PHẬt giáo thừa thiên huế Số 11



tải về 1.04 Mb.
trang13/17
Chuyển đổi dữ liệu29.11.2017
Kích1.04 Mb.
#34763
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17

 Hiệu năng của niềm tin


Do đọc tụng và hành trì Kinh Kim Cang Bát Nhã, ta có thể gặp nhiều chướng duyên, như bị người khác phỉ báng, khinh thường, nhưng không phải vì vậy mà ta không có phước đức. Trái lại, nhờ niềm tin của ta đã được kiên định đối với sự thọ trì đọc tụng Kinh nầy, nên niềm tin ấy có hiệu năng tiêu diệt và chuyển hóa những ác nghiệp của ta từ bao đời kiếp. Nghiệp báo ấy của ta, khiến ta đáng lẽ trong tương lai, khi kết thúc sinh mệnh sẽ bị rơi vào địa ngục nhận lấy khổ báo, nhưng nhờ niềm tin vào Kinh Kim Cang Bát Nhã, và do thọ trì đọc tụng Kinh ấy, nên nghiệp nặng chuyển thành nhẹ, quả báo nặng chuyển thành quả báo không đáng kể, không những vậy mà còn có cơ hội sẽ thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề nữa, như trong Kinh, Đức Phật nói với Tôn giả Tu Bồ Đề như sau:

“Lại nữa, hỡi Tu Bồ Đề, nếu có bất cứ thiện nam hay thiện nữ nào, thọ trì, đọc tụng Kinh Kim Cang Bát Nhã nầy mà bị người khác khinh thường, hủy báng, thì phải biết tội nghiệp của người ấy đời trước đáng lẽ phải sa đọa vào ác đạo, nhưng nhờ do đời nầy bị người khác khinh thường, hủy báng, nên tội nghiệp đời trước của vị ấy tiêu diệt hết, khiến người ấy sẽ được tuệ giác tối thượng”. (Đại Chính Tân Tu 8, tr 750c).

Việc hủy báng người thọ trì, đọc tụng Kinh Kim Cang Bát Nhã có hai hạng. Hạng người thứ nhất là hạng người đoạn kiến, đối với hạng người nầy, không phải họ chỉ phỉ báng nguời thọ trì đọc tụng Kinh Kim Cang Bát Nhã, mà thọ trì, đọc tụng, bất cứ Kinh nào, họ cũng đều hủy báng. Hạng thứ hai là hạng dị kiến, hạng không phải căn cơ, đối với hạng người nầy thì Kinh Kim Cang Bát Nhã trình bày giáo nghĩa không phù hợp sở kiến, sở học cũng như căn cơ của họ, nên họ không những phỉ báng người thọ trì, đọc tụng mà còn phỉ báng luôn cả Kinh.

Tuy nhiên, dù có bị phỉ báng bằng bất cứ cách nào đi nữa, thì chân lý được Đức Phật trình bày ở trong Kinh nầy vẫn hiển nhiên như thị, và người thọ trì đọc tụng Kinh nầy với niềm tin kiên định, bất hoại, thì không những chuyển hóa được những nghiệp chủng tâm thức trong nhiều đời của họ, từ nhiễm sang tịnh, từ những nhận thức sai lầm về một bản ngã cố hữu, về con người, về chúng sinh, về thọ mạng sang chánh trí và chánh giải thoát, mà còn chuyển hóa được tất cả dư báo xấu trong quá khứ cũng như hiện tại đều theo hướng Vô Thượng Bồ Đề.

Lục Tổ Huệ Năng của Trung Hoa là một người không những có thẩm quyền nghe và lãnh hội Kinh Kim Cang Bát Nhã, mà còn là một người có thẩm quyền chứng ngộ chân lý được Đức Phật trình bày từ Kinh ấy nữa, nên Ngài đã phát biểu hiệu năng của niềm tin do sự thực hành Kinh Kim Cang Bát Nhã như sau:

“Hỡi Thiện tri thức! Muốn thâm nhập pháp giới và thiền định tuệ giác, thì hãy nên tu tập Bát Nhã, bằng cách hành trì đọc tụng Kinh Kim Cang Bát Nhã thì sẽ thấy được tự tánh. Phải biết rằng, công đức của Kinh nầy là vô lượng, vô biên. Trong Kinh nói hết sức rõ ràng, ở đây không thể trình bày hết. Pháp môn nầy là Tối Thượng Thừa, vì các Bậc đại trí mà nói; vì các Bậc thượng căn mà nói. Bậc tiểu căn, tiểu trí, nếu nghe, tâm sanh bất tín”. (Pháp Bảo Đàn Kinh, Đại Chính Tân Tu 48, tr 350c).

Như vậy, đức tin phát khởi từ Kinh Kim Cang Bát Nhã là đức tin của trí tuệ, đức tin ấy là đức tin có nội dung “Ngã Pháp Nhị Không”, hay đức tin ấy là đức tin của “Thực Tướng Vô Tướng”.

Bằng đức tin nầy, ta sẽ tinh cần thực hành lục độ một cách vô trú và vô tướng, chuyển hóa những vọng tưởng sai lầm đối với tự thân, đối với con người, đối với chúng sanh, đối với thọ mạng thành chánh trí và có khả năng chuyển hóa Khổ đế thành Diệt đế, hay sinh tử thành Niết Bàn, chứng nhập vô vi pháp thân, có khả năng sinh khởi tuệ giác, biến tri một cách như thực đối với mọi sự hiện hữu và không hiện hữu, rồi hưng khởi tình yêu vô biên, sử dụng vô số phương tiện thiện xảo, dạo khắp mười phương, rưới nước cam lồ, dập tắt mọi ưu não và khơi mở tuệ giác cho hết thảy muôn loài.

T.T.H. 

---o0o---

THƠ

Huyễn Hoặc


 

Một buổi chiều,

ta ngồi trên tảng đá,

cố lặng im

nhưng đã nói thật nhiều,

với mây ngàn

với cát đá rong rêu,

từ vô thỉ

do đâu mà biến động.

 

Rồi ước mơ

nguyện cho mình hóa gió,

thoảng đùa qua

trong chiều hạ nắng tàn;

Và là gió

giữa những ngày nắng hạ,

và là mây

trên đỉnh núi lang thang.

 

Rồi làm hạt mưa ngàn

rơi xuống đất,

tắm trần gian

vạn tội chảy về sông;

Cho cỏ cây hoa lá

kết thành bông,

làm dịu lại

chặng đường lên cát bụi.

 

Có một ngày

giữa cuộc đời hư thực,

giữa thực hư

ai biết nó là đâu!

Với trăng sao

ta đùa giỡn tinh cầu,

đời đưa đẩy

chuyện đời đâu có thực.

 

Nếu đã biết

cuộc đời là hư thực,

thì trần gian

đâu ngại bước chân đi.

Kiếp ba sinh

biến động có nghĩa gì,

nên tuyệt giác

cũng là nơi huyễn hoặc.

 

Vùng cát đá

bao giờ cũng tịch mặc,

giữa biển xanh

muôn thuở sóng rì rào;

Ngàn sa mạc

cỏ nhận đời cô độc,

đọng sương đêm

in bóng vạn trăng sao.

 

Dòng thơ say

ai đã để tình trú ngụ,

tình đã đi

khắp vạn nẻo đường quê;

Xưa đã đi

nên nay phải trở về,

mà huyễn hoặc

cũng là nơi tuyệt giác.

Tuệ Nguyên

 

---o0o---




tải về 1.04 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương