VĂn phòng quốc hội trung tâm Tin học


Nguyễn Anh Sơn - Nam Định



tải về 259.12 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích259.12 Kb.
#20950
1   2   3   4
Nguyễn Anh Sơn - Nam Định

Kính thưa Quốc hội,

Theo gợi ý của Đoàn thư ký tôi xin được phát biểu một số nội dung sau đây đối với dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi.

Thứ nhất, về trách nhiệm tham gia bảo hiểm tiền gửi. Tôi hoàn toàn tán thành với tinh thần và nội dung quy định tại Điều 6 của dự thảo tất cả các tổ chức tín dụng trừ ngân hàng chính sách, chi nhánh ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân thì phải tham gia vào hệ thống bảo hiểm tiền gửi có tính chất rất bắt buộc. Theo tôi một quy định như vậy chúng ta sẽ giải quyết được cùng một lúc 2 vấn đề.

Thứ nhất, chúng ta nâng cao được hệ số an toàn trong hoạt động, trong vận hành của hệ thống bảo hiểm tiền gửi. Do tất cả các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đều tham gia đóng góp vào quỹ bảo hiểm tiền gửi thì nguồn tài chính của quỹ mạnh mẽ hơn, chắc chắn hơn và đủ khả năng để giải quyết những tình huống, xử lý những tình huống khi sự cố xảy ra. Tương tự như các loại bảo hiểm khác, chúng ta có nhiều khách hàng, chúng ta huy động được nhiều người tham gia, nhiều đối tượng tham gia thì quỹ bảo hiểm đấy chắc chắn sẽ vững chắc hơn. Với quy định này chúng ta cũng bắt buộc các ngân hàng có kinh nghiệm, có tiềm lực lớn buộc phải tham gia vào hệ thống bảo hiểm tiền gửi, góp phần nâng cao tiềm lực của quỹ và đối với ngân hàng có tiềm lực mạnh thì bao giờ cũng có xu hướng không tham gia vào hệ thống này để giảm thiểu chi phí cho hoạt động của mình.

Thứ hai, với quy định này thì dự thảo luật rõ ràng thể hiện một quan điểm rất đúng đắn của Đảng và nhà nước ta là luôn luôn đứng về phía người tiêu dùng, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ khách hàng, những người gửi tiền mà bảo vệ người gửi tiền ở đây có một lực lượng rất đông những người dân, những người lao động, những cán bộ, công nhân viên chức, hưu trí, có một khoản tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng, vào các tổ chức tín dụng mà được bảo hiểm như thế này thì có phần yên tâm hơn và họ cũng không phải băn khoăn, cứ gửi vào các tổ chức tín dụng là yên tâm đã được bảo hiểm khi xảy ra rủi ro, xảy ra sự cố, không cần phải lựa chọn xem gửi ở chỗ này hay gửi ở chỗ khác, đó là ý kiến thứ nhất.

Tuy nhiên trong điều này tôi đề nghị có lẽ cần phải viết lại cho ngắn gọn và rõ hơn, tên của điều là trách nhiệm tham gia bảo hiểm tiền gửi, còn nội dung chỉ cần ghi là: các tổ chức tín dụng, trừ ngân hàng chính sách, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi; không cần có Khoản 2 và không cần viết đoạn cuối cho ngắn gọn và vẫn đủ ý.

Ý kiến thứ hai, trong Điều 12, 13 quy định về quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Tôi thấy có một ý còn băn khoăn. Theo quy định hiện hành của chúng ta hiện nay, theo Thông tư 03 năm 2006 của ngân hàng Nhà nước thì chúng ta có một quy định là tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể có quyền hủy tư cách thành viên của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tôi cho rằng đây là một quyền cũng rất quan trọng thể hiện một mối quan hệ rất quan trọng giữa tổ chức bảo hiểm tiền gửi và tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mà trong dự thảo luật thì điều này chưa được thể hiện rõ. Cho nên, theo tôi nên chăng trong luật cần phải quy định thêm một điều khoản nào đấy quy định về quyền này, trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Ý kiến thứ ba là về loại tiền gửi được bảo hiểm, tôi nhất trí với đề xuất của Ban soạn thảo luật cũng như giải trình của cơ quan soạn thảo, cũng như thẩm tra của Ủy ban pháp luật nên chỉ thực hiện bảo hiểm tiền gửi đối với đồng Việt Nam và tôi chưa nhất trí với phân tích của một số đại biểu nói trước tôi là nên bảo hiểm đối với ngoại tệ và vàng. Tôi suy nghĩ một lập luận rất đơn giản, tôi thấy rằng trên thế giới các quốc gia, các nước có nền kinh tế phát triển người ta cóht ngân hàng phát triển rất nhiều năm, rất vững chắc nhưng người ta cũng không bảo hiểm đối với ngoại tệ và kim loại quý. Vậy thì đối với Việt Nam chúng ta trong điều kiện kinh tế còn chưa phát triển, hệ thống ngân hàng cũng chưa chắc bằng người ta thì có nên bảo hiểm đối với 2 loại này không?

Điều 19 quy định về những trường hợp không được bảo hiểm tiền gửi và quy định một loạt các chức danh, những người trực tiếp điều hành các tổ chức tín dụng thì tiền của anh ta gửi ở tổ chức ấy sẽ không được bảo hiểm.

Ở đây tôi có một điều băn khoăn là nếu như người ta lấy tên vợ, chồng, con, cái của họ để gửi vào đây thì số tiền ấy có được bảo hiểm không. Đấy là một cách người ta né. Ví dụ tôi đứng đầu một tổ chức tín dụng, tiền là của tôi nhưng tôi lại ghi tên vợ tôi và số tiền đó khi xảy ra sự cố thì có được bảo hiểm không. Cho nên tôi đề nghị là trong luật nên tính toán, cân nhắc đến hướng này. Xin cảm ơn Quốc hội.
Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó chủ tịch Quốc hội

Cám ơn đại biểu Nguyễn Anh Sơn.

Kính thưa Quốc hội.

Xin Quốc hội nán lại mấy phút trước khi giải lao.

Hôm nay là một ngày rất đặc biệt. Một ngày có một dãy số có 3 cặp số 11 và nó có ý nghĩa là 100 năm sau nữa thì chúng ta mới gặp lại ngày tháng năm có một dãy số tam hợp như thế này và có một ý nghĩa khác nữa là hôm nay là ngày cuối cùng để chúng ta bình chọn cho các kỳ quan thiên nhiên của thế giới mới, trong đó có vịnh Hạ Long đang đứng trong tốp 10. Vì thế chúng tôi rất mong các vị đại biểu Quốc hội đã bầu chọn hoặc chưa bầu chọn thì ngay trong giờ giải lao này hay dành sự quan tâm của mình đối với vịnh Hạ Long, một địa điểm thiêng liêng của Tổ quốc và rất nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả thế giới.

Các vị đại biểu Quốc hội chỉ làm một động tác đơn giản thôi là nhắn tin gửi tới 147 với nội dung là chữ H và L. Các đại biểu nhớ là nhắn 11 lần. Mỗi tin nhắn chỉ có hơn 600 đồng. Như thế là chỉ chưa đầy 10.000 hoặc các đại biểu có thể nhắn cho đủ 11.000 đồng. Làm như thế là chúng ta đã tham gia ủng hộ cho vịnh Hạ Long của chúng ta trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Chúng tôi đề nghị bộ phận kỹ thuật của hội trường Bộ Quốc phòng sẽ mở khóa sóng điện thoại để phục vụ cho các đại biểu bình chọn. Các đại biểu nhớ 11 lần nhắn tin.


(Quốc hội nghỉ giải lao)
Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh

Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Căn cứ vào 5 nội dung gợi ý của Đoàn Chủ tịch, tôi xin gom lại tập trung vào 3 ý.

Ý thứ nhất, liên quan đến đối tượng của luật này. Đối tượng này gồm có đối tượng tức là ai được bảo hiểm tiền gửi, thứ hai là loại tiền gì được bảo hiểm. Tức là liên quan đến điểm thứ nhất và điểm thứ tư.

Ý thứ hai tôi xin trình bày liên quan đến quan điểm về mô hình tổ chức, chức năng của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong hệ thống thị trường tài chính nói chung.

Ý thứ ba, phải nói ý liên quan đến mức bảo hiểm tiền gửi trong gợi ý này.

Về vấn đề thứ nhất liên quan đến đối tượng, tức là ai được bảo hiểm và loại tiền gì được bảo hiểm. Vấn đề này tôi nghĩ rằng để có cơ sở chế định chúng ta phải làm rõ một chút đặc điểm của tổ chức kinh doanh của hệ thống ngân hàng thương mại. Chúng ta biết ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, kinh doanh bằng tiền của người khác là chủ yếu, không phải tiền của mình và qua hệ thống tín dụng, do đó nó có nhiều rủi ro. Chính vì vậy mà bảo hiểm lớn nhất cho người gửi tiền đó là an toàn hệ thống là công cụ của Ngân hàng Nhà nước về công cụ tiền tệ để giải quyết thanh khoản và làm sao không để ngân hàng bị phá sản gây hệ thống, đó là bảo hiểm lớn nhất. Còn bảo hiểm tiền gửi là một bộ phận nó tham gia vào quá trình này, không phải là cái chủ yếu để tạo an toàn cho người gửi tiền. Trên thực tế 10 năm thực hiện bảo hiệm tiền gửi chúng ta biết trong 10 năm vừa qua cái may cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi là không phải trả tiền cho ai đối với hệ thống ngân hàng thương mại mà tới thời điểm này cũng mới chi trả cho 39 tổ chức tín dụng nhân dân với số tiền 21 tỷ, con số này tôi mới kiểm tra chiều hôm qua với ông Tổng giám đốc tiền gửi và với tổng tài sản đang có khoảng 7, 8 ngàn tỷ đồng. Như vậy thì rõ ràng trong mấy năm qua và đặc biệt trong thời điểm hiện nay nhiều ngân hàng thương mại rất yếu, nhưng vẫn cứ chạy đua lãi suất và người gửi tiền vẫn tiếp tục gửi tiền dù biết rằng rủi ro cao thì tại sao người ta tin mà người ta vẫn gửi. Bởi vì người ta nghĩ rằng Chính phủ và ngân hàng Nhà nước không để cho nó phá sản, chứ không phải người ta nghĩ rằng tôi được bảo hiểm 50 triệu mà tôi mạnh dạn gửi tiền. Chính vì vậy chúng ta khi đọc luật này, đối tượng gì phải đặt trong bối cảnh và điều kiện như vậy.

Thứ hai, đặc điểm của tổ chức tín dụng tức là rất sợ cái gọi là hội chứng số đông. Tức là một tổ chức tín dụng có thể duy trì được, nếu như không bị hội chứng số đông về tâm lý rút tiền và chính điều này khi nghiên cứu thế giới, chúng ta thấy nước này bảo hiểm đối tượng nào, số tiền bao nhiêu. Xin thưa rằng, tất cả các cái đó nó nằm trong một quan điểm thống nhất của họ là gì, tức là làm sao linh hoạt của bảo hiểm tiền gửi cùng với hệ thống công cụ của ngân hàng Trung ương để tạo được niềm tin cho người gửi tiền và trong những năm gần đây một số nước nâng rất cao mức bảo hiểm.

Tôi ví dụ như Mỹ tăng lên 5 lần, từ 50 ngàn đô lên 250 ngàn đô, có nước tăng một lúc hàng chục lần, ví dụ Indonexia. Bởi vì ta làm chuyện này là vì khi nâng mức bảo hiểm tiền gửi lên tiếp cận với số tiền được gửi để đến một kết quả gì là tạo niềm tin, để không phải chi trả cho nhiều, ý nghĩa là như vậy. Trong cách đặt vấn đề như vậy, chúng ta nghĩ bảo hiểm tiền gửi không phải giống như bảo hiểm thông thường khác, chỉ hướng tới số đông, số đông tiền ít nhưng số lượng nhiều, số người này được bảo đảm tiết kiệm số tiền bằng thu nhập của anh, không chịu bất cứ rủi ro nào đối với sự sụp đổ 1 hay nhiều ngân hàng thương mại bảo đảm cho họ. Toàn bộ hoạt động gửi tiền của các doanh nghiệp, các tổ sản xuất, các phân xưởng lớn tham gia vào rủi ro chung như khi bị phá sản thì ăn theo Luật phá sản để thanh lý chia tài sản theo mức độ anh gửi, số đông này tiền ít nhưng số lượng nhiều, bảo đảm an toàn thì bảo hiểm tiền gửi chịu trách nhiệm như vậy. Bảo hiểm tiền gửi không thể tách rời hoạt động và hệ thống công cụ bảo đảm cho sự hoạt động an toàn của hệ thống ngân hàng thương mại, đây là đặc điểm để chúng ta tính toán nên bảo hiểm cái gì.

Chính vì vậy, tôi cho trong cuộc khủng hoảng vừa qua, có một số nước mở rộng đối tượng bảo hiểm tiền gửi cho doanh nghiệp thực tế là có, của ta khi đưa ra rộng, giờ hẹp lại là cá nhân, đó là cách của chúng ta, lâu nay đáng lý Việt Nam năm 2005 quy định mức tiền gửi là 50 triệu nhưng năm đó 50 triệu có ý nghĩa, đến năm 2011 mất ý nghĩa. Tôi nghĩ mức này có thể nhân lên như nhiều đại biểu nêu, 150 triệu, 200 triệu không ảnh hưởng gì quỹ bảo hiểm tiền gửi, ngày mai Chính phủ có thể nâng lên 150 triệu, 200 triệu, không nhất thiết phải duy trì mức 50, không ảnh hưởng. Mức này tăng niềm tin cho những người mà gửi tiền gọi là gửi tiền ít đại bộ phận là vậy. Tuy nhiên trong điều kiện Việt Nam, tôi đồng tình là cá nhân. Nhưng tôi vẫn đề nghị nên suy nghĩ, nên mở rộng cho các hợp tác xã, cho các tổ chức chính trị xã hội. Bởi vì chúng ta nghĩ sắp tới này thì không phải 50 triệu, thành ra tôi đề nghị nâng lên ở mức 150, 200 triệu thì rất ý nghĩa với các tổ chức hợp tác xã và xã hội. Đó là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến mô hình tổ chức thì tôi ủng hộ phương án là tức là tổ chức hiện nay phải có một định chế độc lập, tổ chức bảo hiểm là một định chế công phi lợi nhuận của Nhà nước và chỉ có Nhà nước mới làm cái này và như đề nghị của đồng chí Bình ở Hải phòng. Trong luật này ghi rõ tổ chức này là gì? phương thức ra sao? nguyên tắc tổ chức thế nào rất rõ trong điều luật. Trên cở sở đó Chính phủ ban hành qui định, chứ không thể nào chúng ta đưa một bộ phận trong Ngân hàng Nhà nước được . Đó là ý thứ hai.

Ý thứ ba, liên quan đến mức là có nên linh hoạt hay là không linh hoạt về cái gọi là mức phí, mức bảo hiểm mức phí. Tôi đề nghị, qua làm việc với các Ngân hàng thương mại, hiện nay chúng ta đánh đồng ngân hàng tốt, ngân hàng xấu đều một mức phí giống nhau là không nên và trong luật này nên qui định để cho Chính phủ qui định mức phí, nhưng mà theo nguyên tắc là có thể áp dụng mức phí khác nhau với độ rủi ro khác nhau. Bởi vì tiến tới chúng ta sẽ xếp loại các Ngân hàng thương mại về độ rủi ro thì mức phí rủi ro khác nhau, thành ra chỗ này nên qui định trong luật để giao cho Chính phủ qui định một mức phí linh hoạt nhưng trên nguyên tắc như vậy. Đó là ba ý, tôi xin cảm ơn Quốc hội.
Nguyễn Cao Phúc - Quảng Ngãi

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi thống nhất với việc ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý về bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì và nâng cao niềm tin của người gửi tiền, góp phần giám sát hiệu quả của các tổ chức tín dụng, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi nợ xấu của các ngân hàng thương mại có xu hướng gia tăng.

Tôi cơ bản thống nhất với dự thảo và xin tham gia vào hai nội dung sau.

Thứ nhất, về đối tượng áp dụng. Theo tôi cần căn cứ vào bản chất và mục tiêu của bảo hiểm tiền gửi để quy chuẩn đối tượng áp dụng. Về bản chất của bảo hiểm là lấy số đông bù cho số ít, vì vậy đối tượng tham gia cần rộng thì độ an toàn của quỹ và hiệu quả hoạt động càng cao.

Về mục tiêu của bảo hiểm tiền gửi là hướng đến bảo vệ người gửi tiền vì vậy các khoản tiền gửi của các doanh nghiệp, của các tổ chức chính trị, xã hội, các quỹ nhân đạo cũng được bình đẳng nên cũng được bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro, giảm bớt khó khăn khi các tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả.

Về mục tiêu của bảo hiểm tiền gửi là góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng thì các tài khoản tiền gửi của các tổ chức chính trị, xã hội, của các doanh nghiệp là thường chiếm cơ cấu lớn. Vì vậy, nếu được tham gia bảo hiểm sẽ tăng trách nhiệm quản trị của bảo hiểm tiền gửi đối với các tổ chức tín dụng, khả năng an toàn của hệ thống ngân hàng được nâng cao hơn.

Xuất phát từ các nguyên nhân trên, tôi kiến nghị cần mở rộng đối tượng bảo hiểm tiền gửi cho các doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các quỹ nhân đạo chứ không quy định hẹp lại như trong dự thảo. Trước kia chúng ta quy định tương đối rộng, bây giờ chúng ta lại quy định hẹp các đối tượng lại.

Thứ hai, về bảo hiểm tiền gửi trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tôi thấy điều này cần cân nhắc vì trong những nguyên tắc của bảo hiểm tiền gửi là cần phải được độc lập tương đối, không bị tác động của hệ thống chính trị và khu vực ngân hàng. Có như vậy thì mục tiêu bảo vệ lợi ích của người gửi tiền và giám sát các hoạt động của tổ chức tín dụng, các tổ chức tham gia bảo hiểm và việc giám sát mới khách quan và đúng thực chất. Theo tôi, Chính phủ cần đánh giá lại mô hình hiện tại hoạt động 10 năm qua như thế nào, có bị chồng chéo hay không, có bảo toàn và phát triển được vốn hay không, có phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hay không. Trên cơ sở đó mới đưa ra phương án tối ưu, nhưng theo tôi thì không nên trực thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Tôi xin hết. Xin cám ơn Quốc hội.
Đinh Xuân Thảo - TP Hà Nội

Kính thưa Quốc hội.

Tôi thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi. Sau đây tôi xin đóng góp ba ý kiến liên quan đến nội dung dự thảo luật, mặc dù trong thảo luận ở các tổ đã có nhiều ý kiến. Tuy nhiên, tôi xem trong dự thảo tiếp thu, chỉnh lý của Chính phủ thì thấy một đôi chỗ còn chưa hợp lý.

Thứ nhất, về mô hình tiền gửi trong này có giải trình ở Mục 5, trang 5 tôi thấy chưa hợp lý. Tôi đồng tình với nhiều ý kiến phát biểu trước tôi là nên chọn mô hình giảm thiểu rủi ro, bởi vì bên cạnh mô hình này, bên cạnh chức năng chi trả thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ còn tham gia vào việc giám sát thì trường tài chính, như vậy sẽ đảm bảo sự an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng và chọn mô hình này tức là lấy phòng ngừa làm đầu, sau đó tạo niềm tin cho công chúng vào hệ thống ngân hàng nơi nhận tiền gửi chứ không phải như đại biểu trước tôi đã nói, không phải là 50 triệu hay 100 triệu.

Thứ hai, về cơ quan quản lý nhà nước. Giải thích của Chính phủ tại Mục 4 trang 4 thấy chưa hợp lý, tôi đồng tình theo Luật ngân hàng sửa đổi hiện hành là ngân hàng có chức năng quản lý bảo hiểm tiền gửi, tuy nhiên chỉ nên tập trung vào quản lý một số hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng, còn lại liên quan đến phần vốn giao cho Bộ tài chính, về nhân sự thuộc quản lý của Bộ nội vụ, về lao động tiền lương thuộc về Bộ lao động, thương binh và xã hội bởi vì mô hình này nhằm đảm bảo như phân tích, quản lý nhà nước này sẽ đảm bảo như chúng tôi đã phân tích ở phần chọn mô hình thứ 3. Vì thực tế hiện nay trên thế giới có hơn 100 nước có hệ thống bảo hiểm tiền gửi, chỉ có 3 nước là mô hình bảo hiểm tiền gửi trực thuộc ngân hàng, đó là Đảo Síp, SriLanka và Lào.

Thứ ba, tôi xin tham gia về quỹ bảo hiểm tiền gửi. Quỹ bảo hiểm tiền gửi được hình thành chủ yếu thứ nhất là từ nguồn vốn của nhà nước, nguồn vốn ngân sách cấp ban đầu, như bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trước đây dự kiến trong điều lệ là 5.000 tỷ nhưng Chính phủ cuối cùng cấp được 1.000 tỷ.

Thứ hai là phí bảo hiểm tiền gửi do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, cụ thể là các ngân hàng nhận tiền gửi người ta đóng góp vào một tỷ lệ phí theo quy định.

Thứ ba là các hoạt động đầu tư của bảo hiểm tiền gửi, bản chất của quỹ bảo hiểm tiền gửi không phải tất cả là tiền ngân sách nhà nước vì vậy việc quản lý không quản toàn bộ phải tuân theo Luật ngân sách nhà nước. Theo tôi phần vốn do nhà nước bỏ ra ban đầu thuộc ngân sách nhà nước quản lý theo Luật ngân sách nhà nước còn khoản đóng góp của các cơ quan nhận tiền gửi cũng như tiền phát sinh của cơ quan bảo hiểm tiền gửi thì nên có một cơ chế riêng. Chính cơ chế riêng này là điểm đặc thù để đảm bảo lợi ích chi trả cho người gửi tiền khi có sự cố về đổ vỡ ngân hàng xảy ra, không phải tổng nguồn quỹ có nhiều hay ít.

Thực tế điều này theo như thông lệ quốc tế người ta quy định đối với quỹ bảo hiểm của các nước mức cao nhất cũng chỉ chiếm từ 3-5% số dư của tiền gửi mà thôi nhưng khi xảy ra sự cố đổ vỡ ngân hàng thì người ta vẫn khắc phục được. Ví dụ ở Hoa Kỳ trong những năm vừa rồi hay ở Hàn Quốc vào những năm 1997 - 1998, cụ thể như ở Hàn Quốc khi đổ vỡ ngân hàng thì nhà nước tạo cho họ một cơ chế để xử lý khủng hoảng, đó là Chính phủ bảo lãnh để cho bảo hiểm tiền gửi được phát hành trái phiếu mua lại ngân hàng bị đổ vỡ. Sau khi ngân hàng phục hồi hoạt động tốt thì bắt đầu cổ phần hóa thu lại tiền và Chính phủ chi trả cho người gửi tiền. Đối với Việt Nam chúng ta, bây giờ Quốc hội đang xây dựng luật, chính là cơ hội tốt nhất để chúng ta xây dựng một hàng lang pháp lý, tạo chính sách đủ mạnh để cho bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoạt động theo hướng đó. Không phải lấy lý do như trong giải trình là vì hiện nay mức quỹ này còn quá thấp, chỉ có 9000 tỷ thì không bõ bèn gì khi sụp đổ của ngân hàng xảy ra. Chúng tôi thấy vấn đề quan trọng ở đây là chúng ta làm luật để bảo đảm tính lâu dài, có tầm nhìn chiến lược và hòa nhập với thông lệ quốc tế thì chúng ta nên chọn theo phương án đó.

Điều cuối cùng tôi muốn lưu ý trong dự kiến Báo cáo giải trình, tiếp thu của Chính phủ, tại Chương II giải trình cho rằng những ý kiến đại biểu đưa ra ở tổ là không phù hợp, bởi lẽ những điều đó trái với quy định của pháp luật, nhưng ở dưới dẫn chiếu trái với quy định của Thống đốc ngân hàng. Đề nghị vấn đề đó nên lưu ý và đừng bao giờ lặp lại điều đó. Bởi vì Quốc hội làm luật thì không thể nói lấy căn cứ văn bản của một Bộ hay một cơ quan ngang Bộ để hạn chế quyền của Quốc hội tham gia ý kiến. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.


Lê Thanh Vân - TP Hải Phòng

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản tán thành với nhiều nội dung Ban soạn thảo đã thể hiện trong dự án luật, cũng như đồng tình với hầu hết các nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế trình bày và nhiều ý kiến phát biểu sáng nay. Tôi xin phát biểu thêm một số vấn đề liên quan đến dự thảo như sau:

Thứ nhất, về hình thức cấu trúc và nội dung của dự án luật. Tôi cho rằng một đạo luật có thể được coi là hoàn thiện khi nó thỏa mãn 3 trụ cột chính của các quan hệ xã hôi. Đó là quan hệ về địa vị pháp lý của các chủ thể tham gia quan hệ, hai là nội dung quan hệ và ba là quyền, nghĩa vụ của các quan hệ mà pháp luật cần quy định.

Với tinh thần đó dự thảo luật đã đáp ứng được 3 trụ cột này. Tuy nhiên, theo tôi nội dung quan hệ của hoạt động bảo hiểm tiền gửi nặng hơn hai nội dung trên đó là địa vị pháp lý của chủ thể, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể. Trong này còn có quy định hơi mờ nhạt chưa rõ ràng.

Vấn đề thứ hai, tôi đi sâu hơn đó là một nội dung trong tuyến quan hệ của dự thảo luật này đó là quyền và nghĩa vụ của 3 nhóm chủ thể. Một là nhóm chủ thể của những người gửi tiền bảo hiểm và tham gia bảo hiểm. Hai là tổ chức tham gia bảo hiểm. Ba là tổ chức bảo hiểm. Trong dự án luật quy định chưa cụ thể, chưa rõ ràng và theo tôi nên kế thừa quy định hiện hành và Nghị định thành lập bảo hiểm tiền gửi Chính phủ đã ban hành cách đây hơn 10.

Vấn đề thứ ba là quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi và mô hình bảo hiểm tiền gửi. Tôi cho rằng đối với mô hình quản lý nhà nước thực chất đó là mô hình tổ chức của bảo hiểm tiền gửi, tôi rất tán thành với nhiều ý kiến sáng nay đã phát biểu. Tôi xin nói rõ thêm một số suy nghĩ. Tôi cho rằng hiện nay trên thế giới có rất nhiều quốc gia sau các đợt khủng hoảng tài chính đã thành lập hoặc phát triển thêm mô hình tổ chức của bảo hiểm tiền gửi theo thống kê trong chính tập tài liệu ban soạn thảo gửi kèm dự án luật cho thấy hiện nay có 53/79 quốc gia tổ chức bảo hiểm tiền gửi do Chính phủ thành lập hoặc có nơi do Quốc hội thành lập, cfó 17/79 quốc gia do các ngân hàng góp vốn thành lập và có 07/79 quốc gia thuộc ngân hàng nhà nước thành lập. Điều đó thể hiện xu thế vận động của một định chế tài chính mới và có tác động trực tiếp đến hệ thống kinh tế chính trị xã hội của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Nói về quản lý nhà nước đối với mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi tôi ủng hộ phương án để Chính phủ thành lập vì 3 lý do:

Lý do thứ nhất là ngân hàng Nhà nước vốn dĩ được xác định là ngân hàng Trung ương, nó có chức năng chính đó là quản lý Nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và nó là ngân hàng của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, nếu như đưa tổ chức bảo hiểm tiền gửi vào cơ cấu bên trong của ngân hàng Nhà nước thì nó chỉ được mặt là tạo lập ra cơ thể mạnh mẽ cho ngân hàng Nhà nước, đề kháng với chính nó chứ còn khi tác động từ bên ngoài dội vào thì sức đề kháng, nhiệm vụ, chức năng là bảo hiểm tiền gửi từ ngân hàng Nhà nước, tôi cho rằng nó không vững chắc và nó không bảo đảm được như nhiều đại biểu phân tích sáng nay.

Lý do thứ hai là bảo hiểm tiền gửi là một định chế, nó bảo đảm an ninh tài chính quốc gia cùng với các định chế khác như Bộ tài chính, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia và ngân hàng Nhà nước, nước khác người ta còn coi cơ quan chứng khoán là một định chế độc lập. Cùng với những định chế độc lập đó thì bảo hiểm tiền gửi nếu như nó có vị thế độc lập và trực thuộc Chính phủ thì nó có tính chất và hoạt động độc lập hơn.

Lý do thứ ba, như tôi trình bày là xu hướng chung của thế giới là đang xây dựng mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo hướng độc lập. Ba căn cứ đó, tôi đề nghị bảo hiểm tiền gửi nên do Thủ tướng Chính phủ thành lập và nó độc lập. Điều này nó cũng thể hiện được 5 quan điểm chỉ đạo trong quá trình xây dựng dự thảo luật.

Quan điểm thứ nhất là thể chế quan điểm của Đảng và phù hợp với Hiến pháp.

Quan điểm thứ hai là phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Quan điểm thứ ba là tham khảo kinh nghiệm nước ngoài.

Quan điểm thứ tư là thống nhất, đồng bộ.

Quan điểm thứ năm là nó tạo ra cơ chế giám sát tài chính và an toàn tài chính quốc gia.

Về mô hình hoạt động thì tôi cho rằng các đại biểu trên tôi đã phát biểu và tôi ủng hộ mô hình đó là mô hình giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, trong dự thảo luật gần như đưa ra mục tiêu là xây dựng mô hình giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, trong các quy định cụ thể lại có phần nghiêng về mô hình chi trả thuần túy. Vấn đề định mức thu phí bảo hiểm, tôi ủng hộ các quan điểm đã phát biểu trước là nên xác định định mức cho hợp lý, theo tôi nên dựa trên GDP đầu người để có tỷ lệ nhân lên cho phù hợp. Điều quan trọng là trong Dự thảo cần xây dựng các cơ chế để áp dụng chế định về định mức phí thu bảo hiểm trên cở sở chỉ số tín nhiệm của các đối tượng tham gia bảo hiểm, phân hóa, phân biệt, phân loại ra từng nhóm đối tượng để có mức phù hợp. Có như vậy mới bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh và uy tín của ngân hàng. Tôi xin hết.



Каталог: content -> tintuc -> Lists -> News -> Attachments
Attachments -> TÒA Án nhân dân tối cao
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> PHÒng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng csgt đƯỜng bộ Độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 259.12 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương