Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ



tải về 2.02 Mb.
trang21/31
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.02 Mb.
#9077
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   31

2. “TÂM” ở đâu?

Vương Dương Minh, một thời, cũng đã tôn sùng Lý Học của Chu Hi. Theo tương truyền, ông đã chăm chú tập trung tư tưởng để nghiên cứu tường tận cái “lý” của cây tre, nhưng suốt bảy ngày bảy đêm, ông không tìm ra được chân lý gì cả! Bởi vậy, ông đã thất vọng và từ bỏ môn phái Lý Học để đi tìm một con đường mới.

Khi ông đang sống cơ cực trong lúc bị đầy ải ở trạm Long Trường, một hôm, nửa đêm, ông chợt “tỉnh ngộ” và tìm ra được ý nghĩa của câu “cách vật trí tri”. Ông linh cảm rằng: Chân Lý Tuyệt Đối, hay Lý Thái Cực, không cần tìm ở vũ trụ bên ngoài, nhưng chính là ở trong bản ngã con người, ngay trong tâm tính, tâm linh con người.

Do đó, theo họ Vương, “vũ trụ này là một toàn thể tâm linh và trong đó chỉ có một thế giới mà thôi! Đó là thế giới hiện hữu, cụ thể mà chúng ta tự kinh nghiệm được”. Như vậy, Vương Dương Minh chỉ công nhận có một thế giới là thế giới Tâm Linh mà thôi! Ngoài Tâm Linh ra, không có sự vật gì khác nữa, không công nhận thế giới “lý” riêng biệt của Chu Hi.(176)



3. “TÂM” là gì?

Trước hết, nên tìm hiểu ý nghĩa chữ TÂM trong môn phái Tâm Học. Theo nguyên tự, chữ tâm ( ) vừa vẽ ra hình trái tim, vừa giống hình ngọn lửa đang bốc cháy. Trong sách Ngữ Lục III, họ Vương đã định nghĩa rõ chữ Tâm: “Tâm không phải là một khối huyết nhục. Chính chỗ tri giác là Tâm. Như tai mắt biết nghe, biết trông, tay chân biết đau biết mỏi, cái tri giác ấy là Tâm vậy”. Do đó, ở đây Tâm không có nghĩa là quả tim bằng thịt, nhưng mang một ý nghĩa về tâm lý, tâm hồn, tâm linh, siêu hình. Tâm là tri giác, là sự cảm biết, hay Ý thức, Tâm thức (Consciousness), hay Tâm linh (Spirituality). Tâm của con người là phần thiêng liêng, sáng suốt, vạn lý vạn sự đều căn bản ở đó cả. Phần linh thiêng, ý thức đó, chính là Thiên Lý, là Lương Tâm.

Lục Cửu Uyên đã cho Tâm đồng nghĩa với “Lý” của Chu Hi: Tâm là Lý (Thái Cực). Vương Dương Minh viết: “Tâm tức là Đạo, Đạo là Trời, biết Tâm thì biết Đạo và biết Trời (Tâm tức Đạo, Đạo tức Thiên, tri Tâm tắc tri Đạo, tri Thiên). Học giả cần biết thực rõ Đạo ấy, rồi cứ theo cái Tâm của mình mà thể nhận lấy, không phải mượn sự tìm ở ngoài mới được” (Ngữ lục I).

Thiên Lý là bản thể của Tâm, nghĩa là cái của Trời phú cho. Tính với Tâm là một, vì Tính là bản tính tự nhiên, hồn nhiên của ta do Trời ban cho. Tính ( ) là bản tính nhân loại và bản tính mọi loài. “Thiên Mệnh vị chi tính” (Tính gọi là Thiên Mệnh, vì do Trời phú cho).

Theo cách định nghĩa và giải thích của Vương Dương Minh và phái Tâm Học, thì ta có thể hiểu chữ Tâm đồng nghĩa với nhiều ý niệm siêu hình, triết lý khác. Chẳng hạn, Tâm là Lương Tâm, là Thiên Lý, là Tâm Linh, là tâm tính, tức là phần linh thiêng sáng suốt nhất, “chiêu minh linh giác”, trong bản tính con người.(177)

Hơn nữa, Tâm được đồng hóa với Đạo, với Thiên, vì biết được Tâm, thì cũng biết được Đạo, biết được Thiên, thì biết được Lý Thái Cực. Cho nên, khi họ Vương đồng hóa Tâm với Đạo, với Thiên Lý, tức là ông đã tiến một bước xa hơn vào Bản Thể sâu thẳm của vũ trụ, chính là Tuyệt Đối, là Chân Ngã. Do đó, Bản Thể của Tâm, tức là Thiên Lý, là Chân Ngã.

4. Trí Lương Tri là gì?

Vương Dương Minh coi Bản Thể của Tâm, chính là Thiên Lý, là Thiên, là Thiên Mệnh. Đó cũng là Chân Ngã làm chủ cho thân xác mọi người. Còn Chân Ngã thì ta sống, mất Chân Ngã thì chết. Trong đời sống tâm linh, tu đức, nếu muốn sống hạnh phúc cả hồn xác, thì phải bồi dưỡng cho Chân Ngã luôn luôn giữ được sự tinh tuyền, sáng láng “chiêu minh linh giác” của Bản thể. Phải giữ cho Chân Ngã, tức “Trí Lương Tri” luôn trong sáng như gương để phân biệt điều tốt, điều xấu rõ ràng: tốt thì làm, xấu thì tránh.

Trong Phụ Lục III, ông viết: “Cái Bản Thể của Tâm là Thiên Lý, cái “chiêu minh linh giác” của Thiên Lý gọi là Lương Tri” (Tâm chi Bản Thể tức Thiên Lý giả, Thiên Lý chi chiêu minh linh giác sở vị Lương Tri giả). Do đó, Lương Tri, Lương Tâm là Thiên Lý, tức là cái của Trời phú cho, nên nó là thiện, là tốt, sánh ví như ánh sáng mặt trời trong không gian. Ban đêm hay ngồi vào bóng tối, ta tưởng ánh sáng mặt trời không chiếu nữa, nhưng sự thực khí nóng và ánh sáng vẫn tỏa sáng không ngừng. Dầu có che lấp thế nào cũng không dập tắt được ánh sáng và sức nóng của mặt trời.

Một vấn nạn gay go nhất trong triết lý được nêu lên: Nếu Tâm là Thiên Lý, là Thiên, thì tại sao lại có sự ác? Theo họ Vương giải thích, sự ác không thể từ Thiên Lý, từ Lương Tri phát ra, nhưng do nhân dục, tức tình tư dục sinh ra như lòng hiếu tài ham sắc, hiếu danh lợi, ghen ghét, giận hờn, v.v. Những tình vị kỷ, tư dục đó như mây mù che lấp hoặc làm vẩn đục Lương Tri, Lương Tâm, nhưng không thể tiêu diệt cái Thiên Lý ở trong ta được.

Bởi vậy, phép tu dưỡng của thánh hiền dạy ta phải cố gắng phá bỏ cái “giả ngã” ngăn cản, hoặc che lấp cái Tâm trong sáng, cũng cần tẩy rửa tâm trí khỏi tình tư dục khấy động để cho cái “Chân Ngã”, tức phần Thiên Lý, Tuyệt Đối trong ta được phát hiện rực rỡ. Các đạo học gia thích sánh ví Trí Lương Tri, Lương Tâm như “Viên Ngọc” bị vẩn đục vì bùn đất bám vào, nên cần phải được rửa sạch để vẻ sáng láng của nó tỏ hiện.(178)

5. Tâm và Đạo Nhân Ái

Đức Nhân Ái là căn bản nhất trong Nho Giáo, vì là đức tính đứng đầu các đức hạnh khác, đến nỗi nếu thiếu lòng Nhân Ái thì không còn phải là con người nữa! Do đó, chữ “bất nhân” vừa có nghĩa là cư xử một cách tàn ác, vừa có ý chỉ kẻ ăn ở “bất nhân” thì không còn phải là giống người nữa!

Các đạo học gia, chịu ảnh hưởng của họ Vương và họ Chu đã nâng đức Nhân Ái lên bậc siêu hình, tức là đồng hóa Đạo Nhân với Bản Thể, với Bản Tâm là Thực Thể Tuyệt Đối. Đạo Nhân chính là Nguồn Gốc phát sinh con người và vạn sự vạn vật. Bởi vậy, chẳng những Đạo Nhân ngự trị trong Tâm Trí của con người, nhưng cũng tiềm tàng trong vũ trụ nữa.

Theo chiều ngang, lòng Nhân Ái là đức tính cần thiết trong việc giao tế xã hội giữa người với người. Nó là căn bản và tiêu chuẩn để đặt định những giới răn về luân lý, đạo đức. Theo chiều dọc, Đạo Nhân giúp con người liên lạc và nối kết với vũ trụ bao la: từ tiểu vũ trụ (microcosm), tức tiểu ngã, vươn ra đại vũ trụ (macrocosm), tức Đại Ngã.

Hơn nữa, các đạo học gia cũng tìm thấy một sức sống mãnh liệt, một sự sáng tạo phong phú tiềm tàng trong vũ trụ. Nguồn sinh lực và sáng tạo vô tận đó, chính là Đạo Nhân, tương tự như lòng nhân ái nơi con người là đầu mối của mọi hoạt động và mọi sáng kiến. Do đó, theo các đạo học gia, khi suy nghĩ về Tâm của con người và về Đạo Nhân, thì ta khám phá ra Tình Yêu Tuyệt Đối. Đạo Nhân cũng là “Lý”, là” Thái Cực”, là “Chân Ngã”. Đạo Nhân là “lý do tồn tại” (raison d’être) cắt nghĩa sự hợp nhất giữa Trời và người: “Thần nhân tương dữ”, hay “Thiên nhân hợp nhất”.

Tóm lại, Đạo Nhân chứng tỏ phẩm giá cao quí của con người “linh ư vạn vật”. Do đó, Đạo Nhân ở trong con người, nhưng lớn hơn con người, ở trong vũ trụ, nhưng lớn hơn vũ trụ này. Đạo Nhân là Tuyệt Đối.(179)



6. “Vạn Vật Nhất Thể” hay “Lẽ Nhất Quán” là gì?

Vương Dương Minh đồng hóa Tâm Trí con người với Thiên Lý, với Đạo, với Lý Thái Cực, cho nên coi Tâm Trí con người là “nơi gặp gỡ” (locus) của Trời và vạn sự vận vật: Tuyệt Đối và con người hợp nhất nơi Tâm con người. Do đó, trong Ngữ Lục I, ông viết: “Ngoài Tâm ra, không có Lý, ngoài Tâm không có sự” (Tâm ngoại vô Lý, Tâm ngoại vô sự). “Vạn sự vạn vật đều bởi Thiên Lý mà ra, nó quán thông tất cả làm một, không có trong ngoài khác nhau. Cái Lý ấy gọi là Đạo, là Trời, là Tính, là Tâm, cái danh khác nhau, nhưng cái thực là một. Bởi vậy, Vương Dương Minh đem tất cả cái học thuật vào cái Tâm”.

Đối với họ Vương, biết được hiểu được Tâm, tức là biết được hiểu được Thiên Lý, được Đạo, được vũ trụ. Do đó, học thuyết của ông chú trọng vào thuyết “Vạn Vật Nhất Thể” và “Lẽ Nhất Quán” (Nhất dĩ quán chi) là căn bản. Bởi vậy, Vũ trụ quan và Nhân sinh quan là một chứ không phải hai ngành khác nhau. Bởi vì, thông hiểu những điều bí nhiệm trong bản thân, tâm hồn ta, thì cũng hiểu được lẽ nhiệm mầu của trời đất. “Người ta là một tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ là Trời Đất và cả hai là Một”.

Vương Dương Minh cũng giải thích cái Lẽ Nhất Quán trong Tâm Học của ông khác với quan niệm về “Tâm” của Thiền Học. Thiền Học cũng gọi Thực Tại Tuyệt Đối là Vô Tâm (theo kiểu phủ định) hay Bản Tâm. Nhưng họ Vương phân biệt Tâm Học của Nho Giáo và Thiền Học của Phật Giáo, trong sách Văn Lục IV, như sau: “Cái học của thánh nhân (nho gia) không có người không có ta, không có trong, không có ngoài, cho trời đất vạn vật làm một, để làm Tâm; cái học của Thiền Tông thì khởi ở sự tự tư tự lợi mà chưa khỏi phân ra trong-ngoài: đó là chỗ khác nhau vậy. Nay những người học về Tâm Tính mà ra ngoài cái nhân luân và bỏ các sự vật, thì thật là Thiền Học; nếu chưa ra ngoài nhân luân, không bỏ các sự vật, mà chuyên lấy tồn tâm dưỡng tính làm cốt, thì chính là cái học tinh nhất của thánh môn (nho giáo)”.(180)



Toát Lược Mấy Đặc Điểm

1. Phong trào “Đạo Học” khởi sự từ thời Trung cổ, muốn phục hưng và giải thích lại Nho Học. Các nho gia nổi tiếng như Chu Hi chủ trương phái Lý Học, và Vương Dương Minh phái Tâm Học. Tuy theo Nho Học, nhưng các vị đó cũng tinh thông Lão Học và Phật Học.

2. Đặc điểm chung cho phong trào Đạo Học là: quan niệm về “Thiên”, về “Thượng Đế”, dần dần mất tính cách “Ngôi Vị” như thời xưa. Nguyên Lý Tuyệt Đối trở thành trừu tượng, huyền bí. Các triết gia chú trọng vào sự “nội tại” của Nguyên Lý đó tiềm ẩn trong vũ trụ, trong mọi người, mọi vật, vì ảnh hưởng của thuyết “Nhất Nguyên Luận”. Do đó, phát sinh những thành ngữ, những thuyết như: “Tam Tài “, “Vạn Vật Nhất Thể “…

3. Một đặc điểm khác là: vì nghiên cứu và tinh thông về Phật Học, nên các đạo gia như Chu Hi, Vương Dương Minh giải thích và bình phẩm về Phật giáo một cách sâu xa hơn nhiều tông phái khác.

4. Chu Hi và môn phái Lý Học phân biệt hai thế giới: một thế giới trừu tượng, vô hình, siêu việt gọi là “lý”. Bất kỳ sự gì vật gì, người nào cũng có cái “lý” của nó: “lý” là cái làm cho vật này là chính nó và khác mọi vật khác. Nếu mỗi vật đều có cái “lý” của nó, thì trên hết mọi “lý” phải có cái “LÝ” rộng lớn vô biên, bao trùm tất cả: cái đó gọi là Lý Thái Cực, hay Vô Cực.

5. Nhưng thế giới “lý” là vô hình, vô tượng, trừu tượng, nếu muốn có vật cụ thể, hay con người cụ thể, thì “lý” đó phải “đầu thai” vào “khí”, tức là vật thể, khí chất, dụng cụ để làm nên vật cụ thể.

6. Do đó, đối với con người, phần “lý”, thuộc bản thể, thì tốt, nhưng phần “khí”, thuộc vật thể, khí chất thì có khí tốt và khí xấu. Bởi vậy, nếu có gì xấu trong con người là thuộc về “khí”, như tình tư dục. Trong phép tu dưỡng, ta có thể dùng ý chí để sửa chữa cho xấu trở nên tốt được.

7. Áp dụng thuyết Lý Học để giải thích về Nguồn Gốc của vũ trụ, Chu Hi chủ trương: chính Lý Thái Cực, hay Vô Cực là Nguyên Lý Tuyệt Đối thì không Động, không Tĩnh, nhưng là Nguồn Gốc phát sinh sự biến hóa của vạn sự vạn vật. Lý Thái Cực bao gồm tất cả các “lý”, kể cả cái “lý” của Động và cái “lý” của Tĩnh. Những “lý” này cũng vô hình, trừu tượng, cho nên “lý” của sự Động mà không động, “lý” Tĩnh mà không tĩnh! Nó chỉ xuất hiện là Động khi “dựa” trên Dương, và Tĩnh khi “dựa” vào Âm. Rồi từ khí Âm-Dương hòa hợp sinh ra Ngũ hành, và vạn sự vạn vật.

8. Phái Tâm Học của Vương Dương Minh không công nhận sự phân chia thành hai thế giới riêng biệt: thế giới “lý” vô hình và thế giới cụ thể, nhưng chủ trương chỉ có một thế giới ở trong tâm trí, trong tâm hồn, trong lương tâm mỗi người. Do đó, muốn tìm hiểu chân lý, không cần nghiên cứu những sự vật bên ngoài, nhưng cần tu sửa tâm trí cho ngay thẳng, biết theo điều phải và tránh điều xấu.

9. Chữ “Tâm”, không có nghĩa là khối huyết nhục, nhưng là tâm hồn, tâm trí, ý thức, tâm thức hay tâm linh. Chữ Tâm đồng nghĩa với nhiều quan niệm về siêu hình như: Tâm là lương tâm, là tâm linh, tức là phần linh thiêng sáng suốt nhất trong bản tính con người. Tâm cũng được đồng hóa với Thiên, với Đạo, với Thiên Lý, với Chân Ngã.

10. Vương Dương Minh coi Bản thể của Tâm là Thiên Lý; cái vẻ sáng láng, tốt lành của Thiên Lý gọi là Lương Tri, hay Lương Tâm. Do đó, trong việc tu dưỡng, cần bồi bổ, giữ gìn cho Trí Lương Tri được sáng láng, tinh tuyền, biết phân biệt Phải-Trái, Tốt-Xấu. Tốt thì theo, Xấu thì tránh. Cũng cần tu sửa, kiềm chế tình tư dục làm mờ ám Lương tri trong sáng.

11. Ngoài ra, khi suy nghĩ về ý nghĩa chữ Tâm, về Trí Lương tri, thì các đạo học gia đã đồng hoá đạo Nhân Ái của Nho Giáo với Bản Thể, Bản Tâm, tức là Thực Tại Tuyệt Đối. Đạo Nhân Ái chính là Tình Yêu Tuyệt Đối. Đạo Nhân Ái là nguồn gốc phát sinh và biến hóa mọi loài. Đạo Nhân Ái tiềm ẩn trong vũ trụ và ngự trị trong Tâm Trí của con người, nâng cao phẩm giá, giúp con người kết hợp với Trời: “Thần nhân tương dữ”.

12. Vì chỉ công nhận có một thế giới, nên Vương Dương Minh đồng hóa Tâm Trí con người với Thiên Lý, với Đạo, với Lý Thái Cực và coi Tâm Trí, Lương Tâm con người là “nơi gặp gỡ “ của Trời và vạn sự vạn vật. Đối với họ Vương, biết được Tâm, tức là hiểu được Thiên Lý, được Đạo, được vũ trụ. Ông chú trọng vào thuyết “Vạn vật nhất thể”, và “lẽ Nhất quán”. Do đó, vũ trụ quan và nhân sinh quan là một, chứ không phải hai ngành khác nhau.

ĐOẠN IV . Ý Thức Siêu Thoát Trong Phật Giáo

Những khó khăn và những ngộ nhận

Các nhà nghiên cứu về Phật Học, Phật Giáo đều nhận thấy sự khó khăn khi sưu tầm tài liệu để học hỏi, hay tu luyện, vì nhiều lý do, như đã trình bày trong các đoạn ở trên:

1. Đức Phật Tổ giữ thái độ “im lặng” không đề cập đến giáo thuyết về sự “có” hay “không có” một Đấng Thượng Đế, như dân chúng Ân Độ thời bấy giờ vẫn tin tưởng, hoặc Ngài không trả lời những câu hỏi của môn đệ về số phận của họ sau khi chết, do đó, sau này các đệ tử của Đức Phật được tự do tranh cãi về các vấn đề siêu hình, triết lý, thần linh… tùy theo môn phái của mình, ai cũng cho cách giải thích của mình là gần với chủ thuyết của Đức Phật.Theo “Lịch sử Triết Học Ấn Độ” Phật Học được xếp vào môn phái chống lại “uy quyền của Vệ đà (Vedas) như Nastika, Carvaka, Bauddha, Jaina.(181)

2. Kinh Điển nhà Phật quá bao la, rộng lớn, lại được hoàn toàn tự do giải thích những lời Phật dạy, theo trình độ sự hiểu biết của mình; vả lại, từ ngàn xưa tới nay, không có một cơ quan chính thống nào được dành quyền chú giải, nên ngay khi Đức Phật vừa nhập diệt không bao lâu, thì các đệ tử đã chia ra nhiều môn phái khác nhau. Trong lịch sử Phật Học, hai Môn Phái chính là: Tiểu Thừa và Đại Thừa, (như đã trình bày ở đoạn trên).

3. Vì sự sai biệt giữa giáo thuyết và thực hành, nên các nhà nghiên cứu đã phân biệt Phật Giáo và Phật Học, nghĩa là theo lời giảng dạy của Phật Tổ thì chính Ngài không nhận mình có quyền ban ơn giáng phước hay độ trì ai cả, Ngài chỉ đưa ra những tôn chỉ để ai muốn được giải thoát khỏi phiền não, đau khổ thì “noi gương, bắt chước” mà “Tự Độ” lấy cho mình. Nhưng trong thực tế, thực hành, như “Phật Giáo ở Việt Nam”, hay ở Trung Hoa, Nhật Bản,… người ta thờ Phật như một vị thần thánh, khấn bái để xin ân… giống như bất cứ tôn giáo nào khác.Vả lại, Đức Phật và các vị Thiền Sư dùng phương pháp “Upaya”, nghĩa là “tùy thời cơ, tùy hoàn cảnh, tùy trình độ hiểu biết của dân chúng mà diễn giảng, bằng nhiều cách khác nhau. Do đó, cùng một Chân lý mà giải nghĩa khác nhau.”

4. Khi Đạo Phật truyền bá sang Trung Hoa, Việt Nam thì đã hòa đồng với Đạo Khổng, nhất là Đạo Lão để làm ra “tam giáo đồng nguyên”, nghĩa là các tín đồ, đặc biệt các văn nhân, nho sĩ, đạo sĩ đều dùng chung các danh từ như: Đạo, Vô, Phật Tính, Tam Tài, Vạn Vật Nhất Thể… Một khi du nhập vào các nước Trung Hoa, Việt Nam thì cũng biến hóa theo phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân gian các nước ấy, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam, Phật Học nguyên thủy từ Ân độ qua, đã phối hợp với Đạo thờ Trời, và Đạo Hiếu của dân Việt. Do đó, Phật Giáo ở Việt Nam mang một sắc thái riêng biệt, không giống Phật Giáo các nước Tích Lan, Thái Lan, hay Miến Điện.

Ngoài ra, một số ngộ nhận, hiểu lầm đã gây khó khăn trong việc đàm luận, thông cảm giữa Phật Giáo và các tôn giáo khác, chẳng hạn khi các thiền sư dùng các danh từ theo phương pháp phủ định như: Vô, Phật Tính, Vô ngã, Vô tâm…, thì một số người lại hiểu theo nghĩa tích cực, “Vô”, nghĩa là không có gì hết. Kỳ thực, theo đương lối suy luận “phủ định (via negativa), “Vô” đây là “Vô Tuyệt Đối”, nghĩa là không có sự vật nào trong loài tương đối có thể sánh ví được, vì ngôn ngữ loài người không thể diễn tả đầy đủ được; do đó, nếu cho rằng có thể diễn tả một cách tương xứng được, thì Tuyệt Đối không còn là Tuyệt Đối nữa!

Bởi vậy, ý thức được những khó khăn, những tế nhị nhậy cảm, dễ gây xúc động, bất bình, nên trong đoạn này, chỉ xin giới hạn việc tìm hiểu về Ý Thức Siêu Thoát, trong môn phái Phật Học Đại Thừa, đặc biệt là các môn phái Thiền Tông.



A. Kinh Nghiệm Tôn Giáo Kinh Nghiệm Tôn Giáo

Trong đời sống tâm linh, tu đức của Phật giáo, dầu người ta không thấy nhắc đến tên “Thiên, Thiên Chủ, Thượng Đế”…, nhưng không phải vì thế mà ta không tìm thấy những dấu tích về những yếu tố Siêu Việt, Siêu Thoát ẩn tàng trong Kinh điển và trong đời sống của giới tu hành và đạo hữu. Có thể nói, Đạo Phật là một cố gắng vĩ đại của con người đi tìm Siêu Thoát cho chính bản thân mình. Thật vậy, Phật Thích Ca và các thiện nam tín nữ đã khởi sự đi tìm con đường Siêu Thoát, từ kinh nghiệm tôn giáo của bản thân và đời sống để cố gắng vươn lên cõi Siêu Thoát. Từ kinh nghiệm đau khổ của đời người, của thế giới “Vô Thường”. Đức Phật đã dạy chúng sinh phải chống lại cái “tạm thời, vô thường” để vươn lên một trạng thái nào “Khác”, “thường hằng bất biến”, có thể đem lại sự thỏa mãn bình an cho tâm hồn: chính là Niết Bàn. Bởi vậy, có thể nói, Phật Giáo là một nỗ lực của nhân loại đi tìm sự Giải Thoát cho cuộc sống hiện tại trầm luân tạm thời, đau khổ này. Nếu cho rằng: “Niết Bàn ở đây và bây giờ”, thì nó cũng phải “khác” cái hiện thời đầy nước mắt này! Do đó, có thể nói: những kinh nghiệm tôn giáo này đi từ “thực nghiệm” (empirical) để tìm ra những nguyên nhân sinh ra đau khổ của cái “giả ngã”, (cái ngã giả dối), để tiến lên cái “Chân Ngã Siêu Thoát”. Nói tóm lại, Đạo Phật khởi sự đi tìm Chân Lý từ kinh nghiệm sống, nhất là từ cuộc đời đau khổ, để vươn lên “Ý thức hệ” (conceptualisation); từ hình ảnh vượt lên ý tưởng trừu tượng; từ thực hành sống vị tha, từ bi để tới ý niệm Giải Thoát, Chân Như, Phật Tính, Đại Ngã.(182)



B. Những Danh Từ Và Y Niệm Có Y Nghĩa Siêu Thoát

Trong Kinh Điển nhà Phật, có rất nhiều danh từ ám chỉ đến sự Siêu Thoát, giúp ta vươn lên khỏi cuộc đời “vô thường”, đau khổ:



1. Danh từ có ý nghĩa Siêu Thoát

Danh từ “”, dịch bởi chữ “Sunyata”, diễn tả triết lý căn bản trong Phật Giáo Đại Thừa, rút ra từ Kinh Bát Nhã Balamật (Prajnaparamita Sutra). Ý nghĩa của chữ “Vô” này là phủ nhận việc coi vạn sự vạn vật là “tuyệt đối”, vì mọi sự trên thế giới này chỉ là “tương đối” và chúng không phải là sự Hiện Hữu Tối Hậu (Ultimate Existence). Không coi thế giới tương đối này là hoàn toàn hư vô, trống rỗng, nhưng từ chối thế giới “vô thường” này, nơi con người sống và chết, là Thực Tại Chung Cục.

Vì “Vô”, nghĩa là vượt lên trên mọi sự mọi loài “tương đối”, nên mới có thành ngữ “Chân Không Diệu Hữu”, nghĩa là cái “Không” chân thật, lại là cái “” tuyệt diệu. Do đó, chữ “Vô” dùng để chỉ “Bát Nhã” (Prajna), hoặc “Niết Bàn” (Nirvana). Và nhập “Niết Bàn”, không có nghĩa là tiêu diệt hoàn toàn linh hồn, nhưng là nhìn thấy rõ bản thể thật của con người và của vạn sự vạn vật: “Kiến tính, thành Phật”. Khi dùng kiểu diễn tả “phủ định” (via negativa) thì gọi là “Vô”, nhưng nếu nói theo cách “khẳng định” (via positiva) thì dùng danh từ “Chân Như”, hay “Như Như” (Tathata, Suchness), tức là sự Hiện Hữu Tối Hậu, “thường hằng bất biến” (lúc nào cũng như thế), vĩnh cửu, tuyệt đối, bao quát vạn sự vạn vật. “ Trung-Đạo-Luận hay Bình-Đẳng-Luận là phương pháp để vượt thế giới hiện tượng sai biệt mà đi vào Bản Thể Tuyệt Đối và Giải Thoát”.(183)

2. Kinh nghiệm thần thánh hóa

Theo Kinh Điển, thì Phật Thích Ca không tự nhận là một vị thần có quyền ban ân giáng phước, nhưng sau này, vì cảm phục mộ mến những giáo thuyết cao siêu của Ngài, nên người ta đã dần dần tôn phong Ngài là bậc thần thánh (deification). Một số thiện nam tín nữ cầu khẩn, tế tự, dâng lễ vật… để xin ơn, phù hộ, chữa bệnh… Hiện tượng thần thánh hóa này, ngày nay, vẫn có môn phái phản đối, vì theo họ, không đúng như ý của Phật Tổ. Nhưng sự kiện “thần thánh hóa” Đức Phật, chính là một nỗ lực đi tìm sự Siêu Việt trong đời sống tâm linh của Phật tử, vì cảm nghiệm thấy Đức Thích Ca Mâu Ni là một Siêu Nhân, “khác” với hết thảy chúng sinh còn đang chìm đắm trong đau khổ; hơn nữa, Ngài đã thành “Phật”. Ngài đã tìm ra con đường Giải Thoát, nên Ngài phải “Khác” với các vị Bồ Tát, khác với các thiên thể như devas hay apsaras. Vả lại, Ngài có “tha lực” (other power, tariki), nghĩa là có quyền lực cứu giúp người họan nạn, như các vị thần thánh .Khuynh hướng “thần thánh hóa” Đức Phật còn được biểu lộ trong cách xây đắp các bức tượng thật vĩ đại như ở Vũng Tàu, Việt nam; tại đền Bayon Angkor Thom, Campuchia có tạc những đầu Phật thật lớn lao và Bodhisattva Avalokiteshvara được coi là Đức Phật cao cả nhất, là Chúa của vũ trụ. Đó là những biểu tượng nói lên lòng khát vọng hướng về Siêu Việt, muốn Phật “khác” với chúng sinh còn trong vòng Luân hồi, Nghiệp báo.



Bồ Tát Quan Âm (Bodhisattva Avalokiteshvara, Kuan Yin, Kannon) được người Trung hoa, Việt Nam sùng kính như một vị Nữ Thần giầu lòng từ bi. Phật Adiđà (Buddha Amitabha) là một vị Thần có “Tha Lực”, có quyền cứu nhân độ thế, hoàn toàn “Khác” hẳn với các vị thần thánh, Bồ Tát khác. Chính ý niệm về sự “Khác”, về “tha lực”, khiến các nhà nghiên cứu Phật học giải thích theo ý nghĩa về kinh nghiệm siêu việt trong Phật Giáo.

Nói tóm lại, ta nhận thấy các thiện nam tín nữ đã cảm nghiệm được “quyền lực khác biệt trổi vượt” của Đức Phật AdiĐà, đặc biệt trong các môn phái thuộc Đại Thừa, tại Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam. Đó là dấu hiệu tốt để có thể đàm luận, đối thoại với các tôn giáo khác, về ý niệm Siêu Việt, hữu ngã, hữu vị. Ta cũng đã tìm hiểu cách diễn tả về kinh nghiệm siêu thoát bằng phương pháp phủ định, để tránh những ngộ nhận, hiểu lầm đã tạo ra những mâu thuẫn, đối kháng như: lạc quan/bi quan, vô thần/hữu thần. Nhờ có sự nhận định đúng đắn về những điểm tương đồng cũng như dị biệt, ta mới có thể trao đổi, học hỏi, tương kính, để xích lại gần nhau hơn.(184)



Đàm Đạo

Vạn Vật Nhất Thể

Tư tưởng Đông Phuơng dựa trên nguyên lý “Nhất Nguyên Lưỡng Cực Động” (Polarisable Dynamic Monism). “Nhất Nguyên”, vì vũ trụ này đều phát sinh bởi một nguồn gốc, gọi là Thái Nhất hay Thái Cực. Xét về động thể, khi phát hiện ra bên ngoài thì thành Âm-Dương, luỡng cực, nhưng cũng bởi một Nguyên lý mà ra. Âm-Dương không hoàn toàn cách biệt thành “Nhị-Nguyên” (dualism), nhưng luôn luôn biến động từ cực này sang cực kia, theo luật quân bình phục hồi. Vì thế, Âm-Dương tuy mâu thuẫn với nhau nhưng không tiêu diệt được nhau mà lại hòa hợp với nhau để tồn tại: “Hai mà Một, Một mà Hai”.

Do đó, tư tưởng Đông Phương thiên về lẽ “Nhất Quán”, tức là sự đồng nhất, tổng hợp của vũ trụ thành một khối duy nhất. Âm-Dương giằng co nhau vì như có một nguyên lý “thứ ba” ở bên trên để giữ sự quân bình; vì thế, nguyên lý thứ ba này gọi là “Tam Nguyên”: Tam Nguyên cũng chính là Nhất Nguyên vậy! Vì tư tưởng Nhất Nguyên này mà ta thường thấy phát biểu những thành ngữ như: “thiên địa vạn vật nhất thể”, “thần nhân tương dữ”, “thiên nhân hợp nhất”, “tam tài” (thiên-địa-nhân), “thiên tính tại nhân tâm”.

Những thành ngữ trên diễn tả sự liên đới của Tuyệt Đối với Tương Đối, của Siêu Việt Tính (Transcendence) với Nội Tại Tính (Immanence). Như ta đã thấy, chính Tâm Trí con người là nơi gặp gỡ của Tuyệt Đối. Nếu Tuyệt Đối là Chân-Thiện-Mỹ Tuyệt Đối thì Tâm Trí con người cũng được tham dự một phần nào vào sự Tuyệt Đối cao cả đó. Chu Đôn Di và Chu Hi còn dùng hình ảnh “mặt trăng” ở trên trời và muôn nghìn “mặt trăng” khác trong sông hồ, để cắt nghĩa sự Tuyệt Đối ngự trị trọn vẹn trong vạn vật.

Quan niệm Tuyệt Đối gặp gỡ Tương Đối cũng thường được phát biểu trong kinh nghiệm thần bí kết hiệp (mystical union). Các nhà thần bí trong Thiên Chúa Giáo như Teilhard de Chardin, trong cuốn “Cảnh vực Thần Linh” (Le Milieu divin) có đoạn viết như sau: “Thiên Chúa hiển hiện (tự mặc khải) ở mọi nơi… như là “cảnh vật phổ quát bao la bát ngát”, chỉ vì Thiên Chúa là “Cực Điểm” mà mọi tạo vật phải qui tụ về đó… Nhưng cảnh vực thần linh có bao la bát ngát tới đâu, thì thật sự vẫn phải có một “Tâm Điểm”. Đấng Tạo Hóa, đặc biệt là Chúa Cứu Thế đã thấm nhập vào mọi sự. Thánh Bảo Lộc (Phaolô), một vị Tông đồ cũng là một nhà thần bí đã viết: “Nếu tôi sống, thì không phải là tôi, mà là chính Chúa Cứu Thế sống trong tôi” (Thư gửi Galatia, II,20). Trong các sách tu đức, Thiên Chúa Giáo thường dùng những kiểu nói như: “kết hiệp với Chúa”, “con người là hình ảnh Chúa” (Sáng thế kí: 1:27).

Những Khác Biệt

Khi so sánh quan niệm về sự kết hiệp, gặp gỡ giữa Tuyệt Đối và Tương Đối, nghĩa là giữa Thượng Đế và nhân loại, ta vẫn thấy những điểm khác biệt giữa Thiên Chúa Giáo và các đạo giáo Đông phương:

Thiên Chúa Giáo luôn đề cao sự Siêu Việt của Thiên Chúa trên mọi loài tương đối, tức vạn sự vạn vật. Thần học Thiên Chúa Giáo rất chú trọng đến đặc tính “Ngôi Vị” (personal) của Đấng Tối Cao, luôn luôn “KHÁC” với mọi loài mọi vật. Nếu mất đặc tính “Ngôi Vị” này thì niềm tin đã rơi vào một hình thức “phiếm thần” (pantheism), nghĩa là coi mọi người, mọi vật, cây cỏ, sông núi, v.v. đều là thần cả. Dầu công nhận có Chúa hiện diện nơi Tâm Hồn của các vị thánh nhân, hay hiện hữu để bảo toàn vạn vật, nhưng Chúa vẫn là Đấng Siêu Việt, “Khác Biệt”, không thể hòa đồng, lẫn lộn với loài thụ sinh được! Teilhard de Chardin đã cảnh cáo khuynh hướng phiếm thần này, vì đề cao quá mức những giá trị nhân bản, đặt con người ngang hàng với Đấng Tạo Hóa. Nhà khoa học kiêm triết gia Teilhard de Chardin, đã đề cập đến bốn ý niệm hướng đạo tư tưởng về vũ trụ quan, như sau:

“Tôi tin vũ trụ này đang biến hóa.”

“Tôi tin sự biến hóa tiến về Thần Linh.”

“Tôi tin Thần Linh kết liễu, hoàn tất nơi Thiên Chúa Ngôi Vị.”

“Tôi tin Ngôi Vị Tối Cao, chính là Đấng Cứu Thế phổ quát. (Cảnh vực Thần Linh)”.(185)

Trong lịch sử triết học Đông phương, ta thấy từ đời tiền-Khổng giáo, quan niệm về một Đấng Thượng Đế, hay Thiên, nhấn mạnh đặc tính “ngôi vị”, và “siêu việt” (transcendent) hơn là đặc tính “nội tại” (immanent) hiện diện nơi tạo vật. Ca dao có câu: “Ông Trời có mắt”, nghĩa là “Ông Trời”, tuy gần gũi với con người, nhưng vẫn “Khác” với con người và còn có quyền xét xử con người.

Từ đời Hán, thuyết Tam Tài (Thiên-Địa-Nhân) xuất hiện, các nho gia đã nhấn mạnh đến đặc tính “nội tại” (immanent) hơn là đặc tính “siêu việt” (transcendent). Thượng Đế hay Thiên nay cũng được gọi là Thiên-Địa (Trời-Đất). Đáng lẽ nhân loại phải đội ơn Trời đã ban cho những tài năng, trí tuệ thông minh để hợp tác với Trời mà khai thác, mở mang vũ trụ, thì nay con người lại tự coi mình như ngang hàng với Trời. Do đó, đặc tính ngôi vị siêu việt của Trời dần dần lu mờ đi, trong khi ý niệm về “Đất” được đề cao hơn.(186)

Theo cách giải thích về ý niệm “tự hóa” (tự biến hóa) của Trang Tử trong Nam Hoa Kinh, thì ý tưởng về một “Ông Trời” siêu việt biến mất, chỉ còn những cái thuộc về “Đất” mà thôi. Với hai chữ “tự hóa”, Trang tử không thừa nhận có một “Đấng Tạo Hóa”, đứng ngoài và là Chủ tể vạn vật càn khôn, nhưng lại cho rằng: ở mỗi vật, từ vật cực nhỏ đến vật cực lớn đều có sức “tự sinh, tự hóa” ở bên trong, vì thế, mỗi vật đều có “Đạo” ở bên trong cả. Nói một cách khác, con người, với sức “tự sinh, tự hóa”, có thể được xem như một đấng “tiểu tạo hóa”, hay “tiểu hóa công”. Do đó, trong thiên “Tề vật luận” mới nói rằng: “Trời-Đất cùng ta đồng sinh, vạn vật cùng ta đồng nhất (Thiên Địa dữ ngã tịnh sinh, vạn vật dữ ngã đồng nhất). Vạn vật đồng nhất thể (pantheism) đó là danh từ tổng quát để chỉ vũ trụ quan của Trang tử.

Các nhà đạo học như Chu Hy, Dương Minh chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật Giáo qua trung gian của Lão giáo. Tuy không theo Phật giáo, nhưng các đạo gia đã nghiên cứu và mượn tư tưởng Phật học của phái Thiên Thai, để biện minh cho những quan niệm về nhân sinh quan và vũ trụ quan của họ.

Nói tóm lại, mặc dầu đề cao nhân bản với những khả năng, tiềm lực phong phú của con người trong lãnh vực tư tưởng triết lý, và khoa học như ngày nay, nhưng nhân loại vẫn cần hướng thượng, nghĩa là duy trì khía cạnh “Siêu Việt” trong con người. Thiếu chiều cao siêu việt, theo triết gia Karl Jaspers, con người sẽ đâm ra hoài nghi hoặc rơi vào những dị đoan mê tín, hoặc những ảo vọng hão huyền, ma thuật.(187)



Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 2.02 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương