LỜi tựa viết cho lần xuất bản thứ nhất năM 1884



tải về 0.97 Mb.
trang4/12
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích0.97 Mb.
#12093
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12


Trong tuyệt đại đa số trường hợp, chế độ thị tộc có vẻ đã trực tiếp phát sinh từ gia đình punalua; thực ra, hệ thống kết hôn đẳng cấp ở Australia cũng là một xuất phát điểm của nó. Người Australia có thị tộc, nhưng lại không có gia đình punalua; họ chỉ có một hình thức quần hôn thô sơ hơn12.
Ở mọi hình thức gia đình trong chế độ quần hôn, người ta chỉ biết chắc ai là mẹ của một đứa bé, chứ không biết cha của nó. Dù người mẹ đó gọi mọi đứa trẻ trong công xã gia đình là “con”, thì người ấy vẫn phân biệt con đẻ của mình và con của người khác. Vì thế, rõ ràng là chừng nào chế độ quần hôn còn thịnh hành, thì huyết tộc chỉ tính được về bên mẹ, do đó chỉ nữ hệ được thừa nhận. Và trong tất cả các dân ở thời mông muội (hay ở giai đoạn thấp của thời dã man), thì đó là sự thật. Công lao lớn thứ hai của Bachofen là đã lần đầu tiên tìm ra sự thật đó. Ông dùng từ “mẫu quyền” để chỉ việc thừa nhận duy nhất huyết tộc về bên mẹ, cùng với các quan hệ thừa kế (sau này) được phát sinh trên cơ sở đó; để cho ngắn gọn, tôi vẫn dùng thuật ngữ ấy, mặc dù nó không thật chuẩn; vì ở giai đoạn đó của xã hội thì không thể nói đến “quyền” theo nghĩa pháp lí được.
Bây giờ, nếu ta lấy một trong hai nhóm điển hình của gia đình punalua; cụ thể là nhóm chị em gái (cùng với con cái họ), và nhóm anh em trai (cùng mẹ hay cùng họ) của những chị em gái đó; thì chúng ta sẽ có chính các nhóm người sau này sẽ trở thành thành viên thị tộc, dưới hình thức ban đầu của chế độ đó. Họ đều có một bà mẹ tổ chung, vì thế những hậu duệ nữ (thuộc cùng một thế hệ) đều là chị em gái của nhau. Nhưng chồng của họ thì không là anh em trai của họ, vì thế cũng không là con cháu của bà mẹ tổ kia, do đó cũng không là thành viên của tập đoàn huyết tộc đó (chính là thị tộc sau này). Nhưng con cái của những chị em nói trên lại thuộc về tập đoàn đó, vì chỉ có huyết tộc về phía mẹ được thừa nhận. Từ khi có việc cấm quan hệ tính giao giữa anh chị em về phía mẹ, kể cả trong những họ xa nhau nhất, thì tập đoàn nói trên sẽ biến thành thị tộc; tức là biến thành một nhóm cố định, có quan hệ huyết tộc về nữ hệ, và hôn nhân nội bộ bị cấm; và từ đó về sau, nhờ những thiết chế xã hội và tôn giáo chung, nhóm đó ngày càng trở nên vững chắc và tự phân biệt với các thị tộc khác trong cùng một bộ lạc. Sau đây, ta sẽ còn nói thêm về việc đó. Khi ta thấy thị tộc, một cách tất yếu và hoàn toàn tự nhiên, đã phát triển từ gia đình punalua; thì chúng ta, hoàn toàn hợp lí, có thể suy ra là hình thức gia đình ấy - ở một thời kì nào đó - đã tồn tại trong tất cả các dân mà xưa kia từng có chế độ thị tộc, nghĩa là trong hầu hết các dân dã man và văn minh.
[Lúc Morgan viết cuốn sách của ông thì hiểu biết của chúng ta về chế độ quần hôn còn rất hạn chế. Chỉ có chút thông tin về chế độ quần hôn theo đẳng cấp ở thổ dân Australia, và các tài liệu về gia đình punalua ở Hawaii trong cuốn sách năm 1871 của Morgan. Gia đình punalua, một mặt đã hoàn toàn giải thích được hệ thống thân tộc hiện có của người Indian ở Mĩ, hệ thống này lại là điểm xuất phát của tất cả những nghiên cứu của Morgan; mặt khác, là nguồn gốc trực tiếp của thị tộc mẫu quyền; hơn nữa, lại biểu hiện một giai đoạn phát triển cao hơn nhiều, so với chế độ kết hôn đẳng cấp ở Australia. Vì thế, việc Morgan coi nó (gia đình punalua) là giai đoạn phát triển tất yếu trước khi có gia đình đối ngẫu, và tin rằng nó từng rất phổ biến ở các thời xa xưa, cũng là dễ hiểu. Từ hồi đó (năm 1871), ta đã biết thêm nhiều hình thức quần hôn khác, và giờ thì ta biết là Morgan đã đi quá xa về điểm đó. Nhưng Morgan cũng đã may mắn với gia đình punalua của mình: đó là hình thức cao nhất, hình thức kinh điển của chế độ quần hôn, và bước chuyển từ hình thức đó lên một giai đoạn cao hơn có thể được giải thích một cách đơn giản nhất.
Chúng ta phải biết ơn nhà truyền giáo người Anh Lorimer Fison - người đã nghiên cứu chế độ quần hôn trong nhiều năm, trên miếng đất cổ điển của nó: Australia - vì những đóng góp quan trọng bậc nhất của ông đối với hiểu biết của chúng ta về chế độ ấy. Ông đã tìm ra trình độ phát triển thấp nhất của dân bản địa Australia ở Mount Gambier, bang South Australia. Ở đó, toàn thể bộ lạc được chia thành hai đẳng cấp ngoại hôn lớn: Kroki và Kumite. Quan hệ tính giao trong nội bộ mỗi đẳng cấp bị nghiêm cấm; mặt khác thì mỗi người đàn ông ở đẳng cấp này - từ khi sinh ra - đã là chồng của mọi người đàn bà ở đẳng cấp kia, và ngược lại. Không phải là từng cá nhân, mà là từng đẳng cấp kết hôn với nhau. Cần thấy rằng ở đây không có sự hạn chế về tuổi tác hay huyết tộc, chỉ có sự hạn chế về đẳng cấp, đối với việc quan hệ tính giao. Một người đàn ông Kroki có vợ là mọi người đàn bà Kumite; nhưng con gái của anh ta (do người đàn bà Kumite đẻ ra) thì theo mẫu quyền là người Kumite, vì thế cũng là vợ của mọi người đàn ông Kroki (trong đó có cha của nó) ngay từ khi ra đời. Dù thế nào thì việc tổ chức ra các đẳng cấp như thế cũng không gây trở ngại gì cho việc đó, theo như ta biết. Vậy thì hoặc là tổ chức ấy xuất hiện vào thời mà quan hệ tính giao giữa cha mẹ và con cái vẫn chưa gây ra sự ghê tởm đặc biệt, mặc dù đã có cái xu hướng lờ mờ muốn hạn chế việc quan hệ tính giao giữa những người cùng huyết tộc, thế thì hệ thống đẳng cấp đã trực tiếp phát sinh từ trạng thái quan hệ tính giao bừa bãi; hoặc là khi các đẳng cấp đó xuất hiện thì quan hệ tính giao giữa cha mẹ và con cái đã bị tập tục ngăn cấm rồi, thế thì trạng thái hiện nay có sau khi gia đình huyết tộc xuất hiện, và là bước đầu tiên để vượt qua hình thức gia đình đó. Giả thiết sau có lẽ đúng hơn. Theo tôi biết thì ở Australia không có ví dụ nào về quan hệ tính giao giữa cha mẹ và con cái cả; còn hình thức ngoại tộc hôn có sau này - tức là thị tộc mẫu quyền - thì, theo qui luật, đã ngầm giả định rằng việc cấm các quan hệ tính giao đó đã có từ khi thị tộc mới xuất hiện.
Ngoài Mount Gambier, chế độ hai đẳng cấp đó còn có cả ở lưu vực sông Darling (miền Đông) và Queensland (miền Đông Bắc), như thế là nó được phổ biến rộng rãi. Nó chỉ cấm hôn nhân giữa anh chị em, con cái của anh em trai và con cái của chị em gái với nhau, vì họ thuộc cùng một đẳng cấp; còn con cái của anh và em gái (hay chị và em trai) thì vẫn được lấy nhau. Bộ lạc Kamilaroi ở lưu vực sông Darling, bang New South Wales, đã tiến thêm một bước trong việc ngăn cấm hôn nhân giữa những người cùng huyết tộc: hai đẳng cấp ban đầu được chia ra thành bốn, và toàn bộ mỗi đẳng cấp đó lại kết hôn với một đẳng cấp khác. Hai đẳng cấp đầu tiên là vợ chồng của nhau từ khi sinh ra, tùy theo người mẹ thuộc đẳng cấp thứ nhất hay thứ hai mà con cái thuộc đẳng cấp thứ ba hay thứ tư, con cái của hai đẳng cấp này lại thuộc đẳng cấp thứ nhất và thứ hai. Vậy, nếu một thế hệ thuộc hai đẳng cấp đầu, thì thế hệ ngay sau đó lại thuộc hai đẳng cấp sau, và thế hệ thứ ba lại thuộc hai đẳng cấp đầu. Vậy anh chị em họ (về phía mẹ) không thể lấy nhau, nhưng con cái họ thì có thể. Sự sắp đặt ấy, vốn đã đặc biệt phức tạp, lại còn rắc rối hơn; khi có thêm những thị tộc mẫu quyền được ghép vào, dù chuyện này mãi về sau mới có. Nhưng lúc này ta không thể đi sâu vào việc đó được. Điều quan trọng là, dù ý muốn chống lại hôn nhân giữa những người cùng huyết tộc ngày càng được thể hiện; nhưng tác động của nó chỉ là theo bản năng, chứ không có ý thức rõ rệt về mục đích.
Chế độ quần hôn - như ở Australia, vốn vẫn là chế độ hôn nhân đẳng cấp; tức là việc lấy nhau giữa cả một đẳng cấp đàn ông sống rải rác trên toàn lục địa, với cả một đẳng cấp đàn bà cũng ở rải rác như thế - nếu xét kĩ, thì cũng không có gì quá khủng khiếp; như là bọn philistines, với cái trí óc nhà thổ của chúng, vẫn tưởng tượng. Trái lại, sự tồn tại của chế độ ấy đã không bị nghi ngờ trong hàng bao nhiêu năm, và chỉ gần đây nó mới bị đem ra xét lại. Một kẻ quan sát hời hợt thì chỉ thấy chế độ quần hôn là một hình thức hôn nhân cá thể lỏng lẻo, ở vài nơi thì lại là chế độ nhiều vợ, đôi khi có cả việc không chung thủy. Phải nghiên cứu nhiều năm, như Fison và Howitt, thì mới tìm ra cái qui luật chi phối các quan hệ hôn nhân đó, các quan hệ có vẻ khá là quen thuộc đối với sinh hoạt thực tế của người châu Âu. Cái qui luật giúp cho người đàn ông bản xứ Australia, dù ở xa quê hương mình hàng trăm dặm, dù sống giữa những dân mà mình không hiểu tiếng nói của họ; thì vẫn tìm được, ở bất kì đâu và bất kì bộ lạc nào, một người đàn bà sẵn sàng hiến thân cho anh ta mà không phản đối hay tức giận. Cái qui luật khiến cho người đàn ông có nhiều vợ sẵn lòng nhường một người trong số đó cho khách ngủ cùng trong một đêm. Ở chỗ mà người châu Âu thấy là vô đạo và phi pháp, thì thực ra lại có luật lệ nghiêm ngặt. Những người đàn bà đó thuộc về đẳng cấp hôn nhân của người khác xứ kia, do đó cũng là vợ của anh ta từ khi sinh ra. Luật lệ đó cấm mọi quan hệ tính giao bên ngoài các đẳng cấp hôn nhân được qui định từ xưa, ai làm trái sẽ phải nhận hình phạt. Kể cả khi tục cướp vợ vẫn thường có ở nhiều vùng, thì luật lệ về các đẳng cấp kết hôn vẫn được tuân thủ cẩn thận.
Hôn nhân cướp đoạt rõ ràng là dấu hiệu của việc chuyển sang chế độ hôn nhân cá thể, ít nhất là dưới hình thức hôn nhân đối ngẫu. Khi một nhóm chàng trai đã cùng nhau bắt cóc hay cướp được một cô gái, thì họ sẽ lần lượt quan hệ tính giao với cô gái đó, nhưng sau đó cô ta được coi là vợ của chàng trai chủ mưu việc này. Mặt khác, nếu người đàn bà trốn thoát khỏi tay chồng mình, và bị người đàn ông khác bắt được, thì người đó lại là chồng mới của chị ta; và người chồng trước không có quyền gì với chị ta nữa. Như vậy, trong khi chế độ quần hôn tiếp tục tồn tại như là hình thức phổ biến; thì bên cạnh nó và bên trong nó, các quan hệ hôn nhân độc quyền, việc sống kết đôi trong một thời kì dài hoặc ngắn, và cả chế độ nhiều vợ, đều đã bắt đầu hình thành. Vì thế ở đây, chế độ quần hôn cũng đang diệt vong; và câu hỏi chỉ là, với tác động của người châu Âu thì cái gì sẽ biến mất trước: chế độ quần hôn hay là những dân bản xứ Australia đang thực hiện chế độ đó.
Kiểu kết hôn đẳng cấp đang thịnh hành ở Australia dù sao cũng là một hình thức rất thấp và nguyên thủy của chế độ quần hôn, trong khi gia đình punalua biểu hiện giai đoạn phát triển cao nhất của chế độ đó, như ta đã biết. Cái đầu hình như là tương ứng với trình độ xã hội của người mông muội du mục; còn cái sau lại giả định là các công xã cộng sản đã định cư tương đối thường xuyên, và nó trực tiếp dẫn tới một giai đoạn phát triển cao hơn. Nhưng chắc chắn ta sẽ còn thấy vài giai đoạn trung gian giữa hai hình thức đó; đây là một lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ, gần như chưa ai bước chân vào.]
3. Gia đình đối ngẫu. Một hình thức kết hôn theo từng cặp nhất định, trong thời gian ngắn hoặc dài, đã tồn tại trong chế độ quần hôn10, hoặc còn sớm hơn nữa; khi đó, người đàn ông có một vợ chính (nhưng chưa thể nói đó là vợ yêu nhất) trong số rất nhiều vợ của mình; và đối với người vợ chính đó, thì anh ta là người chồng chính trong số nhiều người chồng. Tình trạng đó đã góp phần đáng kể vào việc tạo ra sự lẫn lộn trong đầu óc của các giáo sĩ: họ coi chế độ quần hôn10 khi thì là sự cộng thê hỗn loạn, khi thì là việc ngoại tình bừa bãi. Nhưng việc kết hôn từng cặp đó hẳn là đã ngày càng lớn mạnh và vững chắc; khi mà thị tộc ngày càng phát triển, các nhóm “anh em trai” và “chị em gái” không thể lấy nhau ngày càng nhiều. Sự thúc đẩy việc cấm hôn nhân giữa những người cùng huyết tộc, do thị tộc đặt ra, ngày càng mạnh hơn. Như ở người Iroquois và hầu hết những người Indian khác, đang ở giai đoạn thấp của thời dã man, ta thấy hôn nhân giữa những người có quan hệ họ hàng với nhau - theo hệ thống của họ - đều bị cấm; mà các quan hệ họ hàng đó thì có đến mấy trăm loại. Những điều cấm ngày càng phức tạp đó đã khiến chế độ quần hôn ngày càng trở nên bất khả thi, và chế độ đó đã bị thay thế bởi gia đình đối ngẫu. Ở giai đoạn này, một người đàn ông sống với một người đàn bà, nhưng việc có nhiều vợ và đôi khi ngoại tình vẫn là quyền của đàn ông, dù trường hợp đó rất hiếm, vì các nguyên nhân kinh tế không cho phép; nhưng người đàn bà lại phải triệt để chung thủy trong thời gian sống với chồng, và sẽ bị trừng trị tàn khốc nếu ngoại tình. Tuy thế, mối liên hệ hôn nhân có thể dễ dàng bị một trong hai bên cắt đứt; sau khi “li dị”, con cái chỉ thuộc về mẹ, cũng như xưa kia.
Trong khi việc cấm hôn nhân giữa những người cùng huyết tộc ngày càng được mở rộng, thì nguyên tắc chọn lọc tự nhiên vẫn phát huy tác dụng. Theo Morgan thì:

“Tác động của thói quen mới, dẫn tới việc kết hôn giữa những người không có quan hệ họ hàng với nhau, đã tạo ra một giống nòi mạnh mẽ hơn cả về thể chất và trí óc... Khi hai bộ lạc đang tiến bộ, với những đặc tính ưu việt về thể chất và trí óc, nhờ sự tình cờ của đời sống dã man mà kết hợp thành một; thì sọ và não của các thế hệ mới cũng lớn lên, tương ứng với các đặc tính của cả hai bộ lạc cũ”1



Vì thế, các bộ lạc có kết cấu thị tộc hẳn phải ưu việt hơn các bộ lạc lạc hậu; hơn thế nữa, đã lôi kéo những bộ lạc ấy đi theo hình mẫu của mình.
Vậy, lịch sử gia đình trong các thời nguyên thủy chính là việc thu hẹp không ngừng phạm vi hôn nhân; lúc đầu nó bao gồm toàn bộ lạc, và hai giới có quan hệ hôn nhân cộng đồng với nhau. Việc cấm quan hệ tính giao giữa những người cùng huyết tộc; trước hết là họ hàng gần, sau đó là họ hàng xa hơn, cuối cùng là cả họ hàng bên vợ (hay bên chồng); đã làm cho mọi hình thức quần hôn đều trở thành bất khả thi. Cuối cùng chỉ còn từng đôi vợ chồng riêng rẽ, kết hợp với nhau bằng những mối liên hệ hãy còn lỏng lẻo, và nếu hình thức đó mất đi thì hôn nhân cũng không còn. Chỉ điều đó cũng đủ chứng tỏ là tình yêu nam nữ, hiểu theo nghĩa hiện nay của nó, chỉ có vai trò nhỏ bé đến thế nào trong sự xuất hiện của chế độ hôn nhân cá thể. Những bằng chứng rõ hơn đến từ chính thực tế đời sống của người thời đó. Trong khi dưới những hình thức gia đình trước kia, đàn ông không bao giờ thiếu đàn bà, đúng ra họ còn có quá nhiều; thì giờ đây đàn bà trở nên ít ỏi hơn, và được tìm kiếm ráo riết. Vì thế, từ khi có chế độ hôn nhân đối ngẫu, việc cướp và mua đàn bà cũng xuất hiện; đó là những hiện tượng phổ biến, nhưng chỉ là hiện tượng, không hơn không kém; do những sự thay đổi sâu xa hơn nhiều gây ra. Những hiện tượng đó, hoàn toàn chỉ là những cách kiếm vợ, đã được “học giả” người Scotland McLennan biến báo thành những hình thức đặc biệt, “hôn nhân cướp đoạt” và “hôn nhân mua bán”. Ngoài ra, trong các dân Indian ở Mĩ hay các dân khác, các bà mẹ quyết định việc kết hôn, chứ không phải đôi lứa. Thường thì hai người được đính hôn với nhau như vậy, họ chỉ biết việc đó khi chú rể đem lễ vật đến biếu nhà gái để hỏi cưới; lễ vật đó thường được coi là món tiền hơn là món quà, và nó cũng không phải là cái gì bất ngờ, để thông báo là cuộc mua bán đã xong. Hôn nhân vẫn có thể bị hủy bỏ tùy theo ý muốn của một trong hai bên, nhưng ở nhiều bộ lạc, ví dụ người Iroquois, dần dần đã có dư luận phản đối việc li dị; khi có bất hòa, hai thị tộc của vợ và chồng sẽ dàn xếp, và chỉ khi không dàn xếp được thì mới li dị; con cái là của mẹ, và hai bên được tự do tái hôn.
Bản thân gia đình đối ngẫu quá non yếu và bất ổn, nên không thể đẻ ra sự cần thiết - thậm chí là ý muốn - phải có kinh tế gia đình độc lập; nên nó không hủy bỏ được công xã cộng sản do thời trước để lại. Nhưng công xã cộng sản tức là đàn bà nắm quyền thống trị trong nhà; cũng như việc chỉ thừa nhận huyết tộc theo nữ hệ, vì không thể biết rõ cha đẻ, có nghĩa là phụ nữ - hay các bà mẹ - rất được kính trọng. Một trong những quan điểm phi lí nhất của thời kì khai sáng (thế kỉ XVIII) là việc coi đàn bà là nô lệ của đàn ông ở thời kì đầu của xã hội. Ở các dân mông muội và các dân dã man - ở các giai đoạn thấp, giữa, và một phần ở giai đoạn cao; địa vị của đàn bà không chỉ là tự do, mà còn là danh giá nữa. Ta hãy nghe Arthur Wright, người đã nhiều năm truyền giáo cho dân Iroquois thuộc bộ lạc Seneca, để xem điều trên còn tồn tại đến mức nào trong gia đình đối ngẫu:

“Về chế độ gia đình của họ, ở thời mà những ngôi nhà dài theo kiểu cổ (công xã cộng sản bao gồm vài gia đình) vẫn đang thịnh hành, thì hay có một họ (thị tộc) thống trị, và đàn bà đi lấy chồng ở các họ khác... Đàn bà thường quản lí gia đình... Lương thực là của chung, nhưng thật bất hạnh cho ông chồng hay kẻ tình nhân nào không góp được phần mình vào số lương thực ấy, vì quá không may hoặc quá lười biếng. Dù có bao nhiêu con, hay bao nhiêu tài sản, anh ta vẫn có thể nhận được lệnh cuốn gói ra đi bất kì lúc nào; và nếu không tuân lệnh thì tình hình sẽ chẳng tốt đẹp gì. Khi đó, gia đình sẽ trở thành địa ngục với người ấy; và... anh ta chỉ còn cách trở về họ nhà mình, hoặc tái hôn ở một họ khác, đó là điều vẫn hay xảy ra. Trong các họ, cũng như ở mọi nơi khác, đàn bà có quyền lực rất lớn. Khi cần, họ không ngần ngại cách chức một tù trưởng, và hạ người đó xuống hàng chiến binh thường” (“Xã hội Cổ đại”; do Morgan trích dẫn)



Công xã cộng sản - trong đó hầu hết (nếu không phải là tất cả) phụ nữ đều thuộc cùng một thị tộc, còn đàn ông lại thuộc nhiều thị tộc khác nhau - chính là cơ sở hiện thực của sự thống trị, từng rất phổ biến ở các thời nguyên thủy, của đàn bà; và công lao thứ ba của Bachofen là đã phát hiện ra điều đó. Tôi xin nói thêm, những câu chuyện của các nhà du hành và các giáo sĩ, về công việc hết sức nặng nhọc của đàn bà trong các dân mông muội và dã man; không mâu thuẫn chút nào với điều nêu trên. Sự phân công lao động giữa hai giới là do những nguyên nhân hoàn toàn khác, chứ không phải do địa vị của đàn bà trong xã hội, gây ra. Ở các dân mà đàn bà phải làm lụng cực nhọc hơn nhiều, so với mức mà ta cho là hợp lí; thì sự tôn kính thực tế dành cho đàn bà cũng vượt xa, so với người châu Âu chúng ta. Một quí bà ở thời văn minh - được tôn trọng một cách giả tạo, xa lạ với mọi công việc thực tế - có một địa vị xã hội vô cùng thấp; so với người đàn bà thời dã man - phải làm lụng vất vả, nhưng lại được người ta coi là một quí bà thực sự, và thật sự là một quí bà - nếu xét theo địa vị mà người ấy có.
Ở Mĩ hiện nay, “chế độ hôn nhân đối ngẫu đã hoàn toàn thay thế chế độ quần hôn chưa?” là một vấn đề chỉ có thể được giải quyết nhờ việc nghiên cứu sâu hơn các dân ở vùng Tây Bắc, và đặc biệt là ở Nam Mĩ, vốn đang ở giai đoạn cao của thời mông muội. Ở trường hợp sau, người ta đã biết nhiều ví dụ về quan hệ tính giao tự do, đến mức khó mà cho rằng chế độ quần hôn cổ đã mất đi hẳn. Ít nhiều thì những dấu vết của chế độ đó vẫn còn. Ở ít nhất bốn mươi bộ lạc Bắc Mĩ, người đàn ông - sau khi lấy người chị cả - có quyền lấy tất cả những cô em của người chị đó, khi họ đủ tuổi; đó là tàn tích của thời kì mà tất cả các chị em gái cùng lấy một chồng. Còn Bancroft thì kể về người Indian ở bán đảo California (ở giai đoạn cao của thời mông muội) là trong những ngày hội nhất định, nhiều “bộ lạc” tập hợp lại để tiến hành quan hệ tính giao bừa bãi. Rõ ràng đó là các thị tộc, họ vẫn giữ được cái kí ức lờ mờ về thời kì mà đàn bà ở một thị tộc là vợ chung của đàn ông ở các thị tộc khác, trong những ngày hội ấy. [Một tục lệ tương tự cũng thịnh hành ở Australia. Ở một số dân, ta còn thấy các bô lão, tù trưởng và pháp sư đã lợi dụng chế độ lấy chung vợ để chiếm hữu đại đa số đàn bà; nhưng trong những dịp hội hè lớn, họ lại phải khôi phục chế độ đó, và cho phép vợ mình quan hệ tính giao với các chàng trai trẻ. Westermarck (sách đã dẫn4, tr. 28-29) đã đưa ra một loạt ví dụ về các lễ Saturnalia định kì đó; khi trong thời gian ngắn, trạng thái quan hệ tính giao tự do xưa kia đã được phục hồi: người Ho, người Santal, người Punjab, người Kotar ở Ấn Độ; một vài dân châu Phi; v.v. Kì lạ ở chỗ Westermarck kết luận rằng đó là những tàn dư của mùa giao phối ở người nguyên thủy (cũng như các động vật khác), không phải của chế độ quần hôn (cái mà ông ta hoàn toàn phủ nhận).
Bây giờ ta đến với phát hiện lớn thứ tư của Bachofen, tức là hình thức quá độ phổ biến từ chế độ quần hôn sang chế độ hôn nhân đối ngẫu. Cái được Bachofen mô tả là một sự chuộc tội vì đã vi phạm những tục lệ thần thánh cổ xưa, mà người đàn bà phải làm để có được quyền thủ tiết; thực ra chỉ là biểu hiện thần bí của sự chuộc mình, mà người đàn bà dùng để thoát khỏi tình trạng nhiều chồng thời cổ, và giành lấy quyền hiến thân cho chỉ một người đàn ông. Sự chuộc lại đó chính là việc phải hiến thân - có hạn chế - cho người lạ: phụ nữ Babylonia phải hiến thân hàng năm ở đền Mylitta; các dân khác ở Tiểu Á thì hàng năm lại gửi con gái tới đền Anaitis, ở đó chúng được tự do ân ái với những người mình thích, trước khi được phép lấy chồng. Những tục lệ tương tự, nấp sau cái vỏ tôn giáo, thì phổ biến trong hầu hết các dân châu Á, từ Địa Trung Hải đến tận sông Hằng. Sự hi sinh để chuộc mình đó ngày càng nhẹ dần đi, như Bachofen nói:

“Thay vì hiến thân hàng năm, thì chỉ hiến thân một lần; thay vì tục tạp hôn ở các bà mẹ, thì chỉ có tục tạp hôn ở các thiếu nữ; thay vì thực hiện nó trong hôn nhân, thì chỉ thực hiện nó trước hôn nhân; thay vì phải hiến thân cho mọi người, thì chỉ hiến thân cho vài người đã chọn” (“Mẫu quyền”*, tr. XIX)

Trong một số dân khác thì không có cái vỏ tôn giáo. Ở vài trường hợp - người Thrace, người Celt, nhiều dân bản địa ở Ấn Độ cổ; ngày nay thì có người Malaya, các dân trên các đảo ở Nam Thái Bình Dương, nhiều dân Indian châu Mĩ - con gái có quyền tự do tính giao rất rộng rãi cho đến lúc lấy chồng mới thôi. Việc đó đặc biệt phổ biến ở hầu khắp Nam Mĩ, bất kì ai đi sâu tìm hiểu một chút đều có thể chứng thực. Vì thế mà Agassiz (“Hành trình tới Brazil”, Boston & New York, 1868, tr. 266) đã kể về một gia đình gốc Indian giàu có như sau: sau khi làm quen với cô con gái, ông hỏi về người cha, và đoán đó là chồng của bà mẹ - ông ta là sĩ quan đang tham gia cuộc chiến tranh chống Paraguay; nhưng bà mẹ mỉm cười trả lời: “Nao tem pai, e filha da fortuna” (nó không có cha đâu, nó là đứa con do ngẫu nhiên mà có đấy).

“Những người đàn bà Indian hay lai Indian luôn nói thế về những đứa con hoang của mình... không hề buồn bã hay hổ thẹn... Mà điều đó cũng không có gì bất thường cả... ngược lại thì mới là kì lạ. Con cái... thường chỉ biết mẹ thôi, vì mọi trách nhiệm và săn sóc đều là của mẹ; chúng không biết gì về cha cả, hoặc là người đàn bà chưa bao giờ nghĩ rằng mình và con cái mình lại có quyền đòi hỏi gì đó ở người cha”

Điều lạ lùng đối với người văn minh thì ở đây, theo chế độ mẫu quyền và trong chế độ quần hôn, lại là thông lệ.
Hơn nữa, trong đám cưới của các dân ấy, thì bạn bè và họ hàng của chú rể, rồi cả khách khứa đều đòi cái “quyền cổ truyền” của họ với cô dâu, sau cùng mới là chú rể; đó cũng là tục lệ thời cổ ở các dân trên quần đảo Balears, người Augila ở Bắc Phi; và hiện vẫn còn ở người Barea ở Abyssinia. Ở các dân khác, một người có địa vị - thủ lĩnh bộ lạc hay thị tộc, cacique, shaman, thầy pháp, hoàng thân, hay bất kì tên gì - thay mặt cộng đồng, và được quyền hưởng đêm đầu tiên với cô dâu. Mặc cho việc “tẩy trắng” theo kiểu lãng mạn mới, cái jus primae noctis13 ấy hiện vẫn còn như một tàn tích của chế độ quần hôn, ở hầu hết các dân vùng Alaska, người Tahu miền Bắc Mexico (Bancroft: sách đã dẫn6, tr. 81 & 584) và nhiều dân khác; nó cũng đã tồn tại suốt thời Trung cổ, ít ra là ở các xứ - Aragon chẳng hạn - mà cư dân có gốc Celt, đó là do chế độ quần hôn trực tiếp truyền lại. Trong khi ở Castile nông dân không bao giờ là nông nô, thì ở Aragon lại có chế độ nông nô xấu xa nhất, tới khi có chiếu chỉ năm 1486 của vua Ferdinand II mới thôi. Trong đó có viết:

“Chúng ta phán xét và tuyên bố rằng các lãnh chúa (senor, baron) nói trên ... không có quyền ngủ đêm đầu tiên với người được một nông dân lấy làm vợ, cũng không được bước qua giường khi người vợ nói trên đang nằm trên đó, vào đêm tân hôn, để tỏ quyền thống trị; các lãnh chúa nói trên cũng không có quyền bắt con cái nông dân phục vụ mình, dù có trả tiền hay không, nếu họ không đồng ý” (Sugenheim, trích nguyên văn tiếng Catalan trong “Chế độ nông nô”14, Sankt-Peterburg, 1861, tr. 35)



Bachofen lại hoàn toàn đúng khi quả quyết rằng bước chuyển từ cái mà ông gọi là “tạp hôn” hay “thụ thai tội lỗi” (Sumpfzeugung) sang chế độ hôn nhân cá thể được thực hiện nhờ phụ nữ là chính. Nhờ sự phát triển của các điều kiện kinh tế - do đó mà chế độ cộng sản cổ xưa bị tan rã - và sự tăng mật độ dân số, nên các quan hệ tính giao cổ truyền ngày càng mất đi tính tự nhiên nguyên thủy của nó; phụ nữ hẳn là cảm thấy nó ngày càng nặng nề và nhục nhã; họ ngày càng mong muốn được thủ tiết, tức là chỉ kết hôn - nhất thời hay lâu dài - với một người đàn ông thôi, giống như một sự giải phóng. Bước tiến này không thể nào do đàn ông thực hiện, vì tới tận ngày nay, họ vẫn không muốn từ bỏ cái thú vị của chế độ quần hôn thực sự. Chỉ khi phụ nữ tạo ra bước chuyển trên, thì đàn ông mới có thể thực hành chế độ hôn nhân cá thể chặt chẽ - dù thật ra chỉ là chặt chẽ với phụ nữ thôi.]

Каталог: 2009
2009 -> Công ty cổ phần Xây dựng Điện vneco3
2009 -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố HỒ chí minh độc lập Tự do Hạnh phúc
2009 -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôN
2009 -> Nghị ĐỊnh số 163/2004/NĐ-cp ngàY 07/9/2004 quy đỊnh chi tiết thi hành một số ĐIỀu của pháp lệNH
2009 -> BỘ CÔng thưƠng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> Mẫu số: 01 (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 31 /2009/ttlt-btc –BLĐtbxh ngày 09 tháng 09 năm 2009) CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> BỘ y tế Số: 12/2006/QĐ-byt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam sở TƯ pháP Độc lập Tự do Hạnh phúc
2009 -> CÔng ty cp đIỆn tử BÌnh hòa cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
2009 -> Ủy ban nhân dân thành phố HỒ chí minh

tải về 0.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương