Ảnh hưỞng của chủ nghĩa hiệN ĐẠI ĐẾn văn học nghệ thuật trên thế giới và việt nam



tải về 2.58 Mb.
trang4/4
Chuyển đổi dữ liệu20.04.2018
Kích2.58 Mb.
#36986
1   2   3   4

Nguyễn Quân, Ảo tượng về biển, 1994
M
Nguyễn Sáng, Thiếu nữ với hoa sen, 1972
ặc dù sự ảnh hưởng của các trào lưu hiện đại phương Tây đối với nền nghệ thuật nước ta chưa đến mức tạo ra những trào lưu hay trường phái mới, nhất là trong một thời gian dài của giai đoạn chống Mỹ chúng ta còn bị chi phối bởi các quan điểm giáo điều của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng các trào lưu đó cũng để lại những dấu ấn khá rõ nét trong sáng tác nghệ thuật của các nghệ sĩ. Đến những thập niên cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, các trào lưu hiện đại chủ nghĩa không còn là xa lạ với nghệ thuật Việt Nam. Chúng ta có thể nhận thấy dấu ấn của các chủ nghĩa hiện đại trong tranh của nhiều nghệ sĩ, kể từ một chủ nghĩa tiền hiện đại là hậu ấn tượng trở đi. Ta có thể nhận thấy bóng dáng của người nghệ sĩ hậu ấn tượng Cézanne trong các khối nhà “phố” của Bùi Xuân Phái; bóng dáng người nghệ sĩ “dã thú” của Matisse trong một số tranh của Nguyễn Sáng (
Thiếu nữ với hoa sen, 1972, Chùa Tháp Phổ Minh, 1977); dấu ấn của Gauguin trong Nguyễn Tư Nghiêm (Chân dung, Con nghé quả thực); dấu ấn của Henry Moore (1898-1986, nhà điêu khắc hiện đại người Anh, nổi tiếng bởi những bức tượng đài trừu tượng bằng đồng) trong tượng của Lê Công Thành (Sắp làm mẹ - tượng đồng, 1988; Tượng nữ; Mẹ Âu Cơ, 2007); bóng dáng chủ nghĩa biểu hiện của Rouault trong tranh của Trần Lưu Hậu (Khỏa thân, 2007, Cây Hà Nội, 2007), Đỗ Sơn (Mùa hạ vàng, 2003), Phạm Ngọc Minh (Sương sớm, 1994); dấu ấn chủ nghĩa biểu hiện của Chagall trong tranh Bửu Chỉ (Khỏa thân và trăng xanh, 1997); chủ nghĩa lập thể của Léger trong tranh của Lê Anh Vân (Chiến lũy, 1984); chủ nghĩa siêu thực trong tranh của Nguyễn Quân (Ảo tượng về biển, 1994), của Lê Quảng Hà (Ta là vua, 2007); chủ nghĩa vị lai trong tượng của Trần Duy Nhân (Vô đề I - sắt hàn, 2004); chủ nghĩa trừu tượng trong tranh của Ca Lê Thắng (Bố cục, 2000), của Hoàng Đăng Nhuận (Phố má hồng, 1997), của Đỗ Hoàng Tường (Xanh và vàng, 1998), của Trần Văn Thảo (Ánh sáng xanh, 1994), của Lê Anh Quân (Người lang thang I, 2006); và ảnh hưởng của nghệ thuật trình diễn và sắp đặt trong sáng tác của một loạt nghệ sĩ thuộc thế hệ đương đại như Hoàng Tường Minh (sinh năm 1962), Trần Việt Hưng (1968), Nguyễn Anh On (1959), Lê Vũ (1972), Nguyễn Sơn (1975), Trương Tân (1963), Đào Anh Khánh (1959), Trần Lương (1960), Vũ Hồng Ninh (1983), Nguyễn Huy An (1982), Nguyễn Mạnh Hùng (1976), Nguyễn Xuân Hoàng (1981), Nguyễn Trí Mạnh (1970), Nguyễn Huy Tính (1974), Nguyễn Ngọc Lâm (1977), Nguyễn Minh Phước (1973)...9


Cái gọi là “nghệ thuật trình diễn”: Màn trình diễn khỏa thân gây sốc của L.D.H. năm 2010
Có thể nói, những ví dụ trên đây cho thấy, trong khi nghệ thuật tạo hình Việt Nam đầu thế kỷ XX bộc lộ một sự tiếp nhận và xây dựng cơ bản, thì trong giai đoạn đương đại, ảnh hưởng của các trào lưu hiện đại chủ nghĩa đã thể hiện khá sâu đậm trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Điều này hoàn toàn trái ngược với ý kiến của nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân từ năm 1982 khi ông cho rằng: “Nếu trước năm 1945, trong nghệ thuật tạo hình nước ta, những biểu hiện của một thứ ấn tượng Pháp cuối mùa, những tiếng dội của các trào lưu hiện đại chủ nghĩa còn mạnh mẽ, tính dân tộc còn mờ nhạt, chất hiện thực còn mơ hồ, thì vào khoảng đầu những năm 1960, với những thành tựu của các chất liệu dân tộc như lụa, sơn mài, khắc gỗ, với những sáng tác hội họa về cuộc kháng chiến chống Pháp, về cải cách ruộng đất và những sự đổi thay trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nghệ thuật tạo hình nước ta không còn ảnh hưởng gì lắm các khuynh hướng nghệ thuật suy đồi châu Âu, đồng thời đã đậm đà chất hiện thực và chất dân tộc.”10 Đồng thời, khi nói đến yêu cầu về tính hiện đại của một nền nghệ thuật Việt Nam hiện đại, Nguyễn Quân còn khẳng định rằng, “...ảnh hưởng của hiện đại chủ nghĩa trong nghệ thuật cần phải được ngăn ngừa, để tránh một sự học tập không có phê phán, sự tiếp thu một cách nô lệ những hình thức bên ngoài vốn chỉ là chỗ trốn tránh của một số nghệ sĩ bất bình phản ứng với xã hội rối loạn của họ, những hình thức mà phần nào ở ngay các nước Tây Âu cũng bị thải loại dần.”11

Thực tế, lời phát biểu trên đây chỉ là một ý kiến mang tính đường lối kinh viện của thời bao cấp trước Đổi mới mà không căn cứ vào thực tiễn nghệ thuật. Người viết những dòng nói trên đã không hiểu rõ tường tận nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa của phong trào tiên phong mà chỉ phán xét theo một định kiến mang tính đường lối giáo điều. Đến năm 2010, trong không khí Đổi mới đã được hơn 20 năm, tác giả của ý kiến trên đây cũng đã phải ghi nhận sự ảnh hưởng của các trào lưu hiện đại chủ nghĩa đối với nghệ thuật tạo hình Việt Nam đương đại khi ông viết: “Có thể nói, các tác giả trừu tượng đã tạo ra một mảng mới và khẳng định vị trí của nó trong mỹ thuật Việt Nam hiện đại.”12

Căn cứ vào những gì chúng tôi đã phân tích và giới thiệu ở bài viết đầu tiên về chủ nghĩa hiện đại,13 thì chủ nghĩa hiện đại không phải là nghệ thuật suy đồi. Và chỉ căn cứ vào những phiên bản minh họa của chính tác giả ý kiến nói trên ta cũng có thể thấy tình hình nghệ thuật hiện đại Việt Nam đã diễn ra ngược lại với nhận định năm 1982 của tác giả đó. Tức là trước năm 1945, nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại đã phải tiếp nhận những kiến thức cơ bản của nghệ thuật, chỉ từ những năm 1970 trở đi, nghệ thuật Việt Nam hiện đại mới bắt đầu hội nhập với thế giới hơn bao giờ hết, và trong quá trình hội nhập đó, hầu như mọi kinh nghiệm của các chủ nghĩa hiện đại đầu thế kỷ XX của phương Tây đều đã được các nghệ sĩ Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, thể nghiệm và áp dụng. Vấn đề là sự thể nghiệm đó thành công đến mức nào, chứ vấn đề không phải là phủ nhận chủ nghĩa hiện đại, điều này chúng ta không thể dùng ý chí luận mà áp đặt được. Sự thật là nếu các nghệ sĩ của chúng ta phát huy được óc sáng tạo, thì mọi nguồn gợi ý đều có thể đem lại thành công. Trên thực tế, có nghệ sĩ đã đạt được thành công trong việc thể nghiệm nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa, đặc biệt là đối với chủ nghĩa biểu hiện, siêu thực và trừu tượng, nhưng cũng có những thể nghiệm còn để lại những dấu hỏi nghi ngờ, nhất là những thể nghiệm trong các lĩnh vực gọi là nghệ thuật trình diễn và sắp đặt. Nhiều khi, những người tự gọi là nghệ sĩ đã thực hiện những cuộc trình diễn rất vô lý và phi thẩm mỹ. Đôi khi người xem có cảm giác đó là những chiêu tự quảng cáo bản thân chứ không phải là sáng tạo nghệ thuật. Chính vì thế mà có người đã đặt câu hỏi: “Trình diễn nghệ thuật đương đại hay những trò lố?”14 dành cho loại hình được coi là “nghệ thuật” này. Thực sự, ở đây tự do sáng tác đã bị lạm dụng một cách cực đoan. Có thể nói, trong nghệ thuật hiện đại, với những hoạt động ở mức tới hạn, ranh giới giữa nghệ thuật và giả nghệ thuật là rất mong manh. Nhiệm vụ của người nghệ sĩ là phải hiểu rõ bản chất và sứ mạng của nghệ thuật để làm chủ được nó trong những ranh giới tới hạn, bất kể là nghệ thuật cổ điển hay hiện đại. Những gì ở mức tới hạn sẽ hứa hẹn cho ta những hiệu ứng đặc biệt, nhưng nếu không làm chủ được chúng thì chúng sẽ có nguy cơ phản lại chính chúng ta. Đó là một quy luật, và quy luật đó cũng đúng cho cả lĩnh vực nghệ thuật.

Trong lĩnh vực văn học, các trào lưu hiện đại chủ nghĩa cũng để lại dấu ấn không nhỏ trong văn học Việt Nam đương đại. Tất nhiên, do đặc thù của văn học, cho nên không phải tất cả các trào lưu nghệ thuật hiện đại đều có sự ảnh hưởng đến hình thái nghệ thuật ngôn từ này, mà chủ yếu là những trào lưu có sự mở rộng sang lĩnh vực văn học như chủ nghĩa Đađa, vị lai, siêu thực.

Ngay từ đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam đã xuất hiện một phong trào đổi mới thơ ca và sau đó đã được các nhà thơ và nhà phê bình đương thời gọi đích danh là phong trào Thơ mới. Phong trào này, diễn ra từ 1932 và đến 1942 thì được khẳng định qua công trình tổng kết Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, có thể được coi là một sự phản kháng chống lại một lối thơ cũ đã trở nên lỗi thời với những niêm luật chặt chẽ và gò bó của nó. Để làm điều đó, các nhà Thơ mới đã tiếp thu các thành tựu của thơ ca phương Tây và xây dựng nên một nền thơ mới với những bước đi vô cùng táo bạo. Trong những nguồn ảnh hưởng từ thơ ca phương Tây, chúng ta thấy có chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực.

Những hình tượng kết hợp tự do trong thơ ca là đặc trưng của chủ nghĩa siêu thực, còn được gọi là thơ tự do. Lần đầu tiên, với phong trào Thơ mới, thơ tự do trở thành một trong những kỹ thuật chủ chốt của thơ ca Việt Nam hiện đại. Đây là kỹ thuật mới nhất làm cho Thơ mới đoạn tuyệt hẳn với thơ cũ.

Đặc biệt, trong khi tiếp thu kỹ thuật thơ tự do, các nhà Thơ mới Việt Nam còn thực hiện một bước đi triệt để hơn: thực hiện kỹ thuật thơ văn xuôi.

Thơ văn xuôi là bước phát triển cao nhất của thơ tự do. Ngoài đặc trưng chung của thơ ca là nhịp điệu, thơ văn xuôi còn giống thơ tự do ở cùng một điểm chung là không bị ràng buộc vào các quy tắc về số câu, số chữ, niêm luật... Nhưng, nó khác với thơ tự do ở chỗ là trong khi thơ tự do vẫn lấy câu thơ làm đơn vị nhịp điệu và vẫn có thể có vần, thì thơ văn xuôi không phân dòng, không dùng hình thức câu thơ làm đơn vị nhịp điệu, và thứ hai là thơ văn xuôi không có vần.

Trong công trình hợp tuyển Thi nhân Việt Nam in năm 1942, Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết: “Phong trào Thơ mới lúc bột phát có thể xem như một cuộc xâm lăng của văn xuôi. Văn xuôi tràn vào địa hạt thơ, phá phách tan tành.”15 Đấy là nói đến ảnh hưởng của văn xuôi nói chung, một dấu hiệu của công cuộc hiện đại hóa văn học Việt Nam, khi mà trước đây, trong thời trung đại, văn chương Việt Nam chủ yếu phát triển ở lĩnh vực thơ ca. Trong bối cảnh đó, thơ văn xuôi của phương Tây được coi là một trong những con đường giải phóng cho thơ ca Việt Nam thoát khỏi sự ràng buộc của các quy tắc thơ cũ.

Quả thực, thơ văn xuôi đã thâm nhập vào Thơ mới từ con đường thơ tượng trưng, thơ siêu thực... của phương Tây, đặc biệt là của thơ Pháp. Nhưng cũng có người cho rằng thơ văn xuôi đã có bóng dáng “ở các thể loại văn vần như phú, văn tế, hoặc các loại biền như hịch, cáo” từ thời trung đại.16 Tuy nhiên theo chúng tôi, căn cứ vào định nghĩa cho rằng thơ văn xuôi là “thơ không có vần” như đã nói ở trên, mặt khác căn cứ vào một điều nữa là phú, tế, hịch, cáo không phải là các thể văn vần, mà chúng chỉ đơn giản là các thể văn được viết bằng cả văn vần lẫn văn xuôi, thì không thể nói tất cả các thể văn của văn chương cổ-trung đại trên đây là nguồn gốc của thơ văn xuôi hiện đại Việt Nam. Mà chỉ có thể nói rằng “có bóng dáng của thơ văn xuôi trong các bài văn phú, tế, hịch, cáo khi những bài này được viết bằng văn xuôi”. Hơn nữa, theo chúng tôi, những sáng tác này cũng chỉ là một “cơ sở” mờ nhạt, còn nguồn ảnh hưởng trực tiếp dẫn đến hình thành thơ văn xuôi hiện đại Việt Nam thì phải kể đến thơ tượng trưng và thơ siêu thực của phương Tây.

Với sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa - văn học phương Tây diễn ra hồi đầu thế kỷ XX, đến nỗi, “mỗi nhà thơ Việt hình như mang nặng trên đầu năm bảy nhà thơ Pháp” (Hoài Thanh - Hoài Chân17), và cùng với thơ tự do, thơ văn xuôi cũng bắt đầu được các nhà Thơ mới thử nghiệm. Ngay từ những năm 1930, Đinh Hùng, Nguyễn Xuân Sanh v.v... đã có những áng thơ văn xuôi rất tinh khiết và nuột nà, trong đó ta thấy thấp thoáng bóng dáng thơ siêu thực của Paul Éluard:

Nước trong như một cặp mắt tuyệt vời. Những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng cung nữ thời xưa… Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa, và linh hồn vẫn là linh hồn tôi năm trước… Chân ai đi xa vắng ngày xưa, hay đó chỉ là gió thoảng mong manh?



Thu đã về đây, tôi làm lữ khách đi hết sông này, sông khác, cả núi, cả đèo và cả rừng, cả suối, bây giờ tôi cũng về đây để hiểu thêm một ít, nhớ thêm một ít, và yêu thêm rất nhiều.”

(Đinh Hùng, Cảm thu)

Giọt mưa rơi, mưa rơi, giọt mưa rơi... Mưa rơi kết tinh suy tưởng của hồn ta. Tương tư của hai ta có phải cầm giữ đâu vô bờ bến? Nó thành giọt, để đọng giọt nhớ thương. Nó nhẹ nhàng, êm ái, nhưng nó bao la như những cõi vô cùng, hàng vạn triệu. Chiều nay ngoài khung cửa sổ đời ta, từng giọt, từng giọt, từng giọt, nhưng ta biết lấy gì đếm được.



Mưa rơi từ trăng xuống. Mưa rời từ đất cỏ, đi lên. Từ trăng xuống, từ đất lên, những sáng và những trưa mai, và giọt mưa rơi…”

(Nguyễn Xuân Sanh, Giọt mưa rơi)

Tháng lúa chín: vụ gặt trong nắng xanh. Hồn của đất: lúa thơm. Sự sống thầm, và hoa mỹ. Nghĩ rằng một hạt cốm nếp mang đọng bao nhiêu hương đất, bao nhiêu tháng ái ân…



Muốn nhìn, muốn gửi, muốn nếm, muốn thương.”

(Nguyễn Xuân Sanh, Đất thơm)18

Trong tinh thần này, nhiều người còn xếp bài Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử vào thể thơ văn xuôi. Nhưng theo tôi, có thể coi bài này là tùy bút thì đúng hơn, vì đặc trưng nhịp điệu lµm nªn th¬ ca của nó không rõ ràng.

Từ thời hòa bình đến nay, thơ văn xuôi đã khẳng định được chỗ đứng trong thơ ca Việt Nam. Đặc biệt, thơ văn xuôi dường như đã tìm được mảnh đất thích hợp trong trường ca. Sau khoảnh khắc được thử nghiệm ngắn ngủi trong Đường tới thành phố (1979) của Hữu Thỉnh, thơ văn xuôi tự tin thâm nhập vào trường ca với Khối vuông rubic của Thanh Thảo (1985). Thanh Thảo đã dành trọn vẹn trường ca này cho thơ văn xuôi. Tiếp đến, thơ văn xuôi xuất hiện ở một số chương trong Người cùng thời của Mai Văn Phấn (1999), trong Trên đường (2004) và Ngày đang mở sáng (2007) của Trần Anh Thái, Hành trình của con kiến của Lê Minh Quốc (năm 2006), và lại có mặt trong suốt bản trường ca Phồn sinh dài 200 trang (mới chỉ công bố trên mạng) của Nguyễn Linh Khiếu (2007).

Như cùng một ước hẹn, thơ văn xuôi trong trường ca Việt Nam hiện đại được các nhà thơ vận dụng để bày tỏ những dòng (đúng là những dòng) trăn trở, suy tư, cả những dòng suy tư triết lý và những cảm xúc sôi trào, những điều mà có lẽ cái khuôn khổ gò bó của các thể thơ truyền thống không cho phép họ bộc bạch hết được:

Tôi xoay những ô vuông. Những sắc màu chưa đồng nhất. Rubic một trò chơi kỳ lạ. Chúng ta phải vất vả bao nhiêu để sắp xếp lại những ý nghĩ. Có hàng tỷ cách sắp xếp. Rubic - đó là cấu trúc của thơ.”

(Thanh Thảo, Khối vuông rubic)

Không có ai đốt lửa trước con đường, chỉ có niềm hy vọng cháy lên. Sức mạnh bàn chân ở nơi thẳm sâu niềm trắc ẩn, ngân nga nơi dấu chân tổ tiên, nơi những câu chuyện buồn không dứt. Đi! Dừng lại là đắm chìm, là hoang mang cay đắng, là tiếng vọng xa xăm lạnh buốt cõi người. Không có bờ sóng vỗ vào đâu?”

(Trần Anh Thái, Trên đường)

trong những thời đại nhân danh dân chủ người cầm quyền làm bất cứ việc gì mà họ muốn đều với danh nghĩa dân chủ trong thời đại đó tất cả mọi người đang bị giam cầm trong nhà tù tất cả mọi người đã bị tuyên án tử hình tất cả mọi người đang đứng dưới giá treo cổ tất cả mọi người đã ở đoạn đầu đài tất cả mọi người đã dựa cột ở pháp trường tất cả mọi người đã đứng bên miệng huyệt”

(Nguyễn Linh Khiếu, Phồn sinh I)

Nói chung, các nhà thơ thường lấy thơ văn xuôi để nhằm giải quyết những vấn đề và những nhiệm vụ lớn của thời đại, cũng như để thể hiện những khát vọng và tình cảm mãnh liệt của cá nhân. Đó là một sứ mạng quan trọng của thơ văn xuôi. Vì thế mà tiềm năng của nó rất lớn. Nhưng cũng chính vì thế mà thơ văn xuôi có phần kén độc giả. Nhất là khi nó lại được kết hợp với cả những thủ pháp nghệ thuật hiện đại như thủ pháp của tiểu thuyết mới và của kịch phi lý như trong Phồn sinh của Nguyễn Linh Khiếu.

Mặt khác, nếu thơ văn xuôi là kể lể, lắp ghép những câu những chữ thường tình, tẻ nhạt, không qua sự gia công, tinh luyện, thì nó sẽ gặp thất bại. Làm thơ văn xuôi không có nghĩa là cho phép đưa tất cả câu chữ của văn xuôi vào. Nó đòi hỏi phải được tinh luyện qua lò luyện của nhịp điệu thơ. Cách đây 70 năm, Hoài Thanh và Hoài Chân đã khuyến cáo một điều trước cuộc “xâm lăng của văn xuôi” vào thơ ca: “Một đặc tính của văn xuôi là nói nhiều. Cho nên trong thơ hồi bấy giờ thi tứ hình như giãn ra”, làm cho trong thơ có nhiều câu chữ thừa.19 Chính vì lẽ đó mà ngày nay, có những trường ca có nhiều đoạn thơ văn xuôi hay, nhưng không phải là không có những đoạn chữ thừa, và vì thế làm cho còn có những đoạn thơ kém hay. Ví dụ xin hãy đọc đoạn thơ văn xuôi sau đây trong Khối vuông rubic:

“Tôi xoay những ô vuông. Đứa con nhỏ của tôi bị lên sởi, cháu sốt cao, không ăn uống được. Hộp sữa “Thống Nhất” giá một trăm đồng, tức là [bằng] nửa tháng lương. Trách móc, than thở, hay chờ con cái sẽ cứu giúp chúng ta? Tôi lặng lẽ ngồi vào bàn viết. Những dòng chữ giữa cơn sốt của con và hộp sữa giá cao”.

Ở đây, những chữ tôi in nghiêng, theo tôi, là những chữ thừa, chữ “bằng” trong ngoặc vuông là tôi đề xuất thay vào. Mặc dù không phủ nhận Khối vuông rubic là một trường ca có nhiều đoạn hay và sâu sắc, nhưng tôi cho rằng những khiếm khuyết trên đây cũng làm giảm phần nào giá trị của bản trường ca.

Như vậy, nếu như thơ văn xuôi không thể là “thơ văn vần nối dài” (lời của Trần Anh Thái), bởi lẽ đặc trưng của thơ văn xuôi là thơ không vần, thì mặt khác nó cũng không thể là văn xuôi được đơn giản chặt khúc ra để lắp lại cho thành một bài “thơ”. Khắc phục được hai nguy cơ đó, thơ văn xuôi có thể phát huy được tiềm năng của mình một cách hiệu quả. Hơn nữa, cùng với xu hướng phát triển mạnh mẽ của trường ca ngày nay, thơ văn xuôi càng nhìn thấy triển vọng đầy hứa hẹn cho mình. Chúng tôi xin mượn lời nhà thơ Trần Anh Thái để kết luận:

“Thơ văn xuôi (...) có những ưu thế đặc biệt trong việc thể hiện ý tưởng của nhà thơ. Nếu thơ văn xuôi vượt lên trên tình trạng ‘thơ văn vần nối dài’ thì nó sẽ có khả năng biểu hiện rất lớn. Tôi nghĩ thơ văn xuôi rất có triển vọng phát triển ở Việt Nam.”20

Mặt khác, sự ảnh hưởng của các trào lưu hiện đại cũng có thể không diễn ra một cách trực tiếp, mà các trào lưu đó ảnh hưởng thông qua kỹ thuật dòng chảy ý thức của tiểu thuyết hiện đại và của kịch phi lý.

Ở Việt Nam, truyện ngắn Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu có thể được coi là một trong những thể nghiệm đầu tiên của kỹ thuật “dòng chảy ý thức” theo phiên bản Proust. Cái kỹ thuật đồng hiện thời gian của nhiều tác giả tiểu thuyết hiện đại, miêu tả sự việc hiện tại và quá khứ đan xen nhau, cũng có thể được coi là một dạng của kỹ thuật này. Gần đây, trong văn học Việt Nam đương đại cũng đã xuất hiện cả xu hướng tiếp thu phiên bản Joyce trong kỹ thuật dòng chảy ý thức. Sự tiếp thu này không chỉ dừng lại trong tiểu thuyết mà nó còn được mở rộng sang cả thi ca. Ngay trong một số trường ca, dòng chảy ý thức theo kiểu Joyce đã được áp dụng khá triệt để. Đây là một chương trong trường ca Người cùng thời (1999) của Mai Văn Phấn, chương VII: Mail cho em.

Thực sự ở đây, cũng giống như trong Ulysses của Joyce, tính logic của lập luận đã biến mất, chỉ còn lại cái vỏ vô nghĩa của ngôn ngữ, và điều này được thực hiện theo dòng chảy hỗn độn phi trật tự của ý thức.

Trong tiểu thuyết, tác phẩm gần đây nhất của Y Ban, Xuân Từ Chiều, được viết từ đầu đến cuối không xuống dòng. Cũng là để thể hiện “dòng chảy ý thức” chăng? Tuy nhiên Y Ban chỉ tiếp thu một khía cạnh “dòng chảy” của kỹ thuật này, chứ không tiếp thu khía cạnh phá hủy ngôn ngữ của nó. Y Ban vẫn giữ trật tự ý nghĩa và ngữ pháp của câu văn, nhưng chị xếp các câu văn “chảy” nối tiếp nhau như một luồng ý nghĩ liên tục, phải chăng đó là cách thể hiện một tâm tư bức xúc của nhà văn? Ngay cả tên tác phẩm cũng là một kiểu chơi chữ khi tác giả ghép tên của ba nhân vật nữ Xuân, Từ và Chiều lại thành một câu có nghĩa. Đó cũng là một kiểu thể hiện của dòng ý thức.

Đặc biệt, một số tác giả trong văn học Việt Nam đương đại rất quan tâm đến yếu tố nghịch dị và huyễn tưởng của chủ nghĩa siêu thực. Nhiều nhà văn đã thành công đưa yếu tố huyễn tưởng vào truyện ngắn và tiểu thuyết để gây tác động tâm lý, như là một bệ phóng để chuyển tải ý nghĩa tư tưởng và thẩm mỹ. Trong lĩnh vực này, Nguyễn Huy Thiệp có thể được coi là một trong những người đầu tiên. Truyện ngắn của ông trở thành kiểu mẫu cho một phong cách mới. Một số tác giả trẻ cũng muốn đi theo phong cách này. Truyện ngắn Dị hương của Sương Nguyệt Minh (2009), Trại hoa đỏ của Di Li (2009) là một số ví dụ tiêu biểu. Nói cho cùng, huyễn tưởng không phải là sản phẩm của riêng chủ nghĩa siêu thực, mà thực ra nó là một hình thái nhận thức thẩm mỹ vĩnh hằng của con người và đã được nhiều trào lưu và nhiều phong cách khác nhau sử dụng, trong đó có chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa siêu thực, kịch phi lý và cả chủ nghĩa hiện thực. Tuy nhiên, chủ nghĩa siêu thực đã nâng cái huyễn tưởng lên thành một yếu tố phong cách chủ đạo.



Về dư âm của văn học phi lý trong nền văn học Việt Nam hiện đại, chúng tôi đã trình bày trong công trình khảo luận Văn học phi lý (Nxb. Văn hóa - Thông tin, 2002), xin độc giả tham khảo cuốn sách này. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nói thêm rằng, sang thế kỷ XXI, nỗi day dứt về sự cô đơn trong lối sống bầy đàn vẫn để lại dư âm trong văn học. Nó có mặt trong cả tâm thức của các nhà văn trẻ. Năm 2011, Nguyễn Ngọc Tư đã có hẳn một bài tạp văn đăng trên blog của mình mang đầu đề Giữa bầy đàn..., nói về kiếp người nghèo ngay trong thời đương đại của Việt Nam. Kết thúc bài văn chị viết: “... người ta nhiều khi tưởng chỉ một mình lủi thủi nơi thâm sơn cùng cốc, xa làng xa chợ mới gọi là cô đơn. Nhưng sống giữa bầy đàn đông đúc mà không ai hiểu được mình, không ai chia sẻ với mình, không ai trìu mến với mình, đâu thử lên núi cao xem có đỡ hơn không?”

Tóm lại, văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại đang phát triển theo đúng xu hướng chung của thời đại: xu hướng hội nhập quốc tế. Trong thời đại thông tin hiện nay, không có cái gì của loài người là xa lạ với một quốc gia, một dân tộc. Trong tinh thần đó, các trào lưu hiện đại chủ nghĩa của nghệ thuật phương Tây cũng không hề là thứ xa lạ với văn học nghệ thuật Việt Nam. Điều này không có gì là trái quy luật và không phải là một điều đáng lo ngại. Vấn đề là chúng ta phải nắm vững quy luật đó, đánh giá đúng thành công và hạn chế của các trào lưu hiện đại chủ nghĩa để hướng dẫn văn nghệ Việt Nam tiếp nhận các thành tựu văn nghệ thế giới, trong đó có các thành tựu của phong trào tiên phong.



3. Kết luận

Một loạt bài viết của chúng tôi về chủ nghĩa hiện đại trên tạp chí Văn học nước ngoài, từ số 10-2011 đến nay, cũng như các bài viết khác về tiểu thuyết dòng chảy ý thức và về văn học phi lý được đăng nhiều lần trên sách báo mà chúng tôi thấy không cần phải nhắc lại ở đây, đã cho thấy một bức tranh toàn cảnh về các trào lưu hiện đại chủ nghĩa trong văn học nghệ thuật thế giới. Qua đó chúng ta có thể thấy quá trình diễn biến của một giai đoạn lịch sử nghệ thuật vô cùng sôi động, với những năng lực sáng tạo vô cùng phong phú và đa dạng của nhân loại dưới cái tên phong trào tiên phong. Có thể nói, đây là một trong những giai đoạn hiếm hoi trong lịch sử nghệ thuật nhân loại có nhiều tác động đến lịch sử văn học nghệ thuật và lịch sử xã hội. Và điều đầu tiên chúng tôi cần phải khẳng định rằng đó là những tác động tích cực mà lịch sử luôn phải ghi nhận và phát huy.

Những điều phân tích trong các bài viết về chủ nghĩa hiện đại cho thấy các trào lưu hiện đại chủ nghĩa có vai trò và ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của văn học nghệ thuật nhân loại. Trong khi thực hiện những cuộc đổi mới, thậm chí có cả những cuộc cách mạng trong nghệ thuật, các trào lưu hiện đại chủ nghĩa không tránh khỏi những bước đi cực đoan. Nhưng nhìn chung, những đóng góp của chúng cho sự phát triển của văn học nghệ thuật nhân loại là không thể phủ nhận, và sự hiện diện của chúng trong văn học nghệ thuật đương đại vẫn mang ý nghĩa tích cực. Trong tinh thần đó, việc tìm hiểu chúng và nắm chắc mối quan hệ của chúng với văn học nghệ thuật đương đại là một điều rất cần thiết và hữu ích.

Mặc dù ngày nay chúng ta đã có cái nhìn đổi mới về chủ nghĩa hiện đại nói chung và các trào lưu hiện đại chủ nghĩa của phong trào tiên phong nói riêng, nhưng những di căn của chủ nghĩa giáo điều trước đây đôi khi vẫn để lại những ý kiến e ngại khi đánh giá chúng. Chính vì vậy mà chúng tôi muốn nói rằng, chúng ta cần có nhìn khách quan và có hệ thống về các trào lưu trường phái trong văn học nghệ thuật nói chung và về các trào lưu hiện đại chủ nghĩa nói riêng. Việc xác định đặc trưng và tên gọi của các trào lưu cần được thực hiện một cách thống nhất. Những người biên soạn sách lý luận và phê bình văn học nghệ thuật cần có sự hợp tác trong việc xây dựng một hệ thống thuật ngữ, khái niệm, lý thuyết và các trào lưu. Cần có sự nhất quán trong việc gọi tên các trào lưu, nếu có thay đổi thì cần có một sự lý giải rõ ràng chứ không tùy tiện phát ngôn mỗi lúc một kiểu. Việc làm tùy tiện như thế sẽ có nguy cơ biến một lĩnh vực vô cùng nghiêm túc thành một trò chơi ngẫu hứng.

Theo hướng đó, các bài viết của chúng tôi sẽ góp phần đánh giá lại một cách nghiêm túc các trào lưu hiện đại chủ nghĩa. Chúng cho thấy các trào lưu hiện đại chủ nghĩa, ngoại trừ một số động thái nổi loạn cực đoan, đã có những giá trị tích cực không nhỏ trong tiến trình phát triển của văn học nghệ thuật. Các bài viết cũng cho thấy các trào lưu đó đã được định hình và được xác định danh tính cùng vị trí rõ ràng và ổn định trong lịch sử văn học nghệ thuật, những danh tính và vị trí không dễ gì bị phủ nhận chỉ vì một sự dễ dãi vô cớ và một căn bệnh tâm lý đám đông. Chúng tôi cũng cho thấy chủ nghĩa hiện đại được thể hiện thành các trào lưu phong phú và đa dạng như thế nào; rằng nó không hề chỉ có một trung tâm và cũng không hề mang tính nhất nguyên như nhiều người gán cho nó trong ý đồ muốn tán dương tính phi trung tâm và tính đa nguyên của cái gọi là “chủ nghĩa hậu hiện đại”.

Việc đánh giá trên đây sẽ giúp san lấp lỗ hổng kiến thức về chủ nghĩa hiện đại. Cái lỗ hổng này một phần là do trước đây chúng ta đã coi tất cả các trào lưu hiện đại chủ nghĩa là “văn nghệ tư sản suy đồi”, nên đã không giới thiệu và phổ biến thường xuyên cho công chúng, đặc biệt là cho lớp trẻ. Chính vì vậy mà khi xuất hiện khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại, nhiều người quên mất rằng từ lâu đã tồn tại một khái niệm “chủ nghĩa hiện đại” có khả năng thỏa mãn mọi yêu cầu mà vấn đề “chủ nghĩa hậu hiện đại” đang đặt ra. Nếu chúng ta thực hiện tốt việc giới thiệu chủ nghĩa hiện đại, thì có thể tránh được những ngộ nhận không đáng có về cái gọi là “chủ nghĩa hậu hiện đại” đang lan tràn trong các diễn đàn văn nghệ như một căn bệnh dễ lây.

Các bài viết của chúng tôi cũng khuyến cáo rằng cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc thuật ngữ “hậu hiện đại”. Cần có quan điểm logic khi áp dụng nó cho các trào lưu văn học nghệ thuật. Tránh nhầm lẫn hiện đại với hậu hiện đại. Không tự tiện thay đổi tên gọi của những trào lưu đã được định danh là “hiện đại chủ nghĩa” trong lịch sử văn học nghệ thuật để vô cớ gọi chúng là “hậu hiện đại”.

Tất cả những điều nói trên có liên quan đến việc giới thiệu các lý thuyết văn nghệ ở Việt Nam. Về vấn đề này, chúng tôi khẩn thiết cảnh báo rằng chúng ta cần có quan điểm khách quan và cẩn trọng khi tiếp thu các quan điểm và lý thuyết của nước ngoài. Nhiều cuốn sách giới thiệu lý thuyết chỉ làm một công việc nhắc lại mà không có óc logic cùng với tinh thần phê phán để phân biệt những điều “vô nghĩa thời thượng” quá hiển nhiên trong những tuyên bố ồn ào về “hậu hiện đại”. Thói quen tiếp nhận thiếu suy xét trong khoa học đang trở thành một sự cản trở đáng ngại cho sự phát triển lý luận, và thói quen này đang trở nên đáng ngại nhất trong vấn đề “tồn tại hay không tồn tại chủ nghĩa hậu hiện đại?”



Cuối cùng chúng tôi xin nói rằng, sự lãng quên chủ nghĩa hiện đại và nhầm lẫn giữa hiện đại với hậu hiện đại sẽ có nguy cơ làm rối loạn hệ thống lý luận văn nghệ, rối loạn các giá trị đã được thiết lập của chủ nghĩa hiện đại, rối loạn các tiêu chí đánh giá tác phẩm văn học đương đại, rối loạn các tiêu chí tiếp nhận văn học nghệ thuật của người thưởng ngoạn. Vì thế, việc xác định chủ nghĩa hiện đại sẽ góp phần tái lập lại trật tự của các hệ thống kiến thức trong xã hội thông tin, tạo cơ sở để con người đi vào xã hội tri thức, một xã hội đề cao vai trò của tri thức, nhưng không phải là những tri thức nhằm mục đích thao túng và chi phối con người, mà chúng luôn phải là sản phẩm của con người và phục vụ con người. Đó cũng là mục tiêu của tự do sáng tạo và của dân chủ trong khoa học.

(*) PGS.TS., Viện Thông tin Khoa học xã hội.

1 Trích theo Phạm Quang Trung, “Văn xuôi mới Mỹ Latinh”, Văn học nước ngoài, số 8-2011, tr. 95.

2 Phạm Quang Trung, bài đã dẫn, tr. 96.

3 Trích theo Phạm Quang Trung, bài đã dẫn, tr. 105.

4 Trích theo Phạm Quang Trung, bài đã dẫn, tr. 122-123.

5 Phạm Quang Trung, bài đã dẫn, tr. 124.

6 Song Ganglu, Hơi thở, Nxb. Hoa Thành, 6-1993, (tiếng Trung Quốc). (Trích theo Masaaki Iwasa [Đại học Kyushu, Nhật Bản], The Dissolution of China's Socialist Culture: The State of Literature in the 1980s and 1990s [“Sự tan rã của văn hóa XHCN Trung Quốc: Tình hình văn học những năm 1980 và 1990”], trong tạp chí The APC Journal of Asian-Pacific Studies, 2000, N0 6, tr. 27, bản tiếng Anh).

7 Xem M. Iwasa, tài liệu đã dẫn, tr. 25-27.

8 Xem Nguyễn Quân, Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2010, tr. 24.

9 Các ví dụ trên đây lấy từ phần “Phiên bản minh họa” trong: Nguyễn Quân, Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX, Sách đã dẫn.

10 Nguyễn Quân, Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại (1982). In lại trong: Nguyễn Quân, Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX, Sách đã dẫn, tr. 348.

11 Nguyễn Quân, Nghệ thuật tạo hình Việt Nam..., trong Sách đã dẫn, tr. 364.

12 Nguyễn Quân, Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX, Sách đã dẫn, tr. 133.

13 Xem Văn học nước ngoài, số 10-2011.

14 Anh Cuông, “Trình diễn nghệ thuật đương đại hay những trò lố?”, http://laodong.com.vn, 3/3/2011.

15 Hoài Thanh - Hoài Chân, “Một thời đại trong thi ca”. Trong: Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000, tr. 38 (sách tái bản).

16 Nguyễn Phong Nam - Hoàng Sĩ Nguyên, Sự tương tác giữa các thể loại văn học và thể thơ văn xuôi trong Thơ mới 1932-1945, tr. 4, www.kh-sdh.udn.vn/zipfiles/So17/14_ nam_nguyenphong.doc.

17 Hoài Thanh - Hoài Chân, Bài đã dẫn, tr. 34.

18 Trích theo Nguyễn Phong Nam - Hoàng Sĩ Nguyên, Bài đã dẫn, tr. 5.

19 Hoài Thanh - Hoài Chân, Bài đã dẫn, tr. 38.

20 Trần Anh Thái, Thơ ca như một thứ tôn giáo, www.vnexpress.vn, 11-6-2005.




tải về 2.58 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương