MỞ ĐẦu tính cấp thiết của luận án



tải về 229.58 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích229.58 Kb.
#31172
1   2   3

Tiểu kết chương 3:

Trước hết, trong tâm thức của người Việt từ ngàn đời nay, niềm tin, đức tin thiêng liêng trong tín ngưỡng thờ Quốc Tổ Hùng Vương luôn được đan xen hòa quyện với những yếu tố linh thiêng, huyền ảo từ truyền thuyết về thời đại Hùng Vương. Vua Hùng từ truyền thuyết đến tín ngưỡng đã trở thành niềm tin thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trường tồn cùng lịch sử. Chính vì thế, giá trị hướng nguồn – giá trị căn bản nhất, đặc trưng nhất của lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ. Giá trị này là cơ sở cố kết cộng đồng, củng cố lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp chống lại mọi mưu đồ xâm lược, đồng hóa của ngoại bang.

Thứ hai, lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ tái hiện và tôn vinh nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa ở Việt Nam. Hệ thống lễ hội nông nghiệp và đỉnh cao là các lễ hội diễn xướng phồn thực ở tỉnh Phú Thọ khẳng định những hằng số văn hóa tốt đẹp, góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa làng Việt truyền thống trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Thứ ba, cố kết cộng đồng cũng là một giá trị tiêu biểu của lễ hội cổ truyền ở Phú Thọ. Giá trị này tạo nên sự cộng mệnh, cộng cảm giữa các thành viên đồng thời hun đúc thành sức mạnh đoàn kết quốc gia – dân tộc.

Bên cạnh những giá trị văn hóa đặc trưng trên, lễ hội cổ truyền ở Phú Thọ còn là những thực thể văn hóa có giá trị giáo dục truyền thống, ca ngợi tinh thần thượng võ, truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam trong trường kỳ đấu tranh chống ngoại xâm. Mặt khác, xuất phát từ chính giá trị tự thân, lễ hội cổ truyền ở Phú Thọ còn hướng con người tới những giá trị nhân văn tốt đẹp, hướng thiện, trừ ác đồng thời cân bằng đời sống tinh thần qua những nghi lễ và trò diễn dân gian độc đáo, đầy tính giải trí.
CHƯƠNG 4

BẢO TỒN – PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA

CỦA LỄ HỘI CỔ TRUYỀN Ở TỈNH PHÚ THỌ

4.1. Căn cứ đề xuất phương hướng bảo tồn – phát huy

4.1.1. Các quan điểm bảo tồn – phát huy

4.1.1.1. Bảo tồn nguyên vẹn

Đây là mô hình dựa trên quan điểm bảo tồn văn hóa vật thể của các nhà bảo tàng học. Những người theo quan điểm này cho rằng, sản phẩm của quá khứ nên được bảo tồn nguyên vẹn như nó vốn có, để tránh tình trạng sai lệch, biến dạng di sản. Như vậy, trong nội hàm của thuật ngữ này, không có khái niệm cải biến, nâng cao hoặc phát triển [32, tr.269].



4.1.1.2. Bảo tồn trên cơ sở kế thừa

Quan điểm bảo tồn này thừa nhận sự biến đổi của di sản, dựa trên cơ sở mỗi di sản cần phải thực hiện nhiệm vụ lịch sử của mình ở một thời gian và không gian cụ thể; những mặt tích cực của chúng phải đựơc phát huy cho phù hợp với nhu cầu thời đại, ngựợc lại những mặt tiêu cực phải bị loại bỏ.



4.1.1.3. Bảo tồn kế thừa và phát triển

Quan điểm này đã không quá chú trọng đến những tranh cãi nên bảo tồn y nguyên như thế nào, nên kế thừa cái gì từ quá khứ, mà đặt trọng tâm làm thế nào để di sản sống và phát huy được tác dụng trong đời sống đương đại. Thực chất của quan điểm này là coi di sản như một tài nguyên và ở một chừng mực nào đấy di sản phải mang lại những nguồn lợi cho xã hội như một dạng hàng hóa. Bảo tồn lễ hội cổ truyền là một ví dụ tiêu biểu cho bảo tồn di sản.

Từ những quan điểm trên, chúng tôi nhận thấy mỗi quan điểm đều có những yếu tố, hạt nhân hợp lý nhất định. Điều quan trọng nhất là trong quá trình bảo tồn lễ hội cổ truyền là cần đảm bảo được sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại; đồng thời giải quyết tốt mối quan hệ giữa các đối tượng tổ chức và tham gia lễ hội.

4.1.2. Định hướng, chiến lược bảo tồn và phát huy DSVH của tỉnh Phú Thọ

Định hướng, chiến lược bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của tỉnh Phú Thọ được thể hiện rất rõ ràng, cụ thể trong Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 [66]. Căn cứ vào định hướng, chiến lược công tác bảo tồn DSVH của tỉnh, nổi bật lên là công tác phục dựng, tôn tạo các di tích gắn với lễ hội cổ truyền của tỉnh. Đây là cách xác định hợp lý bởi điều này quyết định đến việc thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.



4.2. Phân tích SWOT thực trạng công tác bảo tồn – phát huy lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ

4.2.1. Điểm mạnh

4.2.1.1. Phú Thọ sở hữu hệ thống lễ hội đồ sộ, mang đậm sắc thái cội nguồn

Toàn tỉnh Phú Thọ có 260 lễ hội, trong đó có 223 lễ hội cổ truyền. Từ việc phân tích các di chỉ khảo cổ, các di tích văn hoá, các lễ hội cổ truyền được tập trung nhiều ở vùng này cho thấy đây là vùng đất phát tích của dân tộc, cái nôi của nền văn minh lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng.



4.2.1.2. Vị trí địa lý thuận lợi

Với vị trí là cửa ngõ phía Tây của thủ đô Hà Nội và hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ đầy đủ là những yếu tố thuận lợi để tỉnh Phú Thọ phát triển kinh tế, đồng thời tiếp thu, giao lưu văn hoá với thủ đô Hà Nội với các tỉnh vùng Tây, Đông Bắc.



4.2.1.3. Nguồn lao động dồi dào

Theo thống kê năm 2013, có 10.219 người làm việc trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, du lịch lữ hành [7].



4.2.1.4. Sản phẩm du lịch làng nghề, du lịch ẩm thực đa dạng

Tính đến tháng 12 năm 2013, theo Sở Công thương tỉnh Phú Thọ, toàn tỉnh có 56 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Các làng nghề nổi tiếng của Phú Thọ đều ở các địa phương sở hữu lễ hội tiêu biểu của tỉnh. Bên cạnh đó, Phú Thọ còn sở hữu nhiều đặc sản ẩm thực đặc trưng.



4.2.1.5. Phong tục tập quán đa dạng

Phú Thọ gồm 21 dân tộc anh em cùng sinh sống, bên cạnh dân tộc Kinh chiếm đa số còn có các dân tộc khác như: Mường, Dao, Tày, Sán Chay… Mỗi dân tộc có những đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán riêng, nó vừa hài hòa với nền văn hóa chung của cả tỉnh lại vừa mang tính độc đáo riêng biệt của địa phương.



4.2.2. Điểm yếu

4.2.2.1. Công tác nghiên cứu, quy hoạch lễ hội còn thiếu hợp lý

Công tác nghiên cứu, quy hoạch lễ hội ở tỉnh Phú Thọ chưa đảm bảo tính khoa học và hệ thống. Việc phục dựng lễ hội còn diễn ra tùy hứng, thiếu đồng bộ, chưa có nhiều sự tham gia hỗ trợ và tư vấn của đội ngũ các nhà khoa học có uy tín. Công tác quản lý lễ hội tương đối yếu.



4.2.2.2. Chất lượng nguồn lao động thấp

Số lao động chưa tốt nghiệp phổ thông trung học chiếm 45% trong tổng số lao động. Tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch còn thấp. Tổng số lao động được đào tạo từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng là 47,4%. Tỉ lệ được đào tạo đại học và sau đại học chỉ là 7,6%. Có tới 34% lao động làm việc trong du lịch không có ngoại ngữ.



4.2.2.3. Chất lượng dịch vụ trong du lịch lễ hội còn hạn chế

Cơ sở hạ tầng phục vụ lễ hội, đặc biệt là hệ thống nhà nghỉ, khách sạn còn thiếu vào nghèo nàn nên việc bố trí nơi ăn nghỉ cho du khách ở điểm tổ chức lễ hội lớn, có đông người dự hội còn nhiều khó khăn.



4.2.2.4. Thiếu sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa Đất Tổ

Chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ lễ hội còn nghèo nàn, kém hấp dẫn, đặc biệt là những mặt hàng lưu niệm phần lớn được bày bán ở nhiều quầy dịch vụ có xuất xứ từ những địa phương khác du nhập về rất ít hàng lưu niệm mang đặc trưng văn hóa vùng Đất Tổ.



4.2.3. Cơ hội

4.2.3.1. Thu hút đầu tư, tăng cường du khách

Với xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, du lịch lễ hội Phú Thọ có nhiều cơ hội kêu gọi vốn đầu tư cũng như thu hút được đông đảo khách quốc tế, đặc biệt khi Phú Thọ đang sở hữu 2 di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận đó là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát xoan.



4.2.3.2. Giải quyết việc làm, chuyển đổi sinh kế cho người lao động

Nhu cầu lao động hoạt động trong ngành du lịch là rất lớn, đặc biệt là lao động đã được qua đào tạo. Những năm gần đây, du lịch lễ hội đang trở thành một xu thế tất yếu ở Phú Thọ, vì vậy, cơ hội giải quyết việc làm cho người lao động là rất cao.



4.2.3.3. Việc phát triển du lịch lễ hội là chiến lược phát triển du lịch của tỉnh

Theo quy hoạch tổng thể của tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, du lịch lễ hội được coi là trọng tâm nhằm phát triển thành phố Việt Trì nói riêng trở thành thành phố của lễ hội về nguồn. Nằm trong quy hoạch đó, du lịch lễ hội của tỉnh Phú Thọ sẽ đứng trước nhiều cơ hội trong việc quy hoạch đầu tư, phát triển.



4.2.3.4. Tăng trưởng kinh tế cao, xu hướng đi du lịch tăng

Đây là xu hướng chung khi tăng trưởng kinh tế những năm gần đây tăng lên, đời sống của người dân được cải thiện kéo theo nhu cầu tìm về những không gian văn hóa tâm linh, thực hành tín ngưỡng, đạo lý cũng tăng cao.



4.2.4. Thách thức

4.2.4.1. Tạo áp lực cạnh tranh sản phẩm du lịch

Trong bối cảnh các sản phẩm du lịch của Phú Thọ còn chưa phong phú, đa dạng về mẫu mã cũng như chất lượng văn hóa chưa cao, sự tràn lan của các sản phẩm nguồn gốc từ nơi khác sẽ ảnh hưởng lớn tới sản phẩm của tỉnh.



4.2.4.2. Làm thay đổi văn hóa, lối sống cộng đồng

Khi du lịch lễ hội được quan tâm phát triển, như một hệ quả tất yếu, nguy cơ thay đổi, biến dạng về đời sống vật chất cũng như tinh thần cộng đồng là rất đáng lo ngại.



4.2.4.3. Tạo sức ép lên tài nguyên, môi trường, xã hội

Đó là sức ép lên sử dụng hợp lí tài nguyên, tình trạng ô nhiễm môi trường những khu vực xung quanh các di tích, đặc biệt là nảy sinh các dịch vụ thương mại làm ảnh hưởng đến văn hóa tâm linh, đến thuần phong mĩ tục của dân tộc.



4.2.5. Kết hợp thành các nhóm chiến lược

Từ những phân tích về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức như trên xung quan vấn đề phát triển du lịch lễ hội ở Phú Thọ, chúng tôi hình thành các nhóm chiến lược: chiến lược S-O (kết hợp điểm mạnh để tận dụng cơ hội), chiến lược W-O (khắc phục điểm yếu để tận dụng cơ hội), chiến lược S-T (kết hợp điểm mạnh để hạn chế, né tránh thách thức), chiến lược W-T (khắc phục điểm yếu để hạn chế thách thức).



4.3. Lễ hội cổ truyền ở Phú Thọ hiện nay – những vấn đề đặt ra

Gắn với lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ hiện nay, một số vấn đề đang nổi cộm, đó là các hiện tượng: đơn điệu hóa, trần tục hóa, thương mại hóa, biến dạng lễ hội. Nhìn một cách bao quát hành trình vận động của lễ hội trong lịch sử, có thể thấy đây là những hiện tượng có tính chất quy luật nhưng vẫn cần có những nhận thức, sự can thiệp về mặt hành chính, tổ chức và thậm chí về kinh tế… để lễ hội không bị biến dạng, thực sự sống trong lòng dân tộc và trở thành một nguồn lực cho phát triển.



4.4. Mô hình và giải pháp bảo tồn – phát huy

4.4.1. Mô hình quản lý và quy hoạch lễ hội

Theo chúng tôi, việc quy hoạch và quản lí di sản lễ hội ở tỉnh Phú Thọ cần phải dựa trên và đảm bảo một số tiêu chí sau:



Thứ nhất: lựa chọn bảo tồn nguyên vẹn đối với phần Lễ của các lễ hội cổ truyền, nghĩa là phải giữ được tính biểu tượng và tính mô thức của lễ hội.

Thứ hai: lựa chọn bảo tồn trên cơ sở kế thừa đối với phần Hội của các lễ hội cổ truyền.

Thứ ba: lựa chọn bảo tồn kế thừa và phát triển nhằm gắn lễ hội cổ truyền với khai thác tối đa giá trị của nó, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cải thiện đời sống cho người dân sở hữu lễ hội. Quy hoạch cụ thể như sau:

Tiếp tục quy hoạch bảo tồn, phát triển khu di tích lịch sử Đền Hùng - điểm hội tụ văn hóa tâm linh, đền thờ Tổ của dân tộc Việt Nam. Xây dựng quảng trường Hùng Vương có tượng đài Quốc Tổ Hùng Vương - biểu tượng của Việt Trì.

Quy hoạch cụ thể nhằm kết nối giữa lễ hội Đền Hùng với các lễ hội tiêu biểu khác ở Phú Thọ.

Xây dựng khu du lịch Văn Lang, khu du lịch Bến Gót, hệ thống thiết chế phục vụ du lịch sinh thái ven sông Lô làm những điểm hỗ trợ cho khu vực trung tâm lễ hội.

Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông và các công trình dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, ẩm thực tại các điểm du lịch lễ hội…

4.4.2. Mô hình giáo dục, nghiên cứu khoa học và truyền thông

Trước hết, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cần nâng cao nhận thức cho người dân bản địa (chủ thể của lễ hội) về giá trị văn hóa thực sự của lễ hội cổ truyền.

Thường xuyên đào tạo nâng cao phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ các cấp lãnh đạo quản lý, cán bộ chuyên trách trong công tác bảo tồn và phát huy DSVH lễ hội.

Cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học về những giá trị văn hóa của lễ hội cổ truyền. Trên cơ sở đó, kiến nghị với các cơ quan hữu quan về những biện pháp bảo tồn phù hợp.



4.4.3. Mô hình bảo tồn – phát huy giá trị của lễ hội cổ truyền với phát triển du lịch

4.3.3.1. Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng

Tiến hành điều tra đánh giá về hiện trạng của sản phẩm du lịch Phú Thọ (chất lượng, số lượng, khả năng đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách), những tiềm năng tạo sản phẩm còn chưa được khai thác… để từ đó có kế hoạch xây dựng những sản phẩm mang tính đặc thù, có chất lượng cao và đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khách chính của Phú Thọ.



4.3.3.2. Giải pháp phát triển nhân lực trong du lịch lễ hội

Đối với nguồn nhân lực trong các cơ sở kinh doanh: đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật, hướng dẫn viên du lịch tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo tiêu chuẩn nghề.

Đối với nguồn nhân lực ở địa phương: tổ chức các lớp tuyên truyền về tầm quan trọng của du lịch văn hóa đối với địa phương, hướng dẫn quy trình làm du lịch cho người dân địa phương.

Mở các lớp dạy nghề cho người lao động ở các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của địa phương.



4.3.3.3. Giải pháp kết hợp thành các tuyến điểm du lịch

Trên cơ sở các điểm du lịch và hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn, lễ hội cổ truyền và các di tích đã xác định, có thể xác định các tuyến quốc tế, tuyến liên tỉnh và tuyến nội tỉnh.



4.3.3.4. Giải pháp gắn với xúc tiến du lịch

Huy động các doanh nghiệp du lịch tích cực tham gia, xã hội hóa các hoạt động xúc tiến du lịch.

Đầu tư thường xuyên cho website du lịch tỉnh chính là con đường ngắn và nhanh nhất để đưa các thông tin về du lịch Phú Thọ đến với khách du lịch khắp trên toàn thế giới.

Xây dựng chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch hàng năm theo chuyên đề, gắn với xúc tiến quảng bá du lịch khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và cả nước. Đẩy mạnh chương trình hợp tác phát triển Thương mại - Du lịch 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ, đầu tư và quảng bá cho chương trình du lịch về cội nguồn và Việt Trì - thành phố lễ hội.



Tiểu kết chương 4:

Trên cơ sở của những quan điểm bảo tồn di sản phổ biến hiện nay, chúng tôi đã có những đánh giá về mức độ phù hợp của các nội dung trong Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Phú Thọ đến năm 2020. Đây có thể coi là những cơ sở lí luận và pháp lý quan trọng trong việc đề xuất những mô hình và giải pháp bảo tồn.

Qua việc vận dụng phân tích SWOT, kết hợp thành các nhóm chiến lược S-O, S-T, W-O và W-T, chúng tôi đã tổng hợp và nêu lên những vấn đề chính mà công tác bảo tồn – phát huy lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ cần phải tập trung giải quyết, bao gồm các nội dung từ tổ chức quy hoạch, quản lý lễ hội, giáo dục – đào tạo đến nâng cao chất lượng dịch vụ, truyền thông, quảng bá hình ảnh…

Trên những cơ sở khoa học trên, chúng tôi đề xuất các mô hình và giải pháp bảo tồn – phát huy giá trị văn hóa của lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ, bao gồm: mô hình quy hoạch và quản lý lễ hội; mô hình giáo dục, nghiên cứu khoa học và truyền thông; và mô hình gắn với phát triển du lịch. Từ lợi thế của vùng văn hoá cội nguồn và lễ hội cổ truyền vùng Đất Tổ, có thể hoạch định chiến lược nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trước hết là gắn lễ hội với hoạt động du lịch văn hóa có tính đặc trưng của tỉnh Phú Thọ.

Đây là những mô hình và giải pháp có cơ sở khoa học và thực tiễn, nhất là trong bối cảnh tỉnh Phú Thọ đang có những hoạch định để phát triển các chương trình Du lịch về cội nguồn trong Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2030.
KẾT LUẬN

1. Lễ hội cổ truyền không chỉ phản ánh sinh động nền văn hoá của một dân tộc, mà còn là môi trường duy trì, bảo tồn và phát triển nền văn hoá dân tộc ấy ngày càng thêm giầu có. Cuộc sống của người dân ở các làng xã vốn nhiều gian truân, vất vả thì việc tổ chức lễ hội ở đình, đền, chùa vào những khoảng thời gian rảnh rỗi của lịch nông vụ chính là một hình thức khỏa lấp, để cộng đồng có thể cùng nhau hòa mình vào không gian mà họ có thể tạm quên đi những nhọc nhằn, lo toan bộn bề thường nhật. Ở đó, các giá trị văn hóa được hiện hữu, được bảo tồn và tiếp tục được sáng tạo, bồi đắp để trao truyền lại cho các thế hệ sau, không bao giờ đứt quãng. Trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, toàn cầu hoá hiện nay, khi mà sự nghiệp bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hoá truyền thống dân tộc đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, thì lễ hội cổ truyền không chỉ là nơi bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc mà còn thêm phần trọng trách là nguồn lực phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần quảng bá, đưa hình ảnh của Việt Nam đến với đông đảo bạn bè quốc tế. Với giá trị to lớn như vậy, lễ hội cổ truyền cần được tiếp cận, nghiên cứu một cách toàn diện. Vì vậy, sau khi tổng quan kĩ lưỡng các nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt là bao quát và tham khảo các phương pháp nghiên cứu mới, hiện đại về lễ hội, chúng tôi tiếp cận hệ thống lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ dưới góc độ liên ngành.

2. Phú Thọ được coi là mảnh đất phát tích, cội nguồn của dân tộc Việt Nam, là kinh đô xưa của các vua Hùng dựng nước, nơi có đậm đặc các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đặc sắc. Luận án Giá trị văn hóa của lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ, với mục tiêu là tiếp cận tổng thể hệ thống lễ hội của tỉnh, chúng tôi đã hệ thống hóa thành 4 nhóm lễ hội tiêu biểu, trong đó tập trung nghiên cứu sâu 3 nhóm cơ bản là: lễ hội gắn với Hùng Vương, lễ hội gắn với nông nghiệp trồng lúa nước và lễ hội gắn với lịch sử. Riêng bộ phận lễ hội gắn với hát xoan, do thường được tích hợp trong các lễ hội cổ truyền (đặc biệt gắn với thời đại Hùng Vương) nên chúng tôi lồng ghép trong nghiên cứu về nhóm lễ hội gắn với thờ cúng các vua Hùng. Việc nghiên cứu các nhóm lễ hội đặc thù này đã góp phần nhận diện, định vị những giá trị văn hóa đặc trưng của không gian văn hóa Đất Tổ, khu biệt với lễ hội cổ truyền ở những vùng khác trên lãnh thổ Việt Nam.

3. Giá trị văn hóa đặc trưng lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ là sự thể hiện tập trung của một không gian văn hoá mang đặc trưng một vùng đất cổ xưa với nền văn minh lúa nước, phản ánh cuộc sống sinh hoạt, phong tục tập quán thời Hùng Vương, bên cạnh đó là truyền thống lịch sử chống giặc ngoại xâm bất khuất trong tiến trình lịch sử giữ nước của dân tộc.

Cố kết cộng đồng quốc gia – dân tộc, điểm tựa tâm linh và giá trị hướng về cội nguồn dân tộc là những giá trị căn bản và tiêu biểu nhất của lễ hội thờ cúng Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ, có ý nghĩa trường tồn với sự tồn tại và phát triển của đất nước. Hiếu với tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ còn được nâng lên cao hơn, đẹp hơn, đó là “hiếu với dân, với nước”. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của mỗi người dân Việt Nam, nó là một nhân tố cơ bản hình thành nên hệ giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống.

Bên cạnh đó, lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ còn bao chứa giá trị phát sinh và tái hiện một nền nông nghiệp trồng lúa nước sơ khai của dân tộc Việt Nam, được thể hiện tập trung trong các lễ hội mô phỏng tín ngưỡng phồn thực. Trong rất nhiều các giá trị văn hóa mà dân gian gửi gắm trong loại hình lễ hội này, phải kể đến giá trị mang tính triết học khởi nguyên của nhân loại, là ước mơ, khát vọng thay đổi cuộc sống bằng cách tăng năng suất sản phẩm cây trồng, vật nuôi, tăng trưởng giống nòi. Không thể coi những lễ hội cổ truyền này là cổ hủ, lạc hậu và là biểu hiện của trình độ dân trí thấp được, trái lại đây chính là những cách thức góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị mang tính loại hình văn hóa gốc của cư dân Việt Nam nói riêng, phương Đông nói chung.

Ngoài ra, với một dân tộc mà phải thường xuyên đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược, thì sự tích hợp những ý nghĩa lịch sử, tín ngưỡng, giáo dục vào giá trị văn hóa của lễ hội cổ truyền là điều hết sức hiển nhiên. Chính vì vậy, nhóm lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ tái hiện lịch sử giữ nước của dân tộc ta góp phần nhắc nhở mọi thế hệ không được phép lãng quên quá khứ, biến những trang sử hào hùng trở thành hành trang để bước vào thời đại mới, xây dựng một đất nước Việt Nam giầu mạnh, có bản lĩnh văn hóa vững vàng.

Trên cơ sở của những giá trị văn hóa trên đây, rõ ràng lễ hội cổ truyền ở Phú Thọ có đầy đủ những đặc trưng để trở thành một nguồn tài nguyên nhân văn đặc biệt nếu được sử dụng và khai thác khoa học, hợp lý.

4. Giá trị văn hóa của lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ là tài nguyên nhân văn vô giá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để phát huy tốt những giá trị này, dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn của công tác bảo tồn di sản văn hóa nói chung, lễ hội cổ truyền nói riêng, chúng tôi đã đề xuất một số mô hình, giải pháp cụ thể như: quản lý, quy hoạch lễ hội; mô hình giáo dục, nghiên cứu khoa học và truyền thông; mô hình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn kết với phát triển du lịch... Đây có thể coi là những luận cứ khoa học để tỉnh Phú Thọ tham khảo trong việc hoạch định các chính sách phát triển phù hợp trong thời gian tới.

Trong xu thế hội nhập như hiện nay, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá là điều kiện, yêu cầu của phát triển bền vững. Khai thác tiềm năng văn hoá cội nguồn Đất Tổ đang là một vấn đề thời sự đặt ra cho các ngành, các cấp của tỉnh Phú Thọ nói riêng, cả nước nói chung. Để làm được việc đó cần có sự phối hợp đồng bộ của những cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và quan trọng nhất vẫn là sự ủng hộ thiết thực của cộng đồng. Chúng tôi hi vọng những mô hình, giải pháp của luận án sẽ thực sự ích dụng.







tải về 229.58 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương