János Kornai liberté, Égalité, fraternité (TỰ do, BÌnh đẲNG, BÁC ÁI) Suy ngẫm về những thay đổi tiếp sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản* nhậP ĐỀ



tải về 191.77 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích191.77 Kb.
#31061
1   2   3


Nguồn: Mitra, Pradeep và Yemtsov, Ruslan (2006).
Nhưng nếu thay cho so sánh các nước chúng ta xem số liệu của mỗi nước theo thời gian và so sánh tình hình trước sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, với tình hình khoảng mười lăm năm sau đó, thì các số trong mỗi hàng là khác nhau đáng kể, hay trong một số nước thậm chí khác nhau một cách kỳ cục. Chúng cho thấy tác động sâu sắc của sự thay đổi hệ thống.

Đã có nhiều tác động, dẫn đến sự tăng lên khủng khiếp của sự bất bình đẳng. (Xem Kolosi – Tóth 2008, Milanovic 1999, Milanovic – Ersado, 2009, Mitra – Yemtsov 2006.)

Sự thay đổi đã đưa những người thắng lên phía trước: các nhà kinh doanh thành công, các cá nhân có biệt tài kinh doanh, các nhà đổi mới đưa ra các sản phẩm và công nghệ mới, mở các thị trường mới, các nhà lãnh đạo công nghiệp và thương mại có khả năng thích ứng nhanh với môi trường kinh tế mới, các thị trường nội địa và nước ngoài. Một số tận dụng tốt kiến thức ngoại ngữ, hay các kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hiện đại. Tất cả ngững tài năng và nỗ lực đặc biệt này được nền kinh tế thị trường thưởng một cách hào phóng. Đó chỉ là một trong các đức hạnh lớn của thị trường: phần thưởng cao vượt trội cho thành tích lạ thường. Nó cung cấp một khuyến khích không thể thiếu được cho đổi mới, cạnh tranh và hiệu quả.

Nhưng tất nhiên, bên cạnh các phần thưởng cho các công trạng đích thực còn có các nguồn khác cho thành công tài chính. Một số người cực kỳ khôn lỏi trong quá trình tư nhân hoá, kiếm được các tài sản thuộc sở hữu nhà nước trước kia với giá rẻ hay như cho không, gần với hành động ăn cắp. Đã có những người dùng một cách ranh mãnh các quan hệ cá nhân được xây dựng trước đây ở trong nước hay với các nước khác thuộc đế chế Soviet. Những người khác đã chẳng e dè đút lót các quan chức nhà nước và các chính trị gia. Hai thành phần này, phần sáng có ích và phần tối đáng khinh bỉ, không thể được tách biệt rạch ròi. Tất cả các nhân tố tinh khiết và bẩn thỉu, trắng và đen được pha trộn thành một hỗn tạp xám nhớp nháp. Trong mọi trường hợp, ở phần trên của phân bố chúng ta thấy thu nhập rất cao, cao gấp nhiều lần thu nhập dưới thời xã hội chủ nghĩa.



Cũng đã có những thay đổi nhức nhối ở phần dưới của phân bố do nhiều nhân tố gây ra.

  • Thay đổi quan trọng nhất xuất hiện trong thị trường lao động. Đã không có toàn dụng lao động đơn giản, nhưng có sự thiếu hụt lao động kinh niên trong các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trưởng thành. Thất nghiệp đến như một cú đánh khủng khiếp đối với xã hội chưa quen với hiện tượng gây đau khổ này. Một số phụ nữ tự nguyện rút lui khỏi thị trường lao động, và đảm trách chức năng xã hội của người vợ và người mẹ làm việc chỉ riêng trong hộ gia đình mình. Nhưng ngoài phần tự nguyện rút lui này, thiếu công ăn việc làm đã dẫn đến sự tăng mạnh về tỷ lệ thất nghiệp, và tăng mạnh về thất nghiệp được khai báo.

  • Một số cá nhân bị “hạ cấp” theo một nghĩa nào đó; họ mất vị trí cao hơn của mình trước đây và buộc phải làm những công việc có lương ít hơn.

  • Chủ yếu do hệ quả của các giai đoạn lạm phát giá trị thực của các khoản lương hưu giảm đi, và hàng triệu người già ngập sâu trong nghèo khổ.

  • Chúng ta cũng chứng kiến các dạng khác nhau của nạn phân biệt. Trong khi bình thường mọi công dân trong các nước dân chủ có các quyền ngang nhau, chúng ta thấy sự phân biệt đối với người Di gan (Roma, Gypsy). Có một thiểu số lớn người Di gan ở Hungary, Romania, Slovakia và ở các nước hậu xã hội chủ nghĩa khác. Tỷ lệ thất nghiệp giữa những người Di gan là cao hơn tỷ lệ trong phần còn lại của dân cư rất nhiều.

Nhiều nhà nghiên cứu đã nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi hậu xã hội chủ nghĩa lên tái phân phối thu nhập, như thế có văn liệu kinh nghiệm phong phú về chủ đề này. Không công trình nào bác bỏ khẳng định chung: sự bất bình đẳng đã tăng lên đáng kể. Sự gia tăng hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo một phần do quá trình chuyển đổi gây ra, do những chuyển động mau lẹ và triệt để, những thăng trầm của xã hội, và vì thế có thể chỉ hoạt động một cách nhất thời. Nhưng giữa các nhân tố nhân quả cũng có các nét đặc trưng bền lâu của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa tư bản có một xu hướng cố hữu về gây ra sự bất bình đẳng thu nhập cao hơn chủ nghĩa xã hội nhiều.
Bảng 5. Công luận về hoạt động của chính phủ để giảm bất bình đẳng thu nhập


Nước

Thời điểm điều tra

2006

Bulgaria

1,55

Hungary

1,66

Ukraine

1,71

Bồ Đào Nha

1,78

Nga

1,88

Tây Ban Nha

1,89

Cyprus

1,91

Pháp

1,91

Slovenia

1,95

Ba Lan

2,00

Estonia

2,04

Slovakia

2,07

Phần Lan

2,07

Áo

2,15

Bỉ

2,25

Thuỵ Điển

2,27

Ireland

2,28

Thuỵ Sĩ

2,29

Đức

2,37

Na Uy

2,43

Hà Lan

2,52

Vương Quốc Anh

2,54

Đan Mạch

2,92

Đông Trung Âu (trung bình)

1,86

Đông Trung Âu (bình quuân gia quyền)

1,85

Thế giới (bình quuân gia quyền)

2,12


Ghi chú: Câu hỏi sau đây được hỏi từ những người trả lời: “Bạn hãy nói, ở mức độ nào bạn đồng ý với tuyên bố sau đây:

Chính phủ phải có biện pháp để giảm sự chênh lệch về các mức thu nhập:

1 rất đồng ý; 2 đồng ý; 3 chẳng đồng ý cũng không bất đồng; 4 không đồng ý; 5 rất không đồng ý”.

Nguồn. European Social Survey 2006/2007.
Lời tuyên bố về sự bất bình đẳng như một khuynh hướng có tính hệ thống của chủ nghĩa tư bản không ngụ ý rằng chúng ta phải đứng và chỉ nhìn tính chất này của hệ thống một cách bất lực. Nó không thể bị loại trừ mà không có sự lật đổ bản thân hệ thống, nhưng nó có thể được sửa ở chừng mực nào đó. Hoạt động của chính phủ có thể làm giảm mức độ bất bình đẳng. Trên khắp thế giới một tỷ lệ lớn dân cư đòi hỏi chính sách tái phân phối của chính phủ. Bảng 5 cho thấy rằng đòi hỏi hành động của chính phủ nhằm giảm bất bình đẳng ở đa số các nước hậu xã hội chủ nghĩa rõ ràng mạnh hơn trong đa số các nước không có quá khứ cộng sản. Điểm trung bình ở Đông Âu hướng nhiều hơn đến chính sách kinh tế san bằng so với trung bình thế giới. (Tuy vậy, lưu ý rằng một số nước Âu châu, thí dụ Tây Ban Nha, Cyprus, Pháp và Phần Lan, còn vượt trước một số nước hậu xã hội chủ nghĩa với công luận ít hướng về san bằng hơn.)

Có lời kêu gọi tái diễn thường xuyên: “Hãy để người giàu trả!” Đó không đơn giản là một đòi hỏi nghiêm túc của tài chính công lành mạnh: thuế phải được thu ở nơi việc thu thuế hữu hiệu là khả thi. Nó là một khẩu hiệu cảm xúc: một số người cho là bất công rằng người giàu lại giàu có. Vì thế chúng ta tước đoạt một phần càng nhiều từ thu nhập và của cải của họ, thì chúng ta càng cảm thấy sướng hơn. Đó là tư tưởng chính yếu trong thuật hùng biện chính trị dân tuý. Tôi không đồng ý với những khẩu hiệu này. Tôi cảm thấy, giống như nhiều người khác, rằng chúng ta không nhận được sự thoả mãn thêm nào từ các biện pháp Robin Hood.

Công cụ quan trọng nhất để cải thiện phân bố thu nhập là tạo ra nhiều bình đẳng hơn về cơ hội. Giáo dục đóng vai trò cốt yếu. Một chân lý tầm thường – nhưng dù sao vẫn là tuyên bố quan trọng nhất – rằng sự bất bình đẳng bắt đầu với các cơ hội học không ngang nhau. Có những nghiên cứu quan trọng và rất thuyết phục về chủ đề này. Các điều kiện ban đầu tồi hơn của trẻ em sinh ra trong một gia đình nghèo hay thậm chí mù chữ tạo ra một sự bất lợi ngay từ đầu so với trẻ em của các gia đình có sự giáo dục cao hơn. Các cơ hội giảm thêm nữa vì khả năng thấp hơn để được nhận vào các trường tốt và vào các đại học. Chỉ nói về các quyền ngang nhau là không đủ, mà cần đến các biện pháp ủng hộ tích cực.

Ngoài những chênh lệch lớn trong giáo dục thông thường theo quy ước, chúng ta phải nhớ đến sự bất bình đẳng về tri thức theo một nghĩa rộng hơn. Trong xã hội công nghệ cao của chúng ta, cá nhân được trang bị tốt thế nào về nghệ thuật sử dụng máy tính, internet và các công cụ khác của công nghệ thông tin hiện đại sẽ quyết định các cơ hội đạt thu nhập cao hơn. Các nhân tố này có thể có một tác động mạnh hơn nhiều lên phân bố thu nhập so với tính luỹ tiến hay luỹ thoái của thuế.

Một số kết quả xác thực chống lại tham nhũng sẽ đóng góp vào việc làm giảm bớt bất mãn do bất bình đẳng gây ra.2 Nó sẽ củng cố niềm tin chắc về một mối quan hệ mạnh giữa thành tích thực và thu nhập cao, ở nơi kiếm được một gia tài lớn và thu nhập khổng lồ bằng các công cụ bất chính chỉ là ngoại lệ.
FRATERNITÉ (BÁC ÁI)

Hay chúng ta có thể áp dụng một từ đồng nghĩa, được sử dụng thông thường bây giờ, “tình đoàn kết”. Định đề đạo đức về nghĩa vụ của tôi để chứng tỏ tình đoàn kết đối với đồng bào của tôi là một trong những vấn đề phức tạp nhất của xã hội nói chung, và của xã hội hậu xã hội chủ nghĩa nói riêng.

Di sản của chúng ta từ chủ nghĩa cộng sản là một “nhà nước phúc lợi đẻ non”. Đó là cái tên tôi đặt ra lúc bắt đầu chuyển đổi, nhận được sự chấp nhận của một số đồng nghiệp, và sự bác bỏ giận dữ của những người khác. Tôi tạo ra các kẻ thù với khá nhiều bài viết của mình, nhưng chẳng tuyên bố nào của tôi lại tạo ra nhiều đến vậy như tuyên bố này.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa đã pháp điển hoá trong luật, và đã chấp nhận trong thực tiễn, quyền của công dân đối với các dạng khác nhau của các dịch vụ và hỗ trợ.



  • Tất cả mọi người đều có quyền hưởng chăm sóc sức khoẻ miễn phí, nhưng trong nhiều phòng khám và bệnh viện chất lượng điều trị đã không vừa ý, các bệnh nhân phải chịu đựng việc xếp hàng chờ dài và khu bệnh viện chật chội, các thiết bị lạc hậu, các điều kiện vệ sinh không thoả mãn, sự thiếu thốn thuốc.

  • Tất cả mọi người đều có quyền hưởng giáo dục miễn phí, nhưng chất lượng giáo dục đã rất không đều, giáo viên được trả lương thấp và làm việc quá tải, ở mức độ nào đó xuất hiện sự chọn lọc có hại (adverse selection) về giáo viên, không phải những người có khả năng nhất chọn nghề này. Các trường quá đông học sinh nên chật chội và được trang bị bàn ghế tồi tàn, nói chi đến công nghệ thông tin hiện đại.

  • Tiền thuê nhà được bao cấp trong chung cư đã là có thể chi trả được cho tất cả mọi người, nhưng những người trẻ đã phải đợi nhiều năm trời để có được quyền chuyển đến một căn hộ riêng của mình, việc xây dựng nhà ở tạo ra các toà nhà có chất lượng thấp khác thường.

  • Xí nghiệp hay chính quyền thành phố có cơ sở giữ trẻ ban ngày hay vườn trẻ miễn phí hay với giá danh nghĩa cho tất cả các gia đình có yêu cầu.

  • Trong khu vực nhà nước (kể cả trong các xí nghiệp quốc doanh) mọi nhân viên đến tuổi hưu được trả lương hưu nhà nước, từ ngân sách hay từ quỹ hưu bổng được hỗ trợ bởi bảo lãnh của nhà nước hay từ xí nghiệp.

Tôi đã gọi tổ chức nhà nước cung cấp các khoản trợ cấp đó (và các khoản miễn phí hay gần như miễn phí khác) theo phong cách tóm tắt là một nhà nước phúc lợi đẻ non. Tôi gọi là đẻ non bởi vì tôi, giống như nhiều nhà kinh tế học khác, đã nhận ra rằng mức phát triển của các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã không có khả năng thực hiện các lời hứa đó về các điều khoản được liệt kê. Trên thực tế nhà nước đã hoặc không có khả năng thực hiện các lời hứa của mình về các quyền thụ hưởng phổ quát, hoặc, khi cố thử thực hiện, thì thực hiện chúng với mức chất lượng kém, thấp.

Sự khác biệt rõ rệt giữa quyền được hưởng và sự cung cấp thực tế, giữa các lời hứa của nhà nước và sự sẵn có thật của các nguồn lực vật chất đã là các nét đặc trưng hệ thống của chủ nghĩa xã hội. Và di sản này cũng là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của các nhà hoạch định chính sách trong quá trình chuyển đổi hậu xã hội chủ nghĩa.3

Đi theo cách nào từ các điều kiện ban đầu của một nhà nước phúc lợi đẻ non? Tôi không có ý định ủng hộ một chương trình nào đó, trình bày các lý lẽ tán thành và phản đối của riêng tôi, trong bài báo này. Tôi đã làm điều đó trong những nghiên cứu khác. Mục đích của tôi là cho một tổng quan gợi ý bốn loại thái độ chính trị về nhà nước phúc lợi, phân biệt hai trường hợp “thuần khiết” và hai trường hợp “pha trộn”.

Có hai hướng “thuần khiết”.



Hướng thứ nhất là từ bỏ nguyên tắc về các quyền hưởng phổ quát. Thay nó bằng nguyên tắc hỗ trợ chỉ cho những người cần đến sự trợ giúp của nhà nước. Đúng, chúng ta cảm thấy Fraternité, tất cả chúng ta đều là anh em, nhưng hầu hết anh em tôi không cần đến sự hỗ trợ của tôi, họ tự lo cho mình. Tôi sẵn sàng giúp đỡ khi tôi thấy anh/chị ta không có khả năng giải quyết các vấn đề của mình. Hãy để tôi minh hoạ ý tưởng này bằng vài thí dụ:

  • Quyền phổ quát đối với giáo dục đại học miễn phí phải bị loại bỏ. Thay vào đó, phải đóng học phí. Những người không có khả năng chi trả học phí có thể nhận được khoản vay sinh viên có thể được trả từ thu nhập cao hơn trong tương lai. Ngoài ra, có thể cấp các học bổng đặc biệt cho những người (và chỉ cho những người) không có khả năng sống cuộc sống bình thường của một sinh viên mà không có sự trợ giúp tài chính đặc biệt.

  • Nếu có quyền hưởng thụ phổ quát đối với chăm sóc miễn phí cho tất cả trẻ em, thì tất cả các gia đình, giàu và nghèo, đều phải nhận được một khoản hỗ trợ từ nhà nước theo số trẻ em của họ, chúng phải được tiếp cận đến nhà trẻ miễn phí và vân vân. Trong trường hợp của nguyên tắc cung cấp hạn chế hơn, thì chỉ các gia đình không có khả năng chi trả các chi phí nuôi dạy con và không thể chi trả các dịch vụ giữ trẻ mới nhận được sự trợ giúp đặc biệt từ nhà nước.

Đa số các nhà kinh tế học và các nhà cải cách theo hướng thị trường thúc dục hướng này. Nó được chấp nhận bởi các chính trị gia thực sự bảo thủ thừa nhận tín điều phóng khoáng [liberal credo] (dùng từ “phóng khoáng, tự do - liberal” theo diễn giải Âu châu, chứ không theo diễn giải Mỹ.)

Theo hướng này, thì nhà nước phúc lợi hậu xã hội chủ nghĩa sẽ co lại một tỷ lệ phù hợp hơn với mức phát triển của nền kinh tế.

Có các lý lẽ thực dụng ủng hộ chiều hướng thứ nhất: tính lành mạnh của chính sách tài khoá, các suất thuế thấp hơn kích thích đầu tư, công ăn việc làm và tinh thần kinh doanh khởi nghiệp. Và rồi chúng ta cũng nghe các lý lẽ lấy từ triết lý chính trị: tôn trọng tính tự trị của cá nhân và quyền tự do lựa chọn, bác bỏ thái độ gia trưởng của nhà nước, và cuối cùng sự can thiệp của các chính trị gia vào lĩnh vực riêng tư và quyền tự quyết cá nhân.

Chiều hướng thứ hai là duy trì tất cả các quyền hưởng thụ phổ quát và chống lại một cách gay gắt mọi sự cắt xén. Thậm chí sự tăng cường các quyền hưởng thụ có thể được xem xét. Những người ủng hộ sẵn sàng bảo đảm các khoản chi lớn bằng thuế cao hơn.

Đó là chiều hướng được nhiều nhà xã hội học, và cả nhiều bác sỹ, giáo viên, người làm công tác xã hội, thành viên của các nghề tận tâm làm việc trong các khu vực khác nhau của nhà nước phúc lợi, ủng hộ. Về phần phạm vi chính trị, chiều hướng này được “Cánh Tả Cũ”, tức là các chính trị gia vẫn trung thành với ý thức hệ của các nhà Xã hội Dân chủ Bắc Âu và Đức của các năm 1950, tuyên bố rõ ràng và ủng hộ một cách kiên định.

Những người ủng hộ chiều hướng thứ hai dẫn ra các lý lẽ thực dụng. Thẩm tra khả năng tài chính, kiểm tra tính đủ tư cách (hưởng) của các nhóm đặc biệt cần trợ giúp đòi hỏi hoạt động của các bộ máy quan liêu khổng lồ. Phân phát các ích lợi phổ quát là đơn giản hơn nhiều và gắn với ít chi phí hành chính hơn. Một số người cho rằng thường dễ đạt được sự ủng hộ nghị viện cho các quyền hưởng phổ quát hơn là cho khoản dự phòng dành cho mục đích riêng. Và trong trường hợp này chúng ta cũng nghe các lý lẽ lấy từ các tuyên bố triết lý chính trị. Dòng tư duy ủng hộ tính đủ tư cách phổ quát hưởng các dịch vụ phúc lợi có gốc rễ trong tư tưởng về một ý nghĩa sâu xa hơn của bình đẳng: mọi cá nhân được quyền hưởng cùng nhóm các quyền. Nhà nước có các nghĩa vụ giống hệt nhau đối với mọi công dân của mình.

Những người ủng hộ chiều hướng thứ hai nhấn mạnh mối liên kết chặt chẽ giữa hai mục tiêu, và cuối cùng giữa hai giá trị do khẩu hiệu cách mạng đề ra; cụ thể là giữa Égalité và Fraternité, giữa bình đẳng và đoàn kết. Trong mục trước của bài báo này tôi đã nhắc đến sự bất bình đẳng được đo bằng chỉ số thu nhập bằng tiền (thí dụ, hệ số Gini của phân bố thu nhập bằng tiền). Tuy nhiên, một phần lớn tiêu dùng được các hộ gia đình nhận bằng hiện vật. Việc sử dụng dịch vụ sức khoẻ miễn phí, giáo dục miễn phí, lợi ích của các khoản bao cấp khác nhau giảm chi phí của các khoản chi nhất định đều đóng góp vào việc làm ngang bằng tiêu dùng hộ gia đình. Độ bao phủ của các quyền hưởng phổ quát càng rộng, quy mô tương đối của nhà nước phúc lợi càng lớn – thì bình đẳng càng thịnh hành. Càng Fraternité (bác ái), thì càng Égalité (bình đẳng).


Bảng 6. Đánh giá về trách nhiệm cá nhân đối lại chủ nghĩa gia trưởng


Nước

Thời gian điều tra

2004

Belarus

2,96

Bulgaria

2,56

Cộng hoà Czech

2,55

Estonia

2,43

Hungary

2,23

Latvia

2,30

Lithuania

2,19

Ba Lan

2,4

Romania

2,85

Nga

2,67

Slovakia

2,34

Slovenia

2,72

Ukraine

2,98

Trung Đông Âu (trung bình)

2,55

Trung Đông Âu ( bình quuân gia quyền theo dân cư)

2,67


Ghi chú: Câu hỏi sau đây được hỏi từ những người trả lời: “Bạn hãy nói mình đồng ý với lựa chọn khả dĩ nào:

Các cá nhân phải chăm lo cho mình và kế sinh nhai của mình.

1 dứt khoát đồng ý

2 hơi đồng ý

hay

Nhà nước phải có trách nhiệm về an ninh vật chất cho mọi người.



3 hơi đồng ý

4 dứt khoát đồng ý”.



Nguồn: New Europe Barometer (2009).

Những người ủng hộ chiều hướng thứ hai là đúng khi cho rằng đa số người dân ở các nước hậu xã hội chủ nghĩa (trong đó ở Ukraine, Belarus, Nga và Romania là nhiều nhất) đòi hỏi một thái độ gia trưởng từ nhà nước.4 Điều này được chỉ ra trong số liệu điều tra trong Bảng 6. Như thế thuật hùng biện và chính sách kinh tế gia trưởng được dân chúng ưa thích, và có thể mang lại phiếu bầu cho những người chủ trương và thực hiện nó.5

Tôi đã đặt cạnh nhau hai lập trường rõ ràng và minh bạch, cả hai đều có thể được ủng hộ bằng các lý lẽ thực dụng và bằng lập luận triết học sâu sắc. Đáng tiếc, trò chơi chính trị không được chơi trên bình diện của tranh luận lành mạnh, bình tĩnh và thực dụng, cũng chẳng trong không khí tươi lành, trong sạch của các định đề đạo đức. Trò chơi được chơi trên võ đài của các đấu sĩ chính trị, đấu tranh vì cuộc sống hay cái chết chính trị, vì phiếu bầu, nhằm đạt được thắng lợi bầu cử và hy vọng tai hoạ cho đối thủ chính trị. Các nhóm ủng hộ một cách không mơ hồ và kiên định cho hai chiều hướng “thuần khiết” này là những người chơi quan trọng (ở một số nước trong các giai đoạn nào đó một nhóm hay nhóm khác thậm chí có thể là người chơi áp đảo). Tuy nhiên, có các nhóm chính trị khác (các đảng, hay các phe nhóm bên trong một đảng, hay các phong trào phi-đảng phái khác nhau), mà không thể được phân vào một trong hai loại “thuần khiết” này. Các chính trị gia, cả trong chính phủ và trong đối lập đều trải nghiệm sự phản kháng mạnh mẽ chống lại cắt giảm nhà nước phúc lợi. Tất cả mọi người đều biết, thuy thế vẫn phải nhắc đến, rằng chúng ta đối mặt ở đây với “hiệu ứng bánh răng một chiều - ratchet-effect”: thay đổi theo một chiều là có thể, nhưng quay trở lại vị trí trước là không thể. Là dễ về mặt chính trị và rất được lòng dân chúng để tăng chi tiêu nhằm tăng cường nhà nước phúc lợi, và là khó về mặt chính trị và rất không được lòng dân để cắt các khoản chi tiêu này. Hèn chi bên cạnh hai chiều hướng “thuần khiết” vừa được nhắc tới chúng ta thấy ở mọi nơi nhiều thí dụ về thái độ chính trị không rõ ràng, mập mờ.

Thuộc về loại thứ ba của thái độ chính trị là các nhà dân tuý hứa duy trì đầy đủ hay thậm chí mở rộng tất cả các quyền thụ hưởng, duy trì nhà nước phúc lợi có quy mô quá lớn – mà không tiết lộ nguồn cấp tài chính cho các khoản chi tiêu. Là trường hợp ít xấu hơn nếu họ trình bày các lời hứa hão vô trách nhiệm chỉ trong một chiến dịch bầu cử hay trong các cuộc tấn công mãnh liệt các cuộc cải cách phóng khoáng khi ngồi trên các hàng nghế của phe đối lập trong nghị viện. Trường hợp thảm hoạ xuất hiện khi một đảng dân tuý như vậy thắng trong bầu cử và rồi sẽ thực hiện các lời hứa vô trách nhiệm của mình dẫn đến thâm hụt tài khoá thảm hoạ và đến tất cả các hậu quả kinh tế vĩ mô tồi tệ gắn liền khác.

Đặc trưng chính của loại thứ tư là thiếu trung thành với các nguyên tắc. Một phản ứng được nhiều người biết đối với các lựa chọn khó khăn là sự không nhất quán của một đảng chính trị, và/hoặc một chính phủ. Một bước theo hướng thứ nhất, (cắt các chi phí nào đó của nhà nước phúc lợi) trong tháng Giêng, và rồi một bước khác theo chiều ngược lại, (tăng các chi phí khác nào đó của nhà nước phúc lợi) trong tháng Hai. Các chính trị gia thuộc loại thứ tư muốn lấy lòng các cử tri cánh Hữu vào các ngày chẵn và cử tri cánh Tả Cũ vào các ngày lẻ. Sự do dự, dao động, lời nói và việc làm không thể tiên đoán được – đó là các nét đặc trưng của thái độ chính trị đó. Nó dẫn đến sự lẫn lộn giữa các cử tri, những người không hiểu cái gì đang diễn ra. Sự cải thiện tạm thời về sự ưa thích của dân chúng có thể xuất hiện bởi những người ủng hộ bị lừa dối của Chiều Hướng Một, hay của Chiều Hướng Hai “thuần khiết”, những người lúc ban đầu không nhìn thấy một cách rõ ràng các chính trị gia đang đi theo hướng nào. Nhưng sớm muộn họ hiểu rằng họ đã bị các bước zigzag tiến và lui giữa hai nhóm mục tiêu đối lập nhau làm lạc lối.

Theo cảm nhận của tôi đó là cái xảy ra với Nền Dân chủ Xã hội Mới kiểu Tony Blair hiện đại trong các nước khác nhau, kể cả một số nước hậu xã hội chủ nghĩa, bên cạnh các nước khác, ở nước tôi, Hungary. Chính sách liên quan đến Nhà nước Phúc lợi trong nhiều khía cạnh là không nhất quán, bởi vì nó tìm cách thoả mãn hai nhóm giá trị đối lập, loại trừ lẫn nhau, và để đồng thời lấy lòng hai nhóm cử tri lớn có các sở thích căn bản khác nhau và ghét lẫn nhau.

Khẩu hiệu của Cách mạng Pháp đã cung cấp giàn giáo cho bài phát biểu của tôi. Trong không khí nóng bỏng của năm 1789 và các năm tiếp theo đã chẳng ai để ý đến liệu ba yếu tố của khẩu hiệu có nhất quán hay chúng mâu thuẫn với nhau. Hãy nhớ thời gian lịch sử: đó là gần một thế kỷ trước khi Bismarck đưa ra bảo hiểm xã hội ở Đức, hơn một thế kỷ trước khi các nhà Dân chủ -Xã hội ở Bắc Âu và Anh bắt đầu xây dựng nhà nước phúc lợi hiện đại. Nhưng ngày nay, các nhà hoạch định chính sách trong chuyến bay đường dài vì sự biến đổi cấu trúc không thể lảng tránh vấn đề của tính nhất quán. Nếu họ thử làm vậy, họ phải trả một cái giá chính trị.
BỨC TRANH CHUNG VÀ SỰ TIÊN ĐOÁN

Tôi sung sướng nếu có thể trình bày tiên đoán riêng của mình, tầm nhìn riêng của mình về tương lai. Nhưng tôi e rằng trong lĩnh vực tôi đã chọn cho bài báo này tôi không nhìn thấy rõ cái gì sắp xảy ra trong tương lai.

Nhìn quanh vùng biến đổi hậu xã hội chủ nghĩa, chúng ta có một ấn tượng rất ô hợp. Chắc chắn không có chiều hướng đồng đều nào của những thay đổi liên quan đến nhà nước phúc lợi. Các nỗ lực để loại trừ các quyền thụ hưởng phổ quát và rộng rãi nào đó xuất hiện ở một số nước tại một thời điểm nào đó, trong khi ở các nước khác các quyền xã hội mới được đưa thêm vào danh mục dài của các quyền thụ hưởng được thừa kế từ chế độ xã hội chủ nghĩa. Có các bước tiến theo một hướng, tiếp theo là sự đảo ngược và các bước theo chiều ngược lại.

Tính hỗn tạp của các chuyển động theo cả hai chiều đã là hiển nhiên trước 2006. Dân cư trong khu vực đã trải qua thời những kỳ khó khăn. Họ đã phải đối mặt với sự tái phân bổ khó khăn về các nguồn lực, những thay đổi đầy kịch tính về quyền sở hữu, sự thiếu các định chế có năng lực trong một thời gian, tồi tệ thêm bởi những khó khăn nghiêm trọng do suy thoái biến đổi gây ra trong các năm 1990 – tất cả các nhân tố này góp phần vào sự sa sút sản lượng đầu ra, do suy thoái biến đổi, sâu hơn suy thoái sau 1929 nhiều, suy thoái tồi tệ nhất trong phần trước của lịch sử kinh tế. Sự kiện này trùng với chấn thương về thất nghiệp gây sốc cho hang triệu người đã quen với an toàn việc làm đầy đủ. Tác động của cú đòn kép của suy thoái và mất an ninh việc làm đã được làm dịu bớt ở mức độ nào đó bởi các dịch vụ của nhà nước phúc lợi được thừa kế. (Xem Kean – Prasad 2002 và Vanhuysse 2006.) Những người mất việc làm đã chí ít không bị bỏ rơi cho các phương tiện nghèo nàn của chính họ về chăm sóc sức khỏe, và hỗ trợ trẻ em được tiếp tục. Nhiều người có khả năng thành người thất nghiệp đã trốn thoát do về hưu sớm hay do các sơ đồ hưu trí cho người khuyết tật và bộ máy quan liêu đã nhắm mắt làm ngơ nếu các con đường thoát này đã không hoàn toàn sạch sẽ. Ngoài các quyền thụ hưởng được thừa kế các quyền mới được tạo ra, thí dụ, bảo hiểm và/hoặc hỗ trợ của chính phủ cho người thất nghiệp, hay các khoản bao cấp lớn cho những người tiêu dùng năng lượng, để chống lại chí ít một phần tác động của tự do hóa giá cả, các khoản trợ cấp mới cho xây dựng nhà tư và vân vân. Sự tức giận và thất vọng đã có thể mạnh hơn rất nhiều nếu giả như đã không có nhà nước phúc lợi với tất cả các quyền cũ và các quyền thụ hưởng mới được tạo ra. Đó là một nhân tố quan trọng để giải thích sự gắn bó của một phần rất lớn dân cư với nhà nước phúc lợi.

Vào đầu thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, sự tăng tiến kinh tế đã bắt đầu. Những kết quả có ích đầu tiên của sự thay đổi từ hệ thống xã hội chủ nghĩa không hiệu quả sang chủ nghĩa tư bản, hứa hẹn tính hiệu quả hơn và tăng trưởng nhanh hơn vừa mới bắt đầu lộ ra. Và rồi cú đánh mới, khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái, đột ngột giáng xuống. Vẫn chưa ai biết liệu sự sụt giảm sản lượng sẽ sâu hơn sau 1929, hay thậm chí sâu hơn sự giảm sút sản xuất trong vùng hậu xã hội chủ nghĩa sau khi thay đổi chế độ hay không – nhưng nó đã gây ra những rắc rối lớn và nhiều đau khổ cho hàng triệu người.

Căn cứ vào kinh nghiệm đau đớn thứ hai của sự thay đổi đột ngột, rắc rối kinh tế không ngờ và của cảm nhận gây lo âu về bất trắc, thì đòi hỏi về một nhà nước bảo vệ sẽ chắc chắn trở nên mạnh hơn và lớn tiếng hơn. Các chính trị gia sẽ chịu áp lực kép. Phần lớn công dân sẵn sàng từ bỏ những đòi hỏi về sự tự quyết cá nhân và nhân nhượng đối với tự do, và sẵn sàng cho một nhà nước thậm chí gia trưởng hơn trước đảm nhận trách nhiệm về phúc lợi và an ninh. Nhiều nước sẽ từ bỏ các kế hoạch cải cách nhà nước phúc lợi heo hướng giảm quy mô, loại trừ một số quyền thụ hưởng phổ quát vân vân. Mặt khác, sớm hay muộn các chính trị gia (chí ít những người được bầu lên nắm quyền và nhận trách nhiệm về thu và chi của nhà nước) sẽ cảm thấy áp lực dữ dội của tình hình kinh tế vĩ mô. Sự chi tiêu hào phóng theo tinh thần của Égalité và Fraternité mang một cái nhãn ghi giá gây hoảng sợ: thâm hụt ngân sách, tỷ lệ nợ/GDP cao, thâm hụt tài khoản vãng lai tăng cao, các nhà đầu tư không sẵn lòng mua trái phiếu chính phủ và vân vân. Các thị trường tài chính, khu vực ngân hàng, sở giao dịch chứng khoán, các định chế tài chính khác nhau, các ngân hàng đầu tư, các nhà môi giới và đội ngũ các nhà phân tích làm việc cho các định chế này không bị mềm đi bởi cảm tình cao thượng với công dân đồng bào của họ và bởi các mục đích từ thiện. Họ chẳng tàn nhẫn hay cũng không nhẫn tâm như được vẽ trong các tranh biếm họa ác nghiệt và thiên vị trong thuật hung biện chính trị dân túy – họ chỉ làm công việc của mình. Trong mọi trường hợp, những khó khăn kinh tế vĩ mô thật cộng với phê phán lớn tiếng và các cảnh báo đến từ cộng đồng kinh doanh-tài chính sẽ đẩy các chính trị gia theo hướng ngược lại. Chi tiêu phải bị cắt xuống đến mức, mà đồng thời thuế có thể giảm để tạo nhiều dư địa hơn cho đầu tư tư nhân, giúp sản xuất thăng tiến.

Kết quả của những áp lực mâu thuẫn nhau này sẽ là gì? Câu trả lời chân thật duy nhất là sự thú nhận: tôi không biết. Có lẽ sẽ khác nhau ở mỗi nước, phụ thuộc vào độ sâu của khủng hoảng, vào tỷ lệ của những người thắng và những kẻ thua, vào sự phân bố của các cử tri theo hai hướng thuần khiết, Hướng 1 hay Hướng 2, hay theo Hướng 3 dân túy hay theo Hướng 4 của các đảng và phong trào không nhất quán. Có lẽ sẽ có các nước may mắn nơi một chính khách lớn xuất hiện, đối mặt với các lựa chọn khắc nghiệt trong ngắn hạn mà không mất tầm nhìn lịch sử rộng và dài hạn. Và sẽ có các nước không may do các chính trị gia đã và đang bị lẫn lộn, bị lạc trong mê cung của những áp lực mâu thuẫn nhau, bị kẹt trong các cơ cấu quan liêu đông cứng, trì trệ và cứng nhắc. Tôi e rằng tôi phải kết thúc bài nói của mình với một dấu hỏi. Ai biết cái gì sắp xảy ra với Liberté, Égalité và Fraternité trong khu vực thắng lợi và bị rắc rối của chúng ta?


tải về 191.77 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương