Mã số: 62225005 DỰ thảo tóm tắt luậN Án tiến sĩ LỊch sử


CHƯƠNG 4 SANYUTEI ENCHO TRONG XÃ HỘI NHẬT BẢN THỜI MINH TRỊ



tải về 295.69 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích295.69 Kb.
#37947
1   2   3

CHƯƠNG 4

SANYUTEI ENCHO TRONG XÃ HỘI NHẬT BẢN THỜI MINH TRỊ

Là một nhà sáng tạo hàng đầu của văn hoá và nghệ thuật đại chúng, sáng tác của Encho thâm nhập trong đời sống xã hội Nhật Bản như một tấm gương phản ánh quá trình vận động, diễn tiến tâm lý và nhu cầu của xã hội trong thời kỳ Minh Trị Duy tân đầy biến động. Chương này tập trung phân tích các hoạt động và mối quan hệ xã hội sâu rộng của Sanyutei Encho nhằm làm rõ những chuyển biến, thích ứng và đóng góp mới của ông với tư cách một nghệ sĩ đại chúng đô thị tiêu biểu trong xã hội Nhật Bản thời Minh Trị.



4.1. Sự tham gia của Encho trong giáo dục quốc dân thời Minh Trị

4.1.1. Nghệ sĩ kể chuyện-tấu nói và giáo dục quốc dân

Trong công cuộc Văn minh khai hoá, cùng với việc khuyến khích "thực học" và thúc đẩy chính sách Thực sản hưng nghiệp, chính quyền Minh Trị đã sớm tập trung sức lực vào việc khai hoá về học vấn và tư tưởng của quần chúng. Nghệ sĩ kể chuyện-tấu nói cũng được nhà cầm quyền đặc biệt chú trọng với tư cách một kênh truyền thông giáo dục hữu hiệu.

Aikawa Yoshisuke, chủ tịch Công ty dầu mỏ Nhật Bản từng là một học sinh trực tiếp xem màn diễn của Encho: “Vấn đề trung hiếu, tư tưởng quốc gia được người nghệ sĩ danh tiếng diễn đầy xúc động, ai nấy đều khóc. Encho là một tài năng xuất chúng, nhưng con người ông không hề cao đạo. Nghệ thuật của Encho hoàn toàn khác các nghệ sĩ Yose khác”. Là một đại diện của thế hệ sinh ra sau Minh Trị Duy tân xuất thân địa phương và trưởng thành từ nền giáo dục mới, thái độ cảm phục của khán giả trẻ ưu tú như Aikawa cho thấy tác động tích cực của các màn diễn kể chuyện-tấu nói của Encho. Sáng tác của Encho đã khéo léo hòa hợp với hoàn cảnh thời đại và góp phần phổ biến nhiều chủ trương giáo dục của chính quyền tới quần chúng.

4.1.2. Trào lưu xã hội từ hình tượng nhà tư bản “Shiobara Tasuke”

“Truyền ký Shiobara Tasuke” là tác phẩm tiêu biểu thể hiện tác động của nghệ thuật Encho trong đời sống xã hội và giáo dục quốc dân thời kỳ này.

Dựa trên khảo chứng nhân vật và sự kiện có thật, Encho đã triển khai cốt truyện về cuộc lập thân xuất thế thành công của Shiobara Tasuke - con trai một võ sĩ thất thế được một nông dân nhận làm con nuôi. Lấy bối cảnh xã hội phong kiến tiền cận đại với chế độ phân biệt đẳng cấp và chế độ con nuôi vẫn tồn tại trong xã hội đầu Minh Trị, tác phẩm phản ánh nhận thức của giới cựu võ sĩ về sự cần thiết phải thích ứng với những chuyển biến chính trị - xã hội: Võ sĩ thất thế trong chế độ cũ chấp nhận trở thành nông dân, nhưng cuối cùng đã “lập thân xuất thế” thành nhà tư bản thành đạt trong thời đại mới.

Không chỉ trên sàn diễn Rakugo, tốc ký “Truyền ký Shiobara Tasuke” được xuất bản lần đầu tiên năm Minh Trị 18 với lượng bán chạy 12 vạn bản - một thành tích đáng nể của văn nghệ đại chúng nếu so sánh với số lượng 22 vạn bản của tác phẩm “Khuyến học” (cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại của Fukuzawa Yukichi). Bản tốc ký liên tục được tái bản và đăng báo trong suốt nhiều năm sau đó.

Trên sân khấu Kabuki, từ năm Minh Trị 21, tác phẩm liên tục được chuyển thể và trình diễn bởi những nhà viết kịch, nghệ sĩ và trên những sân khấu hàng đầu. Đề cập việc tặng sách tác phẩm cho 600 trường tiểu học và mời học sinh đến nhà hát Kabuki-za, nhà viết kịch nổi tiếng Miki Takeji bình luận: “Vở diễn được đón nhận nồng nhiệt với lý do đầu tiên là tác phẩm tâm đắc của Sanyutei Encho, sau đó vì là câu chuyện có thực về nhà kinh tế Shiobara chính vào thời điểm lưu hành chủ nghĩa bình dân” (theo nhật báo Yomiuri Shinbun). Trong vòng 12 năm kể từ Minh Trị 25, tác phẩm đã liên tục được chọn làm bài học trong sách giáo khoa “Tu thân tiểu học”.

Hình tượng Shiobara Tasuke do Encho sáng tạo có tính đột phá và cập nhật thời đại, là hình tượng lớn lên từ nghệ thuật đại chúng đô thị và được chính quyền lựa chọn làm đại diện cho tư tưởng giáo dục quốc gia nhờ hiệu ứng xã hội rộng khắp. Tuy không hoàn toàn thể hiện chủ trương chính quyền nên bị cắt gọt và sau đó không còn được sử dụng, hình tượng này đã góp phần hun đúc lý tưởng của quần chúng Nhật Bản cận đại.



4.2. Vai trò của Encho trong truyền bá “Văn minh khai hóa”

4.2.1. Nghệ sĩ kể chuyện-tấu nói và các vấn đề của xã hội “Văn minh khai hóa”

Liên tiếp trong thời Minh Trị, chính quyền ban hành các quy định kiểm soát rạp Yose. Đây cũng là thời kỳ tên gọi “Otoshi-banashi” được thay thế bằng tên gọi mới “Rakugo” - dạng viết rút gọn đọc theo âm Hán Nhật là “Rakugo” xuất hiện thường xuyên trên văn bản của Tổng cục Cảnh sát.

Để khai thác nhiều vấn đề mới trong xã hội, một phong trào đi thực tế lấy tư liệu sáng tác phát triển mạnh trong giới nghệ sĩ đô thị, mà Encho là một người tiên phong. Báo Jiji Shinpo ngày 23 tháng 12 năm Minh Trị 15 cập nhật việc môn phái của Encho đến lấy tư liệu ở vùng Okinawa (cực nam Nhật Bản). Trong điều kiện các phương tiện giao thông và truyền thông chưa phát triển, những động thái đó cho thấy thái độ nhạy bén, năng lực cập nhật các vấn đề xã hội của giới nghệ sĩ đại chúng trước biến chuyển thời cuộc.

Với trọng trách của một thủ lĩnh và là nhà sáng tạo mang chiều sâu văn hóa và sự thâm trầm của một triết gia, Encho có cách tiếp cận thận trọng và khéo léo đối với các vấn đề xã hội. Nhật báo Tokyo Nichinichi Shinbun (15/1/1879) cho thấy điều đó: “Ở các Yose, các nghệ sĩ Rakugo và Kodan dùng những câu chuyện mở màn hoặc truyện bên lề để kể về việc những hoạt động cải cách. Dù không kịch liệt bằng các diễn thuyết chính trị, họ không ngớt lên tiếng đề đạt nguyện vọng với chính phủ. Trong xu hướng đó, Encho, người đứng đầu giới Rakugo, không khỏi lo ngại về việc lưu hành nhiều trào lưu xấu, bởi vậy ông luôn nhắc nhở môn đệ phải thận trọng”.



4.2.2. Hokkaido và sáng tác của Encho từ chuyến thị sát cùng chính quyền

Năm Minh Trị 19, Encho là nghệ sĩ duy nhất được mời tham gia chuyến thị sát đặc biệt cùng Bộ trưởng Nội vụ Yamagata Aritomo và Bộ trưởng Ngoại vụ Inoue Kaoru đến Hokkaido -đảo cực bắc Nhật Bản có vị trí phòng thủ chiến lược và mới được chính quyền quan tâm trong kế hoạch khai hoang phục vụ chính sách “Thực sản hưng nghiệp” và “Phú quốc cường binh”.

Encho đã sáng tác một chùm tác phẩm lấy chất liệu Hokkaido, tiêu biểu như “Món quà từ chuyến đi Ezo”, “Truyện lạ phong tục Ezo”... chứa đựng nhiều thông tin chi tiết mới lạ và thú vị về quang cảnh, con người và phong tục của nhiều vùng đất chưa được biết đến (Sapporo, Binsen, Tobetsu, Muroran, Hakodate). Tác giả Kurt Meissner (người Đức) đã dịch tác phẩm kể trên và cho đăng trên tạp chí tại Đức với ý nghĩa tham khảo đời sống gia đình và công cuộc khẩn hoang trong nỗ lực hiện đại hóa Nhật Bản thời Minh Trị.

Đương thời, hiếm có văn nghệ sĩ nào có cơ hội tới Hokkaido để thu lượm chất liệu thực tế sáng tác. “Không gì khác ngoài lời cảm phục kỹ thuật kể pha trộn giữa hiện thực và hư cấu của Encho” (Nagai Hiroo), vì tính thời sự và cốt truyện kỳ thú, các sáng tác được đăng dài kỳ trên nhiều báo thời Minh Trị và được đánh giá là “nguồn tư liệu quý về lịch sử khai phá Hokkaido”.



4.2.3. Truyền bá tri thức và tư tưởng phương Tây

Trong thời Minh Trị, khái niệm “canh tân” luôn gắn liền một nhận thức tích cực và chủ động về tầm quan trọng của những ý tưởng và phương pháp phương Tây, ngay cả trong lĩnh vực nghệ thuật đại chúng. Năm Minh Trị 19 (1886), là người đứng đầu phái Sayutei, Encho chấp nhận Henry Black (nhà vận động cải cách, tự do - dân quyền người Anh) trở thành nghệ sĩ nước ngoài đầu tiên trong giới kể chuyện-tấu nói Rakugo - một điều hiếm lạ ở thời kỳ này, đồng thời khuyến khích và ủng hộ Black khai thác và trình bày những chất liệu tri thức và quan điểm của văn minh phương Tây.

Qua bằng hữu là những trí thức Tây học nổi tiếng như Fukuchi Ochi hay Morita Shiken, Encho chủ động tiếp thu tri thức, tư tưởng từ văn học Tây Âu và cho xuất bản nhiều phỏng tác tiểu thuyết của Anh, Pháp kết hợp giữa truyền thống và hiện đại với lượng bán chạy đáng kinh ngạc. Báo Tokyo Nichinichi Shinbun ngày 22/6 năm Minh Trị 14 đăng thông tin Encho "đang thường xuyên nghiên cứu đạo Gia-tô”. Tuy ông không sử dụng chất liệu tôn giáo, nhưng thông tin này cho thấy nhận thức của Encho về việc cần thiết nghiên cứu nghiêm túc về xã hội phương Tây phục vụ cho các sáng tác.

Tác phẩm “Hoa hồng vàng” sử dụng hai mô-típ độc đáo được du nhập từ phương Tây là hoa hồng vàng và dung dịch chloroform (CHCl3), nhưng lại góp phần miêu tả những âm mưu, thủ đoạn thanh trừng của các quan chức, cũng như hoạt động đảng phái chính trị ở Nhật Bản thời cận đại.

“Vụ án danh ca” phỏng tác trên cốt truyện kịch chính sử Pháp “La Tosca” của Victorien Sardou - một kinh điển của nền văn nghệ Tây Âu. Tác phẩm thể hiện khả năng Nhật hóa các bối cảnh, sự kiện, nhân vật phương Tây như cuộc cách mạng của Napoleon. Năm Minh Trị 22, Encho diễn tấu nói tác phẩm này chỉ 2 năm sau khi vở diễn đầu tiên được công diễn tại Pháp và sớm hơn 10 năm so với vở Opera lừng danh của Giacomo Puccini. Phỏng tác của Encho là một trong hai phiên bản phương Đông được thế giới nhắc đến trong vòng một thế kỷ sau đó.

“Choji - người thợ tài ba” phỏng tác gần như nguyên vẹn nguyên tác “Un Parricide” (Vụ án giết cha mẹ) của Guy de Maupassant nhưng đã phát triển phần kết mang đặc thù xã hội Nhật Bản. Tác phẩm được Encho công bố 8 năm trước khi nguyên tác của Maupassant được giới thiệu lần đầu tiên trong tập san “Đế quốc văn học” năm Minh Trị 33. Tác phẩm Encho một mặt cập nhật những vấn đề của xã hội tư bản phương Tây như Công xã Pari, mặt khác cũng phản ánh thực trạng tòa án Nhật Bản đương thời trước khi ban hành đạo luật Dân sự và Hình sự học tập từ phương Tây.

Những chi tiết trên đã cho thấy tinh thần chủ động cập nhật, tìm tòi đổi mới và năng lực sáng tạo của Encho nói riêng, giới trí thức - văn nghệ sĩ Nhật Bản nói chung, cũng như nhu cầu thụ hưởng và tri thức về các thành tựu văn hóa phương Tây của xã hội Nhật Bản. Tuy vậy, Encho cũng là đại diện cho một thế hệ chưa thể vượt khỏi giới hạn của thời Edo cũ và đang dò dẫm tìm đường trong bối cảnh thời đại mới. Do hạn chế thời đại, giới văn nghệ sĩ thời kỳ này chưa thể đạt đến căn bản của một nền văn nghệ cận đại.

4.3. Đóng góp của Sanyutei Encho trong hoạt động báo chí thời Minh Trị

4.3.1. Công chúng và quan hệ xã hội của Encho nhìn từ báo chí

Sang thời Minh Trị, báo chí nổi lên trở thành phương tiện truyền thông đại chúng chủ đạo. Trong giai đoạn đầu, do còn chịu ảnh hưởng định kiến khá nặng nề của chính quyền và xã hội về vị thế thấp kém của nghệ thuật và giới nghệ sĩ đại chúng, báo chí cũng có xu hướng không hào hứng với các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, thông tin về các nghệ sĩ nổi tiếng là một ngoại lệ.

Không gì cập nhật hơn báo chí đương thời trong việc tìm hiểu tác động của nghệ thuật Encho đối với công chúng. Tên tuổi Encho xuất hiện khá thường xuyên trên các mặt báo cả chính luận và phi chính luận cùng với các bài viết cập nhật phong phú thông tin về hoạt động đi thực tế tìm tư liệu sáng tác, biểu diễn, cũng như đánh giá của công chúng đương thời.

Bằng sự tinh tế của truyền thống văn hoá Edo, nghệ thuật của Encho không chỉ thịnh hành trong quần chúng đô thị truyền thống mà còn chinh phục cả những nhà lãnh đạo của chính quyền xuất thân từ các địa phương như các vị Bộ trưởng Aoki Shuzo, Inoue Kaoru, nhà đại tư bản công nghiệp Shibusawa Eiichi. Mối quan hệ xã hội cao quý của Encho góp phần nâng cao vị thế của nghệ thuật thị dân và nghệ sĩ đại chúng trong xã hội thời Minh Trị. Có thể nói, văn hóa thị dân đã khẳng định được sức sống bền vững và hấp dẫn của mình và ngày càng đạt được trạng thái giao hòa với văn hóa quý tộc và văn hóa võ sĩ, cũng như vượt khỏi những ranh giới khác biệt vùng miền.



4.3.2. Encho và báo chí - sự kết giao giữa truyền thông đại chúng truyền thốnghiện đại

Phong trào dân chủ thời Minh Trị ngày càng lớn mạnh, được truyền cảm hứng từ những tư tưởng mới của phương Tây và khích lệ bởi những nhà cải cách như Fukuzawa Yukichi. Đó vừa là cuộc cạnh tranh chính trị, vừa là cuộc đấu tranh xã hội nhằm tìm kiếm những định nghĩa thích hợp về hiện đại hóa Nhật Bản. Phương tiện tuyên tuyền chủ yếu của các phong trào là báo chí. Ngày càng nuôi dưỡng quan điểm độc lập về các vấn đề chính trị - xã hội, báo chí cũng vấp phải sự đàn áp quyết liệt của chính quyền.

Từ bộ phận trí thức thiểu số, các tranh luận về canh tân và hiện đại hóa ngày càng chuyển hướng sang đông đảo công chúng thưởng thức nghệ thuật, văn học đại chúng và độc giả báo chí. Nhạy bén trước sự thịnh hành của kể chuyện-tấu nói Rakugo và Kodan, các toà báo sớm tích cực mượn hình ảnh và tiếng nói của các nghệ sĩ nổi tiếng nhằm nâng cao mức độ phổ biến và ảnh hưởng của báo chí trong đời sống xã hội. Thấy rõ điều này qua sự cạnh tranh gay gắt giữa hai tờ báo nổi tiếng là Choya Shinbun và Hochi Shinbun trong việc lôi kéo sự hợp tác của Encho được thông tin trên nhiều trang báo như Nhiều tờ báo như Eiri Kokoku Shinbun xuất bản số đầu tiên nhờ vào sự giới thiệu và quảng bá của các nghệ danh nổi tiếng như Encho hay Henry Black.

Tờ Yamato Shinbun của nhật báo Tokyo Nichinichi Shinbun là một điển hình. Năm Minh Trị 19, do lượng phát hành giảm, tờ “Cảnh sát tân báo” được thay thế bằng Yamato Shinbun mang đặc trưng giải trí. Tờ báo được đánh giá cao ngay từ số đầu đăng dài kỳ phỏng tác phương Tây “Người đẹp chôn sống” của Encho. Từ đó, Yamato Shinbun liên tục duy trì lượng phát hành cao nhờ gắn với tác phẩm của ông. Năm Minh Trị 19 cũng đánh dấu giai đoạn phát triển chín muồi trong sáng tác của Encho với hàng loạt tác phẩm ngay khi ra đời đã liên tiếp được đăng dài kỳ trên các mặt báo.

Nếu như sáng tác của Encho góp phần thể hiện nhiều chủ trương của chính quyền Minh Trị, thì Yamato Shinbun lại đại diện cho sự nhạy bén của những nhân tố xã hội tinh hoa nắm bắt thị hiếu và tận dụng năng lực ngôn ngữ và sáng tác của Encho để tiếp cận đông đảo quần chúng.

Là người đứng đầu của văn hoá - nghệ thuật đại chúng đô thị thời Minh Trị, lãnh địa hoạt động của Sanyutei Encho tỏa rộng từ khắp các rạp Yose nhỏ đến các sân khấu kịch nói cận đại, xuất bản và báo chí. Bằng khả năng nâng đỡ tâm lý, tình cảm của quần chúng đang từng bước chuyển biến từ thời đại cũ trên những phông nền bối cảnh, mối quan hệ nhân tình thế thái truyền thống, nhưng vẫn lóe lên những tri thức và ý tưởng mới mẻ của thời đại, những sáng tạo văn học và nghệ thuật của Encho có sức tác động lớn tới quảng đại quần chúng. Thái độ chủ động tiếp nhận báo chí - phương tiện truyền thông mới - một lần nữa cho thấy nhận thức của Encho trước xu hướng mới của thời đại. Encho còn là một đại diện cho sự kết giao tích cực giữa nghệ thuật đại chúng với tư cách diễn đàn xã hội và phương tiện truyền thông cũ với báo giới - phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại nhằm cùng tìm kiếm những phương cách tiếp cận mới. Những vận động tích cực của ông và giới nghệ sĩ kể chuyện-tấu nói đã thu hút mối quan tâm đặc biệt của báo giới như một biểu hiện của nỗ lực hiện đại hóa.

Chỉ khi những chuyển biến xã hội được lan tỏa tới tầng sâu xã hội mới tạo nên những động lực thực sự chắc chắn thúc đẩy xã hội tiến lên. Trong những chuyển biến ở tầng sâu đó, Encho và nghệ thuật đại chúng của ông đã đóng góp vai trò không thể phủ nhận.
CHƯƠNG 5

VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA THỊ DÂN VÀ VĂN NGHỆ SĨ ĐÔ THỊ TRONG HIỆN ĐẠI HÓA XÃ HỘI VÀ VĂN HÓA NHẬT BẢN THỜI MINH TRỊ - TỪ NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP SANYUTEI ENCHO

Từ góc độ lịch sử, chương này trình bày khái quát hai vấn đề lý luận liên hệ mật thiết với vai trò, đóng góp của Sanyutei Encho trong đời sống xã hội - văn hóa thời Minh Trị. Đó là mối quan hệ giữa hiện đại hóa với sự phát triển của văn hóa thị dân và vấn đề truyền thống trong tiến trình hiện đại hóa. Từ nghiên cứu trường hợp Sanyutei Encho và nghệ thuật của ông, luận án rút ra những nhận xét, đánh giá về quá trình tiếp biến và vai trò của truyền thống văn hóa thị dân Edo, cũng như vai trò xúc tác - truyền dẫn của văn nghệ sĩ đô thị trong thành công của tiến trình hiện đại hoá Nhật Bản thời cận đại.



5.1. Hiện đại hóa Nhật Bản thời Minh Trị - một số vấn đề lý luận và diễn trình lịch sử

5.1.1. Mối quan hệ giữa hiện đại hóa và sự phát triển của văn hóa thị dân

Trong nghiên cứu về Văn minh khai hoá thời Minh Trị, có nhiều tranh luận về việc nên coi đây chỉ đơn thuần là một cuộc “Âu hoá” hay là hiện đại hoá đúng nghĩa. Khuynh hướng tích cực coi đó là quá trình hiện đại hoá xuất phát từ sự quan tâm tới mối liên hệ giữa chính sách Văn minh khai hoá và quá trình phát triển tiếp nối của văn hoá thị dân thời Minh Trị, cũng như việc đề cao những tiền đề quan trọng của xã hội và văn hóa thị dân thời Edo.

Các nghiên cứu theo khuynh hướng này chỉ ra rằng trong thời Edo, trong khi văn hoá thời kỳ Bunka - Bunsei (1804-1830) cho thấy năng lực nội sinh của văn hóa thị dân, văn hoá thời cuối Mạc phủ tiếp tục phát triển ngay trong thời kỳ nội loạn, giai đoạn đầu của biến cách chính trị hướng tới thể chế xã hội mới. Điều này có nghĩa, văn hoá thời cuối Mạc phủ đã có những nền tảng phát triển mạnh mẽ và nuôi dưỡng tính chất gần gũi với Văn minh khai hoá, hiện đại hóa tới mức có thể tiếp nhận một cách tích cực những yếu tố dị biệt.

Trên thực tế, trong thời Minh Trị, những nỗ lực hiện đại hóa đã không được thực hiện một cách triệt để do bị giới hạn trong quyền lực của một thể chế cũ do Thiên hoàng đứng đầu và còn mang nặng tư tưởng Nho giáo. Nhưng theo Hayashiya Shinsaburo, chính là văn hóa thị dân tiếp nối hình thành và phát triển trong thời kỳ này đã gánh vác sứ mệnh hiện đại hóa nước Nhật. Đó là môi trường sản sinh ra những tài năng văn hóa - nghệ thuật như Sanyutei Encho. Và vai trò của những văn nghệ sĩ đô thị như Encho đã được phát huy cũng chính nhờ những điều kiện văn hóa và xã hội thuận lợi đó.



5.1.2. Vấn đề truyền thống trong tiến trình hiện đại hóa

Thấy rõ trong quá trình Văn minh khai hóa ở Nhật Bản là xu hướng kịch liệt phê phán, phủ nhận hoặc từ bỏ những tập quán văn hoá cố hữu bị cho là không phù hợp hoặc đi ngược lại với chủ trương của chính quyền khi tham chiếu “hệ tiêu chuẩn” văn minhhiện đại được du nhập từ phương Tây. Cũng dựa trên những tư tưởng phương Tây phát triển một khuynh hướng tìm kiếm con đường hiện đại hóa “kiểu Nhật Bản” với lập trường cho rằng nước Nhật có thể đóng góp quan trọng trong văn minh thế giới chỉ khi nó bảo tồn những đặc thù riêng biệt. Đến giữa những năm 1890, phái chủ trương con đường kiểu Nhật Bản dần thắng thế. Mặc dù khuynh hướng này góp phần không nhỏ trong sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc cực đoan nửa đầu thế kỷ XX, nhưng đã cho thấy sức mạnh nội sinh của văn hóa Nhật Bản.

Một vấn đề quan trọng trong mục tiêu xây dựng thể chế quốc gia Nhật Bản hiện đại là việc thể chế hoá hình thái của truyền thống nhằm tạo nên một nền tảng văn hóa và lý tưởng về bản sắc dân tộc, bên cạnh việc tiếp thu toàn diện các thành tựu văn minh của thế giới. Nỗ lực này đã được thực hiện không phải để đáp ứng nguyện vọng quần chúng mà là để đối phó với sự uy hiếp của bên ngoài. Theo Philippe Pons, “từ thời Minh Trị, truyền thống đã được đặt thành một vấn đề chính sách, một phương tiện nhằm chính thống hoá quyền lực của chính quyền trung ương cũng như vị thế của Nhật Bản”.

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Grant, chuyến công du đầu tiên của một nguyên thủ phương Tây, tới Nhật Bản năm Minh Trị 12 và mối quan tâm đặc biệt của vị Tổng thống đối với các loại hình nghệ thuật độc đáo Nhật Bản là cú hích quan trọng khiến chính quyền Minh Trị từ quan niệm lâu đời coi “du nghệ không ích lợi gì cho quốc gia” đã nhận thức lại giá trị của nghệ thuật như là một biểu hiện của văn hóa và văn minh.

Chính quyền và giới nghệ thuật đã có nhiều nỗ lực cách tân Kabuki thành nghệ thuật tinh hoa và văn minh ngang tầm với Opera và kịch nói hiện đại phương Tây. Mặc dù mục tiêu này không được hiện thực hóa thành công, nhưng giống như Thần đạo hay kịch Noh, Kabuki và Bunraku đã được nâng tầm thành những truyền thống đại diện của quốc gia Nhật Bản.

Khác với truyền thống đại diện được chính quyền thể chế hóa và bảo trợ, các truyền thống quy mô nhỏ như Yose và Rakugo lại xâm nhập sâu trong đời sống xã hội, được hậu thuẫn vững chắc bởi xã hội thị dân và bình dân và chỉ ít nhiều chịu sự kiểm soát của chính quyền. Bởi vậy, mặc dù gặp nhiều khó khăn và nguy cơ trong quá trình thanh lọc, những truyền thống quy mô nhỏ năng lực vẫn tiếp tục mạch chảy không đứt quãng từ sau thời Minh Trị.



5.2. Quá trình chuyển biến và vai trò của truyền thống văn hóa thị dân trong công cuộc hiện đại hóa xã hội và văn hóa Nhật Bản thời Minh Trị

5.2.1. Nghệ thuật đại chúng trong văn minh đô thị - Tính liên tục và sự tiếp biến của truyền thống xã hội-văn hóa thị dân Edo

Là một thành tựu ngôn ngữ, nghệ thuật, giải trí và giao tiếp cộng đồng của thị dân Edo, Yose và Rakugo tiếp tục được kế thừa sang thời Minh Trị và phát triển lớn mạnh cả về số lượng và hình thức hoạt động, mở rộng địa bàn đến các đô thị mới. Theo “Sách thống kê của Tổng cục Cảnh sát”, số lượng khán giả tới Yose lên tới 5.220.000 lượt người trong năm cao điểm Minh Trị 30. Trung bình, con số này thường gấp 3 lần so với nhà hát nhỏ và 6 lần so với các nhà hát lớn. Nửa đầu thời Minh Trị còn được coi là thời hoàng kim của kể chuyện-tấu nói ở Nhật Bản khi loại hình này trở thành một trong những hình thức giải trí và truyền thông thịnh hành nhất đương thời.

Đối với các tầng lớp thị dân truyền thống Edo, đây là một bệ đỡ tinh thần trong cú sốc tâm lý do biến chuyển thời đại. Dân nhập cư từ các địa phương lại tìm đến Yose và Rakugo để bồi bổ tri thức và văn hóa nhằm “nhập gia tùy tục” trong cộng đồng đô thị mới. Duy trì những lợi thế hấp dẫn vốn có và tiếp biến nhằm đáp ứng những tâm lý và nhu cầu xã hội mới, một cách tự nhiên, Yose tiếp tục đóng vai trò "xã hội hoá" công chúng và Rakugo gánh vác sứ mệnh mới là "phương tiện hướng dẫn và khai sáng đại chúng tối ưu" (Ian Douglas McArthur). Với sự hiện diện của những danh tài như Encho, Yose đã thu hút mọi tầng lớp xã hội đô thị mới từ bình dân đến trí thức - văn nhân, chính trị gia, doanh nhân, trong đó có nhiều chí sĩ ưu tú có trọng trách và tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội. Ngoài nhu cầu giải trí, họ tìm đến đây với một động cơ mãnh liệt tiếp thu thông tin, tri thức mới của thời đại thông qua hình thức tiếp cận bình dân, hóm hỉnh, đầy chất trí tuệ và của sân khấu đại chúng.

Vượt khỏi phạm vi đô thị Edo - Tokyo truyền thống, các không gian nghệ thuật đại chúng lan tỏa ảnh hưởng tới các địa phương, giúp khỏa lấp khác biệt vùng miền và góp phần tạo dựng tri thức văn hoá mới trước khi có sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại. Đáng lưu ý là cùng với sự thay đổi của thời đại, tuy nhiều phong cách nghệ thuật, trào lưu mới thịnh hành và từng lúc thịnh suy, nhưng các hình thức biểu diễn trong thời Minh Trị đã hầu như được bảo lưu nguyên trạng đến ngày nay.

Các truyền thống văn hóa, thẩm mỹ, trí tuệ thị dân Edo tiếp tục phát huy vai trò quan trọng đến khi những dấu ấn đặc thù của văn hoá đô thị hiện đại được xác lập và định hình. Sự phong phú, chiều sâu, cũng như tính năng động của truyền thống văn hoá thị dân thời Edo là một nền tảng vô cùng quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của văn hoá Nhật Bản hiện đại.

5.2.2. Quá trình chuyển biến của Encho - kế thừa truyền thống và tiếp biến hiện đại

Một phát hiện thú vị trong luận án là sự trùng hợp nhiều bước ngoặt trong sự nghiệp của Encho với những dấu mốc của tiến trình hiện đại hóa xã hội Minh Trị. Đó là năm Minh Trị 5 khi ông đột ngột chuyển sang sáng tác và diễn mộc truyện Nhân tình thế thái, cùng thời điểm chính quyền ban hành Tam điều chi giáo hiến giáo hoá tư tưởng quốc dân; năm Minh Trị 11 khi Encho hoàn thành sáng tác tiêu biểu “Truyền ký Shiobara Tasuke” cùng thời gian với sự kết thúc chiến tranh Tây Nam, mốc khởi đầu phong trào dân quyền (giai đoạn mới của Văn minh khai hóa); năm Minh Trị 17 khi Encho tiếp nhận kỹ thuật tốc ký cùng thời gian bắt đầu giai đoạn phát triển cao độ của chính sách Văn minh khai hóa và phong trào dân quyền; năm Minh Trị 19 khi Encho kết nạp Henry Black thành môn đệ và nghệ sĩ Rakugo ngoại quốc chuyên nghiệp đầu tiên, bắt đầu công bố nhiều phỏng tác văn học Tây Âu, cũng như gia tăng kết giao với báo chí (tiêu biểu báo Yamato Shinbun sáng lập cùng năm này) cùng thời gian với sự ra đời của nhiều tờ báo tư nhân.

Qua mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội, Encho không ngừng trưởng thành cùng quần chúng. Cởi mở đón nhận cách tân văn hoá, nhưng hơn hết, ông là đại diện điển hình của khuynh hướng gắn bó mật thiết và nỗ lực bảo lưu truyền thống văn hoá Edo, nhờ vậy đã tiếp tục dẫn dắt thẩm mỹ và thị hiếu thời Minh Trị, khỏa lấp khoảng trống của văn hoá Nhật Bản trong giai đoạn quá độ, giao thời tìm kiếm hướng đi mới. Nhờ những nỗ lực này, trải qua cuộc hiện đại hóa quyết liệt, bản sắc Nhật Bản vẫn được nhận diện đậm nét. Đây là một khía cạnh quan trọng nhưng dường như ít được chú ý do xu hướng quá đề cao khía cạnh Văn minh khai hoá, hiện đại hoá.


Каталог: userfile -> User -> songtran -> files
files -> Phan thành nhâm quan niệm về nhà NƯỚc và XÃ HỘi dân sự trong triết học pháp quyền của g. W. F. Hegel
files -> Chuyên ngành: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam Mã số: 62 22 56 01
files -> TRẦn thị ngọc thúY ĐẢng lãnh đẠo cuộc vậN ĐỘng quốc tế chống đẾ quốc mỹ XÂm lưỢc việt nam
files -> Mã số: 62. 22. 50. 05 TÓm tắt luậN Án tiến sĩ SỬ HỌC
files -> Mã số: 62. 32. 01. 01 TÓm tắt luậN Án tiến sĩ BÁo chí
files -> ­­­­­­­­­­­­ nguyễn công oánh nhân học kitô giáo và vai trò CỦa nó trong đỜi sống đẠO
files -> TRƯỜng đẠi học khoa học xã HỘi và nhân văN ­­­­­­­­­­­­ nguyễn thúy thơM
files -> HÀ NỘI – 2015 CÔng trình đƯỢc hoàn thàNH
files -> Mã số : 62 22 03 08 TÓm tắt luậN Án tiến sĩ triết họC
files -> Mã số : 62 22 03 08 TÓm tắt luậN Án tiến sĩ triết họC

tải về 295.69 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương