MỞ ĐẦu tính cấp thiết của luận án



tải về 229.58 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích229.58 Kb.
#31172
  1   2   3
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của luận án

Với đặc trưng của vùng đất phát tích dân tộc Việt Nam, Phú Thọ đang sở hữu một hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, mang đậm sắc thái cội nguồn. Trong hệ thống di sản văn hóa đồ sộ đó, lễ hội cổ truyền có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa truyền thống của người dân Đất Tổ từ ngàn đời nay.

Lễ hội cổ truyền là một hiện tượng văn hóa dân gian có tính chất tổng thể, nơi lưu giữ, truyền lại cho các thế hệ sau những giá trị văn hóa biểu trưng cho sức mạnh, ý chí của cả cộng đồng người Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Việc bảo tồn – phát huy giá trị văn hóa của lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ chính là một cách để nền văn hóa của dân tộc ta không bị mai một, lãng quên, thể hiện trách nhiệm của thế hệ hiện tại đối với quá khứ đồng thời tạo dựng một hành trang vững chắc trên con đường hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Phú Thọ được coi là vùng đất cội nguồn gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng – một điểm tựa tâm linh của toàn dân tộc, vì vậy, các hoạt động lễ hội diễn ra ở đây có tác động lan tỏa mạnh sang vùng khác. Vấn đề quy hoạch, quản lý và tổ chức lễ hội cần có tính quy chuẩn cao. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng báo động và đáng lưu tâm, đó là ở Phú Thọ (và nhiều địa phương khác) khó tìm ra được lời giải thỏa đáng cho bài toán quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Hiện nay không ít lễ hội cổ truyền đang bị xuống cấp nghiêm trọng do bị bóp méo, bị sân khấu hóa hay thương mại hóa. Nhiều nơi người dân không chỉ thiếu hiểu biết đầy đủ về giá trị văn hóa của lễ hội mà còn thiếu ý thức tôn trọng, thậm chí còn tàn phá lễ hội. Bên cạnh đó, một vài địa phương có lễ hội được xếp hạng thì lại tự phát tu bổ, sửa chữa tùy tiện, làm biến tướng giá trị gốc của lễ hội…

Thực tiễn đặt ra vấn đề là: cần phải nhận diện, định vị một cách chính xác những giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học của lễ hội cổ truyền để từ đó có phương hướng bảo tồn – phát huy phù hợp. Đây cũng là những trăn trở lớn của các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa tỉnh Phú Thọ nói riêng, cả nước nói chung. Thực chất đây chính là nhiệm vụ, trọng trách của cả cộng đồng.

2. Mục tiêu nghiên cứu của luận án

Nhận diện và đánh giá toàn diện những giá trị văn hóa của lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ dưới cách tiếp cận liên ngành của khu vực học.

Trên cơ sở của những quan điểm bảo tồn – phát huy giá trị di sản hiện đại, đề xuất những giải pháp thực tiễn, khuyến nghị khoa học nhằm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của lễ hội cổ truyền, góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững ở tỉnh Phú Thọ trong bối cảnh đẩy mạnh CNH, HĐH và chủ động hội nhập quốc tế.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Lễ hội cổ truyền trong không gian văn hóa Đất Tổ mà vùng lõi chính là tỉnh Phú Thọ ngày nay, tập trung khảo sát các lễ hội tiêu biểu của người Việt đang được tổ chức thường kỳ ở đó, tính đến năm 2015.



3.2. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi không gian: tỉnh Phú Thọ (bao gồm 13 huyện, thành, thị).

Phạm vi thời gian: tập trung nghiên cứu các lễ hội cổ truyền được tổ chức thường kỳ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từ khi tỉnh được tái lập năm 1997 đến nay.

4. Nguồn tư liệu của luận án

Nguồn tư liệu thứ nhất, là các tài liệu điền dã, điều tra khảo sát, phỏng vấn và tham dự do tác giả thực hiện. Đây là nguồn tư liệu chính của luận án.

Nguồn tư liệu thứ hai, là tài liệu về lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ được tập hợp trong những công trình của các tác giả ở trung ương và địa phương, đã được công bố trên các bài báo khoa học, tạp chí chuyên ngành.

Nguồn tư liệu thứ ba, là hệ thống văn bản của Đảng và Nhà nước, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của tỉnh Phú Thọ… Bên cạnh đó, những nội dung trong Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Phú Thọ.



5. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Cách tiếp cận

Dựa trên nền tảng lý thuyết Khu vực học, luận án tiếp cận đối tượng nghiên cứu một cách toàn diện, đa chiều. Bên cạnh đó, các lí thuyết và cách khoa học khác cũng được tác giả tham khảo, vận dụng, như cách tiếp cận hệ thống và lí thuyết biến đổi văn hóa nhằm chỉ ra những giá trị văn hóa đặc trưng gắn với một không gian lịch sử - văn hóa, không gian chính sách, không gian phát triển bền vững cụ thể là tỉnh Phú Thọ, giúp cho việc phân tích những vấn đề đang đặt ra đối với lễ hội cổ truyền nói chung, lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ nói riêng trong bối cảnh xã hội đương đại, từ đó đề xuất các mô hình và giải pháp khoa học nhằm bảo tồn – phát huy giá trị văn hóa của lễ hội.



5.2. Phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình nghiên cứu đối tượng, các phương pháp chính được sử dụng trong luận án bao gồm gồm: phương pháp nghiên cứu liên ngành; phương pháp hệ thống hóa kết hợp so sánh, phân tích, tổng hợp; phương pháp điền dã; phương pháp chuyên gia; và phương pháp phân tích SWOT.



6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án

6.1. Ý nghĩa khoa học

Luận án là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu một cách tổng thể và hệ thống về lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ.

Luận án tiếp cận lễ hội cổ truyền dưới góc độ liên ngành, vì vậy kết quả nghiên cứu sẽ góp phần cung cấp những thông tin, tư liệu phong phú, đáng tin cậy về những giá trị văn hóa đặc trưng của lễ hội gắn với không gian văn hóa Đất Tổ.

Luận án đề xuất những mô hình và giải pháp khoa học, khả thi nhằm bảo tồn - phát huy giá trị văn hóa của lễ hội cổ truyền, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn tiếp theo.



6.2. Ý nghĩa thực tiễn

Kết quả nghiên cứu của luận án bổ sung và góp phần làm rõ những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất cội nguồn.

Những đề xuất, khuyến nghị khoa học trong luận án sẽ là gợi ý hữu ích cho các cấp quản lý địa phương nghiên cứu, vận dụng vào công tác quy hoạch, tổ chức, phát huy giá trị của di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Luận án có thể trở thành tài liệu tham khảo có giá trị cho học viên, sinh viên các ngành Việt Nam học, Văn hóa – Du lịch, Quản lý văn hóa ở các trường đại học, cao đẳng.

Luận án có thể xuất bản thành sách tham khảo.

7. Bố cục của luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án bao gồm bốn chương:



Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lí thuyết, phương pháp và địa bàn nghiên cứu.

Chương 2. Lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ.

Chương 3. Giá trị văn hóa đặc trưng của lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ.

Chương 4. Bảo tồn – phát huy giá trị văn hóa của lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ.

CHƯƠNG 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU,

CƠ SỞ LÍ THUYẾT, PHƯƠNG PHÁP VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU

1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu

1.1.1. Các nghiên cứu của giới học giả nước ngoài

1.1.1.1. Những nghiên cứu chung về lễ hội

Tiếp cận lễ hội dưới góc độ di sản văn hóa:

Khi đề cập tới giá trị văn hóa của lễ hội, các nhà nghiên cứu thường gắn chúng với các di sản văn hóa (cultural heritage), trong đó lễ hội cổ truyền được xếp vào nhóm di sản văn hóa phi vật thể (intangible culture). Có thể kể tới các tác giả tiêu biểu như: Abraham Moles, Feredico Mayor…



Tiếp cận lễ hội dưới góc độ bảo tồn – phát huy:

Các tác giả tiêu biểu như: Daisaku Ikeda, Greg Richards, Hillary du Cros, Dallen J.Timothy và Gyan P.Nyaupane, Getz… Nhìn chung đều khẳng định vị trí, vai trò to lớn của di sản nói chung, lễ hội cổ truyền nói riêng, coi đó là những tài sản vô giá cho sự phát triển KT-XH, đặc biệt là phát triển du lịch.

1.1.1.2. Nghiên cứu của người nước ngoài về lễ hội Việt Nam

Trước thời cận đại:

Thời kỳ này không có nghiên cứu riêng biệt, tuy nhiên, trong sử sách cũ của người Trung Quốc đã có một số ghi chép bước đầu về lễ hội Việt Nam. Tiếp theo là những ghi chép của giáo sĩ phương Tây về lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, trong đó phần lễ hội được lồng ghép vào các phần viết về tập tục, nghi lễ. Tiêu biểu là những ghi chép của Alexandre de Rhodes được tổng hợp trong cuốn Histoire du Royaume de Tunquin (Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài) [1].



Thời Cận đại:

Thời Pháp thuộc, nghiên cứu sớm nhất về lễ hội cổ truyền Việt Nam có lẽ là bài viết về lễ hội làng Phù Đổng in trên Revue d’ histoire des religions (Tạp chí Lịch sử Tôn giáo) năm 1893 của G.Dumoutier [24, tr.16].

Từ đầu thế kỷ XX, có thể kể đến một số công trình nghiên cứu và bài viết tiêu biểu như: Tế Nam giao (1914) của L.Cadière và R.Orbard, Lễ rước sắc thần thiên Yana ở điện Huệ Nam (1915) của H.Délétie, Lịch lễ hội ở Huế (1916) của R.Orbard… Đáng chú ý là bộ sách bằng Pháp văn Un empire colonial Franҫais – L’Indochine (Một đế chế thuộc địa của Pháp: Đông Dương) và nhiều bài viết trong tạp chí Bulletin de l'École Franҫaise d'Extrême-Orient (Tập san Viện Viễn Đông Bác cổ, viết tắt là BEFEO).

- Từ 1954 – 1986: hầu như không có nghiên cứu nào về lễ hội Việt Nam.

- Từ 1986 – nay:

Một số công trình tiêu biểu như: Revolution in the Village: Tradition and Transformation in North Vietnam, 1925-1988 (Honolulu, USA 1992) của Luong Van Hy, Rural Society and State Relations in trong cuốn Vietnam's Rural Transformation do Kerkvliet và Porter chủ biên xuất bản năm 1995…

Nhìn chung, hầu hết các công trình của các tác giả ngoài nước liên quan đến vấn đề nghiên cứu đều thống nhất cao ở việc khẳng định giá trị to lớn của DSVH nói chung, lễ hội nói riêng. Đó là những tài sản văn hóa có thể khai thác với tư cách của một tài nguyên nhằm thúc đẩy sự phát triển KT-XH.

1.1.2. Nghiên cứu của các tác giả trong nước

1.1.2.1. Các nghiên cứu chung về lễ hội và lễ hội cổ truyền

Trước thế kỷ XX:

Các nghiên cứu chủ yếu là sự ghi chép lại các huyền thoại, truyền thuyết và thần tích về các vị thần ở làng quê.



Từ thế kỷ XX đến trước 1945:

Một số nghiên cứu tiêu biểu như: Việt Nam phong tục (Phan Kế Bính, 1915), Sự thờ phụng thần thánh ở nước Nam (Nguyễn Văn Huyên, 1944)… Đóng góp lớn nhất phải kể đến các nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên sau này được tập hợp trong sách Góp phần nghiên cứu văn hoá Việt Nam (2 tập).



Từ 1945 – 1954:

Do hoàn cảnh đất nước tập trung vào cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp nên lễ hội cổ truyền hầu như không được nghiên cứu, sưu tầm.



Từ 1954 – 1975:

Ở miền Nam, có một số tác giả và công trình tiêu biểu như: Mùa xuân với đời sống tình cảm Việt Nam, Trẩy hội hành hương (Nguyễn Đăng Thục, 1967) viết về lễ hội cổ truyền phục vụ cho việc tiếp cận, phân tích tư tưởng bình dân Việt Nam; Nếp cũ hội hè đình đám, quyển thượng (1969), Nếp cũ hội hè đình đám, quyển hạ (Toan Ánh, 1974)…

Ở miền Bắc, nghiên cứu về lễ hội cổ truyền phải kế đến một số tác giả và công trình như: Cao Huy Đỉnh với Người anh hùng làng Dóng (1969), Trần Quốc Vượng – Vũ Tuấn Sán với Hà Nội nghìn xưa (1975)… Trong số đó, Cao Huy Đỉnh là tác giả để lại nhiều dấu ấn rất sâu đậm.

Từ sau 1975:

nhiều học giả nghiên cứu về lễ hội như: Lễ hội truyền thống và hiện đại (Thu Linh - Đặng Văn Lung, 1984); Lễ hội, một cái nhìn tổng thể (Trần Quốc Vượng, 1986); Căn bản triết lý người anh hùng Phù Đổng và hội Dóng (Trần Quốc Vượng, 1987); Lễ hội cổ truyền (Lê Trung Vũ chủ biên, 1992)…

Trong số các tác giả nghiên cứu về lễ hội giai đoạn này, Trần Quốc Vượng là người để lại nhiều đóng góp có giá trị, đặc biệt là việc đề xuất nhiều cách thức tiếp cận lễ hội mang tính liên ngành.

1.1.2.2. Các nghiên cứu về lễ hội cổ truyền ở Phú Thọ

Tiếp cận lễ hội cổ truyền như một sinh hoạt văn hóa dân gian:

Công trình Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam nhóm tác giả đã chọn giới thiệu 9 lễ hội cổ truyền của tỉnh Phú Thọ [36].

Trong cuốn Thời đại Hùng Vương, hội - lễ (tổng thuật) và trong Lễ hội mùa xuân vùng Đất Tổ của tác giả Lê Trung Vũ đã khảo tả tương đối đầy đủ các lễ hội cổ truyền tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ [58, 59].

Năm 2005, Sở Văn hóa Thông tin và Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ xuất bản cuốn Lễ hội truyền thống vùng Đất Tổ, thống kê 30 lễ hội tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ [38]. Năm 2012, tỉnh Phú Thọ tiếp tục cho chỉnh sửa, bổ sung và xuất bản cuốn Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam, thống kê đầy đủ, chi tiết lễ hội trên địa bàn 13 huyện, thành, thị của tỉnh [39].

Năm 2011, hội thảo khoa học quốc tế “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại - Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam” và hội thảo “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” tổ chức vào tháng 12/2015, đã mang đến cái nhìn nhiều chiều và sâu sắc về tín ngưỡng thờ Quốc Tổ ở Việt Nam cũng như vấn đề bảo tồn – phát huy giá trị trong xã hội đương đại.

Tiếp cận gắn với bảo tồn – phát huy đặc trưng của lễ hội ở Phú Thọ:

Có thể kể tới các nghiên cứu tiêu biểu như: Dương Văn Sáu với Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch, Lê Thị Tuyết Mai với Du lịch lễ hội Việt Nam, Nguyễn Quang Lê với Khảo sát thực trạng văn hóa lễ hội truyền thống của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ trong xã hội hiện nay...



1.1.2.3. Tiếp cận lễ hội cổ truyền dưới góc độ giá trị

Các tác giả như: Đinh Gia Khánh, Phan Đăng Nhật, Ngô Đức Thịnh… đều thống nhất cho rằng lễ hội cổ truyền là một hiện tượng văn hóa dân gian có tính chất tổng thể, phức thể, chồng lợp nhiều bình diện giá trị văn hóa.

Như vậy, gắn với một đối tượng nghiên cứu có tính chất tổng thể và phức hợp cao như lễ hội cổ truyền, nếu chỉ xem xét lễ hội cổ truyền dưới góc độ đơn ngành sẽ khó tránh được sự thiếu toàn diện, không thấy hết giá trị của lễ hội, thậm chí có thể dẫn tới việc hiểu sai giá trị căn bản.

Tóm lại, vấn đề nhận diện, lí giải để làm nổi bật đặc trưng văn hóa vùng Đất Tổ qua lễ hội cổ truyền vẫn còn bỏ ngỏ, rất cần những nghiên cứu có tính chất bài bản, hệ thống và mới mẻ.



1.2. Cơ sở lí thuyết và phương pháp nghiên cứu của luận án

1.2.1. Một số khái niệm

1.2.1.1. Giá trị văn hóa (Cultural Value)

Khi bàn đến khái niệm giá trị, các quan điểm đều thống nhất ở tính tích cực của giá trị trong tương quan đối sánh với những kiểu dạng phi giá trị. Nói cách khác, giá trị chính là những cái được con người cho là chân – thiện – mĩ, là thước đo mức độ nhân bản của xã hội và con người.

Từ quan điểm nêu trên, giá trị văn hoá do cộng đồng con người sáng tạo ra trong diễn trình lịch sử. Trải qua quá trình sàng lọc, đào thải và bồi đắp, những hằng số văn hóa tốt đẹp được giữ lại chính là giá trị. Mặt khác, khi hệ giá trị văn hoá đã hình thành lại có vai trò định hướng cho các mục tiêu, phương thức và hành động của cộng đồng.

1.2.1.2. Lễ hội, lễ hội cổ truyền

Về khái niệm lễ hội:

Lhội là một thể thống nhất không thể chia tách trong hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo của con người Việt Nam. Lễ là phần tín ngưỡng, là phần thế giới tâm linh của con người, là phần đạo. Còn hội là phần tập hợp vui chơi giải trí, phần đời của mỗi con người, của cộng đồng. Hội có nhiệm vụ bổ sung cho lễ, hoàn chỉnh ý nghĩa và nội dung của một sinh hoạt cộng đồng.

Lễ hội cổ truyền:

Theo Từ điển tiếng Việt: Cổ nghĩa là xưa, cũ; Truyền là trao lại, trao cho thế hệ sau; Cổ truyền có nghĩa trao lại cái cũ của người xưa [56]. Trong phạm vi của luận án này, chúng tôi dùng khái niệm lễ hội cổ truyền chủ yếu để phân biệt với các lễ hội cách mạng, mới phát sinh và lưu hành trong thời gian gần đây.



1.2.2. Cơ sở lí thuyết nghiên cứu

Tiếp cận dưới góc độ khu vực học, chúng tôi vận dụng một số lí thuyết cơ bản, bao gồm: cơ sở lí luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, lí thuyết Khu vực học, lí thuyết tiếp cận hệ thống và lí thuyết biến đổi văn hóa.



1.2.3. Phương pháp nghiên cứu

Các phương pháp chính được sử dụng trong luận án gồm: phương pháp nghiên cứu liên ngành, phương pháp hệ thống hóa kết hợp so sánh, phân tích, tổng hợp, phương pháp điền dã, phương pháp chuyên gia và phương pháp phân tích SWOT.



1.3. Tổng quan về địa bàn nghiên cứu

1.3.1. Điều kiện tự nhiên

Vị trí địa lý:

Phú Thọ là một tỉnh thuộc khu vực trung du miền núi phía Bắc, nằm trong khu vực giao lưu giữa các vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng và Tây Bắc. Trải qua chiều dài lịch sử đến tận ngày nay, vị trí địa lý này vẫn luôn là điều kiện thuận lợi trong quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa.

Địa lý hành chính:

Theo Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 10 ban hành ngày 06 tháng 11 năm 1996 về việc điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Vĩnh Phú, tỉnh Phú Thọ được tái lập ngày 01 tháng 01 năm 1997. Tính đến hết năm 2013, toàn tỉnh Phú Thọ có 13 huyện, thành, thị; 277 đơn vị hành chính cấp cơ sở, trong đó có 248 xã, 29 phường và thị trấn.

Địa lý tự nhiên:

Đặc điểm địa hình:

Phú Thọ là vùng đất trung gian, quá độ, nối kết miền núi, thung lũng đến đồng bằng và sông suối. Vị trí quá độ của tỉnh Phú Thọ tạo nên hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên có tính chất phức hợp và hết sức đa dạng: có miền núi cao, có triền núi thấp, có vùng gò đồi, có vùng bãi bồi ven sông, vùng đồng bằng… và rất nhiều sông, suối, lạch, ngòi. Chính địa hình, địa thế đó đã tạo nên một vùng văn hoá có sự phức hợp của nhiều hệ canh tác.



Đặc điểm khí hậu:

Phú Thọ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, 4 mùa rõ rệt, trong đó có một mùa đông lạnh. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 230C, lượng mưa trung bình trong năm khoảng 1.600 đến 1.800 mm, độ ẩm trung bình khoảng 85 – 87%. Đặc điểm khí hậu này góp phần tạo nên chu trình sản xuất nông nghiệp, tính thời vụ và sự phân bố lễ hội theo không gian, thời gian.

Thủy văn:

Phú Thọ có hệ thống sông, ngòi, hồ, đầm dày đặc rất thuận lợi cho đời sống sản xuất, sinh hoạt. Đặc biệt, với vị trí hợp lưu của ba con sông (Hồng – Đà – Lô) tạo điều kiện thuận lợi cho tiếp xúc và giao lưu, tích hội và lan tỏa nhiều luồng văn hóa.

Động thực vật:

Phú Thọ có rất nhiều nguồn lực tự nhiên để có thể khai thác phục vụ du lịch tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chữa bệnh, du lịch sinh thái... Bổ sung, kết hợp với di sản lễ hội, thu hút đông đảo du khách đến với Phú Thọ.



1.3.2. Cư dân và cộng đồng các dân tộc

Theo Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ, tính đến ngày 31/12/2013, dân số toàn tỉnh Phú Thọ là 1.351.224 người. Toàn tỉnh có 21 dân tộc đang sinh sống. Người Kinh chiếm đa số phân bố trên toàn tỉnh. Cư dân – dân tộc ở Phú Thọ phần lớn có nguồn gốc từ cư dân Văn Lang thời các vua Hùng.



1.3.3. Lịch sử - văn hóa

1.3.3.1. Phú Thọ qua diễn trình lịch sử

Xuất phát từ những Huyền thoại và huyền tích về vùng Đất Tổ, các nhà khảo cổ học đã khai quật được nhiều di chỉ, di tích văn hoá, lịch sử quý giá chứng tỏ Phú Thọ là vùng đất cổ có bề dày lịch sử. Cách đây hàng ngàn năm, các vua Hùng đã chọn nơi đây làm đất đóng đô của nhà nước Văn Lang cổ đại. Tỉnh Phú Thọ chính thức được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1997.



1.3.3.2. Phú Thọ - vùng lõi của không gian văn hóa Đất Tổ

Trước hết, về mặt địa – chính trị, địa – văn hóa, Phú Thọ là “vùng lõi” tự nhiên, cổ xưa nhất của người Việt cổ, nơi tụ hội của nhiều luồng cư dân, có vị trí chiến lược trọng yếu của nhà nước Văn Lang cổ đại.

Đặt trong không gian văn hóa Đất Tổ, Phú Thọ còn là “vùng lõi”, trung tâm hội tụ về văn hóa, lịch sử. Sự phức hợp về địa hình và nhiều hệ canh tác khác nhau đồng thời phản ánh quá trình người Việt cổ thiên di từ vùng núi xuống chế ngự đồng bằng và có sự tích hội giữa các nhóm người Việt cổ với nhau. Chính đặc điểm này đã ảnh xạ và tạo nên sự phong phú, đa dạng về văn hóa vùng Đất Tổ. Trong đời sống văn hóa đó, lễ hội là một hợp phần quan trọng, không thể thiếu của người Việt cổ.

Tiểu kết chương 1:

Lễ hội cổ truyền – với tư cách là một đối tượng nghiên cứu có tính chất tổng thể, đã có nhiều cách tiếp cận khác nhau để làm rõ giá trị văn hóa của chúng.

Nhìn chung, khi nghiên cứu về lễ hội, lễ hội cổ truyền ở Việt Nam nói chung, ở Phú Thọ nói riêng, các tác giả ngoài nước chủ yếu tiếp cận dưới góc độ dân tộc học, nhằm tìm hiểu những giá trị văn hóa gắn với tộc người. Bên cạnh đó là cách tiếp cận dưới góc độ bảo tồn – phát huy, thực chất là các nghiên cứu gắn lễ hội với phát triển du lịch, du lịch văn hóa – tâm linh, nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống người dân sở hữu di sản.

Nghiên cứu về lễ hội, lễ hội cổ truyền và lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ của các học giả trong nước tương đối đa dạng trên nhiều bình diện như dưới dạng một sinh hoạt văn hóa dân gian, tiếp cận gắn với bảo tồn – phát huy đặc trưng của lễ hội hay dưới góc độ giá trị… Lễ hội ngày càng được nhìn nhận nhiều chiều hơn, đồng thời có sự liên kết các khoa học chuyên ngành để đưa ra những nhận định và kiến giải thuyết phục về giá trị văn hóa.

Mặt khác, trải qua những biến thiên của lịch sử, phạm vi của không gian văn hóa Đất Tổ có độ co giãn khác nhau và không chỉ bó hẹp trong phạm vi tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, dựa trên những kết quả nghiên cứu về văn hóa học, dân tộc học, sử học và đặc biệt là khảo cổ học đều cho thấy vùng lõi của không gian văn hóa Đất Tổ chính là địa bàn tỉnh Phú Thọc ngày nay. Vì thế, việc lựa chọn phạm vi địa bàn nghiên cứu trên cơ bản tương đồng với địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay là xác định có cơ sở khoa học và thực tiễn.
CHƯƠNG 2

LỄ HỘI CỔ TRUYỀN Ở TỈNH PHÚ THỌ

2.1. Các dạng thức lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ

2.1.1. Lễ hội gắn với thờ cúng Hùng Vương

Lễ hội gắn với thờ cúng Hùng Vương có thể được xem như một tiểu nhóm trong lễ hội gắn với lịch sử, nhưng do vị trí quan trọng, mức độ đậm đặc và phổ biến của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (đối tượng nghiên cứu trực tiếp của luận án) nên chúng tôi xếp thành một nhóm riêng.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ: toàn tỉnh có trên 150 (hơn 60%) lễ hội mà đối tượng tưởng niệm là các vua Hùng và các tướng lĩnh thời vua Hùng. Tập trung nhiều nhất là các huyện Lâm Thao 17/24 lễ hội, Phù Ninh 14/19 lễ hội, Việt Trì 17/31 lễ hội, Cẩm Khê 19/30 lễ hội.

2.1.2. Lễ hội gắn với nông nghiệp trồng lúa nước

Gắn với hệ thống lễ hội nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, bên cạnh các lễ hội gắn liền với thờ lúa thần, rước lúa thần, lễ hội tịch điền, lễ hội thờ thần sông là các lễ hội liên quan đến tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi nảy nở của cây trồng với nhiều nghi thức, trò diễn xoay quanh giao hòa âm dương, đực cái như: lễ hội Trò Trám (huyện Lâm Thao), lễ hội cướp kén Dị Nậu (huyện Tam Nông), lễ hội rước ông Khiu, bà Khiu (TP. Việt Trì)…



2.1.3. Lễ hội gắn với lịch sử

Các lễ hội này ở Phú Thọ chủ yếu là tưởng niệm, tôn vinh các vị vua và tướng lĩnh qua các triều đại, nổi bật là Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh của hai bà. Tiêu biểu như: lễ hội đình Nông Trang (TP. Việt Trì) thờ vua Đinh Tiên Hoàng, lễ hội Đình Mộ Chu Hạ (TP. Việt Trì) thờ vua Lê Đại Hành, lễ hội Đền Thượng (TP. Việt Trì) và lễ hội đền Xa Lộc (huyện Lâm Thao) cùng thờ tướng Lân Hổ, tướng nhà Trần ở thế kỷ XIII… Đặc biệt, huyện Tam Nông có rất nhiều lễ hội thờ Xuân Nương và Thiều Hoa công chúa (thời Hai Bà Trưng).



2.1.4. Lễ hội gắn với hát xoan

Ngoài 3 nhóm lễ hội cơ bản trên, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn duy trì thường niên một số lễ hội tái hiện các phong tục tập quán của cư dân địa phương (đặc biệt là các lễ hội gắn với hát xoan). Giá trị văn hóa của hát xoan có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.




tải về 229.58 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương