Xã hội mở Cải cách chủ nghĩa tư bản toàn cầu



tải về 1.75 Mb.
trang7/25
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.75 Mb.
#13428
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   25

Một hệ thuyết mới

Chúng ta phải từ bỏ hai định kiến được yêu mến của lí thuyết kinh tế liên quan đến các thị trường tài chính. Một là ứng xử duy lí; hai là cân bằng, bao gồm luận điểm là giá làm cân bằng thị trường.

Các kì vọng duy lí là thích hợp trong một thế giới nơi các kì vọng của những người tham gia không có ảnh hưởng lên các sự kiện mà chúng gắn với. Khi đó người tham gia ở vị trí của một nhà quan sát có thể thu thập mọi thông tin sẵn có và đi đến quyết định của mình trên cơ sở thông tin đó. Các quyết định ấy có cái gì đó xác định để tương ứng với - cụ thể là, cân bằng dự kiến. Tất nhiên, chẳng người tham gia nào có tất cả thông tin sẵn có, nhưng theo định nghĩa người tham gia khác nào đó có - nếu không thì thông tin sẽ không là sẵn có. Như thế thị trường biết nhiều hơn bất kể người tham gia riêng nào; nó biết mọi thứ cần phải biết; vì thế thị trường luôn luôn đúng. Những người tham gia được giả thiết là đủ duy lí để nhận ra sự thực này và hành động một cách phù hợp. Đó là sự biện minh, thí dụ, cho đầu tư trong các quỹ chỉ số. Nếu thực tế lệch khỏi cân bằng phải có lí do cho việc ấy; lí do thường được tìm thấy trong thông tin bất đối xứng. Thí dụ, đa cân bằng gắn với khủng hoảng tín dụng có thể qui cho thông tin bất đối xứng sẵn có cho các lớp khác nhau của các chủ nợ.

Đó không phải là cách thế giới hoạt động. Những người tham gia không đơn thuần là các nhà quan sát; quyết định của họ ảnh hưởng đến tương lai. Họ đặt cơ sở cho các quyết định của mình trên linh cảm, không trên thông tin, và thông tin về linh cảm trở nên sẵn có chỉ sau khi nó đã làm cho ảnh hưởng của nó có thể cảm nhận được. Trong các hoàn cảnh này, không hợp lí để hành động trên cơ sở các kì vọng duy lí. Một số người có thể làm vậy, người khác có thể không. Những người khác nhau theo các qui tắc quyết định khác nhau, và họ sửa chúng dưới ánh sáng kinh nghiệm. Thay cho ứng xử duy lí, thích hợp và sáng tỏ hơn để nói về “ứng xử thích nghi”.

Điều này tạo hệ thuyết mới mà chúng ta cần. Ứng xử thích nghi có thể được nghiên cứu cả theo thời gian, lần vết tiến hoá của nó, hay theo không gian, so sánh các trường hợp có biểu hiện giống nhau. Cả hai cách tiếp cận đã tích luỹ số tài liệu đáng kể. Cách tiếp cận tiến hoá được xác lập kĩ ở các lĩnh vực nghiên cứu khác, đặc biệt là sinh học tiến hoá và các dạng khác của lí thuyết các hệ thống tiến hoá. Nó cũng bắt đầu xâm nhập kinh tế học qua áp dụng lí thuyết trò chơi. Lí thuyết trò chơi bắt đầu với giả thiết ứng xử duy lí song nó đã đem lại kết quả lí thú hơn nhiều từ khi nó từ bỏ giả thiết đó. Bằng cách khảo sát thế lưỡng nan của phạm nhân (prisoner’s dilemma) qua các cuộc tranh đua máy tính, một đề tài tôi sẽ thảo luận chi tiết hơn ở Chương 4. Ý tưởng chung là nhận diện các chiến lược mà những người tham gia áp dụng hơn là nhận diện một chiến lược cá biệt như một chiến lược duy lí. Khi đó, có thể nghiên cứu các chiến lược này tiến triển thế nào qua mô phỏng hay quan sát trên máy tính. Có phương pháp luận được phát triển tốt để làm điều này: Nó bao gồm việc xác lập sự tăng trưởng hay suy giảm của số người (population) sử dụng các chiến lược cá biệt. Nó đặc biệt thích hợp cho nghiên cứu tương tác giữa các thú săn mồi và con mồi, nhưng nó có thể được dùng tổng quát hơn. Tôi biết cách tiếp cận này nhờ công trình của Peter Allen, người tiến hành nghiên cứu nghề cá ở Canada. [3] Ông giả thiết rằng ngư dân chia ra hai nhóm: Những người theo Descartes tập trung vào các khu vực đã tìm thấy cá rồi, và những người thực dụng thả lưới rộng hơn. Jeffrey Frankel và Kenneth Froot [4] đã dùng một cách tiếp cận tương tự khi họ phân biệt giữa các nhà đầu tư theo đồ thị và theo thuyết chính thống. Cách tiếp cận này phản ánh bản chất động của tương tác phản thân giữa tư duy và thực tại, giữa các kì vọng và kết quả. Nó không loại trừ một cân bằng cuối cùng, nhưng không nhất thiết tạo ra một cân bằng. Tất cả các kết luận dựa trên giả định cân bằng đều vấp ngã.

Để dùng cách tiếp cận này trong các thị trường tài chính, quan trọng là phải nhận ra rằng giá thịnh hành không nhất thiết làm cân bằng thị trường. Điều này đi ngược một trong những định kiến được yêu mến nhất về thị trường và cần một lời giải thích. Lí thuyết kinh tế coi các thị trường tài chính cứ như chúng ở trong cân bằng liên tục; tốt hơn nhiều đi thừa nhận rằng chúng ở trong bất cân bằng liên tục. Tại bất kể thời điểm nào, có những người mua và bán tiềm năng có thể bị xô ra bên lề bởi biến động thị trường. Một số thực sự không được thoả mãn: Họ muốn mua hay bán nhiều hơn họ có thể tại giá đó. Những người khác do dự, và một biến động thị trường có thể kích một quyết định hoặc theo cùng hay ngược chiều. Không có qui tắc a priori (tiên nghiệm) nào để xác định nhóm nào mạnh hơn. Chắc chắn không có lí do nào để giả thiết rằng một sự giảm giá sẽ làm tăng cầu và làm giảm cung và ngược lại. Những người theo xu thế có thể hơn những người được gọi là các nhà đầu tư giá trị. Việc sử dụng option (quyền chọn) và các công cụ phái sinh (derivatives) cũng tạo ra cầu và cung kiềm chế, cái thường củng cố xu thế thịnh hành. Trong các hoàn cảnh nhất định, sức đẩy từ các công cụ phái sinh có thể đủ mạnh để gây ra một sự gián đoạn.

Một lợi thế của cách nhìn các thị trường theo cách này là nó biện minh cho phân tích kĩ thuật. Nếu giả như giá thị trường phản ánh thụ động những cái căn bản, thì phân tích kĩ thuật không có ý nghĩa gì; nhưng nếu các thị trường ở trong bất cân bằng liên tục, các dấu kiểm lên và kiểm xuống cho thông tin có giá trị về cường độ của cầu và cung, và phân tích kĩ thuật có vai để diễn - vai lớn đến đâu phụ thuộc vào các chiến lược mà những người tham gia chấp nhận. Điểm quan trọng là có chỗ cho các chiến lược khác nhau, và có ý nghĩa để nghiên cứu ứng xử thích nghi. Lí thuyết trò chơi tiến hoá, như phép lặp (iteration) của thế lưỡng nan của phạm nhân, tỏ ra đặc biệt hứa hẹn đối với tôi. Tuy tôi không ở vị thế để phát triển đầy đủ hệ thuyết mới, chí ít tôi có thể thấy hình thù nó sẽ lấy. Nó sẽ thay các phương trình của lí thuyết cân bằng bằng qui hoạch phi tuyến của lí thuyết các hệ thống tiến hoá.

Hệ thuyết mới sẽ lấy đi nền móng khoa học của thuyết thị trường chính thống. Không còn có thể coi là dĩ nhiên, là các thị trường có khuynh hướng tiến tới cân bằng; thực vậy, các mô hình phi tuyến chứng tỏ rõ ràng rằng thường chúng không.

Có sự bênh vực mạnh mẽ cho các thị trường tự do, nhưng sự biện hộ không dựa vào xu hướng tiến tới cân bằng. Nó xuất phát từ tác động giải phóng để người dân theo đuổi mục đích của họ. Các thị trường tự do giải phóng năng lực sáng tạo của trí tuệ con người. Về khía cạnh này, chúng giống như các quyền tự do khác, về ngôn luận và tư duy và về hội họp chính trị. Quyền tự do có giá trị riêng của nó, và nó cũng là một nguồn tạo ra của cải. Tạo thịnh vượng là một quá trình động, trong khi lí thuyết cân bằng là tĩnh; nó vì thế không thấy phẩm chất chủ yếu của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Cơ chế thị trường là một phần thiết yếu của một xã hội mở. Điều này không phải vì các thị trường có khuynh hướng tiến tới cân bằng mà vì chúng cho những người tham gia quyền tự do lựa chọn.

Phân tích kĩ thuật, như hiện nó được dùng, sử dụng cách tiếp cận khác như tôi đã nhắc đến, so sánh các trường hợp khác nhau có hình mẫu ứng xử tương tự và thử ước lượng các xác suất trên cơ sở kinh nghiệm quá khứ. Phân tích kĩ thuật không bị vướng víu bởi giả thiết về tính duy lí song phạm vi của nó bị giới hạn bởi sự thực là các thị trường tài chính không tạo thành một hệ thống khép kín. Chúng liên tục nhận được các xung lực từ thế giới bên ngoài cái đảm bảo rằng tương lai sẽ không là sự lặp lại cơ học của quá khứ. Bản thân phân tích kĩ thuật là một xung lực như vậy; đó là lí do vì sao nó giống giả kim thuật hơn là khoa học. Vì các phương pháp khoa học không thích hợp cho nghiên cứu các hiện tượng xã hội, phân tích kĩ thuật không thể bị gạt bỏ vì nó không là khoa học; ta phải, tuy vậy, đề phòng bản chất giả kim thuật của nó.

Các nhà kinh tế học đã bắt đầu sử dụng phân tích so sánh cho nhiều loại hiện tượng khác các thị trường tài chính. Thí dụ, các nhà kinh tế học ở Ngân hàng Thế giới đang thử phân tích các hiện tượng như tham nhũng [5] và khởi nghĩa vũ trang [6] bằng cách coi chúng như các hoạt động kinh tế. Cách tiếp cận của họ bị cùng hạn chế như phân tích kĩ thuật: Trong thử tính các xác suất, họ để mất khung cảnh, trong đó, mỗi trường hợp cá biệt xảy ra. Chúng còn chịu thêm một bất lợi: Họ phải tìm cách lượng hoá dữ liệu của họ trong khi các nhà nghiên cứu các thị trường tài chính đã có sẵn dữ liệu được lượng hoá để dùng. Tuy vậy, tôi thấy những nỗ lực tiên phong này thật hấp dẫn. Tôi coi chúng như các lầm lạc màu mỡ: Chúng đưa ra những thấu hiểu giúp để hiểu các vấn đề nhưng chúng không tạo ra một khung khổ toàn diện để xử lí chúng. Khái quát hoá cần được kết hợp với tri thức cục bộ [7] và sự kết hợp của hai thứ hứa hẹn cải thiện thành tích của các nhà hoạch định chính sách. Ngay có đúng như thế, ứng dụng kĩ thuật xã hội sẽ chẳng bao giờ có khả năng đạt độ tin cậy của kĩ thuật cơ khí. Có sự tương tự ở đây với tính bất trắc triệt để đối mặt với những người tham gia trong các thị trường tài chính.

Tóm tắt lại: Trong khuôn khổ của hệ thuyết mới về ứng xử thích nghi tách biệt khỏi ứng xử duy lí, có chỗ cho một cách tiếp cận theo chiều dọc nghiên cứu sự tiến hoá của các hệ thống theo thời gian và một cách tiếp cận theo chiều ngang so sánh các tình huống tương tự. Cách tiếp cận đầu tiên có xu hướng dùng qui hoạch phi tuyến, cách thứ hai, phân tích hồi qui. Cả hai cần được bổ sung bằng tri thức địa phương.

[7/17]

© 2004 talawas




[1]Hai cách tiếp cận chính cho phân tích chứng khoán là “căn bản” và “kĩ thuật”. Phân tích căn bản theo qui tắc của lí thuyết kinh tế và coi giá cổ phần như phản ánh giá trị căn bản của công ti. Phân tích kĩ thuật bỏ qua lí thuyết kinh tế và nghiên cứu động học của biến động giá và các hình mẫu của ứng xử thị trường.
[2]Xem Robert Flood and Nancy Marion, “Perspective on the Recent Currency Crisis Literature”, National Bureau of Economic Reasearch Working Paper No. W6380, Jan., 1998.
[3]Peter M. Allen, “Evolving Complexity in Social Science”, trong Systems: New Paradigms for the Human Sciences, edited by Gabriel Altman and Walter A. Koch (Berlin: Walter de Gruyter, 1998), trang 3-38.
[4]Jeffrey A. Frankel and Kenneth A, Froot, “Chartists, Fundamentalists, and the Demand for Dollars”, trong Private Behavior and Government Policy in Interdependent Economies, edited by Anthony Courakis and Mark Taylor (Oxford, U. K.: Clarendon Press, 1990).
[5]Daniel Kaufman, Aart Kraay and Pablo Zoido-Lobaton, “Governance Matters” (Washington D.C: World Bank Policy Research Working Paper No. 2196, August 1999). Xem cả Daniel Kaufman, “Corruption: The Facts” (Washinhton D.C: Foreign Policy, Summer 1997).
[6]Pau Collier, “Economic Causes of Civil Conflic and their Implications for Policy” (Washington D.C: World Bank, June 15, 2000).
[7]Một điểm được Ivan Krustev nêu rõ trong “The Strange (Re)Discovery of Corruption” trong The Paradoxes of Unintended Consequenses (Budapest: CEU Press, 2000).

Chương 4: Phản thân trong lịch sử

Tôi đã diễn giải các thị trường tài chính như một quá trình lịch sử không thuận nghịch; vì thế diễn giải của tôi cũng phải có tính thoả đáng nào đó đối với lịch sử nói chung. Tôi đã phân các sự kiện thành hai loại: các sự kiện buồn tẻ thường nhật không gây ra một sự thay đổi về nhận thức, và các sự kiện lịch sử, duy nhất ảnh hưởng đến thiên kiến của người tham gia và, đến lượt nó, dẫn tới thay đổi về những cái căn bản. Sự phân biệt mang tính tautologic nhưng hữu ích. Loại sự kiện đầu tiên nhạy cảm với phân tích cân bằng, loại thứ hai thì không: Nó chỉ có thể được hiểu chỉ như một phần của một quá trình lịch sử.


Phép biện chứng

Trong các sự kiện thường nhật, cả hàm tham gia lẫn hàm nhận thức không thay đổi đáng kể. Trong trường hợp những diễn biến duy nhất, không thuận nghịch, cả hai hàm số hoạt động đồng thời theo cách cả quan điểm của người tham gia lẫn tình hình không còn như nhau. Đó là cái biện minh cho sự mô tả sự phát triển như vậy là có tính lịch sử.

Quá trình lịch sử, theo tôi, là được để ngỏ. Khi một tình thế có những người tham gia biết suy nghĩ, chuỗi sự kiện không dẫn trực tiếp từ một tập các sự thực sang tập tiếp theo; đúng hơn, nó kết nối sự thực với nhận thức và nhận thức với sự thực theo một hình mẫu dây giày. Nhưng lịch sử là một loại dây giày rất đặc biệt. Hai bên của giày không được làm từ cùng vật liệu; thực vậy chỉ một bên là vật chất - bên kia gồm các ý tưởng của những người tham gia. Hai bên không khớp nhau, và sự khác biệt giữa chúng xác định hình thù của các sự kiện buộc chúng lại với nhau. Các nút đã được buộc rồi có hình thù xác định, song tương lai được bỏ ngỏ.

Điều này là khá khác cơ chế mà chức năng của nó có thể được giải thích và tiên đoán bởi các qui luật có hiệu lực phổ quát. Trong diễn tiến lịch sử, quá khứ và tương lai là không thuận nghịch, như trong mô hình Karl Popper về phương pháp khoa học. Cái làm cho tương lai khác quá khứ là sự lựa chọn mà những người tham gia buộc phải (và có đặc ân) thực hiện dựa trên cơ sở thông tin không hoàn hảo của họ. Sự lựa chọn đó đưa một yếu tố bất định vào diễn tiến của các sự kiện. Những mưu toan loại bỏ nó bằng thiết lập các qui luật về ứng xử con người phải chịu số phận thất bại.

Lí thuyết dây giày này về lịch sử là một loại biện chứng giữa tư duy của chúng ta và thực tại. Với tư cách như thế, nó có thể được diễn giải như một sự tổng hợp của biện chứng về các ý tưởng của Hegel và chủ nghĩa duy vật biệt chứng của Marx. Georg Wilhelm Friedrich Hegel đưa ra một luận đề rằng các ý tưởng phát triển một cách biện chứng và cuối cùng dẫn đến sự kết thúc của lịch sử - sự tự do. Karl Marx, hoặc chính xác hơn Friedrich Engels, cung cấp một phản đề cho rằng sự phát triển của các ý tưởng được các điều kiện và quan hệ sản xuất xác định; thượng tầng kiến trúc tư tưởng chỉ là phản ánh của hạ tầng cơ sở. Lí thuyết dây giày khi đó có thể được coi là một sự tổng hợp. Thay cho hoặc các tư tưởng hay các điều kiện vật chất tiến hoá một cách biện chứng riêng biệt, chính sự tương tác giữa hai thứ là cái tạo ra quá trình biện chứng. Tôi gọi sự tương tác này là tính phản thân, và lí do duy nhất tôi không dùng từ “biện chứng” một cách dễ thấy hơn là tôi không muốn bị quá tải bởi hành lí thừa đi cùng với nó. Rốt cuộc, Marx đã đề xuất một lí thuyết tất định về lịch sử ngược hoàn toàn với diễn giải của riêng tôi. Sự tương tác giữa vật chất và lí tưởng là lí thú chính xác vì chúng không tương ứng với nhau hoặc xác định lẫn nhau. Thiếu tương ứng làm cho thiên kiến của những người tham gia là lực lượng nhân quả trong lịch sử. Tính có thể sai - được biểu hiện trong những sai lầm - đóng cùng vai trò trong các sự kiện lịch sử như đột biến gen trong các sự hiện sinh học: Nó làm nên lịch sử.




Gen ích kỉ

Sinh học tiến hoá đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu lí thú. Phương pháp được sử dụng là đi thiết lập các mô hình động mô tả sự tiến hoá của một loài trong tương tác với môi trường. Mỗi loài thuộc về môi trường của loài khác. Sự tiến triển của tất cả các loại - các thị trường tài chính, gia đình, định chế - về lí thuyết có thể được nghiên cứu bằng cùng phương pháp. Trong các hoàn cảnh nào đó, chúng ta có thể kì vọng quá trình đến nằm yên tại một điểm cân bằng, nơi không xảy ra sự thay đổi nữa nếu không có một nhiễu loạn từ bên ngoài. Nhưng đó sẽ là một trường hợp đặc biệt. Trong các trường hợp khác, quá trình có thể tiếp tục vô hạn định mà không hề đi đến nằm yên. Lí thuyết kinh tế bận tâm với việc tìm ra điểm cân bằng; nghiên cứu lịch sử phải tập trung vào quá trình xảy ra liên tục. Không có gì chứng minh rằng lịch sử sẽ kết thúc, chừng nào loài người còn tồn tại. 

Trong nghiên cứu lịch sử, sẽ là sai lầm khi coi con người hệt như các loài khác. Có phẩm chất nào đó - khó định vị và định nghĩa - cái làm cho con người nổi bật lên. Hơn là năng lực lựa chọn - con chuột trong một mê cung làm điều đó - chính là năng lực lựa chọn các động cơ thúc đẩy của mình là cái phân biệt con người với các động vật khác. Không có sự bất định nào về động cơ của một con chuột khi nó chọn một con đường hơn là con đường khác: Nó muốn miếng phó mát. Không có sự chắc chắn tương ứng về các động cơ thúc đẩy của con người, và là một sai lầm đi bỏ qua sự khác biệt.

Sinh học tiến hoá hiện đại đã cho ý tưởng chọn lọc tự nhiên của Darwin cuộc sống mới. Các chiến lược được theo đuổi ở mức loài có thể thấy hữu hiệu ở mức gen: Các chiến lược thành công dẫn đến sự lan truyền của các gen, trong đó các chiến lược này được ghi vào. Điều này tạo ra định đề về “gen ích kỉ”. Tên gọi, tất nhiên, có tính ẩn dụ, vì sẽ là giả mạo để qui một động cơ thúc đẩy cho gen, và những người theo thuyết Darwin hiện đại cẩn thận chỉ ra điều này. Sự nhân lên của các gen là không có chủ ý; nó là hệ quả tự nhiên của sự sống sót của cá thể thích hợp nhất - tức là, của một chiến lược thành công. Qui tắc này xem ra là phổ quát, áp dụng cho con người cũng như các loài khác.

Nhưng, vẫn có một sự khác biệt căn bản: Con người tiến hành hành vi có chủ ý. Mối liên kết giữa các chiến lược thành công và sự truyền lan gen ít trực tiếp hơn so với các loài khác. Nó không hoàn toàn vắng; con người đã không bỏ mất nguồn gốc động vật của nó. Không có đường phân chia đột ngột; đúng hơn là, con người đã chồng một lớp hành vi khác lên cơ sở động vật, và lớp đó không bị chế ngự bởi cấu tạo gen của họ ở cùng mức độ như hành vi mang tính bản năng hơn của họ. Chính lớp có chủ ý này là cái giải thích hầu hết ảnh hưởng mà con người có khả năng dùng đối với môi trường của họ. Lớp có chủ ý cũng đưa vào một yếu tố bất định - cụ thể là, sự bất định về ý định - là cái thiếu vắng ở hành vi của các sinh vật khác.

Kĩ thuật gen hiện nay đang có những tiến bộ nhanh. Chúng ta ngày càng có thể ảnh hưởng đến việc não người hoạt động ra sao. Nhưng, nếu không biến con người thành robot, thì chúng ta sẽ không có khả năng loại bỏ tính bất trắc cố hữu trong hành vi con người. Tôi tin khái niệm về tính phản thân và lí thuyết dây giày về lịch sử diễn đạt tính bất trắc này tốt hơn lí thuyết gen ích kỉ.

Có một sự khác nhau giữa ý định và kết quả; kết quả làm thay đổi ý định, cái đến lượt nó lại làm thay đổi kết quả trong một quá trình chẳng bao giờ kết thúc, ở chừng mực nào đó, là giống với tiến hoá sinh học, nhưng ở chừng mực nào đấy, là khác. Đó là cái tôi có ý định khi tôi nói rằng sự thay đổi sinh học cốt ở đột biến gen và có thể được đo bằng sự lan truyền gen, trong khi biến đổi lịch sử cốt ở những nhận thức sai và có thể đo được bằng khoảng cách giữa ý định và kết quả.

Khi đến với hành vi con người, có thể nghi ngờ rằng lịch sử có thể được giải thích đến mức độ nào bằng các qui tắc của gen ích kỉ. Đôi khi người ta nuôi dưỡng các ý định tương ứng với lợi ích của gen ích kỉ, nhưng không phải luôn luôn. Gen ích kỉ đóng một vai trò quan trọng hiển nhiên trong nối ngôi triều đại, nhưng ngay cả ở đó, Shakespeare đưa ra vài nhận xét lí thú - như “tồn tại hay không tồn tại” - cái vượt quá xa giới hạn của lí thuyết gen ích kỉ.


Mô hình Boom-Bust

Vấn đề lí thú là biến đổi lịch sử có thể có được mô hình ra sao. Như tôi đã nhắc tới ở Chương 3, tôi tin lí thuyết trò chơi tiến hoá vạch phương hướng: Nghiên cứu hành vi (ứng xử) thích nghi dường như có ý nghĩa hơn giả thiết hành vi (ứng xử) duy lí.

Tôi đã thú nhận ở chương đó rồi, tôi không có khả năng phát triển một hệ thuyết mới. Cả sinh học tiến hoá lẫn lí thuyết trò chơi tiến hoá đi theo tiến hoá của dân số (số cá thể) theo đuổi các chiến lược nào đó: Các ngư dân theo Descartes và thực dụng trong ngành cá Canada, các nhà đầu tư giá trị và những người buôn bán theo đà trong trường hợp thị trường chứng khoán. Tôi coi cách tiếp cận này có hứa hẹn hơn lí thuyết kì vọng duy lí, nhưng tôi thiếu kĩ năng để phát triển nó. Tôi đã đề xuất một mô hình boom-bust cho các thị trường tài chính, mặc dù nó chỉ là một minh hoạ về hoạt động phản thân hơn là một lí thuyết khoa học. Tôi đã thấy nó hữu ích như một chỗ dựa trong các quyết định đầu tư của tôi, nhưng nó có thể dễ dàng sụp đổ nếu ta đặt quá nhiều trọng tải lên nó. Bây giờ tôi sẽ mở rộng mô hình đó cho lịch sử nói chung bằng đưa ra một diễn giải boom-bust về sự nổi lên và sụp đổ của hệ thống Soviet. Đây sẽ là một sự phiêu diêu tưởng tượng hơn là một minh hoạ, song nó có ưu điểm cho phép tôi đưa ra khung khổ quan niệm của mình bằng cách sử dụng một thí dụ cụ thể có thể như sự giảm nhẹ dễ chịu khỏi thảo luận trừu tượng. Để làm việc này, tôi đơn thuần theo định đề về tính có thể sai triệt để bằng cách đẩy một lầm lạc màu mỡ đến giới hạn của nó.




Sự nổi lên và sụp đổ của hệ thống Soviet

Tôi đã dính dáng tích cực vào việc làm tan rã hệ thống Soviet. Với tư cách một người phản đối các xã hội khép kín (đóng), tôi đã háo hức giúp cho sự qua đời của nó. Tôi đã phát triển một diễn giải boom-bust về tình hình, để hướng dẫn hành động của tôi. Tôi đã công bố nó năm 1990 trong một cuốn sách có tựa đề Mở Hệ thống Soviet (Opening the Soviet System). Phần tiếp sẽ trình bày tôi đã phân tích tình hình lúc đó ra sao.

Thiên kiến ban đầu (hệ tư tưởng cộng sản) và xu hướng ban đầu (đàn áp) đã dẫn tới một xã hội đóng. Đã có một mối quan hệ tăng cường lẫn nhau giữa tính cứng nhắc của giáo lí cộng sản và sự cứng nhắc của các điều kiện xã hội thịnh hành. Hệ thống đạt đỉnh điểm của nó trong vài năm cuối của sự cai trị của Stalin. Nó đã bao trùm toàn bộ: một hình thức của chính phủ, một hệ thống kinh tế, một đế chế lãnh thổ, và một hệ tư tưởng. Hệ thống đã bao hàm toàn diện, cô lập khỏi thế giới bên ngoài, và không nao núng. Đã có một vực thẳm giữa hoàn cảnh thực tế và diễn giải chính thống về nó cái đã rộng hơn nhiều so với có thể duy trì được trong một xã hội mở. Tôi coi điều này như một trường hợp bất cân bằng tĩnh.

Sau cái chết của Stalin, đã có một giờ phút ngắn ngủi, giờ phút thử thách, khi Nikita Khrushchev tiết lộ một vài bí mật cai trị của Stalin, nhưng cuối cùng hệ thống thứ bậc tái khẳng định mình. Một giai đoạn chạng vạng bắt đầu, khi giáo lí vẫn được duy trì bằng các phương pháp hành chính nhưng không còn được củng cố bằng lòng tin vào hiệu lực của nó. Lí thú là, tính cứng nhắc của hệ thống đã tăng lên. Chừng nào còn có một nhà chuyên chế sống cầm lái, đường lối của đảng Cộng sản có thể thay đổi theo hứng của ông ta. Song bây giờ chế độ được các nhà quan liêu điều hành, tính uyển chuyển đó đã mất đi. Đồng thời, sự khủng bố buộc người dân chấp nhận giáo điều cộng sản cũng dịu đi, và một quá trình sa sút tế nhị bắt đầu. Các định chế dùng mánh khoé để có địa vị. Vì chẳng cái nào có quyền tự trị, mỗi định chế đã phải tiến hành một dạng trao đổi với các định chế khác. Dần dần một hệ thống tinh vi về mặc cả định chế đã thay cho cái được coi là kế hoạch hoá tập trung. Đồng thời, một nền kinh tế phi chính thức phát triển để bổ sung và lấp các lỗ hổng do hệ thống chính thống để lại. Nền kinh tế kế hoạch hoá đã có thể sụp đổ nếu không có nó. Giai đoạn chạng vạng này đã là cái nay được gọi là “thời kì trì trệ”. Sự không thoả đáng này của hệ thống ngày càng trở nên hiển nhiên, và áp lực cho cải cách tăng lên.

Cải cách đã gia tốc quá trình tan rã, vì nó đưa ra hay hợp pháp hoá các lựa chọn khả dĩ khác (trong khi hệ thống phụ thuộc vào sự thiếu các lựa chọn khả dĩ cho sự sống sót của nó). Cải cách kinh tế đã có một thời kì đầu thành công trong mọi nước cộng sản, với ngoại lệ đáng chú ý của bản thân Liên Xô. Các nhà cải cách Trung Quốc gọi pha này là “giai đoạn vàng”, khi tổng lượng vốn được hướng lại để thoả mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Liên Xô đã không thực hiện được ngay cả nhiệm vụ tương đối dễ này.

Các nỗ lực cải cách hệ thống cộng sản dựa trên một nhận thức sai: Hệ thống không thể được cải cách, vì nó không cho phép phân bổ kinh tế của vốn. Cần sự thay đổi triệt để hơn. Khi năng lực hiện tại đã được tái định hướng, quá trình cải cách bắt đầu cạn kiệt nguồn lực. Có thể hiểu được vì sao điều này lại thế. Chủ nghĩa cộng sản đã muốn là thuốc giải độc cho chủ nghĩa tư bản, cái đã làm công nhân xa lánh các tư liệu sản xuất. Tất cả tài sản được nhà nước nắm lấy, và nhà nước đã là sự hiện thân của lợi ích tập thể như được đảng xác định. Vì thế đảng chịu trách nhiệm phân bổ vốn. Điều này có nghĩa là vốn được phân bổ không trên cơ sở kinh tế mà trên cơ sở của một giáo điều chính trị, gần như tôn giáo. Sự tương tự hay nhất là việc xây dựng kim tự tháp của các pharaoh: Phần nguồn lực dành cho đầu tư được tối đa hoá, trong khi lợi ích kinh tế từ nó vẫn ở cực tiểu. Một điểm tương tự khác là các khoản đầu tư có hình thức của các dự án đồ sộ nguy nga. Chúng ta có thể xem các đập thuỷ điện khổng lồ, các nhà máy thép, các phòng đợi ốp đá hoa cương nguy nga của tàu điện ngầm Moscow, và các nhà chọc trời có kiến trúc Stalinist như bao nhiêu kim tự tháp được các pharaoh hiện đại xây dựng. Các đập thuỷ điện có tạo ra năng lượng điện, các nhà máy thép có sản xuất ra thép, nhưng nếu thép và năng lượng được dùng để tạo ra nhiều đập thuỷ điện và nhiều nhà máy thép hơn, thì tác động lên nền kinh tế chẳng khác mấy tác động của xây các kim tự tháp.

Khung khổ lí thuyết của chúng ta nói với chúng ta rằng, trong hoàn cảnh xa cân bằng của một xã hội đóng, phải có những méo mó không thể hình dung nổi trong một xã hội mở. Ta có thể kiếm minh hoạ nào tốt hơn nền kinh tế Soviet? Hệ thống cộng sản chẳng qui cho vốn giá trị nào; chính xác hơn, nó không công nhận khái niệm quyền tài sản. Kết quả là, hoạt động kinh tế dưới hệ thống Soviet đơn giản không mang tính kinh tế. Để làm thế, đảng phải khác biệt vai trò của nó với tư cách người canh gác và phân bổ vốn. Chính ở điểm này mà mọi nỗ lực cải cách đã nhất thiết thất bại.

Lí thú là, sự thất bại của các cải cách kinh tế làm tăng tốc quá trình tan rã vì nó chứng tỏ nhu cầu về cải cách chính trị. Với sự xuất hiện của perestroika ở Liên Xô, quá trình tan rã bước vào pha kết thúc của nó vì cải cách đã chủ yếu mang tính chính trị và, như tôi đã nhắc tới ở trước, giai đoạn vàng đã thiếu cho nên cải cách đã tạo ra ít hoặc không tạo ra lợi ích kinh tế nào. Khi mức sống bắt đầu giảm, công luận quay lại chống chế độ, dẫn tới sự tan rã thê thảm lên đến đỉnh điểm ở sự sụp đổ hoàn toàn của Liên Xô.

Hình mẫu là hầu như đồng nhất với hình mẫu chúng ta quan sát thấy ở các thị trường tài chính - với một sự khác biệt chủ yếu: Trong các thị trường tài chính, quá trình boom-bust dường như tự thể hiện mình như một quá trình tăng tốc, trong khi ở trường hợp của hệ thống Soviet, toàn bộ chu kì bao gồm hai pha, một là một quá trình giảm tốc độ lên đỉnh điểm trong bất cân bằng tĩnh của chế độ Stalin, pha khác là một quá trình tăng tốc dẫn tới sự sụp đổ thê thảm. [1]

Sau đó, tôi đi tiếp để chỉ ra rằng có khả năng tìm ra một quá trình boom-bust gồm hai pha tương tự trong các thị trường tài chính. Đó là nơi sự minh hoạ biến thành phiêu diêu tưởng tượng. Tôi trích dẫn trường hợp của hệ thống ngân hàng Hoa Kì, đã được điều tiết một cách cứng nhắc sau sự sụp đổ của nó năm 1933. Nó vẫn ỳ ra suốt khoảng ba mươi lăm năm. Năm 1972, tôi viết một báo cáo đầu tư có tựa đề “The Case for Growth Banks - Trường hợp các Ngân hàng Tăng trưởng” cho rằng một ngành ốm yếu sắp hồi sinh. Ngành bị điều tiết ở mức cao, các ban quản lí ù lì và không ưa rủi ro, và giá cổ phiếu đã không phản ánh thu nhập, nhưng tất cả sắp thay đổi. Một giống mới của các nhà ngân hàng đã được nuôi dưỡng ở Citibank, và họ dần dần toả ra toàn quốc. Dưới sự quản lí của họ, các ngân hàng đã bắt đầu sử dụng vốn của mình một cách tháo vát hơn, và mau chóng họ sẽ cần kích thích giá cổ phiếu của họ nhằm huy động thêm vốn và theo đuổi việc thôn tính. Tín hiệu được phát ra khi Citibank đăng cai một cuộc họp cho các nhà phân tích chứng khoán - một sự kiện chưa từng thấy. Bó cổ phiếu do tôi khuyến nghị tăng giá 50 phần trăm trong vòng một năm. Ngay sau đó là khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, và các ngân hàng quốc tế đã quay vòng thặng dư của các nước sản xuất dầu, dẫn đến boom cho vay quốc tế của các năm 1970. Hệ thống ngân hàng lâm vào bất cân bằng động, lên đỉnh điểm ở khủng hoảng cho vay quốc tế năm 1982.

Nét nổi bật của sự so sánh khiên cưỡng này giữa sự nổi lên rồi sụp đổ của hệ thống Soviet và sự sụp đổ rồi nổi lên của hệ thống ngân hàng Mĩ là để chứng tỏ rằng hoàn cảnh xa cân bằng có thể thịnh hành ở cả thái cực thay đổi lẫn ở thái cực không thay đổi. Xã hội đóng là mặt tương ứng của cách mạng và hỗn độn; một quá trình phản thân hoạt động ở cả hai thái cực, sự khác biệt là ở cấp độ thời gian. Trong một xã hội đóng, chẳng có gì mấy xảy ra suốt thời gian dài; trong cách mạng nhiều điều xảy ra trong thời gian ngắn. Trong cả hai trường hợp, nhận thức là rất xa thực tại.

Đây là một thấu hiểu quan trọng. Thảo luận các quá trình boom-bust trong bối cảnh các thị trường tài chính, thường đưa ta đến nghĩ bằng tăng tốc. Nhưng xu hướng cũng có thể biểu lộ ở dạng giảm tốc, hoặc không có thay đổi. Một khi nhận ra khả năng này, tôi đã có thể tìm ra một thí dụ thực sự trong thị trường cổ phiếu: trường hợp của cổ phiếu ngân hàng từ Đại Suy thoái đến 1972. [2] Trong lịch sử, các trường hợp về trì trệ, không thay đổi, hoặc bất cân bằng tĩnh, là phổ biến hơn nhiều.


Каталог: xahoi
xahoi -> TRƯỜng thpt chuyên lê HỒng phong bộ MÔN: Lịch sử
xahoi -> THẢm trạng buôn bán ngưỜi nguyễn Đức Tuyên Tháng 12 2013 NỘi dung
xahoi -> TRƯỜng thpt chuyên lê HỒng phong bộ MÔN: Lịch sử ĐỀ chính thứC
xahoi -> 1. Nơi nóng nhất, sa mạc Lut Desert (Iran), 71 độ C
xahoi -> HƯỚng dẫn học sinh đỌc hiểu văn bản sử thi trong nhà trưỜng người trình bày: Trần Hải Tú
xahoi -> I. infinitives
xahoi -> Tìm hiểu chi tiết nghệ thuật qua các truyện ngắn Việt Nam hiện đại trong chương trình thpt
xahoi -> Phong cách kí hoàng phủ ngọc tưỜng qua “ai đà ĐẶt tên cho dòng sôNG?” A- mở ĐẦU
xahoi -> Tư liệu văn học Ôn thi hsg môn Ngữ Văn nhậN ĐỊnh về VĂn học I. Văn xuôi
xahoi -> R­êng thpt chuyªn Lª Hång pHong Líp 10 Chuyªn ho¸

tải về 1.75 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   25




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương