PHẬt giáo thừa thiên huế Số 11


GIỚI THIỆU VÀ GIẢI THÍCHĐỀ KINH KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT



tải về 1.04 Mb.
trang11/17
Chuyển đổi dữ liệu29.11.2017
Kích1.04 Mb.
#34763
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   17

GIỚI THIỆU VÀ GIẢI THÍCHĐỀ KINH KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT


Thích Thái Hòa

 Niềm Tin Và Sự Chuyển Hóa


Niềm tin là căn bản của thiện pháp, nên ở trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo của Đạo thánh đế, Tín căn và tín lực là những pháp hành được nêu lên đầu tiên và chúng không những chỉ quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, đời sống quan hệ xã hội, mà còn hết sức quan trọng trong đời sống thực nghiệm tâm linh.

Nếu một người sống không có niềm tin, người ấy không những không biết tương lai của họ là gì, mà ngay cả trong đời sống hiện tại sự quan hệ Tôn giáo, gia đình và xã hội của họ cũng đều bị khuyết tật, và họ chẳng biết họ hiện hữu để làm gì ngoài việc giành giựt miếng cơm, manh áo và giành giựt một ít quyền lợi vụn vặt giữa xã hội con người.

Không có căn bản của đức tin, ta sẽ không liên kết được cuộc sống của ta với mọi người, ta sẽ không liên kết được giữa cái nầy với cái kia, giữa đời nầy với đời kia, giữa thế giới nầy với thế giới kia, và ta sẽ không có sinh lực của đời sống thánh thiện, và ta sẽ không thể đi đến phương trời cao rộng của trí tuệ và hạnh nguyện vô biên của tình yêu.

Luận Đại Trí Độ nói: “Phật pháp mênh mông như biển cả, con người có thể dùng niềm tin để đi vào.” Và Kinh Hoa Nghiêm lại nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm tin như sau: “Nếu rời khỏi tín căn, tâm thấp kém, ưu tư và hối hận, công hạnh không đầy đủ, thối mất sự tinh cần. Đối với một ít thiện căn mà tâm đã sanh sự đình trú, đối với một ít công đức mà đã tự cho là đủ, không thể thiện xảo phát khởi hạnh nguyện của Bồ Tát,… (Hoa Nghiêm 60, Đại Chính Tân Tu 9, tr 783c)”.

Nhưng, niềm tin do đâu mà phát khởi? Niềm tin phát khởi do bốn trường hợp.

1. Do hiện kiến: Do nhìn thấy trực tiếp sự kiện mà phát khởi niềm tin.

2. Do chiêm nghiệm và suy nghiệm: Nghĩa là do dựa vào sự thực của sự kiện này để chiêm nghiệm và suy nghiệm nhằm nhận ra sự thực của sự kiện kia, từ đó mà niềm tin phát khởi.

3. Do kinh nghiệm và thực nghiệm: Do kinh nghiệm từ cuộc sống và từ sự thực nghiệm những lời dạy của Bậc Thánh mà niềm tin phát khởi.

4. Do dựa vào lời nói của Bậc Thánh: Có những vấn đề vượt ra ngoài khả năng tư duy và sự quyết đoán của con người, nên con người dựa vào lời nói của các Bậc Thánh để tin tưởng và sống, do đó mà niềm tin phát khởi.

Như vậy, niềm tin của một người đệ tử Phật dựa vào đâu để phát khởi? Do nhìn thấy trực tiếp từ đời sống của Đức Phật và trực tiếp nghe Ngài giáo hóa mà phát khởi niềm tin đối với Phật Pháp Tăng và Thánh giới, như các Thánh đệ tử hoặc như các Cư sĩ tại gia thời Phật; hoặc do đọc tụng, học hỏi, chiêm nghiệm hay thực nghiệm lời Phật dạy và hoặc do tin tưởng tuyệt đối vào lời dạy của Đức Phật mà phát khởi niềm tin.

Ở Kinh Kim Cang Bát Nhã, bản Hán dịch của Ngài Cưu Ma La Thập, Đại Chính Tân Tu 8, tr 749ab, Đức Phật đã nói pháp thoại cho Tôn giả Tu Bồ Đề và đã khẳng định sự liên hệ đến đức tin như sau:

“Tôn giả Tu Bồ Đề, bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Có chúng sanh nào được nghe pháp thoại (Kim Cang Bát Nhã) như thế nầy, mà sinh khởi đức tin đúng như thật không?

Đức Phật dạy, đừng hỏi như thế, hỡi Tu Bồ Đề! Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau, có những người tu tập phước đức, trì giới, thì đối với pháp thoại Kim Cang Bát Nhã nầy, tâm họ có khả năng sinh khởi đức tin và cho đó là sự thực. Phải biết những người như vậy, thiện căn của họ đã gieo trồng, không phải chỉ ở nơi một vị phật, hai vị phật, ba, bốn, năm vị phật, mà thiện căn của họ đã gieo trồng ở nơi vô lượng ngàn vạn Đức Phật.

Đối với những người như vậy, khi nghe pháp thoại nầy, cho đến chỉ trong một niệm sinh khởi niềm tin thanh tịnh, hỡi Tu Bồ Đề! Như Lai thấy và biết rõ những người như vậy đã đạt được vô lượng phước đức”.

Niềm tin của người đệ tử Phật, hành trì theo truyền thống của Kinh điển A Hàm và Nikàya là được thiết lập hoàn toàn trên nền tảng của Tứ bất hoại tín hay còn gọi là Tứ chứng tịnh. Ấy là tin Phật, tin Pháp, tin Tăng và tin Thánh giới, đó là bốn niềm tin trong sáng, thuần tịnh và không bị hủy hoại đối với người đệ tử Phật trong bất cứ trường hợp nào. Với bốn niềm tin nầy, người đệ tử Phật có thể đi vào dòng dõi của Bậc Thánh, sống an vui trong từng giây phút hiện tại, do sự thấy pháp và chứng nghiệm pháp đem lại. Nhưng, niềm tin của người đệ tử Phật hành trì theo giáo nghĩa Đại Thừa không phải dừng lại ở đó, mà họ còn tin tưởng họ và hết thảy chúng sanh đều có khả năng thành phật qua sự phát khởi bồ đề tâm, nuôi dưỡng và phát triển tâm ấy, bằng những hạnh nguyện rộng lớn, qua sự thực hành Lục độ thường trực trong đời sống hằng ngày, với sự có mặt của những chất liệu vô ngã và vô trú một cách triệt để.

Niềm tin ấy của người Phật tử Đại Thừa không bị giới hạn bởi không gian, nên đối với bất cứ không gian nào cũng có thể là không gian hành đạo của chính họ; niềm tin ấy không bị giới hạn bởi sinh loại, nên bất cứ chủng loại nào cũng đều là đối tượng để yêu thương, bảo hộ, che chở và giúp họ thăng hoa; và niềm tin ấy không bị giới hạn bởi thời gian, nên sự tu tập và hành đạo của họ trong đời hiện tại, chỉ là sự tiếp diễn của bồ đề tâm đã được phát khởi và gieo trồng trong quá khứ và sẽ làm viên mãn hạnh nguyện, tựu thành quả vị giác ngộ hoàn toàn trong tương lai, do đó bất cứ thời gian nào, cũng đều là thời gian tu tập để đoạn trừ các lậu hoặc, tác thiện và làm lợi ích cho hết thảy muôn loài của người đệ tử Phật. Với niềm tin ấy, người đệ tử đã tự khẳng định lấy chính mình rằng: “Họ đích thực là con của phật, từ miệng phật sinh ra; từ chánh pháp hóa sanh và họ được dự phần vào chánh pháp của Phật”. (Kim nhật nãi tri, chơn thị phật tử, tùng phật khẩu sinh, tùng pháp hóa sinh, đắc phật pháp phần. Phẩm Thí dụ, Kinh Pháp Hoa, Đại Chính Tân Tu 9, tr 10c). Và họ tin tưởng rằng: “Họ đích thị là phật tử, thọ và hành trì theo giới pháp của Phật, rồi họ sẽ đi vào địa vị giác ngộ của chư Phật và sẽ đồng vị với các Ngài”.(Phạm Võng Kinh, Đại Chính Tân Tu 24, tr 1004a). Với niềm tin ấy, ta có thể đi vào niềm tin ở Kinh Kim Cang Bát Nhã.

---o0o---




tải về 1.04 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương