Mở Rộng Cửa Tâm Mình



tải về 0.84 Mb.
trang5/16
Chuyển đổi dữ liệu22.11.2017
Kích0.84 Mb.
#34481
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16

18. Chơn Tình Yêu


Cái hại của lãng mạn là khi sự tưởng tượng không còn nữa, nỗi thất vọng sẽ dày vò bạn. Trong tình yêu  lãng mạn, bạn không thật sự yêu người của bạn mà bạn chỉ yêu cái mà bạn tưởng tượng về người yêu của bạn. Trong thời kỳ yêu thương, tình yêu ấy chỉ là sự say mê - “cái phê” tạo nên bởi sự hiện diện do ta cảm nhận, và như mọi cái phê, “cái phê yêu đương” cũng sẽ chấm dứt sau một thời gian. Vì thế cho nên Ajahn Chah mới tếu bảo người sadi Mỹ xin bạn mình cho một chai ...(xem chuyện trên) để diệt trừ cái nhớ nhung của anh.

Chơn tình yêu là tình thương vị tha, tức cho người khác. Trong chơn tình yêu, chúng ta luôn nói rằng: “Cửa tâm tôi lúc nào cũng rộng mở đối với bạn, dầu bạn làm gì cũng mặc” và bạn thật sự tin như vậy. Bạn luôn luôn muốn người bạn thương hạnh phúc. Chơn tình yêu thường hiếm hoi lắm.

Nhiều người chúng ta nghĩ rằng mối liên hệ đặc biệt là chơn tình yêu chớ không phải mối tình lãng mạn. Đây là một cách thử nghiệm xin hiến bạn thử xem sao.

Hãy nghĩ tới một người bạn yêu. Hình dung nàng trong tâm bạn. Nhớ lại lúc ban đầu gặp gỡ và thời gian bạn sống tuyệt vời với cô nàng. Bây giờ bạn thử tưởng tượng nhận được bức thư nói rằng nàng đã sang thuyền khác với người bạn rất thân của bạn.

Nếu chơn tình yêu, bạn sẽ vui mừng giùm cho nàng vì nàng hạnh phúc với người mới đó hơn với bạn. Bạn sẽ hân hoan thấy hai người bạn thân thiết của bạn giờ đây vui vầy với nhau. Bạn sẽ sung sướng biết họ đang hạnh phúc. Hạnh phúc của bạn có phải là quan trọng trong tình yêu thương chân thật của bạn không?

Chơn tình yêu rất hiếm.

Một hoàng hậu nhìn qua cửa sổ thấy Đức Phật đi khất thực. Nhà vua hờn ghen với tình yêu chân thật bà dành cho vị Đại sư. Ông cho gọi bà và hỏi bà yêu ai nhất, nhà vua hay nhà sư? Là một Phật tử thuần thành nhưng cũng là hoàng hậu đoan chánh, bà rất cẩn thận trong lời ăn tiếng nói. Để khỏi bị rơi đầu, bà thành thật tâu:

“Thưa đại vương, không có ai khác thân ái với thiếp hơn là tự ngã của thiếp” (Đó là lời của Hoàng Hậu Mallika tâu lên vua Pasenadi. Xem Tương Ưng Kosala, số 8, Tương Ưng Bộ Kinh, và Kinh Phật Tự Thuyết, chương 5, kinh số 1. Bản dịch của HT. Thích Minh Châu, 1993)


---o0o---

CHƯƠNG 03 - SỢ HÃI VÀ KHỔ ĐAU




19. Vô Úy (Vô (=không) úy (=sợ hãi) có nghĩa là không sợ hãi)


Nếu tội lỗi nhìn bức tường gạch lúc trước và chỉ thấy hai viên gạch lệch (xem “Hai viên gạch lệch”, số 1), sợ hãi sẽ chăm chú vào bức tường tương lai và chỉ thấy toàn gạch lệch. Lúc bị sợ hãi làm cho mù, mắt sẽ không còn thấy các viên gạch tốt nữa. Câu chuyện sau mà tôi có dịp thuyết ở Singapore là một cách đối trị sợ hãi.

Tôi được qua Singapore thuyết bốn bài pháp tại Suntec City (Khu thương mại lớn tối tân nhất tại trung tâm Singapore. Gồm nhiều khu trưng bày, phòng họp lớn nhỏ, giảng đường, rạp hát, nhà hàng, siêu thị v.v...). Mọi chi tiết tổ chức đã được sắp xếp rất chu đáo: thông tin đã gởi đi khắp nơi (áp phích được thấy hầu hết các điểm dừng của xe buýt); hội trường 2500 ghế rất đắt giá đã hết chỗ. Nhưng rủi thay, lúc bấy giờ dịch cúm SARS (Severe Acute Respiratory Syndrome (SARS) = Hội chứng hô hấp cấp tính nặng do vi khuẩn gây ra. SARS hình như xả ra lần đầu tiên ở Quảng Đông, Trung Quốc vào tháng 11.2002. Lây lan sang nhiều nước khác kể cả Việt Nam vào đầu tháng 3.2003) vừa được phát hiện khiến trường học phải đóng cửa, nhiều khu dân cư bị kiểm dịch cách ly, và chánh quyền khuyến cáo tránh các hội họp công cộng. Sợ hãi làm tê liệt mọi hoạt động địa phương. Ban tổ chức hỏi tôi có cần hủy bỏ các buổi nói chuyện không?

Ngay sáng hôm có buổi nói chuyện đầu tiên, báo chí đăng tin trên mạng trang nhất và bằng chữ lớn Singapore có 99 trường hợp nhiễm dịch. Tìm hiểu số Singapore tôi được biết con số trên dưới bốn triệu. Tôi nói với ban tổ chức rằng:

“Như vậy con 3.999.901 dân không bị SARS. Ta cứ tiến hành.”

“Nhưng nếu có ai đó bị lây thì sao?” Sợ hãi hỏi.

“Nhưng nếu không ai hết?” Trí tuệ hỏi lại, với một xác suất lớn sẵn nằm trong tay.

Thế là các buổi nói chuyện được tiến hành như thường lệ. Đêm đầu tiên có năm trăm thính giả đến nghe và đêm thứ tư hội trường đông nghẹt. Tổng cộng có trên tám ngàn tham dự. Họ học được bài học cưỡng lại sự sợ hãi không hợp lý và bài học này giúp họ can đảm hơn trong tương lai. Họ thích các bài pháp và ra về hân hoan; hệ miễn dịch của họ dường như được tăng cường. Và như tôi thường đùa ở cuối mỗi buổi nói chuyện. “Quý vị cười lớn với các câu chuyện ngộ nghĩnh tôi kể, phổi quý vị sẽ nở lớn hơn và hệ thống hô hấp của quý vị sẽ được mạnh khỏe hơn!”

Không một ai đi dự bốn đêm pháp của tôi phải vô nhà thương vì bệnh SARS!

Muôn ngàn vạn thứ có thể xảy ra trong tương lai. Nếu chúng ta tác ý vào các thứ không may chúng ta sợ hãi. Khi chúng ta tác ý vào các thứ tốt lành chúng ta không sợ hãi; vô úy được trưởng dưỡng đơn giản như vậy đó.
 ---o0o---

20. Tiên đoán được tương lai


Nhiều người muốn biết tương lai mình thế nào. Một số người không đủ kiên nhẫn chờ nó tới nên tìm thầy coi tay, bói toán, đoán tử vi v.v... Tôi xin thưa ngay với các bạn là không nên tin vào các thầy ấy. Nhiều thiền sư tiên đoán tương lai còn hay hơn, nhưng không mấy khi chư vị hành nghề!

Lần nọ có một đệ tử của Ajahn Chah đến bạch xin Ngài đoán giùm vận mạng mình. Ngài nói, “sư chơn chánh không bói toán”. Nhưng ông này cứ nài nỉ và kể công đã bao lần đặt bát cho Ngài, cúng dường tự viện Ngài, đưa Ngài đi bằng xe và xăng nhớt của ông, phục vụ Ngài bất kể công ăn việc làm của gia đình ông. Thấy đệ tử này quá muốn biết chuyện tương lai của mình, Ajahn Chah nói Ngài lấy một quyết định ngoại lệ đối với giới luật cấm bói toán và bảo:

“Đệ tử xòe tay để thầy coi cho”

Ông vô cùng hoan hỷ vì biết rằng Ajahn Chah hồi nào tới giờ có coi tay cho ai đâu. Âu là một ân huệ đặc biệt Ngài dành cho ông. Hơn thế nữa, ông nghĩ, Ngài là một thánh sống có thần thông, đoán gì là chắc chắn có nấy. Ajahn Chah cầm tay ông, dùng ngón trỏ vẽ lên các chỉ tay ông và thỉnh thoảng tự nói nho nhỏ với mình, “Ồ, rất hay!” hoặc “Tốt, tốt, tốt!” hoặc “Tuyệt diệu!” Ông đệ tử đáng tội đang hồi hộp chờ.

Một lát sau Ajahn Chah rút tay mình về và nói:

“Này đệ tử, đây là những gì sẽ xảy đến cho ông”

Dạ..dạ, thưa Ngài” Ông lắp bắp.

“Và thầy không bao giờ sai” Ajahn Chah nói tiếp.

“Thưa Ngài con biết, con biết. Vậy tương lai của con thế nào?” Ông bạch với lòng mừng vui phấn khởi.

“Tương lai của con không chắc chắn,” Ngài đáp.

Và, Ngài không sai!
 ---o0o---

21. Bài Bạc


Tiền bạc rất khó tích lũy nhưng dễ tiêu hao và cách tiêu hao nhanh nhất là cờ bạc. Tất cả những người cờ bạc rốt cuộc đều thua lỗ. Vậy mà nhiều người vẫn thích tiên đoán với hy vọng thắng cuộc. Tôi xin kể hai câu chuyện sau cho thấy tiên đoán rất ư nguy hiểm dầu có dấu hiệu cho thấy khả quan.

Một anh bạn nọ thức giấc với câu chuyện nằm mơ thấy rõ ràng tưởng chừng như thiệt. Anh mơ thấy năm tiên nữ tặng cho anh năm hũ vàng lớn đáng giá một gia tài kếch xù. Mở mắt ra anh không thấy tiên nữ cũng chẳng thấy vàng, nhưng cơn mộng còn rất sống động, ly kỳ trong đầu anh.

Chừng xuống bếp ăn sáng anh thấy vợ anh chiên cho anh năm cái trứng gà và nướng cho anh năm lát bánh mì. Cái con số năm này còn thấy nhan nhản trên đầu tờ nhật báo hôm nay: mùng năm tháng năm. Thiệt lạ! Chưa hết. Anh lật báo xem trang đua ngựa, anh ngạc nhiên thấy trên Ascot (gồm 5 chữ) trong độ thứ nhất có con ngựa số năm mang tên Năm Thiên Thần. Giấc mơ là một điềm tốt lành, anh đoán mò.

Anh xin nghỉ làm buổi chiều, ra ngân hàng rút năm ngàn đô la, chạy ra trường đua, đến quầy số năm, đánh hết năm ngàn đô vào con ngựa số năm tên Năm Thiên Thần, chạy độ thứ năm.

Giấc mơ không sai. Các số năm hên không sai. Chỉ sai điều là chúng xảy ra hơi lệch một chút thôi: Con ngựa số năm về hạng thứ năm.

Chuyện thứ nhì xảy ra tại Singapore vài năm trước đây. Có anh chàng người Úc cưới cô vợ người Singapore. Lần nọ hai vợ chồng về thăm quê ngoại và anh được mấy cậu em vợ mời đi trường đua giải trí. Trên đường các anh em ghé qua chùa đốt nhang cầu thần tài. Thấy chùa bừa bãi, họ lấy chổi quét, giẻ lau và dọn dẹp. Công phu xong họ đốt nhang khấn vái, rồi đưa nhau đến trường đua. Hôm ấy họ thua đậm.

Đêm lại anh người Úc chiêm bao thấy đua ngựa. Lúc tỉnh giấc anh còn nhớ rõ tên con ngựa về nhất. Thấy trong báo Straits Times có tên con ngựa anh chiêm bao sẽ chạy vào chiều nay, anh tìm các cậu em vợ báo tin hên. Nhưng không ai tin vị thần hộ pháp chùa Singapore lại đi báo mộng cho anh da trắng người Úc nên không thèm để ý. Anh ra trường đua một mình và đánh cá con ngựa đó. Anh thắng lớn.

Thần chùa Tàu da vàng khè mà lại đi phù hộ cho người Úc da trắng bệch. Các cậu em vợ Tàu giận hậm hực!


 ---o0o---

22. Sợ Hãi là gì?


Sợ hãi rất kỵ tương lai. Chỉ khi nào chúng ta tin rằng tương lai không thể xác quyết, chúng ta mới không thử đoán chuyện tương lai. Chừng đó chúng ta mới hết sợ hãi.

Hồi tôi còn nhỏ tôi rất sợ đi khám răng. Lần nọ tôi tới và được biết buổi hẹn đã bị hủy, tôi học được một bài học: nơm nớp lo sợ trước khi đến đây chỉ mất công và tốn thời gian!

Tương lai chưa đến và không thể biết chắc như thế nào. Cái không biết chắc đó có thể phân giải sợ hãi. Nhưng nếu chúng ta không biết dùng trí tuệ, sợ hãi có thể phân giải chúng ta. Nó gần như đã hóa giải chú Sadi Cào Cào con (Little Grasshopper) trong tập truyện truyền hình Kung Fu, tập truyện mà tôi say mê lúc còn đi dạy và trước khi xuất gia.

Chuyện kể: Một chú Sadi Cào Cào con được sư phụ mù của mình đưa vào một cốc trong chùa có cửa đóng then gài. Trong cốc có cái hồ dài sáu thước với chiếc cầu gỗ hẹp bắt ngang. Chú Sadi được dặn không nên đến gần hồ vì hồ không chứa nước mà còn chứa axit.

“Trong bảy ngày tới”, sư phụ bảo “con sẽ được thử tài. Con sẽ đi qua hồ trên tấm ván lắc lư kia. Phải thật cẩn thận. Con có thấy xương rải rác dưới đáy hồ không?”

Cào Cào con chăm chú nhìn xuống hồ và có thấy nhiều khúc xương dưới đáy. Sư phụ chú hỏi tiếp:

“Đó là xương của các Sadi như con bị rớt xuống hồ”

Đoạn sư phụ đưa Cào cào con ra sân dưới ánh nắng chói chang để tập đi qua hồ. Ở đây ông xếp sẵn tấm ván có cầu giống y tấm ván hẹp bắt qua hồ axit, chỉ có khác là ván được kê trên hai viên gạch nằm giữa sân. Rồi trong bảy ngày liên tiếp Cào Cào con không phải công phu mà tập đi trên tấm ván cầu ấy. Dễ dàng thôi. Sau vài hôm chú có thể đi qua đi lại, bịt mắt cũng không té.

Ngày thi đến, chú Cào cào con được đưa vô cốc có hồ axit, xương cốt còn đó và đang chập chờn dưới đáy. Chú bước tới giữa cầu, đưa mắt nhìn về phía sư phụ. Ông ra lệnh: “Bước”

Ván cầu ngang hồ axit dường như hẹp hơn tấm ván kê trong sân nhiều. Chú Cào Cào con bắt đầu bước. Nhưng bước đi của chú không vững, chú loạng choạng lúc ra gần tới giữa cầu. Rồi chú chồng chành, tưởng chừng sắp té xuống hồ axit.

Tới đây phim ngưng để quảng cáo. Tôi phải chịu đựng với ba thứ quảng cáo ngu xuẩn này, trong lúc lo sợ không biết chú Cào Cào con có “qua cầu” không?

Hết quảng cáo. Phim tiếp tục. Chú Cào Cào con mất hết tự tin, bước lắc lư. Té, chú té xuống hồ!

Sư phụ mù của chú cười ré trong lúc chú đập nước văng tung tóe. Nước hồ chứ không phải hồ axit. Còn xương là xương khô được xếp dươi đáy cho “có vẻ rùng rợn”. Họ đánh gạt Cào Cào con đồng thời cũng gạt luôn khán giả, như tôi.

“Cái gì làm con té xuống hồ?” Sư phụ hỏi rồi ông đáp luôn, “Sợ hãi làm con té, Cào cào con, chính sợ hãi đó”


 ---o0o---

23. Sợ nói trước công chúng


Một trong những sợ hãi lớn nhất, tôi được kể là nỗi sợ nói trước công chúng. Riêng tôi, vì nhiệm vụ, tôi thường nói trước công chúng trong chùa, trên diễn đàn, tại lễ cưới và đám tang, trên đài phát thanh và truyền hình trực tiếp.

Có một lần chỉ còn mười lăm phút nữa là tôi phải lên bục nói, tôi bỗng dưng phát run vì sợ. Lần ấy tôi không có chuẩn bị trước nên không biết sẽ phải nói gì trong lúc cử tọa trên ba trăm đã dành trọn buổi tối ấy đến nghe tôi thuyết pháp. Tôi thầm nghĩ “Nếu tôi không tìm ra đề tài thì sao? Nếu tôi nói bậy thì thế nào? Và nếu tôi làm mình quê thì...?”

Nỗi sợ hãi dâng cao với mỗi chữ “nếu” tôi thêm vào các câu hỏi tôi tự đặt ra. Thiệt tai hại! Tôi đang tiên đoán tương lai với tâm tiêu cực. Tôi thật điên rồ. Tôi biết tôi nghĩ điên rồ dầu tôi biết tôi hiểu nhiều lý giải về tiên đoán và sợ hãi. Nhưng tôi không làm sao chận đứng được sự sợ hãi cứ tiếp tục gia tăng. Tôi bị trở ngại rồi!

Tôi chợt nhớ một bí quyết mà ngôn từ Phật giáo gọi là “sự thiện xảo”. Tôi thử dùng nó. Tôi khẳng định với tôi rằng không có gì quan trọng hết, thính chúng có thích thú hay không cũng không sao miễn tôi thích thú là đủ rồi. Tôi quyết định sẽ nói một bài pháp mà tôi sẽ thích thú. Thế là tôi hết lo sợ. Buổi thuyết pháp của tôi rất thành công. Và thiện xảo ấy còn giúp tôi một cách hữu hiệu cho đến hôm nay.

Bây giờ mỗi khi tôi thuyết pháp tôi đều thấy thích thú – cái thích thú của riêng tôi. Tôi nói chuyện đùa và cười với cử tọa. Lần nọ trên đài phát thanh Singapore tôi kể lại chuyện tiên đoán tiền tệ mà Ajahn Chah kể trước đây. (Dân Singapore rất thích nghe chuyện liên quan đến kinh tế). Ngài nói có ngày thế giới sẽ không có đủ giấy in bạc và kim loại đúc tiền nên phải dùng một thứ gì đó để thay thế. Người tiên đoán cứt gà sẽ được dùng để làm tiền. Như vậy người ta sẽ bỏ túi cứt gà, ngân hàng sẽ đầy cứt gà, tỷ phú sẽ hãnh diện có nhiều cứt gà, bà con nghèo sẽ mong trúng số để được một đống cứt gà. Và chính quyền sẽ đặt trọng tâm vào kinh tế cứt gà, còn các vấn đề về môi sinh xã hội sẽ được đề cập sau khi cứt gà có đầy trong xứ.

Thử hỏi có gì khác biệt giữa bạc giấy, bạc đồng và cứt gà? Nghĩ cho cùng chẳng có gì cả.

Tôi thích kể chuyện trên vì nó phản ảnh nền văn hóa hiện tại của chúng ta. Và nó ngồ ngộ, là lạ. Óc hài hước của dân Singapore rất thích nghe chuyện như vậy.

Tôi khám phá rằng hễ bạn thích thú trong lúc nói trước công chúng bạn sẽ thư giãn ngay. Trên phương diện tâm lý, lo sợ và thích thú không thể đi đôi với nhau. Lúc tôi thư giãn, ý tứ đến với tôi ào ào như suối chảy và tuôn ra một cách dễ dàng, và tôi trở thành hùng biện. Hơn thế nữa thính giả sẽ không thấy chán khi họ thích thú và cười. Cười rất quan trọng. Một nhà sư Tây Tạng có lần nói rằng, “Mỗi lúc họ mở miệng cười bạn có thể thảy vô đó một viên trí tuệ”

Tôi không mấy khi soạn trước bài giảng. Nhưng tôi luôn luôn chuẩn bị tâm trí mình. Sư tu học ở Thái Lan được huấn luyện để chuẩn bị bài giảng bất cứ lúc nào chớ không chuẩn bị bài giảng trước. Câu chuyện sau minh chứng điều tôi vừa nói.

Theo truyền thống của miền Đông Bắc Thái Lan, Magha Puja (rằm tháng giêng) là lễ Phật giáo lớn thứ nhì trong năm. Năm ấy - năm thứ năm của tôi - lễ hội được tổ chức tại Wat Pah Pong do Ajahn Chah chủ trì và hai trăm Phật tử tham dự. Sau lễ đêm tới phần thuyết pháp. Thường Ajahn Chah đăng đàn vì bài pháp này rất quan trọng. Nhưng đêm đó Ngài không thuyết. Ngài ngó quanh các sư. Tầm mắt Ngài vừa qua khỏi tôi, may quá. Nhưng chưa phải thoát đâu, Ngài rảo mắt trở lại. Các bạn biết ánh mắt Ngài dừng ở đâu không?

“Brahm”, Ngài ra lệnh “lên nói pháp”

Không biết làm sao hơn tôi phải leo lên bục. Tôi phải giảng một tiếng đồng hồ bằng tiếng Thái, trước mặt thầy, bạn và cả ngàn khán giả, trong lúc tôi không có một mảy may chuẩn bị nào hết. Nói hay nói dở không quan trọng, quan trọng là tôi phải nói.

 Ajahn Chah không bao giờ khen chê. Đó không phải là điểm Ngài muốn dạy. Lần nọ Ngài bảo một sư người phương Tây rất hùng biện lên thuyết giảng cho Phật tử đến tự viện dự lễ hàng tuần. Sau mỗi tiếng sư bắt đầu kết luận bài giảng. Nhưng Ngài yêu cầu ông nói thêm một tiếng nữa. Sau tiếng thứ hai, Ngài yêu cầu ông nói tiếng thứ ba (Thiệt là khó cho các sư phương Tây vì tiếng Thái của họ có giới hạn). Thế là sư diễn giải phải tiếp tục bằng cách lặp đi lặp lại và dĩ nhiên thính chúng mệt mỏi, chán ngán. Vào lúc gần hết giờ thứ ba nhiều người đã bỏ về, số ít còn lại không chú ý mà chỉ chuyện trò với nhau. Cả ruồi, muỗi, thằn lằn, cắc ké cũng đi ngủ. Nhưng cũng chưa xong, Ajahn Chah bảo sư nói thêm một tiếng nữa. Sư vâng lời và hú hồn, Ngài cho phép sư lui sau bốn tiếng đứng trên bục giảng. Tuy nhiên sau lần giảng đó, nhà sư diễn giả bất đắc dĩ cho biết rằng khi bạn đã dò được phản ứng thật sự của cử tọa rồi, bạn không còn sợ nói trước công chúng nữa.

Âu cũng là một phương cách mà chúng tôi học được của Đại sư Ajahn Chah!


---o0o---




tải về 0.84 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương