Số 57 1-2-2009 Bán nguyệt san thông tin và nghị luận



tải về 0.53 Mb.
trang1/2
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích0.53 Mb.
#37911
  1   2


Số 57

1-2-2009


Bán nguyệt san

thông tin và nghị luận.
------------

Hội Đồng Cố Vấn 
Phạm Quế Dương - Nguyễn Hộ - Nguyễn Gia Kiểng - Trần Lâm - Bùi Tín
-------------

Chủ nhiệm

Nguyễn Thanh Giang

-------------

Tổng biên tập

Trương Nhân Tuấn

---------------

Ban biên tập
Nguyễn Phương Anh - Nguyễn Gia Dương - Phạm Hồng Đức - Phan Thế Hải - Nguyễn Văn Hiệp - Việt Hoàng - Vi Đức Hồi - Nguyễn Chính Kết - Trần Anh Kim - Nguyễn Thượng Long - Nguyễn Xuân Nghĩa - Lê Chí Quang - Vũ Cao Quận - Huỳnh Tâm - Trần Khải Thanh Thủy - Phạm Việt Vinh

Trang nhà:
www.to-quoc.net
Liên lạc :
toquocmagazine@yahoo.com





Thư tòa soạn

Ai sợ diễn biến hòa bình?

Tháng 1 -2009 vừa qua Đảng CSVN đã không họp đại hội giữa nhiệm kỳ như dự định. Thay vào đó chỉ có hội nghị trung ương 9. Sự kiện này chứng tỏ có một cố gắng che đậy và trì hoãn.

Tuy vậy sự bối rối và phân hóa trong thượng tầng của đảng đã thể hiện rõ ràng, qua chênh lệch giữa thông báo của hội nghị và diễn văn bế mạc của tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Hai tài liệu này đã chỉ đồng nhất trên một nhận định là tình hình kinh tế sẽ rất nguy ngập, vì phải đương đầu cùng một lúc với hai nguy cơ đòi hỏi những biện pháp đối ngược: suy thoái và lạm phát.

Sự khác biệt lớn nhất giữa ông Mạnh, thay mặt cho bộ chính trị và ban bí thư, và tập thể ban chấp hành trung ương đảng chính là về điều quan trọng nhất: tương lai của đảng và chế độ cộng sản. Ông Mạnh nhắc đi nhắc lại âm mưu "diễn biến hòa bình" của "các thế lực thù địch" trong khi thông báo của hội nghị không hề đả động đến. Hai bên không cùng một lo âu.

Nổi bật hơn nữa, ông Mạnh còn lớn tiếng tố giác khuynh hướng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", xác nhận sự hiện diện của những người chủ trương dân chủ hóa đất nước ngay trong đảng. Những người này chắc chắn đã có một trọng lượng đáng kể ngay trong BCH trung ương khiến cho những lời báo động của ông Mạnh không được ghi vào thông báo của hội nghị, dù chỉ một cách qua loa.

Sự trẻ hóa nhân sự lãnh đạo của đảng bắt đầu từ đại hội VIII đã dần dần làm công việc của nó; nó đã đưa vào các vai trò lãnh đạo, kể cả vào trung ương đảng, những người thuộc lứa tuổi 50 và trẻ hơn, hiểu biết hơn và có cái nhìn thoáng hơn. Cuộc chuyển giao thế hệ không thể trì hoãn được nữa. Ông Mạnh đã tiết lộ một tin mừng: những đảng viên cao cấp trẻ của ĐCSVN không phải đều tham nhũng và thoái hóa; cũng có những người sáng suốt và có thiện chí.

Nhưng ai sợ diễn biến hòa bình? Quốc gia nào có thể tồn tại được mà không thay đổi để thích nghi với thực tại mới? Và có người bình thường nào không muốn những thay đổi đó diễn ra trong hòa bình?

Thái độ hung hăng chống "diễn biến hòa bình" thực ra chỉ là một tàn dư tâm lý của một giai đoạn đen tối trong đó người ta đã dại dột du nhập một chủ thuyết cho rằng người trong một nước phải đấu tranh giai cấp để tiêu diệt nhau thay vì giải quyết những bất đồng ý kiến và mâu thuẫn quyền lợi một cách văn minh, dân chủ, trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.



Ban biên tập

Bình luận kinh tế



Để có lớp trí thức xứng đáng
GS Hoàng Tụy

Thời thế tạo anh hùng thì cũng thời thế, cơ chế tạo ra phẩm chất người trí thức. Nói rõ hơn là hoàn cảnh chính trị xã hội, là bản lĩnh, tài năng các nhà lãnh đạo quốc gia, và một phần chính yếu, là môi trường giáo dục đương thời. Cho nên tôi rất tán thành hãy bắt đầu bằng vấn đề giáo dục để bàn chuyện xây dựng lớp trí thức mới.




Về triết lý giáo dục

Sau nhiều năm Phần Lan nổi lên với những thành tựu kinh tế, khoa học, công nghệ làm cả thế giới khâm phục, người ta phát hiện ra cái gốc của sự thịnh vượng ấy là giáo dục. Ba phần tư thế kỷ qua, nước Mỹ đã chiếm vị trí số một trên hầu hết mọi lĩnh vực khoa học, công nghệ then chốt. Nếu nói trí thức là nói tài năng thì không đâu tài năng nở rộ nhiều như ở Mỹ. Nhiều người chúng ta bất bình, phẫn nộ chính đáng với một số chính sách nước lớn có khi quá tàn bạo của giới cầm quyền Mỹ, song vẫn chưa bao giờ hết ngưỡng mộ trí tuệ và tài năng của trí thức Mỹ mà những mầm mống thịnh vượng đã nảy nở từ những đại học đầu tiên khi Mỹ mới lập quốc. Đọc thư của Tổng thống Pháp gửi các nhà giáo Pháp, đọc bài diễn văn nhậm chức của bà Chủ Tịch ĐH Harvard, càng thấy rõ vấn đề trí thức nói cho cùng là vấn đề giáo dục. Nước Pháp muốn khôi phục truyền thống văn hóa rạng rỡ của mình từ Thế kỷ Ánh sáng, nước Mỹ muốn tiếp tục dẫn đầu trong thế kỷ văn minh trí tuệ, đều thấy cần dựa vào trụ cột giáo dục. Mà trong giáo dục thì quan trọng trước hết là tư duy cơ bản về giáo dục, tức là triết lý giáo dục, đương lối giáo dục.

Nhìn lại lịch sử hình thành lớp trí thức VN qua các thế hệ, tôi vẫn băn khoăn một câu hỏi lớn: tại sao trong hơn 80 năm qua, hình như chưa có thế hệ trí thức nào vượt qua được về tài năng, trí tuệ và cả phẩm chất nhân cách, thế hệ trí thức những năm 30-45 thế kỷ trước– thời kỳ Tự lực Văn đoàn, trào lưu Thơ mới, có các nhạc sĩ Văn Cao, Đặng Thế Phong, có các nhà khoa học, giáo dục hiện đại Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đức Thảo, có những nhà hoạt động chính trị Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh...  Hầu hết những trí thức này đều học trường Pháp ra, mà sao tinh thần dân tộc rất cao và năm 1945 tuyệt đại bộ phận họ đều đi theo cách mạng để chống lại thực dân Pháp. Điều đó tựa hồ mâu thuẫn với quan niệm phổ biến xưa nay là nhà trường thực dân chỉ cốt đào tạo ra những người làm tay sai cho thực dân.

Trong khi đó, các thế hệ trí thức được đào tạo sau này ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cũ một cách bài bản, lớn lên trong nền giáo dục thấm nhuần lý tưởng xã hội chủ nghĩa cao đẹp, hằng ngày được gián tiếp hay trực tiếp bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, ghét bóc lột, xả thân vì dân vì nước... mà sao có vẻ như phẩm chất không được như ta kỳ vọng. Dường như có cái gì không thật, có cái gì chưa ổn lắm, cho nên gặp hoàn cảnh không thuận lợi thì bộc lộ nhiều nhược điểm. Chúng ta có biết bao tiến sĩ, giáo sư và gần đây rộ lên cả mấy tá viện sĩ (chức danh này chưa có ở VN, nhưng nếu muốn trưng ra thì cả nước hiện nay cũng có thể trưng ra cả nghìn viện sĩ kiểu này chứ không ít), rồi lại có cả những “bộ óc vĩ đại thế kỷ 21”, nhiều nhân vật trí thức xuất chúng đến nỗi đang có kế hoạch phải dành 25 hecta đất vào thời buổi đất quý hơn vàng, để xây một Văn Miếu hiện đại mới đủ chỗ vinh danh bấy nhiêu bậc đại trí. Thế nhưng có ai dám chắc cái gia tài trí thức lớn ấy sau này sẽ được con cháu hoan nghênh khi đất nước đến hồi hưng thịnh?

Đó là cái nghịch lý cần phân tích và lý giải khi bàn về giáo dục và đào tạo.

Riêng tôi nghĩ rằng nền giáo dục, văn hóa Pháp mà thế hệ trí thức tiền bối 30-45 đã được hưởng thật sự là một nền giáo dục tiên tiến thời đó. Cái phần thực dân trong nền giáo dục ấy chỉ là cái vỏ ngoài do bọn thực dân áp đặt ở thuộc địa mà cũng chỉ có tác dụng rất hạn chế, còn cái phần nhân văn,  cái phần văn hóa cơ bản, cái phần thật sự là tinh túy trong triết lý giáo dục của nó thời đó thì ai tiếp thu được đều tốt cho họ, cho đất nước họ, cho nhân dân họ, không cứ là cho người Pháp, cho nước Pháp. Có lẽ chính vì nhìn thấy điều ấy mà Phan Chu Trinh đã sáng suốt đề ra: hưng dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Giờ đây khi mà văn hóa, giáo dục đã lệch pha quá xa với kinh tế, đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về đường lối, triết lý giáo dục, chứ không phải chỉ bàn chuyện nay hai không, mai năm không, v.v… Những việc này cũng cần làm để khởi động dạo đầu cho công cuộc cải cách, nhưng sa đà vào đó mà quên đi cái cốt lõi sẽ có tác dụng ngược lại.  

Không thể máy móc vơ đũa cả nắm, nhưng có một sự thật là dường như phần lớn những cán bộ được đào tạo ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây đều thiếu căn bản về văn hóa phổ quát. Tư duy của họ chỉ phát triển theo một đường ray mà hễ ai trật ra là nguy hiểm. Cho nên trừ những trường hợp hãn hữu, họ thường chỉ là những chuyên viên kỹ thuật được trang bị một số vốn kiến thức kỹ thuật, chuyên môn hẹp nào đó, ở thời đó, và cũng rất mau lạc hậu, nhưng thiếu một nhãn quan rộng, thiếu một tầm nhìn ra ngoài ngành nghề hẹp của mình, cho nên bị hạn chế ngay trong việc phát triển chuyên môn, và càng bị hạn chế đứng trước những vấn đề xã hội, văn hóa không thuộc phạm vi chuyên môn hẹp của mình. Mỗi người chỉ biết việc của mình, chỉ lo cho mình, ít khả năng và cũng không thích thú hợp tác với bạn bè đồng nghiệp. Dễ bị lâm vào thế ếch ngồi đáy giếng, dễ mắc bệnh vĩ cuồng, không hòa nhập vào dòng chảy văn minh của thời đại, không chấp nhận luật chơi quốc tế, rồi ngày càng tụt hậu mà vẫn tự ru ngủ mình, tự đánh lừa mình, và đánh lừa nhân dân mình với những thành tích không có thật. Chạy theo danh hão, chạy theo quyền lực, chạy theo chức tước, là căn bệnh thời đại của trí thức VN.  Chưa bao giờ trong xã hội ta có nhiều Xuân Tóc Đỏ như bây giờ. Tôi nói có vẻ bi quan, nhưng thà nhìn khắt khe một chút để biết người biêt ta, còn hơn nhắm mắt chủ quan một cách lố bịch.

 

Những sai lầm làm tha hóa giáo dục.



Trở lại vấn đề giáo dục hiện nay của ta, điều tôi lo lằng nhất là sự tha hóa trầm trọng của nó. Nói khủng hoảng nhưng nét chính của khủng hoảng ấy là sự tha hóa, biến chất. Giáo dục có nguy cơ trở thành phản giáo dục. Có nhiều nguyên nhân nhưng trực tiếp làm tha hóa giáo dục có ba sai lầm lớn mà tôi gọi là sai lầm hệ thống trong quản lý giáo dục.
1. Chính sách đối với người thầy. Đó là sai lầm đầu tiên và tai hại nhất do quan niệm lệch lạc về sứ mạng và vai trò người thầy trong nền giáo dục hiện đại. Phản ứng lại tư duy lạc hậu trong nhà trường cũ, gán cho thầy quyền uy tuyệt đối, biến giáo dục thành quá trình truyền đạt và tiếp thu hoàn toàn thụ động, là đúng. Nhưng từ đó đã xuất hiện tư duy cực đoan ngược lại, phủ nhận vai trò then chốt của thầy đối với chất lượng giáo dục. Với cách hiểu giáo dục thô sơ nặng về cảm tính, khi thì nhấn mạnh một chiều “học sinh là trung tâm”, khi khác tôn chương trình, sách giáo khoa lên địa vị “linh hồn giáo dục”, nhận định chất lượng đại học thấp “không phải do thầy mà do chương trình”, v.v. dẫn đến hoàn toàn xem thường việc xây dựng đội ngũ thầy giáo theo chuẩn mực chuyên môn và đạo đức hiện đại. Trong mọi khâu từ tuyển chọn đến sử dụng và bồi dưỡng người thầy, khâu nào cũng phạm sai lầm lớn. Đặc biệt tệ hại là chính sách lương. Ngay từ đầu đã bỏ qua kinh nghiệm muôn thuở “có thực mới vực được đạo”, trả lương cho thầy cô giáo dưới mức sống hợp lý, lấy cớ ngân sách eo hẹp (thật ra chỉ là do tham nhũng và sử dụng ngân sách không hợp lý), bỏ mặc các thầy cô “tự cứu” kiếm thêm thu nhập bằng mọi cách (dạy thêm, làm thêm, đến nỗi không hiếm giảng viên đại học dạy sô trên 30 giờ/tuần). Có thể nói không quá đáng tất cả những căn bệnh trầm trọng: gian dối, tiêu cực, dối trá, lãng phí, quan liêu… hiện đã đi vào xương tủy của giáo dục mà không một phong trào “nói không” nào có thể chữa trị được đều có nguồn gốc sâu xa liên quan tới cái lỗi hệ thống cơ bản này.
2. Tập trung tất cả việc dạy và học vào thi cử, nói rõ hơn là thay vì thi, kiểm tra thường xuyên nghiêm túc từng học phần để bảo đảm kết quả học tập vững chắc và thực chất thì dồn hết cố gắng vào các kỳ thi tốt nghiệp, thi “quốc gia” nặng nề, căng thẳng, rất hình thức mà thiếu nghiêm túc, sinh ra hội chứng thi rất đặc biệt của giáo dục VN: gần thi mới lo học, học đối phó, học nhồi nhét chỉ cốt để thi, thi cái gì học cái nấy, thi thế nào học thế ấy, chủ yếu là học thuộc lòng các loại bài mẫu, các đáp án mẫu. Trước đây thi theo bộ đề thi cho sẵn, nay bộ đề thi biến tướng thành các bảng “cấu trúc đề thi”. Nghĩa là tư duy có thay đổi gì đâu, hai mươi năm trời, tốn bao công nghiên cứu, cuối cùng trở lại gần như điểm xuất phát, dưới một hình thức có vẻ mới để che dấu một phương pháp cổ lỗ. Lại còn chuyện thi trắc nghiệm, thi tự luận. Người ta thi trắc nghiệm với một mục đích khác, ta không nghiên cứu kỹ, đưa ra áp dụng đại trà vào thi tốt nghiệp THPT trong khi trình độ chuyên nghiệp về kiểu thi này còn chưa bảo đảm, cho nên gây tốn kém và làm khổ cả học sinh lẫn thầy giáo. Rồi đùng một cái cấm các trường không được áp dụng hình thức trắc nghiệm khi thi học kỳ, làm cả thầy và trò hoang mang, không hiểu giáo dục là cái gì mà có thể quản lý tùy tiện như thế. Đem việc học phụ thuộc vào việc thi, khiến thi chứ không phải học trở thành hoạt động giáo dục chủ yếu, đến mức muốn hiểu thực chất giáo dục VN như thế nào chỉ cần quan sát hoạt động của nhà trường và xã hội trong mùa thi. Từ kiểu thi nhiêu khê đẻ ra những dịch vụ kỳ lạ hiếm thấy: kỹ nghệ “phao” thi, thi thuê, viết luận án thuê, làm bằng giả, bằng thật nhưng học giả, v.v… Cho nên chừng nào còn duy trì kiểu học và thi này thì xã hội còn phải trả giá nặng nề cho sự tụt hậu của giáo dục. Chưa kể nếu tính hết mọi khoản chi trực tiếp và gián tiếp phục vụ cho các kỳ thi thì lãng phí lên tới con số khủng khiếp, bình thường đã khó chấp nhận, với tình hình kinh tế khó khăn như lúc này càng khó chấp nhận hơn. Nhiều nước như Trung Quốc hay Hàn Quốc, thi còn nhẹ nhàng hơn ta mà họ đã phê phán cái “địa ngục thi cử” của họ, còn thi cử như ta không biết phải gọi là cái địa ngục gì.
 3. Chạy theo số lượng, hy sinh chất lượng, bất chấp mọi chuẩn mực, thông lệ và kinh nghiệm quốc tế, khiến việc hội nhập khó khăn và không cạnh tranh nổi ngay với các nước trong khu vực. Đây chính là bệnh thành tích, chứ không là gì khác. Phát triển số lượng thì dễ, nhất là khi người dân còn khát học tập như trong xã hội ta. Chỉ đảm bảo chất lượng mới khó, vậy nên cứ chọn cái dễ mà làm, dễ gây ấn tượng, dễ báo cáo thành tích. Trên đã vậy thì làm sao chống được bệnh thành tích ở dưới. Trong hoàn cảnh ấy mà có người còn bênh vực bệnh thành tích, viện lẽ chỉ nhấn mạnh chất lượng lúc này là xa xỉ (!), thì thật không hiểu nổi ta muốn phát triển giáo dục và khoa học theo kiểu nào. Nguy hại là căn bệnh này nghiêm trọng nhất ở cấp đại học và đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, tuyển chọn, công nhận GS, PGS. Trong thời đại toàn cầu hóa, muốn hội nhập thành công, phải hiểu biết và tôn trọng luật chơi, trước hết là các quy tắc, chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Thế nhưng từ các chuẩn mực thông thường nhất về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, cho đến việc tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ, đánh giá công trình nghiên cứu khoa học, đánh giá các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, tuyển chọn, đánh giá GS, PGS, đánh giá các đại học... phần lớn đều không theo những chuẩn mực quốc tế mà dựa vào những tiêu chí tự sáng tác, nặng về cảm tính thô sơ, rất thấp và rất khác so với quốc tế, thiếu khách quan, thiếu căn cứ khoa học, thiếu minh bạch, dễ bị lợi dụng mưu lợi ích riêng cho từng nhóm thay vì phục vụ sự nghiệp chung. Sự thiếu hiểu biết và coi thường các chuẩn mực quốc tế thể hiện trong mọi chủ trương xây dựng đại học, cho đến gần đây nhất vẫn rất chủ quan. “Điếc không sợ súng” đó là căn bệnh cố hữu của ngành giáo dục.

Tất cả các sai lầm hệ thống nêu trên khiến giáo dục dần dần biến chất, xuống cấp, xa rời tất cả những giá trị cao quý còn sót lại từ quá khứ. Xu hướng tha hóa ấy phát triển có nguy cơ đẻ ra một nền giáo dục phản giáo dục.  



GS Hoàng Tụy
Ông đồ vẫn còn đó
Hà Sĩ Phu

(Kính tặng hương hồn cố thi sĩ Vũ Đình Liên)


Người muôn năm cũ hồn ở đâu

Giao thời mõm Chuột gối đầu Trâu

Thư pháp không “đô”, Đồ cũng giẹp

Văn/Ôn vật nghìn năm cứt lộn đầu


Cuộc chiến dùi cui với bút lông

Bút thành vũ khí, thủ và công.

Bàn tay hắn chỉ theo đường ấy

Non nước về đâu có biết không?


Chữ TÂM chữ NHẪN giật đi rồi

Chữ TĨNH thôi đừng dán khắp nơi

Chữ ĐỒNG chữ TIẾN sao không viết

Cải Á, trừ mau hận giống nòi ?


Thư pháp hay là Nhân pháp đây

Gian thần cũng phượng múa rồng bay

Mực “Tàu”, giấy “Đỏ” làm Chiêu Thống

Chớ để qua đường không ai hay!


Ông Đồ vẫn còn đó

Còn đau nỗi nước này !


Chiều 30 Tết Kỷ Sửu 2009

Hà Sĩ Phu
Thương nhớ các chiến sỹ

dân chủ đang bị giam cầm
Hoàng Hưng

Sáng mồng một tết
Đang vui tíu tít hàn huyên

Tỉnh ra trơ trọi giữa nền xi măng

Trời mồng một đã vào song

Đã ho hắng cả mấy phòng gần xa.

Cách tường có cậu cười qua:

Được một bữa thịt đêm ra đầy quần!

Tiếng cười cả xóm rân rân

Như quên hết cả một năm đoạ đầy

  Hoàng Hưng

Nguyễn Thanh Giang : Biểu tượng mùa xuân của dân tộc!
Việt Hoàng

Một năm mới, xuân Kỷ Sửu đang đến với chúng ta. Năm mới luôn mang lại nhiều hy vọng và ước mơ cho mỗi người. Tôi xin được chúc cho tất cả những người đang đấu tranh cho dân chủ và tự do ở Việt Nam được nhiều may mắn và thành công trong năm Kỷ Sửu. Tôi chúc cho bạn đọc và các thành viên của bán nguyệt san “Tổ Quốc” một năm mới nhiều sức khỏe và thành đạt. Tôi cũng chúc cho Tổ Quốc mãi mãi là diễn đàn, là cầu nối, là nơi gặp gỡ của những người con luôn thao thức cho vận mệnh của đất Mẹ Việt Nam yêu quí.

Mùa xuân là lúc để chúng ta ngồi lại với nhau, ôn lại những gì đã làm được và chưa làm được trong một năm qua. Mùa xuân cũng là thời điểm đánh dấu một năm trôi qua, chúng ta già đi một tuổi. Con người thì không ai tránh khỏi qui luật “sinh, lão, bệnh, tử” và con người luôn là trung tâm của vũ trụ, vì vậy trong những ngày đầu xuân này chúng ta hãy cùng nhau nói về “con người”. Con người mà tôi muốn nói đến ngày hôm nay chính là tiến sĩ khoa học, một người đấu tranh không mệt mỏi cho việc đòi lại quyền sống, quyền làm người, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cho mọi người Việt Nam, đó là ông Nguyễn Thanh Giang.

Có lẽ cái tên Nguyễn Thanh Giang đã trở thành quen thuộc với tất cả những người yêu tự do và mong muốn cho đất nước có dân chủ. Cùng với ông Hà Sĩ Phu, ông Nguyễn Thanh Giang đã có hẳn một thư viện riêng trên mạng internet (nguyenthanhgiang.com) do những người yêu mến ông lập ra và đăng những tác phẩm và bài viết của ông trên đó.

Ông Nguyễn Thanh Giang đã bước sang tuổi 73, một cái tuổi mà “xưa nay hiếm”, nhiều người vào tuổi này đã đi gặp ông bà nơi suối vàng. Có người vào tuổi này nếu còn sống cũng đã mệt mỏi và chỉ còn biết quanh quẩn bên con cháu hay vui thú điền viên với chậu hoa, con cá.

Ông Nguyễn Thanh Giang là một trong những ngoại lệ hiếm hoi ở Việt Nam. Ở tuổi 72, dù chỉ là một ông già nhưng ông đã làm cho cả một nhà nước, một chế độ, một đảng cộng sản Việt Nam “quang vinh và muôn năm”, một đảng luôn tự hào là “bách chiến, bách thắng” đã đánh thắng ba cường quốc thế giới là thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bành trướng Trung Quốc, phải run sợ.

Một trong những sự kiện (của phong trào dân chủ) nếu được bình chọn sẽ là một sự kiện nổi bật trong năm 2008 đó là việc ông Nguyễn Thanh Giang đã bị Bộ công an Việt Nam với đầy đủ các ban ngành chức năng tổ chức khám xét tư gia và sau đó là một cuộc tấn công mạnh mẽ bằng báo chí trên các phương tiện truyền thông bởi những bồi bút trung thành của đảng. Tất cả đều nhằm vào mục đích xuyên tạc, kích động và bôi bẩn cá nhân ông Nguyễn Thanh Giang.

Chuyện gì đã xảy ra? Tại sao chính quyền Việt Nam “khủng bố” ông Nguyễn Thanh Giang?

Chúng ta ai cũng biết và ai cũng phải thừa nhận một sự thật hiển nhiên về ông Nguyễn Thanh Giang đó là ông rất ôn hòa trong việc đòi dân chủ và mềm mỏng trong đấu tranh. Đọc nhiều bài viết của ông nhiều người có cái cảm giác là ông luôn mong muốn cho đảng cộng sản thay đổi để tốt hơn. Ông như là chỉ bảo, như là van lơn, như là xót xa cho… đảng. Nếu nói rằng ông Nguyễn Thanh Giang là biểu tượng cho việc đòi dân chủ hóa đất nước một cách ôn hòa nhất thì cũng không sai. Chưa bao giờ ông kêu gọi lật đổ chế độ cộng sản bằng bạo lực mà ông chỉ chỉ ra những cái sai lầm, những tư duy ấu trĩ trong ban lãnh đạo đảng và ông mong muốn những cái não trạng lạc hậu đang kìm hãm đất nước thay đổi để dân nhờ. Là người thẳng thắn (và có lẽ cả nóng tính) nên nhiều lúc ông đã chỉ trích đích danh người này người khác (ví dụ ông Nông Đức Mạnh) nên ông bị ‘trả thù” chăng?

Ai cũng đồng tình rằng đất nước phải thay đổi! Thay đổi để tiến lên, thay đổi để tốt hơn chứ không phải thay đổi theo kiểu câu giờ hay chơi chữ như đảng cộng sản vẫn đang làm. Và để thay đổi tốt hơn, có chiều sâu và thay đổi thật sự thì những tiếng nói đối lập và ôn hòa vô cùng cần thiết và phải được khuyến khích. Việc đảng cộng sản cố tình dập tắt những tiếng nói ôn hòa và có trách nhiệm như ông Nguyễn Thanh Giang sẽ mang lại một hệ quả vô cùng nguy hại cho đất nước:

- Sẽ không ai dám nói lên sự thật, tất cả sẽ nói dối khi được hỏi. Mọi người đều thờ ơ với đất nước, sống chết mặc bay, tất cả trở thành vô cảm. Tổ quốc có cũng như không, chúng ta sống trên mảnh đất Việt Nam nhưng chúng ta lại là kẻ lưu vong ngay trên quê hương mình. Mới đây trên mạng internet có một bài viết (thư ngỏ gửi ông Nguyễn Khắc Phục -http://www.x-cafevn.org/?q=node/1344) của một nhà giáo về hưu ở Hà Nội, ông Tiến Nguyễn, trả lời (về việc nhà văn quân đội Nguyễn Khắc Phục kêu gọi toàn dân đứng dậy bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa) rằng đất nước này chưa bao giờ là của người dân Việt Nam cả, mà nó chỉ là của riêng một nhóm người thôi, trước đây là của riêng vua chúa và bây giờ là của riêng đảng cộng sản. Vậy mỗi khi đất nước lâm nguy lại kêu gọi người dân đứng dậy bảo vệ cái mà chưa bao giờ là của họ, vậy có công bằng hay không?

- Trước sự bất công và thực trạng sa sút thảm hại của đất nước thì mỗi người dân có lương tâm đều thấy lo lắng và muốn thay đổi nó. Nếu các tiếng nói đối lập ôn hòa bị đàn áp thì nếu ai đó có bất bình thì chỉ còn một con đường duy nhất để “bày tỏ ý kiến” đó là con đường “bạo động”. Bất lực thì phải dùng vũ lực, đó là qui luật. Các cuộc đình công của công nhân, các cuộc đấu tranh của bà con dân oan bị mất đất đã mang tính chất bạo động như đập phá công ty, tấn công cảnh sát… con giun xéo mãi cũng quằn, những đám đông bất mãn không có người hướng dẫn và kiềm chế sẽ biến thành những quả bom thật sự.

- Những tiếng nói hay tổ chức chính trị ôn hòa cần được khuyến khích và tạo mọi điều kiện để cho nó hoạt động bởi vì đó sẽ là “tấm đệm” để tránh các cuộc cách mạng đường phố, những cuộc bạo động không có tổ chức và các cuộc trả thù cá nhân. Nếu nhà cầm quyền hiểu được điều đó thì những người như ông Nguyễn Thanh Giang phải là ân nhân của đảng chứ không phải là kẻ thù của đảng. Kẻ thù nguy hiểm nhất là kẻ không biết đối thoại, không chịu đối thoại mà chỉ có “chết cùng chết, sống cùng sống”, vì vậy mới có câu “thằng vua thua thằng liều”. Chẳng lẽ chính quyền Việt Nam lại muốn đối mặt với những kẻ như vậy? Đừng tưởng những kẻ “không còn gì để mất” là không đáng sợ! Những kẻ yếu thì họ sẽ chơi trò “cắn trộm” và lén lút, công an đông và mạnh cũng không làm gì được.

Thế nhưng, theo tôi lý do trên hết để chính quyền Việt Nam “khủng bố” ông Nguyễn Thanh Giang có lẽ đến từ “đứa con tinh thần” của ông, tức bán nguyệt san “Tổ Quốc”. Đây là tờ báo duy nhất từ trong nước được duy trì đều đặn suốt hai năm qua. Nó là cái gai trong mặt nhà cầm quyền cộng sản. Nó đã không chết yểu mà vẫn phát hành đều đều suốt 55 số qua, chỉ có một số tạm dừng vì ông chủ nhiệm báo Nguyễn Thanh Giang đang bị công an lục soát và bắt bớ.

Cái dấu ấn lớn nhất trong cuộc đời hoạt động cho dân chủ của ông Nguyễn Thanh Giang đó là khai sinh ra tờ báo “Tổ Quốc”, tôi tin rằng nó sẽ sống mãi với thời gian. Cái thông minh nhất của ông khiến tờ báo này duy trì được đến nay là ông đã biết kết hợp với những người Việt Nam yêu nước ở hải ngoại. Người đỡ đầu cho tờ báo tổ quốc là một kỹ sư, một nhà học giả và là nhà nghiên cứu nổi tiếng Trương Nhân Tuấn ở Pháp Quốc. Có lẽ tờ báo được duy trì một cách đều đặn như vậy cũng nhờ tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, nhiệt tình, chính xác của ông Trương Nhân Tuấn.

Sự thành công lớn lao của tờ báo Tổ Quốc đó là nó đã thay đổi được một lối nghĩ, một lối làm việc, một tư duy rất lạc hậu, rất cần được thay đổi đó là “việc của ai người đấy tự làm, không biết và không thể kết hợp với người khác”.


Tờ báo Tổ Quốc đã chứng minh một điều là để thành công cần phải biết vượt qua những ràng buộc và mặc cảm không cần thiết, những người yêu nước cần phải kết hợp lại với nhau trong một mục tiêu chung, không được phân biệt là trong hay ngoài nước, không cần phân biệt ai là chính ai là phụ, phải xem nhau như là đồng chí, đồng đội…

Ông Nguyễn Gia Kiểng cũng đã nhiều lần khẳng định rằng sở dĩ phong trào dân chủ chưa thành công là vì chúng ta thiếu “văn hóa tổ chức”. Nếu có văn hóa tổ chức (tức là biết và có thể cùng làm việc với nhau) thì đối lập dân chủ đã rất hùng mạnh và hoàn toàn có thể gây sức ép khiến đảng cộng sản phải thay đổi, chấp nhận thực thi dân chủ và tôn trọng các quyền của con người đã ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc và Hiến pháp Việt Nam.

Trong cái rủi có cái may, cuộc “khủng bố” của nhà cầm quyền đối với ông Nguyễn Thanh Giang đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đầu tiên là “quảng cáo” mạnh mẽ cho tờ báo “Tổ Quốc” của ông Nguyễn Thanh Giang. Sau vụ này sẽ có nhiều người biết và tìm đến với “Tổ Quốc” hơn. Cùng với đó là việc “quảng cáo” cho ông Nguyễn Gia Kiểng và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, những người đã không tiếc công sức và cả tiền bạc để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở trong nước và cụ thể là tờ báo “Tổ Quốc”. Nhiều người dân trong nước giờ đây sẽ trở nên mạnh mẽ hơn vì họ biết rằng họ sẽ không cô độc vì đồng bào Việt Nam yêu nước ở hải ngoại luôn ủng hộ và đứng bên họ.

Cái tích cực thứ hai mà vụ bôi bẩn ông Nguyễn Thanh Giang mang lại là nó đã gây nên một làn sóng bất bình của các tầng lớp trí thức trước hành động hạ cấp mà chính quyền và giới truyền thông bồi bút vu cáo cho ông. Nhiều tiếng nói đã cất lên bênh vực cho “Tổ Quốc” và ông Nguyễn Thanh Giang, trong đó có những tên tuổi rất đáng chú ý như: ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Hòa thượng Thích Tâm Long, luật sư Trần Lâm, ông Phạm Quế Dương, ông Vi Đức Hồi, thầy giáo Nguyễn Thượng Long, thầy giáo Trần Minh Quốc, ông Vũ Quốc Uy… cùng bao nhiêu người Việt Nam ưu tú, có tấm lòng và nhân cách khác.

Mùa xuân là mùa của ước mơ và hy vọng. Sự dũng cảm, lòng yêu nước, sự thẳng thắn và tinh thần bất diệt của ông Nguyễn Thanh Giang sẽ là cánh én báo hiệu mùa xuân đang về trên quê hương Việt Nam yêu dấu.

Năm mới tôi xin chúc cho ông được nhiều sức khỏe, minh mẫn và nghị lực để đi tiếp con đường đầy chông gai mà ông và tất cả những người Việt Nam yêu nước đã lựa chọn.

Lòng yêu nước, khát vọng mang lại sự thay đổi để cho Việt Nam có dân chủ và thịnh vượng sẽ mãi mãi là chất keo kết dính tất cả những người Việt Nam yêu nước lại với nhau và cả với ông Nguyễn Thanh Giang .

Việt Hoàng

(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)



Theo Tàu, Tàu sẽ hại ta
Dương Văn Nam

Theo Tàu, Tàu sẽ hại ta

Dại gì theo nước Trung Hoa làm sằng

Nghe đài tôi mới biết rằng

Trường Sa bị mất tôi thầm khóc than

Biên cương Bản Giốc, Nam Quan

Được tin đã mất tôi càng sót đau

Tự mình tôi mới hỏi sao

Biên cương, hải đảo thế nào mất đi

Mất đi vì mục đích gì ?

Vì dân, vì nước hay vì cá nhân

Mất đi cho một cái cần

Giữ độc tài chắc thì dân khổ nhiều

Các ông nên nhớ một điều

Ngàn năm Bắc thuộc xưa nhiều khổ đau

Giờ nay ông lại theo Tàu

Dần dần non nước về đâu hỡi ngài ?

Tương lai những tháng năm dài

Việt Nam lệ thuộc độc tài Bắc phương

Việt Nam - Trung Quốc chung đường

Chung sông, chung núi, tình thương chẳng còn

Việt Nam một nước bé con

Cạnh Tàu nước lớn hỏi còn gì đây

Các ông phải nịnh suốt ngày

Làm theo chủ ý quan thày Bắc Kinh

Càng nịnh, Trung Quốc càng khinh

Không nịnh nước lớn bực mình phạt ta

Độc tài xấu bẩn thế mà

Chư hầu nước lớn, nước ta khổ đời

Cuối cùng khổ nhất dân tôi

Phải theo đường lối của người Bắc phương

Con đường cộng sản ẩm ương

Mồm nói cộng sản nhưng đường đổi thay

Kinh tế "đổi mới" suốt ngày

Chính trị thì cứ bố mày độc tôn

Làm cho dân chúng oán hờn

Không thể đoàn kết giang sơn chống thù

Thằng Tàu khôn đắng chẳng ngu

Biết được ý đó luôn hù doạ ta

Việt Nam độc lập cơ mà

Tại sao cứ ép vào nhà Bắc phương

Dần dần xâm lấn biên cương

Đất đai, hải đảo thành đường Trung hoa

Cộng sản sao chẳng tỉnh ra

Giá mà theo Mỹ thì ta lợi nhiều

Hàn Quốc so với  bắc  Triều (1)

Hàn  quốc  theo Mỹ cánh diều vi vu

Bắc Triều cộng sản mịt mù

Đi theo đường lối dân ngu suốt đời

Qua rồi thế kỷ 20

Thế kỷ 21 của người đổi thay

Việt Nam cộng sản hôm nay

Nếu như theo Mỹ tràn đầy niềm vui

Cộng sản hơi cay tí thôi

Toàn dân hạnh phúc muôn đời ngợi ca

Tàu kia dù có dọa ta

Việt Nam thân Mỹ - Tàu là hãi ngay

Lá cờ đổi mới tung bay

Tự do như Mỹ tràn đầy tự tin !!!
Nông dân   Dương Văn Nam
Thôn 19, xã Tiên Hưng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang

 

Chú thích :  Bài thơ này tôi đã đọc trực tiếp cho đài phát thanh Viêt Nam Sydney Radio ở Úc Châu hồi 13 giờ 30 phút chiều ngày mùng 01/01/2009 trong mục "Lá thư quốc nội chiều thứ 5 hàng tuần" do nhà báo tự do Nguyễn Khắc Toàn thực hiện từ Hà Nội.


 (1) Tức nước bắc Triều Tiên cộng sản độc tài man rợ do cha con Hoàng đế CS họ Kim vô cùng  tham tàn và ác độc cai trị. Các  lãnh tụ cộng sản Bắc Triều này đang là người đồng chí rất  thân thiết  với  ĐCSVN và với  riêng ông TBT CSVN  họ Nông ở nước ta hiện nay

Tranh luận về quyền lực

cho tổng thống Mỹ
Phạm Hồng Sơn

Ngày 01 tháng Sáu, Hội nghị tiếp tục tranh luận về vị trí điều hành cơ quan hành pháp (1).


Bản kế hoạch của Virginia đã gợi ra rất nhiều điểm gây tranh cãi. Bản kế hoạch cho rằng vị trí đứng đầu cơ quan hành pháp phải do cơ quan lập pháp (quốc hội) lựa chọn. Trách nhiệm của vị trí này sẽ là thực thi các luật đã được quốc hội phê duyệt. Vị trí này sẽ đảm nhiệm trong một số năm xác định. Vị trí này sẽ chỉ được trả một khoản thù lao nhỏ.

Đó là những điểm làm cơ sở cho cuộc tranh luận. Phải mất vài tuần các đại biểu mới thảo ra được các chi tiết cho nhiệm vụ và quyền lực của vị trí đứng đầu cơ quan hành pháp.

Dường như mọi đại biểu trong Hội nghị Philadenphia đều có ý kiến đối với chức vụ đứng đầu cơ quan hành pháp. Tất cả họ đều đã ít nhiều suy nghĩ về vấn đề này từ trước.

Gần như tất cả các đại biểu đều e sợ vị trí này sẽ được trao quá nhiều quyền lực. Hầu như không có ai muốn vị trí đứng đầu cơ quan điều hành nước Mỹ có quyền lực lớn như của một ông vua. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tỏ ra tin vào ý tưởng vị trí đứng đầu cơ quan điều hành quốc gia được giao cho một người. Trong khi một số khác yêu cầu vị trí đó phải do ba người đảm nhiệm.

James Willson của Pennsylvania lập luận ủng hộ ý tưởng một người. Ông cho rằng vị trí này cần sức mạnh và khả năng để có thể đưa ra những quyết định nhanh. Những yêu cầu này chỉ được thực hiện tốt nhất khi để một người thực hiện.

Edmund Randolph của Virginia lại phản đối quyết liệt. Ông này cho rằng để một người điều hành sẽ là mầm mống cho chế độ độc đoán quân chủ.

John Dickinson của Delaware nói rằng ông ta không phản đối ý tưởng về chế độ quân chủ, về một chính quyền do một ông vua đứng đầu. Ông cho rằng đó chính là một trong các chính quyền tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, ở nước Mỹ, ông ta nói, vua đã bị loại ra khỏi cuộc bàn luận rồi.

Cuộc tranh luận về qui mô của vị trí đứng đầu cơ quan hành pháp đã tốn nhiều thời gian. Cuối cùng, các đại biểu đã bỏ phiếu để quyết định. Đại biểu đến từ bảy bang bỏ phiếu thuận cho ý tưởng một người điều hành. Ba bang bỏ phiếu chống.

Cuộc tranh luận cũng đặt ra nhiều câu hỏi khác cho vấn đề này. Một trong số đó là về thời gian cho nhiệm kỳ. Người ở vị trí này nên giữ một nhiệm kỳ hay có thể được bầu lại.

Alexander Hamilton cho rằng cần có nhiệm kỳ dài. Ông lập luận rằng một tổng thống nếu chỉ giữ quyền trong một hoặc hai năm, nước Mỹ sẽ có rất nhiều cựu tổng thống và những người này, ông nói tiếp, sẽ đánh nhau vì quyền lực. Như thế sẽ tai hại cho hòa bình của đất nước.

Benjamin Franklin lại ủng hộ cho việc được bầu lại. Ông cho rằng nhân dân chính là người cầm quyền của một nước cộng hòa. Và tổng thống chỉ là người phục vụ nhân dân. Do đó, nếu người dân muốn bầu lại một tổng thống bao nhiều lần thì đó là quyền của người dân.

Các đại biểu cũng tranh luận về hai đề nghị. Một là cho một nhiệm kỳ 03 năm với khả năng được bầu lại. Đề nghị kia là chỉ một nhiệm kỳ kéo dài 07 năm. Kết quả bỏ phiếu rất sít sao. Đại biểu của năm bang ủng hộ nhiệm kỳ 07 năm. Bốn bang kia chống lại. Vấn đề này sau đó vẫn tiếp tục được bàn thảo suốt Hội nghị. Cuối cùng, trong văn kiện tổng kết, Hội nghị đã thống nhất cho nhiệm kỳ tổng thống là 04 năm và có khả năng được bầu lại.

Câu hỏi tiếp theo là làm cách nào để chọn được người đứng đầu cơ quan hành pháp. Đây là một vấn đề rất khó khăn. Hội nghị phải trải qua nhiều cuộc tranh luận, bỏ phiếu, rồi lại tranh luận, lại bỏ phiếu, lại tranh luận. James Willson đề nghị tổng thống sẽ do các đại diện đặc biệt của dân bầu ra gọi là các đại cử tri. Đại cử tri lại được chọn ra từ các quận, vùng đã được thiết kế cho phù hợp với mục đích này.

Nhiều đại biểu không đồng ý với ý kiến này, họ cho rằng hiểu biết của người dân chưa đủ để có lựa chọn tốt những đại cử tri. Những đại biểu này nói rằng kế hoạch đó rất khó thực hiện và rất tốn kém.

Có một đại biểu đưa ra ý tưởng tổng thống sẽ được thống đốc các bang bầu ra. Các thống đốc của bang lớn sẽ có nhiều phiếu bầu hơn các bang nhỏ. Không có ai ủng hộ ý tưởng này, nhất là các đại biểu đến từ các bang nhỏ. Ý tưởng này bị bác bỏ ngay.

Lại có một đề xuất là tổng thống do người dân trực tiếp bầu ra. Elbridge Gerry của Massachusetts bị sốc ngay vì ý tưởng này.

“Người dân không hiểu được những vấn đề như thế này,” Elbridge Gerry nói. “Một vài kẻ gian xảo sẽ dễ dàng đánh lừa người dân ngay. Cách tai hại nhất để chọn ra tổng thống là để người dân bỏ phiếu bầu.”

Thế là các đại biểu đồng ý để cơ quan lập pháp bổ nhiệm tổng thống. Nhưng sau đó họ lại bỏ phiếu chống lại phương pháp này và nói rằng để cho quốc hội các bang chọn ra các đại cử tri để bầu tổng thống. Nhưng sau đó, cách này cũng không được chấp nhận khi đưa ra bỏ phiếu. Cuộc tranh luận lại tiếp tục chuyển sang cách bầu trực tiếp thông qua người dân.

Hội nghị đã phải làm sáu mươi cuộc bỏ phiếu về vấn đề này. Và cuối cùng toàn Hội nghị đã đồng ý để vị trí đứng đầu cơ quan hành pháp (tổng thống) được bầu thông qua các đại cử tri do quốc hội của các bang chọn ra.

Vậy là, có người lên tiếng, chúng ta đã định xong cách chọn ra tổng thống. Nhưng chúng ta sẽ làm gì nếu tổng thống làm những điều có hại sau khi được nắm quyền? Chúng ta cần có cách để phế truất tổng thống.

Đúng thế, cả Hội nghị cùng tán thưởng. Cần phải có cách để đưa ra luận tội tổng thống, xét xử tổng thống và nếu ông ta được chứng minh là có tội, sẽ phế truất ông ta. Thống đốc Morris của Pennsylvania lên tiếng ủng hộ việc luận tội. Ông nói rằng một tổng thống có thể phản bội niềm tin của dân chúng khi bị một thế lực lớn nào đó tác động.

Các đại biểu đã phê chuẩn đề xuất phế truất tổng thống khi bị chứng minh đã phạm vào tội hối lộ, phản bội hoặc các tội nguy hiểm khác.

Vấn đề quan trọng cuối cùng liên quan tới vị trí tổng thống là quyền phủ quyết các quyết định của quốc hội.

Trước đó, không đại biểu nào muốn trao cho tổng thống toàn quyền bác bỏ các luật. Nhưng đến lúc này các đại biểu đã cảm thấy tổng thống nên có tiếng nói trong quá trình làm luật. Nếu không có tiếng nói đó, họ nói, vị thế của tổng thống sẽ rất ít ý nghĩa. Và quốc hội sẽ có quyền lực như một kẻ độc tài.

James Madison đề nghị một giải pháp: Tổng thống nên có quyền phủ quyết luật, nhưng quyền đó sẽ bị bác lại nếu đa phần thành viên quốc hội bỏ phiếu ủng hộ thêm một lần nữa.

Văn kiện tổng kết của Hội nghị đã liệt kê thêm các chi tiết cho vị trí người đứng đầu cơ quan hành pháp (tổng thống). Ví dụ, tổng thống phải là người được sinh ra tại Mỹ hoặc là công dân Mỹ vào lúc Hiến pháp được công nhận. Người làm tổng thống phải sinh sống tại Mỹ được ít nhất 14 năm. Tuổi của tổng thống phải ít nhất là 35.

Tổng thống được trả lương. Nhưng mức lương không được tăng hoặc giảm trong thời gian đương chức. Tổng thống sẽ là tổng chỉ huy quân đội. Và thường kỳ, tổng thống phải báo cáo cho quốc hội về tình trạng của toàn liên bang.

Văn kiện tổng kết Hội nghị cũng định ra những diễn từ cho lời tuyên thệ nhậm chức của tổng thống. Cứ bốn năm một lần, từ hơn hai trăm năm nay, mỗi tổng thống đều cất lên lời thề sau:

“Tôi xin long trọng tuyên thệ, tôi sẽ thực thi trách nhiệm của Tổng thống Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ một cách trung thực và tôi sẽ, bằng mọi khả năng của mình, gìn giữ, bảo vệ và che chở Hiến pháp của Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ.”
Tháng 01/2009

Phạm Hồng Sơn

chuyển ngữ theo sự cho phép của VOA.



(Nguồn: http://voanews.com/specialenglish/archive/2008-02/2008-02-06-voa1.cfm. program #19 of THE MAKING OF A NATION)

Chữ TÂM chữ NHẪN giật đi rồi

Chữ TĨNH thôi đừng dán khắp nơi

Chữ ĐỒNG chữ TIẾN sao không viết

Cải Á, trừ mau hận giống nòi ?

HSP



tải về 0.53 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương