Paris Convention for the Protection of Industrial Property – Paris Convention


Điều 11 Sáng chế, mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá



tải về 249.81 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích249.81 Kb.
#35325
1   2   3   4

Điều 11

Sáng chế, mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá:

Bảo hộ tạm thời tại những cuộc triển lãm quốc tế nhất định
(1) Các nước thành viên của Liên minh, theo luật quốc gia của mình, dành sự bảo hộ tạm thời cho các sáng chế, mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hoá có khả năng được bảo hộ đối với các hàng hoá trưng bày tại các triển lãm quốc tế chính thức hoặc được công nhận là chính thức tổ chức tại một trong số các nước đó.

(2) Sự bảo hộ tạm thời nêu trên không được kéo dài quá thời hạn quy định tại Điều 4. Nếu sau này có yêu cầu quyền ưu tiên thì các cơ quan có thẩm quyền của mỗi nước đều có thể tính thời hạn từ ngày bắt đầu trưng bày hàng hoá tại triển lãm.

(3) Mỗi nước có thể yêu cầu, như là để chứng minh đặc điểm để nhận biết của sản phẩm được trưng bày và của ngày trưng bày, các tài liệu nước đó cho là cần thiết.
Điều 12

Các cơ quan chuyên môn về sở hữu công nghiệp của các nước
(1) Mỗi nước thành viên của Liên minh có trách nhiệm thành lập một cơ quan chuyên môn về sở hữu công nghiệp và một cơ quan Trung ương để công bố cho công chúng các patent sáng chế, các mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hoá.

(2) Cơ quan chuyên môn này xuất bản định kỳ Công báo chính thức. Cơ quan đó phải thường xuyên công bố:

(a) tên chủ văn bằng bảo hộ và tên tóm tắt của các sáng chế đã được cấp văn bằng;

(b) phiên bản của các nhãn hiệu đã được đăng ký.



Điều 13

Hội đồng của Liên minh
(1) (a) Liên minh có Hội đồng bao gồm các nước thành viên của Liên minh bị ràng buộc bởi các Điều từ 13 đến 17.

(b) Chính phủ của mỗi nước được đại diện bởi một đại biểu, đại biểu này có thể có các cấp phó, các cố vấn và các chuyên viên giúp việc.

(c) Các khoản chi phí của mỗi đoàn đại biểu do Chính phủ cử đoàn đại biểu đó trang trải

(2) (a) Hội đồng sẽ:

(i) xem xét tất cả các vấn đề liên quan đến việc duy trì và phát triển Liên minh và việc thi hành Công ước này;

(ii) đưa ra các chỉ dẫn liên quan đến việc chuẩn bị các hội nghị về việc xem xét lại cho Văn phòng Sở hữu trí tuệ quốc tế (sau đây gọi là Văn phòng quốc tế) - theo Công ước về việc thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (sau đây gọi là Tổ chức), có lưu ý thích đáng đến các ý kiến của các nước thành viên của Liên minh không bị ràng buộc bởi các Điều từ 13 đến 17;

(iii) xem xét và chuẩn y các báo cáo và hoạt động của Tổng Giám đốc của Tổ chức liên quan đến Liên minh và đưa ra cho Tổng Giám đốc tất cả các chỉ dẫn cần thiết về cácvấn đề thuộc thẩm quyền của Liên minh;

(iv) bầu cử các thành viên của Uỷ ban chấp hành của Hội đồng;

(v) xem xét và chuẩn y các báo cáo và hoạt động của Uỷ ban chấp hành và đưa ra các chỉ dẫn cho Uỷ ban chấp hành;

(vi) xác định chương trình, thông qua ngân sách 3 năm của Liên minh và chuẩn y các quyết toán tài chính của Liên minh;

(vii) chuẩn y các quy định về tài chính của Liên minh;

(viii) thành lập các Uỷ ban chuyên viên và các Nhóm công tác nếu thấy cần thiết để đạt được các mục đích của Liên minh;

(ix) xác định những nước nào không phải là thành viên của Liên minh và những tổ chức quốc tế phi Chính phủ và tổ chức liên Chính phủ nào được chấp nhận tham dự các cuộc họp của Liên minh với tư cách quan sát viên;

(x) thông qua các sửa đổi các Điều từ 13 đến 17;

(xi) tiến hành bất kỳ hoạt động nào khác phù hợp nhằm phục vụ cho những mục đích của Liên minh;

(xii) thực hiện tất cả các chức năng khác theo Công ước này;

(xiii) thực hiện các quyền mà Công ước thành lập Tổ chức dành cho mình nếu đồng ý.

(b) Đối với các vấn đề cũng là mối quan tâm của các Liên minh khác do Tổ chức điều hành thì Hội đồng thông qua quyết định sau khi tham khảo ý kiến của Uỷ ban phối hợp của Tổ chức.

(3) (a) Theo các điều khoản của điểm (b), một đại biểu chỉ có thể đại diện cho một nước.

(b) Các nước thành viên của Liên minh đã thống nhất với nhau theo một thoả thuận riêng và đã thành lập một cơ quan chung đóng vai trò cơ quan quốc gia về sở hữu công nghiệp đối với mỗi nước theo Điều 12, có thể cùng được đại diện trong thời gian thảo luận bằng một nước trong số các nước đó.

(4) (a) Mỗi nước thành viên Hội đồng được một phiếu bầu.

(b) Một nửa số nước thành viên Hội đồng đủ để lập thành số đại biểu cần thiết.

(c) Mặc dù có các điều khoản ở điểm (b), nếu như tại một khoá họp nào đó số lượng các nước tham dự chỉ ít hơn một nửa, nhưng bằng hoặc nhiều hơn một phần ba số nước thành viên Hội đồng thì Hội đồng có thể thông qua các quyết định, tuy nhiên tất cả các quyết định của Hội đồng, trừ trường hợp các quyết định liên quan đến quy định thủ tục của chính Hội đồng, sẽ chỉ có hiệu lực nếu tuân thủ các điều kiện dưới đây. Văn phòng quốc tế gửi các quyết định nói trên cho các nước thành viên của Hội đồng mà không được đại diện trong Hội đồng và yêu cầu các nước này thông báo bằng văn bản, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày gửi quyết định, ý kiến về việc thông qua, bỏ phiếu trắng hoặc phản đối các quyết định này. Nếu hết thời hạn nói trên mà số lượng nước đã bỏ phiếu như vậy hoặc thông báo rằng họ bỏ phiếu trắng chưa đạt đến con số đủ lập thành số đại biểu cần thiết tại chính khoá họp thì các quyết định nói trên sẽ có hiệu lực với điều kiện vẫn giữ được đa sô phiếu đồng thời đa số cần thiết.

(d) Theo các điều khoản của Điều 17(2) quyết định của Hội đồng đòi hỏi phải có hai phần ba số phiếu biểu quyết.

(e) Việc bỏ phiếu trắng không được coi là biểu quyết.

(5) (a) Theo các điều khoản của điểm (b) một đại biểu chỉ có thể biểu quyết thay mặt cho một nước.

(b) Các nước thành viên của Liên minh nêu tại khoản (3)(b), theo quy định chung, phải cố gắng cử đoàn đại biểu riêng của mình đi dự các khoá họp của Hội đồng. Tuy nhiên, nếu vì những lý do đặc biệt một nước nào đó trong số các nước nói trên không thể cử được đoàn đại biểu của chính mình thì có thể uỷ quyền cho một đoàn đại biểu của một nước khác bất kỳ trong số các nước như vậy thay mặt mình biểu quyết, với điều kiện một đoàn đại biểu chỉ có thể biểu quyết theo uỷ quyền thay mặt cho một nước. Việc uỷ quyền như vậy phải được quyết định trong một văn bản do Nguyên thủ quốc gia hoặc một Bộ trưởng có thẩm quyền ký.

(6) Các nước thành viên của Liên minh nhưng không phải là thành viên Hội đồng được tham dự các cuộc họp của Hội đồng với tư cách quan sát viên.

(7) (a) Hội đồng họp định kỳ 3 năm một lần theo triệu tập của Tổng Giám đốc và trừ những trường hợp đặc biệt, vào cùng thời gian và cùng địa điểm họp Đại Hội đồng của Tổ chức.

(b) Hội đồng có thể họp phiên bất thường do Tổng Giám đốc triệu tập theo yêu cầu của Uỷ ban chấp hành hoặc theo yêu cầu của một phần tư số nước thành viên Hội đồng.

(8) Hội đồng sẽ chuẩn y các quy chế hoạt động của mình.
Điều 14

Uỷ ban chấp hành
(1) Hội đồng có Uỷ ban chấp hành.

(2) (a) Uỷ ban chấp hành bao gồm các nước do Hội đồng bầu ra từ số các nước thành viên Hội đồng. Ngoài ra, nước mà trên lãnh thổ nước đó Tổ chức đặt trụ sở của mình, mặc nhiên có một ghế trong Uỷ ban, với điều kiện tuân thủ các quy định của Điều 16(7)(b).

(b) Chính phủ của mỗi nước thành viên Uỷ ban chấp hành do một đại biểu đại diện, đại biểu này có thể có các cấp phó, các cố vấn và các chuyên viên giúp việc.

(c) Chi phí của mỗi đoàn đại biểu do Chính phủ đã cử đoàn đại biểu đó trang trải.

(3) Số lượng các nước thành viên Uỷ ban chấp hành bằng một phần tư số lượng các nước thành viên của Hội đồng. Khi xác định số lượng ghế cần bầu, phần dư khi chia cho bốn sẽ không được tính đến.

(4) Khi bầu cử các thành viên của Uỷ ban chấp hành, Hội đồng sẽ lưu ý thích đáng đến sự phân chia hợp lý theo địa lý, cũng như đến sự cần thiết để những nước là thành viên của các thoả ước đặc biệt đã được ký kết có liên quan đến Liên minh, được nằm trong số những nước lập thành Uỷ ban chấp hành.

(5) (a) Mỗi thành viên của Uỷ ban chấp hành thực hiện chức năng của mình từ khi kết thúc phiên họp của Hội đồng mà thành viên đó được bầu đến khi kết thúc phiên họp thường kỳ tiếp theo của Hội đồng.

(b) Các thành viên Uỷ ban chấp hành có thể được bầu lại nhưng tối đa không quá hai phần ba số thành viên.

(c) Hội đồng quy định cụ thể việc bầu cử và khả năng tái bầu cử của các thành viên Uỷ ban chấp hành.

(6) (a) Uỷ ban chấp hành phải:

(i) chuẩn bị dự thảo chương trình nghị sự của Hội đồng;

(ii) trình Hội đồng các đề nghị liên quan đến dự thảo chương trình và ngân sách 3 năm của Liên minh do Tổng Giám đốc chuẩn bị;

(iii) trong khuôn khổ chương trình và ngân sách 3 năm, thông qua các chương trình và ngân sách hàng năm do Tổng Giám đốc chuẩn bị;

(iv) trình Hội đồng các báo cáo thường kỳ của Tổng Giám đốc kèm theo nhận xét tương ứng và các báo cáo kết quả kiểm tra tài chính hàng năm;

(v) thi hành các biện pháp cần thiết để bảo đảm cho Tổng Giám đốc thực hiện các chương trình của Liên minh phù hợp với các quyết định của Hội đồng, có lưu ý đến tình huống nảy sinh giữa hai phiên họp thường kỳ của Hội đồng;

(vi) thực hiện tất cả những chức năng khác được giao cho Uỷ ban chấp hành theo Công ước này.

(b) Đối với các vấn đề mà các Liên minh khác do Tổ chức điều hành cùng quan tâm, Uỷ ban chấp hành ra quyết định sau khi tham khảo ý kiến của Uỷ ban phối hợp của Tổ chức.

(7) (a) Uỷ ban chấp hành họp thường kỳ mỗi năm một lần theo triệu tập của Tổng Giám đốc, thích hợp nhất là trong cùng thời gian và cùng địa điểm như Uỷ ban phối hợp của Tổ chức.

(b) Uỷ ban chấp hành họp phiên bất thường theo triệu tập của Tổng Giám đốc, hoặc theo sáng kiến của Tổng Giám đốc, hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch Uỷ ban chấp hành hoặc một phần tư số thành viên Uỷ ban chấp hành.

(8) (a) Mỗi nước thành viên Uỷ ban chấp hành được một phiếu bầu.

(b) Một nửa số thành viên Uỷ ban chấp hành đủ để lập thành số đại biểu cần thiết.

(c) Các quyết định được thông qua bằng đa số phiếu.

(d) Việc bỏ phiếu trắng không được coi là biểu quyết.

(e) Một đại biểu chỉ có thể đại diện cho một nước và chỉ biểu quyết thay mặt cho nước đó.

(9) Các nước thành viên của Liên minh, nhưng không phải là thành viên của Uỷ ban chấp hành, được chấp nhận tham dự các cuộc họp của Uỷ ban chấp hành với tư cách quan sát viên.

(10) Uỷ ban chấp hành sẽ chuẩn y quy chế hoạt động của mình.



Điều 15

Văn phòng quốc tế
(1) (a) Các công việc hành chính liên quan đến Liên minh do Văn phòng quốc tế thực hiện, Văn phòng quốc tế là cơ quan kế thừa Văn phòng của Liên minh đã được hợp nhất với Văn phòng của Liên minh được thành lập theo Công ước quốc tế về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật.

(b) Cụ thể Văn phòng quốc tế thực hiện chức năng Ban Thư ký của các cơ quan khác nhau của Liên minh.

(c) Tổng Giám đốc của Tổ chức là người đứng đầu Liên minh và đại diện cho Liên minh.

(2) Văn phòng quốc tế thu thập và công bố thông tin liên quan đến bảo hộ sở hữu công nghiệp. Mỗi nước thành viên của Liên minh phải nhanh chóng gửi cho Văn phòng quốc tế các văn bản các luật mới và tất cả các văn bản chính thức liên quan đến bảo hộ sở hữu công nghiệp. Ngoài ra, còn phải gửi cho Văn phòng quốc tế tất cả các ấn phẩm của Cơ quan sở hữu công nghiệp nước mình có liên quan trực tiếp đến bảo hộ sở hữu công nghiệp mà Văn phòng quốc tế có thể cho là hữu ích cho hoạt động của mình.

(3) Văn phòng quốc tế xuất bản công báo định kỳ hàng tháng.

(4) Văn phòng quốc tế cung cấp thông tin về các vấn đề bảo hộ sở hữu công nghiệp theo yêu cầu của bất kỳ nước thành viên nào của Liên minh.

(5) Văn phòng quốc tế tiến hành nghiên cứu và tổ chức dịch vụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo hộ sở hữu công nghiệp.

(6) Tổng Giám đốc và nhân viên bất kỳ do Tổng Giám đốc chỉ định được tham dự, nhưng không có quyền bỏ phiếu, tất cả các cuộc họp của Hội đồng, của Uỷ ban chấp hành và Uỷ ban chuyên viên bất kỳ hoặc của nhóm công tác khác. Tổng Giám đốc hoặc nhân viên bất kỳ do Tổng Giám đốc chỉ định là Thư ký mặc nhiên của các Cơ quan đó.

(7) (a) Văn phòng quốc tế theo sự chỉ đạo của Hội đồng và phối hợp cùng với Uỷ ban chấp hành chuẩn bị các hội nghị xem xét lại các điều khoản của Công ước, trừ các Điều từ 13 đến 17.

(b) Văn phòng quốc tế có thể tham khảo ý kiến của các tổ chức liên Chính phủ về các vấn đề liên quan đến việc chuẩn bị các Hội nghị xem xét lại Công ước.

(c) Tổng Giám đốc và những người do Tổng Giám đốc chỉ định sẽ tham dự các Hội nghị xem xét lại, nhưng không có quyền biểu quyết.

(8) Văn phòng quốc tế thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào khác được giao.


Điều 16

Tài chính
(1) (a) Liên minh có ngân sách.

(b) Ngân sách của Liên minh bao gồm các khoản thu và chi phí của chính Liên minh, khoản đóng góp vào ngân sách dành cho chi phí chung của các Liên minh, và cả khoản chuyển vào ngân sách Hội nghị của Tổ chức trong những trường hợp thích hợp.

(c) Các khoản chi không chỉ cho chính Liên minh mà còn cho một hoặc một số Liên minh khác do Tổ chức điều hành được coi là chi phí chung cho các Liên minh. Phần của Liên minh trong các khoản chi chung tương ứng với lợi ích của Liên minh trong đó.

(2) Ngân sách của Liên minh được thông qua với sự lưu ý thích đáng đến yêu cầu điều hoà với ngân sách của các Liên minh khác do Tổ chức điều hành.

(3) Ngân sách của Liên minh được lấy từ các nguồn sau:

(i) tiền đóng góp của các nước thành viên của Liên minh;

(ii) lệ phí và các khoản thu dịch vụ của Văn phòng quốc tế liên quan tới Liên minh;

(iii) tiền bán hoặc tiền thu được do chuyển nhượng quyền xuất bản các ấn phẩm của Văn phòng quốc tế liên quan tới Liên minh;

(iv) quà tặng, vật phẩm theo di chúc và các khoản trợ cấp;

(v) tiền cho thuê, tiền lãi và các nguồn thu khác.

(4) (a) Để xác định mức tiền đóng góp của mình vào ngân sách, mỗi nước thành viên của Liên minh được xếp vào một nhóm nhất định và trả tiền đóng góp hàng năm của mình trên cơ sở một số đơn vị xác định như sau:

Nhóm I............25

Nhóm II...........20

Nhóm III..........15

Nhóm IV...........10

Nhóm V.............5

Nhóm VI............3

Nhóm VII...........1

(b) Đồng thời với việc nộp lưu văn kiện phê chuẩn hoặc văn kiện tham gia, mỗi nước phải chỉ ra một nhóm mà mình muốn được xếp vào nếu như trước đây chưa làm việc đó. Bất kỳ nước nào cũng có thể thay đổi nhóm. Nếu một nước lựa chọn nhóm thấp hơn thì nước đó phải tuyên bố về việc lựa chọn này tại khoá họp thường kỳ của Hội đồng. Sự thay đổi như vậy sẽ có hiệu lực từ đầu năm dương lịch tiếp sau khoá họp nói trên.

(c) Số tiền phải đóng góp hàng năm của mỗi nước là số mà tỷ lệ giữa số đó với tổng số tiền của tất cả các nước đóng góp vào ngân sách của Liên minh đúng bằng tỷ lệ giữa số đơn vị của nước đó so với tổng số đơn vị của tất cả các nước đóng góp.

(d) Tiền đóng góp của mỗi nước phải nộp từ mùng một tháng một mỗi năm.

(e) Nước đang nợ tiền đóng góp bị mất quyền biểu quyết ở tất cả các cơ quan của Liên minh mà nước đó là thành viên nếu như tổng số nợ bằng hoặc nhiều hơn tổng số tiền mà nước đó phải nộp trong cả 2 năm trước đó. Tuy nhiên, bất kỳ cơ quan nào trong số các cơ quan nói trên của Liên minh cũng có thể cho phép nước đó tiếp tục sử dụng quyền biểu quyết, nếu, và chừng nào mà cơ quan đó còn cho rằng việc chậm trả tiền đóng góp do những hoàn cảnh đặc biệt và không thể tránh khỏi.

(f) Trường hợp ngân sách không được thông qua trước khi bắt đầu năm tài chính mới thì theo quy định của Quy chế về tài chính, ngân sách sẽ được sử dụng ở mức như ngân sách của năm trước đó.

(5) Mức đóng góp vào các khoản thu dịch vụ mà Văn phòng quốc tế thực hiện liên quan đến Liên minh do Tổng Giám đốc quy định và báo cáo cho Hội đồng và Uỷ ban chấp hành biết.

(6) (a) Liên minh có vốn lưu động được hình thành từ khoản nộp một lần của mỗi nước thành viên của Liên minh. Nếu vốn lưu động không đủ, Hội đồng sẽ tìm biện pháp để tăng vốn đó.

(b) Số tiền phải nộp lần đầu của mỗi nước thành viên cho vốn nói trên, hoặc phần đóng góp của nước thành viên để tăng vốn đó tỷ lệ với số tiền đóng góp của nước này trong năm hình thành vốn hoặc thông qua quyết định về việc tăng vốn.

(c) Tỷ lệ và điều kiện nộp tiền do Hội đồng quy định theo đề nghị của Tổng Giám đốc sau khi đã nghe ý kiến của Uỷ ban phối hợp của Tổ chức.

(7) (a) Trong Hiệp định về trụ sở được ký kết với nước mà trên lãnh thổ nước đó đặt trụ sở của Tổ chức có quy định rằng trong trường hợp vốn lưu động bị thiếu thì nước đó có thể cho vay. Chừng nào nước đó vẫn còn có nghĩa vụ cho vay, nước đó mặc nhiên có một ghế trong Uỷ ban chấp hành.

(b) Nước nêu ở điểm (a) và Tổ chức đều có quyền huỷ bỏ nghĩa vụ cho vay bằng văn bản thông báo. Việc huỷ bỏ này có hiệu lực sau 3 năm sau khi kết thúc năm có thông báo.

(8) Việc kiểm tra tài chính do một hoặc một số nước thành viên của Liên minh hoặc những người kiểm toán bên ngoài tiến hành như quy định của Quy chế về tài chính. Những người này do Hội đồng chỉ định với sự chấp thuận của họ.


Điều 17

Sửa đổi các điều từ 13 đến 17
(1) Những kiến nghị về việc sửa đổi các Điều 13, 14, 15, 16 và Điều này, có thể do bất kỳ nước nào là thành viên Hội đồng, do Uỷ ban chấp hành hoặc do Tổng Giám đốc đề xuất. Các kiến nghị trên được Tổng Giám đốc thông báo cho các nước thành viên Hội đồng trong thời hạn ít nhất là 6 tháng trước khi Hội đồng xem xét.

(2) Việc sửa đổi các Điều nêu ở khoản (1) phải được Hội đồng thông qua. Để được thông qua đòi hỏi phải có ba phần tư số phiếu thuận, tuy nhiên bất kỳ sửa đổi nào đối với Điều 13 và khoản này cần phải có bốn phần năm số phiếu thuận.

(3) Bất kỳ sửa đổi nào đối với các Điều nêu ở khoản (1) đều sẽ có hiệu lực sau một tháng kể từ khi Tổng Giám đốc nhận được văn bản thông báo chấp nhận sửa đổi được thực hiện phù hợp với luật pháp của từng nước từ ba phần tư số nước thành viên của Hội đồng tại thời điểm Hội đồng thông qua việc sửa đổi. Bằng bất kỳ sự sửa đổi nào đối với các Điều nêu trên khi đã được thông qua như vậy đều là điều bắt buộc đối với tất cả các nước thành viên của Hội đồng tại thời điểm sự sửa đổi có hiệu lực hoặc nước trở thành thành viên của Hội đồng sau thời điểm đó. Tuy nhiên bất kỳ sự sửa đổi nào làm tăng nghĩa vụ tài chính của các nước thành viên của Liên minh sẽ chỉ bắt buộc đối với những nước đã thông báo chấp nhận sự sửa đổi đó.
Điều 18

Xem xét lại các điều từ 1 đến 12 và từ 18 đến 30
(1) Công ước này có thể được xem xét lại với mục đích đưa vào Công ước những sửa đổi nhằm hoàn thiện hệ thống Liên minh.

(2) Để thực hiện công việc đó, hội nghị đại biểu các nước thuộc Liên minh sẽ lần lượt được tổ chức tại một trong các nước thuộc Liên minh.

(3) Việc sửa đổi các Điều từ 13 đến 17 được thực hiện theo các quy định của Điều 17.
Điều 19

Các thoả thuận riêng
Điều này được hiểu rằng các nước thành viên của Liên minh vẫn dành cho mình quyền ký kết giữa các nước với nhau các thoả thuận riêng về bảo hộ sở hữu công nghiệp nếu các thoả thuận đó không trái với các điều khoản của Công ước này.
Điều 20

Phê chuẩn hoặc gia nhập của các nước thành viên của Liên minh,

hiệu lực của Công ước
(1) (a) Bất kỳ nước thành viên nào của Liên minh đã ký Văn kiện này đều có thể phê chuẩn, hoặc nếu nước đó chưa ký thì có thể gia nhập Công ước. Các văn kiện phê chuẩn hoặc các văn kiện tham gia được nộp lưu cho Tổng Giám đốc.

(b) Bất kỳ nước thành viên nào của Liên minh cũng có thể tuyên bố trong văn kiện phê chuẩn hoặc văn kiện tham gia của mình rằng việc phê chuẩn hoặc gia nhập không áp dụng đối với:

(i) các Điều từ 1 đến 12, hoặc

(ii) các Điều từ 13 đến 17.

(c) Bất kỳ nước thành viên nào của Liên minh mà theo điểm (b) đã loại từ một trong số hai nhóm Điều nêu trong điểm đó ra khỏi phạm vi hiệu lực của việc phê chuẩn hoặc tham gia, đều có thể tuyên bố vào bất kỳ thời điểm nào sau này rằng nước đó mở rộng phạm vi hiệu lực của việc phê chuẩn hoặc tham gia sang cả nhóm Điều nói trên. Bản tuyên bố như vậy được nộp lưu cho Tổng Giám đốc.

(2) (a) Đối với 10 nước thành viên đầu tiên của Liên minh đã nộp lưu văn kiện phê chuẩn hoặc văn kiện tham gia mà không tuyên bố như vậy tại khoản (1)(b)(i), các Điều từ 1 đến 12 bắt đầu có hiệu lực sau 3 tháng kể từ khi văn kiện phê chuẩn hoặc văn kiện tham gia thứ 10 được nộp lưu.

(b) Đối với 10 nước thành viên đầu tiên của Liên minh đã nộp lưu văn kiện phê chuẩn hoặc văn kiện tham gia mà không tuyên bố như quy định tại khoản (1)(b)(ii), các Điều từ 13 đến 17 bắt đầu có hiệu lực sau 3 tháng kể từ khi văn kiện phê chuẩn hoặc văn kiện tham gia thứ 10 được nộp lưu.

(c) Theo các quy định tại các điểm (a) và (b), trong trường hợp có hiệu lực đầu tiên của mỗi nhóm trong số hai nhóm Điều nêu trong khoản (1)(b)(i) và (ii), cũng như trong trường hợp tuân thủ các quy định của khoản (1)(b), các Điều từ 1 đến 17 bắt đầu có hiệu lực đối với bất kỳ nước thành viên nào của Liên minh có nộp lưu văn kiện phê chuẩn hoặc văn kiện tham gia, trừ những nước nêu trong các điểm (a) và (b), cũng như đối với bất kỳ nước thành viên nào của Liên minh có tuyên bố theo khoản (1)(c): sau 3 tháng kể từ ngày Tổng Giám đốc ra thông báo về việc nộp lưu văn thư như vậy, nếu trong văn kiện văn bản hoặc tuyên bố không nêu rõ một thời điểm muộn hơn. Trong trường hợp sau cùng văn kiện này bắt đầu có hiệu lực đối với nước đó từ thời điểm được nêu.

(3) Đối với bất kỳ nước thành viên nào của Liên minh có nộp lưu văn kiện phê chuẩn hoặc văn kiện tham gia, các Điều từ 18 đến 30 bắt đầu có hiệu lực từ thời điểm sớm nhất trong số các thời điểm, khi có một nhóm Điều bất kỳ trong số các nhóm Điều nêu trong khoản (1)(b) bắt đầu có hiệu lực đối với nước đó theo khoản (2)(a), (b) hoặc (c).
Điều 21

Sự tham gia của các nước không phải là thành viên của Liên minh, hiệu lực
(1) Bất kỳ nước nào không phải là thành viên của Liên minh đều có thể tham gia Văn kiện này và bằng cách đó trở thành thành viên của Liên minh. Văn kiện tham gia được nộp lưu cho Tổng Giám đốc.

(2) (a) Đối với một nước bất kỳ chưa phải là thành viên của Liên minh mà đã nộp lưu văn kiện tham gia trước thời điểm có hiệu lực của bất kỳ điều khoản nào trong Văn kiện này 1 tháng hoặc hơn thì Văn kiện này sẽ có hiệu lực từ thời điểm mà các điều khoản nói trên trước tiên có hiệu lực theo Điều 20(a) hoặc (b), nếu trong văn kiện tham gia không nêu rõ một thời điểm muộn hơn; tuy nhiên:

(i) nếu các Điều từ 1 đến 12 không có hiệu lực từ thời điểm đó, trong giai đoạn trước khi các điều khoản nói trên có hiệu lực, thay vào chúng, nước như vậy sẽ bị ràng buộc bởi các Điều từ 1 đến 12 của Văn kiện Lisbon,

(ii) nếu các Điều từ 13 đến 17 không có hiệu lực từ thời điểm đó, trong giai đoạn trước khi các điều khoản nói trên có hiệu lực, thay vào chúng, nước như vậy sẽ bị ràng buộc bởi các Điều 13, 14(3), (4) và (5) của Văn kiện Lisbon.

Nếu trong văn kiện tham gia nước đó nêu rõ một thời điểm muộn hơn thì Văn kiện này bắt đầu có hiệu lực đối với nước đó từ thời điểm được nêu trên.

(b) Đối với một nước bất kỳ không phải là thành viên của Liên minh nhưng đã nộp lưu văn kiện tham gia của mình vào thời điểm sau khi có hiệu lực của một nhóm Điều bất kỳ trong Văn kiện này, hoặc vào thời điểm trước đó ít hơn 1 tháng, thì Văn kiện này bắt đầu có hiệu lực, với điều kiện tuân thủ các quy định của điểm (a), sau 3 tháng kể từ thời điểm Tổng Giám đốc ra thông báo về việc gia nhập của nước đó, trừ trường hợp trong văn kiện tham gia có nêu một thời điểm muộn hơn. Trong trường hợp sau cùng Văn kiện này bắt đầu có hiệu lực đối với nước đó từ thời điểm được nêu.

(3) Đối với một nước bất kỳ không phải là thành viên của Liên minh nhưng đã nộp lưu văn kiện tham gia sau thời điểm có hiệu lực toàn bộ Văn kiện này, hoặc trước thời điểm đó dưới 1 tháng, Văn kiện này bắt đầu có hiệu lực sau 3 tháng kể từ thời điểm Tổng Giám đốc ra thông báo về việc gia nhập của nước đó, trừ trường hợp trong văn kiện tham gia có nêu một thời điểm muộn hơn. Trong trường hợp sau cùng Văn kiện này bắt đầu có hiệu lực đối với nước đó từ thời điểm được nêu.


Каталог: cacchuyenmuc
cacchuyenmuc -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
cacchuyenmuc -> VĂn phòng phụ lục II: TÌnh hình xây dựng văn bảN, ĐỀ Án của bộ TƯ pháp trình chính phủ, thủ TƯỚng chính phủ trong tháng 02 NĂM 2016
cacchuyenmuc -> ĐẢng bộ khối các cơ quan tw
cacchuyenmuc -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
cacchuyenmuc -> VĂn phòng phụ lục I: TÌnh hình xử LÝ thông tin báo chí theo chỉ ĐẠo của bộ trưỞNG
cacchuyenmuc -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
cacchuyenmuc -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
cacchuyenmuc -> BỘ TƯ pháp số: 1464/QĐ-btp cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
cacchuyenmuc -> BỘ TƯ pháp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
cacchuyenmuc -> BỘ TƯ pháp số: /QĐ-btp cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 249.81 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương