MỞ ĐẦu tính cấp thiết của luận án


Đặc điểm phân bố của lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ



tải về 229.58 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích229.58 Kb.
#31172
1   2   3

2.2. Đặc điểm phân bố của lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ

2.2.1. Phân bố theo không gian

Trong hệ thống lễ hội cổ truyền ở Phú Thọ, các lễ hội tập trung nhiều nhất ở vùng Việt Trì, Tam Nông, Cẩm Khê, Lâm Thao và Phù Ninh. Đối với các lễ hội liên quan đến thờ cúng Hùng Vương và nông nghiệp tập trung hơn cả là ở vùng Việt Trì, Lâm Thao và Phù Ninh. Đây là những vùng đất cổ, có nhiều di tích lịch sử, di tích khảo cổ nhất trên địa bàn tỉnh.



2.2.2. Phân bố theo thời gian

Giống như đa số lễ hội của người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ, lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ thường được tổ chức vào mùa xuân. Toàn tỉnh có 199/223 lễ hội cổ truyền được tổ chức vào mùa xuân chiếm 89,3% tổng số lễ hội, lễ hội vào mùa hạ 7/223 chiếm 3,1%, lễ hội vào mùa thu 9/223 chiếm 4%, lễ hội vào mùa đông 8/223 chiếm 3,6%.

2.2.3. Phân bố theo di tích thờ tự

Lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ đều gắn di tích đình, đền (đặc biệt là đình). Toàn tỉnh có 151/223 lễ hội tổ chức tại đình. Đình làng ở đây chủ yếu là thờ Hùng Vương, Tản Viên Sơn Thánh, các tướng thời Hai Bà Trưng...



2.3. Một số lễ hội cổ truyền tiêu biểu

2.3.1. Lễ hội Đền Hùng

Lễ hội Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hằng năm vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch. Các ngôi đền thờ vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ là cơ sở vật chất chủ yếu để thể hiện hình thức sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống thờ cúng Hùng Vương của dân tộc. Lễ hội Đền Hùng là biểu hiện cao nhất, tập trung nhất cho tâm thức hướng nguồn của dân tộc Việt Nam.



2.3.2. Lễ hội Trò Trám và rước lúa thần

Trò Trám là tên gọi phản ánh đặc điểm của trò diễn được tổ chức ở xóm Trám (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao). Lễ hội Trò Trám gồm phần lễ cầu mong cho mùa màng tốt tươi (thể hiện ở lễ thờ sinh thực khí), rước lúa thần sáng 12 tháng Giêng hằng năm; phần trình nghề của “Tứ dân” (sĩ – nông – công – thương) mô tả các nghề nghiệp trong cuộc sống đời thường của người dân xưa.



2.3.3. Lễ hội cướp phết Hiền Quan

Làng Hiền Quan thờ bà Thiều Hoa, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Hàng năm tại đền thờ Bà ở xã Hiền Quan, nhân dân tổ chức lễ hội cướp phết vào ngày 12 – 13 tháng Giêng âm lịch. Hội phết Hiền Quan tuy không có giải như những trò chơi khác nhưng vẫn thu hút đông đảo người dân tham gia với mong muốn cầu mong sự may mắn, mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no.



2.3.4. Lễ hội hát xoan An Thái

Hát xoan là một hình thức nghi lễ phong tục được tổ chức ở cửa đình vào mùa xuân, gắn với lễ hội đình làng, vì thế còn gọi là hội hát xuân. Tương truyền, hát xoan có nguồn gốc từ thời Hùng Vương.

An Thái là một làng thuộc xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì. Vào mỗi độ xuân về, trên mảnh đất bên hữu ngạn sông Lô này lại rực rỡ sắc cờ và rộn rã tiếng ca xuân. Đình An Thái thờ thần núi và các vị vua Hùng, ngày chính tiệc của đình vào mùng 1 tháng Giêng, dân làng mở hội lớn, trong hội có tiến hành nghi lễ hát xoan. Đây là một lễ thức rất quan trọng và độc đáo không chỉ của làng An Thái mà có ở rất nhiều làng trên vùng đất trung du Phú Thọ.

Tiểu kết chương 2:

Có nhiều cách để phân loại lễ hội cổ truyền dựa vào các tiêu chí khác nhau như: tính chất lễ thức, trò diễn; tính chất tôn giáo, tín ngưỡng; tính chất của các thành tố cấu thành lễ hội… Bên cạnh những cơ sở phân loại chung, điều quan trọng nhất khi phân loại lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ là phải bám vào đặc trưng của không gian văn hóa Đất Tổ, từ đó thấy được sự lan tỏa, chi phối mạnh mẽ tới từng hợp phần văn hóa của lễ hội.

Khi gắn với không gian văn hóa Đất Tổ, chúng tôi nhận thấy phản ánh đầy đủ và tiêu biểu nhất cho đặc trưng văn hóa của mảnh đất phát tích, kinh đô Văn Lang xưa của dân tộc Việt Nam là các lễ hội cổ truyền gắn với tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng, vợ con và tướng lĩnh thời đại Hùng Vương. Sự phong phú, đa dạng của lễ hội cổ truyền trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn được thể hiện rõ ở hàng loạt lễ hội phản ánh, tái hiện cuộc sống của cư dân nông nghiệp thời Việt cổ. Bên cạnh đó, ở tỉnh Phú Thọ còn đang sở hữu rất nhiều lễ hội gắn liền với các sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử quan trọng trong tiến trình giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tất cả những lễ hội này tạo nên nền tảng vững chắc, là động để tỉnh Phú Thọ phát huy trong thời kỳ đổi mới.

Vấn đề đặt ra là: cần làm rõ hệ giá trị văn hóa đặc trưng của lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là những lễ hội liên quan đến thời đại Hùng Vương, để từ đó chứng minh được vị trí, vai trò “chủ âm” trong việc quy tụ các thành viên cùng hướng về cội nguồn. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn phải làm rõ được những giá trị văn hóa gắn với nền nông nghiệp trồng lúa, khả năng cố kết cộng đồng làng xã, quốc gia – dân tộc cũng như thấy được truyền thống bất khuất trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm và rất nhiều những giá trị đặc trưng khác.


CHƯƠNG 3

GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG CỦA LỄ HỘI CỔ TRUYỀN

Ở TỈNH PHÚ THỌ

Các lớp nghĩa của lễ hội lồng vào nhau như một chỉnh thể không thể tách rời. Việc chúng tôi chia tách, “siêu hình hóa” trong nghiên cứu từng giá trị cơ bản theo những tuyến tính khác nhau dưới đây chủ yếu để nhấn mạnh và làm rõ hơn những giá trị văn hóa tiêu biểu, có tính đại diện của lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ.



3.1. Giá trị hướng nguồn

Đối với dân tộc Việt Nam, hướng về cội nguồn là một nhu cầu xuyên suốt toàn bộ chiều dài dựng nước và giữ nước. Bởi vì, cội nguồn ấy gắn liền với bản sắc, tư cách tồn tại của cộng đồng dân tộc ta. Và họ truyền đời từ hàng ngàn năm lịch sử truyền thuyết về Cha Rồng – Mẹ Tiên (Lạc Long Quân – Âu Cơ). Tuy nhiên, có một thực tế là “vua Hùng không chỉ được coi là vị Tổ của người Việt mà nhiều cư dân nhiều dân tộc khác cũng tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng hoặc nơi thờ cúng vua Hùng và các vị thần thời Hùng Vương” [30, tr.59]. Điều này chứng tỏ rằng, tín ngưỡng Hùng Vương – tín ngưỡng Quốc tổ thực chất là sự tích hợp của tín ngưỡng tổ tiên của tất cả các cá nhân và cộng đồng người Việt Nam dù ở bất kỳ thời đại nào, thuộc thành phần sắc tộc nào. Đây chính là yếu tố nền tảng tạo nên giá trị đặc trưng, cốt lõi của tín ngưỡng Hùng Vương và các di sản văn hóa gắn với tín ngưỡng này trên khắp đất nước Việt Nam, trong đó đặc sắc nhất là ở Phú Thọ: giá trị hướng về cội nguồn.

Nghiên cứu giá trị hướng nguồn trong lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ, chúng tôi chủ yếu đi từ những truyền thuyết dân gian đến tín ngưỡng và sự hiện hữu trong sinh hoạt lễ hội để từ đó thấy được vai trò to lớn của giá trị này trong tâm thức dân gian của người Việt Nam.

3.1.1. Truyền thuyết Hùng Vương

Trước khi những bộ sách về lịch sử dân tộc được biên soạn có ghi chép về thời đại các vua Hùng thì trong dân gian đã lưu truyền những huyền thoại, những truyền thuyết về thuở khai thiên lập địa; thuở dựng nước thời Hùng Vương. Trong đó có những truyền thuyết kể về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam gọi đó là truyền thuyết thời Hồng Bàng mang mầu sắc huyền thoại nhưng có lõi lịch sử nhất định.

Thời Hùng Vương còn gắn với nhiều truyền thuyết khác như: Truyền thuyết Bánh chưng bánh giầy, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Phù Đổng Thiên Vương, Mai An Tiêm, Trầu Cau Tập hợp những truyền thuyết đó có thể được xem như một bộ sử dân gian vừa đượm màu sắc huyền thoại, vừa chứa đựng những cốt lõi lịch sử trong ký ức hồi cố và truyền khẩu qua nhiều thế hệ. Từ lõi lịch sử của truyền thuyết về thời đại Hùng Vương đến tâm thức và tín ngưỡng thờ vua Hùng là quá trình phát triển liên tục trong cộng đồng người Việt qua bao thế hệ nối tiếp nhau.

3.1.2. Từ truyền thuyết đến tín ngưỡng thờ Quốc Tổ Hùng Vương trong dòng chảy lịch sử dân tộc

Truyền thuyết về thời đại Hùng Vương được lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế hệ đến thời nhà Trần ở Việt Nam (1225-1400). Đặc biệt trong Đại Việt sử lược - bộ sử xưa nhất của nước ta còn lại đến nay, được viết vào khoảng năm 1377, lưu giữ trong “Tứ khố toàn thư” của triều Mãn Thanh, Trung Quốc chép rằng: “Đến thời Trang Vương nhà Chu (696-681 tr.CN), ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương” [11, tr.14]. Niên đại thế kỷ VII tr.CN mà Đại Việt sử lược ghi chép phù hợp với những điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội cho sự ra đời của một nhà nước đầu tiên [55].

Trải qua hàng trăm năm, từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV từ ngữ danh xưng Hùng Vương đã được tích tụ từ truyền thuyết dân gian dần trở thành “chính thống”. Dưới thời phong kiến một số nhà sử học đã đưa thời đại Hùng Vương vào các công trình sử học và xem đó như một phần lịch sử của dân tộc, chẳng hạn như cuốn Đại Việt sử lược thời Trần, Dư địa chí ở thời Lê. Đặc biệt nhà sử học Ngô Sĩ Liên khi biên soạn công trình đồ sộ Đại Việt sử ký toàn thư đã đưa thời Hùng Vương thành một phần quan trọng trong tác phẩm này. Các sách: Khâm định Việt sử thông giám cương mục (năm 1840); Việt Nam sử học (1919); Việt Nam văn hóa sử cương (năm 1938); Thần linh Đất Việt (2002); Truyền thuyết Hùng Vương (1971-2003)... đều ghi chép lại việc bà Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở thành một trăm người con trai, hình thành nên hai tiếng “đồng bào”. Nhiều thế kỷ nay, với người Việt Nam, “đồng bào” đã trở thành khái niệm có tính đại diện cho ý thức cố kết cộng đồng dân tộc, niềm tự hào dân tộc; điểm hội tụ của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Điểm hội tụ ấy đã trở thành động lực tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng vừa có sự tập trung, vừa có sức lan tỏa mạnh mẽ. Và ngày Giỗ Tổ hằng năm, vì vậy, đã trở thành một ngày hội lớn của người dân Việt Nam.



3.1.3. Lễ hội Đền Hùng – biểu hiện tập trung của giá trị hướng nguồn

Lễ hội Đền Hùng được tổ chức thường niên ở mảnh đất kinh đô Văn Lang xưa chính là không gian thực hành tín ngưỡng một cách tập trung nhất, rõ nét nhất.

Trong lễ hội Đền Hùng, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” là nội dung nổi trội, bao trùm nhất. Một mặt con cháu bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên đã có công dựng nước, mặt khác thể hiện trách nhiệm liên tục và lâu dài của con cháu đối với ơn đức của của tổ tiên, ơn đức các vua Hùng.

Người Việt luôn tôn thờ công đức của cha ông, tộc họ, những người đã khuất cùng huyết thống, đồng thời tôn thờ tất cả những người có công với nước, với xóm làng, những anh hùng dân tộc, anh hùng văn hóa. Trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, với người Việt Nam tự bao đời nay ngày Giỗ Tổ Hùng Vương luôn được coi trọng, đó là sự tưởng nhớ, là sự trở về với cội nguồn của dân tộc.

Trong tâm thức của nhân dân ta từ bao đời nay vua Hùng là vị vua Thủy Tổ dựng nước, là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của Tổ tiên là một hành vi văn hóa, ý thức đạo đức và bổn phận của mỗi người. Trong sâu thẳm tâm hồn người Việt Nam ai cũng luôn quan niệm rằng: Chúng ta là người được sinh ra cùng một bọc theo truyền thuyết Kinh Dương Vương họ Hồng Bàng - Lạc Long Quân (đồng bào) là con cháu Lạc Hồng – dân cả nước đều là anh em một nhà. “Con người có Tổ có tông; Như cây có cội, như sông có nguồn” là phần quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam.

Hướng về cội nguồn là giá trị tinh thần cốt lõi nhất, căn bản nhất của dân tộc Việt Nam, là hạt nhân hình thành chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc. Giá trị hướng nguồn của lễ hội thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ tạo nên sức sống mãnh liệt và tính lan tỏa rộng, trở thành biểu tượng quốc gia – dân tộc, có sức mạnh cố kết cộng đồng mạnh mẽ qua đó củng cố sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.



3.2. Giá trị tôn vinh nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa

Đây thực chất là một tổ hợp giá trị, có mối liên hệ mật thiết với giá trị hướng nguồn, bởi suy cho cùng đây chính là phương thức sinh tồn khởi thủy của cư dân Việt cổ từ xa xưa và ngày nay vẫn chiếm vai trò hàng đầu trong cơ cấu kinh tế của nước ta.

Kết quả khảo cổ học cho thấy cư dân của thời kỳ Hùng Vương dựng nước Văn Lang là những người nông dân trồng lúa, ở đây có cả lúa cạn và lúa nước nhưng có thể lúa nước đã chiếm vai trò chủ đạo. Và những mã số văn hóa dân gian như nõ nường, quả phết, bánh chưng bánh giầy… trong lễ hội nông nghiệp đều nhất quán phản ánh cuộc sống chinh phục tự nhiên, cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Giữa tín ngưỡng và lễ hội nông nghiệp có mối quan hệ biện chứng, phản ánh đặc điểm có tính chất căn bản, giải thích mối quan hệ giữa con người trong ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội ngay từ thời sơ khai, mông muội. Xuất phát từ lí do đó, nghiên cứu lễ hội nông nghiệp không thể tách rời với nghiên cứu tín ngưỡng nông nghiệp.

Theo cách phân chia của Ngô Đức Thịnh, ở Việt Nam, tín ngưỡng nông nghiệp trong các lễ hội và lễ tết bao gồm các hình thức cơ bản như: (1) Nghi lễ cầu mưa (cầu đảo) và cầu tạnh trong đó tiêu biểu và độc đáo nhất là tục thờ Tứ Pháp (mây, mưa, sấm, chớp); (2) Tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi nảy nở của cây trồng với nhiều lễ thức, trò diễn xoay quanh quan niệm giao hòa âm dương, đực cái; (3) Tôn thờ Mẹ Lúa – Thần Lúa – Vía lúa; (4) Các nghi lễ xuống đồng (hạ điền) của làng xã và nghi thức cày tịch điền của các nhà vua phong kiến Việt Nam; (5) Tết cơm mới, dâng cúng thần linh, tổ tiên gạo mới và các sản vật thu hoạch đầu tiên; (6) Thần Nông và tục thờ cúng Thần Nông… [49, tr.18-19].

Trong số các hình thức trên, theo Trần Quốc Vượng: “Triết lý hội Xuân cơ bản là triết lý phồn thực: sự gặp gỡ, giao duyên, giao phối gái trai” [63, tr.229]. Đây là triết lý của một tín ngưỡng nguyên thủy sơ khai (tín ngưỡng phồn thực), phản ánh rõ nét nhất cho quan niệm của cư dân nông nghiệp.

Ở tỉnh Phú Thọ, lễ hội cổ truyền xuất phát từ tín ngưỡng phồn thực chiếm số lượng rất lớn và nổi bật nên đây là nhóm lễ hội thể hiện tập trung nhất giá trị tôn vinh nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa.

3.2.1. Tín ngưỡng và tín ngưỡng phồn thực

3.2.1.1. Tín ngưỡng

Bản chất của tín ngưỡng là niềm tin đạt tới độ sùng bái một đối tượng nào đó đã được “thiêng hóa”. Niềm tin ấy được biểu trưng dưới dạng các vị thần linh và con người biểu lộ đức tin bằng các hành vi thực hành tín ngưỡng nhằm cầu mong sự che chở, phù hộ từ những thần linh mà họ thờ phụng.



3.2.1.2. Tín ngưỡng phồn thực

Tín ngưỡng phồn thực chính là sản phẩm tiêu biểu nhất của văn hóa nông nghiệp, gắn liền với ý niệm về “tái sản xuất” cây trồng, vật nuôi. Cơ sở lịch sử - xã hội khiến tín ngưỡng phồn thực nguyên thủy tự phát ra đời là lòng mong ước nhân nhanh các giống cây trồng, vật nuôi với ý nghĩa như là tăng năng suất, sản phẩm lao động; khát vọng nhân nhanh giống nòi với ý nghĩa là tăng thêm nhân lực lao động đã thôi thúc loài người tìm ra hướng giải quyết cho mình.

Ở Việt Nam nói chung và Phú Thọ nói riêng, tín ngưỡng phồn thực xuất hiện từ rất sớm, với hai biểu hiện cơ bản là thờ sinh thực khíthờ hành vi giao phối.

3.2.2. Tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ

3.2.2.1. Thờ sinh thực khí và hành vi tính giao

Tiêu biểu cho hình thức thờ sinh thực khí và hành vi tính giao là các lễ hội ở Tam Nông, Việt Trì, Lâm Thao, Cẩm Khê, thị xã Phú Thọ… Có thể kể đến các lễ hội tiêu biểu như: lễ hội làng Hương Nha, lễ hội làng Dị Nậu (huyện Tam Nông), lễ hội làng Thanh Đình (TP. Việt Trì), lễ hội ở xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao), lễ hội làng Hà Thạch (thị xã Phú Thọ)…



3.2.2.2. Hình thức nghệ thuật hoá, cách điệu hóa

Đây là các nghi lễ phồn thực và thờ sinh thực khí đã được nghệ thuật hóa, cách điệu hóa thể hiện dưới các hình thức sân khấu, trò diễn. Tiêu biểu nhất cho hình thức này là múa bông và các trò chơi cách điệu hóa. Các lễ hội tiêu biểu gồm: lễ hội đua thuyền làng Đào Xá (huyện Thanh Thủy), lễ hội làng An Đạo (huyện Phù Ninh), lễ hội làng Văn Luông (thành phố Việt Trì), lễ hội cướp cầu của làng Đông Viên, lễ hội làng Điêu Lương (huyện Cẩm Khê), lễ hội phết Sơn Vi, lễ hội làng Hữu Bổ (huyện Lâm Thao), lễ hội làng Tiên Du (huyện Phù Ninh)…

Sự tồn tại đậm đặc của tín ngưỡng phồn thực trong hệ thống lễ hội ở Phú Thọ bắt nguồn từ những quan niệm văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò to lớn của nó đối với đời sống vật chất, tinh thần người dân Đất Tổ.



3.2.3. Giá trị của tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ

3.2.3.1. Khẳng định tính phát tích của nền nông nghiệp trồng lúa nước

Khảo sát hệ thống lễ hội nông nghiệp liên quan đến tín ngưỡng phồn thực ở Phú Thọ, có thể thấy hầu hết những lễ hội gắn với tín ngưỡng phồn thực “tự sinh”, không phải ảnh hưởng từ nơi khác, cũng không gắn với thần phả, thần tích mặc dù có sự thờ phụng nhưng đây là do quá trình tích hợp giá trị qua diễn trình lịch sử xã hội và văn hóa. Từ đây có thể dẫn tới một suy luận, đó là: Phú Thọ chính là một trong những cái nôi về nông nghiệp trồng lúa nước của dân tộc Việt Nam.

Mặt khác, các lễ hội nông nghiệp ở Phú Thọ đã dung nạp vào mình rất nhiều tầng vỉa văn hóa từ nguyên thủy qua thời Hùng Vương, rồi thời trung đại, cận đại. Cũng chính vì lẽ đó, những lễ hội này còn lưu giữ nhiều nghi lễ cổ (lấy giờ, lễ mật, múa “linh tinh tình phộc” hoạt động tính giao, rước nõ - nường, rước vía lúa, lấy tiếng hú, rước tiếng hú,...), tích hợp cả văn bản văn học lẫn văn bản âm nhạc, đồng thời có nhiều trò diễn, trò chơi cực kỳ phong phú và phóng túng của đời sau.

3.2.3.2. Cân bằng đời sống tâm linh

Đặc điểm nổi bật nhất của sản xuất nông nghiệp là được tiến hành theo mùa vụ rất nghiêm ngặt, căn cứ vào sự biến chuyển tiết trời trong năm, mà thời tiết lại không phụ thuộc vào con người. Để yên ổn làm ăn, người nông dân phải cầu viện đến các thế lực siêu nhiên. Nhu cầu về đời sống tâm linh tất yếu được đặt ra. Lễ hội nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mở ra trên niềm tin của tín ngưỡng thần bản mệnh của cả cộng đồng và trên nền của tín ngưỡng nông nghiệp với các nghi lễ và trò diễn và mục đích cơ bản và cuối cùng là cầu mong được nhân khang vật thịnh và phong đăng hoà cốc, là dịp để tạ thần linh, cầu mong thần linh phù hộ.

Nói tóm lại, các lễ hội nông nghiệp ở Phú Thọ là mạch nối giữa đời sống vật chất và tinh thần, giữa trần thế và tâm linh, như một minh chứng rằng con người có thể làm chủ cuộc sống của mình thông qua việc giao cảm với thế giới tâm linh. Với những lễ hội này, nhân dân được thoả mãn đời sống tâm linh, được nghỉ ngơi và vui chơi, hưởng thụ các giá trị văn hoá và chuẩn bị cho một chu kỳ sản xuất mới.

3.3. Giá trị cố kết cộng đồng

Thực chất giá trị cố kết cộng đồng thể hiện trong tâm thức hướng về cội nguồn và trong đặc thù của đời sống nông nghiệp đòi hỏi mọi người phải đoàn kết lại trong công cuộc đắp đê chống lũ lụt, đào kênh mương, ao hồ chống hạn.

Giá trị cố kết cộng đồng trong lễ hội cổ truyền ở Phú Thọ tạo nên sự cộng mệnh, cộng cảm giữa các thành viên, cố kết cộng đồng trong phạm vi làng xã, phe giáp, liên làng, sau đó là cố kết cộng đồng quốc gia – dân tộc.

Trong tổng số 223 lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ có tới 151 lễ hội tương tứng với 67,7% được tổ chức tại đình gắn với thờ cúng Thành hoàng. Mặc dù có nguồn gốc, công trạng khác nhau, có thể có thật hoặc không có thật trong lịch sử nhưng những nhân vật này đều được thần thánh hóa, linh thiêng hóa để trở thành những vị thần “hộ mệnh” cho cộng đồng. Mặt khác, giữa bối cảnh mỗi làng đều có nhiều dòng họ cùng sinh sống, mỗi dòng họ lại mang trong mình tư tưởng bè phái, cục bộ địa phương theo kiểu chủ nghĩa họ hàng thì sự xuất hiện của những vị Thành hoàng có tác dụng như một một vị “trọng tài” công minh, một liều thuốc xoa dịu khối mâu thuẫn, hòa giải sự tranh chấp, xóa nhòa ở mức nào đó khoảng cách giữa các dòng họ.

Một khía cạnh nữa cần phải đề cập trong lễ hội cổ truyền ở Phú Thọ là các trò diễn dân gian có vai trò quan trọng trong việc tạo nên niềm cộng cảm giữa các thành viên trong cộng đồng.

3.4. Giá trị giáo dục, hướng thiện

3.4.1. Giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm

Ở Phú Thọ, có rất nhiều lễ hội gắn với các nhân vật lịch sử, tướng lĩnh. Có thể kể đến các lễ hội tiêu biểu như: lễ hội làng Nam Cường, lễ hội đình Phú Cường, lễ hội đình Tự Cường, lễ hội làng Hương Nha (huyện Tam Nông) thờ Xuân Nương công chúa, lễ hội cướp phết Hiền Quan (huyện Tam Nông) thờ Thiều Hoa công chúa (nữ tướng kiệt xuất thời Hai Bà Trưng), lễ hội đền Xa Lộc (huyện Lâm Thao) thờ tướng Lân Hổ thời Trần, lễ hội đình Thạch Khoán (huyện Thanh Sơn) thờ Đinh Công Mộc thời Lê… Các lễ hội này được tổ chức thường niên, thu hút hàng ngàn người từ mọi nơi về tham dự.

Hoạt động lễ hội ở các làng xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là một phương thức giáo dục lịch sử truyền thống hiệu quả, liên tục và sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Qua lễ hội để giáo dục về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống sản xuất, làm cho mọi người có ý thức về nghề nghiệp do ông cha để lại, từ đó duy trì và phát triển phù hợp với bối cảnh hiện tại. Chính nhờ những điều này, bản sắc văn hóa được trao truyền, tạo nên sức mạnh trường tồn của dân tộc.

3.4.2. Hướng thiện, trừ ác

Lễ hội cổ truyền luôn định hướng những hành động hướng thiện, trừ ác, không có chỗ cho những động cơ thiếu trong sáng. Điều này xuất phát từ lí do hầu hết mọi người khi tham dự lễ hội chính là để thoả mãn nhu cầu của đời sống tâm linh.

Lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ thể hiện rất rõ cho giá trị này. Lễ hội nào ở đây cũng có những quy định (thành văn hay không thành văn) nhưng rất nghiêm ngặt về việc phải đảm bảo chay tịnh (thông qua việc phải kiêng kị, phải “hèm” một số thứ nào đó). Tính hướng thiện còn được bộc lộ rõ trong nhiều tích trò, nghi lễ gắn với những lễ hội cụ thể. Trò diễn cướp phết trong lễ hội cướp phết Hiền Quan (huyện Tam Nông), cướp kén trong lễ hội cướp kén Dị Nậu (huyện Tam Nông), cướp cầu trong lễ hội cướp cầu đánh phết Sơn Vi (huyện Lâm Thao)… không chỉ đơn thuần là trò chơi mà còn mang một ý nghĩa thiêng liêng trong lòng người dân.

3.5. Giá trị giải trí

Lễ hội đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của mỗi người. Khi tham gia lễ hội thì cùng một lúc, mỗi con người như được bộc lộ hết tính “người” trong một không khí linh thiêng mà thoải mái, tự nguyện.

Gắn với lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ, chức năng giải trí được thể hiện một cách phong phú, sinh động trong cả phần lễ và phần hội.

Phần lễ bao gồm rất nhiều những nghi thức cổ và rất nhiều những hèm tục mang tính địa phương khác. Đây thực chất là những nghi lễ, tuy nhiên lại có sức thu hút rất mạnh bởi tính độc, lạ và thị phạm.

Giá trị giải trí trong lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ còn được thể hiện sinh động trong phần hội. Bên cạnh những trò chơi dân gian trong lễ hội ở Phú Thọ còn có nhiều trò diễn dân gian đặc sắc dưới hình thức các cuộc thi tài, các trò diễn trình nghề…

Như vậy, hệ thống giá trị văn hóa đặc trưng của lễ hội cổ truyền ở tỉnh Phú Thọ có thể được xếp theo một thang giá trị, bao gồm: giá trị hướng nguồn -> tôn vinh nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa -> cố kết cộng đồng -> giáo dục, hướng thiện -> giải trí.

Tính cốt lõi, chủ đạo và mức độ trung tâm, chi phối được xếp theo trình tự của thang giá trị trên. Tuy nhiên, tiếp cận thang giá trị trong tính hiện thực và xã hội hóa của nó, có thể thấy giá trị giải trí là giá trị trực tiếp nhất, gần gũi nhất, dễ tiếp nhận nhất bởi nó có khả năng thu hút sự tham gia của đông đảo cộng đồng. Từ việc được giải trí khi theo dõi, khám phá các nghi thức độc, lạ hay được tham gia các trò diễn dân gian sẽ là một kênh dẫn đến việc tìm hiểu cụ thể hơn, sâu sắc hơn về ý nghĩa của nghi lễ và giá trị văn hóa của lễ hội. Đây là một lôgic hết sức tự nhiên của nhận thức. Và có lẽ giải trí cũng là một trong những tiêu chí đầu tiên mà khách hành hương – du lịch hướng tới trong khi đến các lễ hội cổ truyền.



tải về 229.58 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương