Truyền Thuyết Bồ Tát Quan Âm Diệu Hạnh Giao Trinh (dịch Việt) o0o Nguồn



tải về 1.13 Mb.
trang19/32
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.13 Mb.
#28855
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   ...   32

27 - DƯƠNG CHI QUAN ÂM BIA

Đương gia hòa thượng của am Dương Chi tên là Như Quang, có giữ trong am một bức tranh do một vị họa sĩ nổi danh đời Đường tên là Diêm Lập, tức là bức "Quan Âm Đại Sĩ đồ tượng". Tranh vẽ Quan Âm Đại sĩ, đầu đội mão châu ngọc, khoác áo gấm, tay phải cầm cành dương liễu, tay trái cầm tịnh bình, linh động như người sống, thật là diệu tướng trang nghiêm.


Có một bức họa nổi tiếng như thế, am Dương Chi rất là tấp nập. Nào là những bậc học sĩ phong nhã, nào là khách hành hương đến lễ núi Phổ Đà, ai cũng muốn đến nhìn ngắm, lễ bái, ngày nào khách khứa cũng đến như nước chảy xiết không ngừng, khiến cho am Dương Chi nổi tiếng như cồn.
Có người khuyên Như Quang hòa thượng nên đem bức tranh quý vẽ pháp tượng Quan Âm Bồ Tát treo trên chánh điện nhưng ngài sợ đông người tạp nhạp, làm hư họai bức tranh nên chỉ thờ bức tranh ấy trong một thiền phòng ở viện sau.
Một hôm, có một cụ già quắc thước, tóc bạc phơ đến am Dương Chi, đứng trước bức tranh Quan Âm ngắm nghía thật lâu, chân đi không đành. Hoà thượng Như Quang thấy thái độ cụ già như thế bèn đến chắp tay xá :
- Thí chủ có vẻ ái mộ bức tranh này?
Cụ già cũng vái trả đáp lễ đáp rằng :
- Đẹp lắm! Vẽ đẹp lắm! Bút tích thật là tuyệt diệu, đáng cho trăm thế khâm phục! Tại sao Pháp sư không cho tạc bức tranh này lên đá, thờ trên chánh điện cho đại chúng lễ bái?
Hoà Thượng Như Quang nghe thế, thật đúng tâm ý của mình nên vội đáp :
- Đúng thế, đúng thế! Ý của cụ rất hay, nhưng hiện nay tìm đâu cho ra một người thợ điêu khắc tài hoa tinh xảo?
Cụ già nói :
- Nếu như Pháp sư không chê, có thể để cho lão tạc thử xem được không?
Hoà thượng nhìn lão già trân trân, gật đầu đồng ý. Hôm sau, cụ già cõng đến một khối đá xanh bằng phẳng, trơn tru đến phòng thiền ở viện sau. Cụ ngồi trước bức tranh ngắm nhìn nguyên cả một ngày, rồi cười cười bỏ đi.
Hôm sau nữa, cụ già lại cõng đến đủ thứ dụng cụ khắc tượng, lại ngồi trước bức tranh ngắm nhìn nguyên cả một ngày, rồi cười cười bỏ đi.
Cụ già ngồi trước bức tranh ngắm nhìn ba ngày, rồi suy nghĩ thêm ba ngày, đến ngày thứ 7, cụ cầm cây bút tre, chuyên chú vẽ lại bức tranh trên khối đá xanh. Vẽ xong, cụ bèn dùng mũi nhọn và sắc của cái đục, vừa đục vừa tạc, bắt đầu điêu khắc. Hoà thượng Như Quang sai người đem cơm chay đến, cụ không dùng ; cho người đem trà thơm lên, cụ không uống, cứ thế cho đến khuya khoắt, cứ "bong bong, bong bong" mà đục mà khắc liền tay.
Không biết trải qua bao ngày bao đêm như thế, đột nhiên một đêm nọ, tiếng "bong, bong" ngừng bặt, hoà thượng Như Quang vội vàng mặc y áo ra khỏi giường, đến phòng thiền ở phòng sau xem xét, thì không thấy cụ già đâu nhưng có một bia đá tạc hình ngài Quan Âm đã dựng ở đấy rồi, và bức tranh tạc tên đá giống bức tranh mẫu như hệt. Hoà thượng Như Quang rất hài lòng, đem phiến đá tạc hình ngài Quan Âm thờ ở chính điện. Từ đó, khách đến am lễ bái lại càng đông hơn nữa.
Đến năm Vạn Lịch nhà Minh, có một đêm tối đen như mực, đưa tay ra không thấy năm ngón, am Dương Chi bị lửa cháy, lửa cao tới trời, tất cả chỉ còn lại đống tro tàn, bức hình Ngài Quan Âm cũng không thoát khỏi ách nạn. Hoà thượng Như Quang xông tới đống ngói còn nóng như thiêu đốt, dùng tay trần mà bới mà đào, vẫn không sao tìm thấy bia đá có tạc hình Ngài Quan Âm. Ngài cứ quay cuồng nơi ấy, tâm lo lắng như nung như nấu. Chúng tăng trong chùa thấy hoà thượng như vậy, một mặt thì an ủi, một mặt thì chia nhau đi các núi, các thung lũng tìm kiếm, nhưng tìm khắp núi Phổ Đà cũng không tìm ra dấu vết.
Một buổi trưa nọ, có một chú tiểu đến trước mặt hòa thượng nói :
- Sư phụ ơi, đừng khóc nữa, bảo tượng Quan Âm Bồ Tát đã trở về rồi!
Ngài Như Quang mở đôi mắt nhòa lệ nhìn chú tiểu nói :
- Con đừng nói lời an ủi ta, ta đau lòng quá rồi!
Chú tiểu thành thật nói :
- Thật mà, sư phụ, đệ tử có bao giờ nói dối đâu! Không tin, thỉnh sư phụ tới xem!
Hoà thượng Như Quang nửa tin nửa ngờ, theo gót chú tiểu đến cửa Nam Thiên. Thoáng nhìn, ngài thấy trên một bãi cát không xa bờ biển, bia đá có khắc tượng Dương Chi Quan Âm nghiêng nghiêng tựa trên mặt một tảng đá ngầm, sáng loáng phát quang dưới ánh mặt trời, tợ như từ dưới biển trồi lên, nổi trên mặt nước mới tấp vào bờ vậy.
Hoà thượng Như Quang mừng không thể tả, lập tức bảo chúng tăng khiêng bia về am.
Làm sao bia Dương Chi Quan Âm lại từ dưới biển trồi lên? Nguyên do là đêm tối trời ấy có một tốp "giặc lùn" lén mò lên Phổ Đà Sơn, không ăn cắp được tranh bèn lấy trộm Quan Âm bia rồi còn đốt cháy am Dương Chi nữa. Có ngờ đâu khi tàu cướp vừa đến biển Liên Hoa, một trận gió dữ thình lình nổi lên, tàu giặc mất phương hướng, bị sóng xô giạt tới cửa Nam Thiên, húc phải đá ngầm khiến tàu bị lật, bia đá Quan Âm mới dựa nghiêng trên mặt tảng đá ngầm như vậy.
Tìm được bia đá rồi, trước hết, hoà thượng Như Quang đem bia tới chùa Phổ Tế thờ tạm, đợi am Dương Chi xây lại xong mới nghênh tiếp bia về nguyên xứ. Cho đến ngày nay, hễ đến Phổ Đà Sơn du lịch, ai cũng muốn được ngắm nhìn một lần tấm bia Quan Âm đã thoát được tai ách lớn và nghe lại một lần truyền thuyết của tấm bia ấy.
---o0o---

28 - ĐA BẢO QUAN ÂM

Tượng Đa Bảo Quan Âm có 18 cánh tay, và trong mỗi bàn tay có nắm một viên ngọc quý. Nhìn bức tượng này thì thấy dường như Ngài có vô số bảo vật, thật ra Ngài đã có lần hiển hóa ở vùng Giang Nam để khuyến cáo thế gian đừng nên tham lam bảo vật của cải.



Ngày xưa, dân chúng ở giải đất Giang Nam quen thói bạc bẽo, trục lợi, tham lam, lừa bịp, gian dâm, cướp bóc và giết chóc, không biết lễ nghĩa, chỉ tôn trọng có tiền tài và quyền thế mà thôi. Quan Âm Bồ Tát thấy họ bất lương như thế, nên đau lòng mà tìm cách hóa độ cho họ.
Ngài bèn biến thành một thầy tu mập mạp phốp pháp, lưng đeo một cái bị lớn, tay cầm rất nhiều vàng bạc châu báu, đi nghênh ngang giữa chợ cho mọi người để ý đến mình. Một ông thầy tu xuất hiện như thế trên các nẻo đường thành thị, dĩ nhiên lập tức lôi cuốn một bọn côn đồ vô lại. Đấy là một bọn lưu manh gian hiểm, chỉ biết lêu lổng chơi bời, khi thấy trên tay vị thầy tu có rất nhiều vàng vòng châu báu thì chúng chỉ muốn cướp lấy ngay. Thế là chúng chận đường ông thầy tìm cách gây hấn. Một tên trong bọn đầu đội nón lệch sang một bên, nói một cách đe dọa :
- Ông sư hổ mang này, dám cả gan đến đất của ta nghênh ngang lừa bịp! Ông là người xuất gia, làm sao có những vàng bạc châu báu này? Mau mau đưa hết cả đây thì ta tha cho mà đi, bằng không thì đừng hòng sống sót!
Quan Âm Bồ Tát hỏi :
- Châu báu à? Châu báu nào đâu? Ta không có châu báu, cũng không biết thế gian gọi cái gì là châu báu. Chỉ có tu tâm, học thiện mới đáng gọi là châu báu mà thôi.
Bọn vô lại nghe thế làm sao chịu được, bèn nhao nhao la hét :
- Cái ông sư gian xảo này nói sàm gì vậy? Trên lưng, trên tay ông toàn là ngọc ngà vàng bạc, đó không phải là châu báu chứ là cái gì? Đừng có giở trò, mau đứa hết đây!
Quan Âm Bồ Tát nói :
- Các vị muốn mấy cái đồ quỷ này hả? Bần tăng thấy mấy thứ này như phân như đất, bần tăng đang bực bội vì mấy thứ lôi thôi phiền phức này đây!
Nói xong Ngài bèn bỏ xuống đất tất cả những châu báu mà Ngài đang mang trên lưng, trên tay rồi nói :
- Đây, toàn bộ cả đây, muốn lấy gì thì lấy đi!
Thế là bọn vô lại ba chân bốn cẳng ùa lại, chí choé tranh đoạt lẫn nhau những thứ đáng tiền, trong nháy mắt chúng cướp đi hết, chỉ có một xâu chuỗi tràng bằng hột bà-la là chúng không thèm đếm xỉa tới nên bỏ lại dưới đất. Ông thầy mập nhặt xâu chuỗi lên, cảm thán mà nói :
- Đáng thương cho thế gian không biết phân biệt thật giả, cái đồ vô dụng thì lấy đem đi hết, còn xâu chuỗi quý giúp cho mình tu tâm dưỡng tính thì lại chê, thế mới biết dân ở đây không có thiện căn!
Bọn vô lại đâu có nghe những lời của ông thầy mập, thiện căn với chẳng thiện căn, chúng chỉ nghĩ làm sao đem số châu báu mới cướp được đi bán lấy tiền cho mau.
Đến giữa trưa, bọn vô lại đi cả rồi, ông thầy mập bèn đến chùa Từ Vân ở gần đấy xin tá túc, và xin luôn bữa ăn trưa.
Chùa Từ Vân là ngôi chùa nổi danh nhất vùng đất ấy, tăng chúng trong chùa lên đến đâu khoảng mười người. Các vị ấy hết lòng lo việc hoằng dương Phật Pháp, nhưng vì dân chúng ở đất này thiếu thiện căn, người quy y lương thiện không nhiều nên tiền cúng dường chùa cũng rất ít. Ông thầy mập nói chuyện với chư tăng, mọi người đều than thở buồn rầu, không biết làm sao hóa độ cho cái dân chợ búa ấy, và làm sao cho họ tin Phật đây?
Lúc ông thầy mập thọ ngọ trai ở chùa Từ Vân vừa xong thì bọn vô lại ban sáng hùng hùng hổ hổ kéo nhau đến chùa tìm ông. Thì ra khi chúng ra chợ tính bán các vật trân quý mới cướp được thì phát giác ra mình cái đang cầm trong tay toàn là bụi đất, bụi đất theo gió mà bay đi hết chứ chẳng có châu báu nào cả. Chúng hết sức ngạc nhiên, không biết giải thích điều này làm sao, cuối cùng bèn quyết định đi tìm ông thầy mập hỏi cho ra lẽ, vì thế mới kéo nhau đến chùa Từ Vân. Ông thầy mập đã biết trước rằng chúng sẽ đến nên không chờ chúng mở miệng, đã mỉm cười hỏi trước :
- Các vị tới đây có chuyện gì? Bần tăng có gì các vị đã lấy đi hết rồi, chỉ còn có xâu chuỗi cùng cái bát khất thực này thôi, vậy thì các vị còn muốn gì nữa mà đến tìm bần tăng?
Bọn vô lại quát :
- Cái ông thầy chùa dễ ghét! Châu báu ban sáng bọn ta lấy xong, chỉ trong giây lát đã trở thành cát bụi, đúng là mi muốn giỡn mặt với bọn ta mà, bọn ta đến đấy tìm mi hỏi cho ra lẽ, muốn sống thì mau đem châu báu thật ra đây, nếu không đừng trách bọn ta vô lễ!
Ông thầy mập vẫn thản nhiên đáp :
- Thì ra là vậy! Ủa mà hồi sáng tôi đã nói trước với các vị rồi mà, mấy thứ đó chỉ là phân, là đất, các vị không tin cứ nói đó là trân bảo rồi tranh nhau đoạt lấy đem đi. Bây giờ rõ ràng lời tôi nói là đúng, tại sao các vị trách tôi giỡn mặt với các vị? Để tôi nói cho các vị một điều, ở đời giàu nghèo đều có mệnh trời, không thể cưỡng đoạt mà có. Tiền tài là những thứ bên ngoài thân, tranh tới đoạt lui có ích gì? Tôi khuyên các vị nên tỉnh ngộ là hơn.
Bọn vô lại nghe những lời này làm sao lọt vào tai, đó là một bọn ngu si khó dạy lại cứng đầu, chúng mắng chửi ông thầy mập hết lời :
- Đồ thầy chùa gian xảo, không cho mi một trận thì mi không đưa châu báu ra phải không!
Thế là chúng vung tay múa chân ập vào đánh. Ông thầy mập vừa cao vừa to, nhìn thì thấy lù khù chậm chạp, ai ngờ thầy lại nhanh nhẹn khác thường, cả bọn xông lại thế mà không đứa nào đến gần ông được. Bọn lưu manh giận quá điên tiết lên, vừa chửi rủa vừa đánh đấm không ngừng. Ông thầy mập nghĩ rằng nếu không để cho bọn này đánh trúng mình thì câu chuyện sẽ còn dằn dai không dứt, thôi thì cho chúng nó đánh khúc gỗ vậy.
Ở giữa chùa Từ Vân có dựng một khúc thân cây lê, các thầy ở chùa đang chuẩn bị dùng gỗ ấy để khắc tượng Phật.
Quan Âm Bồ Tát tức thời thị hiện chút thần thông, khúc gỗ cây lê liền biến thành ông thầy mập, bị bọn vô lại vây kín đánh đấm cho đến trầy tay xướt chân, mệt mỏi rã rời mới chịu ngừng. Khi chúng nghĩ rằng một trận đánh như thế đã đủ cho chúng trả hận rồi, định thần nhìn lại thì thấy ông thầy mập mà mình vừa đánh đấm nào có phải là ông thầy mập, mà là một khúc gỗ đang nằm dưới đất. Bọn lưu manh giật mình kinh hãi, há hốc mồm nhìn sững khúc gỗ rồi quay lại nhìn nhau. Có đứa biết chữ, nhìn thấy thân cây lê có khắc sáu chữ "Đa Bảo Quan Âm Bồ Tát".
Lúc ấy tất cả mọi người có mặt mới biết ông thầy mập ấy chính là hóa thân Quan Âm Bồ Tát. Đứa nào cũng đấm ngực dậm chân, ăn năn hối hận. Có đứa im lặng nhớ lại sự việc đã qua cùng những lời khuyên răn của ông thầy mập, biết rằng đó là Bồ Tát Quan Âm có ý muốn hóa độ mình, cảm thấy xúc động mạnh, vừa hối hận vừa tri ân, bèn lẳng lặng bỏ đi. Quả nhiên sau đó có rất nhiều người bỏ ác hướng thiện, thay đổi hẳn cuộc sống, bỏ thói tham lam trục lợi lúc trước.
Hóa thân Quan Âm Bồ Tát đấu với bọn vô lại ra sao, chúng tăng chùa Từ Vân đã nhìn thấy rõ ràng. Ban đầu họ lo sợ cho ông thầy mập, sợ ông bị bọn vô lại đánh gục nên tính chạy vô can gián, nào ngờ ông thầy mập lại có công lực phi phàm! Sau đó, lúc tất cả đều xông vào đánh ông, họ cũng định ra tay ngăn cản thì thấy chỉ có khúc gỗ cây lê là bị đánh nên ai cũng khâm phục trí huệ và pháp lực của Quan Âm Bồ Tát. Chúng tăng bèn quỳ trước thân cây lê khấu đầu lễ bái. Sau đó, họ đem khúc gỗ bị đánh ấy khắc thành tượng Đa Bảo Quan Âm.
---o0o---


tải về 1.13 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   ...   32




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương