Nhất Gia Bán Thiên-hạ Phần Thứ Nhất Sự Hình Thành Họ Vũ ở Việt-Nam



tải về 471.47 Kb.
trang6/6
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích471.47 Kb.
#3718
1   2   3   4   5   6

Mộ Trạch còn có Trạng vật Vũ Phong, em ruột Hoàng giáp Vũ Hữu. Ông tướng ngũ đoản, có biệt tài về đô vật, đã quật ngã các đô lực sĩ hộ vệ vua Lê Thánh Tông trong một cuộc thử sức, lại có tiếng chính trực và tháo vát, được vua tin dùng, cho làm Chỉ huy sứ Cẩm y thị vệ. Có lần ông được sung vào sứ bộ sang nhà Minh biểu diễn tài đô vật. Ông đã thắng các tay đô vật nổi tiếng của Tàu, đem lại vẻ vang cho dân tộc, khiến vua Minh Hiến Tông phải khen ngợi, gọi ông là “Lý Tôn Hiến An Nam”, ý sánh ông với danh tướng họ Lý đời Đường Hy Tông, cũng vóc người nhỏ bé nhưng giỏi võ và sức mạnh phi thường, có công dẹp yên loạn Hoàng Sào. Người đương thời tôn xưng Võ Phong là Trạng Vật. Còn Hoàng giáp Lê Quang Bí liệt ông vào các nhân vật lịch sử và có thơ vịnh:

Ngũ đoản tằng xưng tướng mạo kỳ,
Tang bồng hồ thỉ hảo nam nhi.
Nhất môn bá trọng quang tiên nghiệp
Thiên tải minh lương kết chủ tri
Ứng biến đạt tài thi hữu chính,
Xứng bình lịnh dữ bá vu thì.
Tử tôn vinh thịnh đoan phi ngẫu,
Chủng đức cao dao thị ngã si (sư).

Bản dịch trong Tự điển Nhân vật lịch sử Việt Nam:



Tướng xem ngũ đoản thật phi thường
Hồ thỉ làm trai chí bốn phương
Nếp cũ thêm tươi hàng bá trọng,
Ngàn xưa được gặp chúa minh lương.
Khen tay chính trị tài thông biến,
Giữ mực công minh tiếng chẳng thường.
Con cháu vinh hoa âu cũng bởi,
Ai trồng cây đức để làm gương.


Mộ Trạch còn đóng góp cho triều đại Lê sơ một vị tướng can trường, trung hậu. Đó là Vũ Dự, cùng họ hàng với Hoàng giáp Vũ Hữu. Theo Đại Nam nhất thống chí, Vũ Dự cùng với Cương quốc công Nguyễn Xí lật đổ Nghi Dân, dẹp xong bọn phản loạn Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lăng, Lê Đắc Minh; rồi tôn Bình Nguyên Vương Tư Thành lên ngôi vua, lập ra một triều đại cực thịnh trong lịch sử nước ta. Ông được vua Lê Thánh Tông phong làm Minh Nghĩa công thần, Tả Phủ Đô đốc, tước Tri Lê bá.

Mộ Trạch cũng sản sinh một danh thần tuy không xuất thân từ hàng khoa bảng mà vẫn được nể trọng. Đó là Vũ Duy Chí (1604 - 1678). Theo Lịch triều hiến chương (Nhân vật chí, bản dịch, trang 277) nhờ ân đức của người mẹ trả lụa cho người bỏ quên mà năm anh em ông đều rạng danh với đời. Vũ Tự Khoái (con trưởng) là công thần đời chúa Trịnh Tráng (1623 -1657), Vũ Bạt Tụy (con thứ) đậu Hoàng giáp, Vũ Đức Chí là công thần dưới thời chúa Trịnh Tạc (1657 - 1682), Vũ Phương Trượng làm đến Thượng thư, tước Quận công, Vũ Cầu Hối (con út) đậu Tiến sĩ.

Khoảng niên hiệu Cảnh Trị đời Lê Huyền Tông (1663 - 1671) Vũ Duy Chí được thăng Lễ bộ Thượng thư, tước Phương quận công. Khi làm Tể tướng, trong triều có người chê ông xuất thân từ chân lại, Dương vương Trịnh Tạc đã đem các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa như Tiêu Hà, Tào Tham (đời Hán Cao Tổ), Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối (đời Đường Thái Tông) cũng từng làm lại để biện hộ cho ông. Tuy được nhà Chúa tin dùng, ông vẫn giữ lòng ngay thẳng, tôn trọng lẽ phải và trung hậu khiến Chúa rất nể trọng.

Nhân ngày Nguyên Đán, Chúa truyền các quan văn võ sau khi chầu Vua thì vẫn giữ nguyên phẩm phục sang phủ lạy mừng Chúa. Ông bèn nói ngay: “Nhà Chúa từ xưa tới nay vẫn một niềm tôn phù hoàng gia. Vậy lễ ngày hôm nay chỉ nên mặc áo thanh cát, không nên dùng triều phục, sợ trái với lệ cũ.” Chúa cho là phải và bỏ việc ấy. Tận tụy với việc nước đến năm 73 tuổi (1676) ông mới về hưu, được gia thăng Lại bộ Thượng thư, Quốc lão Thiếu phó. Chúa tặng ông lá cờ có thêu câu đối:

Nhất đại tông thần Tiêu tướng quốc;


Lưỡng triều nguyên lão Triệu Hàn vương.

Bản dịch Lịch triều hiến chương loại chí:

Làm quan đầu triều một đời, như tướng quốc Tiêu Hà
Trải làm nguyên lão hai triều, như Hàn vương Triệu Phổ.

Ông mất năm Mậu Ngọ (1678) thọ 75 tuổi. Được truy tặng Thái phó.



Mộ Trạch còn cống hiến cho đất nước một nhà ngoại giao tài ba Vũ Huy Tấn (1749 - 1800). Ông là con của Tiến sĩ Vũ Huy Đỉnh, đậu Giải nguyên khoa Mậu Tý (1768) niên hiệu Cảnh Hưng 29 đời Lê Hiển Tông, được bổ làm Thị nội ở viện Hàn lâm. Khi vua Quang Trung ra Bắc, ông theo giúp, làm quan đến Công bộ Thượng thư. Hai lần được cử đi sứ sang Tàu, ông tỏ ra là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và có khí phách, bảo toàn được danh dự quốc gia. Trong lần đi sứ cùng giả vương Phạm Công Trị, quan nhà Thanh gọi đoàn sứ giả ta là “di quan”, ông đã khẳng khái phản đối đúng nguyên tắc bình đẳng ngoại giao, khiến họ phải nể trọng. Vì thế Vũ Huy Tấn và Phan Huy Ích được đặc cách đến gần vua Càn Long (Thanh Cao Tông) và chính tay nhà vua rót rượu mời; một sự kiện hiếm có đối với sứ giả các nước. Ngoài sở trường về ngoại giao, ông còn sáng tác nhiều thơ văn đề cao lòng tự hào dân tộc, với bút hiệu Nhất Thủy, ông có tác phẩm Hoa nguyên tùy bộ tập.

Nhưng trên hết, Mộ Trạch là đất địa linh nhân kiệt, cống hiến cho tổ quốc những con người kiên trung. Chí sĩ Lê Cảnh Tuân, thân phụ của tướng Lê Thiếu Dĩnh trong hàng ngũ chống Minh của Bình Định Vương, là nội tổ Trạng nguyên Lê Nại và Hoàng giáp Lê Tư, là tằng tổ của Hoàng giáp Lê Quang Bí. Theo Lịch triều hiến chương loại chí, Lê Cảnh Tuân đậu cử nhân khoảng niên hiệu Xương Phù (1377 - 1388) đời Trần Phế Đế; còn theo Đại Nam nhất thống chí thì ông đậu Thái học sinh đời Trần. Dù với học vị nào, ông vẫn là người khai khoa của làng Mộ Trạch. Khi quân Minh sang chiếm nước ta, ông viết Vạn ngôn thư (bức thư vạn chữ) khuyên người bạn cũ là Bùi Bá Kỳ đang làm Tham nghị cho giặc, nên đòi họ giữ lời hứa lập lại nhà Trần. Bức thư có đoạn: “Nhà Minh đã sắc phong cho Ngài (Bùi Bá Kỳ) theo quân họ sang đánh, chờ bắt được nhà Hồ, chọn lập con cháu họ Trần, gia thêm tước để giúp nước. Thế mà nay chỉ thấy họ lập ty Bố chánh, phong Ngài tước cao, còn nhà Trần thì chỉ cho người quét dọn miếu thờ. Vậy nếu Ngài có thể lại tâu lên, xét lời nói của các quan lại, kỳ lại bày tỏ việc con cháu họ Trần chưa tuyệt, để họ tuyên chiếu khác sắc phong cho họ Trần. Đấy là thượng sách. Không thể thì Ngài xin thôi chức, chỉ xin làm viên quan coi miếu nhà Trần, đấy là trung sách. Còn nếu Ngài nhận chức quan cao, ăn lộc nhiều, thì là hạ sách vậy. Như Ngài theo thượng sách, thì tôi xin làm các vị nhân sâm, cam thảo, chỉ xác, trần bì sung vào giỏ thuốc để cho Ngài dùng. Theo trung sách thì tôi xin bưng khay chén đi lại trong miếu cũng để ngài sai bảo. Còn nếu theo hạ sách thì tôi sẽ đi cày ruộng nơi tịch mịch, nhàn hạ, để cho trọn những năm sống thừa mà thôi.”

Sau đó Bùi Bá Kỳ bị một tội khác, quân Minh xét nhà thấy có Vạn ngôn thư, ra lệnh tầm nã ông. Lê Cảnh Tuân phải cải dạng đổi tên đi trốn. Nhưng năm 1411 quân Minh lập Giao Châu học hiệu tại Thăng Long ông giả làm khách ra kinh đô nhận chức dạy học để có dịp kết nạp sĩ phu ngầm việc cứu nước. Bởi tiếng tăm ông nhiều người biết nên các con ông hết sức khuyên can nhưng ông quả quyết; “Nhà ta đời đời ăn lộc. Một bức thư vạn ngôn đã bị tiết lộ, không thành. Nay ta hết lòng báo ơn nước, dù chết còn vinh, ta có sợ gì!”

Can ngăn không được, người con trưởng là Lê Thái Diên phải theo cha hầu hạ phòng việc bất rắc. Quả nhiên ông bị bắt giải về Yên Kinh cùng với người con. Vua Minh Thánh Tổ hỏi:

- Mày khuyên Bá Kỳ âm mưu làm phản, vì sao vậy?

Lê Cảnh Tuân khẳng khái đáp:

- Người Nam thì mong nước Nam còn. Chó của ông Trích thì cắn người không phải chủ nó. Hỏi làm gì!

Vua Minh giận lắm, ra lệnh giam cha con ông vào ngục tối ở Kim Lăng. Ngày Tết nhớ về cố hương, Lê Cảnh Tuân gửi nỗi lòng mình trong bài Nguyên Nhật (Ngày đầu năm), Bùi Huy Bích (1744 - 1818) sưu tầm, chép vào Hoàng Việt thi tuyển:

Lữ quán khách nhưng tại
Khứ niên xuân phục lai
Quy kỳ hà nhật thị,
Lão tận cố hương mai.

Đinh Văn Chấp dịch (Nam Phong tạp chí, 1927):

Đất khách ngày bao trải
Trời xuân năm thứ hai
Kỳ về còn chưa định,
Quê cũ đã chồi mai.

Nhưng ngày về không còn! Năm năm sau, ông và người con trưởng chết trong ngục tối.

Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú đã trân trọng xếp ông vào 7 người bề tôi tiết nghĩa đời Trần, và Đại Nam nhất thống chí thì liệt ông vào 13 nhân vật lịch sử nổi tiếng của tỉnh Hải Dương dưới thời Trần.

*

Tóm lại, Mộ Trạch chỉ là một làng quê nhỏ bé nhưng có cả một đội ngũ nhân tài đồ sộ tầm cỡ quốc gia.



Ngày xưa, Lê Thiếu Dĩnh tự là Tử Kỳ theo Lê Thái Tổ khởi nghĩa, làm đến Thiêm tri Viện sự, để lại tập thơ Tiết Trai được Phan Huy Chú khen là giản dị, cổ kính. Trong đó có bài Trạch thôn cố viên, tả làng Mộ Trạch khi làng này chưa xuất hiện những vị khoa giáp và nhân tài:

Mỗ khâu mỗ thủy cựu hương lư,


Tiên trủng quy lai bái tảo sơ
Tang tử niên thâm do ốc nhược,
Tùng thu thụ lão dĩ sâm như...

Bản dịch Hoàng Việt thi tuyển:

Khe kia cồn nọ, cảnh hương quê
Viếng mộ cha ông mới trở về
Tang tử năm xưa còn tốt đẹp
Tùng thu gốc lão vẫn sum sê...

Với cảnh sắc ấy, Mộ Trạch đã là chiếc nôi nuôi dưỡng nhân tài Việt Nam suốt thời đại nhà Lê (1428- 1788). Có điều đáng suy ngẫm, từ năm 1822 đến năm 1919 nhà Nguyễn mở 39 khoa tiến sĩ (không kể khoa Ất Dậu 1885, chưa kịp truyền lô thì kinh đô thất thủ), lấy đậu 558 lượt người, gồm 292 trúng cách Chính bảng và 266 trúng cách Phó bảng. Thế nhưng, làng Mộ Trạch không một ai đỗ đại khoa và cả huyện Đường An chỉ có Vũ Đức Khuê người xã Hoa Đường đậu Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân.

Vấn đề đặt ra, Mộ Trạch có mãi còn là đất phát văn? Và bây giờ, nhân tài Mộ Trạch nơi đâu?

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG


CHÚ THÍCH

(1) Năm Tân Mão (1831) Minh Mạng thứ 12, đổi trấn thành tỉnh, từ ấy trấn Hải Dương gọi là tỉnh Hải Dương.

(2) Các sách tham khảo:

- Các nhà khoa bảng Việt Nam, Ngô Đức Thọ chủ biên, nxb Văn Học, Hà Nội 1993.

- Quốc triều khoa bảng lục của Cao Xuân Dục, người dịch Lê Mạnh Liêu, nxb Văn Học, 2001.

- Trạng nguyên, Tiến sĩ, Hương cống Việt Nam; nhóm biên soạn Bùi Hạnh Cẩn, Minh nghĩa, Việt Anh, nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2002.

-Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, nhóm Đỗ Mộng Khương dịch, nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1992.

- Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, Phạm Trọng Điềm dịch, nxb Thuận Hóa, Huế 1992.

- Việt Nam Danh nhân từ điển của Nguyễn Huyền Anh, nhà sách Khai Trí tái bản và phát hành, Sài Gòn 1972.

- Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế, nxb Khoa học Xã hội, Sài Gòn 1992.

- Thành ngữ điển tích Danh nhân từ điển của Trịnh Vân Thanh, Sài Gòn 1966, Đại Nam tái bản tại California.

- Từ điển Văn học của nhóm biên tập Đỗ Đức Hiếu, nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1883.

- Văn hóa Việt Nam tổng hợp, Trần Độ chủ biên, Hà Nội 1989.

- Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch của Ngô Đức Thọ, nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1993.

- Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, Dương Thị The và Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn, nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1981.

- Văn học từ điển của Thanh Tùng, Khai Trí phát hành, Sài Gòn 1973; Xuân Thu tái bản, California 1990.

Làng tiến sĩ Mộ Trạch
 




Ðức Thần Tổ vị Thành hoàng làng Mộ Trạch (Hải Dương) đồng thời là thủy Tổ dòng họ Vũ - ngài Vũ Hồn (804 - 853) được ở ngôi đền nhỏ được xây cất từ năm 1147. Những tài sản gia bảo đặc biệt quí giá còn được lưu giữ cho đến ngày nay: Cuốn gia phả dòng họ Vũ, 12 Ðạo sắc phong của các triều Vua thời phong kiến, và bản Hương ước làng Mộ Trạch soạn thảo từ năm 1776. Những tài liệu đó, đã khẳng định vai trò to lớn của dòng họ Vũ trong quá trình hình thành một làng Tiến sỹ độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Có thể nói công lao lớn nhất của Ðức thần Tổ, vị Thành hoàng làng Mộ Trạch: Vũ Hồn, là mở nền văn, gây dựng đức tính hiếu học cho các thế hệ con cháu. Từ mái trư ờng đầu tiên của thầy Vũ Hồn, các sĩ tử Mộ Trạch kế tiếp nhau lưu danh vào bảng vàng bia đá. Từ năm 1247 khi hai anh em ruột Vũ Hán Bi, Vũ Nghiêu Tá đỗ tiến sỹ đến khoa thi hội cuối cùng dưới triều Nguyễn (1919) có Vũ Khắc Triều là một trong bảy người đỗ cao nhất thì làng Mộ Trạch đã cống hiến cho đất nước 36 tiến sĩ. Nếu kể cả con cháu họ Vũ tỏa đi sinh sống ở khắp mọi miền Tổ Quốc thì trong 9 thế kỷ dưới chế độ phong kiến Việt Nam có 287 vị tiến sỹ họ Vũ đã đăng quang. Ðấy là chưa kể những nhân tài xuất chúng đã góp công lớn vào tiến trình lịch sử vẻ vang của dân tộc... Quả thật nhân tài Mộ Trạch không sao kể xiết!. Chẳng thế mà vua Tự Ðức (1848-1883) một người nổi tiếng thông minh, hay chữ cũng phải thốt lên: "Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ!"- nghĩa là làng Mộ Trạch tài năng bằng nửa cả nước.

Ngày nay con cháu dòng họ Vũ - Mộ Trạch vẫn nối tiếp truyền thống của ông cha, để lại nhiều tấm gương hiếu học, giúp cho Mộ Trạch luôn xứng đáng với danh hiệu "Làng Tiến sĩ". Ông Vũ Quốc ái, cán bộ Ban di tích lịch sử làng Mộ Trạch dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Vũ Hồng Quang, một trong những điển hình vượt khó để giữ lấy truyền thống hiếu học của quê hương.
Mặc dù đã biết trước ông Quang là thương binh loại nặng nhưng tôi vẫn xót xa khi nhìn thấy hai bàn tay của ông chỉ còn lại hai ngón không nguyên vẹn, và một vết sẹo khá lớn ở trên đầu. Nghe ông Quang kể chuyện suốt 23 năm ròng ông đã dùng đôi tay thương tật đó làm hết nghề sửa chữa xe đạp, điều khiển máy khâu đến nghề xay xát gạo, kiếm tiền nuôi 4 người con ăn học, để cống hiến cho đất nước 1 phó tiến sĩ, 2 kỹ sư, 1 nhà giáo. Tôi thực sự ngạc nhiên và vô cùng khâm phục, bởi có một tấm bằng tốt nghiệp Ðại học cho một đứa con, người mẹ và người cha phải chi một khoản tiền khá lớn, thông thường là vượt quá khả năng thu nhập của một gia đình nông dân có mức sống trung bình.
Theo ông ái thì ở Mộ Trạch còn nhiều tấm gương hiếu học khác mà chỉ cần nghe kể về họ cũng không thể cầm lòng vì xúc động. Gia đình ông Vũ Ðình Mạo làm ruộng thuần túy, chạy ăn từng bữa mà vẫn quyết chí cho cả 3 người con ăn học. Cả ba người con ấy đều vào Ðại học, cùng tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân xuất sắc. Gia đình ông Vũ Hoàng Giáp, vợ mất sớm, bản thân ông tàn tật, nuôi 4 người con ăn học thật vô cùng vất vả, gian truân. Vậy mà mấy bố con vẫn tần tảo nuôi nhau cho đến nay cả bốn người con đều đã bước qua giảng đường Ðại học, đều công thành danh toại. Riêng Vũ Hoàng Dương có ba bằng cử nhân: Ngoại thương, Ngoại ngữ và Luật.
Ông ái làm một phép so sánh xưa và nay về chế độ khuyến học khá lý thú: Ngày xưa, Hương ước làng qui định: "Ai đỗ tiến sĩ, trúng tuyển vào Ðông Các hay thăng tước vị quận công, đi sứ nước ngoài về, hoặc là chí sĩ vinh qui thì các giáp chiểu theo dân số trong làng mà thu tiền, gạo, làm cỗ mừng để đón rước. Còn hiện nay, mặc dù thuộc loại quê nghèo, thuần nông, hàng năm địa phương vẫn định ra chế độ khen thưởng thích đáng cho các em học sinh học giỏi hoặc thi đỗ vào các trường Ðại học và Cao Ðẳng. "Giá trị vật chất của các phần thưởng đó không lớn, nhưng đó là "miếng ăn giữa làng", là phẩm giá, uy tín, và danh dự của mỗi gia đình đối với dòng họ, dân làng và xã hội". Những kết quả học hành thi cử ấy được thông báo trên hệ thống truyền thanh của xã, được đưa vào bản báo công đọc trước bài vị của Ðức Thủy tổ Vũ Hồn trong ngày hội làng nhân ngày sinh của Ngài.

Ngày hội làng - mồng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm là ngày con cháu họ Vũ từ khắp mọi nơi tìm về quê cha đất tổ. Có những cụ già bại liệt cả hai chân vẫn ngồi trên lưng con cháu ra đình làm lễ. Giáo sư Vũ Khiêu đã hơn 80 tuổi mà năm nào cũng về dự hội và dâng lên Ðức Thành hoàng bài văn tế chan chứa ơn nghĩa dòng tộc, thày trò. Tiến sĩ vật lý nguyên tử Vũ Khắc Thịnh ở Nhật Bản không về được thì viết thư tỏ lòng biết ơn quê hương đã tạo cho anh chí tiến thủ trong học tập ở nước ngoài. Chị Ðặng Vũ Phương Nghi từ Pháp viết: "Những lúc xa quê phải vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống, tôi đã tìm ra nguồn nghị lực mới nhờ truyền thống hiếu học của quê hương, nhờ ở niềm tự hào về làng tiến sỹ Mộ Trạch, và tôi đã phấn đấu để đạt bằng được bằng tiến sỹ văn học ở Paris".


Dòng họ thực sự đóng một vai trò không nhỏ trong quá trình hình thành những phẩm chất của con người - qua truyền thống và nền giáo dục trong mỗi gia đình.





tải về 471.47 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương