ĐIỂm tin báo chí CÁc ngàY 01 04/01 VÀ SÁng ngàY 05/01/2014



tải về 61.99 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu12.01.2018
Kích61.99 Kb.
#35977

BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2014

ĐIỂM TIN BÁO CHÍ CÁC NGÀY 01 - 04/01 VÀ SÁNG NGÀY 05/01/2014

Trong các ngày 01 - 04/01 và đầu giờ sáng ngày 05/01/2014, một số báo đã có bài phản ánh những thông tin liên quan đến công tác tư pháp như sau:



I- THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Pháp luật Việt Nam điện tử có bài: Rút ngắn thời gian và thủ tục hành chính tư pháp. Bài báo phản ánh: Hành chính tư pháp (bao gồm hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) là những lĩnh vực liên quan trực tiếp, hàng ngày đến công việc của dân. Vì thế, việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực này rất được xem trọng.

Một trong những điểm nhấn của cải cách thủ tục hành chính (TTHC)  năm 2014 phải kể đến là việc Quốc hội đã thông qua Luật Hộ tịch với nhiều TTHC được cắt giảm. Cụ thể, từ 46 thủ tục hiện hành xuống chỉ còn 25 thủ tục và cắt giảm giấy tờ khi yêu cầu đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký hộ tịch, người dân được cấp trích lục hộ tịch theo yêu cầu. Luật cũng giao UBND cấp huyện đăng ký các việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ 14 tuổi trở lên, xác định lại dân tộc là nhằm bảo đảm sự chặt chẽ, khắc phục tình trạng lợi dụng việc đăng ký hộ tịch nhằm động cơ vụ lợi, hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước hoặc trục lợi; khắc phục sự chồng chéo, bất cập khi cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã) đều có thẩm quyền đăng ký hộ tịch như hiện nay; tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân khi yêu cầu đăng ký hộ tịch. 

Đối với thủ tục giữ quốc tịch: Theo Luật Quốc tịch sửa đổi và Nghị định 97/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam. 

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam thực hiện đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam. Trường hợp người yêu cầu xác định quốc tịch cư trú tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ không có cơ quan đại diện thì nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện kiêm nhiệm hoặc cơ quan đại diện nào thuận tiện nhất.

Trong lĩnh vực chứng thực, trước tình trạng quá tải bản sao ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố lớn, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 20/6/2014 về một số biện pháp chấn chỉnh tình hình lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện TTHC; đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị này. Theo đó, trường hợp nộp bản sao không có chứng thực và xuất trình kèm bản chính thì công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu bản sao với bản chính và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính mà không yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp bản sao có chứng thực.

Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực theo dõi.

2. Báo An ninh thủ đô có bài: Phải chấm dứt việc ban hành quyết định hành chính cẩu thả. Bài báo phản ánh: Đó là thông tin mà Người phát ngôn Bộ Tư pháp - ông Trần Tiến Dũng đưa ra, tại cuộc họp báo thường kỳ của bộ này. Theo Người phát ngôn Bộ Tư pháp, hiện Chính phủ đã có chỉ đạo và định hướng việc xây dựng dự thảo Luật Ban hành quyết định hành chính (QĐHC). 

Cụ thể, Luật Ban hành QĐHC sẽ góp phần kiểm soát chặt chẽ việc ban hành QĐHC nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý và tính khả thi cao. Khi đó, mỗi QĐHC được ban hành hay phải hủy bỏ, bãi bỏ hoặc thu hồi bắt buộc phải tuân theo trình tự, thủ tục nghiêm ngặt. Các quy định của Luật Ban hành QĐHC còn là cơ chế hữu hiệu để Quốc hội, HĐND giám sát các QĐHC của các cơ quan hành chính Nhà nước. Mặt khác, nhân dân cũng có thể tham gia vào quá trình giám sát, kiểm soát tính hợp pháp, hợp lý, khả thi của QĐHC.

Luật Ban hành QĐHC sẽ được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và sự công bằng, công khai, minh bạch trong quá trình ban hành QĐHC. Các quy định trong Luật Ban hành QĐHC còn bảo đảm sự gắn kết giữa việc ban hành với việc thực thi QĐHC, sự gắn kết giữa việc ban hành luật với thi hành luật, tăng tính pháp chế trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước… Đại diện Bộ Tư pháp khẳng định, Luật Ban hành QĐHC sẽ hạn chế tối đa, tiến tới chấm dứt việc ban hành QĐHC trái luật. Dự kiến, trong năm 2015, dự thảo Luật Ban hành QĐHC sẽ được Chính phủ hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét và thông qua.

Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Vụ Pháp luật hình sự - hành chính theo dõi.


3. Báo Tiền phong có bài: Tranh tụng triệt để sẽ giảm oan sai, bỏ lọt tội phạm. Bài báo phản ánh: Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp (CCTP) Trung ương vừa tổ chức họp phiên thứ 17 để nghe và cho ý kiến vào Dự thảo báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ CCTP năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng ban Chỉ đạo CCTP T.Ư chủ trì phiên họp.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo CCTP T.Ư, trong năm 2014 nhiều chủ trương, nhiệm vụ của CCTP đã được đưa vào nội dung các dự thảo sửa đổi luật. Năm 2015 tới đây sẽ sửa đổi nhiều luật quan trọng, trong đó dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đã nghiên cứu theo hướng, giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số tội phạm. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm…

Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân dẫn đến oan sai đầu tiên bắt nguồn từ khâu điều tra. “Lãnh đạo không bảo, không chỉ đạo nhưng anh em bên dưới vẫn làm những điều không đúng, để mong muốn sớm có kết luận điều tra dẫn đến oan sai”.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, CCTP trong những năm qua đã đạt kết quả rất rõ. Do đó, thời gian tới cần phải kiên trì tiếp tục thực hiện các cải cách cho phù hợp.



Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Viện Khoa học pháp lý, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính và Cục Bồi thường nhà nước theo dõi.

4. Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh có bài: Từ ngày 5-1-2015 lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Bài báo phản ánh: Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết địnhban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Quyết định nêu rõ, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) phải bám sát nội dung Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 và đây cũng phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện trong Quý I năm 2015. Nội dung lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) bao gồm: Quy định chung; Quyền sở hữu và các vật quyền khác; Nghĩa vụ và hợp đồng; Thừa kế; Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; Điều khoản thi hành; Kỹ thuật trình bày các quy định của Bộ luật dân sự.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức lấy ý kiến về các nội dung trên, đồng thời căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung lấy ý kiến liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của Bộ, ngành mình và những vấn đề mà Bộ, ngành quan tâm.

Việc lấy ý kiến được thông qua nhiều hình thức như góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và các hình thức phù hợp khác.

Thời gian lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 5/1/2015 và kết thúc vào ngày 5/4/2015. Sau thời hạn trên, tổ chức, cá nhân tiếp tục đóng góp ý kiến thì gửi đến Bộ Tư pháp trước ngày 20-9-2015 theo địa chỉ 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc qua hộp thư điện tử boluatdansu@moj.gov.vn. Bộ Tư pháp trình Chính phủ báo cáo kết quả trước 25/4/2015.

Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế theo dõi.

5. Báo Công an TP Hồ Chí Minh có bài: Kiến nghị hủy “Bản án tréo ngoe, khó thi hành”. Bài báo phản ánh: Báo CATP ra ngày 9-12-2014 có bài viết phản ánh tình cảnh bà Lê Thị Tám (SN 1947, ngụ Q.Tân Bình) hơn ba năm nay chờ đợi thi hành án (THA) để lấy lại số tiền bị lừa đảo. Thế nhưng chỉ vì một bản án dân sự “tréo ngoe” khác của TAND Q.Bình Tân với nhiều sai phạm nghiêm trọng, bà có nguy cơ trắng tay. Sau khi báo phản ánh, Chi cục THA dân sự Q.Bình Tân có công văn gửi Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND kiến nghị hủy bản án “tréo ngoe” nêu trên.

Như đã thông tin, ông Vũ Văn Đan (SN 1944, quê Bắc Ninh, tạm trú Q.Bình Tân) bị TAND thành phố tuyên phạt bảy năm tù giam về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài hình phạt tù, ông Đan phải bồi thường cho bà Lê Thị Tám 322 triệu đồng. Chi cục THA dân sự Q.Bình Tân đã ban hành QĐ 42/QĐ-CCTHA cưỡng chế, kê biên căn nhà 759/5/12 Hương lộ 2, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân để đảm bảo thi hành án. Người nhà của ông Đan tìm mọi cách ngăn cản, từ không hợp tác đến cung cấp tài sản khác không đủ điều kiện THA. Khi những chiêu trò trên không hiệu quả, bà Vũ Thị Lan (con gái ông Đan) lại lấy lý do đây là tài sản mình bỏ tiền ra mua nhưng cho ông Đan đứng tên để khởi kiện tranh chấp căn nhà với chính cha ruột mình.

Sau khi vụ việc được Báo CATP phản ánh, Chi cục THA dân sự Q.Bình Tân có công văn gửi Báo CATP khẳng định “Việc ông Đan không công nhận căn nhà và đất ở địa chỉ 759/5/12 Hương lộ 2, P. Bình Trị Đông A, Q. Bình Tân là hành vi trốn tránh nghĩa vụ THA đối với bà Tám” và bản án số 70/2013/DS-ST của TAND Q. Bình Tân là “Chưa xem xét đến quyết định số 42/QĐ-CCTHA ký ngày 5-7-2012 về cưỡng chế kê biên căn nhà và đất trên”.

Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Tổng cục Thi hành án dân sự theo dõi.

6. Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh có bài: Đồng Nai: Khó tìm người mua tài sản bán đấu giá. Bài báo phản ánh: Công tác thi hành án dân sự (THADS) còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn lớn nhất là việc bán đấu giá tài sản kê biên để đảm bảo THA.

  Vì có những tài sản phải đưa ra bán đấu giá 5-7 lần, thậm chí 10 lần nhưng vẫn không có người mua, làm cho tiến độ giải quyết việc án kéo dài, hiệu quả đạt được thấp, làm nảy sinh hiện tượng khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, tài sản kê biên để THA phần lớn là nhà ở và quyền sử dụng đất của các hộ gia đình nhưng số nhà và đất này lại đang nằm trong phần quy hoạch nên không thể kê biên được. Tại Hội nghị tổng kết công tác THA năm 2014 mới đây, Cục THADS tỉnh Đồng Nai cho biết như trên.

Theo thống kê, năm 2014 có hơn 30.000 việc án được thụ lý (trong đó số thụ lý mới hơn 19.000 việc). Năm 2014 tổng số tiền phải thi hành hơn 3.500 tỉ đồng, trong đó có hơn 1.900 tỉ đồng có điều kiện thi hành và thực tế đã thi hành xong hơn 1.342 tỉ đồng đạt 69%.

Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Tổng cục Thi hành án dân sự theo dõi.


7. Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh có bài: Luật sư còn bị cán bộ làm khó. Bài báo phản ánh: Không có quy định nào chế tài hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư nên luật sư cứ bị làm khó, người dân cũng bị thiệt lây.

Đâu đó vẫn còn nhiều cán bộ quan liêu, hạch sách, chậm trễ theo lối “dân cần, quan không vội”, làm khó LS… khiến người dân lẫn những LS tham gia công tác ngoài tố tụng không bằng lòng. Từng là LS (luật gia Nguyễn Thanh Lương nguyên là phó chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bến Tre, hiện là trưởng Văn phòng công chứng Mỏ Cày, Bến Tre - PV) cũng nhiều lần nhận thấy nếu không có sự can thiệp của báo chí, không có sự đấu tranh mạnh mẽ từ nhiều phía thì những tiêu cực của cán bộ khó được phanh phui để góp phần làm cho hoạt động của cơ quan công quyền được đúng pháp luật hơn.



Luật LS đã quy định: “…Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của LS…” nhưng thực tế lại không có quy định nào chế tài hành vi cản trở hoạt động hành nghề của LS. Do vậy, LS cứ bị làm khó mãi. LS chỉ còn cách khéo léo đối nhân xử thế, còn việc đơn từ khiếu nại là biện pháp bất khả kháng sau cùng...

Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Cục Bổ trợ tư pháp theo dõi, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế.

8. Báo Hải quan online có bài: Cần luật riêng. Bài báo phản ánh: Đánh giá mục tiêu chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa nhất quán, một báo cáo của VCCI gần đây cho thấy: Các chính sách hiện hành dường như tập trung hỗ trợ việc đăng ký kinh doanh, tạo điều kiện cho khởi nghiệp chứ chưa phải cho sự tăng trưởng của các DNNVV. Các chính sách ưu đãi cho các DN nhiều nhưng chưa giúp cho DN vượt qua cản trở do quy mô nhỏ gây ra.

Hiện nay, Bộ KH&ĐT đang đặt “viên gạch” đầu tiên khi chuẩn bị Đề án xây dựng một luật về DNNVV dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2015. Vào tháng 11-2014, Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) đã tổ chức hội thảo đề xuất các nội dung cơ bản cho Luật Hỗ trợ DNNVV.

Bà Phạm Thị Thu Hằng đưa ra quan điểm: Luật DNNVV sẽ đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế nhưng có những thiết chế riêng biệt để vực dậy nhóm DN có quy mô nhỏ này. Nói cách khác, cần xem xét lại hệ thống chính sách hỗ trợ DNNVV, tích hợp thành Luật DNNVV. Đây chính là cơ sở để Việt Nam có chiến lược trợ giúp DNNVV, thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân một cách cân đối, tăng tỷ lệ DN có quy mô vừa lớn tạo nên sự đột phá về chất lượng DN, hiệu quả kinh doanh.

Báo cáo của VCCI cho rằng: Cần thống nhất khuôn khổ pháp lý về chính sách phát triển DNNVV bằng luật Hỗ trợ DNNVV với mục tiêu không chỉ chú trọng tăng nhanh số lượng, quy mô mà tập trung hơn về cơ cấu hợp lý, chất lượng tăng trưởng bền vững, năng lực cạnh tranh thực chất của toàn bộ khu vực DN, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị kinh doanh phi chính thức chuyển thành pháp nhân DN và trợ giúp các DN nhỏ và siêu nhỏ có tiềm năng phát triển thành DN vừa và lớn thông qua mở rộng thị trường, hỗ trợ các DNNVV tham gia vào chuỗi cung ứng.

Trao đổi với phóng viên, TS Phạm Thế Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu DNNVV nhấn mạnh: Tốt nhất chúng ta nên học tập kinh nghiệm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Các nước này đều có Luật DNNVV. Bởi vì họ quan niệm khối lượng DNNVV chiếm đại đa số trong nền kinh tế, đóng vai trò rất lớn nên cần có luật riêng. Ông Hưng nhấn mạnh: Ngay trong công tác quản lý của Nhà nước, nếu có Luật cho DNNVV, việc quản lý sẽ lành mạnh, rõ ràng và công khai, tránh tình trạng quản lý không theo luật nào cả.

Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế theo dõi.

9. Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh có bài: Bình Phước: Án oan kéo dài 12 năm? Bài báo phản ánh: Đại diện đoàn luật sư tỉnh Bình Phước đã chỉ ra nhiều vụ án áp dụng pháp luật chưa đúng, có dấu hiệu oan bị kéo dài.


Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, vụ án của Hoàng Trọng Nghĩa (ngụ huyện Đồng Phú, Bình Phước) là một vụ án mà theo Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước là một điển hình có dấu hiệu bị oan kéo dài. Vụ án này đã kéo dài suốt 12 năm qua chưa kết thúc. Nghĩa bị khởi tố, truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tháng 4-2006, TAND tỉnh Bình Phước đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm nhưng hoãn phiên tòa. Sau đó tòa liên tục mở phiên xử rồi hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung với những lý do: Kết quả khám nghiệm và lời khai các nhân chứng còn nhiều mâu thuẫn. Chưa làm rõ anh Nghiệp bị thương tại vùng chẩm là do tác động vào vật gì. Biên bản khám nghiệm hiện trường không có xe máy của anh Lại là vi phạm nghiêm trọng tố tụng… Sau khi tòa án huyện được tăng thẩm quyền, vụ án được đưa về TAND huyện Đồng Phú giải quyết.

Điều đáng nói trong vụ án kéo dài này là hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã rất nhiều lần trả hồ sơ vụ án điều tra lại nhưng những vấn đề quan trọng vẫn chưa được làm rõ như ai đụng vào ai, nguyên nhân dẫn đến tai nạn, điểm đụng... VKS huyện luôn kháng nghị cho rằng tòa sơ thẩm “đánh giá chứng cứ phiến diện, không tôn trọng sự thật khách quan”… nhưng không chứng minh được hành vi phạm tội của Nghĩa.

Sau tai nạn giao thông, Nghĩa đã phải chữa trị chấn thương sọ não và điều trị bắt buộc tại BV Tâm thần Trung ương II (TP Biên Hòa, Đồng Nai). 12 năm Nghĩa vướng vào vòng tố tụng, gia đình Nghĩa cũng tan vỡ (vợ của Nghĩa đã nộp đơn xin ly hôn rồi đưa con về nhà ngoại ở). Ngoài ra Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước còn nêu lên một số vụ án khác có dấu hiệu oan. Chẳng hạn như một vụ mà Pháp Luật TP.HCM cũng từng phản ánh là vụ các ông Đặng Công Văn, Bùi Văn Quỳnh và bà Phạm Thị Hồng Vân thuộc Ban quản lý chợ Đồng Xoài.

Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Vụ Pháp luật hình sự - hành chính và Cục Bồi thường nhà nước theo dõi.

II- THÔNG TIN KHÁC


1. Báo Pháp luật Việt Nam điện tử có bài phản ánh: Từ 1/1/2015: 13 luật sẽ có hiệu lực thi hành, cụ thể gồm: Luật Việc làm; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Xây dựng; Luật Phá sản; Luật Đầu tư công; Luật Hải quan; Luật Công chứng; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều các luật về thuế; Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; Luật Hôn nhân và Gia đình.

2. Báo Đất Việt có bài: Cận trên 5 diop không được lái xe:Phòng trường hợp rơi kính. Bài báo phản ánh: Ông Lê Tuấn Đống cho biết: "Tôi đã tham khảo kỹ các quy định về tiêu chuẩn sức khoẻ của người lái xe ở Hiệp hội y tế Singapore, Anh, Pháp, Úc".


Liên quan đến Thông tư liên tịch quy định về tiêu chuẩn sức khoẻ của người lái xe, chiều ngày 31/12/2014, ông Lê Tuấn Đống, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: nếu cận mà đeo kính 5 diop khi bỏ ra chỉ nhìn thấy cài bàn tay trước mặt lờ mờ, còn cận 8 diop nếu mất kính thì sẽ không nhìn thấy gì nữa. Bởi vậy, những người lái xe kinh doanh vận tải nên kiểm tra sức khoẻ, nhất là thị lực để đảm bảo an toàn cho chính công việc mình đang làm.

Những người rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh lá cây hay còn gọi là mù màu không được lái xe máy. Những người liệt vận động một chi trở lên, gù, vẹo cột sống hoặc sử dụng các chất ma túy, hen phế quản, khớp giả... cũng không đủ điều kiện.



Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo dõi.

3. Báo Vnexpress có bài: Indonesia điều tra mọi hãng hàng không sau vụ rơi máy bay AirAsia. Bài báo đưa tin: Indonesia đang điều tra tất cả hãng hàng không để xác định liệu họ có vi phạm quy định bay hay không, sau khi phát hiện hãng AirAsia không được phép bay từ Surabaya đến Singapore vào ngày tai nạn.

AirAsia "rõ ràng" vi phạm quy định do không được phép bay từ Surabaya đến Singapore vào ngày xảy ra tai nạn, theo Djoko Murjatmodjo, người đứng đầu cơ quan vận tải hàng không thuộc Bộ Giao thông Vận tải Indonesia cho biết. ."Chúng tôi đang điều tra tất cả hãng hàng không khác để kiểm tra xem có vi phạm tương tự hay không", Bloomberg dẫn lời ông Murjatmodjo nói. "Các hãng có trách nhiệm phải tuân thủ những quy định chúng tôi đặt ra".

Máy bay QZ8501 chở 162 người của hãng AirAsia hôm 28/12 rơi xuống biển Java khi trên đường từ Surabaya đến Singapore. Bộ giao thông vận tải Indonesia cho biết AirAsia chỉ được phép bay chặng trên vào các ngày thứ hai, thứ ba, thứ năm và thứ bảy nhưng hãng vẫn tiến hành bay vào chủ nhật, ngày xảy ra thảm họa QZ8501.

Trên đây là thông tin báo chí trong các ngày 01 - 04/01 và đầu giờ sáng ngày 05/01/2014, Văn phòng Bộ xin báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo./.



Nơi nhận:

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- Các Thứ trưởng (để báo cáo);

- Lưu: LTQHCC.



VĂN PHÒNG BỘ





Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 61.99 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương