ĐIỂm báo thông tin về quảng bình qua báo chí trong ngàY


Làng bánh tráng tất bật vào vụ Tết



tải về 270.59 Kb.
trang5/10
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích270.59 Kb.
#18142
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

2. Làng bánh tráng tất bật vào vụ Tết


(Baoquangbinh.vn 6/2, tác giả Phạm Hà)



Bánh được người dân phơi đầy các ngõ ngách của làng
Xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch nổi tiếng với làng bánh tráng Tân An. Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, làng bánh tráng Tân An bắt đầu vào vụ làm bánh lớn nhất trong năm để phục vụ Tết Nguyên đán 2015.
Ngày thường chỉ có một vài lò đỏ lửa thường xuyên, nhưng những tháng cuối năm, trong làng có hơn 200 lò đỏ lửa suốt ngày đêm mới có thể sản xuất đủ lượng bánh giao cho khách đặt hàng.
Không ai biết chính xác nghề làm bánh tráng ở Tân An có từ khi nào. Theo những vị cao niên trong xã, nghề này đã có cách đây mấy trăm năm. Mới đầu chỉ có vài hộ làm bánh. Sau đó, do chất lượng bánh ngon, các tỉnh lân cận như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế... tìm đến mua và xuất khẩu cả sang Lào nên các lò bánh ngày càng mọc lên nhiều và phát triển mạnh.
Đến Tân An vào những ngày này sẽ thấy không khí Tết dường như đến sớm hơn. Từ hai tháng trước tết, nhà nhà đã tất bật đắp lò, đan vĩ, làm giàn phơi bánh. Những ngày này, hàng trăm lò bánh tráng ở đây hoạt động hết công suất, lượng đặt hàng nhiều nên các hộ dân bắt đầu nổi lửa từ lúc 12 giờ đêm tới chiều tối ngày hôm sau; mỗi ngày, các lò phải tráng hàng ngàn chiếc bánh mới đủ số lượng giao cho khách hàng. Tuy vất vả, nhưng mọi người luôn vui vẻ, nhà nào cũng đỏ lửa, nhân công làm việc luôn tay, lượng sản phẩm làm ra gấp mười lần so với ngày thường, vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Trong những ngày này, lò bánh của ông Nguyễn Văn Xuyên có ít nhất 3 đến 4 người làm, người lo củi lửa, phơi sấy, người tráng bánh. Bình thường, nhà ông chỉ tráng chừng 1-2 tạ gạo/tháng, nhưng trong 3 tháng Tết, mỗi tháng phải làm đến 4-5 tạ, với khoảng 300 cái bánh khổ lớn, 500 bánh khổ nhỏ/ngày. Bánh khổ to hay nhỏ tùy khách hàng lựa chọn.
Ông Xuyên cho biết: Năm nay thời tiết thuận lợi, trời nắng nên bà con tranh thủ làm nhiều. Bánh ở đây được làm bằng loại gạo dẻo, thơm và không pha bột mì, nên sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ ngay đến đó. Bánh tráng Tân An hiện có mặt ở nhiều tỉnhvà được khách hàng đánh giá cao.
Sát cạnh nhà ông Xuyên, nhà bà Nguyễn Thị Đông cũng tất bật lo bánh Tết. Gia đình bà có thâm niên gần 20 năm làm bánh. Bà cho biết, trước đây có các con phụ giúp nên bà còn có chút thảnh thơi, giờ các con lấy chồng lấy vợ nên đến vụ bánh tết bà lại tất bật dậy từ khuya tới tối hôm sau để tráng bánh.
Theo bà Đông, để có chiếc bánh tráng ngon, người làm bánh phải hội đủ các kỹ thuật từ hấp, sấy cho đến quá trình phơi. Gỡ bánh cũng là một nghệ thuật, muốn chiếc bánh nguyên vẹn, không cong vênh, người phơi phải biết canh nắng để gỡ cho đúng lúc, sau đó xếp lại thành chục, rồi chằn cho phẳng mặt, trước khi giao hàng. Chính vì vậy dù trải qua bao thế hệ, bánh tráng Tân An hôm nay vẫn giữ nguyên hương vị đặc trưng.
Những dụng cụ cần có để làm bánh tráng ở Tân An chẳng khác gì so với những nơi khác. Vẫn là một chiếc lò đắp đất hoặc xây bằng gạch với 3 phần liên thông, một phần để đưa củi, nhóm lửa, phần kia là chiếc nồi nước lớn có căng lớp vải mỏng bên trên để tráng bánh và phần cuối cùng là ống khói. Cùng với đó là chiếc gáo tráng bột, chiếc đũa vớt bánh và những chiếc vĩ được đan bằng tre để phơi bánh ngoài nắng. Nguyên liệu chính làm bánh tráng là gạo tẻ ngâm rồi đem xay, sau đó lọc đi nước chua và pha với nước sao cho vừa, không loãng cũng không đặc quá. Để bánh thêm dai và không bị rách, cần pha thêm một chút muối với tỷ lệ hợp lý.
Ngoài ra, lửa cho lò tráng bánh cũng phải chú ý, không được lớn, chỉ được để liu riu mà thôi, tay tráng bánh phải nhanh, đều thì bánh mới tròn, mỏng. Để có được những chiếc bánh ngon, quan trọng là công đoạn chọn gạo và xay bột, phải chọn gạo ngon, xay bột phải thật mịn thì bánh mới dai và dẻo... Bánh tráng Tân An được ưa chuộng bởi chiếc bánh mịn đều, dẻo thơm, đặc biệt là rất đều, trăm chiếc như một.
Thời điểm hiện nay, bình quân một hộ tráng khoảng gần 1.000 bánh mỗi ngày. Điều này cho thấy, làng nghề bánh tráng Tân An đang trên đà phát triển. Tết năm nay, các đầu mối khắp nơi trong và ngoài huyện đặt hàng tăng cao hơn so với năm trước, do giá cả nguyên liệu đều tăng nên giá bán ra có cao hơn chút đỉnh nhưng thị trường vẫn hút hàng, nhà nào cũng tranh thủ huy động mọi thành viên, làm việc cật lực không kể giờ giấc, nhiều hộ phải thuê thêm người làm mới đủ sản phẩm giao cho khách hàng.
Trước kia, các hộ làm bánh tráng chủ yếu làm thủ công, phơi nắng mặt trời nên khi trời không nắng, người dân không thể làm bánh. Mấy năm nay, nhiều hộ làm bánh ở Tân An đã đầu tư lò sấy, tận dụng hơi nóng của lò tráng để sấy bánh. Nhờ vậy năng suất làm bánh tăng cao, tiết kiệm nhiên liệu; bánh lại thơm, chất lượng bánh được cải thiện đáng kể.
Không chỉ giúp cho nhiều hộ dân có thêm nguồn thu nhập, xóa đói giảm nghèo, làng nghề bánh tráng Tân An còn góp phần gìn giữ nghề truyền thống cha ông để lại. Về đầu trang

http://baoquangbinh.vn/kinh-te/201502/lang-banh-trang-tat-bat-vao-vu-tet-2122546/

3. Thực phẩm sạch cho dịp Tết Ất Mùi năm 2015: Bao giờ cung mới gặp cầu?


(Baoquangbinh.vn 6/2, tác giả Mai Nhân)



Cửa hàng giới thiệu sản phẩm rau an toàn nam Bảo Ninh tại chợ Đồng Phú (TP.Đồng Hới) đành chuyển sang các mục đích kinh doanh khác
Thực phẩm sạch ở đây được hiểu là thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, quy trình sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường và thậm chí là sản phẩm được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn quốc gia…
Có một thực tế khá mâu thuẫn đang diễn ra hiện nay đối với quy luật cung-cầu thực phẩm sạch cho dịp Tết Ất Mùi năm 2015 tại tỉnh ta, đó là: trong khi nhu cầu về thực phẩm sạch từ rau, củ, quả cho đến gia cầm, thủy sản của người dân ngày càng tăng cao, thì không ít sản phẩm sạch vẫn không tìm được thị trường tiêu thụ và phải chấp nhận xuất kho với giá thành ngang bằng hoặc thấp hơn các sản phẩm trôi nổi, không rõ xuất xứ trên thị trường.
Mô hình sản xuất gà sạch của gia đình anh Đặng Văn Châu (Đức Thị, Đức Ninh, Tiền Phong Đồng Hới) xuất chuồng hơn 1.500 con trong dịp Tết Ất Mùi. Anh Đặng Văn Châu chia sẻ, năm nay số lượng gà tiêu thụ ít hơn, bởi có năm con số này lên tới hơn 2.000 con.
Bắt đầu nuôi gà theo hướng an toàn sinh học từ năm 2012, vận dụng kiến thức của một cán bộ Hội Nông dân Thành phố Đồng Hới, ngay từ khâu chọn giống anh đã lấy ở các cơ sở uy tín của Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT). Quy trình nuôi gà được khép kín hoàn toàn và sử dụng các giải pháp khoa học, hiệu quả, an toàn để xử lý về chuồng trại, máng chăm sóc, sử dụng nước sạch, thức ăn, vắc xin, vitamin, khoáng chất nâng cao thể trạng gà.
Đặc biệt, chuồng trại của anh được đầu tư hệ thống xử lý chất thải, hầm biogas và đệm lót chuồng bằng men sinh học, vỏ trấu. Mỗi năm, anh xuất chuồng từ 10.000-12.000 con gà. Tuy nhiên, điều đáng nói là để tiêu thụ hết số gà, anh chủ yếu dựa vào các thương lái đến lấy tại nhà theo giá của gà thường và khi bán lại lẫn lộn với các sản phẩm gà không rõ nguồn gốc khác. Khâu tuyên truyền sản phẩm chưa có kinh phí để đầu tư, cộng thêm chưa có thương hiệu, nhãn hiệu, khiến gà sạch của anh Đặng Văn Châu ít được biết đến và khi đến tay người tiêu dùng thì khó tạo được niềm tin, uy tín.
Đó cũng là một trong những lý do khiến anh chần chừ chưa mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư lớn hơn cho quy trình sản xuất gà sạch khép kín của mình. Dịp Tết Ất Mùi năm 2015, mặc dù biết nhu cầu gà sạch trong người dân là rất lớn, anh Châu vẫn không dám mạnh tay nuôi nhiều. Hiện nay, để khắc phục khó khăn, anh đang tìm hiểu cách thức đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm của mình để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Sản phẩm sạch chưa có thương hiệu, nhãn hiệu khó giải quyết khâu đầu ra là điều dễ hiểu, nhưng đối với sản phẩm đã có chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap như các loại rau, củ, quả của dự án Rau an toàn nam Bảo Ninh (Công ty TNHH THXD Nhật Lệ) mà vẫn chật vật tìm thị trường tiêu thụ ngay cả trong dịp Tết thì quả là một thực tế khó lý giải.
Chị Trần Thị Ánh Nguyệt, Phụ trách Dự án, cho biết, cửa hàng giới thiệu sản phẩm rau an toàn nam Bảo Ninh tại chợ Đồng Phú mới khai trương đầu năm 2014 đã phải đóng cửa sau chưa đầy 5 tháng kinh doanh bởi người tiêu dùng không mặn mà với sản phẩm rau sạch. Thực tế cho thấy, một phần vì giá rau sạch cao hơn so với giá rau tại các chợ, nhưng phần đa là bởi nhận thức của người dân đối với các sản phẩm sạch vẫn còn ở mức thấp.
Hiện tại, rau, củ, quả sạch của Công ty chấp nhận bán cho thương lái theo giá thị trường, tiêu thụ theo rau trôi nổi và hầu như phải bù lỗ cho chi phí nhân công, chăm sóc, giống... Chỉ một phần nhỏ sản lượng được tiêu thụ manh mún theo đúng chuẩn “sản phẩm sạch-người tiêu dùng yên tâm” cho các khách hàng công tác tại một số ngân hàng, sở, ban, ngành trong tỉnh.

Với diện tích hơn 2 ha, các sản phẩm rau sạch được trồng ở đây rất đa dạng về chủng loại: hành, cà rốt, đậu cove, mướp đắng, cà chua, dưa hấu..., đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, như: nước tưới tiêu, sử dụng phân ủ theo quy trình, không sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng vi sinh học được chỉ định...


Còn nhớ năm 2012, Công ty TNHH THXD Nhật Lệ đạt mục tiêu nâng diện tích trồng rau sạch lên 7 ha, nhưng nay, sau hơn 2 năm, quy mô vẫn không thể mở rộng hơn. Chị Trần Thị Ánh Nguyệt chia sẻ thêm, vào dịp cận Tết, nhu cầu rau, củ, quả sạch tăng hơn 50% đối với một số mặt hàng. Nhưng, vì thị trường tiêu thụ bấp bênh, thiếu ổn định, trong khi cơ sở hạ tầng, quy mô, diện tích sản xuất cũng chưa đủ điều kiện đầu tư nhiều và nhất là rau, củ, quả dù tươi đến mấy cũng không thể bảo quản dài ngày chờ tìm khách hàng, cho nên, Công ty cũng chỉ có thể cung cấp các mặt hàng theo như ngày thường, không có sự mạo hiểm thay đổi về sản lượng cụ thể.
Để giải quyết mâu thuẫn giữa cung-cầu trong sản phẩm sạch không chỉ trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới mà trong tương lai, ông Mai Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, cần xây dựng một chuỗi liên kết về sản phẩm sạch ở tỉnh ta, từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ, đặc biệt chú trọng ở khâu tuyên truyền, quảng bá. Để thực hiện được chuỗi liên kết này, cần có sự tham gia của một doanh nghiệp đủ tiềm lực và sự hỗ trợ, giám sát, kiểm tra chất lượng chặt chẽ từ cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉnh ta vẫn chưa có một doanh nghiệp có thể “bao thầu” hiệu quả chuỗi liên kết này, bởi không chỉ cần nguồn vốn đầu tư lớn mà còn cả nguồn nhân lực chất lượng cao, trang bị cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật theo đúng tiêu chuẩn. Tỉnh ta đã có sản phẩm rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGap và một số mô hình chăn nuôi sản xuất theo hướng VietGap trước đây được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hỗ trợ xây dựng. Do đó, vấn đề mấu chốt đặt ra hiện nay trong quá trình hình thành chuỗi liên kết chính là đẩy mạnh khâu tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm.
Bên cạnh việc doanh nghiệp, nhà sản xuất tự đầu tư vào khâu này, việc chung tay hỗ trợ tích cực hơn từ các cơ quan chức năng liên quan cũng rất quan trọng, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Về đầu trang

http://baoquangbinh.vn/kinh-te/201502/thuc-pham-sach-cho-dip-tet-at-mui-nam-2015-bao-gio-cung-moi-gap-cau-2122539/


tải về 270.59 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương