Nước Pháp: Nền cộng hòa Thứ V và vấn đề cải cách thể chế



tải về 55.97 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích55.97 Kb.
#13198
Nước Pháp: Nền cộng hòa Thứ V

và vấn đề cải cách thể chế

Th.s Chu Tuấn Tú - Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước, tổng hợp và biên tập
Cng hòa Pháp là đất nước lớn nhất Tây Âu với diện tích 551.602 km2; dân số 60.876.136 người (tính đến 7/2006), đứng thứ 2 trong EU - sau Đức (82 triệu). Cộng hoà Pháp bao gồm: Chính quốc (22 vùng và 96 tỉnh), 4 tỉnh hải ngoại (DOM) - Guadeloupe, Martinique, Guyane, La Réunion, 4 thuộc địa (TOM) - Polynésie française, Nouvelle-Calédonie, Wallis et Futuna, les Terres australes et antarctiques françaises và những vùng lãnh thổ đặc biệt: Mayotte và Saint-Pierre-et-Miquelon.


Paris nhìn từ đỉnh tháp Eiffel Ảnh: Chu Tuấn Tú

Thể chế chính trị

Theo Hiến pháp năm 1958,  Tổng thống do phổ thông đầu phiếu trực tiếp bầu ra, nhiệm kỳ 5 năm, là người đứng đầu Nhà nước, trụ cột cho các thể chế. Là người đứng đầu quân đội, chịu trách nhiệm cho độc lập dân tộc. Tổng thống có một số đặc quyền trong thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng, Tổng thống có thể đưa ra trưng cầu dân ý một số dự thảo luật và giải tán Quốc hội. Trên thực tế, Tổng thống có một vai trò hàng đầu trong việc xác định các phương hướng của chính sách đối ngoại. Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng, cũng như các thành viên của chính phủ theo đề nghị của Thủ tướng, và chủ trì Hội đồng Bộ trưởng.

Thủ tướng Chính phủ là người chịu trách nhiệm về quốc phòng và có nhiệm vụ thực thi các đạo luật, lãnh đạo hoạt động của Chính phủ. Chính phủ xác định và thi hành chính sách Quốc gia. Chính phủ có bộ máy hành chính, lực lượng vũ trang và chịu trách nhiệm trước Nghị viện.

Pháp có một hệ thống lưỡng viện đóng một vai trò chính trong sự vận hành dân chủ. Thông qua hai viện, những khác biệt về chính trị và tranh luận ý kiến được diễn ra một cách rộng rãi. Quyền lập pháp thuộc về Nghị viện, gồm Quốc hội và Thượng viện. Quốc hội do phổ thông đầu phiếu trực tiếp bầu, nhiệm kỳ 5 năm (577 đại biểu). Thượng viện được bầu gián tiếp (do các uỷ viên hội đồng vùng, tỉnh và các nghị sĩ Quốc hội bầu ra), nhiệm kỳ 6 năm, 3 năm bầu lại 1/3 số đại biểu. Với việc bỏ phiếu bất tín nhiệm, Quốc hội có thể bãi miễn chính phủ



Cộng hòa Thứ V: một nền Cộng hòa hiện đại

Hiến pháp ngày 4/10/1958 điều chỉnh sự vận hành của các thể chế nền Cộng hoà thứ V. Tính đến nay, Hiến pháp đã được sửa đổi 22 lần để phù hợp hơn với những đòi hỏi mới của Nhà nước pháp quyền và những vấn đề bức thiết của châu Âu:



1962: Quy định bầu Tổng thống theo hình thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp.
1963: Thay đổi ngày khai mạc và bế mạc các phiên họp thường kỳ của Nghị viện.

1974: Cho phép tối thiểu 60 ĐBQH hoặc 60 Thượng nghị sĩ có quyền yêu cầu triệu tập Hội đồng Lập hiến xem xét lại một luật đã được Quốc hội thông qua, trước khi Tổng thống ban hành.

1976: Quy định các biện pháp trong trường hợp một ứng cử viên Tổng thống đột ngột tử vong.

1992: Đưa vào Hiến pháp cụm từ “các cộng đồng châu Âu và Liên minh châu Âu” nhằm phê chuẩn Hiệp ước Maastricht vì trước đó, một số điều khoản trong Hiệp ước này bị Hội đồng Lập hiến cho là trái với Hiến Pháp.

1993: Quy định thành lập Tòa án Công lý và Hội đồng Công tố tối cao.

1993: Tham gia về quyền tị nạn với các nước châu Âu.

1995: Mở rộng khả năng tổ chức trưng cầu dân ý và các phiên họp bất thường của Nghị viện.

1996: Quy định bỏ phiếu hàng năm đối với Dự luật Tài trợ cho An sinh xã hội.

1998: Áp dụng hoạt động thể chế nhà nước với Nouvelle-Calédonie.

1999: Thay đổi Hiến pháp để tham gia Hiệp ước Amsterdam về quyền tự do đi lại của công dân châu Âu trong Liên minh.

1999: Công nhận Tòa án hình sự quốc tế trong Hiến pháp.

1999: Quy định Bình đẳng nam nữ trong việc tiếp cận với các chức danh dân cử, theo hướng cho phép nữ giới tham gia nhiều hơn vào hội đồng các cấp.

2000: Quy định Nhiệm kỳ Tổng thống giảm từ 7 năm xuống 5 năm.

2003: Quy định Tổ chức mô hình nhà nước theo cơ chế phân quyền.

2003: Quy định áp dụng lệnh bắt giữ châu Âu.

2005: Thay đổi để tham gia Hiệp ước thành lập Hiến pháp chung cho châu  Âu.

2005: Sửa đổi liên quan đến Hiến chương Môi trường.

2007: Xác định đoàn cử tri cho Nouvelle-Calédonie.

2007: Quy định quyền miễn trừ của Tổng thống.

2007: Nghiêm cấm áp dụng hình phạt tử hình.

2008: Thay đổi để phê chuẩn Hiệp ước Lisbon.

Hội đồng Hiến pháp là một trong những phát kiến lớn của nền Cộng hoà thứ V. Hội đồng Hiến pháp gồm chín thành viên, được bổ nhiệm cho nhiệm kỳ 9 năm và không được tái bổ nhiệm. Ba thành viên, trong đó có Chủ tịch Hội đồng do Tổng thống bổ nhiệm, sáu thành viên còn lại, ba thành viên do Chủ tịch Quốc hội và ba thành viên do Chủ tịch Thượng viện bổ nhiệm. Khởi đầu với chức năng đảm trách theo dõi việc phân chia quyền lực giữa Nghị viện và Chính phủ, vai trò của Hội đồng hiến pháp ngày càng tăng lên. Hội đồng hiến pháp ngày càng tăng cường kiểm tra tính hợp hiến của các đạo luật, trở thành cơ quan bảo vệ các quyền tự do cơ bản.



Gần đây, dự thảo Hiến pháp sửa đổi đang được thảo luận tại Quốc hội Pháp được đánh giá là một trong những kế hoạch cải tổ thể chế mang tính cách mạng nhất kể từ 50 năm qua, thời điểm bắt đầu của nền cộng hòa Thứ V. Nếu Hiến pháp 1958 đánh dấu bước ngoặt trong cơ cấu quyền lực theo hướng nghiêng về Chính phủ, thì dự thảo Hiến pháp sửa đổi 2008 hứa hẹn mở ra một giai đoạn mới, ở đó quyền lực giữa cơ quan hành pháp và lập pháp được cân bằng.

Cơ cấu quyền lực ở Pháp hiện nay được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp năm 1958 và được gọi là nền Cộng hòa Thứ V. Bản Hiến pháp này ra đời trong bối cảnh nền chính trị Pháp vừa trải qua giai đoạn đặc biệt bất ổn dưới thời Cộng hòa Thứ IV. Vào thời kỳ đó, Quốc hội được trao quá nhiều quyền lực, dẫn đến tình trạng mỗi năm có tới một hoặc hai Chính phủ sụp đổ do Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm. Chính vì vậy, Hiến pháp mới dưới sự chủ trì của Tướng De Gaulle đã tìm cách khắc phục hạn chế này.

      Mục tiêu của các nhà soạn thảo Hiến pháp năm 1958 là cân bằng quyền lực giữa cơ quan lập pháp và hành pháp trên cơ sở duy trì truyền thống cộng hòa và truyền thống nghị viện, từ đó bảo đảm sự ổn định tương đối cho các chính phủ. Thế nhưng, mục tiêu này cuối cùng lại dẫn đến tình trạng cán cân quyền lực nghiêng nhiều hơn về phía hành pháp. Đặc biệt kể từ năm 1962, khi Tổng thống được bầu phổ thông đầu phiếu trực tiếp thay vì do Quốc hội bầu, quyền lực của cơ quan hành pháp càng được củng cố. Những quy định mới về quy trình lập pháp cũng cho phép các chính phủ dễ dàng hơn trong việc thông qua các đạo luật mà trước đó phải qua thủ tục đa số hai vòng tại Quốc hội. Ngoài ra, Hiến pháp năm 1958 đã đặt ra một loạt các điều khoản nhằm hạn chế việc Quốc hội có thể gây sức ép quá lớn lên Chính phủ và thậm chí là lật đổ Chính phủ. Điều này dẫn đến vai trò giám sát của Quốc hội đối với cơ quan hành pháp trong nền Cộng hòa Thứ V trở nên yếu hơn so với thời kỳ trước đó.

Những điều chỉnh trong Hiến pháp 1958 đã phần nào giúp Pháp có được nền chính trị tương đối ổn định trong suốt 50 năm qua. Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giữa các cơ quan quyền lực là lực cản đối với quá trình hướng tới dân chủ. Chính vì vậy, bảo đảm cơ chế cân bằng, kiềm chế và đối trọng giữa cơ quan hành pháp và lập pháp là mục tiêu lớn nhất của lần sửa đổi Hiến pháp này.

      Nếu Hiến pháp 1958 trao cho Tổng thống những quyền đặc biệt trong trường hợp xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng, thì trong dự thảo mới, để ngăn ngừa khả năng lạm dụng quyền này, mọi quyết định kéo dài thời gian thi hành đều phải được sự đồng ý của Nghị viện. Ngoài ra, mọi quyết định bổ nhiệm của Tổng thống cũng đều phải được một ủy ban hỗn hợp của hai viện thông qua.

      Bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã điều chỉnh một số điều khoản, giúp cơ quan lập pháp chủ động và linh hoạt hơn trong tổ chức và hoạt động của mình. Ví dụ nếu trước kia, Chính phủ được toàn quyền đưa ra chương trình kỳ họp khiến cơ quan lập pháp thường rơi vào thế bị động, thì giờ đây, Quốc hội được tham gia thảo luận về chương trình kỳ họp, đồng thời, chủ tịch của hai viện sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

       Dự thảo cũng đưa ra những điều khoản nhằm củng cố vai trò của Quốc hội trong quy trình lập pháp. Ví dụ, theo quy định hiện nay, thời gian từ lúc Chính phủ trình dự luật đến khi đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể là một tháng. Tuy nhiên, dự thảo Hiến pháp sửa đổi cho phép Quốc hội được kéo dài thời hạn trên trong trường hợp đặc biệt. Ngoài ra, việc triệu tập ủy ban hỗn hợp trong trường hợp khẩn cấp có thể bị vô hiệu hóa nếu không nhận được sự chấp thuận của chủ tịch hai viện. Trước đây, Chính phủ có thể tuyên bố một dự luật là khẩn cấp, mở đường cho dự luật này được đưa ra xem xét tại ủy ban hỗn hợp chỉ sau một lần đọc. Trong không ít trường hợp, phe cầm quyền đã lợi dụng quy định này để tránh nguy cơ thất bại của dự luật khi đưa ra phiên họp toàn thể. Một sửa đổi quan trọng khác là quy định tại phiên họp toàn thể, Quốc hội sẽ chỉ xem xét báo cáo thẩm tra và nội dung sửa đổi mà ủy ban chuyên trách đưa ra chứ không xem xét dự thảo luật ban đầu của Chính phủ. Đây là điểm sửa đổi mang tính cách mạng bởi nó không chỉ đặc biệt đề cao vai trò của các ủy ban mà còn làm thay đổi bản chất quy trình lập pháp. Điều này cũng cho thấy, nếu trước kia, Quốc hội thường chỉ được coi là cơ quan “thông qua” luật, chứ không phải cơ quan “làm luật” thì giờ đây, chức năng làm luật đã được đặc biệt nhấn mạnh. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với dự thảo ngân sách, dự thảo ngân sách an sinh xã hội và dự thảo luật sửa đổi Hiến pháp.

Chức năng giám sát của Quốc hội cũng được củng cố thông qua một số sửa đổi quan trọng như việc cho phép Quốc hội triệu tập phiên họp bất thường để điều trần về những vấn đề thời sự nóng bỏng. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng yêu cầu Chính phủ thông báo với Quốc hội trong trường hợp đưa quân đội ra nước ngoài và việc kéo dài thời gian tham chiến phải được sự chấp thuận của Nghị viện. Vai trò giám sát trong hoạt động đối ngoại cũng được củng cố, đặc biệt là trong quan hệ của Pháp với EU. Theo dự thảo sửa đổi, mọi dự thảo văn kiện của EU đều phải trình Quốc hội phê chuẩn chứ không chỉ là những dự thảo luật như trước kia. Ngoài ra, mỗi viện cũng sẽ thành lập một ủy ban chuyên trách về EU.

Quốc hội mạnh là có tính đại diện cao. Chính vì vậy, dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã đưa ra một số điều chỉnh quan trọng. Điều 9 trong dự thảo Hiến pháp mới nhấn mạnh, Thượng viện là cơ quan đại diện cho các vùng lãnh thổ trên cơ sở quy mô dân số. Điều khoản này cho phép chỉnh sửa lại một quy định của Hội đồng Lập hiến năm 2000, theo đó thành phần của cử tri đoàn không được thay đổi theo quy mô dân số. Một điều khoản khác yêu cầu mọi quyết định tái phân chia khu vực bầu cử hoặc số lượng nghị sĩ tại mỗi đơn vị bầu cử sẽ phải tham vấn một ủy ban độc lập.

Bản dự thảo còn có những điều khoản bảo đảm quyền làm chủ của công dân như lần đầu tiên công dân được quyền yêu cầu Tòa án Hiến pháp xem xét lại tính hợp Hiến của một đạo luật đã được thông qua.

Một số điểm trong dự thảo Hiến pháp gây tranh luận gay gắt giữa cánh tả đối lập và cánh hữu cầm quyền. Các nghị sĩ cho rằng thời gian thảo luận chỉ có hai tháng (từ ngày 20/5 đến khi dự kiến bỏ phiếu vào ngày 7/7) không thể đủ để giải quyết những điểm gây tranh cãi.

* Quyền phát biểu của Tổng thống trước Nghị viện

       Điều 7 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định Tổng thống nước Cộng hòa không chỉ được quyền gửi thông điệp bằng văn bản tới Quốc hội mà có thể trực tiếp phát biểu trước phiên họp toàn thể hai viện, hoặc một trong hai viện - điều vốn bị cấm từ thời Cộng hòa đệ tam. Sau đó, Quốc hội có thể thảo luận về phát biểu của Tổng thống nhưng không được bỏ phiếu.

Cánh tả không đồng tình với điều khoản này vì cho rằng Quốc hội là nơi thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, chỉ có Thủ tướng và các Bộ trưởng mới phải đối mặt với các phiên điều trần hay chất vấn tại Quốc hội. Sự xuất hiện của Tổng thống có thể làm suy yếu vai trò của Thủ tướng. Cánh hữu cũng phản đối đề xuất này với lý do rằng điều đó sẽ làm suy giảm uy tín và sự tôn nghiêm của Tổng thống bởi trong mọi trường hợp, phe đối lập chắc chắn sẽ phản đối sự có mặt của Tổng thống. 

Cuối cùng, Ủy ban Pháp luật đã chấp nhận quy định Tổng thống được xuất hiện một lần duy nhất trong phiên họp toàn thể của Quốc hội tại Versailles, đồng thời quy định các nghị sĩ sẽ không thảo luận bất kỳ tuyên bố hay phát biểu nào của Tổng thống tại Quốc hội, khác với thủ tục áp dụng với Thủ tướng.

* Xóa bỏ trưng cầu dân ý đối với đề nghị xin gia nhập EU

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi xóa bỏ điều khoản 88-5, trong đó quy định bắt buộc đưa ra trưng cầu dân ý đối với mọi quyết định mở rộng EU. Như vậy, theo quy định mới, kể từ sau khi Croatia gia nhập EU, đơn gia nhập của các nước còn lại sẽ do Chính phủ tự quyết định mà không cần xin ý kiến nhân dân. Điều khoản này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cánh hữu. Một số nghị sĩ của UMP (Liên minh vì phong trào nhân dân) đề xuất áp dụng quy định về trưng cầu dân ý đối với riêng đơn xin gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ. Còn trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đã yêu cầu sửa đổi quy định theo hướng áp dụng trưng cầu dân ý bắt buộc đối với tất cả những nước có dân số hơn 5% dân số của EU.

* Hạn chế điều khoản 49-3

Điều luật 49-3 cho phép Chính phủ thông qua một dự luật mà không cần thủ tục bỏ phiếu tại Hạ viện. Thủ tục này cho phép Chính phủ “tiết kiệm” thời gian thảo luận và đẩy nhanh tiến trình thông qua một dự luật. Được đưa vào Hiến pháp sau cuộc khủng hoảng Algeria, điều khoản này từng được coi là một “cứu cánh” của nền Cộng hòa Thứ V, vốn luôn trong tình trang bất ổn chính trị. Tuy nhiên, các nghị sĩ cho rằng điều khoản này đi ngược lại những nguyên tắc dân chủ, phủ nhận vai trò của Quốc hội, gián tiếp phủ nhận vai trò của cử tri. Chính vì vậy, trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, ban soạn thảo đã đề xuất chỉ áp dụng quy định trên đối với dự thảo ngân sách Nhà nước, ngân sách an sinh xã hội và mỗi kỳ họp chỉ được áp dụng đối với một dự luật.

Tuy nhiên, các nghị sĩ cánh hữu phản đối điều khoản sửa đổi này vì cho rằng nó sẽ kéo lùi nước Pháp trở lại thời kỳ bất ổn của nền Cộng hòa Thứ V. Trong khi đó, các nghị sĩ cánh tả lại cho rằng điều khoản sửa đổi vẫn còn quá “rộng rãi” đối với cơ quan hành pháp.

* Duy trì điều khoản 40

Điều 40 của Hiến pháp 1958 không cho phép Quốc hội được phép điều chỉnh ngân sách theo hướng tăng chi tiêu công cộng. Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện và Thượng viện phản đối việc duy trì điều khoản này vì cho rằng quy định như vậy đang hạn chế chức năng quyết định ngân sách của Quốc hội.

* Tăng quyền cho Tổng thống

Hiến pháp sửa đổi đề xuất chuyển một số đặc quyền trong lĩnh vực Quốc phòng của Thủ tướng sang cho Tổng thống. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đã phản đối đề xuất này vì lo ngại điều đó sẽ khiến quyền lực tập trung quá lớn vào Tổng thống. 

* Những vấn đề bị bỏ qua

Hiện nay, đảng UMP (Liên minh vì Phong trào nhân dân) cầm quyền đang vận động các đảng cánh tả ủng hộ dự thảo Hiến pháp sửa đổi bởi chỉ mình UMP và các đồng minh cánh hữu sẽ không bảo đảm được vị thế đa số 3/5 để thông qua Hiến pháp. Chính vì vậy, đảng Xã hội, lực lượng đối lập lớn nhất đã đưa ra một số điều kiện để họ bỏ phiếu ủng hộ. Điều kiện đầu tiên là yêu cầu sửa đổi luật bầu cử Thượng viện theo hướng có lợi cho cánh tả. Đảng Xã hội cũng yêu cầu áp dụng quy chế bầu cử hỗn hợp, vừa bầu trực tiếp vừa bầu theo danh sách đại diện tỷ lệ. Đề xuất này cũng nhận được sự ủng hộ của các đảng trung dung bởi sẽ giúp cho các đảng nhỏ có cơ hội nắm nhiều ghế hơn tại cơ quan lập pháp. Một đề xuất quan trọng khác là yêu cầu xóa bỏ quy chế nghị sĩ kiêm nhiệm nhằm tránh tình trạng xung đột lợi ích. Tuy nhiên, hầu hết những đề xuất trên đều không nhận được sự ủng hộ của cánh hữu.

Đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: Cải cách Hiến pháp theo hướng hiện đại hóa các thể chế nhà nước của nền Cộng hòa Thứ V, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy phải đối mặt với không ít khó khăn: Cánh tả phản đối, cánh hữu không đồng tâm hiệp lực.

Nghị viện Pháp đã tiến hành xem xét dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Chính phủ. Về mặt nguyên tắc, để được thông qua, dự thảo Sửa đổi Hiến pháp cần giành được 2/3 số phiếu ủng hộ tại Nghị viện (577 ĐBQH và 331 thượng nghị sĩ). Bản thân Thủ tướng Francois Fillon cũng phải thừa nhận đây sẽ là một “trận chiến khó khăn” bởi không những vấp phải sự phản đối của cánh tả, dự thảo còn không nhận được sự đồng sức đồng lòng của cánh hữu.

Bất đồng trong nội bộ phe cầm quyền không phải mới phát sinh mà đã nhen nhóm từ những cải cách của Tổng thống Nicolas Sarkozy liên quan đến dỡ bỏ quy định nghiêm cấm sử dụng sản phẩm biến đổi gien, xóa bỏ chế độ làm việc 35 giờ/tuần... Những nhân vật từng có ảnh hưởng lớn tại phe đa số như cựu Thủ tướng Jean Pierre Rafarin đã không ngần ngại công khai chỉ trích Tổng thống Sarkozy đơn phương thực hiện các cải cách mà không tham khảo ý kiến của các đơn vị có chức năng. Thêm vào đó, sự thất bại của cánh hữu tại kỳ bầu cử địa phương mới đây vẫn chưa làm các nghị sĩ của phe này nguôi ngoai, đó là còn chưa kể đến việc họ phải đối mặt với không ít lời phàn nàn từ phía cử tri vì tình trạng giá cả tăng cao....

Về phía cánh hữu, những người không ủng hộ cải cách của Tổng thống có thể được chia làm 3 đối tượng, đó là những người “đối đầu” với Tổng thống vì quyền lực; Các nghị sĩ tại những địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng do cải cách quy định cắt giảm ngân sách trong lĩnh vực quốc phòng và  y tế; Những nghị sĩ không có lập trường vững vàng, sẵn sàng nghiêng về phía bên kia chiến tuyến. Trong thời điểm hiện tại, việc phản đối Tổng thống vẫn còn mang tính tự phát, chưa có thủ lĩnh. Tuy nhiên, chỉ chừng ấy thôi cũng đã làm cho quan hệ của Tổng thống với hai gương mặt lớn của cánh hữu thêm phần căng thẳng. Quan hệ của Tổng thống với Thủ tướng Francois Fillon, vốn đã lạnh lẽo, đang ngày càng trở nên băng giá. Hai “trụ cột” của quốc gia gặp mặt nhau ít ỏi hơn và không hề xuất hiện trước công chúng cùng nhau. Trong khi đó, quan hệ giữa Tổng thống Sarkozy và Thủ lĩnh nhóm Nghị sĩ đảng Liên minh vì Phong trào nhân dân (UMP) cũng bị sứt mẻ. 

Trước nguy cơ có thể bị mất phiếu ủng hộ từ phía cánh hữu, Tổng thống mong muốn có thể “lôi kéo” cánh tả. Tuy nhiên, cánh tả đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống vì điều kiện mà họ đưa ra để “mặc cả” đã bị bác bỏ. Để đổi lấy sự ủng hộ cho cải cách Hiến pháp mà Tổng thống đang theo đuổi, Đảng Xã hội yêu cầu phải cải cách bầu cử Thượng viện, nơi cánh hữu luôn chiếm đa số, theo hướng điều chỉnh tăng thêm tính đại diện của cánh tả. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị cánh hữu từ chối. Tuy vấp phải sự phản đối, nhưng Tổng thống Nicolas Sarkozy vẫn kiên quyết không thay đổi lập trường của mình. Và cuối cùng, thắng lợi đã đến với ông Sarkozy sau nhiều tháng tranh cãi nảy lửa tại Quốc hội. Quốc hội gồm 908 nghị sĩ của Pháp hôm 21/7 đã bỏ phiếu thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp với 539 phiếu thuận, chỉ hơn 1 phiếu so với mức đa số cần thiết (theo hãng tin AFP). Suốt tuần cuối cùng trước khi bỏ phiếu, ông Sarkozy phải gọi điện thuyết phục một số thành viên thuộc đảng cầm quyền, và có những nhượng bộ vào giờ chót cho phe đối lập. Theo kết quả khảo sát đăng trên báo Journal du Dimanche, đa số người Pháp đồng ý với các thay đổi trên. Theo đó, 86% người được hỏi muốn giới hạn 2 nhiệm kỳ tổng thống, còn 70% cho rằng tổng thống nên có quyền phát biểu trước Quốc hội.

Đây là thắng lợi chính trị quan trọng của Tổng thống Nicolas Sarkozy sau khi thuyết phục được Quốc hội thông qua gói cải cách hiến pháp mạnh mẽ. Dù Tổng thống Sarkozy cho rằng kết quả trên đã chứng tỏ sự thắng lợi của nền dân chủ Pháp, nhưng rõ ràng đây là chiến thắng không thuyết phục. Việc sửa đổi Hiến pháp 1958 thường xuyên được các chính phủ đắc cử của Pháp thực hiện, nhưng chưa bao giờ được thông qua với khoảng cách mỏng manh như lần này. Tuy nhiên, đây vẫn là chiến thắng quan trọng đối với ông Sarkozy, người đã xác lập việc cải cách hiến pháp là một trong những cam kết quan trọng nhất khi vận động tranh cử hồi năm ngoái./.








tải về 55.97 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương