Mở Rộng Cửa Tâm Mình



tải về 0.84 Mb.
trang8/16
Chuyển đổi dữ liệu22.11.2017
Kích0.84 Mb.
#34481
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   16

34. Làm Nguội Bằng Tha Thứ


Khi bị ai làm hại ta không cần phải trả đũa. Nếu là tông đồ của đạo Chúa, Hồi hay Do Thái, bạn tin rằng họ bị Đấng Thiêng Liêng phạt rồi. Nếu theo đạo Phật, Ấn hay Sikh, bạn biết rằng kẻ làm ác không sao tránh khỏi ác nghiệp. Còn nếu là người theo đạo “Tâm lý liệu pháp” hiện đại, bạn chắc rằng người ấy sẽ tốn một số tiền lớn hơn và nhiều năm dài để nhờ bác sĩ chữa trị tâm thần vì mặc cảm tội lỗi.

Do đó bạn đâu cần “dạy họ một bài học” làm chi. Sáng suốt mà nhìn chúng ta thấy mình không cần làm quan tòa. Bằng buông xả và tha thứ chúng ta vẫn làm đầy đủ trách nhiệm công dân như thường.

Tôi có hai bạn tu người Phương Tây. Một sư từng phục vụ trong binh chủng Thủy Quân lục chiến Hoa Kỳ bị thương trong một trận đụng độ tại Việt Nam. Sư kia là một cựu thương gia rất thành công và “về hưu” lúc tuổi mới 25 cả hai đều lanh lợi, thẳng tánh và “chì”.

Các sư được dạy không nên cãi cọ hay đánh đấm nhưng hai sư này đang tranh cãi xém thoi nhau. Họ rất phẫn nộ. Trong lúc họ đang lời qua tiếng lại, nhà sư gốc lính bỗng sụp quỳ xuống chân nhà sư gốc thương gia và ngẩng đầu lên nói: “Xin lỗi sư. Xin sư tha thứ cho tôi”

Cử chỉ và lời nói ông phát xuất tự đáy lòng - tự nhiên và thành thật - khiến sư kia không cầm được nước mắt sau phút ngẩn ngơ.

Sau đó hai sư cùng sánh bước, bước đi của bạn tâm giao. Sư phải là như vậy đó.


 ---o0o---

35. Tha Thứ Tích Cực


Tôi thường nghe nói tha thứ dễ thực hành trong chùa hơn ngoài đời. Ở đời tha thứ thường hay bị lợi dụng. Người ta có khuynh hướng “qua mặt” bạn vì nghĩ rằng bạn yếu đuối. Tôi đồng ý. Tha thứ vì nhu nhược không thể đem lại kết quả tốt. Có câu rằng, “Đưa má ra lần thứ hai, bạn phải đi nha sĩ hai lần, thay vì một!”

Trong câu chuyện “Làm sao chận đứng nội loạn” số 33 kể trên, chánh phủ Thái Lan làm hơn việc tha thứ đơn thuần qua chánh sách khoan hồng vô điều kiện: họ tìm nguồn cội của vấn đề - nghèo khó - để giải quyết một cách thỏa đáng. Nhờ vậy chánh sách khoan hồng mới thành công.

Tôi gọi hình thức đó là “tha thứ tích cực”, “tích cực” hàm nghĩa gia cố các lợi điểm để chúng hình thành mỹ mãn. Còn “tha thứ” có nghĩa buông bỏ các điều xấu xa của vấn đề - để chúng lại đằng sau và đi tới. Ví như tưới hoa kiểng trong vườn, nếu chỉ tưới cỏ dại ta gây phiền toái, nếu tưới cỏ lẫn bông ta làm việc tha thứ đơn thuần, nếu chỉ tưới bông ta áp dụng sự tha thứ tích cực.

Lần nọ cách nay trên mươi lăm năm, sau một thời pháp tôi nói tại Perth vào một chiều thứ sáu, có một nữ tín chủ lên cám ơn tôi và cũng nhờ tôi cám ơn tất cả quý sư từng cho bà nghe pháp bấy lâu nay. Tôi biết mặt bà vì thấy bà đi nghe pháp hằng tuần từ lâu lắm rồi, nhưng chưa có dịp tiếp chuyện với bà. Bà nói bà đến viện lần đầu tiên cách nay bảy năm. Bấy giờ bà đi chùa để có lý do ra khỏi nhà hầu tránh ông chồng vũ phu trong vài tiếng đồng hồ. Chồng bà rất hồ đồ và hay tay đánh chân đạp khiến bà khổ vô cùng, nhưng bà không biết nhờ vào ai (vì lúc đó chưa có biện pháp chế tài đối với các hành động vũ phu và bà không thể ly dị).

Nhưng pháp thoại đã thay đổi đời bà. Bà nghe được nhiều chuyện về “tha thứ tích cực” do các sư thuyết. Bà nhất định áp dụng. Bà nói mỗi lần chồng bà kiếm chuyện đánh chửi bà, bà tha thứ cho ông và bỏ qua mọi chuyện. Bà làm thế nào, không ai biết, chỉ mình bà thôi. Và mỗi lần ông có lời nói hay cử chỉ nhu hòa, dẫu rất nhỏ nhặt, bà đều đáp lại bằng lời nói hay cử chỉ để ông thấy bà trân quý việc ông làm đối với bà. Bà không bỏ lỡ dịp nào hết.

Bà thở ra và cho biết bà phải chờ những bảy năm dài. Bà ứa nước mắt, tôi cũng vậy.

“Bảy năm,” bà nhấn mạnh. Rồi bà tiếp, “Và bây giờ sư không thể tưởng tượng được đâu, ông nhà tôi hoàn toàn đổi khác. Chúng tôi rất thương yêu nhau và có hai mụn con kháu khỉnh.” Mặt bà sáng lên như có hào quang của bậc thánh khiến tâm tôi chùng xuống như muốn xá bà.

“Sư nhìn xem,” bà chỉ cho tôi xem chiếc ghế bà dùng để ngồi thiền và nói, “ông ấy mới đóng trong tuần để làm quà bất ngờ cho tôi đó.” “Bảy năm về trước chiếc ghế như vậy chỉ được dùng để phang tôi thôi” bà cười đùa. Tôi cười theo bà và cái nghẹn trong cổ tôi biến mất tự bao giờ.

Tôi rất quý trọng người đàn bà này. Bà đang tận hưởng hạnh phúc tuyệt vời, tôi biết, biết qua gương mặt rạng rỡ của bà. Và, bà đã cải hóa một hung thần thành một ông chồng thương yêu đùm bọc gia đình. Bà đã giúp một người. Cao thượng thay!

Trên đây là một ví dụ quý hiếm về “sự tha thứ tích cực” mà những ai đang bước trên đường nhập dòng Thánh mới có thể ban bố. Tuy nhiên chúng ta cũng thấy được các lợi lạc khi tha thứ với thiện tâm.

 

---o0o---


CHƯƠNG 05 - TẠO DỰNG HẠNH PHÚC

36. Tâng Bốc Đưa Con người Ta Đi Xa Lắm!


Tất cả chúng ta đều muốn được khen nhưng thường hay bị chê. Tôi nghĩ như vậy cũng hợp lý thôi, vì chúng ta hay chê hơn khen người khác. Bạn hãy nghe những lời do chính miệng mình thốt ra thì sẽ biết liền.

Không được khen, các sự việc tốt lành sẽ bị lãng quên và mất đi, lời khen, dầu chỉ là một lời, có huyền lực gìn giữ và phát huy chúng. Chúng ta thích nghe lời khen và làm đủ mọi cách để được tâng bốc.

Lần nọ, tôi đọc tài liệu nói về phương pháp chữa chứng ít thèm ăn của trẻ con bằng sự tâng bốc. Các bé này ói mửa ngay sau khi nuốt thức ăn cứng khỏi miệng. để cỗ vũ các em nhóm phụ huynh ăn mừng mỗi khi có em nào giữ được thức ăn cứng trong bao tử hơn một phút. Phụ huynh các em đội nón giấy, leo lên ghế đứng ca hát và vỗ tay. Y tá nhảy múa và tung bông giấy màu. Vài người còn chơi nhạc mà em thích. Em được lưu ý đặc biệt trong nhóm các em đồng thuyền và trở thành diễn viên chánh của buổi hội vui. Lần lần các em được khen đó giữ được thức ăn trong bao tử lâu hơn. Sự thích thú được biết mình là đầu dây mối nhợ của buổi liên hoan tác dụng đến hệ thần kinh của các em, những đứa bé ham được tâng bốc như người lớn chúng ta.

Ai bảo rằng “sự tâng bốc chẳng giúp được ai” là người... nhưng tôi thiết nghĩ chúng ta nên tha thứ họ. Sự tâng bốc đưa con người đi xa lắm các bạn à!

 ---o0o---

37. Làm thế nào để trở thành VIP?


Trong năm đầu tiên tự viện được thành lập tôi phải học xây dựng. công tác đầu tiên của tôi là xây khu gồm sáu nhà vệ sinh và sáu phòng dùng để rửa đồ thờ tự sau mỗi buổi lễ. Thế là tôi phải học bắt ống nước. Tôi học bằng cách đem bản vẽ đến tiệm ống nước và xin nhờ “chỉ dẫn”.

Công tác khá lớn nên Fred, anh chàng đứng ở quầy tiếp khách, không ngần ngại dành cho nhiều thì giờ chỉ dẫn chi li, kể cả việc phải bôi keo như thế nào cho đúng kỷ thuật. Nhờ sẵn tánh nhẫn nại và được sự giúp đỡ tận tình của Fred tôi gắn xong hệ thống nước thải. Vị thanh tra của ủy ban y tế đến khám - ông khám rất kỹ - gật đầu cho qua. Tôi rất đỗi vui sướng.

Vài ngày sau tôi gởi tiền cho tiệm ống nước kèm theo thư cám ơn, đặc biệt cám ơn Fred đã giúp tự viện có phương tiện thiết yếu để hoạt động. Tôi không ngờ tiệm “của Fred” chỉ là một cơ sở thương mại của một công ty lớn có cả một phân bộ thanh toán riêng nên chi phiếu và thư tôi đi thẳng đến cô thư ký kế toán thay vì đến tay Fred. Được thư tôi cô thư ký mở xem và ngạc nhiên, vì thông thường thư đi kèm với giấy trả tiền chỉ là thư khiếu nại. Cô đem thư lên vị kế toán trưởng. Ông cũng ngạc nhiên nên trình giám đốc điều hành công ty. Đọc thơ xong ông giám đốc giở điện thoại gọi Fred liền cho biết anh có thư khen đang nằm trên bàn giấy của ông. Ông nói:

“Đây là thư mà công ty mong đợi. Giao tiếp khách hàng. Phải như vậy đó!”

“Dạ. Thưa ông”

“Fred, anh đã giúp tạo uy tín cho công ty”

“Dạ”

“Công ty chắc chắn sẽ khen thưởng anh. Tôi sẽ gặp anh trong nay mai.”



“Dạ, cám ơn ông.”

“Rất tốt, Fred!”

“Dạ, cám ơn ông.”

Một hai tiếng đồng hồ sau đó tôi ra tiệm “của Fred” để đổi vài món đồ. Tôi thấy hai ông thợ ống nước người Úc thịt bắp vai u xếp hàng trước tôi. Fred bên trong thấy tôi bèn gọi với nụ cười nở rộng trên môi.

“Sư BRAHM, tới đây”

Tôi được Fred đón mời như VIP. Tôi được đi vô trong quày, chỗ mà khách không được phép vô, để chọn món đồ tôi cần thay thế. Tôi tìm ra món đồ tôi cần. Nó lớn hơn và chắc là phải đắt hơn món tôi đổi, tôi hỏi Fred:

“Tôi cần bù bao nhiêu, hở Fred?”

“Đối với sư Brahm, khỏi thêm gì cả!” Anh đáp với nụ cười nở rộng. Và anh kể cho tôi nghe trọn câu chuyện điện thoại giữa anh và ông giám đốc của anh.

Lời khen cũng đáng đồng tiền đó chứ!
 ---o0o---

38. Cười Bằng Hai Ngón Tay


Lời khen đáng đồng tiền, thắt chặt tình giao hảo và tạo niềm vui hạnh phúc. Chúng ta cần phổ biến rộng rãi khời khen.

Người mà chúng ta khó khen nhất là chính chúng ta. Tôi lớn lên trong truyền thống tin tưởng rằng ai tự khen là người tự cao tự đại. Thật ra không phải vậy đâu. Họ hào hiệp, rộng lượng thì đúng hơn. Khen các đức tánh của mình là tích cực khuyến khích chúng đó chớ.

Hồi còn là sinh viên theo học lớp thiền, tôi được thầy cho một lời khuyên rất thực tế. Ông hỏi tôi làm gì trước tiên sau khi sáng thức dậy.

“Dạ, làm vệ sinh” tôi đáp.

“Trong phòng vệ sinh có kiếng soi mặt không?”

“Dạ có.”


“Tốt,” ông nói, “Vậy chú hãy nhìn vô kiếng cười trước khi đánh răng. Tôi muốn chú cười với chú trong kiếng.”

“Dạ cười gì nổi mà cười, thưa thầy,” tôi chống chế, “sinh viên tụi con thường ngủ trễ, sáng dậy ít khi tỉnh táo, thấy mặt là phát sợ rồi.”

Ông khẽ cười, nhìn thẳng vô mắt tôi và bảo: “Nếu cậu không thể cười tự nhiên thì dùng hai ngón tay trỏ kéo chằng miệng ra mà cười.” Ông làm thử và nói, “Như vầy nè.”

Ông trông rất dị hợm. Tôi bật cười khúc khích. Ông biểu tôi làm thử. Tôi làm cho ông coi.

Ngay sáng hôm sau, tôi lê thân ra khỏi giường, đi băng xiêng băng nai vô phòng tắm. Tôi nhìn lên kiếng “Rrrrr!” Dễ sợ. Không sao tôi mở miệng cười được. Tôi nghe lời thầy lấy tay kéo chằng miệng ra. Tôi thấy thằng ngốc trong kiếng và không sao nín cười được. Thằng ngốc cười lại tôi. Tôi cười lớn hơn. Nó cũng cười lớn hơn. Sau cùng hai đứa cùng cười với nhau.

Tôi thực tập cười như vậy trong vòng hai năm. Mỗi sáng, sau khi thức dậy, làm gì thì làm, tôi đều cười với tôi trong kiếng bằng hai ngón tay trỏ của tôi. Hiện tôi có tiếng là người hay cười. Phải chăng các cơ quanh miệng của tôi đã quen với cái cười rồi.

Tôi có thể thử cái trò cười bằng hai ngón tay này bất cứ lúc nào. Nó giúp tôi rất nhiều, nhất là trong lúc bệnh, buồn bực, chán nản hay trầm cảm. Cười giúp thảy vô máu chất endorphin có khả năng củng cố hệ thống miễn nhiễm và làm con người hưng phấn.

Cười giúp chúng ta thấy 998 viên gạch tốt (xem “Hai viên gạch lệch”, số 1). Cười làm đẹp chúng ta. Vì vậy, tôi thỉnh thoảng gọi tự viện Perth là “Viện thẩm mỹ của Ajahn Brahm”


 ---o0o---

39. Lời Giảng Vô giá


Tôi nghe nói trầm cảm đang nuôi sống một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận - cả tỷ đô la hằng năm. Làm giàu trên sự khổ đau của người khác, thật đáng buồn! Truyền thống của tông chúng tôi không tính tiền cho bất cứ dịch vụ nào: thuyết giảng, ấn tống, cố vấn, khuyên lơn v.v...

Hôm nọ có một bà người Mỹ điện thoại đến vị thiền sư nổi tiếng để xin học thiền. Bà lè nhè nói:

“Tôi có nghe nói sư dạy thiền…”

“Thưa bà có,” ông từ tốn đáp.

“Sư lấy bao nhiêu vậy?” Bà vào đề ngay.

“Không tốn tiền thưa bà.”

“Vậy chắc sư không khá!” Bà nói rồi gác ống.

Tôi cũng nhận được một cú điện thoại tương tự từ một bà người Úc gốc Ba Lan hồi mấy năm trước:

“Nghe nói trung tâm sư có buổi nói chuyện vào tối nay?”

“Thưa bà đúng. Vào lúc 8:00 giờ tối,” tôi đáp

“Vé vô cửa là bao nhiêu, thưa sư?”

“Thưa vô cửa tự do,” tôi giải thích.

Một giây im lặng. đoạn tôi nghe bà gằng giọng:

“Sư không hiểu ý tôi. Tôi muốn hỏi tôi phải cúng bao nhiêu để được nghe sư thuyết pháp?”

“Thưa bà không cần cúng dường món tiền nào hết. Vào cửa tự do,” tôi cố ôn tồn.

“Nghe này!” Bà ta la lớn bên kia đầu dây, “Tiền đô la! Tiền cắc! Tôi phải móc ra bao nhiêu để trả tiền vô cửa?”

“Thưa bà không phải xuất đồng nào hết. Bà chỉ đến và cứ đi vô. Ngồi. Và ra đi lúc nào cũng được hết. Không ai có quyền hỏi quý danh hay địa chỉ của bà. Không ai được quyền quảng cáo bất cứ thứ gì. Cũng không ai yêu cầu bà cúng dường lúc bà vô hay ra cửa. hoàn toàn miễn phí.”

Im lặng và im lặng lâu hơn.

Sau cùng bà hỏi gặng, thành thật muốn biết rõ hơn:

“Vậy thì các sư được gì khi thuyết pháp?”

“Hoan hỉ, thưa bà,” tôi đáp. “Hạnh phúc!”

Giờ đây khi có ai đó hỏi tới các buổi pháp thoại, tôi không trả lời: “Vào cửa tự do” nữa mà là “Vô giá”


 ---o0o---


tải về 0.84 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương