MỤc thứ I thay lời tựa II địa-lý Biển Đông với Hoàng-Sa và Trường-Sa


– NHỮNG HIỆN-TƯỢNG THIÊN-NHIÊN KHÁC



tải về 7.2 Mb.
trang14/42
Chuyển đổi dữ liệu02.10.2017
Kích7.2 Mb.
#33370
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   42

5.2 – NHỮNG HIỆN-TƯỢNG THIÊN-NHIÊN KHÁC

Ngoài bão-táp là thiên-tai khủng-khiếp nhất, các vùng đất Đông-Nam-Á nằm ngoài đại-dương còn trải qua một số các thiên-tai khác như, động đất, núi lửa, đất trùi, sóng thần, lụt lội v.v...


5.2.1 – SÓNG THẦN

Ngoài khơi Việt-Nam, tuy có một số chấn-động địa-chất ngầm dưới biển xảy ra ngay trong thế-kỷ thứ XX nhưng đã không gây nên một thiệt-hại nào. Vùng Hoàng-Sa và Cù-lao Thu ghi-nhận ít nhất 6 lần địa-chấn. May mắn không có cơn sóng thần nào tàn-phá duyên-hải nước ta.

Sóng Thần (Tsunamis) gây nên bởi những trận động đất dưới lòng biển sâu. Sóng thần không do gió phát-sinh và vì chúng có độ dài sóng rất lớn nên mắt thường của chúng ta không thể nhận ra được khi sóng thần còn ở ngoài biển rộng. Chấn-động của cơn địa-chấn truyền đi trong lòng biển với vận-tốc nhanh tới 400-500 gút. Trên mặt biển, đó là những làn sóng chỉ cao đến vài ba bộ Anh, nhưng chiều dài lên tới trên 100 hải-lý. Tuy thủy-thủ hải-hành trong khu-vực động đất không nhìn thấy sóng nhưng thường cảm thấy tàu thuyền của họ bị đập mạnh một hay hai cái theo chiều thẳng đứng giống như bị mắc cạn rồi thôi.

Khi tiến đến gần bờ, vì vận-tốc sóng vẫn cao trong khi đáy biển trở thành nông cạn, sóng bất thần bị chận lại nên trong khoảnh-khắc, biên-độ vụt gia-tăng ghê gớm. Những đợt sóng khi đó có thể cao tới 50-100 feet, di-chuyển rất nhanh, tàn-phá tất cả những gì trên đường đi của chúng, vào sâu trong nội-địa nhiều cây-số.

Hai nước Phi-luật-Tân và Nam-Dương chịu đựng liên-tiếp nhiều tai-ương về động đất. Sóng thần đã cuốn trôi nhiều làng mạc, quét sạch nhà cửa, ghe thuyền, con người và súc-vật ra biển. Các đảo phía cực đông của Trường-Sa, nằm gần với rãnh sâu Palawan có thể chịu những tai-họa thảm-khốc nếu sóng thần xảy ra.

Bờ biển Việt-Nam chạy lài lài ra khơi, nước ta may mắn không tiếp giáp với một bất cứ một rãnh sâu nào của đại-dương (trench) nên thoát tai-nạn những cơn sóng thần.



Việt-Nam và Biển Đông còn may mắn hơn nữa vì nằm ngoài Vòng Lửa Thái-bình-Dương (Cercle de Feu) là khu-vực không từng bị nạn động đất nào tàn-phá trầm trọng. Nói về sự bền vững của nền lục-địa xứ ta, Giáo-sư Phạm-Hoàng-Hộ viết rằng "Việt Nam nằm trên khối Indosinias của vỏ Trái đất bền vững từ mấy trăm triệu năm nay" (Cây cỏ Việt-Nam, 1993).


Hình 67 Hình-ảnh cơn sóng thần tiến vào bờ biển.
Theo rất nhiều tài liệu nghiên cứu của các nhà địa chấn và các nhà hải dương học trong nước và quốc tế, sóng thần ít xảy ra và không quá nguy hiểm ở vùng biển Việt Nam.

Tuy nhiên, theo “Trang thông tin trực tuyến của The Vietnamese Geosciences Group” ngày 10/12/2005 00:40, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, tại phía tây Philippines (tức rìa phía đông Biển Đông), từng xảy ra động đất mạnh với đầy đủ các điều kiện để gây ra sóng thần như năng lượng đủ lớn (M > 8), độ sâu chấn tiêu nhỏ (h < 30 km) và có cơ chế trượt thuận. Đồng thời tại đây thực tế cũng đã xảy ra sóng thần.

Trang www.vngg.net cho biết thêm: Mặt khác, các số liệu GPS đo dịch chuyển tuyệt đối ở Việt Nam và Thái Lan cho thấy chuyển dịch của Đông Dương về phía đông có vận tốc 3±0,2 cm/năm. Chuyển dịch của Philippines về phía tây không dưới 8 cm/năm. Như vậy, tốc độ chuyển dịch tương đối giữa hai mảng không dưới 10 cm/năm. Tốc độ này lớn hơn so với tốc độ của mảng Ấn Độ hút chìm dưới mảng Burma. Vì thế, nếu động đất có khả năng gây sóng thần xảy ra tại ranh giới giữa mảng Philippines và mảng châu Á, nguy cơ sóng thần đối với vùng bờ biển Việt Nam sẽ rất cao.
5.2.2 – VÒI RỒNG

Người đi biển và dân duyên hải thường thấy các cột nước bị cuốn hút lên trời mà họ gọi là rồng hút nước.



Rồng Hút Nước hay Vòi Rồng là một hiện-tượng sáo trộn của không-khí ngoài biển, chẳng hạn như sự đụng-chạm giữa hàn-diện và nhiệt-diện khi hai luồng không-khí nóng lạnh gặp nhau.

Hình 68Hình-ảnh Rồng hút nước.
Tương-tự như bão nhưng Vòi Rồng xảy ra trong một phạm-vi nhỏ hẹp hơn với những đặc-điểm hơi khác-biệt như sau:

- Vòi Rồng là một cơn lốc có hình-dáng như chiếc phễu, cột nước từ mặt biển bị gió cuốn xoáy cao dần lên bầu trời đầy mây đen cumulus.

- Nước của Vòi Rồng có thể là nước mặn bị hút từ biển lên hay có thể là nước ngọt do hơi nước đọng lại thành mưa.

- Gió thổi của giông bão ở Bắc-bán-cầu xoáy theo chiều kim đồng-hồ và nghịch lại ở Nam-bán cầu. Chiều gió trong hiện-tượng Vòi Rồng không theo quy-luật đó, gió có thể thổi theo cùng chiều hay ngược chiều với kim đồng-hồ tuỳ theo với chiều gió lúc thành-lập.

- Vòi Rồng thường có đường kính từ vài bộ đến nhiều trăm bộ Anh, chiều cao từ vài trăm đến nhiều trăm bộ Anh. Vòi Rồng ít khi kéo dài tới hơn một tiếng đồng-hồ.

- Sức mạnh của Vòi Rồng thay đổi, nhẹ thì như một con trốt cuốn bụi, mạnh thì có thể đánh chìm thuyền nhỏ, làm hư-hại tàu thuyền hạng trung. Dù mạnh nhất, Vòi Rồng cũng không ảnh-hưởng mấy cho các tàu viễn-duyên, cho dù tàu có đi lọt ngay vào trung-tâm của nó.

- Thủy-thủ các tàu thuyền đi ngang Vòi Rồng cho biết có khi thấy sâu bọ hay tôm cá rơi rớt trong mưa.
5.2.3 - Thủy-triều đỏ và Thủy-triều đen.

Thủy-triều đỏ và thủy-triều đen không phải là hiện-tượng nước biển lên xuống do hấp-lực của các vì tinh-tú.

"Thủy-triều đỏ" được biết từ nhiều ngàn năm trước. Sách sử ghi lại một cách rùng-rợn là “âm-binh của Thần Biển”: Nước biển từ màu xanh dần-dần bị nhuộm đỏ hồng như màu máu. Đêm đêm, những ngọn sóng lớn bừng lên trên mặt đại dương. Những con rắn màu lửa khổng lồ, xô đuổi nhau vào bờ... Thổ dân sống ven bờ Bắc Mỹ khi phát hiện được hiện tượng này đã đoán chắc một tai họa đang đến với họ trong cuộc sống chài lưới: cá biển sẽ chết trắng trên mặt nước; trai, ốc, sò hến… sẽ “sinh độc” không thể ăn được như trước đó. Cả bộ-lạc sống bằng nghề cá không bị ngộ độc, rồi cũng sẽ chết đói hầu hết... Thiên-tai khủng khiếp!

Ngày nay, người ta biết "Thủy-triều đỏ" do sự "nở hoa" của tảo. Đó là cách gọi để chỉ hiện tượng bùng nổ về số lượng của tảo biển. Sự "nở hoa" của tảo có khi làm nước biển màu đỏ, có khi màu xanh, màu xám hoặc như màu cám gạo... Hiện tượng "nở hoa" thường đồng hành với sự giảm thiểu nhanh chóng hàm lượng ô-xy trong nước, và đó chính là nguyên nhân làm chết nhiều loài sinh vật biển trong tự nhiên và nuôi trồng. Cũng có những loài tảo không "nở hoa" nhưng sản sinh độc tố; cá và các loài hai mảnh vỏ ăn tảo sẽ tích lũy độc tố trong cơ thể.



Tảo gây thủy-triều đỏ thường thuộc các giống Goniaulax, Gynodinium, Perdinium… ngành “tảo hai rãnh” Dinophyta.


Hình 69 - Tảo Hai rãnh (Dinophyta).
Cách đây mấy năm "Thủy-triều đỏ" xảy ra ở Bình Thuận và vài vùng biển khác. Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lâm, cán bộ Viện Hải dương học Nha Trang, mầm mống của tảo sẵn có trong nước biển nên có thể "nở hoa" bất cứ ở đâu khi gặp điều kiện thuận lợi, chẳng hạn như nhiệt độ tăng, việc trao đổi nước kém, hoặc điều kiện dinh dưỡng trong môi trường tăng, hay ô nhiễm môi trường biển... ở ven biển nước ta có khoảng 70 loài tảo có thể gây hại như vậy.

Ông Lâm cho rằng chúng ta có thể hạn chế thiệt hại do "thủy-triều đỏ" gây ra, với điều kiện phải đầu tư thích đáng cho các nghiên cứu cơ bản. Đối tượng nghiên cứu ở đây không chỉ là tảo gây hại, mà phải điều tra cả những yếu tố tác động đến môi trường biển như tính chất vật lý, hóa học, nhiệt độ, dòng chảy, nguồn nước thải ra biển, đặc điểm kinh tế - xã hội...

Còn Thủy-triều đen là một sự ô nhiễm biển cả, do dầu tràn ra biển.

Diễn-tiến tác-hại dầu tràn trên môi-sinh theo các bài viết: Oil Spills, Greenpeace USA, National Geographic như sau:

- Với dây truyền thức ăn: Dầu làm nhiễm độc phiêu-sinh-vật plankton. Cá nhỏ ăn phiêu-sinh-vật, cá lớn ăn cá nhỏ. Hải-cẩu, cá voi, cá heo, chim và người ăn cá. Tất cả trúng độc.

- Với các loài hải-sinh-vật có vú: Dầu dính vào bộ lông các loài có vú, làm mất đặc-tính cách nhiệt. Khi thân-nhiệt bị mất, con thú chết. Cá voi và cá heo ngạt thở, bị chết khi dầu làm nghẹt đường khí-quản. Dầu làm gan và thận của rái cá và hải-cẩu trúng độc, chúng thường chết. Hơi từ dầu bốc hơi cũng gây nạn ngộp thở.37

- Với các loài chim. Chim ngộ độc vì cố rỉa lông khi bộ lông của chúng dính dầu. Thường chúng chết sau vài giờ. Khi bộ lông đã bị dính dầu, thân chim không giữ thân-nhiệt. Chỉ cần chừng 1 inch trên thân chim hở ra trong vùng khí-hậu lạnh là chim chết. Nếu dính nhiều dầu, vì quá nặng, chim không bay được và cũng có thể không bơi nổi mà bị chìm. Cho đến một giọt dầu nhỏ cũng có thể làm chim không còn đẻ trứng được.

- Với cá. Dầu làm cá trúng độc rất nhanh khi dầu được hút qua mang cá hay khi cá ăn phải thức ăn dính dầu. Dầu phá-hủy trứng cá hay nhẹ hơn, làm thành cá "quái-thai".

- Trên bãi biển. Khi dầu tràn vào bờ biển, nếu không được làm sạch sẽ, dầu sẽ thấm vào đất và cả vùng bờ "chết" và không còn là nơi sinh sống của bất cứ loài vật nào.38

Khi dầu tràn trôi vào bờ, nhiều bãi biển bị ô-nhiễm và không có khách du-lịch nào lai vãng. Dầu tác-hại cơ-thể con người cũng như tác-hại mọi sinh-vật khác, nặng thì gây tử-vong, cần phải điều-trị ngay.

Khoảng 200 triệu tấn dầu được vận chuyển hàng năm qua các vùng biển ngoài khơi Việt Nam từ Trung Đông tới Nhật Bản và Triều Tiên. Các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam đang tăng lên hàng năm.

Biển Đông đã trở thành một trong các địa điểm thăm dò và khai thác dầu khí nhộn nhịp nhất thế-giới. Các vùng có các hoạt động dầu khí là vùng biển vịnh Bắc-Việt, vịnh Thái Lan và Quần đảo Trường-Sa. Các hoạt động giao-thương kèm theo việc khai thác và vận chuyển dầu gây ra tình trạng ô nhiễm dầu nghiêm trọng. Các tầu trở dầu làm thoát ra biển tới 0,7% tải trọng của chúng trong quá trình vận chuyển thông thường. Sóng biển và gió đều có chiều hướng đưa lượng dầu thoát ra tấp vào bờ biển Việt Nam.

Theo thống kê của cục Môi trường, bộ Khoa học và Môi trường, từ năm 1987-2006 đã xảy ra hơn 90 vụ tràn dầu tại các vùng sông và biển nước ta. Nghiêm trọng hơn cả, dầu tràn ngoài biển, sau khi phá-hoại môi-trường biển, bãi biển, dầu đã theo nước trôi sâu vào các dòng kênh rạch nơi tập trung đông đảo dân cư...

Trong những tháng dầu năm 2007, tại-nạn dầu loang tệ-hại nhất trong vùng Đông-Nam-Á dã đến với Việt-Nam. Tất cả biển miền Trung và miền Nam đều thấy váng dầu, nhiều bãi biển danh tiếng bị ô-nhiễm. Giới am-hiểu vấn-đề cho biết rất có thể dầu đã tràn ra từ các giàn khoan của Trung-Cộng. Khả-năng chống nạn này của Việt-Nam cho dù cố-gắng, nhưng đã bị vượt quá xa tầm tay.





Hình 70 - Diễn tập xử lý sự cố tràn dầu một vùng nhỏ tại vịnh Hạ Long. www.nea.gov.vn/onhiem.htm
Khi bình-luận việc này, Ông Vũ Quang Việt viết rằng: Quyết định của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn-Tấn-Dũng cho thấy Việt Nam hình như rất lúng túng chưa biết mình phải làm gì vì chỉ nói đến điều tra quốc tế một cách quá chung chung... Tuy nhiên con đường để giải quyết chính có thể là trên cơ sở Công ước về Luật Biển Liên Hợp Quốc (Convention on the Law of the Sea) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều đã ký kết. Do khả năng rất giới hạn về kỹ thuật để theo dõi, kiểm tra một diện biển rất rộng, khả năng phân tích hạn chế của nhà nước Việt Nam cũng như tính quốc tế của vấn đề, việc sử dụng tới sự giúp đỡ tìm nguyên nhân, xác định thiệt hại và làm trọng tài để giải quyết đền bù các thiệt hại do một bên gây ra chính là cơ quan Liên Hợp Quốc, thông qua International Seabed Authority - Hội đồng quyền lực quốc tế về đáy biển.39.

Trước đó, Bà Đỗ Tuyết Khanh cũng dã nói đến “Quyền tự chủ quốc gia và chuẩn quốc tế trong kinh tế” khi đề cập đến những tai-nạn gây thiệt-hại rất lớn liên-hệ quốc-tế loại này.40



tải về 7.2 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   42




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương