Tiêu chuẩn Việt Nam tcvn8548: 2011


F.2 Hướng dẫn đánh giá cây mầm theo mã số



tải về 2.58 Mb.
trang15/17
Chuyển đổi dữ liệu02.01.2022
Kích2.58 Mb.
#38945
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17
F.2 Hướng dẫn đánh giá cây mầm theo mã số

F.2.1 Nhóm A 1.1.1.1

F.2.1.1 Khái quát

Thực vật một lá mầm, có kiểu nảy mầm trên mặt đất (lá mầm được nâng lên khỏi mặt đất) và trụ trên lá mầm không kéo dài. Rễ sơ cấp là cơ bản.

Chi đại diện: Hành tỏi (Allium)

Hệ chồi gồm một trụ dưới lá mầm rất khó nhìn thấy, chồi đỉnh được bao bọc bởi phần bên dưới của lá mầm hình trụ, có màu xanh và kéo dài. Không có sự kéo dài của trụ trên lá mầm. Đỉnh của lá mầm nằm lại trong vỏ hạt và hấp thụ các chất dinh dưỡng từ nội nhũ.

Hệ rễ gồm một rễ sơ cấp, thường có lông rễ. Rễ sơ cấp là cơ bản vì các rễ thứ cấp không được dùng để đánh giá cây mầm nếu rễ sơ cấp bị khuyết tật.

F.2.1.2 Sự phát triển của cây mầm trong thời gian thử nghiệm

Ở hạt chín, phôi được bao bọc trong nội nhũ. Phôi hình trụ, gồm một rễ mầm ngắn và một lá mầm hình trụ, dài, đôi khi bị cuộn lại, chồi mầm được bao bọc ở phần gốc.

Khi bắt đầu nảy mầm, rễ sơ cấp chọc thủng vỏ hạt và kéo dài ra nhưng không sinh ra các rễ bên. Trong suốt thời gian thử nghiệm, các cây mầm có thể sinh ra một hoặc hai rễ bất định ở vùng chuyển tiếp giữa rễ sơ cấp và lá mầm. Phần màu xanh của cây mầm bao gồm lá mầm hình trụ và đỉnh của lá mầm thường nằm trong nội nhũ suốt thời gian thử nghiệm. Lá mầm có dạng uốn cong ở phần trên của nó, gọi là “dạng đầu gối”. Ở gốc của lá mầm có một khe hở nhỏ để lá sơ cấp mọc ra, nhưng điều này thường không xảy ra trong thời gian thử nghiệm.

F.2.1.3 Đánh giá các cây mầm bình thường và không bình thường

a) Các cây mầm bình thường:

– Hệ rễ: Rễ sơ cấp nguyên vẹn hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ, các vết nứt và vết tách nhỏ không ảnh hưởng đến các mô dẫn.

– Hệ chồi: Lá mầm nguyên vẹn, có “dạng đầu gối” hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ, vặn xoắn lỏng.

– Toàn bộ cây mầm: Tất cả các cấu trúc cơ bản bình thường như được liệt kê ở trên. b) Các cây mầm không bình thường:

– Hệ rễ: Rễ sơ cấp bị khuyết tật như còi cọc hoặc chùn ngắn; phát triển chậm, bị mất; bị gãy; bị xẻ từ đỉnh; cằn cỗi; khẳng khiu; hướng đất ngược; trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

– Hệ chồi: Lá mầm bị khuyết tật như ngắn và dày; bị gãy; uốn cong nhiều hoặc uốn thành vòng tròn; uốn thành vòng xoắn ốc; không có dạng “đầu gối”; khẳng khiu; trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

- Toàn bộ cây mầm: Một hoặc nhiều cấu trúc cơ bản không bình thường như được liệt kê ở trên, hoặc sự phát triển bình thường bị ngăn cản do toàn bộ cây mầm bị khuyết tật chẳng hạn như bị biến dạng; bị đứt gãy; hai cây dính nhau; có màu vàng hoặc màu trắng; khẳng khiu; trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

F.2.2 Nhóm A 1.2.3.1

F.2.2.1 Khái quát

Thực vật một lá mầm, có kiểu nảy mầm dưới mặt đất (các lá mầm nằm lại dưới mặt đất cùng với vỏ hạt). Rễ sơ cấp là cơ bản.

Chi đại diện: Cỏ (Lolium).

Lá thật thứ nhất phát triển ở bên trong bao lá mầm. Bao lá mầm được coi là phần cơ bản của lá mầm. Phần trên của lá mầm biến đổi thành dạng vảy (scutellum), nằm lại bên trong vỏ hạt cùng với nội nhũ.

Hệ rễ gồm một rễ sơ cấp, thường được bao phủ bởi các lông rễ, các rễ thứ cấp đôi khi có thể phát triển trong thời gian thử nghiệm nhưng chúng không được dùng để đánh giá cây mầm.

F.2.2.2 Sự phát triển của cây mầm trong thời gian thử nghiệm

Quả của họ Hòa thảo (Poaceae) là quả dĩnh. Ở đa số các loài thuộc nhóm này, quả dĩnh được được bao kín bởi vỏ trấu trên và vỏ trấu dưới. Ở một số loài, quả dĩnh được bao lỏng lẻo bởi vỏ trấu trên và vỏ trấu dưới, do vậy trong cùng một mẫu hạt giống có thể có cả quả dĩnh được bao kín và quả dĩnh trần. Phôi nằm ở phần đầu của quả dĩnh, gồm trục phôi cùng với lá mầm dạng vảy (scutellum) đính ở gần giữa. Trục phôi gồm có rễ mầm ở phía dưới và chồi mầm ở phía trên. Cả hai phần này được bảo vệ bởi các vỏ bao mỏng, phần rễ mầm được bảo vệ bởi bao rễ mầm và phần chồi mầm được bảo vệ bởi bao lá mầm. Phần trục của cây mầm ở giữa điểm đính của lá mầm dạng vảy và bao lá mầm được gọi là trụ giữa lá mầm.

Khi bắt đầu nảy mầm, bao rễ mầm chọc thủng qua vỏ hạt và rễ mầm sơ cấp mọc ra qua bao rễ mầm. Các rễ thứ cấp rất ít khi phát triển trong thời gian thử nghiệm. Tiếp theo sự xuất hiện của rễ sơ cấp là sự kéo dài của bao lá mầm cùng với sự phát triển của lá thứ nhất ở bên trong bao lá mầm. Sau này, lá thứ nhất sẽ thoát ra ở gần đỉnh của bao lá mầm. Phần lá mầm dạng vảy sẽ nằm lại ở bên trong nội nhũ và cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây mầm phát triển. Trụ giữa lá mầm có thể hơi kéo dài tùy theo loài được thử nghiệm và phản ứng với các điều kiện thử nghiệm.

F.2.2.3 Đánh giá các cây mầm bình thường và không bình thường

a) Các cây mầm bình thường:

– Hệ rễ: Rễ sơ cấp nguyên vẹn hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ, các vết nứt và vết tách nhỏ không ảnh hưởng đến các mô dẫn.

– Hệ chồi:

Trụ giữa lá mầm (nếu phát triển): nguyên vẹn hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ; các vết nứt và vết tách nhỏ không ảnh hưởng đến các mô dẫn.

Bao lá mầm: nguyên vẹn hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ; bị vặn xoắn lỏng; bị xẻ từ đỉnh đến 1/3 hoặc ít hơn.

CHÚ THÍCH: Sự kéo dài của bao lá mầm ở các loài cỏ thường rất hạn chế trong phép thử nảy mầm. Bởi vậy, các cây mầm có bao lá mầm tương đối ngắn được coi là bình thường nếu các cấu trúc khác bình thường.

Lá sơ cấp: nguyên vẹn, thoát ra qua bao lá mầm ở phần gần đỉnh, hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ; phát triển chậm (chưa đạt đến đỉnh nhưng ít nhất đạt đến một nửa chiều dài của bao lá mầm).

– Toàn bộ cây mầm: Tất cả các cấu trúc cơ bản bình thường như được liệt kê ở trên.

b) Các cây mầm không bình thường:

– Hệ rễ: Rễ sơ cấp bị khuyết tật như còi cọc hoặc chùn ngắn; phát triển chậm; bị mất; bị gãy; bị xẻ từ đỉnh; bị mắc trong vỏ hạt; hướng đất ngược; cằn cỗi; khẳng khiu; trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

– Hệ chồi:

Trụ giữa lá mầm (nếu phát triển) bị khuyết tật như bị gãy; tạo thành vòng tròn; vặn xoắn chặt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

Bao lá mầm bị khuyết tật như bị biến dạng (chẳng hạn, ngắn và dày do ảnh hưởng của nhiễm độc thực vật); bị gãy; bị mất; có đỉnh bị tổn thương hoặc không có đỉnh; uốn cong nhiều; tạo thành vòng tròn hoặc xoắn ốc; bị vặn xoắn chặt; xẻ quá 1/3 chiều dài từ đỉnh; bị tách nhưng không phải ở gốc; khẳng khiu; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

Lá sơ cấp bị khuyết tật như chỉ đạt đến dưới một nửa chiều dài của bao lá mầm; bị biến dạng; bị mất; có màu vàng hoặc màu trắng; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

– Toàn bộ cây mầm: Một hoặc nhiều cấu trúc cơ bản không bình thường như được liệt kê ở trên, hoặc sự phát triển bình thường bị ngăn cản do toàn bộ cây mầm bị khuyết tật như bị biến dạng; bị đứt gãy; hai cây dính nhau; có màu vàng hoặc màu trắng; khẳng khiu; trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

F.2.3 Nhóm A 1.2.3.2

F.2.3.1 Khái quát

Thực vật một lá mầm, có kiểu nảy mầm dưới mặt đất. Rễ sơ cấp có thể được thay thế bằng các rễ thứ cấp. Chi đại diện: Ngô (Zea), Lúa (Oryza), Cao lương (Sorghum)

Các lá thật thứ nhất phát triển bên trong bao lá mầm. Bao lá mầm được coi là phần cơ bản của lá mầm. Phần trên của lá mầm biến đổi thành dạng vảy (scutellum), nằm lại ở bên trong nội nhũ.

Hệ rễ gồm một rễ sơ cấp, thường được phủ bởi các lông rễ và thường có một số rễ thứ cấp được dùng để đánh giá cây mầm, nếu rễ sơ cấp bị khuyết tật.

F.2.3.2 Sự phát triển của cây mầm trong thời gian thử nghiệm

Hạt chín gồm một quả dĩnh tương đối lớn. Ở một số loài, quả dĩnh được bao kín bởi lá mày trên và lá mày dưới (lúa), ở một số loài khác quả dĩnh là hạt trần (ngô và cao lương). Phôi nằm ở phần đầu của quả dĩnh, gồm trục phôi cùng với phần lá mầm dạng vảy (scutellum) đính ở gần giữa. Trục phôi gồm có rễ mầm ở phía dưới và chồi mầm ở phía trên. Cả hai phần này được bảo vệ bởi các bao mỏng, phần rễ mầm được bảo vệ bởi bao rễ mầm và phần chồi mầm được bảo vệ bởi bao lá mầm. Phần trục của cây mầm ở giữa điểm đính của lá mầm dạng vảy và bao lá mầm được gọi là trụ giữa lá mầm.

Khi bắt đầu nảy mầm, bao rễ mầm chọc thủng qua vỏ hạt và rễ mầm sơ cấp mọc ra qua bao rễ mầm. Thường có rất nhiều rễ thứ cấp được sinh ra trong thời gian thử nghiệm. Tiếp theo sự xuất hiện của rễ sơ cấp là sự kéo dài của bao lá mầm cùng với sự phát triển của lá thứ nhất ở bên trong bao lá mầm, sau này sẽ thoát ra ở gần đỉnh của bao lá mầm. Phần lá mầm dạng vảy sẽ nằm lại ở bên trong nội nhũ và cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây mầm phát triển. Trụ giữa lá mầm có thể hơi kéo dài tùy theo loài được thử nghiệm và phản ứng với các điều kiện thử nghiệm.

F.2.3.3 Đánh giá các cây mầm bình thường và không bình thường

a) Các cây mầm bình thường:

– Hệ rễ: Rễ sơ cấp nguyên vẹn hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ; các vết nứt hoặc vết tách nhỏ nhưng không ảnh hưởng đến các mô dẫn.

CHÚ THÍCH: Các cây mầm cũng được coi là bình thường trong trường hợp rễ sơ cấp bị khuyết tật nhưng đã phát triển đủ một số lượng rễ thứ cấp bình thường.

– Hệ chồi:

Trụ giữa lá mầm nguyên vẹn hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ; các vết nứt hoặc vết tách nhỏ nhưng không ảnh hưởng đến các mô dẫn; vặn xoắn lỏng.

Bao lá mầm nguyên vẹn hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ; vặn xoắn lỏng; xẻ từ đỉnh đến 1/3 hoặc ít hơn.

Lá sơ cấp nguyên vẹn, thoát ra qua bao lá mầm ở gần đỉnh; hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ; phát triển chậm (ít nhất đạt đến một nửa chiều dài của bao lá mầm);

– Toàn bộ cây mầm: Tất cả các cấu trúc cơ bản bình thường như được liệt kê ở trên. b) Các cây mầm không bình thường:

– Hệ rễ: Rễ sơ cấp bị khuyết tật như còi cọc hoặc chùn ngắn; phát triển chậm hoặc bị mất; bị gãy hoặc bị xẻ từ đỉnh; hướng đất ngược; cằn cỗi; khẳng khiu; trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

CHÚ THÍCH: Các cây mầm cũng được coi là bình thường trong trường hợp rễ sơ cấp bị khuyết tật nhưng đã phát triển đủ một số lượng rễ thứ cấp bình thường.

– Hệ chồi:

Trụ giữa lá mầm bị khuyết tật như bị gãy; tạo thành vòng tròn hoặc xoắn ốc; vặn xoắn chặt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

Bao lá mầm bị khuyết tật như bị biến dạng (ngắn và dày); bị gãy hoặc bị mất; có đỉnh bị hỏng hoặc bị mất; uốn cong nhiều; tạo thành vòng tròn hoặc xoắn ốc; vặn xoắn chặt; uốn cong nhiều; bị xẻ quá 1/3 chiều dài từ đỉnh; bị tách nhưng không phải ở phần gốc; khẳng khiu; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

Lá sơ cấp bị khuyết tật như mọc ít hơn một nửa chiều dài của bao lá mầm; bị mất; bị rách thành nhiều mảnh hoặc bị biến dạng; có màu vàng hoặc màu trắng; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

– Toàn bộ cây mầm: Một hoặc nhiều cấu trúc cơ bản không bình thường như được liệt kê ở trên, hoặc sự phát triển bình thường bị ngăn cản do cây mầm bị khuyết tật như bị biến dạng; bị đứt gãy; hai cây dính nhau; có màu vàng hoặc màu trắng; khẳng khiu; trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

F.2.3.4 Các hướng dẫn bổ sung

F.2.3.4.1 Lúa (Oryza sativa)

Về hình thái và sự phát triển của cây mầm, lúa hơi khác so với hầu hết các loài khác của họ Hòa thảo (Gramineae) thường phổ biến trong thử nghiệm hạt giống. Khi bắt đầu nảy mầm, cấu trúc đầu tiên xuất hiện là bao lá mầm, tiếp theo là rễ sơ cấp. Độ dài cuối cùng của bao lá mầm nói chung là ngắn, mặc dù có khác nhau đôi chút tùy theo giống và các điều kiện thử nghiệm. Lá thứ nhất sẽ mọc ra qua bao lá mầm bởi vết tách ở gần đỉnh và tách dần xuống dưới khi lá mọc dần. Tuy nhiên, phần gốc của bao lá mầm không được tách hẳn ra, nếu bị tách ra thì cây mầm sẽ là không bình thường. Lá thứ nhất chỉ có bẹ lá và thường bị cuốn chặt lại, chỉ có lá thứ hai mọc ra sau lá thứ nhất là có phiến lá thực sự. Hệ rễ gồm rễ sơ cấp và một số rễ thứ cấp có các rễ bên và rễ bất định.

F.2.3.4.2 Ngô (Zea mays)

Vào lúc các cây mầm đã đạt đến giai đoạn phát triển chính xác để đánh giá, nghĩa là khi lá thật thứ nhất xuất hiện, thì bao lá mầm thường có một vết tách dài tự nhiên do sự phát triển của các lá bên trong bao lá mầm.

Đối với ngô, các quy định cụ thể về đánh giá bao lá mầm và sự tổn thương của lá thứ nhất xem 2.14.2, 2.15.3.

Nếu lá thứ nhất đã xuất hiện vào thời gian đánh giá thì cây mầm là không bình thường nếu lá sơ cấp bị tổn thương và bao lá mầm có một trong các khuyết tật sau đây:

Bao lá mầm bị tách quá 1/3 chiều dài kể từ đỉnh

Bao lá mầm bị uốn cong nhiều

Đỉnh bao lá mầm bị hỏng hoặc bị mất

Bao lá mầm bị tách ở phía dưới đỉnh

Nếu lá thứ nhất chưa phát triển vào thời gian đánh giá:

Đỉnh bao lá mầm bị hỏng hoặc bị mất

Bao lá mầm bị tách quá 1/3 chiều dài kể từ đỉnh

Lá mọc ra ở phía dưới đỉnh của bao lá mầm

Nhìn chung, trong phép thử dùng cát, phân hữu cơ hoặc dùng đất thì lá thứ nhất thường phát triển vào thời gian đánh giá, nhưng trong phép thử dùng giấy cuộn thì lá thứ nhất thường chưa phát triển.

Nếu lá thứ nhất bị rách hoặc bị tổn thương, nhưng sự phát triển của lá tiếp theo và các bộ phận khác vẫn bình thường thì cây mầm là bình thường. Để đánh giá cây mầm một cách chính xác, có thể cần phải kéo dài thời gian thử nghiệm cho đến khi lá thứ hai hoặc thứ ba phát triển.

F.2.4 Nhóm A 1.2.3.3

F.2.4.1 Khái quát

Thực vật một lá mầm, có kiểu nảy mầm dưới mặt đất. Có một số rễ sinh sản được dùng để đánh giá thay cho rễ sơ cấp.

Chi đại diện: Lúa mì (Triticum), lúa mạch (Hordeum), lúa mì đen (Secale).

Bộ phận cây mầm phát triển vươn ra ngoài ánh sáng và có màu xanh là lá sơ cấp, thường được bao bọc trong một cái bao mỏng trong suốt gọi là bao lá mầm.

Lá thứ nhất phát triển ở bên trong bao lá mầm. Bao lá mầm được coi là bộ phận cơ bản của lá mầm. Phần trên của lá mầm biến đổi thành dạng vảy (sculellum) và nằm lại bên trong nội nhũ.

Hệ rễ gồm một số rễ sinh sản, thường có các lông rễ và không khác biệt về kích thước trong thời gian đánh giá.

F.2.4.2 Sự phát triển của cây mầm trong thời gian thử nghiệm

Quả dĩnh của các loài trong nhóm này tương đối lớn. Một số loài có quả dĩnh được bao kín trong lá mày trên và lá mày dưới (lúa mạch), một số khác là quả dĩnh trần (lúa mì, lúa mì đen). Phôi nằm ở phần đầu của quả dĩnh, gồm trục phôi với lá mầm dạng vảy đính ở gần giữa trục. Phần dưới của trục phôi gồm có rễ mầm và một số mầm rễ sinh sản và phần trên là chồi mầm.

Cả hai phần này được bảo vệ bởi các bao mỏng, phần rễ mầm được bảo vệ bởi bao rễ mầm và phần chồi mầm được bảo vệ bởi bao lá mầm. Phần trục của cây mầm ở giữa điểm đính của lá mầm dạng vảy và bao lá mầm được gọi là trụ giữa lá mầm.

Khi bắt đầu nảy mầm, bao rễ mầm chọc thủng qua vỏ hạt và rễ sơ cấp mọc ra qua bao rễ mầm và sau đó là các rễ sinh sản khác. Tiếp theo sự xuất hiện của các rễ sinh sản là sự kéo dài của bao lá mầm cùng với sự phát triển của lá sơ cấp ở bên trong bao lá mầm. Sau đó, lá sơ cấp thoát ra ở gần đỉnh của bao lá mầm. Trụ giữa lá mầm có thể hơi kéo dài tùy theo loài và các điều kiện thử nghiệm.

Phần lá mầm dạng vảy nằm lại ở bên trong nội nhũ và cung cấp các chất dinh dưỡng được lấy từ nội nhũ cho cây mầm phát triển.

F.2.4.3 Đánh giá các cây mầm bình thường và không bình thường

a) Các cây mầm bình thường:

– Hệ rễ: Ít nhất có một rễ sinh sản nguyên vẹn hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ; các vết tách và vết nứt nhỏ nhưng không ảnh hưởng đến các mô dẫn.

– Hệ chồi:

Trụ giữa lá mầm (nếu phát triển) nguyên vẹn hoặc chỉ có khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ; các vết tách và vết nứt nhỏ nhưng không ảnh hưởng đến các mô dẫn.

Bao lá mầm nguyên vẹn hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ; vặn xoắn lỏng; bị tách từ đỉnh đến 1/3 hoặc ít hơn; các vết tách và vết nứt nhỏ.

Lá sơ cấp nguyên vẹn, thoát ra qua bao lá mầm ở gần đỉnh hoặc ít nhất đạt đến một nửa chiều dài của bao lá mầm; hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu, vết thối nhỏ; bị tổn thương nhẹ.

– Toàn bộ cây mầm: Tất cả các cấu trúc cơ bản bình thường như được liệt kê ở trên. b) Các cây mầm không bình thường:

– Hệ rễ: Các rễ sinh sản bị khuyết tật hoặc không đủ như bị còi cọc; bị chùn ngắn (chẳng hạn do bị nhiễm độc thực vật); bị mất; bị gãy; hướng đất ngược; cằn cỗi; khẳng khiu; trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

CHÚ THÍCH: Cây mầm được coi là bình thường nếu có một rễ sinh sản nguyên vẹn.

– Hệ chồi:

Trụ giữa lá mầm (nếu phát triển) bị khuyết tật như bị rách sâu hoặc bị gãy; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

Bao lá mầm bị khuyết tật: như bị chùn ngắn (chẳng hạn do bị nhiễm độc thực vật); bị gãy; bị mất; có đỉnh bị tổn thương hoặc bị mất quá 1/3 chiều dài của bao lá mầm; uốn cong hoặc tạo thành vòng tròn; xoắn ốc; vặn xoắn chặt; bị tách từ đỉnh quá 1/3 chiều dài của bao lá mầm; bị tách nhưng không phải từ đỉnh; khẳng khiu; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

Lá sơ cấp bị khuyết tật như mọc chưa đến một nửa chiều dài của bao lá mầm; bị mất; bị rách hoặc biến dạng, có màu vàng hoặc màu trắng, bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

– Toàn bộ cây mầm: Một hoặc nhiều cấu trúc cơ bản không bình thường như được liệt kê ở trên, hoặc sự phát triển bình thường bị ngăn cản do toàn bộ cây mầm bị khuyết tật như bị biến dạng; bị đứt gãy; hai cây dính nhau; có màu vàng hoặc màu trắng; khẳng khiu; trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

F.2.4.4 Các hướng dẫn bổ sung

Việc đánh giá cây mầm phải được tiến hành khi lá thứ nhất đã mọc thoát ra khỏi bao lá mầm ở hầu hết các cây mầm. Những cây mầm ở cuối thời gian thử nghiệm chưa đạt đến giai đoạn phát triển này vẫn được coi là bình thường nếu các bộ phận khác là bình thường, trừ khi lá phát triển chưa đến một nửa bao lá mầm.

Các cây mầm có bao lá mầm bị tách được coi là bình thường khi vết tách chạy từ đỉnh xuống không quá 1/3 chiều dài của bao lá mầm. Nếu vết tách vượt quá 1/3 chiều dài, hoặc nếu bao lá mầm bị tách ở gốc, thì cây mầm phải được coi là không bình thường. Khi đánh giá chiều dài của vết tách, phải hết sức cẩn thận không làm mở rộng vết tách khi nhấc cây mầm ra để kiểm tra.

Cây mầm có bao lá mầm bị mắc kẹt trong vỏ trấu hoặc vỏ quả, được coi là bình thường khi sự phát triển của các bộ phận khác là bình thường, nhưng được coi là không bình thường nếu sự phát triển của cây mầm bị chậm hơn so với các cây mầm khác. Các cây mầm có phần lá mầm dạng vảy (scutellum) bị tách rời ra khỏi nội nhũ được coi là không bình thường.

Các mẫu hạt giống của các loài ngũ cốc đã xử lý hóa chất được đặt nảy mầm ở trên giá thể nhân tạo, chẳng hạn như giấy, đôi khi có thể sinh ra các cây mầm có các triệu chứng nhiễm độc thực vật, chẳng hạn bao lá mầm chùn ngắn và phồng lên, các rễ sinh sản bị chùn ngắn. Nếu có một số lượng nhiều các cây mầm như thế (5 % hoặc hơn) trong phép thử, thì mẫu phải thử nghiệm lại trong đất hoặc phân hữu cơ. Đất và phân hữu cơ có thể cho phép đánh giá mẫu này chính xác hơn vì đất và phân hữu cơ hấp thụ một số chất hóa học và các triệu chứng nhiễm độc sẽ giảm bớt hoặc thậm chí có thể hoàn toàn biến mất. Những cây mầm vẫn có triệu chứng nhiễm độc trong đất hoặc phân hữu cơ thì phải được đánh giá là không bình thường.

Sử dụng các thuốc trừ cỏ, chẳng hạn như glyphosat ở các cây trồng có thể gây ra hiện tượng hướng đất ngược trong các phép thử nảy mầm khi sử dụng các môi trường như giấy và cát. Nếu có 5 % hoặc hơn các cây mầm như thế trong phép thử thì mẫu phải được thử nghiệm lại trong môi trường đất hoặc phân hữu cơ. Đất hoặc phân hữu cơ có thể cho phép đánh giá mẫu một cách chính xác hơn vì đất hoặc phân hữu cơ sẽ hấp thụ bớt glyphosat trên bề mặt của hạt giống và các triệu chứng sẽ giảm bớt hoặc hoàn toàn biến mất. Trong các phép thử dùng phân hữu cơ, những cây mầm không có ít nhất một rễ sinh sản phát triển tốt và hướng xuống phía dưới thì phải được đánh giá là không bình thường. Những cây mầm không bình thường như thế thường có các lông rễ phát triển kém và thường không đảm bảo phát triển bình thường.

F.2.5 Nhóm A 2.1.1.1

F.2.5.1 Khái quát

Thực vật hai lá mầm có kiểu nấy mầm trên mặt đất và trụ trên lá mầm không kéo dài. Rễ sơ cấp là cơ bản.

Chi đại diện: Cải (Brasica), rau cần (Apium), củ cải đường (Beta), cà rốt (Daucus), hướng dương (Helianthus), xà lách (Lactuca).

Hệ chồi gồm trụ dưới lá mầm kéo dài và hai lá mầm cùng với chồi đỉnh nằm giữa hai lá mầm; không có sự kéo dài của trụ trên lá mầm trong thời gian thử nghiệm; trụ trên lá mầm và chồi đỉnh thường không thấy rõ.

Hệ rễ gồm có một rễ sơ cấp, thường có lông rễ phát triển tốt. Các rễ thứ cấp đôi khi phát triển trong thời gian thử nghiệm, nhưng không được dùng để đánh giá cây mầm.

F.2.5.2 Sự phát triển của cây mầm trong thời gian thử nghiệm

Hạt của các chi trong nhóm này chứa phôi có kích thước và hình dạng khác nhau. Phôi có thể nằm trong nội nhũ (cà rốt), hoặc ở ngoại nhũ (củ cải đường), hoặc các nguồn dự trữ thức ăn có thể được chứa trong các lá mầm (cải, hướng dương).

Khi bắt đầu nảy mầm, rễ sơ cấp chọc thủng qua vỏ hạt và kéo dài ra nhanh chóng. Hầu hết các loài trong nhóm này thường không phát triển rễ thứ cấp trong thời gian thử nghiệm. Trụ dưới lá mầm kéo dài ra và nâng các lá mầm lên khỏi mặt đất, các lá mầm nhanh chóng mở ra và bắt đầu quang hợp. Trụ trên lá mầm không phát triển trong thời gian thử nghiệm và chồi đỉnh nằm ở giữa các lá mầm thường rất khó nhìn thấy.

F.2.5.3 Đánh giá các cây mầm bình thường và không bình thường

a) Các cây mầm bình thường:

– Hệ rễ: Rễ sơ cấp nguyên vẹn hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ; các vết nứt hoặc vết tách nhỏ nhưng không ảnh hưởng đến các mạch dẫn.

– Hệ chồi:

Trụ dưới lá mầm nguyên vẹn hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ; các vết nứt hoặc vết tách nhỏ; vặn xoắn lỏng.

Các lá mầm nguyên vẹn hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như dưới 50 % mô bị hỏng; chỉ có một lá mầm nguyên vẹn; có 3 lá mầm.

Chồi đỉnh và các mô xung quanh nguyên vẹn.

– Toàn bộ cây mầm: Tất cả các cấu trúc cơ bản bình thường như được liệt kê ở trên.

b) Các cây mầm không bình thường:

– Hệ rễ: Rễ sơ cấp bị khuyết tật như còi cọc hoặc chùn ngắn; phát triển chậm; bị mất; bị gãy; bị xẻ từ đỉnh; cằn cỗi; khẳng khiu; bị mắc kẹt trong vỏ hạt; hướng đất ngược; trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp

CHÚ THÍCH 1: Cây mầm được coi là không bình thường nếu rễ sơ cấp bị khuyết tật, mặc dù các rễ thứ cấp đã phát triển. Cây mầm có rễ sơ cấp bị mắc kẹt trong vỏ hạt được coi là bình thường nếu ở cuối thời gian thử nghiệm thấy đỉnh rễ đã thoát ra khỏi vỏ hạt.

– Hệ chồi:

Trụ dưới lá mầm bị khuyết tật như ngắn và dày; bị nứt sâu (vết nứt làm ảnh hưởng đến các mô dẫn) hoặc bị gãy; bị tách xuyên qua; bị mất; uốn cong nhiều hoặc tạo thành vòng tròn; vặn xoắn chặt hoặc tạo thành vòng xoắn ốc; cằn cỗi; khẳng khiu; trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

Các lá mầm bị khuyết tật đến mức hơn 50 % mô bị hỏng; bị phồng hoặc bị uốn quăn; bị biến dạng; bị gãy; bị tách rời ra hoặc bị mất; bị biến màu hoặc bị thối; trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

Chồi đỉnh hoặc các mô xung quanh bị khuyết tật.

CHÚ THÍCH 2: Các lá mầm bị tổn thương hoặc bị thối ở điểm đính vào trục cây mầm hoặc gần chồi đỉnh được coi là không bình thường bất kể luật 50 %.

– Toàn bộ cây mầm: Một hoặc nhiều cấu trúc cơ bản không bình thường như trên, hoặc sự phát triển bình thường bị ngăn cản do toàn bộ cây mầm bị khuyết tật như bị biến dạng; bị gãy; các lá mầm mọc ra trước rễ sơ cấp; hai cây dính nhau; có màu vàng hoặc màu trắng; khẳng khiu; trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

F.2.5.4 Các hướng dẫn bổ sung

F.2.5.4.1 Cải (Brassica spp.)

Cần phải lưu ý là các cây mầm không được đánh giá trước khi tất cả các bộ phận cơ bản đã phát triển, và đặc biệt là trước khi các lá mầm đã hoàn toàn thoát ra khỏi vỏ hạt và có thể đánh giá được một cách chính xác, có như vậy những đặc điểm không bình thường mới được đánh giá một cách dễ dàng.

Sự đánh giá các lá mầm đặc biệt quan trọng ở các loài cải (Brassica), không chỉ về các vùng bị chết và thối, mà còn về sự thiếu hụt chất diệp lục (các vùng có màu trắng hoặc màu vàng). Để nhận ra sự thiếu hụt này, phải để cho các cây mầm mọc dưới ánh sáng đầy đủ. Nói chung, cách làm là áp dụng luật 50 %, nhưng nếu phần gốc của các lá mầm (vùng ở xung quanh cuống lá và điểm đính của các lá mầm vào trụ dưới lá mầm) bị biến màu, bị chết hoặc thối, thì cây mầm coi là không bình thường.

Cần phải nắm vững nguyên tắc ở các loài cải (Brassica và Raphanus) thì rễ sơ cấp là cơ bản, ngay cả cây mầm có rễ sơ cấp bị khuyết tật có thể sinh ra một số rễ thứ cấp. Nếu trong phép thử có 5 % hoặc nhiều hơn những cây mầm có rễ sơ cấp bị khuyết tật (chẳng hạn, bị còi cọc), thì nên thử nghiệm lại mẫu trong cát, đất hoặc phân hữu cơ để kiểm tra lại kết quả.

F.2.5.4.2 Xà lách (Lactuca sativa)

Khi đánh giá các cây mầm xà lách (Lactuca sativa), hiện tượng thối sinh lý thường thấy ở những hạt đã già đôi khi gây khó khăn cho việc đánh giá. Các triệu chứng này có thể bao gồm các vết nhỏ hoặc các vùng có màu nâu ở trên các lá mầm hoặc các lá mầm có thể hoàn toàn bị biến màu hoặc bị thối và trụ dưới lá mầm có thể bị ngắn và dày, uốn cong hoặc trong suốt. Trong các trường hợp này, phải áp dụng luật 50 % để đánh giá các lá mầm. Tuy nhiên, nếu các vùng bị biến màu hoặc bị thối ở gần chồi đỉnh và gần điểm đính của lá mầm vào trục cây mầm thì cây mầm

là không bình thường, bất kể luật 50 %. Để đánh giá chính xác tình trạng của lá mầm, phải thực hiện việc đánh giá sau khi các lá mầm đã thoát ra khỏi vỏ hạt và nên đưa mẫu ra ngoài sáng và bỏ nắp đậy trong vài giờ trước khi đánh giá. Nếu vỏ hạt dính vào các lá mầm do bị hoại tử hoặc bị thối và nếu tách ra sẽ làm tổn thương đến cây mầm, thì cây mầm phải được coi là không bình thường.

Củ cải đường (Beta vulgaris): Phép thử nảy mầm ở củ cải đường thường khó đánh giá và các kết quả ở các phòng kiểm nghiệm thường khác nhau do các cây mầm bị nhiễm nấm bệnh (đặc biệt là nấm Phoma betae). Khi đánh giá cây mầm phải phân biệt rõ ràng giữa nhiễm bệnh sơ cấp (hạt giống mang nguồn bệnh) và nhiễm bệnh thứ cấp (bệnh lây từ nguồn ở bên ngoài, chẳng hạn từ các cây mầm khác hoặc từ các cấu trúc của hoa tự chùm ở xung quanh hạt giống).

Để đánh giá chính xác các cây mầm ở củ cải đường, phải tiến hành đánh giá từng cây mầm ở hai giai đoạn phát triển khác nhau:

– Vào giai đoạn phát triển sớm, chú ý phát hiện cây mầm bị nhiễm bệnh sơ cấp hay thứ cấp;

– Vào giai đoạn phát triển muộn hơn, chú ý đánh giá các bộ phận của cây mầm. Cách tiến hành:

– Giá thể tốt nhất để tiến hành phép thử là loại giấy lọc được gấp thành giấy gấp. Các chùm hạt được rửa trước và được sấy khô theo quy định tại Bảng F.2.

– Lần đếm đầu (vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 4): Các cây mầm chỉ mới có một phần rễ và còn quá nhỏ so với lần đánh giá cuối cùng. Ở giai đoạn phát triển sớm này của cây mầm, sự nhiễm bệnh sơ cấp và thứ cấp là dễ phân biệt nhất. Bất kỳ cây mầm nào có rễ sơ cấp mọc ra từ chùm hạt mà khỏe mạnh (có màu trắng) thì được coi là bình thường và được đánh dấu, không quan tâm đến các phần khác của rễ có bị nhiễm bệnh hay không (có màu nâu). Bất kỳ cây mầm nào có rễ sơ cấp mọc ra từ chùm hạt mà bị nhiễm bệnh (có màu nâu hoặc màu đen) được coi là không bình thường và được đánh dấu bằng một ký hiệu khác, bất kể các phần khác của rễ (chẳng hạn, chóp rễ) có khỏe mạnh hay không (có màu trắng).

Các cây mầm bị nhiễm bệnh phải loại bỏ ra khỏi phép thử để tránh sự lây lan của bệnh, nhưng chùm hạt thì phải giữ lại trong phép thử, bởi vì các cây mầm khác có thể tiếp tục phát triển từ chùm hạt. Những rễ rõ ràng là không bình thường do các nguyên nhân khác được đánh dấu bằng chữ A.

– Lần đếm thứ hai (thường vào ngày thứ 7): Hầu hết các cây mầm lúc này đã phát triển tất cả các bộ phận cơ bản của chúng cần cho sự đánh giá cuối cùng. Nếu cây mầm có các bộ phận cơ bản là bình thường, và nếu rễ của nó đã được đánh dấu là khỏe mạnh ở lần đếm trước, thì được coi là bình thường và chùm hạt được loại ra và ghi chép lại, ngay cả nếu nó đã bị thối hoàn toàn vào thời gian của lần đếm thứ hai và sự nhiễm bệnh có vẻ như là từ bên trong chùm hạt. Những cây mầm rõ ràng là không bình thường và bị thối cũng được loại bỏ ra khỏi phép thử và ghi chép lại, nhưng các chùm hạt của chúng phải để lại cho đến lần đếm cuối cùng.

– Áp dụng cách làm tương tự cho các lần đếm tiếp theo và lần đếm cuối cùng.

– Nếu phải xác định tỉ lệ hạt giống đơn mầm, thì cách tiến hành phải được sửa đổi cho phù hợp, nhưng nguyên tắc thì vẫn giữ như vậy.

– Ngoài ra, cũng có thể áp dụng các biện pháp xử lý hạt giống bằng thuốc diệt nấm trước khi đặt nảy mầm để ngăn ngừa sự lây nhiễm bệnh nếu biết chắc là lô hạt giống chưa được xử lý nấm bệnh.

F.2.6 Nhóm A 2.1.1.2

F.2.6.1 Khái quát

Thực vật hai lá mầm, có kiểu nảy mầm trên mặt đất và trụ trên lá mầm không kéo dài. Rễ sơ cấp có thể được thay thế bằng các rễ thứ cấp.

Chi đại diện: Dưa chuột (Cucumis), bông (Gossypium).

Hệ chồi gồm trụ dưới lá mầm kéo dài và hai lá mầm cùng với chồi đỉnh nằm ở giữa hai lá mầm; trụ trên lá mầm không kéo dài trong thời gian thử nghiệm; trụ trên lá mầm và chồi đỉnh thường không thấy rõ.

Hệ rễ gồm có một rễ sơ cấp, thường có lông rễ và thường có các rễ thứ cấp được dùng để đánh giá cây mầm, nếu rễ sơ cấp bị khuyết tật.

Sự phát triển của cây mầm trong thời gian thử nghiệm

Phôi trong hạt giống của các chi trong nhóm này thường có hai lá mầm lớn, trong một số trường hợp (chẳng hạn, bông) các lá mầm bị nhăn và gấp nếp, đôi khi hơi dày, trục phôi ngắn.

Khi bắt đầu nảy mầm, rễ sơ cấp mọc qua vỏ hạt và kéo dài ra nhanh chóng. Ở tất cả các loài của họ Bầu bí (Cucurbitaceae), rễ sơ cấp nhanh chóng sinh ra rất nhiều rễ thứ cấp, các rễ đầu tiên được hình thành ở ngay bên dưới trụ dưới lá mầm (lưu ý: rễ sơ cấp của bông (Gossypium) đôi khi không sinh ra các rễ thứ cấp). Trụ dưới lá mầm kéo dài ra và các lá mầm tách ra khỏi vỏ hạt, mở ra và bắt đầu quang hợp trong suốt giai đoạn cây mầm.

Trụ trên lá mầm không phát triển trong thời gian thử nghiệm và chồi đỉnh nằm ở giữa các lá mầm rất khó nhìn thấy.

F.2.6.2 Đánh giá các cây mầm bình thường và không bình thường

a) Các cây mầm bình thường:

– Hệ rễ: Rễ sơ cấp nguyên vẹn hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ; các vết nứt hoặc vết tách nhỏ nhưng không ảnh hưởng đến các mạch dẫn.

CHÚ THÍCH: Cây mầm được coi là bình thường nếu rễ sơ cấp bị khuyết tật, nhưng đã phát triển đủ một số lượng rễ thứ cấp bình thường.

– Hệ chồi:

Trụ dưới lá mầm nguyên vẹn hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ; các vết nứt hoặc vết tách nhỏ; vặn xoắn lỏng.

Các lá mầm nguyên vẹn hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như dưới 50 % mô bị hỏng; chỉ có một lá mầm nguyên vẹn; có 3 lá mầm.

Chồi đỉnh và các mô xung quanh nguyên vẹn

– Toàn bộ cây mầm: Tất cả các cấu trúc cơ bản bình thường như được liệt kê ở trên. b) Các cây mầm không bình thường:

– Hệ rễ: Rễ sơ cấp bị khuyết tật và các rễ thứ cấp không đủ hoặc bị khuyết tật như còi cọc hoặc chùn ngắn; phát triển chậm; bị mất; bị gãy; bị xẻ từ đỉnh; bị mắc kẹt trong vỏ hạt; hướng đất ngược; cằn cỗi; khẳng khiu;trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

CHÚ THÍCH 1: Cây mầm được coi là bình thường nếu rễ sơ cấp bị khuyết tật, nhưng đã phát triển đủ một số lượng rễ thứ cấp bình thường.

– Hệ chồi:

Trụ dưới lá mầm bị khuyết tật như ngắn và dày; bị nứt sâu hoặc bị gãy; bị xẻ xuyên ngang qua; bị mất; bị uốn cong nhiều hoặc uốn thành vòng tròn; vặn xoắn chặt hoặc tạo thành vòng xoắn ốc; cằn cỗi; khẳng khiu hoặc trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

Các lá mầm bị khuyết tật đến mức hơn 50 % mô bị hỏng; bị phồng, quăn hoặc biến dạng; bị gãy; bị rời ra hoặc bị mất; bị biến màu hoặc bị thối; trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp. Chồi đỉnh hoặc các mô xung quanh bị khuyết tật.

CHÚ THÍCH 2: Cây mầm được coi là không bình thường nếu các lá mầm bị tổn thương hoặc bị thối ở điểm đính vào trục cây mầm hoặc ở gần chồi đỉnh, bất kể luật 50 %.

– Toàn bộ cây mầm: Một hoặc nhiều cấu trúc cơ bản là không bình thường như được liệt kê ở trên, hoặc cây mầm bị khuyết tật như bị biến dạng; bị đứt gãy; các lá mầm mọc trước rễ sơ cấp; hai cây dính nhau; có màu vàng hoặc màu trắng; khẳng khiu; trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

F.2.7 Nhóm A 2.1.2.2

F.2.7.1 Khái quát

Thực vật hai lá mầm, có kiểu nảy mầm trên mặt đất và trụ trên lá mầm kéo dài. Rễ sơ cấp có thể được thay thế bằng các rễ thứ cấp.

Chi đại diện: Đậu ngự (Phaseolus), lạc (Arachis).

Hệ chồi gồm trụ dưới lá mầm kéo dài, hai lá mầm và trụ trên lá mầm hơi kéo dài cùng với hai lá sơ cấp phát triển xung quanh chồi đỉnh.

Hệ rễ gồm một rễ sơ cấp, thường có lông rễ và các rễ thứ cấp được dùng để đánh giá cây mầm, nếu rễ sơ cấp bị khuyết tật.

F.2.7.2 Sự phát triển của cây mầm trong thời gian thử nghiệm

Phôi ở hạt giống của các chi trong nhóm này gồm hai lá mầm lớn và dày chứa nguồn dự trữ thức ăn cho cây mầm. Các lá mầm đính vào trục phôi cùng với rễ mầm và chồi mầm. Ở một số chi có rễ mầm uốn cong (chẳng hạn, đậu ngự), hoặc ngắn và thẳng (chẳng hạn, lạc). Chồi mầm gồm hai lá sơ cấp nằm gấp nếp ở giữa các lá mầm.

Khi bắt đầu nảy mầm, rễ sơ cấp mọc qua vỏ hạt, kéo dài ra nhanh chóng và sinh ra các rễ thứ cấp. Trụ dưới lá mầm kéo dài ra và các lá mầm thoát ra khỏi vỏ hạt. Các lá mầm ở hầu hết các chi của nhóm này mở ra, có màu xanh và quang hợp (đậu tương), nhưng một số chi khác (đậu ngự) thì rất khó mở ra và nhanh chóng bị teo đi. Vào cuối thời gian thử nghiệm, trụ trên lá mầm có thể hơi kéo dài và các lá sơ cấp mở ra.

F.2.7.3 Đánh giá các cây mầm bình thường và không bình thường

a) Các cây mầm bình thường:

– Hệ rễ: Rễ sơ cấp nguyên vẹn hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ; các vết nứt hoặc vết tách nhỏ nhưng không ảnh hưởng đến các mô dẫn.

CHÚ THÍCH: Các cây mầm được coi là bình thường nếu rễ sơ cấp bị khuyết tật nhưng đã phát triển đủ một lượng rễ thứ cấp bình thường.

– Hệ chồi:

Trụ dưới lá mầm và trụ trên lá mầm nguyên vẹn hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ; các vết nứt hoặc vết tách nhỏ; vặn xoắn lỏng.

Các lá mầm nguyên vẹn hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như dưới 50 % mô bị hỏng; chỉ có một lá mầm nguyên vẹn; có 3 lá mầm.

Các lá sơ cấp nguyên vẹn hoặc chỉ có các khuyết tật nhẹ như dưới 50 % mô bị hỏng; chỉ có một lá sơ cấp nguyên vẹn; có 3 lá sơ cấp; hình dạng bình thường nhưng phát triển chậm.

Chồi đỉnh nguyên vẹn.

– Toàn bộ cây mầm: Tất cả các cấu trúc cơ bản bình thường như được liệt kê ở trên. b) Các cây mầm không bình thường:

– Hệ rễ: Rễ sơ cấp bị khuyết tật như bị còi cọc hoặc chùn ngắn; phát triển chậm; bị mất; bị gãy; bị xẻ từ đỉnh; bị mắc kẹt trong vỏ hạt; hướng đất ngược; cằn cỗi; khẳng khiu hoặc trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

CHÚ THÍCH 1: Các cây mầm cũng được coi là bình thường nếu rễ sơ cấp bị khuyết tật nhưng đã phát triển đủ một số lượng rễ thứ cấp bình thường.

– Hệ chồi:

Trụ dưới lá mầm và/hoặc trụ trên lá mầm bị khuyết tật như ngắn và dày; bị nứt sâu làm ảnh hưởng đến các mô dẫn; bị xẻ xuyên qua; bị mất; uốn cong nhiều hoặc uốn thành vòng tròn; tạo thành vòng xoắn ốc; vặn xoắn chặt; cằn cỗi; khẳng khiu hoặc trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

Chồi đỉnh bị khuyết tất hoặc bị mất.

Các lá mầm bị khuyết tật đến mức hơn 50 % mô bị hỏng; bị biến dạng; bị gãy hoặc tổn thương; bị tách rời hoặc bị mất; bị biến màu hoặc bị thối; trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

CHÚ THÍCH 2: Cây mầm được coi là không bình thường nếu lá mầm bị tổn thương hoặc bị thối ở điểm đính vào trục cây mầm.

Các lá sơ cấp bị khuyết tật đến mức quá 50 % diện tích lá bị hỏng; bị quăn hoặc bị biến dạng; bị tổn thương; bị tách rời ra hoặc bị mất; bị biến màu; bị thối; nhỏ hơn 1/4 kích thước bình thường; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp. Chồi đỉnh bị khuyết tật hoặc bị mất.

CHÚ THÍCH 3: Cây mầm được coi là không bình thường nếu trục chính phát triển không bình thường, bất kể cây mầm đã có các chồi nách phát triển từ các lá mầm hoặc các lá sơ cấp.

– Toàn bộ cây mầm: Một hoặc nhiều cấu trúc cơ bản không bình thường như được liệt kê ở trên, hoặc cây mầm bị khuyết tật như bị biến dạng; bị đứt gãy; các lá mầm mọc trước rễ sơ cấp; hai cây dính nhau; có màu vàng hoặc màu trắng; khẳng khiu hoặc trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

F.2.7.4 Các hướng dẫn bổ sung

F.2.7.4.1 Đậu ngự (Phaseolus)

Các cây mầm của các loài đậu Phaseolus có thể rất khác nhau tùy theo phương pháp đặt nảy mầm được chọn.

Vì vậy, để có các kết quả giống nhau phải lưu ý khi áp dụng các phương pháp đặt nảy mầm như sau:

a) Đặt nảy mầm trong cát:

Các cây mầm của Phaseolus được gieo 9 ngày trong cát và có ánh sáng sẽ phát triển các cấu trúc cơ bản sau đây:

 Hệ rễ có một rễ sơ cấp dài và một số rễ thứ cấp

 trụ dưới lá mầm thẳng và kéo dài

 trụ trên lá mầm thẳng và kéo dài

 hai lá sơ cấp phát triển và mở ra

 hai lá mầm.

Các lá mầm của Phaseolus và Vigna không tăng kích thước sau khi nảy mầm nhưng có thể có hoạt động quang hợp. Các chất dinh dưỡng dự trữ trong lá mầm sẽ nhanh chóng được tiêu thụ bởi cây mầm đang phát triển và chức năng của chúng sẽ nhanh chóng kết thúc. Vì thế, vào thời gian thử nghiệm các lá mầm có thể bị teo quắt lại hoặc bị rụng khỏi cây mầm. Bởi vậy, chúng không thể dùng để đánh giá cây mầm. Mặt khác, các lá mầm của đậu tương có thể hơi tăng kích thước trong và sau khi nảy mầm. Vì vậy, chúng phải được đánh giá theo luật 50 %.

Các lá sơ cấp thường mở ra và tiến hành quang hợp. Đây là những cấu trúc cơ bản của cây mầm và chúng phải được đánh giá. Các lá sơ cấp được coi là bình thường nếu chúng có hình dạng bình thường và không nhỏ hơn ¼ kích thước lá trung bình của các cây mầm bình thường trong cùng phép thử. Tuy nhiên, nếu các lá sơ cấp bị tổn thương hoặc bị biến dạng thì vùng lá còn lại của chúng phải đáp ứng luật 50 %.

b) Đặt nảy mầm trong giấy cuộn:

Các cây mầm của Phaseolus gieo 9 ngày trong giấy cuộn sẽ phát triển các cấu trúc cơ bản sau đây:

 Rễ sơ cấp, thường có một số lượng lớn các rễ thứ cấp còn non;

 Hai lá mầm, phồng, mập và thường có màu hơi vàng hoặc hơi xanh;

 Trụ dưới lá mầm hơi kéo dài; thường hơi cong do sự xoay tự nhiên của cây mầm (hoặc đôi khi do điều kiện chật chội trong giấy cuộn;

 Trụ trên lá mầm hơi kéo dài và nhìn thấy rõ giữa các lá mầm;

 Hai lá sơ cấp nhỏ, gấp nếp, màu vàng hoặc màu xanh nằm ở giữa các lá mầm hoặc hơi thò ra ngoài.

Vào giai đoạn phát triển này, các lá mầm là cơ bản và phải đáp ứng luật 50 %. Sự phát triển của các lá sơ cấp phải được kiểm tra bằng cách mở các lá mầm để đánh giá.

Đánh giá các lá sơ cấp theo luật 25 %:

Khi các lá sơ cấp đã hình thành, cây mầm được coi là không bình thường nếu các lá sơ cấp nhỏ hơn ¼ kích thước bình thường.

Khi nghi ngờ lá là bình thường hay không bình thường thì đặt các lá nhỏ lên trên một cái lá chuẩn bình thường và sau đó đánh giá xem chúng lớn hơn hay nhỏ hơn 25 %.

F.2.7.4.2 Lạc (Arachis hypogaea)

Khác với các loài đậu ngự (Phaseolus), lạc có trụ dưới lá mầm tương đối ngắn và mập. Các lá mầm còn đính ở cây mầm trong một thời gian dài và được dùng để đánh giá cây mầm theo luật 50 %. Trong thời gian thử nghiệm, trụ trên lá mầm và hai lá sơ cấp xẻ lông chim phát triển ở giữa các lá mầm. Ngoài mầm chính, thì sự phát triển của hai mầm nách phải phát triển bình thường. Tuy nhiên, mầm chính là cơ bản và nếu mầm chính bị mất hoặc bị khuyết tật thì cây mầm phải được coi là không bình thường.

F.2.8 Nhóm A 2.2.2.2

F.2.8.1 Khái quát

Thực vật hai lá mầm, có kiểu nảy mầm dưới mặt đất và trụ trên lá mầm kéo dài. Rễ sơ cấp có thể được thay thế bằng các rễ thứ cấp.

Chi đại diện: Đậu Hà Lan (Pisum), đậu răng ngựa (Vicia).

Hệ chồi gồm trụ trên lá mầm kéo dài và chồi đỉnh có các lá sơ cấp phát triển. Các lá mầm thường nằm lại trong vỏ hạt và trụ dưới lá mầm rất khó nhìn thấy.

Hệ rễ gồm một rễ sơ cấp, thường có lông rễ và các rễ thứ cấp được dùng để đánh giá cây mầm nếu rễ sơ cấp bị khuyết tật.

F.2.8.2 Sự phát triển của cây mầm trong thời gian thử nghiệm

Phôi của hạt giống ở các chi của nhóm này có hai lá mầm lớn và mập, chứa nguồn thức ăn dự trữ. Các lá mầm được đính vào trục phôi ngắn cùng với rễ mầm và chồi mầm.

Khi bắt đầu nảy mầm, rễ sơ cấp chọc thủng qua vỏ hạt, kéo dài ra nhanh chóng và sau đó là các rễ thứ cấp. Trụ dưới lá mầm rất khó nhìn thấy, nhưng trụ trên lá mầm tương đối kéo dài. Trụ trên lá mầm thường mang một số lá vảy ở bên dưới các lá sơ cấp và chồi đỉnh. Các chồi ở nách của các lá mầm thường ngủ nghỉ, trừ khi nếu chồi đỉnh bị tổn thương.

F.2.8.3 Đánh giá các cây mầm bình thường và không bình thường

a) Các cây mầm bình thường:

– Hệ rễ: Rễ sơ cấp nguyên vẹn hoặc chỉ bị các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ; các vết nứt hoặc vết tách đã liền lại; các vết nứt hoặc vết tách nhỏ không làm ảnh hưởng đến các mô dẫn;

CHÚ THÍCH: Cây mầm được coi là bình thường nếu rễ sơ cấp bị khuyết tật, nhưng đã phát triển đủ một số lượng rễ thứ cấp bình thường.

– Hệ chồi:

Các lá mầm nguyên vẹn hoặc chỉ bị các khuyết tật nhẹ như dưới 50 % mô bị hỏng; chỉ có một lá mầm nguyên vẹn; có 3 lá mầm.

Trụ trên lá mầm nguyên vẹn hoặc chỉ bị các khuyết tật nhẹ như các vết biến màu hoặc vết thối nhỏ; các vết nứt hoặc vết tách đã liền lại; các vết nứt hoặc vết tách nhỏ không làm ảnh hưởng đến các mô dẫn; vặn xoắn lỏng.

Các lá sơ cấp nguyên vẹn hoặc có dưới 50 % diện tích mô bị hỏng. Chồi đỉnh nguyên vẹn.

– Toàn bộ cây mầm: Tất cả các cấu trúc cơ bản bình thường như được liệt kê ở trên.

b) Các cây mầm không bình thường:

– Hệ rễ: Rễ sơ cấp bị khuyết tật như còi cọc hoặc chùn ngắn; phát triển chậm; bị mất; bị gãy; bị xẻ từ đỉnh; bị mắc kẹt trong vỏ hạt; hướng đất ngược; cằn cỗi; khẳng khiu hoặc trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

CHÚ THÍCH 1: Cây mầm được coi là bình thường nếu rễ sơ cấp bị khuyết tật nhưng đã phát triển đủ một số lượng rễ thứ cấp bình thường.

– Hệ chồi:

Các lá mầm bị khuyết tật đến mức hơn 50 % mô bị hỏng; bị biến dạng; bị gãy hoặc bị tổn thương (chẳng hạn, do côn trùng); bị biến màu hoặc bị thối; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

CHÚ THÍCH 2: Chú ý các vết thối ở điểm đính của các lá mầm vào trục cây mầm. Có vết thối thì được coi là cây mầm không bình thường

Trụ trên lá mầm bị khuyết tật như ngắn và dày; bị nứt sâu hoặc bị gãy; bị thủng xuyên qua; bị mất; uốn cong nhiều hoặc uốn thành vòng tròn; uốn thành vòng xoắn ốc; vặn xoắn chặt; cằn cỗi; khẳng khiu hoặc trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

Các lá sơ cấp bị khuyết tật đến mức hơn 50 % diện tích mô bị hỏng; bị biến dạng; bị tổn thương; bị tách rời ra hoặc bị mất; bị biến màu; bị thối; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.

Chồi đỉnh bị khuyết tật hoặc bị mất.

CHÚ THÍCH 3: Cây mầm phải được coi là không bình thường nếu chồi chính và chồi đỉnh bị khuyết tật, ngay cả nếu các chồi nách có thể đã phát triển.

– Toàn bộ cây mầm: Một hoặc nhiều cấu trúc cơ bản không bình thường như được liệt kê ở trên, hoặc cây mầm bị khuyết tật như bị biến dạng; bị đứt gãy; hai cây dính nhau; có màu vàng hoặc màu trắng; khẳng khiu hoặc trong suốt; bị thối do nhiễm bệnh sơ cấp.



F.3 Các bảng quy định phương pháp đặt nảy mầm và sai số cho phép


Каталог: data -> 2017
2017 -> Tcvn 6147-3: 2003 iso 2507-3: 1995
2017 -> Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố
2017 -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 10256: 2013 iso 690: 2010
2017 -> Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-cp ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
2017 -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8400-3: 2010
2017 -> TIÊu chuẩn nhà NƯỚc tcvn 3133 – 79
2017 -> Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015
2017 -> Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-cp ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
2017 -> Btvqh10 ngày 25 tháng 5 năm 2002 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam

tải về 2.58 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương