Truyền Thuyết Bồ Tát Quan Âm Diệu Hạnh Giao Trinh (dịch Việt) o0o Nguồn



tải về 1.13 Mb.
trang23/32
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.13 Mb.
#28855
1   ...   19   20   21   22   23   24   25   26   ...   32

33 - QUAN ÂM HIẾN SÒ

Đời Đường có một vị hoàng đế tên là Văn Tông, rất nghiện ăn sò. Để thỏa mãn ý thích của vua, các quan thường thúc ép dân chài phải nộp sò. Nhà nào nộp ít hay nộp trễ, nhẹ thì phải đóng thêm thuế thóc gạo, nặng thì bị bắt lính để làm các công việc nặng nhọc nguy hiểm. Đáng thương cho dân chài, già trẻ lớn bé đều phải xuống biển lội bùn nhặt sò, không cần biết trời gió hay trời mưa, đông lạnh như cắt hay hạ nóng như nung. Về lâu về dài, sò trở nên càng ngày càng khan hiếm, và bọn lính lệ trở nên càng ngày càng hung dữ. Dân chài trăm họ sống không nổi nữa, tiếng oán than nguyền rủa dậy cả đất trời.


Tin này truyền đến rừng trúc tím ở Phổ Đà Sơn, Quan Âm đại sĩ không thể ngồi yên được, Ngài quyết tâm trừng trị hoàng đế một phen. Một hôm bọn lính lệ thúc phải giao sò ở bến cảng Long Loan của Phổ Đà Sơn. Một thiếu nữ toàn thân áo tím tiến đến chận đầu cười chúm chím :
- Dân nữ có một con sò muốn hiến tặng Hoàng Thượng.
Bọn lính lệ nghe nói chỉ có một con sò mà thôi đã nổi giận tính làm dữ, nhưng nhìn thấy con sò trên hai tay cô gái đưa ra bèn bất giác đứng sững, ngây người ra nhìn, quên cả tiếp lấy sò : đó là một con sò rất lớn, chiếu ánh sáng muôn màu óng ánh. Người thiếu nữ mất kiên nhẫn, nói một cách bực dọc :
- Các ông có muốn lấy sò không, muốn thì mau tới lấy, không muốn thì thôi!
Lúc ấy bọn lính lệ mới tỉnh hồn, vội vàng nói luôn mồm :
- Muốn, muốn, muốn!
Lấy sò xong họ bèn lên một chiếc thuyền nhẹ, bơi như bay trở về nha môn.
Lão quan tri huyện từ mấy ngày qua thấy sò "ít thấy phát ghét, nhỏ thấy phát tội", sắp nổi cơn thịnh nộ, nhưng khi thấy con sò to lớn ngũ sắc thì mừng rỡ như bắt được vàng, vội kêu lên "Hoàng thiên phù hộ!", rồi lên đường ngay lúc ấy, đi cả ngày liền đêm, tự tay đem sò về hoàng thành.
Đường Văn Tông thấy sò ngũ sắc, quá yêu thích không đành lòng rời tay, bèn đặt sò ngay trên bàn làm việc trong ngự thư phòng để có thể ngắm nghía thưởng thức. Nhưng ông còn nghiện ăn sò hơn cả sinh mệnh của mình, bèn gọi quan thái giám hầu bàn, bảo đem sò xuống nhà bếp. Nào ngờ vỏ sò lại quá cứng, dao bén chặt không đứt, búa nặng đập không vỡ, Đường Văn Tông rất kinh ngạc, tự tay dùng bảo kiếm chém mạnh xuống nhưng con sò vẫn không mảy may suy tổn. Ông nghĩ rằng đây là một bảo vật kỳ lạ của Long cung, bèn sai quan thái giám giữ kho đem vào kho tàng trân bảo giữ cho kỹ.
Đêm ấy, Đường Văn Tông tự khắc phục mình, ngồi trong thư phòng phê duyệt các tấu văn. Trong đêm mông lung, ông thấy cái nghiên mực bỗng biến thành một bát canh sò thơm lừng lựng, khêu gợi tính tham ăn của ông khiến ông thèm rỏ rãi, bèn bưng bát canh lên húp, húp tới đâu khen ngon tới đó. Tới khi no cành hông rồi ông vẫn còn lớn tiếng gọi :
- Đem lên đây một bát nữa!
Quan thái giám thường trực lấy làm lạ, run rẩy quỳ xuống lết tới hỏi :
- Tâu bệ hạ, đem bát gì lên ạ?
Văn Tông ngạc nhiên, dụi mắt, xoa cái bụng căng tròn của mình rồi bỏ vào phòng ngủ. Ai ngờ nửa đêm ấy ông đau bụng đi tháo dạ không ngừng, báo hại các quan thái giám chạy tới chạy lui như thoi bưng bồn, rót nước, các cung nga hoảng hốt quay cuồng như cái đèn kéo quân để lục rương, tìm quần mới, các vị thái y cấp tốc như ra trận bắt mạch, sắc thuốc. Cứ như thế ba ngày ba đêm, Văn Tông vẫn còn nằm trên giường rên hừ hừ.
Sáng sớm ngày thứ tư, một cung nữ toàn thân áo tím xin đến dâng một phương thuốc bí truyền của tổ phụ.Thái y mừng rỡ đón lấy đơn thuốc, nhưng trước khi bốc thuốc phải dâng đơn lên cho hoàng đế duyệt qua. Văn Tông uể oải liếc nhìn, chỉ thấy trên đơn thuốc viết có tám chữ "Nghiện sò cực dân, chừa ngay vĩnh viễn". Vua nổi giận hạ chỉ đem cung nữ nọ ra xử tội. Nhưng người cung nữ cười nhạt, chân đạp lên một đóa hoa sen, tay đưa cao con sò ngũ sắc, vượt qua tường của cung điện mà bay đi mất. Văn Tông kinh hoàng, vội vã cho mời quốc sư Duy Chính Hoà Thượng đến tham vấn. Hoà thượng nghe chuyện từ đầu đến cuối xong xuôi, bèn dạy :
- Thế gian không có gì ngẫu nhiên, chuyện này xảy ra là vì muốn khơi dậy lòng tín tâm của bệ hạ, khiến bệ hạ thương người tiếc vật mà thôi!
Vua Đường Văn Tông lờ mờ suy nghĩ, cuối cùng bất đắc dĩ truyền chiếu chỉ :
- Ta vĩnh viễn không ăn sò nữa, từ nay miễn việc triều cống!
---o0o---

34 - NGAO ÐẦU QUAN ÂM

Ngày xưa có một vị quan tham ô, không có việc ác nào là không làm, dân chúng oán hận vô cùng, chết đi bị Ngọc Hoàng Thượng Ðế trừng phạt biến thành thú vật, cá không ra cá, rùa không ra rùa, thân dài một trượng sáu thốn (10 thước 6 tấc), sắc màu vàng kim nên được gọi là con kim ngao.


Ngọc Hoàng ra lệnh cho nó phải thủ hộ và cai quản các loài thủy tộc trong biển trời trên thiên giới. Có một mùa thu năm ấy, Long Vương giăng lưới làm mưa mà lưới không mở được, bèn điều đình với thần nước, thần mây tạm thời mượn nước của biển trời làm mưa.
Cửa biển trời mở ra rồi, con kim ngao nọ bèn thừa cơ lần theo nước mưa mà xuống trần gian, và chạy đến biển đông nương thân.
Khi con kim ngao đến được trần gian rồi thì bản tính độc ác hại người lại nổi lên. Nó có bốn chân và giữa các ngón chân có cái màn da thật dày cho nó dùng làm mái chèo, nên trong nước nó có thể bơi lội mà trên đất liền nó cũng có thể đi lại. Cần kiếm ăn thì nó nổi lên mặt nước như một chiếc tàu nhỏ, lúc ấy không cần biết là tàu buôn, thuyền chài, một khi bị nó khám phá ra thì coi như là tai họa giáng lên đầu. Sức mạnh con kim ngao này rất lớn, nó muốn chọc thủng đáy tàu thì chỉ cần dùng lưng ủi một cái, chiếc tàu nọ không lật nhào thì cũng bị thủng một lỗ rất lớn, người trên tàu đều biến thành bữa ăn cho nó no bụng. Từ khi có con kim ngao này đến, dân chài không dám ra khơi, tàu buôn không dám nhổ neo, người dân sống ở miền duyên hải không còn nghề nào có thể làm sinh kế nữa.
Nếu con kim ngao không tìm thấy thức ăn trên mặt biển thì nó trèo lên đất liền tác yêu tác quái, bắt trộm heo dê bò ngựa của người ta nuôi mà ăn, còn nếu thấy người nó cũng không tha.
Một số người can đảm tìm cách bắt con quái vật này, họ bèn kết một cái lưới thật lớn, tung tới chỗ mà con kim ngao hay xuất hiện trong biển, nào ngờ sức mạnh con quái vật thật là vô tỷ, nó chỉ cần duỗi chân ra là cái lưới rách nát ; họ lại dùng súng lửa, súng bắn chim để bắn nó, nhưng tiếc rằng cái mai của nó rất dày và chắc, không súng đạn nào có thể làm cho nó bị thương. Họ đã làm đủ cách rồi mà cũng không thể nào bắt hay giết con kim ngao, ngược lại con quái vật bị chọc tức như thế nên ngày ngày lên bờ gây rối, thấy người hay thú đều bắt mà ăn một cách bừa bãi. Dân chúng miền duyên hải bị hắn giết hại quá nhiều, chỉ biết dậm chân kêu trời, âm thanh khóc thương không dứt.
Bồ Tát Quan Âm đang ở động Triều Âm, rừng Trúc Tía trên núi Phổ Ðà nghe tiếng kêu khóc, đưa mắt nhìn về phía Ðông Hải quan sát. Quán xong Ngài biết rằng con kim ngao đang nhiễu hại dân lành khiến họ không còn biết nương tựa vào đâu mà sống, bèn khởi tâm đại bi, quyết vì dân mà trừ hại, bèn biến thành một bà lão, tìm đến bờ biển kiếm một căn nhà bỏ trống mà ở. Có người thấy vậy bèn hỏi :
- Này bà lão, ở đây có con quái vật, bà không biết hay sao?
- Biết chứ!
- Ðã biết sao lại còn tới đây ở? Con quái vật đó hay ăn thịt người, người ta muốn trốn còn trốn không được!
Ngài Quan Âm nói :
- Không sao, chính tôi đang muốn thâu nhận con nghiệt súc này.
Nghe thế ai mà chịu tin, họ lại nói tiếp :
- Sức mạnh con quái vật này vô cùng tận mà phản ứng của nó cũng rất mau lẹ, không ai lưới nó được mà bắn nó cũng không chết, bà tuổi già sức yếu như thế thì làm sao đối chọi lại với nó?
Ngài Quan Âm nói :
- Quý vị đã nghe qua cái lý "lấy nhược thắng cường, lấy nhu thắng cương" rồi chứ? Nhìn con voi trắng khổng lồ kia mà con sợ con chuột nhắt tí hon, và con rắn độc hung hãn mà cũng không địch lại nổi một con rết gầy yếu … Con kim ngao tuy lớn mạnh thật đấy nhưng tôi có cách để trị nó.
Những người kia nghe thì bán tín bán nghi, họ không biết bà lão ốm yếu gió thổi cũng bay kia làm sao khắc phục được con quái vật, nên họ kéo đến xem bà xử trí ra sao.
Ngài Quan Âm tuần tự đến từ nhà này tới nhà khác, thu góp được mười vạn tám ngàn sợi tơ tằm, và dùng những sợi tơ tằm ấy tết lại thành một sợi dây thừng vĩ đại. Xong Ngài lấy cây dương liễu trong tịnh bình ra, tước thành 9 cái móc bằng gai, cột chúng lại với nhau vào đầu của sợi dây thừng trên. Ngài còn lấy đất bùn bên bờ biển nặn thành hình một người nộm và dấu những cái móc bằng gai ấy vào bụng người nộm ấy. Làm xong mọi việc rồi, Ngài bảo mọi người hãy tránh ra thật xa, còn mình thì đi dạo lãng vãng trên bờ biển.
Con kim ngao trải qua vài ngày ngủ vùi dưới đáy biển, đúng lúc ấy nó muốn lên bờ kiếm người hay thú vật bắt ăn cho thỏa thích, bèn từ một ngọn sóng lớn vọt lên mặt biển, bơi thẳng tới bờ. Mọi người vừa thấy sóng gió ngất trời đều cùng nhau kinh hãi kêu lên :
- Quái vật tới rồi! Quái vật tới rồi!
Ngài Quan Âm tay mặt cầm dây thừng, tay trái nhấc người nộm bằng đất bùn lên, tới trước mặt quái vật không chút lo sợ. Kim ngao bơi tới bờ rồi, thấy có người trên bờ bèn lặn xuống nước hớp một bụng nước biển, rồi ngóc đầu lên nghểnh cổ há to miệng ra, chỉ thấy một luồng nước như những mũi tên nhọn hướng về phía Ngài Quan Âm mà phun tới. Mọi người thấy sự việc như thế ai cũng xuất mồ hôi hột, lo sợ cho mạng sống của bà lão già.
Có ai ngờ, dù bị phun nước như thế Ngài vẫn đứng yên không xê xích. Con kim ngao phun hết nước rồi gầm lên một tiếng, nhe nanh múa vuốt nhảy bổ tới. Ngài Quan Âm lớn tiếng phán rằng :
- Nghiệt súc, đừng có ngông cuồng! Ta cho mi ăn thịt người đây!
Nói xong bèn phóng người nộm vào mặt hắn. Con kim ngao đang đói, chẳng từ món ăn nào, há cái mồm như chậu máu nuốt chửng người nộm vào bụng. Không ngờ người nộm bằng đất kia vào bụng nó rồi thì vữa ra, 9 cái móc gai cột vào đầu sợi dây thừng bấu vào tim gan phèo phổi của hắn. Ngài Quan Âm nhẹ tay giật dây thừng một cái, con kim ngao đau quá rống lên như heo bị chọc huyết, không bao lâu lăn lộn trên bãi cát. Ngài Quan Âm nói :
- Nghiệt súc, lâu nay sống trong nhân gian mi đã tàn hại không biết bao nhiêu sinh linh, đáng lẽ phải tru diệt mi đi, nhưng ta từ bi độ mi về Nam Hải tu hành sám hối tội ác, mi đi hay không đi?
Con kim ngao nghe thế bèn quỳ mọp trên bãi cát, nhìn Ngài Quan Âm gật đầu liên hồi.
Ngài Quan Âm thu được con kim ngao rồi, hướng về những người khác mà từ giã :
- Quái vật đã trừ xong, quý vị hãy trở về nhà xưa mà sống cảnh an cư lạc nghiệp, ta cũng trở về núi Phổ Ðà đây.
Nói xong Ngài hiện nguyên hình Bồ Tát, tung người lên đạp trên lưng con kim ngao. Con kim ngao duỗi bốn chân, quay lại phía biển cả, phăng phăng bơi trên mặt nước hướng về Nam Hải.
Tới đây mọi người mới bừng ngộ ra, biết rằng đó chính là Bồ Tát Quan Âm thị hiện để cứu khổ cho dân, bèn cùng nhau hướng lên không trung mà lạy tạ.
Từ đó trong các chùa miếu có tạc tượng Ngài Quan Âm đứng trên lưng con kim ngao, gọi là "Ngao Ðầu Quan Âm".
---o0o---


tải về 1.13 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   19   20   21   22   23   24   25   26   ...   32




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương