BẢn tin phục vụ LÃnh đẠo ngày 15 tháng



tải về 118.41 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích118.41 Kb.
#35713

BẢN TIN PHỤC VỤ LÃNH ĐẠO

(Ngày 15 tháng 01 năm 2015)


CHÍNH SÁCH MỚI 2

  1. Thủ tướng chỉ đạo xử lý cán bộ sách nhiễu dân 2

  2. Hoạt động xây dựng không phải “đợi” văn bản dưới luật 2

  3. Đưa tiếng dân tộc Thái vào Chương trình dạy học 3

CHỈ THỊ MỚI 3

  1. Nâng cấp hệ thống đê sông đồng bộ, hiệu quả 3

TƯ DUY – CÁCH LÀM MỚI 4

  1. Hiệu quả từ mô hình “Triển lãm và giới thiệu sách” ở Hậu Giang 4

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN 5

  1. Để những cánh tay nối dài thực sự hiệu quả 5

  2. Cần có cơ chế “kỷ luật thép” để không còn văn bản “trên trời” 6

QUẢN LÝ 7

  1. Hàng loạt luật chưa có hướng dẫn 7

  2. Bí mật giám sát hoạt động của Cảnh sát giao thông 8

  3. Hơn 6 triệu giấy phép lái xe bằng vật liệu PET đã được cấp 9

  4. Nhiều tồn tại trong quản lý và bảo vệ môi trường 9

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH 10

  1. Tích cực triển khai kê khai và nộp thuế điện tử 10

  2. Quảng Ninh: Không tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hành chính tại các bộ phận 11

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH 11

  1. Ngành Thuế đưa giải pháp thực hiện dự toán thu ngân sách năm 2015 11

PHÁP LUẬT 13

  1. Kỷ luật hàng loạt cán bộ liên quan sự cố mất điện ở Sân bay Tân Sơn Nhất 13

  2. Bình Phước: Khởi tố cán bộ quản lý thị trường đánh luật sư 13

TIN THẾ GIỚI 14

  1. Năm 2015, Québec sẽ xét xử các quan chức chính quyền vì tham nhũng 14

  2. Liban: Triển khai chiến dịch lớn chống tham nhũng đất đai 14



CHÍNH SÁCH MỚI

Thủ tướng chỉ đạo xử lý cán bộ sách nhiễu dân


Chính phủ vừa ban hành Nghị định 04/2015 quy định thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan, Nghị định 04 quy định rõ người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm.
Xử lý cán bộ sách nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức; chỉ đạo việc bố trí nơi tiếp dân, thực hiện việc tiếp dân và tổ chức hòm thư góp ý. Đồng thời, phải thông báo để công dân, tổ chức của địa phương biết và tham gia đóng góp ý kiến đối với những chương trình, dự án có liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; cử người có trách nhiệm gặp và giải quyết công việc có liên quan khi công dân, tổ chức có yêu cầu theo quy định của pháp luật… (Motthegioi.vn 14/1) Về đầu trang

Hoạt động xây dựng không phải “đợi” văn bản dưới luật


Để đảm bảo các hoạt động đầu tư xây dựng không bị gián đoạn trong khi chờ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng 2014, Bộ Xây dựng đã ban hành Công văn 3482/BXD-HĐXD về việc thực hiện Luật Xây dựng.
Các nội dung của công văn này có hiệu lực thực hiện từ ngày 1/1/2015 cho đến khi văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực.
Theo đó, đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước được quyết định đầu tư sau ngày 1/1/2015, căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, UBND cấp tỉnh có thể giao cho các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành trực tiếp quản lý Ban quản lý Dự án chuyên ngành, Ban quản lý Dự án khu vực do mình quyết định thành lập. Các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm khẩn trương kiện toàn, sắp xếp hoặc thành lập các Ban quản lý Dự án chuyên ngành hoặc Ban quản lý Dự án khu vực theo quy định của Luật Xây dựng 2014 để quản lý đối với các Dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Dự án được phê duyệt sau ngày 1/1/2015 thì điều chỉnh nội dung phù hợp với quy định tại Điều 54, Điều 55 của Luật Xây dựng 2014 trước khi trình thẩm định, phê duyệt. Công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo và các công trình xây dựng có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất) chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật theo quy định tại Điều 55 của Luật Xây dựng 2014.
Liên quan đến cấp phép xây dựng, Công văn của Bộ Xây dựng nêu rõ, những công trình được miễn giấy phép xây dựng quy định tại Khoản 2 Điều 89 của Luật Xây dựng 2014; việc cấp giấy phép xây dựng được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng 2014 và quy định của Nghị định số 64/2012/NĐ-CP và Thông tư số 10/2012/TT-BXD. (Kinh Tế & Đô Thị 14/1) Về đầu trang

Đưa tiếng dân tộc Thái vào Chương trình dạy học


Bộ GD&ĐT vừa ra Thông tư ban hành Chương trình tiếng Thái cấp Tiểu học số 46/2014/TT-BGDĐT.
Chương trình tiếng Thái cấp tiểu học là môn học tự chọn và là cơ sở để biên soạn sách giáo khoa và tổ chức dạy học tiếng Thái cho học sinh dân tộc Thái ở cấp Tiểu học.
Mục đích của Chương trình là để hình thành và phát triển ở học sinh các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Thái trên cơ sở âm vần và thực hành giao tiếp văn bản, góp phần rèn luyện các thao tác tư duy, giúp học sinh tốt các môn văn hóa trong trường học. Đồng thời, cung cấp cho học sinh những kiến thức đơn giản về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp tiếng Thái thông qua thực hành ngôn ngữ, đáp ứng yêu cầu rèn luyện kỹ năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Thái.
Chương trình sẽ mở rộng hiểu viết về con người, cuộc sống, truyền thống của dân tộc Thái và các dân tộc khác ở Việt Nam. Qua đó, hình thành thái độ học tập tiếng Thái một cách tích cực và bồi dưỡng tình yêu tiếng mẹ đẻ, góp phần bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Thái.
Thông tư này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 9/2. (Giao Thông 14/1) Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Nâng cấp hệ thống đê sông đồng bộ, hiệu quả


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương có liên quan thực hiện Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020 đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.
Chương trình củng cố, nâng cấp đê sông đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg. Để tiếp tục triển khai Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020 đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương có liên quan thực hiện Chương trình nâng cấp đê sông đến năm 2020 theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tăng cường quản lý về quy hoạch, kỹ thuật để đảm bảo việc củng cố, nâng cấp đê điều phù hợp với quy hoạch chung, theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn và hiệu quả.
Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá cụ thể hiện trạng các trọng điểm đê điều xung yếu, sắp xếp các hạng mục cần ưu tiên, dự kiến nhu cầu kinh phí đầu tư giai đoạn tới gửi Bộ KH&ĐT để làm căn cứ cân đối, bố trí kinh phí xử lý dứt điểm các trọng điểm xung yếu, đảm bảo an toàn đê điều.
Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính tiếp tục ưu tiên cân đối, bố trí kinh phí hàng năm cho Bộ NN&PTNT và các địa phương để thực hiện các dự án thuộc Chương trình theo quy định. UBND các tỉnh, thành phố có đê thuộc phạm vi Chương trình rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các hạng mục, Dự án đầu tư trên địa bàn; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn, hàng năm phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, trong đó tập trung đầu tư củng cố các đoạn, tuyến đê xung yếu, xóa dần các trọng điểm đê điều xung yếu, đảm bảo chủ động phòng chống lũ, bão. (Báo Chính Phủ Điện Tử 13/1) Về đầu trang

TƯ DUY – CÁCH LÀM MỚI

Hiệu quả từ mô hình “Triển lãm và giới thiệu sách” ở Hậu Giang


Thời gian qua, Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Văn Quy (huyện Châu Thành) đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao hoạt động của thư viện. Trong đó, đáng chú ý nhất là thực hiện hiệu quả mô hình “Triển lãm và giới thiệu sách”.
Mô hình “Triển lãm và giới thiệu sách” được trường THCS Nguyễn Văn Quy thực hiện dưới hình thức như một Hội thi, mỗi năm tổ chức một lần. Theo đó, mỗi lớp sẽ trưng bày tối thiểu 35 quyển sách, bao gồm các loại sách cũ và mới, tùy theo điều kiện của học sinh và giới thiệu về một quyển sách.
Điều đặc biệt của mô hình này là hình thức trưng bày triển lãm sách phong phú, đặc sắc, vừa hiệu quả, vừa tạo khung cảnh đẹp mắt, mới lạ, thu hút học sinh, giáo viên đến tham quan. Đồng thời, phần giới thiệu về một quyển sách luôn được các em học sinh chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Sau khi “Triển lãm và giới thiệu sách” tất cả sách được tặng lại cho thư viện của trường. Nhờ đó, số lượng sách trong thư viện của trường tăng lên đáng kể, đến nay đã có hơn 5.900 quyển.
Thông qua các hoạt động được tổ chức trong “Triển lãm và giới thiệu sách”, các giáo viên của trường đã tuyên truyền đến các em học sinh về tầm quan trọng của việc đọc sách, nhằm giáo dục và nâng cao văn hóa đọc trong nhà trường. Đồng thời, Triển lãm cũng tạo sân chơi lành mạnh, rèn luyện kỹ năng trình bày, giới thiệu về một quyển sách trước đám đông cho các em học sinh, từ đó giúp các em mạnh dạn và tự tin hơn trong giao tiếp. (Báo Hậu Giang 14/1) Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Để những cánh tay nối dài thực sự hiệu quả


Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã tỏ ý không hài lòng về việc có một số vị Chủ tịch tỉnh, thành phố kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông địa phương đã không tham dự cuộc họp trực tuyến triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2015 vào hôm 13/1.
Một cuộc họp có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm mục tiêu kéo giảm các chỉ tiêu về tai nạn giao thông mà tác động rõ ràng của nó là sẽ cứu thêm hàng trăm mạng người thoát khỏi lưỡi hái tử thần một năm, lẽ ra cần được sự quan tâm đặc biệt, cần có sự đóng góp trí tuệ, tâm sức nhiều hơn của những người có chức trách và các chuyên gia. Trong trăm công ngàn việc, hẳn không có việc nào quan trọng hơn là việc liên quan đến sinh mạng người dân!
Sự việc này cũng cho thấy, nhiệm vụ kéo giảm tai nạn giao thông trong năm 2015 sẽ là một thách thức không nhỏ, nhất là ở những nơi mà công tác đảm bảo an toàn giao thông chưa thực sự được coi là nhiệm vụ cấp bách của chính quyền, các cơ quan chức năng của địa phương. Nhìn lại một năm qua, có thể nói, mặc dù còn nhiều điều lo ngại nhưng công tác kéo giảm tai nạn giao thông đã có được những thành tựu đáng ghi nhận.
Đáng nói là sự thành công của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đến thời điểm này vẫn chỉ dừng lại ở cấp Trung ương. Những cánh tay nối dài của cơ quan này, tức các Ban An toàn giao thông địa phương lại dường như chưa thực sự phát huy hiệu quả. Mặc dù hiện bộ máy Ban An toàn giao thông các địa phương đã cơ bản được kiện toàn, trong đó, 100% Chủ tịch tỉnh là Trưởng Ban. 56/63 Ban An toàn giao thông địa phương đã có quy chế hoạt động.
Tuy nhiên, mới chỉ có 25 tỉnh, thành phố có số cán bộ, công chức đạt tối thiểu 5 người, tại nhiều địa phương, biên chế hành chính bố trí cán bộ chuyên trách không đáp ứng yêu cầu công việc. Thậm chí như tỉnh Cao Bằng không có cán bộ chuyên trách. 3 tỉnh, thành phố gồm Đà Nẵng, Kon Tum, Quảng Bình đến nay vẫn chỉ có một cán bộ chuyên trách…
Đặc biệt, hoạt động của Ban An toàn giao thông ở nhiều địa phương mới chỉ mang tính hình thức, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thành viên của Ban An toàn giao thông. Tương tự, ở nhiều địa phương, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự An toàn giao thông đang còn rất thụ động, hưởng ứng một cách hời hợt các kế hoạch hành động triển khai từ trung ương, chưa có chiều sâu, chưa phù hợp các đối tượng đặc biệt đối với thanh niên, người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Đã đến lúc Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phải truyền được sức mạnh của mình đến các Ban An toàn giao thông địa phương, giúp các cơ quan này thể hiện vai trò nòng cốt của mình, không chỉ tham mưu đắc lực mà còn tổ chức triển khai hiệu quả các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông, để những cách làm hay được thực sự nhân rộng và phát huy sức mạnh tổng lực. (Sài Gòn Giải Phóng 14/1) Về đầu trang

Cần có cơ chế “kỷ luật thép” để không còn văn bản “trên trời”


Trong suốt một thời gian dài, người dân nhiều phen tá hỏa với những quy định phi thực tế như “trên trời rơi xuống”. Con số 634 (chiếm 1/6 trong 3.887 văn bản do Bộ ngành, địa phương ban hành) bị “tuýt còi” với 5 cán bộ bị “xử” vừa được công bố khiến dư luận băn khoăn.
Câu hỏi đặt ra, không khó để thống kê những văn bản “trời ơi đất hỡi” như vậy, nhưng lại rất khó để tìm thấy một cơ quan, đơn vị hay một công chức bị xử lý nghiêm khắc dù quy định về trách nhiệm đã được nêu rõ. “Chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất” đã và đang trở thành cách gọi chua chát mà dư luận dành cho những văn bản ban hành kiểu “trời ơi đất hỡi”.
Khi được phóng viên tham vấn về câu chuyện xử lý cán bộ ban hành văn bản “trên trời”, ông Đỗ Văn Ân – nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ đã phải thốt lên: “Thật không thể tin nổi có trên 600 văn bản ban hành trái căn cứ, thể thức. Như vậy, trung bình một ngày gần 2 văn bản ban hành sai”.
Theo ông Ân, điều này cho thấy năng lực, trình độ của không ít cán bộ, người làm luật rất yếu kém. Những văn bản phi thực tế, khiến dư luận bức xúc này là sản phẩm của những người làm luật ngồi “trên trời”, ngồi trong phòng lạnh, mà ngồi phòng lạnh thì làm sao gần dân, sát dân.
Theo quan điểm của nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, số văn bản trái luật trong năm vừa qua là quá lớn nên việc “hồi tố” để xử lý trách nhiệm những văn bản này là cần thiết bởi nó gây thiệt hại cho người dân, sai đến đâu phải dứt điểm sửa đến đó. Việc hồi tố các văn bản này có thể khó khăn, nhưng nếu quyết tâm bảo vệ đến cùng quyền lợi, lợi ích của nhân dân vẫn có thể làm được.
Trong khi đó, cũng trao đổi với phóng viên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền - nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng cho hay, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng xuất hiện những văn bản trái luật, trái thẩm quyền, thiếu thực tế do trình độ của người xây dựng. Qua những văn bản “trên trời” như vậy phản ánh sự xa rời thực tế, không sát cơ sở, không sát dân. Người dân hoàn toàn có thể nghi ngờ, những văn bản đó được ban hành để phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích ngành nhằm cản trở đến quyền lợi, lợi ích của người dân.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng đã thẳng thắn khi cho rằng, đối với những cán bộ không đáp ứng được ý chí, nguyện vọng của nhân dân có thể cho nghỉ việc, chứ không nên để họ vẫn ngồi giữ ghế. Theo ông, để làm được điều này thì Luật Công chức, cán bộ cần sửa đổi theo hướng điều kiện như thế nào cán bộ, công chức mắc sai sẽ bị sa thải, như thế mới nâng cao được tránh nhiệm của cán bộ. Một văn bản ban hành ra mà trái pháp luật sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng, cả đất nước, nhân dân phải chịu hậu quả do cá nhân, một nhóm người gây ra. Bởi vậy, cần xử lý thật nghiêm, và cần thiết phải bồi thường, xin lỗi nếu người xây dựng, ban hành văn bản gây thiệt hại, tổn thất cho cá nhân, xã hội. (Nguoiduatin.vn 14/1) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Hàng loạt luật chưa có hướng dẫn


Đến thời điểm này, dù hàng loạt luật mà Quốc hội đã thông qua đã có hiệu lực thi hành nhưng các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư hướng dẫn vẫn chưa được ban hành. Điều này khiến cơ quan thực thi gặp khó trong việc triển khai.
Ví dụ như Luật Hải quan 2014. Hiện tại, nhiều Cục Hải quan địa phương, trong đó có TPHCM đang gặp vướng mắc với khoản 2, điều 35 của Luật này.
Điều khoản này quy định “hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành phải được lưu giữ tại cửa khẩu cho đến khi thông quan. Trường hợp quy định của pháp luật cho phép đưa hàng hóa về địa điểm khác để tiến hành việc kiểm tra chuyên ngành hoặc chủ hàng hóa có yêu cầu đưa hàng hóa về bảo quản thì địa điểm lưu giữ phải đáp ứng điều kiện về giám sát hải quan và hàng hóa đó chịu sự giám sát của cơ quan hải quan cho đến khi được thông quan”.
Cho đến thời điểm này, theo ông Vũ Việt Tiến - Trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TPHCM, vẫn chưa có các hướng dẫn cụ thể về địa điểm lưu giữ hàng hóa, ví dụ như cấp nào của cơ quan hải quan có quyền xác nhận về điều kiện kiểm tra; giám sát hải quan như thế nào trong kho của doanh nghiệp… Vì vậy, cán bộ Hải quan không biết để thực hiện.
Hay như Luật thuế giá trị gia tăng mới được sửa đổi. Ông Nguyễn Hữu Toàn - Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục Hải quan TPHCM thông tin, từ 1/1/2015, các nhóm mặt hàng là phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác đã không phải chịu thuế giá trị gia tăng (giảm từ 5% trước đó xuống 0%). Tuy nhiên, cơ quan Hải quan rất phân vân bởi đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp bao gồm những gì.
Tương tự, các hướng dẫn cho Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Tài nguyên, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt… sửa đổi (gộp chung trong Luật số 71/2014/QH13 – Luật sửa đổi, bổ sung một số điều các luật về thuế) đến thời điểm này vẫn chưa có. (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn 13/1) Về đầu trang

Bí mật giám sát hoạt động của Cảnh sát giao thông


Đó là khẳng định của Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an tại Hội nghị trực tuyến về an toàn giao thông, diễn ra ở Hà Nội sáng 13/1.
Theo đó, trong năm 2015, thông qua các hoạt động cả công khai lẫn bí mật, Bộ Công an sẽ tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng Cảnh sát giao thông, đặc biệt là liên quan tới quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của Cảnh sát giao thông ở ngoài đường.
“Các hoạt động có dấu hiệu vi phạm như dừng xe không đúng quy định, dừng xe không kiểm soát hoặc kiểm soát qua loa, đứng chốt thường xuyên một chỗ, kiểm tra quá nhiều xe tại một chỗ... sẽ bị xử lý nghiêm”, Thượng tướng Vương thông tin.
Theo thứ trưởng Bộ Công an, việc kiểm soát và phát hiện vi phạm sẽ được thông báo bằng văn bản tới Giám đốc Công an các địa phương để những người đứng đầu lực lượng này tại địa phương đó trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo xử lý dứt điểm. Tới đây, ngoài việc các Trưởng, Phó phòng Cảnh sát giao thông thì Phó Giám đốc Công an địa phương phụ trách phải thường xuyên ra đường kiểm tra hoạt động của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông. “Ra để xem có khó khăn, thuận lợi gì, khen kịp thời, chê kịp thời, có biện pháp xử lý kịp thời”, ông Vương nói.
Thượng tướng Lê Quý Vương cũng cho hay, Bộ Công an đang nghiên cứu để hướng tới ứng dụng khoa học kỹ thuật trong xử lý vi phạm, trong đó có việc xử phạt vi phạm thông qua tài khoản để đảm bảo có hiệu quả. (Tuổi Trẻ 14/1) Về đầu trang

Hơn 6 triệu giấy phép lái xe bằng vật liệu PET đã được cấp


Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong năm 2014, thực hiện Chương trình chuyển đổi giấy phép lái xe bằng vật liệu PET, đến nay, toàn quốc đã cấp, hơn 6 triệu giấy phép lái xe, đạt 67% kế hoạch đề ra.
Cụ thể, Theo Tổng cục Đường bộ, về việc quản lý phương tiện, người lái trong năm 2014 tiếp tục được tăng cường, Tổng cục đã nghiên cứu, thí điểm triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với công tác đổi giấy phép lái xe tại Tổng cục (thực hiện từ tháng 12/2014); phối hợp với Công ty Elcom sản xuất lắp đặt thiết bị sát hạch lái xe trên đường lên xe ô tô sát hạch và thiết bị sát hạch lái xe mô tô hạng A2; xây dựng, sửa đổi phần mềm sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A2...
Đặc biệt, thực hiện Chương trình chuyển đổi giấy phép lái xe bằng vật liệu PET, Tổng cục đã chỉ đạo các Sở GTVT khẩn trương tổ chức triển khai. Đến nay, toàn quốc đã cấp, đổi hơn 6 triệu giấy phép lái xe.
Về công tác quản lý tải trọng xe, Tổng cục đã thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Bộ trưởng; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT, Bộ Công an, các địa phương đồng loạt triển khai công tác kiểm soát tải trọng trên toàn quốc. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra hoạt động của các trạm; kịp thời giải đáp, xử lý những vướng mắc trong chỉ đạo, điều hành kiểm soát trọng tải xe... (Antt.vn 14/1) Về đầu trang

Nhiều tồn tại trong quản lý và bảo vệ môi trường


Chế tài xử lý các hành vi vi phạm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn chưa đủ sức răn đe nên một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ xả thải trực tiếp ra môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: Trong năm 2014, có 63/63 tỉnh, thành phố thực hiện việc thu phí môi trường đối với nước thải. Riêng đối với phí bảo vệ môi trường nước thải Khu công nghiệp thu được khoảng 46,8 tỷ đồng. Đồng thời, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 42 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 7 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, hiện nay, cả nước mới chỉ có 148/194 Khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải mới chỉ xử lý được khoảng 60% lượng nước thải phát sinh, lượng còn lại một phần do các cơ sở tự xử lý, một phần được xả trực tiếp ra môi trường.
Theo ông Hoàng Dương Tùng-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường: "Vẫn còn nhiều tồn tại trong quản lý và bảo vệ môi trường ở một số Khu kinh tế, Khu công nghiệp. Bên cạnh đó, việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường và thực hiện các quy định quản lý chất thải tại các Khu công nghiệp còn nhiều khó khăn, chậm tiến độ".
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Môi trường (C49), qua 7 năm hoạt động (2006- 2013) đã xử lý 43.300 vụ vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường và an toàn thực phẩm, trong đó, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 1.023 vụ đối với 1.895 đối tượng. Tuy nhiên, số vụ xử lý hình sự chiếm chưa tới 2% tổng số vụ vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường và an toàn thực phẩm bị phát hiện và xử lý trong 7 năm.
Ông Nguyễn Hoàng Phượng - Trung tâm Con người và Thiên nhiên nhận định: Việc giám sát thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường chưa nghiêm dẫn đến nhiều trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện nửa vời, như đóng tiền phạt nhưng không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Theo ông Tùng, hiện cả nước có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất nên vẫn chưa thể kiểm soát hết vấn đề gây ô nhiễm môi trường, trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra vẫn còn hạn chế. Để nâng cao công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, ông Tùng cho rằng, Nghị định 179 về xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường đang được sửa đổi sẽ nâng mức xử phạt đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường gấp nhiều lần. (Hải Quan 14/1) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Tích cực triển khai kê khai và nộp thuế điện tử


Năm 2014, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, Bộ Tài chính và ngành Thuế đã đẩy mạnh công tác cải cách, hiện đại quản lý thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Tính đến ngày 22/12/2014, cả nước đã có 462.391 doanh nghiệp kê khai qua mạng, đạt 94,8%. Trong đó, nhiều địa phương đạt được kết quả cao như: Tỉnh Bắc Ninh, đạt hơn 98%, Quảng Ninh đạt 98%, TPHCM đạt 97,67%, Vĩnh Phúc đạt 95,7% doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng.
Việc triển khai hệ thống khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử góp phần giảm tình trạng quá tải, áp lực cho các cơ quan Thuế cũng như doanh nghiệp mỗi khi đến kỳ hạn nộp hồ sơ khai thuế. Giảm thời gian, nhân lực tiếp nhận tờ khai, đặc biệt là giảm rất nhiều chi phí cho việc lưu trữ hồ sơ khai thuế cũng như tìm kiếm thông tin. Phần lớn thời gian đã được dành để phân tích kê khai, đôn đốc kê khai thuế, chất lượng công tác kê khai được nâng lên rõ rệt; chất lượng thông tin kê khai cũng được cải thiện đáng kể.
Với việc triển khai nộp thuế qua các ngân hàng thương mại, cả nước đã có 11.924 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế, với số thuế thu được là 7.932 tỷ đồng. (Báo Chính Phủ Điện Tử 13/1) Về đầu trang

Quảng Ninh: Không tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hành chính tại các bộ phận


UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản gửi các Sở, Ban, ngành, địa phương về việc thực hiện tuân thủ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và triển khai công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, địa phương cần thực hiện nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác cải cách hành chính thuộc ngành, địa phương quản lý; thực hiện công bố, áp dụng, đánh giá nội bộ và thực hiện các biện pháp khắc phục sau đánh giá mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng theo đúng quy định của Chính phủ, đảm bảo hoàn thành công bố áp dụng trong năm 2015.
Chủ động xây dựng kế hoạch cải cách hành chính và tổ chức triển khai có hiệu quả tại cơ quan, đơn vị, có báo cáo đầy đủ, kịp thời. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc tuân thủ áp dụng trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương, qua đó kịp thời phát hiện những tồn tại và đề xuất xử lý; thực hiện đầy đủ các tiêu chí về tổ chức và hoạt động của bộ phận một cửa; chi trả phụ cấp cho cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận này theo quy định của Bộ Tài chính và của tỉnh. (Qtv.vn 13/1) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Ngành Thuế đưa giải pháp thực hiện dự toán thu ngân sách năm 2015


Năm 2015 dự toán thu ngân sách mà Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao cho ngành Thuế là 731.600 tỷ đồng, trong đó thu dầu thô 93.000 tỷ đồng, thu nội địa 638.600 tỷ đồng, số thu nội địa không kể tiền sử dụng đất 599.600 tỷ đồng.
Do vậy, để phấn đấu đến cuối năm 2015 hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tại văn bản hướng dẫn Cục Thuế các tỉnh, thành phố triển khai dự toán thu ngân sách năm 2015, Tổng cục Thuế đã nhấn mạnh một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện ngay từ những ngày đầu năm.
Trước hết, tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu vững chắc, lâu dài cho ngân sách Nhà nước.
Trong công tác chỉ đạo điều hành, cần theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu và dự báo thu hàng tháng, hàng quý sát đúng với thực tế phát sinh. Đồng thời, xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, kiến nghị với UBND chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế thực hiện.
Cùng với đó, tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các luật thuế mới trên cơ sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng; công khai tại trụ sở cơ quan thuế các cấp, trên trang thông tin điện tử ngành thuế để người nộp thuế nắm bắt kịp thời về chính sách, thủ tục hành chính thuế và giám sát việc thực thi pháp luật của công chức thuế.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác chống thất thu ngân sách, tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, doanh nghiệp hoàn thuế giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu qua đường biên giới đất liền, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, doanh nghiệp có hoạt động liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, trò chơi điện tử hay có phát sinh thuế nhà thầu; phấn đấu hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế năm 2015 đạt tối thiểu 14,65% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động thuộc diện quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra 100% hồ sơ sau hoàn đối với doanh nghiệp có số thuế hoàn lớn.
Một nhiệm vụ trọng tâm khác nữa là tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng, thu hồi đầy đủ số tiền hoàn thuế bị gian lận vào ngân sách Nhà nước. (Báo Chính Phủ Điện Tử 13/1) Về đầu trang

PHÁP LUẬT

Kỷ luật hàng loạt cán bộ liên quan sự cố mất điện ở Sân bay Tân Sơn Nhất


Bộ GTVT và Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam vừa ban hành các Quyết định cách chức, khiển trách các lãnh đạo và cán bộ hàng không vì sự cố mất điện uy hiếp an toàn hoạt động bay tại Sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký hai quyết định kỷ luật mức “khiển trách” đối với ông Nguyễn Văn Thăng - thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam và ông Đỗ Quang Việt - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam. Hai người này được xác định có trách nhiệm liên quan.
Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cũng đã ban hành hàng loạt văn bản kỷ luật lao động đối với các cán bộ, nhân viên có liên quan. Trong đó ông Đỗ Hoàng Điệp - Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam bị “khiển trách”, sắp xếp công việc khác. Tương tự, ông Trần Công - Phó Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam bị “khiển trách”, sắp xếp công việc khác; “khiển trách” ông Phùng Minh Tân - Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Quản lý bay miền Nam; 4 người khác là Trưởng, phó và kỹ thuật Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận - Tại sân cũng bị áp dụng hình thức kỷ luật “khiển trách”.
Ít nhất, 11 người là lãnh đạo, nhân viên thuộc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, Công ty Quản lý bay miền Nam cũng bị phê bình nghiêm khắc. (Thanh Niên 14/1) Về đầu trang

Bình Phước: Khởi tố cán bộ quản lý thị trường đánh luật sư


Ngày 13/1, Công an thị xã Đồng Xoài ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Cao Tấn Cường - cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước (SN 1990, trú thị xã Đồng Xoài) do có hành vi dùng tay đánh luật sư Dương Vĩnh Tuyến (SN 1971, cùng ở Đồng Xoài), gây thương tích 11%.
Trước đó, chiều 14/10/2014, luật sư Tuyến được một số người bạn mời đến quán karaoke Bóng Trăng (phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài). Khi vừa đến nơi, một xe ôtô mang biển số 61P–0994 từ trong bãi giữ xe của karaoke Bóng Trăng lùi ra suýt va chạm xe máy của luật sư Tuyến. Luật sư Tuyến có nói: “Lui xe sao kỳ quá” rồi điều khiển xe gắn máy của mình vào bãi gửi. Trong lúc đang treo mũ bảo hiểm lên xe máy, Cường từ trong xe ô tô lao đến, đánh đấm túi bụi vào luật sư Tuyến.
Hành hung xong, Cường cùng nhóm người trên xe định bỏ đi thì bị luật sư Tuyến cùng người dân chặn xe và trình báo vụ việc lên Công an phường Tân Bình. (Petrotimes.vn 14/1) Về đầu trang

TIN THẾ GIỚI

Năm 2015, Québec sẽ xét xử các quan chức chính quyền vì tham nhũng


Dự kiến, trong năm 2015, ngành tư pháp Québec (Canada) sẽ đưa ra xét xử những vụ bê bối tham nhũng liên quan đến quan chức đứng đầu chính quyền các cấp.
Gilles Vaillancourt-cựu Thị trưởng thành phố Laval, bị bắt giữ từ năm 2013, sẽ bị đưa ra xét xử cùng với 36 đồng phạm vào tháng 4, với những cáo buộc liên quan đến tham nhũng, hối lộ có tổ chức.
Michael Applebaum - cựu Thị trưởng (tạm quyền trong năm 2013) TP Montréal, bị cáo buộc với 14 tội danh, trong đó có tội danh tham nhũng, biển thủ liên quan đến 2 Dự án bất động sản. Cựu quan tham này sẽ bị đưa ra xét xử vào tháng 6/2015.
Richard Marcotte-cựu Thị trưởng thành phố Mascouche sẽ bị đưa ra xét xử vào nửa cuối năm 2015, với 17 cáo buộc, trong đó có những cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn... (Thanh Tra 14/1) Về đầu trang

Liban: Triển khai chiến dịch lớn chống tham nhũng đất đai


Bộ Tài chính Liban vừa quyết định triển khai một chiến dịch “bàn tay sạch” lớn nhất từ trước đến nay nhằm chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, một trong những lĩnh vực bi đát nhất hiện nay ở Liban vì nạn tham nhũng.
Bắt đầu từ năm 2015, có rất nhiều Bộ, ngành ở Liban triển khai những chiến dịch “bàn tay sạch” nhằm thanh lọc nội bộ của mình, trong đó có chiến dịch của Bộ Y tế Liban, với mong muốn tăng cường an toàn thực phẩm. Cùng tiếp sức trong cuộc chiến chống tham nhũng đó, Bộ Tài chính cũng mong muốn chiến dịch “bàn tay sạch” của mình sẽ loại bỏ những “mỏ vàng của Alibaba”, ám chỉ đến tệ nạn tham nhũng đang vơ vét nguồn tài nguyên đất đai của đất nước để về làm giàu cho một bộ phận quan tham của nước này.
Ở Liban hiện nay, tình trạng tham nhũng đất đai đang cực kỳ nghiêm trọng, đẩy đến hệ quả là việc có trong tay tờ giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai đối với người dân Liban như là một điều kỳ diệu mà họ có nằm mơ cũng khó có được. Cũng vì thế mà Bộ Tài chính kỳ vọng, chiến dịch này sẽ “rửa sạch” những vết nhơ vốn tồn tại trong suốt nhiều thập niên qua tại một trong những lĩnh vực bê bối nhất Liban, lĩnh vực đất đai.
Bộ Tài chính Liban cho biết, sẽ kiên quyết thu hồi cho đến mét vuông cuối cùng số đất đai mà Liban đã bị mất từ trước đến nay, cũng như cảnh cáo những người có hành vi tham nhũng đừng có “mơ tưởng” đến bất kỳ sự “bảo kê” nào nhằm thoát tội.
Ali Hassan Khalil- Bộ trưởng Tài chính Liban khẳng định, những gì Bộ Tài chính nói là sẽ làm, không nói suông. Minh chứng cho điều này, tính đến nay, Bộ Tài chính đã chuyển ít nhất 55 công chức có hành vi tham nhũng đất đai sang Viện Kiểm sát truy tố và xử ý. Đồng thời, số tiền bị tham nhũng, thất thoát đã được thu hồi về cho ngân sách Liban cũng được gần 45 triệu USD. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang nỗ lực phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan nhằm thu hồi triệt để số diện tích đất sai phạm đã bị phát hiện. (Thanh Tra 14/1) Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG






tải về 118.41 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương