặc thù hệ thống của chủ nghĩa tư bản, các tính chất gây đau đớn, bất công, phẫn nộ về mặt đạo đức. Các thí dụ quen biết như vậy là sự bất bình đẳng có mức độ gây đau lòng và bất công về phân phối thu nhập, của cải và tri thức, ngoài ra là nạn thất nghiệp hàng loạt và mức toàn dụng lao động thấp. Việc loại bỏ hoàn toàn các điều xấu này là không thể, nhưng việc giảm bớt chúng một cách đáng kể là có thể thực hiện được.

Các đại diện của các quan điểm trên không khuyến nghị rút ra khỏi họ-hệ thống tư bản chủ nghĩa. Họ khuyến nghị rằng thay cho biến thể-hệ thống đang hoạt động hiện thời hãy thực hiện một biến thể khác. Việc này như vậy không hướng đến lật đổ chủ nghĩa tư bản, mà chỉ hướng tới thay đổi một số định chế, quy định pháp luật hay tập quán. May mắn, quan điểm phê phán loại này là khá phổ biến.

Thuộc nhóm tiếp theo là những người muốn thấy một hệ thống thứ ba. Hệ thống thứ nhất, chủ nghĩa tư bản là xấu.11 Hệ thống thứ hai, chủ nghĩa xã hội muốn thế chỗ chủ nghĩa tư bản, cũng xấu. Vì thế hãy đến đi hệ thống thứ ba! (Có những người không nói về hệ thống thứ ba, mà nói về con đường thứ ba cũng theo nghĩa này). Chắc chắn thuộc nhóm này là một bộ phận các nhà tân marxist (tuy không phải tất cả), nhưng chúng ta có thể nghe thấy các quan điểm tương tự từ những người chẳng liên quan gì đến chủ nghĩa Marx cả. Chúng ta có thể bắt gặp quan điểm này ở Hungary, nhưng cũng có ở các nơi khác nữa.

Thế giới tốt hơn hãy là khác – nhưng tính khác này hãy là gì? Chắc chắn đừng có giống hệ thống khủng khiếp của Lenin và Stalin! Thế nhưng nếu chúng ta hỏi các tông đồ của các quan điểm này rằng họ đã rút ra những bài học cụ thể nào từ sự sụp đổ của chế độ cộng sản, chúng ta không nhận được câu trả lời thuyết phục. Câu trả lời điển hình là, sự thật về sự thất bại không dẫn đến những kết luận định hướng. Lenin, Stalin và những kẻ theo họ đã thực hiện công việc của họ một cách tồi tệ – còn bây giờ phải thực hiện tốt chủ nghĩa xã hội. Nhưng thực hiện thế nào? Họ không biết, nhưng họ cũng chẳng cảm thấy là nghĩa vụ của họ để nói ra. Theo họ vứt bỏ một hệ thống hiện tồn xấu là chính đáng về mặt trí tuệ và đạo đức, ngay cả khi họ không biết vạch ra một kế hoạch mang tính xây dựng để thực hiện hệ thống tốt hơn.

Theo quan điểm của tôi câu trả lời được phác hoạ ở trên là vô trách nhiệm. Nó có quá khứ dài; đây đã là câu trả lời của Marx, ông đã luôn luôn lừng khừng với việc tỷ mẩn suy ngẫm về các quy tắc hoạt động của một xã hội xã hội chủ nghĩa tương lai. Thậm chí, ông coi thường một cách khinh miệt những người thử suy ngẫm về vấn đề này. "...Tờ Revue Positiviste ở Paris một mặt chê trách tôi rằng tôi thảo luận kinh tế học một cách siêu hình, mặt khác – quý vị hãy tưởng tượng!- chê rằng tôi chỉ giới hạn ở việc phân tích phê phán cái đã cho, thay cho việc vẽ ra (...) các công thức (loại Comte?) cho bếp núc tương lai”. Trong Anti-Dühring, Engels chế nhạo nhà bác học, người “từ cái đầu riêng của mình, từ bộ óc chất đầy chân lý vĩnh viễn của mình” thử vạch ra trật tự xã hội không tưởng mới. Marx và Engels gợi ý: việc đắn đo suy nghĩ tỷ mỷ trước về sự hoạt động của xã hội tương lai là không “khoa học”. Hàng trăm triệu người một lần đã trả giá rất đắt cho sự vô trách nhiệm loại như vậy, khi trên thân thể sống của tất cả chúng ta người ta đã thử nghiệm, xã hội tương lai hãy là như thế nào.

Chủ nghĩa tư bản có nhiều đặc điểm ghê tởm, đúng thế. Tôi không chờ đợi ở “người dân thường” để khuyến nghị hệ thống tốt hơn thế chỗ nó. Tôi cũng chẳng buộc các nhà văn làm việc này, họ miêu tả mặt tối của hệ thống tư bản chủ nghĩa trong các tác phẩm của mình. Thậm chí, tôi cũng chẳng mong đợi các kiến nghị xây dựng từ các bộ phận khác của giới trí thức nếu nghề của họ không phải là nghiên cứu các quá trình xã hội. Thế nhưng, theo quan điểm của tôi, các đòi hỏi là khác đối với các nhà kinh tế học, các nhà xã hội học, các nhà khoa học nghiên cứu triết học chính trị hay lịch sử đương thời, những người mà nghề nghiệp và mục đích sống của họ là nghiên cứu các quá trình biến đổi xã hội. Trách nhiệm nghề nghiệp và tính chính trực trí tuệ đòi hỏi rằng nếu họ cổ vũ đồng bào của họ bác bỏ chủ nghĩa tư bản, thì sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng các bài học lịch sử họ hãy nói rõ: chúng ta đặt hệ thống như thế nào vào chỗ của chủ nghĩa tư bản? Họ hãy đưa ra các bản thiết kế của xã hội khả dĩ có thể lựa chọn một cách xây dựng! Hãy kiểm tra một cách tận tâm xem hệ thống được kiến nghị có khả năng hoạt động hay không! Có tính đến bản tính con người một cách thực tế hay không? Có tính đến trạng thái kỹ thuật hiện nay không? Nếu họ muốn cuộc sống chính trị diễn ra dưới hình thức chính thể dân chủ, thì liệu họ có triển vọng rằng các cử tri sẽ ủng hộ bản kế hoạch của họ trong các cuộc bầu cử tự do hay không? Hay họ kiến nghị hình thức chính thể khác? Nếu giả như có các bản thiết kế như vậy, thì có thể suy ngẫm về chúng, có thể tranh luận với họ. Không thể và không đáng tranh luận với những lời bóng bẩy sáo rỗng và những điều không tưởng.

Cuối cùng tôi liệt kê vào một nhóm riêng những người truyền bá chủ nghĩa dân tuý nước đôi. Tôi trích vài cách diễn đạt đặc trưng của thuật hùng biện của họ: “tư bản kền kền”, “lợi nhuận xa xỉ”, “chính phủ nhà bank”, v.v. Thực ra những người muốn gây khí thế với các lời bóng bẩy sáo rỗng này muốn hệ thống kinh tế loại như thế nào? Làm thế nào, với các quy tắc loại nào có thể phiên dịch các lời phê phán ẩn trong các khẩu hiệu ra ngôn ngữ thực tiễn? Chỉ cấp giấy phép hoạt động cho các nhà tư bản bồ câu dịu dàng, còn bọn có dã tâm kền kền phải bị từ chối. Phải có lợi nhuận – nhưng đừng có lợi nhuận xa xỉ. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hãy hoạt động, nhưng không có các ngân hàng, bởi vì chúng không thể tính đến chuyện hệ thống pháp luật của nhà nước bảo vệ sở hữu của họ và cưỡng ép tuân thủ các giao kèo của họ.

Thuật hùng biện này chẳng có lòng dũng cảm để cự tuyệt chủ nghĩa tư bản và cũng không có sức mạnh trí tuệ cần thiết để đưa ra các kiến nghị cải cách hữu ích và khả thi của chủ nghĩa tư bản.

Thay thế elit” và “thực hiện công lý”: cách tiếp cận chuẩn tắc

Chúng ta hoàn thành đoạn đầu của việc phân tích cách tiếp cận chuẩn tắc; chúng ta đã xem xét các quan điểm ghi nhận sự thực về thay đổi hệ thống – nhưng không thích các hệ quả của nó.

Bây giờ trong đoạn thứ hai của phân tích, chúng ta xem xét các quan điểm nghi ngờ: nói chung đã có sự thay đổi hệ thống hay không? Khi như vậy các tiêu chuẩn thực chứng và các đòi hỏi chuẩn tắc lẫn lộn với nhau. (Tất nhiên, tôi không hề muốn bới móc xem các đại diện của các quan điểm này có biết sự phân biệt “thực chứng-chuẩn tắc” hay không, và nói chung họ có suy nghĩ kỹ việc đặt cơ sở cho lập trường của họ hay không. Việc này không ảnh hưởng đến điều muốn nói của tôi. Chúng ta, những người giải thích các lập trường, có thể liệt kê một quan điểm hay quan điểm khác vào loại này hay loại nọ một cách độc lập với điều đó).

Các quan điểm lẫn lộn cách tiếp cận thực chứng và cách tiếp cận chuẩn tắc có cấu trúc giống nhau. Dòng tư duy bắt đầu bằng công thức sau đây: tôi coi sự thay đổi hệ thống là chưa xong (thậm chí có lẽ tôi coi là quá trình, mà thực sự vẫn chưa bắt đầu), bởi vì tôi chỉ coi là “sự thay đổi hệ thống” những thay đổi thoả mãn điều kiện hay các điều kiện sau đây... Và tiếp theo là việc gọi tên điều kiện chuẩn tắc, hay có lẽ nhiều điều kiện chuẩn tắc cùng nhau.

Nhiều loại điều kiện chuẩn tắc cũng đã vang lên trong lối nói thông thường trước đây, và cả bây giờ nữa, trong bầu không khí chính trị nóng bỏng mùa hè và cuối thu. Trong phần dẫn nhập tôi đã trích vài bài phát biểu ở quảng trường Kossuth, nhấc ra từ đó và từ các phát biểu tương tự khác một vài đòi hỏi chuẩn tắc, tôi thu thập soạn ra sáu mẫu dưới đây.


  1. Mẫu thứ nhất. Chúng ta không thể nói về sự thay đổi hệ thống, trong lúc các cán bộ của hệ thống cộng sản cũ vẫn ngồi ở các vị trí lãnh đạo. Phần không thể thiếu của sự thay đổi hệ thống là sự đổi gác hoàn toàn, nói cách khác, theo ngôn ngữ khoa học xã hội, là sự thay thế toàn bộ hay hầu như toàn bộ đội ngũ ưu tú (elit) cũ bằng một đội ngũ elit mới.

  2. Mẫu thứ hai. Chúng ta không thể nói về sự thay đổi hệ thống, trong lúc người ta không trừng trị những kẻ tội phạm vì các tội mà chúng đã phạm trong thời chế độ cũ. Phần không thể thiếu của sự thay đổi hệ thống là sự thực hiện công lý.

  3. Mẫu thứ ba. Chúng ta không thể nói về sự thay đổi hệ thống, trong lúc hiến pháp hiện thời có hiệu lực. Hiến pháp này là không thể chấp nhận được, và những lỗi của nó không thể được loại bỏ bằng cách vá víu, bằng những sửa đổi nhỏ. Cần hiến pháp mới, mà để soạn thảo và thông qua nó cần đến quốc hội lập hiến.

  4. Mẫu thứ tư. Chúng ta không thể nói về sự thay đổi hệ thống, bởi vì người ta đã không hỏi nhân dân rằng họ muốn hệ thống như thế nào. Cần cuộc trưng cầu dân ý mới để cho hệ thống mới là hợp pháp.

  5. Mẫu thứ năm. Chúng ta không thể nói về sự thay đổi hệ thống, bởi vì sự thay đổi thật sự phải gắn chặt với sự thỏa mãn những đòi hỏi dân tộc. Những đòi hỏi được nói đến có phổ khá rộng, kể cả việc xem xét lại các đường biên giới theo Hiệp ước Trianon* và việc khôi phục các đường biên giới trước 1919, có lẽ cả đưa các biện pháp phân biệt chủng tộc để chống lại ưu thế của ảnh hưởng mà những người không phải người Hung, hay không hoàn toàn Hung, hay những người do thái đang có.

  6. Mẫu thứ sáu. Chúng ta không thể nói về sự thay đổi hệ thống, trong lúc hình thức nhà nước hiện hành vẫn còn. Hình thức này giống nền cộng hòa thông dụng của các nước xung quanh chúng ta, thế mà chúng ta cần tạo ra một hình thức nhà nước rất đặc biệt, dựa trên luận thuyết sacra corona. Hay có lẽ chúng ta không cần sống trong nền cộng hòa, mà phải khôi phục lại vương quốc.

Trong cả sáu mẫu, các đại diện của quan điểm được nói đến đều phủ nhận rằng sự thay đổi hệ thống đã hoàn tất. Họ không đặt cơ sở cho sự phủ nhận vì một điều kiện tối thiểu thực chứng nào đó không thỏa mãn (trong trường hợp điển hình họ cũng chẳng nhận ra tầm quan trọng của các điều kiện này). Sở dĩ họ phủ nhận bởi vì tình hình hiện tồn không thỏa mãn điều kiện chuẩn tắc do họ đưa ra.

Trong tiểu luận này tôi chỉ bàn đến hai mẫu đầu tiên.



Sự thay đổi tầng lớp ưu tú. Đông Âu và trong đó Hungarry đã chuyển từ hệ thống xã hội chủ nghĩa sang hệ thống tư bản chủ nghĩa với nhịp độ vũ bão. Bõ công suy ngẫm kỹ các bài học lịch sử. Chúng ta hãy gợi nhớ lại thời kỳ lịch sử dài nhiều thế kỷ, trong đó ở nước dẫn đầu sự biến đổi tư bản chủ nghĩa, ở nước Anh các quan hệ sở hữu tư bản chủ nghĩa đã từ từ đẩy lùi các quan hệ sở hữu tiền tư bản chủ nghĩa vào quy mô ngày càng hẹp hơn. Quyền lực của chế độ quân chủ dần dần yếu đi, xuất hiện các hình thức chính quyền tự quản, các mầm mống đầu tiên của chủ nghĩa nghị viện, rồi tầm quan trọng của các cuộc bầu cử và của quốc hội ngày càng tăng lên, cho đến khi chế độ quân chủ nghị viện hình thành, và cuối cùng – đo bằng khắc độ lịch sử là mới gần đây, từ nửa cuối thế kỷ 19 – là nền dân chủ. Sự thay đổi hệ thống kinh tế và chính trị đã diễn ra theo nhiều bước và trong thời gian rất dài. Các trạng thái quá độ tồn tại khá lâu, quá trình biến đổi đôi khi mắc kẹt, tạm thời có thể quay lại, khi khác lại tăng tốc. Trong khi xét thời kỳ rất dài thì bên trong giới elit trọng lượng của giới quý tộc dần dần giảm đi, chúng ta không thể lấy từ quá trình biến đổi bao hàm cả thời kỳ này ra một giai đoạn ngắn, trong đó tầng lớp elit được thay đổi một cách triệt để và bền vững, cả trong đời sống chính trị, lẫn trong kinh tế. Những người của chế độ trước và chế độ sau đã sống cạnh nhau, cũng tranh đua nhau vì quyền lực và kinh tế. Sự tranh đua, đấu tranh và đồng thời sự đan xen hoà nhập và hợp tác – tất cả những thứ này được kết hợp với tỷ lệ khác nhau cùng tồn tại cạnh nhau (Kontler, 1993, Rubinstein, 1993, Stone, 1993).

Lịch sử Hungary, đo bằng khắc độ lịch sử, với độ trễ lớn đã biểu hiện các hiện tượng tương tự trong thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 về diễn biến cơ cấu elit và những tương tác nội bộ của nó. Đúng, cơ cấu elit chính trị đã thay đổi đột ngột sau khi cuộc chiến giải phóng bị đập tan – thế nhưng xu hướng liên tục lại thịnh hành mạnh mẽ ở Hungary muộn hơn, sau thỏa hiệp*. Các nhóm khác nhau của tầng lớp ưu tú, do tầng lớp quý tộc, các đại địa chủ, tầng lớp quý tộc mới, tầng lớp viên chức trung lưu và các nhà kinh doanh tạo thành, đã cùng sống cạnh nhau. Cơ cấu elit tuy có thay đổi, nhưng làm gì có chuyện đổi gác triệt để. Trong tay elit cũ – tầng lớp quý tộc, các đại địa chủ - vẫn còn các vị trí quyền lực chính trị quan trọng; ảnh hưởng của họ cũng lan sang đời sống kinh doanh nữa. Sự tranh đua và sự đan xen hoà hợp cùng xuất hiện bên trong giới elit hỗn tạp, giữa các tầng lớp và các nhóm lãnh đạo khác nhau (Kövér, 2002, Lakatos, 1942, Lengyel, 1989, Péter, 1993).

Đã có một “biến đổi vĩ đại” duy nhất trong lịch sử, trong đó người ta đã tiến hành thay elit nhanh chóng và tàn bạo – điều này đã diễn ra trong thời gian lật đổ hệ thống tư bản chủ nghĩa và lập ra hệ thống xã hội chủ nghĩa, đầu tiên ở Liên Xô, rồi sau đó ở nơi khác khi cộng sản chiếm quyền.

Cái gì đã xảy ra ở Hungary khi thay đổi hệ thống vừa qua? Các nghiên cứu kinh nghiệm đáng chú ý đã được tiến hành và cho bức tranh khá rõ. Trong lúc đầu của quá độ hậu xã hội chủ nghĩa một giả thuyết cấp tiến được nêu ra, theo đó elit cũ hầu như đã hoàn toàn tự cứu được mình, cơ cấu elit hầu như không được thay, bởi vì “nomenklatura-tư sản” hình thành (Hankiss, 1989), và xuất hiện “chủ nghĩa tư bản chính trị” (Staniszkis, 1991). Quan điểm này, mà ngày nay nhiều người vẫn tin vào, hóa ra là sự cường điệu quá đáng. Những nghiên cứu kinh nghiệm đã bác bỏ giả thuyết này; ngay cả liên quan đến giai đoạn đầu của quá độ cũng không được xác nhận (Böröcz-Róna-Tas, 1995, Szelényi-Szelényi-Kovach, 1995). Sự thật là, cũng chỉ có một tỷ lệ nhỏ hơn của tầng lớp elit chính trị và kinh tế mới đã có vị trí cao trong chế độ cũ (xem bảng 6.3). Trong số những người khác, nhiều người đã thăng tiến từ cấp bậc thấp hơn của các tầng lớp chính trị-quan liêu cũ lên cao hơn, còn những người khác được chiêu mộ từ bên ngoài, từ các nhóm bên ngoài elit cũ.



Bảng 6.3. Các đặc điểm việc làm của tầng lớp ưu tú (elit) Hungary sau thay đổi chế độ (1993)

(tỷ lệ của những người có vị trí cho trước trong năm 1988, phần trăm)



Vị trí đã làm trong năm 1988

Elit mới hoàn toàn

Elit kinh tế mới

Elit chính trị mới

Elit văn hoá mới

Người ra quyết định văn hoá

2,9

0,2

3,1

12,8

Lãnh đạo kinh tế

20,8

30,9

3,7

4,5

Cán bộ đảng

3,3

2,2

3,1

7,5

Viên chức nhà nước

5,6

1,6

20,5

2,3

Tổng cộng:

32,6

34,9

30,4

27,1

Nguồn: Szelényi-Szelényi-Kovach, 1995, tr. 711.

Bảng 6.4 và 6.5 trụ đỡ cho các khẳng định tổng quát bằng các số liệu thêm. Sự giải nghĩa của cả hai bảng dựa trên giả thiết sau đây: trong sự nghiệp của thành viên elit hậu xã hội chủ nghĩa có sự liên tục, nếu đã là đảng viên của đảng cộng sản một thời. Giả thiết này dựa trên một sự đơn giản hóa mạnh, bởi vì trong số các thành viên elit chính trị cũ, và nhất là elit kinh tế cũ, đã có những người ngoài đảng. Tuy nhiên ngần ấy là chắc chắn, rằng có tương quan chặt giữa vị thế thuộc về elit và đảng viên, và vì thế tiêu chuẩn được áp dụng hướng dẫn khá tốt cho chúng ta trong khai phá tính liên tục giữa elit cũ và elit mới. Trên cơ sở số liệu của bảng 6.4 thấy rõ, rằng – trong khi không xảy ra sự đổi gác đột ngột sau khi thay đổi hệ thống – mau chóng đã bắt đầu sự thay một phần elit kinh tế cũ. Xu hướng này tiếp tục một cách liên tục. Trong năm 2001, chỉ còn hơn một phần tư một chút của elit kinh tế mới là những người đã là đảng viên trước thay đổi hệ thống (Csite-Kovach, 1997, Csurgó-Himesi-Kovach, 2002). Tôi mượn bảng 6.5 từ tiểu luận sau, bảng công bố số liệu của năm 2001 không chỉ về elit kinh tế, mà cả về elit chính trị và văn hóa nữa. Xu hướng là giống nhau trong cả ba mảng của tầng lớp ưu tú: tỷ lệ của các đảng viên đảng cộng sản một thời giảm từ từ, theo nhịp độ dứt khoát. Cũng lưu ý đến các kết quả của những khảo sát khác được tiến hành với sự áp dụng các phương pháp khảo sát khác, chúng ta có thể nói: cái phần của elit mới, mà các thành viên elit cũ đang chiếm, đang co lại. (Về tài liệu liên quan đến thay elit ở Hungary, ngoài các công trình kể trên, tôi nhắc đến các công trình sau đây nữa: Kolosi-Sági, 1999; Kovach, 2002; Laki-Szalai, 2004; Lengyel, 1997; Spéder, 1999; Szalai, 1997).

Bảng 6.4. Tỷ lệ các cựu đảng viên cộng sản trong giới elit kinh tế (phần trăm)

1988

1993

1997

2001

83,3

66,1

49,8

26,8

Ghi chú: Trong cả bốn năm các nhà nghiên cứu đã đặt các câu hỏi giống nhau, và họ tính toán dựa vào các câu trả lời.

Nguồn: Csite-Kovach (1998) và Csurgó-Himesi-Kovach (2002)

Bảng 6.5. Tỷ lệ các cựu đảng viên cộng sản trong các giới elit năm 2001 (phần trăm)



Tiêu chí

Văn hoá

Chính trị

Kinh tế

Đã không là đảng viên C.S.

71,2

64,3

72,2

Đã là đảng viên C.S.

25,9

32,9

26,8

Không trả lời

2,9

2,8

1

Tổng cộng:

100,0

100,0

100,0

Nguồn:Csurgó-Himesi-Kovach (2002)

Tôi thú nhận rằng mình cũng bị chọc tức khi thấy những người giữ vị trí lãnh đạo, những người mà từ kinh nghiệm cá nhân tôi biết họ đã làm hại nhiều đến thế nào khi với chức vụ cao họ phục vụ hệ thống cũ. Theo ngôn ngữ của bài này: khi bản thân tôi cũng đeo đôi kính của cách tiếp cận chuẩn tắc, nhiều khi lòng tràn đầy giận dữ - nhưng tôi cố làm chủ những xúc động của mình. Và nếu bây giờ tôi quay lại cách tiếp cận thực chứng, tôi vẫn giữ nguyên lập trường trước đó của mình: việc thay elit không phải là điều kiện cần của việc chúng ta công bố sự thay đổi hệ thống đã xong. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa sản sinh ra tầng lớp lãnh đạo của bản thân nó. Nó dung dưỡng, hoà tan vào bản thân mình những người thích hợp cho vai trò này và – ngay cả nếu họ xuất phát từ vị trí thuận lợi đi nữa – sớm muộn sẽ loại bỏ những người không thích hợp. Chính cơ chế chọn lọc mạnh này là một trong những bí mật của tính hiệu quả của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nền dân chủ chính trị cũng sản sinh ra tầng lớp lãnh đạo của mình. Đúng như trong cạnh tranh thị trường, trong cạnh tranh giữa các đảng và các phong trào sự chọn lọc cũng xảy ra. Người tỏ ra không thích hợp, trước sau bị loại ra. Chẳng ai khẳng định rằng trong hai lĩnh vực này các cơ chế chọn lọc hoạt động không sai sót. Có xảy ra chuyện người bất tài hay bất lương leo lên cao, còn người có tài, tử tế lại bị dồn xuống dưới.* Nhưng dẫu sao sự chọn lọc là khá hiệu quả. Theo nhịp chúng ta tiến về phía trước với thời gian, sự chọn lọc càng tin cậy hơn, tuy phải tính đến chuyện luôn luôn sẽ có các quyết định chọn lọc sai.

Đáng tiếc là không có sự bình đẳng hoàn toàn về cơ hội. Thực sự có thể có thuận lợi, nếu ai đó (bản thân hay gia đình người đó) cũng đã ở “trên” rồi trong hệ thống cũ. (Tuy, tình thế xuất phát này cũng có thể có những bất lợi, bởi vì nó có thể sinh ra ác cảm trong một phần những người xung quanh). Thế nhưng với thời gian lợi thế này mòn đi. Chắc chắn, chẳng ai có địa vị được đảm bảo vĩnh viễn, nếu không thích hợp. Bản thân hệ thống thực hiện việc thay elit.

Thực hiện công lý. Nếu chúng ta hiểu việc này là các thủ tục án hình sự được nêu trong luật và kết thúc với sự kết án của các thẩm phán – thì quả thực nói chung hầu như đã không xảy ra. Đã xảy ra một-hai vụ án về các vụ các loạt súng sau 1956, các vụ án này cũng kết thúc nửa vời. Ngoài vài vụ này ra nhiều nhất ngần ấy đã xảy ra là, vài quy định pháp luật loại trừ một vài nhóm elit chính trị cũ khỏi một số lĩnh vực công tác nhất định.

Đầu các năm 1990 đã xảy ra các tranh luận gay gắt về thực hiện công lý. Người ta cũng đã đưa ra các dự luật về trừng trị các tội phạm đã vi phạm trong thời hệ thống cũ, nhưng dự luật không được quốc hội thông qua. Khi đó các ý kiến chia rẽ cả trong nội bộ các đảng, cả giữa những người tham gia tranh luận công khai. Đã không có đồng thuận rộng rãi trong đánh giá về sự dàn xếp pháp lý muốn coi cái gì là “công minh” trong tình hình này. “... Cuối cùng giải pháp sở dĩ đã chẳng có ở Hungary, cũng không có ở bất cứ nước lân cận nào, bởi vì ý muốn sự công minh theo nghĩa lịch sử đã chia rẽ xã hội một cách sâu sắc” - Kende Péter kết luận (Kende, 2000). Cuộc tranh luận từ từ tắt đi, các quyết định của toà án hiến pháp cũng cản trở các mưu tính. Muộn hơn cuộc tranh luận về thực hiện công lý âm ỷ lại loé lên một đôi lần, rồi sau đó lại lụi tàn trong tro.12

Tôi lại có thể nói: mình cũng phẫn nộ, khi trong phòng hoà nhạc đột nhiên tôi đối mặt với tay thẩm phán khát máu, người đã tống các bạn tôi vào tù sau 1956. Người ta tống giam bọn kẻ cắp vặt và những kẻ quấy rối ở quán rượu, trong khi những người đã tham gia một cách tích cực và hăng hái vào sự đàn áp thì nhởn nhơ đi lại. Khi các vụ của những kẻ chỉ điểm quấy động dư luận, tôi đồng cảm với những người than vãn: các đinh vít của cỗ máy đàn áp bị đưa ra ánh sáng, trong khi các động cơ và các bánh đà lớn của cỗ máy thì chẳng hề chi, chẳng ai đụng đến sợi tóc của họ.

Thế nhưng, bây giờ tôi cũng vẫn giữ nguyên lập trường được trình bày trước đây trong cách tiếp cận thực chứng: việc trừng trị những kẻ phạm tội không phải là điều kiện cần để chúng ta tuyên bố sự thay đổi hệ thống đã hoàn tất. Chúng ta giải thích rất chính xác và nghiêm ngặt tính từ “cần”. Hệ thống kinh tế và chính trị mới cũng có khả năng hoạt động cả khi, nếu người ta đã không trừng trị những kẻ phạm tội [trong thời hệ thống cũ].

Chúng ta cần xem xét hệ thống mới không với những ảo tưởng. Ngay cả nếu đạo đức, đo với chuẩn mực cao hơn, có đòi hỏi những kẻ tội phạm đền tội đi nữa– cả chế độ kinh tế tư bản chủ nghĩa, lẫn nền dân chủ nghị viện cũng chẳng là thắng lợi của đạo đức tinh khiết. Ở đất tổ của nền dân chủ, ở Hoa Kỳ, nơi lần đầu tiên người ta thảo ra và thông qua hiến pháp dân chủ, tại thời điểm lịch sử thiêng liêng đó nhiều triệu người da đen tàn tạ trong thân phận nô lệ. Đã có người cha sáng lập, bản thân ông cũng đã là chủ nô. Với sự thay đổi hệ thống và gắn với nó ở nước chúng ta với sự thay đổi hình thức chính thể đã tạo ra các điều kiện tối thiểu cho sự hoạt động của hệ thống tư bản chủ nghĩa và hình thức chính thể dân chủ. Điều này bản thân nó là thành quả lịch sử có tầm quan trọng to lớn. Nhưng chẳng ai coi điều này là nhiều hơn mức tối thiểu. Đây là điểm xuất phát – và chủ yếu phụ thuộc vào các vị lãnh đạo đất nước và các công dân, rằng khởi hành từ vạch xuất phát này chúng ta đi đến đâu.

Giữa hai đòi hỏi (thay elit và hoạt động tư pháp) có mối quan hệ, mà về nó bõ công suy ngẫm kỹ lưỡng.

Sự thay đổi hệ thống bắt đầu trong năm 1989 đã được thực hiện mà không có đổ máu, không có bạo lực. Mới đây chúng ta đã kỷ niệm năm mươi năm cách mạng 1956, hợp thời để so sánh với những diễn biến khi đó. Đúng, khi đó các phong trào đầu tiên đã không treo mục đích thay đổi hệ thống lên ngọn cờ của họ. Thế nhưng, nếu giả như đã không bị các lực lượng bên ngoài dẹp tan, có lẽ đã dẫn đến sự thay đổi hệ thống mà về sau chẳng ai có thể nói rằng sự thay đổi đó đã không có đổ máu. Nó đã bắt đầu bằng khởi nghĩa vũ trang, và lúc đầu các lãnh đạo của chế độ cũ đã thử bằng vũ khí chống lại những người khởi nghĩa. Các xe tank Soviet xuất hiện và bắn trên đường phố Budapest. Hàng ngàn người đã chết ở cả hai bên các chiến hào. Ý định trừng phạt những người chịu trách nhiệm về chế độ cũ đã chín muồi. Đã có nhiều người mong muốn trả thù, sự giận dữ ở vài nơi đã dẫn đến sự quá đáng suy đồi đến cả hành hình.

Lần này, trong năm 1989 và sau đấy chuyện đó chẳng hề xảy ra.13 Cách mạng đã là cách mạng “nhung”, tôi trích dẫn cách nói tuyệt vời của những người Czech. Không phải sở dĩ bây giờ đã không có đổ máu, bởi vì trong ba thập kỷ rưỡi bản tính con người đã thay đổi. Sự biến đổi vừa qua đã bắt đầu bằng sự thoả thuận, bằng thoả hiệp, bên cạnh các bàn đàm phán. Kịch bản biến đổi đã được các nhà lãnh đạo cũ và mới thảo luận, đã được họ “mặc cả” từng điểm một. Những người trước kia sở hữu quyền lực không chia sẻ, chẳng thử vớ lấy vũ khí, mà đã hợp tác trong việc tạo ra các thủ tục dân chủ và nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nghiến răng làm, nhưng họ đã làm. Sở dĩ họ đã hợp tác, bởi vì bên cạnh các lý do khác họ không bị loại khỏi cả cuộc sống chính trị lẫn cuộc sống kinh tế, với điều kiện họ chấp nhận các quy tắc chơi mới.14

“[Giả như có thể] các vị đã thích làm cách mạng!” - người ta trích dẫn nhiều lần câu nói đã trở thành kinh điển của Antall József, thủ tướng đầu tiên của nền dân chủ Hungary, khi họ thúc bách bỏ qua sự đổi gác hoàn toàn và sự trừng phạt những kẻ phạm tội.

Ở đây các giá trị mâu thuẫn nhau căng lên chống lại nhau. Ở một bên: thay gác và thực hiện công lý, ở bên kia là đòi hỏi bất bạo lực.15 Nếu đã nói đến cách tiếp cận chuẩn tắc, và tôi muốn thổ lộ trật tự giá trị của bản thân mình: trong con mắt tôi quan trọng nhất là đòi hỏi, rằng những biến đổi xã hội lớn hãy xảy ra mà không có đổ máu, không có hy sinh tính mạng con người và không có bạo lực, hơn là đòi hỏi rằng các bộ mặt cũ hãy biến đi, và công lý được thực hiện.16 Nhưng tôi biết, không phải mọi người đều chia sẻ thang giá trị này, và [có người] dù bằng con đường bạo lực đi nữa nhưng vẫn muốn đòi loại bỏ và trừng phạt những người của chế độ cũ.

Việc thay elit và thực thi công lý ở nước chúng ta xảy ra như thế nào là chuyện nội bộ của Hungary. Không phải từ bên ngoài người ta ép chúng ta rằng cái gì xảy ra và cái gì bị bỏ qua trong quá trình chuyển đổi, mà chính là chúng ta đặt ra. Thế nhưng đáng để tôi nhắc đến rằng cái đã xảy ra và sẽ xảy ra trong tương lai ở Hungary và ở các nước Đông Âu khác đã có ảnh hưởng quốc tế lớn và sẽ có trong thời gian tới nữa.

Tôi chỉ muốn lưu ý đến một vấn đề duy nhất, đấy là sự biến đổi vĩ đại của Trung Quốc.17 Trong đất nước khổng lồ này, nơi 1,3 tỷ người sinh sống, đang xảy ra sự thay đổi hệ thống. Vẫn chưa kết thúc. Liệu có xảy ra khởi nghĩa, các cuộc đụng độ đẫm máu, nội chiến với cả triệu người hy sinh hay không? Hay nó diễn ra yên bình từ đầu đến cuối? Trước mắt có vẻ như cái sau được thực hiện. Sở dĩ thế là bởi vì bên cạnh những lý do khác các cán bộ cộng sản không chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa tư bản, mà cố gắng thu lợi về cho mình. Bí thư đảng đoạt lấy một nửa hay toàn bộ tài sản của nhà máy, việc điều khiển xí nghiệp địa phương lọt vào tay thị trưởng, con trai hay con gái vị tướng học ở trường cao đẳng quản trị kinh doanh đắt tiền để rồi giữ vị trí cao trong đời sống kinh tế. Tất cả những việc này khá khả ố – nhưng lại đi cùng với lợi thế rằng đảng cộng sản từ kẻ thù của chủ nghĩa tư bản trở thành người mở đường cho nó. Một quá trình đồi bại, vô luân – nhưng nó làm tiêu tan sự chống đối của các ông chủ của chế độ cũ đối với hệ thống mới, biến họ trở thành những nguời có lợi ích trong sự phát đạt của hệ thống mới.

Nếu từ đó, từ Trung Quốc, người ta nhìn vào Đông Âu, họ thấy: ở đây cũng đã xảy ra cái gì đấy thuộc loại này. Thế nhưng cái gì sẽ xảy ra, giả như họ thấy những người được cho là phải chịu trách nhiệm của chế độ cũ bị treo cổ trên cột đèn? Hay nếu không có sự hành hình, nhưng theo đúng luật hàng loạt cán bộ cũ bị bỏ tù vì các lỗi lầm cũ của họ? Nếu họ bị loại khỏi đời sống chính trị và kinh tế? Điều này dễ có thể làm họ khiếp sợ sự chuyển đổi yên bình. Khi đó họ có thể nghĩ: thế thì - thay cho việc lẻn vào chủ nghĩa tư bản một cách lặng lẽ và yên bình – hãy dùng sự đàn áp và kháng cự vô độ để chống lại sự thay đổi hệ thống.

Không phải là sự tưởng tượng ngây thơ hay huênh hoang để khẳng định rằng ở Trung Quốc người ta theo dõi cái gì xảy ra ở Đông Âu. Đúng thế họ đã chú ý đến cải cách 1968 của Hungary, mà nó đã có ảnh hưởng đáng kể lên các bước cải cách của Trung Quốc. Với dấu ngược lại, nhưng họ cũng rất chú ý đến cái Gorbachev đã làm. Họ cảm thấy: không được phép theo gương ông ấy, vì khi đó Trung Quốc cũng tan rã đúng như đế chế Xôviết. Bây giờ họ cũng chú ý đến những diễn tiến Đông Âu, và rút ra các kết luận theo cách của họ.

Có các bài học tương tự từ sự chuyển đổi của Đông Âu cho Việt Nam và Cuba nữa. Ai không sa lầy hoàn toàn vào tư duy tỉnh lẻ, hãy nghĩ đến các tác động gián tiếp và xa hơn!


tải về 383.74 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương