ĐIỂm báo thông tin về quảng bình qua báo chí trong ngàY


​11. “Đẹp, không thể tả xiết!”



tải về 270.59 Kb.
trang10/10
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích270.59 Kb.
#18142
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

​11. “Đẹp, không thể tả xiết!”


(Tuổi Trẻ 6/2, tr10+11, tác giả Huy Tường)
Sáng 25/1, mọi vật dụng, hành lý đã được vận chuyển tới Hồ Khanh homestay từ sớm. Hồ Khanh là người đầu tiên tìm ra Sơn Đoòng vào năm 1990...
Hồ Khanh homestay là một ngôi nhà kiểu truyền thống ở vùng Phong Nha, nổi bật vì nhiều chi tiết gỗ khắc bằng tay được thực hiện bởi chính chủ nhân vốn là một thợ mộc lành nghề, cũng nằm bên bờ sông Son.
Đây đã trở thành nơi lui tới của nhiều khách nước ngoài, không phải chỉ để ở mà còn để nghe những câu chuyện của Hồ Khanh, người sinh ra, lớn lên và gắn bó với rừng núi Phong Nha - Kẻ Bàng này. Hồ Khanh homestay cũng là trạm trung chuyển hành lý. Sân trước nhộn nhịp với gần 30 anh em porter thoăn thoắt kiểm tra hành lý.
Mỗi người một bao hàng là chiếc bao thức ăn gia súc cũ được chế thành một chiếc balô to đùng. Đặt lên cân, có bao nặng tới gần 50kg. Cả nhóm của NatGeo lẫn tôi đều lắc đầu le lưỡi. Trong khi chúng tôi được khuyến cáo chỉ mang một balô chứa máy ảnh cá nhân, nước uống... cho bản thân chỉ vài ký để đảm bảo đi đến nơi về đến chốn cho một chuyến đi hơn 50km đường rừng trong năm ngày thì các porter như cõng theo... một người trên lưng!
Tiếng nói, tiếng cười, khói thuốc, tiếng màn trập máy ảnh, tiếng chim sáng sớm, tiếng trẻ em từ trường học nằm gần đấy, tiếng thuyền máy chở khách tới động Phong Nha... Tất cả tạo nên một không gian sống động của vùng làng quê vốn sống nhờ nghề nông, nay đang cố gắng phát triển du lịch một cách bền vững.
Tất cả hành lý được chất lên chiếc xe tải đang chờ bên đường. Người lái chuyến xe tải này tên Toàn, cũng là một porter. Mười năm về trước, Toàn vốn hành nghề chụp ảnh lưu niệm trong hang Phong Nha. Nhưng rồi nghề nhiếp ảnh ngày được ngày không, khó mà nuôi gia đình với một vợ hai con nhỏ, anh bỏ nghề đi học lái xe tải.
Đúng lúc ấy, Oxalis ra đời, Toàn trở thành porter cho Oxalis kiêm lái xe. Anh đã vào Sơn Đoòng nhiều lần, trong đó có ba lần vào cùng với những đoàn làm phim từ Nhật, Đức và Ý.
Tôi háo hức hỏi Sơn Đoòng như thế nào, anh cười bảo: “Đẹp lắm em ạ! Anh đi không biết bao nhiêu lần rồi mà lần nào vào cũng thấy nó đẹp. Mỗi lần thấy một vẻ đẹp khác nhau, không từ nào tả xiết. Chỉ có vào đấy rồi mới cảm nhận được”.
Hành lý được chuẩn bị xong thì anh em porter vào một chiếc xe buýt và xuất phát. Tiếp đến là xe 16 chỗ chở nhóm của NatGeo cùng chúng tôi. Chuyến vào Sơn Đoòng này gồm 30 porter, bảy người của nhóm Martin, tôi, vợ chồng ông Howard, rồi John và Geraldine cùng hai chuyên gia về an toàn đến từ Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh.
John và Geraldine đều là bạn thân của Howard từ năm 20 tuổi. Cả hai hiện nay đã định cư tại Tasmania (Úc) được 16 năm. Họ đều là những người đã có mặt trong đoàn thám hiểm đầu tiên khảo sát hang Sơn Đoòng. Chuyến này họ trở lại với Sơn Đoòng lần thứ ba.
Lời của anh Toàn nói với tôi đã được chứng thực bởi một đôi vợ chồng lần thứ ba vào Sơn Đoòng: “Đẹp lắm. Mỗi lần đi vào là thấy một vẻ đẹp khác nhau”!
Chiếc xe 16 chỗ rẽ vào vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đi men theo những rặng núi hùng vĩ. Là một di sản thiên nhiên thế giới, Phong Nha - Kẻ Bàng đang được bảo vệ khắt khe. Rừng cây nhiệt đới trải dài bạt ngàn xanh ngắt một vùng trời khiến ai cũng phải trầm trồ. Giữa màu xanh bạt ngàn ấy, thấp thoáng vách núi đá vôi thẳng đứng ẩn chứa những bí mật của tạo hóa.
Đến một sườn núi, hết đường đi, xe dừng lại và thả chúng tôi xuống. Từ đây chúng tôi đi theo con đường đất xuống núi. Hoa ngọc lan mùa này đang nở rộ, hương thơm ngào ngạt một góc rừng.
Một nửa đường xuống chân núi, chúng tôi dừng chân tại hai tảng đá lớn. Ở đây có thể nghe tiếng chim ríu rít vang rừng. Đây là nơi đầu tiên đoàn NatGeo dừng lại, không phải để chụp hình mà là để... thu âm tiếng chim. Cả đoàn nhẹ nhàng đi xuống, nhường lại sự tĩnh lặng và tiếng chim cho ba người thu âm. Sự yên tĩnh tôn lên tiếng chim hót, tiếng gió thổi nghe như tiếng rì rầm của rừng...
Con đường đất tiếp tục dẫn chúng tôi xuống chân núi. Gần chân núi, con suối nhỏ bắc ngang, mang theo dòng nước róc rách từ trên núi xuống. Đây là con suối đầu tiên, là một trong vô vàn suối và sông mà chúng tôi phải băng qua trên chuyến đi này. Suối, sỏi, đá, rừng cây, tiếng chim, gió, tất cả hòa quyện lại tạo thành một không gian đặc trưng của núi rừng nhiệt đới. Đây là nơi bức ảnh 360 đầu tiên được chụp, mô tả rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, điều kiện thiên nhiên đã góp phần tạo nên hệ thống hang động đa dạng.
Từ con suối ấy, chúng tôi đi dọc theo nó trong khoảng nửa tiếng để đến bản Đoòng, một ngôi làng nhỏ lúp xúp mươi mái nhà nằm giữa rừng núi hoang sơ. Hai bên đường, giữa những lùm cây xanh tươi, hàng tre đầy sức sống, vẫn còn đó dấu vết của mùa lụt trước. Thân cây mục bị cuốn trôi, ngã rạp. Đất đá, lau sậy bị vướng trên những cành cây vẫn còn đấy. Mùa lụt chẳng ai vào được bản Đoòng và cũng chẳng ai ra được khỏi bản.
Trên đường vào bản, Howard chỉ những cây cao nói rằng vào mùa lụt lớn như năm 2010, cả làng phải leo lên tới trên đỉnh cây để né lụt. May mắn thay, năm 2014 lụt nhẹ, mùa màng không bị tàn phá nặng.
Sau khi ghé vào chào ông trưởng bản Đoòng Nguyễn Sỹ Kiều (hay còn gọi là bọ Tòa), chúng tôi tiếp tục hành trình đến hang Én - điểm dừng chân đầu tiên của chuyến đi. Đoạn đường tới hang Én khá bằng phẳng, chỉ phải lội qua sông trên dưới 20 lần.
Mùa này nước sông chỉ ngập tới gối. Vào tầm giữa trưa, chúng tôi vừa băng qua sông thì nhìn thấy tấm giấy bạt với những bánh mì, xúc xích, phômai, quýt, lê, chuối, bánh quy được bày biện gọn gàng.
Ba anh porter đã đến đây từ khi nào để chuẩn bị bữa trưa cho cả đoàn. Kẹp ổ bánh mì với một miếng phômai, một cây xúc xích Vissan và vài miếng dưa leo, cà chua, bữa trưa giữa rừng núi ngon miệng kỳ lạ.
Trong lúc mọi người ăn trưa thì đoàn của Martin băng qua sông. Họ muốn chụp 360 ở khúc sông này. Sông đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành các hang động đá vôi. Vì vậy hình ảnh về con sông là một phần không thể thiếu. Đồng thời Martin bảo đấy cũng để giúp người đọc hiểu hơn về hành trình đến với Sơn Đoòng - một hành trình với đôi chân luôn luôn ướt.
Vừa nhìn thấy bóng Howard ngoài cửa, bọ Tòa niềm nở chạy ra tay bắt mặt mừng. Ông vẫn nói bằng tiếng Việt trong khi khách nói tiếng Anh, thế mà hình như ai cũng hiểu nhau.
Bọ Tòa hỏi Howard: “Bà Đẹp đâu rồi?”. Hóa ra dân bản Đoòng gọi bà Deb, vợ Howard, là bà “Đẹp”.
Đôi vợ chồng người Anh này như đã bám rễ tại vùng đất này. Câu chuyện tiếp theo của vợ chồng Howard với bọ Tòa là về cuộc sống của người dân bản Đoòng.
Đang trong hưng phấn, bọ Tòa hãnh diện khoe rằng ông đã xin và được chính quyền hứa mai mốt đưa giáo viên tiếng Anh về bản dạy cho bọn trẻ để giao tiếp với người nước ngoài, vốn đang ngày càng đổ về đây đông đảo. Về đầu trang

12. Bản Rục thay “áo mới” nhờ có các anh


(Pháp Luật Việt Nam 6/2, tr18, tác giả Phùng Hiền – Nga Sơn)
Giữa tiết xuân se lạnh, chúng tôi tìm về miền bưng biền Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), nơi có bản Ón, bản Mò O Ồ Ồ của người Rục - một dân tôc ít người từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Khác với những lần trước, con đường đưa chúng tôi vào bản giờ dễ đi hơn nhiều. Không còn cảnh người đẩy xe leo dốc lầy lội vì con đường đã được đổ bê tông khang trang, hai bên là những ngôi nhà gỗ mọc lên san sát.
“Em yêu trường em, với bao bạn thân... ”, tiếng hát của cô, trò Trường Mầm non số 2 Thượng Hóa ngân vang giữa núi rừng trùng điệp báo hiệu một buổi học mới đã bắt đầu.
Nói về “cái chữ” thì bà con đồng bào Rục ở đây ai cũng coi cô giáo Thái Thị Kim Liên là người mẹ hiền thứ hai của lũ trẻ. Cô đã lặn lội cùng các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 585 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) gõ cửa từng nhà, vận động già làng, trưởng bản rồi đến từng hộ dân để các em đến được trường.
Nhớ về thời điểm khó khăn này, cô giáo Liên chia sẻ: “Có rất ít nhà đồng ý cho con em đi học, nhưng do chúng tôi kiên trì vận động nên sau ngày khai trường, nhiều phụ huynh đã thay đổi ý định và xin cho con em họ vào lớp. Có học sinh rồi, chúng tôi lại vất vả trong việc xếp lớp thế nào cho đúng bởi phần lớn trẻ em chưa có giấy khai sinh, không biết các em ở độ tuổi nào. Chúng tôi lại phối hợp với Bộ đội Biên phòng hướng dẫn cho bà con làm thủ tục khai sinh cho con em họ. Nhờ đó mà hiện nay đã có 100% trẻ em đồng bào Rục được khai sinh và đến trường đúng độ tuổi. Không ít trong số này đã học xong phổ thông trung học, rồi được đi đào tạo cán bộ nguồn để về phục vụ địa phương.”
Đi cùng đoàn cán bộ của Công ty Phát triển nhà Hạ Long và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội để đến các gia đình trong bản để thăm, tặng quà, chúng tôi thấy bà con ai ai cũng háo hức, vui mừng. Tâm sự với chúng tôi, Đại úy Lê Ngọc Trung Kiên – Phòng Chính trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội , nói: “Tôi cũng như các thành viên trong đoàn rất xúc động khi thấy những món quà nhỏ bé của đơn vị đã giúp bà con có cái tết ấm áp hơn. Nhất định sau đợt trao quà này, chúng tôi sẽ có nhiều hoạt động trợ giúp cho cộng đồng người Rục hơn nữa. Trước mắt là tiếp tục hành trình “Đưa con nước về bản” nhằm hỗ trợ công cụ sản xuất giúp cộng đồng người Rục thoát nghèo, ổn định đời sống để có điều kiện bảo tồn.”
Để tìm hiểu thêm về câu chuyện xóa đói giảm nghèo ở bản Ón, chúng tôi quyết định vào thăm một ngôi nhà ở cuối bản. Tuy nằm trên núi cao nhưng trước mặt ngôi nhà có một vườn rau xanh mướt, ống nước, đường điện dẫn thẳng vào sân trước. Thấy khách hỏi thăm, chủ nhà – ông Cao Xuân Mìu – chỉ vào mấy bao thóc để giữa nhà nói: “Ngày trước, chúng tôi khổ lắm, chỉ biết đến củ mì, củ khoai mà may mắn thì mới đủ ăn chứ thường thì đói lắm. Từ khi có bộ đội biên phòng mang cái ruộng về bản, bà con mới có gạo ăn hàng ngày. Cũng nhờ bộ đội mà chúng tôi được dùng nước sạch, được ở nhà như thế này, con cháu chúng tôi được đến trường để học con chữ.”
Giới thiệu thêm với chúng tôi, Thượng tá Bùi Văn Tiến – Đồn trưởng Đồn Biên phòng 585 – cho biết: “Đơn vị vừa phối hợp với UBND huyện Minh Hóa hỗ trợ 80 triệu đồng để bà con sản xuất lúa 2 vụ tại Rục Làn. Cán bộ, chiến sỹ lực lượng bộ đội biên phòng cùng với đoàn viên thanh niên trong xã Thượng Hóa đóng góp hàng nghìn ngày công giúp bà con sản xuất vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu”. Bằng sự nỗ lực, chung sức đồng lòng quân – dân nên vụ lúa vừa qua đã thắng lớn, thu hoạch 35 tạ/ha.
Nói về bí quyết giúp dân, Thượng tá Bùi Văn Tiến cho biết thêm: “Để người dân ở đây thay đổi tập quán canh tác, chuyển sang trồng lúa nước là điều không đơn giản. Ngoài việc phải hiểu phong tục của bà con, rồi làm lễ xuống đồng thì chúng tôi còn phải lội xuống tận ruộng, cầm tay bà con để chỉ dạy họ cách gieo mạ, cấy lúa... mà không quản ngại vất vả, nắng mưa”.
Không chỉ dạy bà con làm lúa nước, bộ đội biên phòng ở đây còn là thầy giáo, thầy thuốc của bản. Được biết, trong năm 2014 vừa qua, các bác sỹ “quân hàm xanh” ở đây đã khám, chữa bệnh cho hơn 300 lượt người, cấp thuốc miễn phí thường xuyên cho các bản Ón, Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp... Rồi cán bộ, chiến sỹ đến từng nhà để hướng dẫn bà con cách chống rét, cách phòng dịch bệnh cho người, cho gia súc, gia cầm. Thượng tá Trần Xuân Hường – Chính trị viên Đồn Biên phòng 585 bộc bạch: “Trên địa bàn chúng tôi phụ trách thì đồng bào người dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Rục, Khơ-me, Gia-rai có đời sống còn rất khó khăn, tồn tại nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu. Cùng với việc bảo vệ đường biên thì chúng tôi xác định, phải bằng mọi cách giúp đồng bào nơi đây phát triển kinh tế, thoát nghèo, có điều kiện ổn định đời sống để bảo tồn giống nói”.
Đồng hành cùng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội về với đồng bào người Rục lần này, đại diện Công ty Phát triển nhà Hạ Long, ông Mai Văn Nam – Phó Giám đốc Công ty – chia sẻ: “Với mong muốn chia sẻ những khó khăn với bà con đồng bào vùng cao biên giới thì sau đợt tặng quà này, Công ty sẽ tiếp tục vận động cán bộ công nhân viên ủng hộ để giúp bà con những vật dụng có ý nghĩa thiết thực nhất”.
Với những tấm lòng trên, chắc chắn tình cảm quân – dân trên địa bàn biên giới nơi đây sẽ ngày càng khăng khít và phát huy hiệu quả, bền vững, góp phần bảo vệ biên cương, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn biên giới phía Tây Tổ quốc. Về đầu trang

IV. An ninh – Quốc phòng

1. Mang gần nửa tạ pháo đi bán


(Thanh Niên Online 5/2, tác giả Trương Quang Nam; Giáo Dục & Thời Đại Online 5/2, tác giả Vĩnh Quý; An Ninh Thủ Đô 6/2, tr2)



Số pháo tang vật Công an huyện Bố Trạch thu giữ
Sáng nay 5/2, Công an huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã bắt 1 người mang 46,2 kg pháo các loại đi tiêu thụ.
Theo thông tin ban đầu, sau quá trình trinh sát mật phục, lực lượng công an huyện đã bắt quả tang Hoàng Hải Định (34 tuổi, ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) vận chuyển số pháo nói trên đi bán ở xã Hải Trạch.
Tại cơ quan công an, Định khai đã mua gom pháo từ nhiều người khác nhau rồi mang đi bán lấy tiền chênh lệch. Công an huyện Bố Trạch đang hoàn tất hồ sơ tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Về đầu trang

http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/mang-gan-nua-ta-phao-di-ban-531779.html

2. Bắt nhóm đối tượng chuyên trộm cắp tại các chợ


(ANTV – Bản tin Thời sự 120s lúc 20h ngày 3/2)
Nhóm đối tượng gồm Nguyễn Thị Lãnh và Nguyễn Thị Hồng (Quảng Trị). Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận: chúng thường đi xe máy tới các chợ rồi giả vờ mua hàng với số lượng lớn, lợi dụng lúc đông người, chủ hàng mất cảnh giác, chúng nhanh chóng đánh tráo và lấy cắp hàng hóa, tiền mặt. Bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã thực hiện rất nhiều vụ trộm cắp ở các chợ gây bức xúc, lo lắng cho nhân dân. Về đầu trang
Mời xem chi tiết tại clip:

https://www.youtube.com/watch?v=GjC1-eYO6sY&index=1&list=PL_qYDK-jQXX_cEQ_MKis9nvgWX3cWSUzw

3. Dừng tuyến xe buýt vì tài xế liên tục bị hành hung


(Thanh Niên 6/2, tr5, tác giả Trương Quang Nam)
Ngày 5/2, ông Nguyễn Văn Ánh - Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại và du lịch Ngọc Ánh, cho biết đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Bình và các cơ quan chức năng địa phương xin tạm ngừng hoạt động tuyến xe buýt Đồng Hới - Phong Nha (huyện Bố Trạch) trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày 3/2, để xử lý vụ việc và đảm bảo an toàn tính mạng cho cán bộ công nhân viên, cũng như tài sản công ty.
Sự việc bắt đầu từ chuyện 4 lái xe của tuyến đồng loạt nghỉ việc vào ngày 2/2, để đòi tăng lương, khiến tuyến xe phải tạm ngừng hoạt động. Hôm sau, công ty điều động lái xe của tuyến khác đến thay thế nhằm phục vụ nhu cầu đi lại thì xuất hiện một số người bịt khẩu trang chặn đường dọa không được lái xe tuyến Đồng Hới - Phong Nha nữa, nếu không sẽ bị giết. Nghiêm trọng hơn, một số kẻ manh động đã chặn xe rồi nhảy lên xe đánh đập tài xế cũng như nhân viên phục vụ khiến lái xe Nguyễn Tiến Dũng, Hoàng Ngọc Hòa, Hoàng Bá Cương bị thương.
Sáng 5/2, làm việc với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Ánh khẳng định mức lương tối thiểu hiện tại của lái xe là 250.000 đồng/ngày, chưa kể phụ cấp và tiền thưởng khi hoàn thành tốt công việc.
Trước đó, trên tuyến Đồng Hới - Ba Đồn (hoạt động từ tháng 9/2011 đến nay), tài xế của Ngọc Ánh bị đánh đến 10 lần, còn xe bị ném đá vỡ kính hơn 20 lần (ngày ít thì bị 1 lần, ngày nhiều bị 3 lần). Các vụ đe dọa, hành hung, tấn công xảy ra liên tục khiến chi nhánh công ty phải chuyển văn phòng điều hành từ Ba Đồn vào Thành phố Đồng Hới. Hiện Công an huyện Bố Trạch đã lấy lời khai các lái xe bị đánh và đề nghị công ty tiếp tục cho xe hoạt động nhằm phối hợp điều tra. Về đầu trang

V. Điểm tin đã đưa



VTCNews 6/2 điểm lại tin: Vào lúc 19h30, ngày 2/1, tại nhà nghỉ Hải Hà, thuộc địa bàn thôn 7, xã Lộc Ninh, Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình các trinh sát phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Bình cùng phối hợp với Cụm đặc nhiệm số 2, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển bắt quả tang đối tượng Nguyễn Hồng Thái (SN 1964, trú ở xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đang cất giấu trong người 1 túi ni lon có chứa chất bột màu trắng. Về đầu trang
Từ 2/2 - 8/2/2015 Vietjet triển khai mở bán hàng ngàn vé máy bay với giá chỉ từ 0 đồng cho thời gian bay từ 26/4 (chặng Hà Nội - Quy Nhơn) và từ 29/4 (chặng TP.HCM - Đồng Hới) đến 31/10/ 2015 (trừ các ngày lễ tết). Thông tin được điểm lại trên Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh Online 5/2, Tiếng Nói Việt Nam 6/2, tr6. Về đầu trang./.
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG






tải về 270.59 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương