Quy hoạch tổng thể VỀ phát triển công nghiệp xe máy dự thảo cuối cùNG


-2. Nhu cầu phát triển nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao



tải về 1.6 Mb.
trang5/13
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích1.6 Mb.
#22002
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13

4-2. Nhu cầu phát triển nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao
Tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực đối với tăng trưởng công nghiệp đã được biết đến từ lâu. Tuy nhiên, do hạn chế về thời gian và nguồn tài chính, Việt Nam cần có mục tiêu cụ thể và biện pháp chính sách hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực một cách chọn lọc. Như đã đề cập ở trên, chúng ta hy vọng ngành công nghiệp xe máy trở thành ngành công nghiệp trọng điểm, tạo ra xung quanh đó công nghiệp hỗ trợ lớn mạnh, nguồn nhân lực kỹ thuật cao, và nâng cao sức cạnh tranh của tất cả mọi ngành công nghiệp chế tạo lắp ráp của Việt Nam. Chính sách phát triển nguồn nhân lực phải hỗ trợ mục tiêu này.
Có ba nhóm nguồn nhân lực công nghiệp cho ngành xe máy mà cần thiết phải có sự hỗ trợ chính thức.
Thứ nhất, Việt Nam cần cung cấp đủ chuyên gia hàng đầu trong việc quản lý các doanh nghiệp chế tạo hoặc thiết kế và giám sát các quá trình sản xuất. Nhóm chuyên gia này phải được đào tạo ở cấp đại học hoặc cao hơn, ở trong nước hoặc nước ngoài, ví dụ như tại viện công nghệ, khoa cơ khí của các trường đại trong nước hoặc nước ngoài. Họ cần phải học lý thuyết cơ bản, các kiến thức và kỹ năng liên quan, có thái độ phù hợp với ngành nghề và tầm nhìn xa. Muốn vậy, cần phải có đội ngũ giảng viên, giáo trình, tài liệu và thiết bị giảng dạy chất lượng tốt, tập trung chủ yếu vào thực hành ứng dụng, và tương xứng với năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế tạo toàn cầu. Chính phủ nên tập trung đầu tư nâng cao chất lượng các yếu tố kể trên, kể cả kêu gọi sự trợ giúp từ nước ngoài nếu cần thiết.
Thứ hai, đội ngũ nhân công tại các nhà máy chế tạo cần phải nâng cao năng lực kỹ thuật. Điều này rất quan trọng đối với các quy trình sản xuất phụ thuộc nhiều vào máy móc, thiết bị mà việc thiết kế, điều chỉnh và vận hành có yêu cầu nghiêm ngặt, cũng như công nhân làm việc ở các khâu đó cần phải tích luỹ kỹ năng và kiến thức trong nhiều năm. Những doanh nghiệp chế tạo như vậy cần rất nhiều công nhân đa kỹ năng có thể thực hiện được nhiều công việc khác nhau và nắm vững toàn bộ quy trình sản xuất. Đội ngũ công nhân này ban đầu học tại các trường kỹ thuật hoặc cao đẳng công nghiệp, sau đó chuyển đến nhà máy để được đào tạo tại chỗ. Cần phải có một đội ngũ giảng dạy, giáo trình, tài liệu và thiết bị giảng dạy tốt, có tính thực tiễn và phù hợp, giống như đào tạo đội ngũ kỹ sư, quản lý kể trên. Để đáp ứng được đòi hỏi này, điều quan trọng là phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng học viên sau khi tốt nghiệp. Trái lại, đối với các nhà máy lắp ráp đơn giản hay gia công may mặc thì không cần có công nhân kỹ thuật cao. Do vậy các hỗ trợ đào tạo chính thức kể trên là không cần thiết vì các nhà máy này chỉ cần tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn là có thể trang bị các kỹ năng cần thiết cho nhân công của mình.
Thứ ba, cần hỗ trợ các tổng giám đốc, giám đốc phân xưởng, kỹ sư và công nhân đa kỹ năng đang gặp khó khăn trong công việc nhưng có định hướng đúng đắn và quyết tâm học hỏi. Trong số những người này, thái độ và lòng nhiệt huyết của tổng giám đốc là nhân tố quyết định để có thể cải thiện được hoạt động của doanh nghiệp. Một khi mà đội ngũ lãnh đạo công ty có lòng quyết tâm cao, những chương trình hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn được thiết kế riêng cho nhà máy cần phải được triển khai với sự giúp đỡ của một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong ngành (“bác sỹ nhà máy”) hay của một công ty tư vấn chuyên về cải tiến hoạt động của doanh nghiệp theo dạng này. Nội dung, phương pháp và thời gian của chương trình như vậy có thể khác nhau tùy vào từng trường hợp cụ thể. Các hỗ trợ khác có thể được huy động từ các đối tác FDI, chính phủ hay các tổ chức quốc tế. Việc tìm kiếm nguyên nhân và đưa ra biện pháp sửa chữa theo đơn đặt hàng của từng trường hợp cụ thể như vậy là hiệu quả nhất. Tuy vậy, cũng có thể sử dụng các khóa học được thiết kế sẵn nếu vấn đề của nhà máy được xác định rõ ràng, và các khóa học thích hợp có thể được tổ chức vào thời gian và địa điểm thuận tiện cho công ty.
Ở nhiều nước, định kiến xã hội cho rằng đội ngũ nhân viên làm việc tại văn phòng sạch sẽ, có máy điều hoà “giỏi hơn” đội ngũ quản đốc, kỹ sư làm việc tại những phân xưởng ồn ào và ẩm thấp cùng với đội ngũ công nhân cấp dưới. Những định kiến kiểu này không tồn tại ở Nhật Bản, nơi sản sinh ra những người như Sakichi Toyota (1867-1930), Konosuke Matsushita (1894-1989), và Soichiro Honda (1906-1991), những người ban đầu đều là những kỹ sư làm việc đầy hăng say tại các phân xưởng đầy dầu mỡ và bụi bặm. Monozukuri (tinh thần sản xuất hàng hoá) của Nhật Bản, tinh thần luôn theo đuổi sản xuất với kỹ năng cao, tự hào và cống hiến lâu dài cho nhà máy, được sinh ra từ thái đội tích cực như vậy đối với các công việc tại phân xưởng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nghề nghiệp trong công nghiệp chế tạo dường như không được xã hội coi trọng bằng các nghề như luật sư, bác sỹ hay kỹ sư công nghệ thông tin. Sinh viên thích học các ngành kinh tế, ngân hàng và máy tính hơn là cơ khí. Nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, Chính phủ Việt Nam nên làm thay đổi thái độ xã hội đó bằng cách phát động các chiến dịch nhằm định hướng lại suy nghĩ của người dân, tôn vinh các giám đốc nhà máy và kỹ sư tài năng và ưu tiên hỗ trợ giáo dục và đào tạo kỹ thuật.
Nguồn nhân lực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ là hai mặt của một vấn đề, một bên liên quan đến con người và bên kia liên quan đến các yếu tố vật chất, cùng đảm bảo cho một đất nước vượt trội trong sản xuất công nghiệp. Các yếu tố này sẽ cho phép Việt Nam có bước đột phá trong công nghệ cũng như vượt qua thách thức cạnh tranh từ phía Trung Quốc. Theo thuật ngữ của giáo sư Takahiro Fujimoto, Việt Nam nên làm chủ sản xuất tích hợp (chương 2). Công nghiệp hỗ trợ và nguồn nhân lực công nghiệp là hai tiền đề cho việc làm chủ sản xuất tích hợp.
Dưới đây là một số đề xuất chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và nguồn nhân lực công nghiệp.

4-3. Các biện pháp ưu đãi
Những ưu đãi về thuế và trợ giúp tài chính là những công cụ chính sách cơ bản cho việc thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Những chính sách này thường được áp dụng tại các nước ASEAN dưới dạng các biện pháp thúc đẩy SME, bởi các quốc gia này nhận thức rõ tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các chính sách như vậy vẫn chưa được đưa ra và các biện pháp ưu đãi chỉ chú trọng vào các ngành “công nghệ cao” hoặc các dự án ở các vùng sâu vùng xa. Bản quy hoạch tổng thể này đề xuất rằng Việt Nam cần đưa ra các biện pháp ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ, và những ưu đãi này phải đủ sức cạnh tranh, nhưng không thái quá so với ưu đãi của các nước láng giềng, để đủ hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Mặc dù các chính sách ưu đãi này không thôi vẫn còn là chưa đủ, nhưng đó cũng là điều kiện cơ bản để khuyến khích đầu tư vào thiết bị và nâng cao kỹ năng tay nghề. Tuy vậy, để thực thi chính sách này, trước hết cần phải làm rõ khái niệm về công nghiệp hỗ trợ.
Nói chung, công nghiệp hỗ trợ là một nhóm các nhà sản xuất của một nước, gồm cả nhà sản xuất nội địa và FDI, cung cấp các yếu tố đầu vào trung gian cho các nhà lắp ráp tại nước đó. Phạm vi chính xác của công nghiệp hỗ trợ phụ thuộc vào từng trường hợp cũng như ý định của nhà hoạch định chính sách12. Phạm vi của công nghiệp hỗ trợ có thể hẹp chỉ thuộc một ngành công nghiệp cụ thể hoặc là rộng hơn liên quan đến tất cả các ngành sản xuất, chế tạo, gồm cả dệt may và hóa chất. Tuy nhiên, thuật ngữ công nghiệp hỗ trợ mà Nhật Bản sử dụng lần đầu tiên trong thập niên 1980 nhằm đến các nhà cung cấp của các ngành công nghiệp chế tạo lắp ráp như ô tô, xe máy, điện, điện tử và máy móc chính xác.
Phạm vi của đầu vào là một khía cạnh khác của công nghiệp hỗ trợ (Hình 4-2).Có một cách xác định công nghiệp hỗ trợ là gộp cả yếu tố đầu vào vật chất (phụ tùng và linh kiện) với dịch vụ công nghiệp như dịch vụ hậu cần, kho bãi, phân phối và bảo hiểm. Một cách khác là chỉ tính đầu vào vật chất, nhưng gồm cả nguyên vật liệu thô. Hai phạm vi xác định này có bộ phận trùng nhau, có thể xem đó là phần cốt lõi của công nghiệp hỗ trợ. Nó bao gồm linh phụ kiện được chế tạo từ thép, nhựa hay cao su và các quy trình sản xuất như rập, đúc, rèn, hàn, chế tạo khuôn, gia công cơ khí, mạ, và xử lý nhiệt. Cụ thể hơn, công nghệ chế tạo, điều chỉnh và xử lý khuôn dập và khuôn đúc chiếm vị trí trung tâm trong phần cốt lõi của công nghiệp hỗ trợ.
Với mục đích đưa ra các chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển, quy hoạch này xác định công nghiệp hỗ trợ ở nghĩa tương đối hẹp, chỉ bao gồm các quá trình dập, đúc, hàn, xử lý nhiệt, chế tạo khuôn mẫu, những lĩnh vực có tầm quan trọng to lớn cho phát triển công nghiệp chế tạo mà hiện ở Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng cả về số lượng và chất lượng13. Lý do thu hẹp khái niệm là nhằm mục đích tập trung ngân quỹ hỗ trợ phát triển có hạn, thúc đẩy một số ngành trọng điểm phát triển. Tuy nhiên, phạm vi hỗ trợ cho các ngành công nghiệp hỗ trợ rộng hơn có thể được mở rộng trong tương lai

Hình. 4-2 Phạm vi của công nghiệp hỗ trợ

Nguồn: xem chú thích 12.


Ưu đãi về thuế là công cụ chính trong chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. Các quốc gia láng giềng trong ASEAN, đặc biệt là Malaysia và Thái Lan, đã đưa ra các ưu đãi này trong các các chiến dịch trọng điểm quốc gia nhằm phát triển SMEs. Việc miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu máy móc thiết bị và hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu triển khai là các biện pháp phổ biến mà Việt Nam nên áp dụng đối với năm hoạt động nêu trên. Hơn nữa, cần thành lập một tổ chức tài chính đặc biệt để cấp vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, và hoạt động cho vay của tổ chức này cần được triển khai sớm.
Tất cả các biện pháp ưu đãi phải được thực hiện công bằng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế theo những nguyên tắc của WTO.


4-4. Nối kết chuyên gia đã nghỉ hưu của Nhật và đội ngũ lao động trẻ Việt Nam
Ở Nhật Bản, một lượng lớn các giám đốc và kỹ sư giàu kinh nghiệm sinh trong khoảng những năm 1947-1949 đang gần đến tuổi nghỉ hưu (được gọi là “Vấn đề năm 2007” ở Nhật Bản). Nhiều người trong số họ vẫn còn khỏe mạnh và mong muốn góp phần nâng cao kỹ năng công nghiệp ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, họ không thể tự thực hiện được kế hoạch này do rào cản ngôn ngữ, thủ tục hành chính phức tạp và điều kiện sống không ổn định ở nước ngoài. Ngược lại, Việt Nam lại có một lượng lớn những người trẻ tuổi, có thể làm việc tốt trong ngành sản xuất chế tạo nếu được hướng dẫn và đào tạo phù hợp. Nhưng lớp trẻ này lại không có cơ hội tiếp cận chương trình hướng dẫn và đào tạo như vậy vì các trường chỉ giảng dạy các lý thuyết và kỹ năng cơ bản.
Vì vậy, quy hoạch này đề xuất Chính phủ Việt Nam nên phối hợp với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản triển khai chương trình mời các chuyên gia đã về hưu của Nhật Bản sang làm việc cùng giám đốc và kỹ sư của Việt Nam nhằm truyền đạt lại các kỹ năng sản xuất và thái độ làm việc. Chương trình này có thể gọi là chương trình Trao đổi kỹ năng Việt Nam - Nhật Bản, bao gồm: (i) dịch vụ đăng ký và môi giới, (ii) hỗ trợ về mặt hành chính và thủ tục, (iii) hỗ trợ các chuyên gia đã về hưu của Nhật làm quen với điều kiện sống và làm việc tại Việt Nam như đi lại, ngôn ngữ, dịch vụ y tế và nhà ở, (iv) trả lương không cao, nhưng hợp lý cho chuyên gia, và (v) các cơ chế đánh giá, giám sát và giải quyết các vấn đề nảy sinh. Hình thức và thời gian làm việc cần linh hoạt phù hợp với nhu cầu của cả chuyên gia đã về hưu của Nhật và các doanh nghiệp Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam nên soạn thảo kế hoạch hợp tác ban đầu và đề xuất với phía Nhật Bản để hai bên tiếp tục cụ thể hóa và điều chỉnh, bổ sung. Cần thành lập một cơ quan đặc biệt để thực hiện chương trình này. Chương trình thử nghiệm ban đầu nên được tiến hành với quy mô nhỏ để lấy kinh nghiệm sau đó sẽ triển khai ở quy mô lớn hơn. Chương trình này cũng nên tìm kiếm thêm nguồn hỗ trợ từ phía chính phủ và tư nhân của Nhật Bản. Thông qua chương trình này, Việt Nam phải trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong tất cả các quốc gia đang phát triển trong mắt những chuyên gia đã về hưu của Nhật Bản, những người có mong muốn truyền đạt kỹ năng và kiến thức của mình.
4-5. Giáo dục và đào tạo kỹ thuật, nghề nghiệp
Nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao với số lượng lớn, Việt Nam cần cải thiện các chương trình đào tạo hiện có và bổ sung các chương trình mới nhờ những nỗ lực hợp tác của nhà nước và tư nhân.
Thứ nhất, chính phủ nên hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo cho các doanh nghiệp hoạt động trong năm lĩnh vực đã xác định ở trên là dập, đúc, rèn, hàn, và chế tạo khuôn dập và khuôn đúc, khi doanh nghiệp tiến hành đào tạo quản đốc, nhân viên hay công nhân, không phân biệt việc đào tạo diễn ra trong hay ngoài công ty, và kể cả gửi ra nước ngoài. Các hoạt động đào tạo có thể bao gồm (i) các lớp được tổ chức tại doanh nghiệp; (ii) đào tạo tại chỗ; (iii) các khoá đào tạo ngắn hạn và dài hạn do các tổ chức tư nhân, nhà nước, hay nước ngoài thực hiện; (iv) cử công nhân đến các nơi khác, trong nước hay nước ngoài, để đào tạo; và (v) tổ chức các cuộc thi tay nghề như Olympic kỹ năng, Olympic quản lý chất lượng để công nhân kỹ thuật trong cùng ngành nghề ở các vùng và quốc gia khác nhau gặp gỡ và thi đấu tay nghề. Ngoài ra, cần quảng bá và khai thác hiệu quả hơn các chương trình đào tạo do các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện, như đề cập trong Bảng 4-1 dưới đây.

Bảng 4-1 Các chương trình đào tạo kỹ thuật do nước ngoài tài trợ tại Việt Nam


Chương trình

Địa điểm

Nhà tài trợ

Hoạt động chính

Hiệp hội cung cấp học bổng đào tạo kỹ thuật hải ngoại (AOTS)

Theo nhu cầu

Nhật Bản

Hỗ trợ đào tạo kỹ thuật ở Việt nam và Nhật Bản

JODC

Theo nhu cầu

Nhật Bản

Dịch vụ chuyên gia tư vấn

Trung tâm Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản (VJCC)

Hà Nội và TP HCM

Nhật Bản

Đào tạo, mở các khóa học về kinh doanh, tư vấn kinh doanh theo yêu cầu cụ thể

Chương trình trao đổi chuyên gia JETRO – JEXSA

Theo nhu cầu

Nhật Bản

Dịch vụ chuyên gia tư vấn

Chương trình JETRO - J-Front

Theo nhu cầu

Nhật Bản

Dịch vụ chuyên gia tư vấn

Chương trình Kết nối các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam của JETRO

Hà Nội, TP HCM

Nhật Bản

Các doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam tìm kiếm đối tác

Dự án JBIC hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Toàn quốc

Nhật Bản

Các khoản vay theo hai bước thông qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tài chính

Dự án JBIC&JICA về hỗ trợ phát triển giáo dục công nghệ thông tin và viễn thông cho Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Hà Nội

Nhật Bản

JBIC cung cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và JICA hỗ trợ nguồn nhân lực về công nghệ thông tin

Chương trình của JICA về trao đổi “hạt nhân xanh” (grass-roots) giữa các nước

Hà Nội

Nhật Bản

Hỗ trợ nguồn nhân lực về môi trường

Dự án về nguồn nhân lực của JICA

TP HCM

Nhật Bản

Nâng cao năng lực của giáo viên và cán bộ hành chính các trường đại học

Trung tâm Nguồn nhân lực Việt Nam của JICA

Hà Nội

Nhật Bản

Các khóa đào tạo về kinh doanh, về tiếng Nhật và các dự án trao đổi

Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI TAC)

Hà Nội

Nhật Bản

Cơ sở dữ liệu, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Chuyên gia của tổ chức JICA

Theo nhu cầu

Nhật Bản

Dịch vụ chuyên gia tư vấn

Trung tâm đào tạo kỹ thuật Việt Nam - Singapore

Bình Dương, Hà Nội

Singapore

Đào tạo kỹ thuật và đào tạo nghề

GTZ Việt Nam

Theo nhu cầu

Đức

Dịch vụ tư vấn, đào tạo giáo viên cho các trường dậy nghề

Thứ hai, đội ngũ giảng viên, giáo trình và trang thiết bị học tập tại các trường đào tạo nghề, cao đẳng và đại học phải được nâng cấp cả về chất lượng và số lượng để có thể cung cấp các chương trình giáo dục, đào tạo kỹ thuật mang tính thực tiễn và cập nhật. Cần khuyến khích các chương trình đào tạo liên kết có sự tham gia của cả doanh nghiệp FDI và nhà cung cấp nội địa14. Trong các chương trình như vậy, phương pháp và tài liệu giảng dạy phải được xây dựng và sửa đổi với những tư vấn của các doanh nghiệp tuyển dụng sau này. Có nhiều nhà sản xuất FDI tỏ ý muốn tham gia các chương trình đào tạo liên kết kiểu này, thậm chí sẽ sẵn sàng gửi các kỹ sư giàu kinh nghiệm của họ đến giảng dạy hoặc cho phép sử dụng máy móc thiết bị của họ để phục vụ đào tạo, một khi chính phủ thực sự cố gắng thúc đẩy các chương trình đào tạo kiểu này. Chính phủ nên thiết lập khuôn khổ thực thi các chương trình này, và tìm kiếm sự hợp tác quốc tế nếu cần thiết. Chính phủ cũng cần hỗ trợ chính thức cho hoạt động nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên để đạt chuẩn quốc tế.


Thứ ba, chính phủ nên xây dựng hệ thống chứng chỉ quốc gia về Meister công nghiệp (là những kỹ sư lành nghề hay công nhân đa kỹ năng có khả năng đào tạo lại cho người khác). Chính phủ nên lập một cơ quan cấp chứng chỉ kỹ thuật với những tiêu chí yêu cầu rõ ràng cho từng kỹ năng nghề cụ thể. Nên tổ chức các kỳ thi trên toàn quốc và những người vượt qua được kỳ thi đó sẽ được cấp chứng chỉ Meister công nghiệp. Hệ thống này sẽ mở rộng đội ngũ công nhân lành nghề và khuyến khích kỹ sư giỏi luôn phấn đấu và để được xã hội coi trọng. Chính phủ cũng nên khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chế tạo liên kết chính sách nhân sự của mình với chứng chỉ Meister công nghiệp. Những người có chứng chỉ nên được cất nhắc và hưởng lương cao hơn để họ gánh vác trách nhiệm đào tạo đội ngũ công nhân trẻ15.
4-6. Marketing FDI chiến lược
Cần thực hiện marketing FDI chiến lược dựa trên nên tảng lý thuyết và được chính phủ Việt Nam cam kết hậu thuẫn mạnh mẽ để thu hút nhiều hơn đầu tư của các nhà cung cấp linh phụ kiện FDI vào các ngành mục tiêu. Hoạt động marketing như vậy yêu cầu các bước sau.
Thứ nhất, thu hẹp phạm vi các ngành mục tiêu. Để triển khai marketing FDI chiến lược, Việt Nam phải biết được mình muốn thu hút nhà cung cấp FDI nào nhất. Công nghiệp hỗ trợ nói chung thì còn quá rộng để có thể tập trung hiệu quả. Đối với công nghiệp xe máy, năm quy trình cơ bản là dập, đúc, rèn, hàn, và chế tạo khuôn mẫu, như đề xuất ở trên, cần được tập trung ưu tiên phát triển trong thời gian tới.
Thứ hai, triển khai mạnh mẽ các hoạt động marketing. Ba biện pháp cơ bản để xúc tiến đầu tư là: (i) tổ chức hội nghị, hội thảo ở nước ngoài do chính quyền trung ương, chính quyền địa phương hay các khu công nghiệp tiến hành, (ii) mời các nhà đầu tư tới Việt Nam khảo sát, và (iii) lập các văn phòng xúc tiến đầu tư ở các thành phố nước ngoài có nhiều nhà đầu tư tiềm năng. Mặc dầu Việt Nam đã thực hiện tất cả các hoạt động này, nhưng chất lượng và lượng thông tin cung cấp vẫn chưa đủ so với những gì mà Thái Lan hoặc Malaysia đã làm được. Sử dụng các kênh này, Việt Nam phải năng động tiếp cận các khách hàng, nhà đầu tư cụ thể thay vì thực hiện maketing đại trà, thụ động. Để tiết kiệm chi phí duy trì các văn phòng xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, cần lựa chọn cẩn thận các thành phố mục tiêu. Các chính quyền địa phương có thể tận dụng dịch vụ xúc tiến của các tổ chức công hoặc các NPO16. Cũng cần lưu ý rằng các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng không chỉ muốn nghe nói về những lợi thế khi đầu tư vào Việt Nam mà còn muốn tìm hiểu thông tin cụ thể về địa phương cũng như những khó khăn có thể có khi đầu tư vào Việt Nam.
Thứ ba, cần phải xây dựng các khu công nghiệp và nhà máy cho thuê nhằm thu hút các nhà đầu tư đặc biệt. Hầu hết các nhà cung cấp FDI là SME tại đất nước họ nên có ít kinh nghiệm hoạt động kinh doanh quốc tế. So với các công ty đa quốc gia có tên tuổi, các doanh nghiệp này rất sợ rủi ro bởi vì bất kỳ sai lầm nào trong đầu tư nước ngoài cũng sẽ khiến hoạt động kinh doanh của họ bị phá sản hoàn toàn. Họ cũng rất quan ngại về sự bất ổn trong chính sách và thủ tục hành chính phức tạp, đặc biệt là ở Việt Nam. Rủi ro sẽ cao hơn khi SME tự đến một mình mà không đi theo và phục vụ cho một nhà lắp ráp lớn. Những SME này thường khởi nghiệp với quy mô nhỏ vì nhu cầu ở Việt Nam ban đầu tương đối nhỏ. Để tối thiểu hóa rủi ro và chi phí đầu tư, Việt Nam nên xây dựng các khu công nghiệp có vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng hoàn thiện và có một ban quản lý hiệu quả để hỗ trợ về thủ tục hành chính và ngôn ngữ. Một giải pháp khác là xây dựng các nhà máy cho thuê chia thành các lô phân xưởng rộng khoảng 300-400 mét vuông với các dịch vụ hỗ trợ hiệu quả. Những khu công nghiệp và nhà máy cho thuê như vậy là một công cụ marketing tốt thể hiện sự nghiêm túc của nước chủ nhà cố gắng giảm thiểu chi phí kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Các nước châu Á khác thường xuyên phối hợp với các tổ chức của Nhật Bản tiến hành các hoạt động marketing FDI mục tiêu. Liên kết đối tác giữa quận Ota của Tôkyô và tập đoàn Amata của Thái Lan là một ví dụ điển hình. Ủy ban Đầu tư (BOI) của Thái Lan chọn đầu tư của các nhà sản xuất khuôn đúc và khuôn dập của Nhật Bản làm mục tiêu cần thu hút để giúp họ phát triển công nghiệp ô tô. Họ chọn quận Ota làm đối tác, và đề nghị tập đoàn Amata xây dựng Khu Công nghệ Ota, các nhà máy cho thuê chia lô ở Chon Buri gần thủ đô Băng Cốc để thu hút SME của Nhật Bản. Tám nhà máy xây dựng trong giai đoạn thứ nhất đã được thuê trong năm 2006 và tập đoàn Amata đang triển khai giai đoạn hai. Ở Ấn Độ, bang Rajasthan đã phối hợp với JETRO xây Khu công nghiệp Nimurana Nhật bản trên đường cao tốc số 8 gần thủ đô Delhi, và gần các nhà máy lắp ráp của Suzuki, Honda và Nissan. Khu công nghiệp sẽ có diện tích khoảng 4,5 km vuông và dự định hoàn thành năm 2008. Ở Inđônêxia, Hiệp hội Công nghiệp khuôn đúc và khuôn dập Inđônêxia (IMDIA) đã được thành lập năm 2006, là kết quả hợp tác song phương nhà nước – tư nhân giữa Inđônêxia và Nhật Bản nhằm thúc đẩy ngành này phát triển.

tải về 1.6 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương