LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU


CHƯƠNG IV : BÀI GIẢNG TRÊN NÚI



tải về 1.5 Mb.
trang7/19
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.5 Mb.
#13722
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   19

CHƯƠNG IV : BÀI GIẢNG TRÊN NÚI
Ngay sau câu chuyện Đức Giêsu chịu cám dỗ, Mátthêu tiếp nối bằng một trình thuật ngắn bắt đầu sứ vụ của Đức Giêsu. Trong văn mạch này, Mátthêu trình bày khá rõ về Galilê như “Galilê của dân ngoại”, nơi các Ngôn sứ (Is 8:23; 9:1) đã tiên báo rằng một “ánh sáng huy hoàng” (x. Mt 4:15) sẽ bắt đầu chiếu sáng. Bằng cách này, Mátthêu trả lời về sự ngạc nhiên cho rằng Đấng Cứu Thế không đến từ Giêrusalem và Giuđê, nhưng đến từ miền đất thực sự được xem như một nửa dân ngoại. Chính dưới con mắt của nhiều người chống lại sứ điệp messiah của Đức Giêsu, chi tiết Ngài đến từ Nadarét, từ Galilê, trở thành chứng tích về sứ điệp thiêng liêng của Ngài trong thực tế. Ngay đầu Tin Mừng, Mátthêu đã xác nhận phần Cựu Ước về Đức Giêsu, cả chi tiết nhỏ như vân tay cũng trở nên rõ ràng. Không đi vào chi tiết trong trình thuật hành trình Emmau (x. Lc 24:25 tt), những gì Luca nhận định như một nguyên tắc nền tảng, nghĩa là, tất cả Sách thánh đều quy về Đức Giêsu. Về phần mình, Mátthêu cố gắng giải thích tất cả những chi tiết trong con đường của Đức Giêsu cách trân trọng.

Có ba yếu tố trong bản tóm tắt đầu tiên về hoạt động của Đức Giêsu (x. Mt 4:12-25). Chúng ta sẽ trở lại sau đây. Thứ nhất, Mátthêu trình bày nội dung nền tảng trong giảng dạy của Đức Giêsu, nhằm tóm tắt toàn thể sứ điệp của Ngài. “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4:17). Yếu tố thứ hai là việc kêu gọi mười hai Tông đồ, vừa là cử chỉ biểu tượng và vừa là một hành động cụ thể, qua đó, Đức Giêsu loan báo và khởi xướng việc đổi mới mười hai chi tộc, cuộc tập họp mới của dân Israel. Cuối cùng, đoạn này đã làm nổi rõ Đức Giêsu không chỉ là một thầy dạy, nhưng còn là Đấng Cứu Thế cho toàn thể con người: Đức Giêsu giảng dạy, đồng thời, cũng là Đức Giêsu cứu rỗi.

Chỉ trong một vài nét chấm phá, trong mười bốn câu (4:12-15), Mátthêu trình bày cho độc giả của mình một chân dung ban đầu về nhân vật và công việc của Đức Giêsu. Ngay sau đó là ba chương về Bài giảng Trên núi. Bài giảng này về điều gì vậy? Với bài diễn từ tầm cỡ này, Mátthêu sắp xếp lại hình ảnh một Đức Giêsu như Môsê mới cách chính xác với ý nghĩa sâu sắc mà chúng ta đã thấy trước đây, trong nối kết với lời hứa về một tiên tri mới đã được nói đến trong sách Đệ Nhị Luật.

Câu mở đầu đi xa hơn một lời giới thiệu bình thường. “Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi, Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng” (Mt 5:1-2). Đức Giêsu ngồi xuống, diễn đạt quyền bính tuyệt đối của một thầy dạy. Ngài ngồi tại ngai tòa của mình trên núi. Sau đó, Ngài sẽ đề cập đến thầy rabbi ngồi tại ngai tòa của mình, ngai tòa của Môsê và vì thế, với quyền bính (x. Mt 23:2). Vì lý do này, phải lắng nghe và chấp nhận những gì họ giảng dạy, cho dù cuộc đời họ có đi ngược lại những lời giảng dạy này, cho dù tự họ không có thẩm quyền, nhưng họ nhận được thẩm quyền từ đấng khác. Đức Giêsu ngồi tại ngai tòa của mình như thầy dạy Israel và như thầy dạy mọi người ở mọi nơi. Như chúng ta sẽ thấy khi nghiên cứu đến chính bản văn, vì chỗ này Mátthêu dùng thuật ngữ môn đệ không chỉ giới hạn vào cử tọa nhắm đến trong Bài giảng Trên núi, nhưng mở rộng thuật ngữ này ra. Bất cứ ai nghe và chấp nhận lời này, có thể trở thành một người “môn đệ”.

Từ đây trở đi, những gì được kể đến là việc lắng nghe và đi theo, chứ không phải là dòng dõi. Tất cả đều có thể trở thành môn đệ. Đây là lời mời gọi cho mọi người. Như thế, lắng nghe trở thành cơ sở để, trên đó xây dựng một Israel bao gồm nhiều người, một Israel mới, nhưng không loại trừ và hủy bỏ Israel cũ, nhưng bước xa hơn vượt ra khỏi Israel cũ để đi vào lãnh vực phổ quát.

Đức Giêsu ngồi trên ngai tòa Môsê. Ngài ngồi chỗ này, nhưng không theo phong cách mà các thầy đã được huấn luyện cho công việc này tại trường học. Ngài ngồi đó như Môsê tầm cỡ hơn, mở rộng Giao Ước đến toàn thể các dân tộc. Điều này cũng giải thích tầm quan trọng của ngọn núi. Tác giả Phúc Âm không kể lại cho chúng ta ngọn núi nào tại Galilê. Nhưng chính yếu tố cảnh tượng giảng dạy của Đức Giêsu làm thành “ngọn núi”, Xinai mới. “Ngọn núi” là nơi Đức Giêsu cầu nguyện, nơi Ngài diện đối diện với Chúa Cha. Cách chính xác, lý do tại sao nơi này cũng là nơi giảng dạy của Ngài, vì giảng dạy của Ngài xuất phát từ cuộc trao đổi thân tình nhất với Chúa Cha. Như thế, qua chính bản chất của trường hợp này, “ngọn núi” được thiết lập như một Xinai mới và cuối cùng.

Thế nhưng “ngọn núi” này lại khác với khối đá áp đặt trên trong hoang địa biết bao? Truyền thống đã xác định ngọn đồi phía đông biển hồ Genesareth như là Ngọn núi của các Mối phúc. Những ai đã đến đó và đã ngắm nhìn toàn bộ phong cảnh nước non của biển hồ, bầu trời và mặt trời, cây cối và đồng cỏ, hoa và tiếng chim hót với con mắt linh hồn, không bao giờ họ có thể quên được bầu khí bình an tuyệt vời và vẻ đẹp của tạo vật được gặp gỡ tại đó, bất hạnh thay, trong một mảnh đất thiếu vắng hoà bình.

Bất cứ nơi nào Ngọn núi của các Mối phúc thật sự hiện diện, nơi đó phải có đặc điểm bình an và vẻ đẹp này. Êlia được ban cho một phiên bản biến đổi kinh nghiệm Xinai: Ông đã kinh nghiệm Thiên Chúa đi ngang qua, nhưng không trong giông bão hay trong ngọn lửa hay trong động đất, nhưng trong ngọn gió hiu hiu (1V 19:1-13). Sự biến đổi đã hoàn tất chỗ này. Giờ đây, quyền năng của Thiên Chúa tỏ lộ trong sự nhẹ nhàng của Người, sự cao cả trong sự đơn giản và gần gũi của Người. Nhưng quyền năng và sự cao cả của Người rất sâu xa. Những gì trước kia tìm thấy diễn đạt trong dông bão, lửa, và động đất, và giờ đây, mặc lấy hình thức Thập giá, mặc lấy đau khổ của Thiên Chúa, Đấng mời gọi chúng ta bước vào ngọn lửa bí nhiệm, ngọn lửa tình yêu chịu đóng đinh. “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta xỉ vả, bách hại” (Mt 5:11). Sự mãnh liệt của Mạc Khải tại Sinai làm cho dân chúng quá sợ hãi đến nỗi họ nói với Môsê: “Xin chính ông nói với chúng tôi, chúng tôi mới dám nghe; nhưng xin Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất!” (Xh 20:19).

Giờ đây, Thiên Chúa trò chuyện cách thân tình, như con người nói chuyện với nhau. Giờ đây, Người đi xuống tận trong sâu thẳm đau khổ con người. Tuy vậy, chính hành động này nhắc nhở và sẽ tiếp tục nhắc nhở những ai nghe Người, dù sao những ai nghe cũng nghĩ như các môn đệ đã nghĩ, nói rằng “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6:60). Sự tốt lành mới này của Chúa không phải là nước đường. Xì căng đan Thập giá còn khó khăn cho nhiều người chấp nhận hơn là sấm sét Xinai đối với dân Israel. Đúng thế, người Israel khá đúng khi họ nói rằng, họ thà chết nếu như Thiên Chúa nói với họ (Xh 20:19). Nếu không có “sự hấp hối”, không có sự chết đi cho những gì riêng tư của chúng ta, sẽ không có sự hiệp thông với Thiên Chúa và không có cứu độ. Khi suy niệm về Phép Rửa, chúng ta đã thấy điểm này. Không thể nào hạ Phép Rửa xuống thành một nghi thức thuần túy.

Chúng ta đã xem xét trước một số điểm và chúng sẽ xuất hiện cách trọn vẹn khi chúng ta nghiên cứu đến chính bản văn. Giờ đây đã khá rõ rằng Bài giảng Trên núi là luật Torah mới đã được Đức Giêsu đem đến. Môsê chỉ có thể trao Torah của ông bằng cách đi vào trong bóng tối thiêng liêng trên núi. Cũng thế, Torah của Đức Giêsu bao hàm ý nghĩa việc Ngài đi vào trong hiệp thông với Chúa Cha, việc đi lên bên trong của cuộc đời Ngài, như thế, việc đi lên này kéo dài vào trong việc Ngài đi xuống vào trong hiệp thông với cuộc đời và đau khổ của con người.

Tác giả Phúc Âm Luca cho chúng ta một phiên bản ngắn hơn về Bài giảng Trên núi với những điểm nhấn khác nhau. Luca viết cho người Kitô hữu ngoại giáo, và vì thế, thánh nhân không quan tâm lắm đến việc họa chân dung Đức Giêsu như một Môsê mới, lời của Đấng này làm thành luật Torah cuối cùng. Do đó, cả bố cục bên ngoài của Bìa giảng cũng được trình bày theo cách khác. Trong trình thuật của Luca, ngay sau Bài giảng Trên núi là lời kêu gọi Mười Hai tông đồ mà Luca trình bày như là hoa quả sau một đêm tỉnh thức cầu nguyện. Luca đặt lời kêu gọi nhóm Mười Hai trên núi, nơi Đức Giêsu cầu nguyện. Sau biến cố này, biến cố quan trọng nền tảng trên con đường của Đức Giêsu, từ trên núi, Đức Chúa xuống trên nhóm Mười Hai, những người mà Ngài vừa chọn (và những người mà Luca vừa giới thiệu tên tuổi), và Ngài đứng trên đất bằng. Theo Luca, thế đứng này diễn đạt về quyền bính tối cao và trọn vẹn của Đức Giêsu, và đất bằng diễn đạt về phạm vi cử tọa mà Ngài nhắm đến thật rộng rãi. Luca tiếp tục nhấn mạnh đến chiều sâu này khi nói với chúng ta rằng, ngoài nhóm Mười Hai cùng với Đức Giêsu từ trên núi đi xuống, đông đảo các môn đệ của Ngài, cũng như đám đông dân chúng từ Giuđê, Giêrusalem và các vùng biển phụ cận như Tyre và Sidon, đã tuôn đến lắng nghe Ngài và được Ngài chữa lành (LC 6:17). Trong cảnh tượng này, ý nghĩa phổ quát của Bài giảng minh chứng tiêu chuẩn cao hơn thế nữa khi Luca, cũng như Mátthêu, tiếp tục nói “Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói …” (Lc 6:20). Cả hai yếu tố đều chính xác: Bài giảng Trên núi nói với toàn thể thế giới, toàn thể hiện tại và tương lai, tuy vậy, Bài giảng này đòi hỏi cuộc đời làm môn đệ và chỉ có thể hiểu được và sống được nhờ vào việc đi theo Đức Giêsu và đồng hành với Ngài trên hành trình của Ngài.

Dĩ nhiên, những suy tư sau đây không nhắm đến việc chú giải Bài giảng Trên núi từng câu một. Tôi muốn chọn ba phần của Bài giảng, vì đối với tôi, sứ điệp và con người Đức Giêsu hiện ra thật rõ ràng cách cụ thể. Trước tiên là các Mối phúc. Thứ hai, tôi muốn tư duy trên phiên bản luật Torah mới mà Đức Giêsu ban tặng cho chúng ta. Chỗ này, Đức Giêsu đối thoại với Môsê, với các truyền thống của Israel. Trong một cuốn sách quan trọng có đề tựa Một Thầy Rabbi Nói Chuyện với Đức Giêsu. Một học giả Do thái, Jacob Neusner đã chọn đứng ở giữa các thính giả của Bài giảng Trên núi, đã lắng nghe Đức Giêsu, cố gắng đối thoại với Ngài. Còn hơn nhiều chú giải khác mà tôi đã biết, cuộc thảo luận đáng kính và thẳng thắn này giữa một tín hữu Do thái và Đức Giêsu, con của Ápraham, đã làm cho tôi thấy sự cao cả trong những lời nói của Đức Giêsu và sự chọn lựa mà Tin Mừng đặt trước chúng ta. Kế đến, trong phần thứ hai, như một Kitô hữu, tôi muốn tham gia vào trong cuộc đối thoại của thầy Rabbi với Đức Giêsu, để được hướng dẫn để hiểu biết tốt hơn tính Do thái trung thực và mầu nhiệm Giêsu. Cuối cùng, một phần quan trọng của Bài giảng Trên núi được dành cho việc cầu nguyện. Đúng thế, làm sao có thể khác được? Phần này lên đến đỉnh điểm trong kinh Lạy Cha, qua đó, Đức Giêsu muốn dạy cách cầu nguyện cho các môn đệ thuộc mọi thời đại. Ngài muốn đặt họ trước mặt Chúa Cha, vì thế, hướng dẫn họ trên đường tới sự sống.



Các Mối phúc

Thông thường các Mối phúc được trình bày như bản đối chiếu của Tân Ước đối với Mười Điều răn, như một ví dụ về nền luân lý Kitô cho rằng có chỗ đứng cao hơn những điều răn Cựu Ước. Cách tiếp cận này giải thích hoàn toàn sai lạc những lời nói này của Đức Giêsu. Đức Giêsu luôn luôn giả định trước giá trị của Mười Điều răn như một vấn đề dĩ nhiên (xem ví dụ Mc 10:19; Lc 16:17). Trong Bài giảng Trên núi, Đức Giêsu tóm tắt lại và thêm vào chiều sâu cho các điều răn trong tấm bia thứ hai, nhưng Ngài không hủy bỏ chúng (x. Mt 5:21-48). Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu làm như thế sẽ mâu thuẫn cách tuyệt đối với nguyên tắc nền tảng đang làm cơ sở cho việc bàn luận của Ngài về Mười Điều răn. “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bải bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5:17-18). Nhận định này có vẻ như mâu thuẫn với giảng dạy của thánh Phaolô. Cần phải bàn luận thêm nhận định này sau khi chúng ta nghiên cứu cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và thầy Rabbi. Ngay lúc này cũng đủ để lưu ý rằng Đức Giêsu không có ý định hủy bỏ Mười Điều răn. Ngược lại, Ngài củng cố Mười Điều răn.

Nhưng các Mối phúc có nghĩa là gì? Trước hết, các Mối phúc nằm trong truyền thống lâu đời thuộc về các giảng dạy của Cựu Ước, như chúng ta tìm thấy trong Thánh vịnh 1 và trong bản văn song song trong Giêrêmia 17:7-8: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa”. Đây là những lời hứa. Cho dù cùng lúc ấy, những lời hứa này là tiêu chuẩn để phân định các thần khí và như thế, những lời hứa này chứng tỏ là những hướng dẫn để tìm được con đường đúng đắn. Bối cảnh mà Luca dàn dựng Bài giảng Trên núi minh định việc Đức Giêsu nói các Mối phúc cho ai. “Ngài ngước mắt lên nhìn các môn đệ của Ngài”. Từng Mối phúc là hoa quả của cái nhìn đến các môn đệ này. Có thể gọi các Mối phúc là những điều kiện đích thật của các môn đệ Đức Giêsu: Họ những người đàn ông đang khóc lóc, nghèo khó, đói khát. Họ bị oán ghét và bị giết (x. Lc 6:20-23). Những lời tuyên bố này có nghĩa là liệt kê ra cách thực tế, nhưng cũng mang tính thần học, về các thuộc tính của người môn đệ Đức Giêsu, của những ai bắt đầu lên đường đi theo Đức Giêsu và đã trở thành gia đình của Ngài.

Tuy thế, hoàn cảnh kinh nghiệm đang đe dọa mà Đức Giêsu thấy nơi những ai đi theo Ngài lại trở thành một lời hứa khi Ngài đoái nhìn đến họ. Lời hứa sáng tỏ trong ánh sáng của Chúa Cha. Trong tầm nhìn nói với cộng đoàn các môn đệ Đức Giêsu, các Mối phúc là những nghịch lý. Những tiêu chuẩn của thế gian bị đảo ngược lại ngay khi sự vật được nhìn với quan điểm chính đáng. Nói cách khác, giá trị của Thiên Chúa quá khác biệt với những giá trị của thế gian. Cách chính xác, những ai nghèo khó theo nghĩa trần gian, những ai bị xem như lạc mất linh hồn, họ lại là những người may mắn, được chúc lành, họ có đủ lý do để vui mừng và hân hoan ngay trong đau khổ của họ. Các Mối phúc là những lời hứa lộng lẫy với hình ảnh mới về thế gian và về con người được Đức Giêsu khai mở, “sự biến đổi những giá trị” của Ngài. Các Mối phúc là những lời hứa cánh chung. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng niềm vui mà các lời hứa công bố được hoãn lại cho đến một tương lai xa xôi vô định hay chỉ áp dụng cho thế giới mai sau. Khi nào con người bắt đầu thấy và sống trong quan điểm của Thiên Chúa, khi nào họ đông hành trên con đường của Đức Giêsu, lúc ấy, họ sống dựa theo những tiêu chuẩn mới, và một điều gì đó về cánh chung, éschaton, của thực tại đang đến, đã hiện diện. Đức Giêsu đem niềm vui vào giữa đau buồn.

Nghịch lý mà Đức Giêsu đưa ra trong các Mối phúc diễn đạt hoàn cảnh thật của người tín hữu trong trần gian, cũng cùng một cách mà Phaolô hay dùng để nói lên kinh nghiệm sống và đau khổ như một Tông đồ. “Bị coi là bịp bợm, nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; bị coi là vô danh, tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trử nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả” (2Cor 6:8-10). “Chúng tôi bị dồn ép tứ bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt” (2Cor 4:8-9). Trong Tin Mừng Luca, những gì các Mối phúc trình bày như lời an ủi và lời hứa, lại được Phaolô nói tới như một kinh nghiệm sống của một tông đồ. Phaolô quan niệm mình đã được dựng nên “hạng chót của tất cả”, kẻ bị án tử hình, trò cười cho thế gian, vô gia cư, bị vu khống, khi khinh miệt (x. 1Cor 4:9-13). Tuy vậy, Phaolô kinh nghiệm niềm vui vô bờ bến. Như người bị trao nộp, người tự dâng hiến chính mình để đem Đức Kitô lại cho con người, Phaolô kinh nghiệm sự liên kết nội tại với Thập giá và Sống lại: Chúng ta được trao ban sự chết “để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi” (2Cor 4:11). Trong những sứ giả của Ngài, chính Đức Kitô vẫn còn chịu đau khổ, vẫn còn bị treo trên Thập giá. Tuy thế, Ngài đã sống lại, sống lại cách bất biến. Cho dù trong thế gian này, sứ giả của Đức Giêsu vẫn còn đang sống câu chuyện đau khổ của Đức Giêsu, vinh quang Sống lại chiếu sáng qua đó, và vinh quang này đem lại niềm vui, một “phúc lành” cao cả hơn thứ hạnh phúc mà họ có thể đã kinh nghiệm trước đây trên những nẻo đường trần thế. Chỉ lúc này, họ mới nhận ra “hạnh phúc” thật là gì, “phúc lành” thật là gì, và trong khi hành động như thế, họ nhận ra sự tầm thường thuộc về những gì theo chuẩn mực giao ước được cho là hài lòng và hạnh phúc.

Những nghịch lý mà thánh Phaolô đã kinh nghiệm trong cuộc đời mình, liên quan đến nghịch lý của các Mối phúc, vì thế, phô bày ra cùng một điều mà Gioan diễn đạt theo cách khác khi Gioan gọi Thập giá của Thiên Chúa là sự “vinh quang”, việc nâng lên tới ngai Thiên Chúa trên cao. Gioan đem Thập giá và Sống lại, Thập giá và vinh quang vào chung một từ duy nhất, vì theo thánh nhân, đúng thế, điều này không thể biệt phân với điều kia. Thập giá là hành động “xuất hành”, hành động tình yêu hoàn tất tới cực điểm và đạt “đến cùng” (Ga 13:1). Và vì thế, đó là nơi vinh quang, nơi tiếp cận và hiệp nhất đích thật với Thiên Chúa, Đấng tình yêu (x. 1Ga 4:7, 16). Như thế, cái nhìn này của Gioan không quá cực đoan, ne plus ultra, trong việc nhấn mạnh đến nghịch lý của các Mối phúc và đem các Mối phúc vào trong tầm hiểu biết của chúng ta.

Suy tư này về Phaolô và Gioan đưa ra cho chúng ta hai điểm. Thứ nhất, các Mối phúc diễn đạt ý nghĩa về cuộc đời làm môn đệ. Khi các Mối phúc càng trở nên cụ thể và càng thật, người môn đệ càng hoàn tất việc tự hiến đời mình để phục vụ theo cách thức mà cuộc đời thánh Phaolô đã chiếu sáng cho chúng ta. Ý nghĩa của các Mối phúc không thể được diễn tả trong những thuật ngữ thuần túy mang tính lý thuyết. Các Mối phúc được công bố trong cuộc đời và sự đau khổ và trong niềm vui nhiệm mầu của người môn đệ tự dâng hiến chính mình cách triệt để để đi theo Chúa. Điểm này dẫn đến điểm thứ hai: Đặc tính Kitô học trong các Mối phúc. Người môn đệ liên kết với mầu nhiệm Đức Kitô. Cuộc đời của người ấy chìm sâu vào trong hiệp thông với Đức Kitô. “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20). Các Mối phúc chuyển Thập giá và Sống lại vào trong cuộc đời làm môn đệ. Nhưng các Mối phúc được áp dụng cho các môn đệ vì, trước tiên, chính Đức Kitô đã sống mẫu mực các Mối phúc.

Điều này càng trở nên hiển nhiên nếu bây giờ, chúng ta quay trở lại để nghiên cứu phiên bản các Mối phúc của Mátthêu (x. Mt 5:3-12). Những ai đọc bản văn của Mátthêu cách chăm chú, sẽ nhận ra rằng các Mối phúc trình bày một loại tiểu sử nội tâm của Đức Giêsu được mở ra, một kiểu chân dung về nhân vật của thánh nhân. Đấng không có chỗ tựa đầu (x. Mt 8:20), là Đấng nghèo thật sự. Đấng có thể nói “hãy đến cùng tôi… vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (x. Mt 11:28-29), là Đấng hiền hậu thật. Ngài là Đấng trong sạch trong lòng và luôn luôn nhìn thấy Thiên Chúa. Ngài là Đấng đem lại hòa bình, Ngài là Đấng chịu đau khổ vì Thiên Chúa. Các Mối phúc phô diễn mầu nhiệm của chính Đức Kitô, và kêu mời chúng ta vào trong hiệp thông với Ngài. Nhưng vì đặc tính Kitô học ẩn giấu, các Mối phúc cũng là bản chỉ đường cho Hội thánh, qua chúng, Hội thánh nhận ra mẫu mã Hội thánh phải trở nên. Các Mối phúc là những hướng đi cho cuộc đời làm môn đệ, những hướng đi liên quan đến từng cá nhân, cho dù, theo nhiều ơn gọi khác nhau, những hướng đi rất khác biệt cho mỗi cá nhân.

Bây giờ, chúng ta hãy xem xét chi tiết hơn từng nối kết trong dây chuyền các Mối phúc. Trước hết, chúng ta tranh luận khá nhiều về “tinh thần nghèo khó”. Cụm từ này có tên tuổi trong những cuộn da Qum-ran như người đạo đức tự gọi họ như thế. Họ cũng tự gọi họ là “người nghèo khó ân sủng”, “người nghèo được Ngài cứu rỗi”, hay cách đơn giản “người nghèo” (Gnilka, Matthäusevangelium, I, tr. 121). Qua việc tự nhận mình theo cách này, họ nói lên họ ý thức họ là Israel thật, bằng cách viện dẫn đến các truyền thống đâm rễ sâu trong đức tin Israel. Vào thời kỳ Babylon xâm chiếm Giuđê, 90 phần trăm người Giuđê thuộc thành phần nghèo. Sau thời kỳ Lưu đầy, chính sách thuế má của Persia dẫn đến một tình huống nghèo nàn bi thảm khác. Vì thế không còn duy trì theo quan niệm cũ cho rằng sự phồn thịnh và nghèo nàn đích thực là hệ quả do một đời sống xấu xa (được gọi là Tun-Ergehens-Zusammenhang, hay tương ứng với hạnh kiểm-cuộc đời). Giờ đây, dân Israel nhận ra rằng sự nghèo khó của họ đem họ lại gần với Thiên Chúa. Họ nhận ra rằng trong khiêm nhường, người nghèo là những người gần với trái tim Thiên Chúa nhất. Trong khi đó, sự đối ngược lại trở nên xác thực đối với người kiêu căng ngạo mạn chỉ cậy dựa vào chính họ.

Xuất phát từ nhận thức này, lòng xót thương người nghèo tìm ra diễn đạt trong nhiều Thánh vịnh. Người nghèo nhận ra chính họ là Israel thật. Trong sự thương xót của những Thánh vịnh này, trong diễn đạt của các Thánh vịnh về lòng sùng kính sâu xa đên sự thiện hảo của Thiên Chúa, trong sự tốt lành và khiêm nhường của con người lớn mạnh từ đó như con người đang thức tỉnh chờ đợi tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, từ đây trái tim quảng đại được triển khai để mở cửa cho Đức Kitô. Maria và Giuse, Simêon và Anna, Zacaria và Êlisabét, những người chăn chiên tại Bêlem và nhóm Mười Hai là những người được Chúa mời gọi vào trong tình môn đệ thân tình, tất cả trở nên một phần tử của dòng chảy này. Dòng chảy này đối nghịch lại với nhóm Pharisêu và Saduciô, và cả với Qum-ran bất chấp có nhiều mối quan hệ tinh thần. Tân Ước bắt đầu trong những con người này với ý thức trọn vẹn về sự hiệp nhất với đức tin của Israel cách tuyệt đối. Đức tin này đã trưởng thành đến độ tinh khiết hơn bao giờ hết.

Chỗ này đang tiến triển cách im lặng là thái độ trước Thiên Chúa mà Phaolô đã khám phá trong nền thần học công chính của mình: Những người này không phô trương sự thành công của họ trước mặt Thiên Chúa. Họ không bước vào trong sự hiện diện của Thiên Chúa như thể họ là những thành viên có thể cam kết ngang hàng với Người. Họ không đòi hỏi phần thưởng vì những gì họ đã thực hiện. Những người này biết rằng sự nghèo khó của họ cũng có chiều kích nội tại. Họ là những tình nhân chỉ muốn Thiên Chúa ban tặng những hồng ân của Người trên họ và bằng cách ấy, sống hài hòa nội tâm với bản chất và lời của Thiên Chúa. Thánh Térésa thành Lisieux nói về một ngày nào đó khi đứng trước Thiên Chúa với đôi tay trống rỗng, và thánh nhân dâng đôi tay trống rỗng lên Người. Lời nói này diễn đạt tinh thần của những người nghèo khó của Thiên Chúa: Họ đến với đôi tay trống không, không phải với đôi tay nắm chặt và bám lấy, nhưng với đôi tay mở ra và cho đi, và vì thế, những đôi tay này sẵn sàng nhận lấy sự tốt lành vô bờ bến của Thiên Chúa.

Vì đây là trường hợp mà Mátthêu nói về tinh thần nghèo khó và trong Tin Mừng Luca, Chúa nói về “người nghèo” nhưng không có phẩm chất nào cả. Không có sự mâu thuẫn giữa Mátthêu và Luca. Một vài người cho rằng Mátthêu đã dùng khái niệm khó nghèo mà nguyên thủy, Luca đã hiểu theo kiểu hoàn toàn thật sự vật chất. Mátthêu đã thánh hóa khái niệm này, và vì thế, đã tước đoạt khái niệm này tận căn nguyên của nó. Tuy thế, những ai đọc Tin Mừng Luca biết cách chính xác rằng chính thánh nhân giới thiệu với chúng ta về “tinh thần nghèo khó”. Người ta có thể nói rằng đó là một tập thể xã hội, mà giữa tập thể này, hành trình trần thế và sứ điệp của Đức Giêsu đã bắt đầu. Ngược lại, rõ ràng Mátthêu hoàn toàn duy trì truyền thống đạo đức phản ánh trong các Thánh vịnh, và như thế, trong viễn tượng về Israel đích thật được diễn đạt trong các Thánh vịnh.

Sự khó nghèo mà truyền thống đề cập tới không bao giờ là một hiện tượng thuần túy vật chất. Nghèo khó thuần túy vật chất không mang tới sự cứu rỗi, cho dù, những ai bất hạnh trong thế gian này có thể trông cậy vào lòng nhân từ của Thiên Chúa cách đặc biệt. Nhưng tâm hồn của những ai không có gì cả, cũng có thể trở nên sơ cứng, độc ác, xấu xa, bên trong đầy tràn tham vọng của cải vật chất, quên hẳn Thiên Chúa, thèm thuồng của cải bên ngoài.

Mặt khác, sự khó nghèo đề cập đến ở đây cũng không phải là thái độ thuần túy thiêng liêng. Phải thú nhận rằng không phải tất cả mọi người đều được kêu gọi tới việc thay đổi tận căn như rất nhiều Kitô hữu đích thực, từ vị tổ phụ đan tu là Antôn đến Phanxicô thành Assisi, xuống đến những người nghèo mẫu mực trong thời đại chúng ta, họ đã sống và tiếp tục sống khó nghèo như một khuôn mẫu cho chúng ta. Nhưng, để trở thành cộng đoàn người nghèo của Đức Giêsu, Hội thánh luôn cần đến những nhà khổ hạnh vĩ đại. Hội thánh cần những cộng đoàn đi theo họ, sống khó nghèo và đơn sơ để trình bày cho chúng ta sự thật về các Mối phúc. Hội thánh cần họ để thức tỉnh mọi người thấy rằng của cải chỉ để phục vụ, tương phản lại nền văn hóa sung túc với nền văn hóa tự do nội tâm, và vì thế, cũng tạo ra những điều kiện cho công bình xã hội.

Chắc chắn, tự thân Bài giảng Trên núi không phải là một chương trình xã hội. Nhưng chỉ khi nào sự linh ứng cao cả mà Bài giảng tác động cách sống động trên chúng ta, ảnh hưởng đến tư tưởng và hành động của chúng ta, chỉ khi nào đức tin phát ra sức mạnh từ bỏ và trách nhiệm đối với tha nhân chúng ta và đối với toàn thể xã hội, chỉ khi ấy mới có công bình xã hội. Như một tổng thể, Hội thánh không được quên rằng Hội thánh phải duy trì để có thể nhận ra là cộng đoàn người nghèo của Thiên Chúa. Cũng như Cựu Ước tự mở ra qua sự nghèo khó của Thiên Chúa đến sự đổi mới trong Giao Ước mới, cũng thế, bất cứ sự đổi mới nào của Hội thánh có thể bắt đầu chuyển động qua những ai sống cùng một lòng khiêm nhường kiên định, cùng một sự tốt lành luôn luôn sẵn sàng phục vụ.

Cho đến đây, chúng ta đã nghiên cứu mới nửa phần đầu của các Mối phúc, “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”. Trong cả hai, Mátthêu và Luca, lời hứa cho họ theo sau: “Vì Nước Thiên Chúa [Nước Trời] là của họ” (Mt 5:3; Lc 6:20). “Nước Thiên Chúa” là phạm trù cơ bản trong sứ điệp của Đức Giêsu. Ở đây trở thành một bộ phận của các Mối phúc. Bối cảnh này rất quan trọng để hiểu cách đúng đắn về thuật ngữ đã gây ra tranh cãi khá nhiều. Chúng ta đã thấy điều này trong khi nghiên cứu về ý nghĩa của diễn đạt “Nước Thiên Chúa”, và chúng ta cần phải nhắc lại thường hơn trong suy tư của chúng về sau.

Trước khi chúng ta tiếp tục suy niệm về bản văn, có lẽ cũng là tư tưởng hay nếu chúng ta quay trở lại một chút về nhân vật mà lịch sử đức tin đã ban cho chúng ta như một minh họa sống động và cao độ nhất của Mối phúc này: Phanxicô thành Assisi. Các thánh là những nhà chú giải Sách thánh cách đích thật. Ý nghĩa về một đoạn văn Sách thánh trở nên dễ hiểu nhất nơi những con người đã hoàn toàn được các bản văn này đi xuyên qua và họ đã sống các bản văn này. Việc chú giải Sách thánh không bao giờ có thể trở nên một công việc đơn thuần mang tính kiến thức vì không được hạ Sách thánh xuống thành lịch sử đơn thuần. Sách thánh tràn ngập tiềm năng cho tương lai, tiềm năng này chỉ mở ra cho những ai “sống với” và “đau khổ qua” bản văn thánh. Phanxicô thành Assisi được lời hứa của Mối phúc thứ nhất ôm chặt lấy cách triệt để, đến nỗi đã trả lại quần áo của mình và để cho Đức giám mục mặc cho thánh nhân bằng cách khác, người đại diện cho lòng cha nhân từ của Thiên Chúa, qua đó hoa huệ ngoài đồng được mặc xiêm y đẹp hơn cả xiêm y của vua Sôlômon (x. Mt 6:28-29). Đối với Phanxicô, trên hết tất cả, lòng khiêm nhường tuyệt đối này đã trở thành sự tự do để phục vụ, tự do để truyền giáo, sự tin tưởng tột bực vào Thiên Chúa, Đấng chăm sóc không chỉ hoa cỏ ngoài đồng, nhưng cách đặc biệt cho con cai nhân loại của Người. Đó là cách Phanxicô sửa sai Hội thánh vào thời của ngài, vì trong thời phong kiến, Hội thánh đã đánh mất tự do và năng động truyền giáo để vươn ra bên ngoài. Chính việc mở ra cho Đức Kitô tận sâu thẳm bên trong, Đấng mà Phanxicô đã được hình dung trước qua năm dấu thánh, quá tuyệt vời đến nỗi từ đó, thánh nhân không còn sống cho chính mình, nhưng như một con người được tái sinh, hoàn toàn từ và trong Đức Kitô. Bởi vì thánh nhân không sáng lập một dòng tu: Ngài chỉ muốn quy tụ Dân Chúa lại để lắng nghe lời, mà không vượt qua tính nghiêm trọng trong lời mời gọi của Thiên Chúa qua các phương tiện chú giải uyên bác.

Cho dù qua việc lập nên Dòng Ba, Phanxicô chấp nhận sự khác biệt giữa việc dấn thân cách triệt để và sự cần thiết để sống trong thế gian. Điểm nhấn của Dòng Ba là chấp nhận cách khiêm tốn trách nhiệm của lời khấn đời và những đòi hỏi của lời khấn này cho cá nhân, bất cứ lúc nào cá nhân tình cờ trở nên, trong khi hướng toàn bộ cuộc đời cá nhân đến sự hiệp thông nội tại cách sâu xa với Đức Kitô mà Phanxicô đã chỉ cho chúng ta. “Ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả” (x. 1Cor 7:29 tt). Để làm chủ sự giằng co bên trong này, có lẽ là thách đố khó khăn hơn, và giữ vững được bởi những ai đã cam kết đi theo Đức Kitô cách triệt để, thật sự sống bằng cách khác. Đó là mục đích của những dòng ba. Và những dòng ba mở ra cho chúng ta những gì các Mối phúc muốn nói với tất cả. Trên hết mọi sự, qua việc nhìn vào Phanxicô thành Assisi, chúng ta thấy rõ ràng những gì mà cụm từ “Nước Thiên Chúa” muốn nói tới. Phanxicô hoàn toàn đứng bên trong Hội thánh, và đồng thời, chính trong những con người như thế, Hội thánh đã lớn lên hướng tới mục đích nằm trong tương lai, thế nhưng, mục đích này lại đang hiên diện: Nước Thiên Chúa đang tới gần.

Giờ đây, chúng ta hãy đi qua Mối phúc thứ hai được Tin Mừng Mátthêu liệt kê và đi thẳng đến Mối phúc thứ ba, vốn nối kết chặt chẽ với Mối phúc thứ nhất. “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất hứa làm gia nghiệp” (Mt 5:4). Có một số bản dịch thuật ngữ praus Hy lạp thành “bất bạo động” hơn là “hiền lành”. Cách dịch này thu hẹp thuật ngữ Hy lạp lại vốn rất phong phú trong truyền thống. Cụ thể, Mối phúc thứ ba trích dẫn Thánh vịnh: “Kẻ nghèo hèn được đất hứa làm gia nghiệp” (Tv 37:11). Thuật ngữ praus trong Sách thánh Hy lạp dịch chữ anawim của Do thái, được dùng để nói về người nghèo của Thiên Chúa, là những người mà chúng ta đã đề cập tới trong nối kết với Mối phúc thứ nhất. Vì thế, Mối phúc thứ nhất và thứ ba gối lên nhau trong phạm vi rộng. Thêm vào đó, Mối phúc thứ ba làm sáng tỏ chiều kích thiết yếu của ý nghĩa việc sống khó nghèo từ và cho Thiên Chúa.

Cho dù điểm nhấn có mở rộng ra khi chúng ta để ý tới những bản văn khác có cùng thuật ngữ này. Trong sách Dân số 12:3, chúng ta đọc thấy “Ông Môsê là người hiền lành nhất đời”. Người ta không thể không nghĩ tới lời Đức Giêsu “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11:29). Đức Kitô là Môsê mới và đích thật (tư tưởng này trải dài trong suốt cả Bài giảng Trên núi). Trong Ngài xuất hiện sự thiện tinh tuyền thích hợp của một vĩ nhân, người cai trị.

Chúng ta được dẫn sâu vào hơn khi nghiên cứu một đoạn khác nối kết giữa Cựu và Tân Ước có nền tảng trên thuật ngữ praus, “hiền lành”. Trong Zecharia 9:9-10, chúng ta đọc thấy “Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa vẫn còn theo mẹ. Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Éphraim và chiến mã khỏi Giêrusalem; cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy, và Người sẽ công bố hòa bình cho muôn dân. Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất”. Đoạn này loan báo về một vị vua nghèo khó, một vị vua cai trị không dựa vào sức mạnh chính trị và quân sự. Hữu thể sâu thẳm của Ngài là khiêm nhường và hiền lành trước mặt Thiên Chúa và con người. Trong đó, Đấng ấy đối lập hoàn toàn với các vua vĩ đại của thế gian. Một minh họa sống động là chi tiết Đấng ấy ngồi trên lưng lừa, con vật mà người nghèo cỡi, hình ảnh phản ngược với chiến mã mà Ngài chối từ. Ngài là vua hoà bình nhờ vào quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải của riêng Ngài.

Còn một yếu tố khác nữa: Nước của ngài thì phổ quát, ôm lấy toàn thể trái đất. “Từ biển này sang biển nọ”, đằng sau diễn đạt này là hình ảnh của một trái đất phẳng được nước bao bọc từ bé, và vì thế, hình ảnh này cho chúng ta một gợi ý về việc thế giới mở rộng về quyền thống trị của Ngài. Vì thế, Karl Elliger rất đúng khi nói rằng “qua tất cả làn sương mù,” chúng ta “thoáng thấy cùng với sự khác biệt ngạc nhiên, chân dung của đấng mà giờ đây thực sự đem đến cho tất cả thế giới sự bình an vượt qua mọi hiểu biết. Ngài đã làm như thế trong sự vâng phục làm con: Qua việc từ chối bạo lực và chấp nhận đau khổ cho đến khi ngài được Cha giải thoát khỏi đau khổ. Và từ đó trở đi, ngài xây dựng nước của ngài chỉ bằng lời hòa bình” (Das Alte Testament Deutsh, số 24/25, tr. 151). Chỉ dựa trên phông này, chúng ta mới hiểu được phạm vi tổng quan của trình thuật Chúa nhật lễ Lá, chỉ lúc này, chúng ta mới hiểu ý nghĩa khi Luca (và cùng một cách như Gioan) kể cho chúng ta rằng Đức Giêsu ra lệnh cho các môn đệ của Ngài tìm cho Ngài một con lừa cái và lừa con. “Sự việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ: Hãy bảo thiếu nữ Xion: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ” (Mt 21:4-5; x. Ga 12:15).

Chẳng may, một số bản dịch đã làm lu mờ đi những nối kết này do việc dùng những từ khác để dịch từ praus. Trong vòng cung rộng của những bản văn này, từ Dân Số 12 đến Zechariah 9, đến các Mối phúc, đến trình thuật Chúa nhật lễ Lá, chúng ta có thể nhận thấy cái nhìn của Đức Giêsu, vị vua hòa bình, Đấng mở tung biên giới đang phân chia các dân tộc và lập nên một lãnh thổ hòa bình “từ biển này qua biển nọ”. Qua việc vâng phục, Ngài mời gọi chúng ta vào trong hòa bình này và gieo hòa bình này vào trong chúng ta. Một mặt, thuật ngữ hiền lành thuộc về từ vựng của Dân Chúa, thuộc về Israel mà, trong Đức Kitô, đã nối liền tới toàn thể thế gian. Cùng lúc ấy, thuật ngữ này liên quan đến vương quyền, mở ra cho chúng ta bản chất vương quyền mới của Đức Kitô. Trong nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng thuật ngữ này vừa là thuật ngữ Kitô học và vừa là thuật ngữ Giáo hội học. Trong bất cứ trường hợp nào, thuật ngữ này kêu gọi chúng ta đi theo Đấng đã vào Giêrusalem cỡi trên lưng lừa, Đấng ấy mạc khải toàn thể bản chất về vương quyền của Ngài.

Trong bản văn của Tin Mừng Mátthêu, Mối phúc thứ ba kết hợp với lời hứa đất đai. “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất hứa làm gia nghiệp”. Nhận định này có ý nghĩa gì? Hy vọng về một miền đất là một phần nội dung nguyên thủy trong lời hứa cho Ápraham. Trong những năm dân Israel lang thang trong hoang địa, lời hứa đất đai luôn luôn được nhìn trước như mục đích của hành trình. Trong nơi lưu đày, Israel đợi chờ ngày trở lại miền đất. Tuy nhiên, chúng ta không được bỏ sót vì lời hứa đất đai rõ ràng là về một điều gì đó lơn hơn một tư tưởng thuần túy chỉ sở hữu một mảnh đất hay lãnh thổ quốc gia theo nghĩa mọi người có quyền để có.

Trong cận ảnh của cuộc đấu tranh giải phóng trước cuộc xuất hành của Israel ra khỏi Ai cập, vấn đề chính là quyền tự do để thờ phượng, quyền của dân chúng đối với phụng vụ riêng của họ. Thời gian trôi qua, điều này đã trở thành hiển nhiên rằng, lời hứa về đất đai có nghĩa như sau: Miền đất được ban cho như một không gian để vâng phục, một lãnh vực để mở ra cho Thiên Chúa, được giải phóng khỏi mọi ghê tởm trong việc thờ ngẫu tượng. Khái niệm về vâng phục Thiên Chúa, và cũng thế, về trật tự đúng đắn của trái đất, là yếu tố nền tảng trong khái niệm tự do và khái niệm đất đai. Từ quan điểm này, cuộc lưu đày, việc đất đai bị lấy đi, có thể được hiểu như sau: Chính đất đai đã trở thành phạm vi thờ kính ngẫu tượng và bất tuân phục, và vì thế, việc sở hữu đất đai trở thành mâu thuẫn.

Cách hiểu mới và tích cực về cuộc lưu đày của dân Israel có thể xuất phát từ cách tư duy này: Israel đã bị phân tán khắp nơi trên thế giới, nhờ đó, bất cứ nơi nào, Israel cũng có thể tạo ra không gian cho Thiên Chúa và vì thế, hoàn tất mục đích sáng tạo đã được trình thuật tạo dựng thứ nhất gợi lên (x. St 1:1-2, 4). Ngày sabát là mục đích của sáng tạo và cho thấy sáng tạo để làm gì? Nói cách khác, thế giới hiện hữu vì Thiên Chúa đã muốn dựng nên một không gian để đáp trả lại tình yêu của Người, một không gian vâng phục và tự do. Từng bước từng bước, khi Israel chấp nhận và đau khổ với tất cả thăng trầm trong lịch sử của mình như dân Chúa, tư tưởng về đất đai đã lớn mạnh trong chiều sâu và chiều rộng, chuyển đổi điểm nhấn từ việc sở hữu quốc gia đến tính phổ quát mà Thiên Chúa đã công bố về trái đất.

Dĩ nhiên, có một ý nghĩa trong đó ảnh hưởng giữa “hiền lành” và lời hứa đất đai, cũng có thể được xem như một mảng hoàn toàn bình thường thuộc về khôn ngoan lịch sử: Những người xâm chiếm đến và đi, nhưng những người ở lại là người giản dị, khiêm nhường, cày cấy đất đai, tiếp tục gieo giống và thu hoạch giữa những đau thương và vui mừng. Người khiêm nhường, người giản dị, tồn tại lâu hơn sức mạnh, ngay cả từ quan điểm thuần túy lịch sử. Nhưng còn hơn nữa. Sự phổ quát hóa dần dần về khái niệm đất đai trên nền tảng của nền thần học hy vọng cũng phản ánh chân trời phổ quát mà chúng ta đã tìm ra trong lời hứa của Zechariah: Mảnh đất của vua hòa bình không phải là quốc gia, nhưng kéo dài “từ biển này qua biển nọ” (Da 9:10). Hòa bình nhắm đến việc xóa bỏ các biên giới và đổi mới trái đất qua hòa bình đến từ Thiên Chúa. Cuối cùng, trái đất thuộc về người hiền lành, hòa bình, như Thiên Chúa đã nói với chúng ta. Có nghĩa là trở nên “miền đất của vua hòa bình”. Mối phúc thứ ba mời gọi chúng ta định hướng cuộc đời của mình theo mục đích này.

Đối với chúng ta, người Kitô hữu, mỗi cuộc tụ họp Thánh thể trở thành nơi vua hòa bình ngự trị theo ý nghĩa này. Vì thế, sự hiệp thông phổ quát của Hội thánh Đức Kitô trở thành bản phác thảo sơ bộ cho thế giới ngày mai, được tiền định trở thành mảnh đất hòa bình của Đức Giêsu Kitô. Cũng thế, trong phương diện này, Mối phúc thứ ba hài hòa khắng khít với Mối phúc thứ nhất: Một cách nào đó, Mối phúc thứ ba giải thích ý nghĩa về “Triều đại Thiên Chúa”, cho dù lời công bố nằm sau thuật ngữ này vượt quá lời hứa đất đai.

Qua những bình luận trên đây, chúng ta đã tiên báo trước Mối phúc thứ bảy “Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9). Chính vì thế, một vài quan sát những điểm chính về lời nói quan trọng có tính nền tảng này của Đức Giêsu có thể đã đủ. Trước hết, chúng ta nhìn thoáng qua các biến cố lịch sử trần gian trong phần hậu cảnh. Trong trình thuật thời thơ ấu, Luca đã đề nghị sự tương phản giữa đứa trẻ và hoàng đế Auguttô đầy quyền bính, người nổi tiếng như “đấng cứu thế cho toàn thể nhân loại” và như người xây dựng hòa bình cao cả. Caesar đã tự gán cho mình danh hiệu “người mang lại hòa bình thế giới”. Người tín hữu trong Israel được nhắc nhở về Sôlômon, tên Do thái có nguồn gốc trong thuật ngữ “hòa bình” (shalom). Đức Chúa đã hứa cho Đavít “Suốt cuộc đời nó, Ta sẽ ban cho Israel được an cư lạc nghiệp… Nó sẽ con đối với Ta, Ta sẽ là Cha đối với nó” (1Sb 22:9 tt). Điều này làm nổi cộm nối kết giữa tư cách cuộc đời người Con Chúa và vương quyền hòa bình: Đức Giêsu là người Con, Ngài thật sự là người Con. Chính vì thế, Ngài là “Sôlômon” đích thực, Đấng mang lại hòa bình. Thiết lập hòa bình là một phần trong chính bản thể của phận làm con. Như thế, Mối phúc thứ bảy mời gọi chúng ta trở nên và hành động những gì người Con thực hiện, nhờ đó, chính chúng ta được trở nên “những người con của Thiên Chúa”.

Trước hết, điều này áp dụng vào trong hoàn cảnh sống của từng người. Điều này bắt đầu với quyết định nền tảng mà Phaolô đã tha thiết nài xin chúng ta hành động nhân danh Thiên Chúa. “Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2Cor 5:20). Sự thù nghịch với Thiên Chúa là nguồn gốc của tất cả những gì đầu độc con người. Vượt qua sự thù nghịch này trở thành điều kiện nền tảng cho hòa bình thế giới. Chỉ có người nào đã hòa giải với Thiên Chúa, mới có thể hòa giải và hài hòa với chính họ, và chỉ ai đã hòa giải với Thiên Chúa và với chính họ, mới có thể thiết lập hòa bình chung quanh họ và khắp cả thế gian. Nhưng bối cảnh chính trị xuất hiện trong trình thuật thời thơ ấu của Luca, cũng như trong các Mối phúc của Mátthêu cho thấy phạm vi tổng quan của những lời này. Bình an dưới thế (x. Lc 2:14) là ý muốn của Thiên Chúa, và vì lý do này, nhiệm vụ này cũng được trao cho con người. Người Kitô hữu biết rằng hòa bình bền vững nối kết với con người đang cư ngụ trong eudokia của Thiên Chúa, “niềm hoan lạc tốt lành” của Người. Cuộc đấu tranh để cư ngụ trong bình an với Thiên Chúa là một phần bất phân biệt trong cuộc đấu tranh cho “hòa bình dưới thế”. Bình an với Thiên Chúa là nguồn tiêu chuẩn và năng lực cho hòa bình dưới thế. Khi con người không nhìn thấy Thiên Chúa, hòa bình bị tan rã và bạo lực tăng nhanh đến cấp độ bạo lực không thể nào tưởng tượng nổi. Ngày nay, chúng ta thấy quá rõ bạo lực này.

Chúng ta hãy trở lại Mối phúc thứ hai. “Phúc thay ai than khóc, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5:5). Có phải than khóc là điều tốt lành và tuyên bố rằng than khóc được chúc phúc hay không? Có hai loại than khóc. Loại thứ nhất là loại mất niềm hy vọng, trở nên mất tin tưởng vào tình yêu và chân lý và vì thế, loại than khóc này gặm nhắm và phá hủy con người từ bên trong. Nhưng còn có một loại than khóc khác do việc hội ngộ với chân lý đang làm đảo lộn, dẫn con người trải qua hoán cải và chối từ sự dữ. Sự than khóc này chữa lành, vì dạy cho con người hy vọng và yêu thương trở lại. Giuđa là một ví dụ của loại than khóc thứ nhất: Bị chính sa ngã của mình giáng xuống, Giuđa không còn dám hy vọng nữa và treo cổ trong tuyệt vọng. Phêrô là ví dụ của loại than khóc thứ hai: Bị cái nhìn của Thiên Chúa giáng xuống, Phêrô đã bật ra tiếng khóc chữa lành. Tiếng khóc này đã cày xới mảnh đất linh hồn của thánh nhân. Ngài bắt đầu lại và chính thánh nhân được đổi mới.

Ezekiel 9:4 cho chúng ta một chứng tích rất ấn tượng cho thấy làm thế nào loại than khóc tích cực này có thể chống lại sự thống trị của sự dữ. Sáu người đàn ông có nhiệm vụ thi hành sự trừng phạt thánh trong Giêrusalem, trên mảnh đất tràn ngập màu, trong thành phố tràn ngập tội lỗi (x. Ed 9:9). Tuy nhiên, trước khi hành động, một người đàn ông mặc áo vải gai phải ghi chữ Do thái tau (như dấu Thánh giá) trên trán của những ai “đang rên siết khóc than về mọi điều ghê tởm đang xảy ra trong khắp thành” (Ed 9:4). Những ai mang dấu này được miễn trừ hình phạt. Họ là những người không chạy theo đám đông, chối từ thông đồng với bất công đã trở thành căn bệnh địa phương, thay vào đó, họ đau khổ dưới bất công. Cho dù không phải chính quyền năng của họ thay đổi toàn bộ hoàn cảnh, họ vẫn chống lại sự thống trị của sự dữ qua việc chống cự cách thụ động trong đau khổ của họ, qua than khóc để vạch biên giới với quyền lực sự dữ.

Truyền thống đã đưa ra một hình ảnh than khóc khác đã mang lại cứu rỗi: Maria đứng dưới chân Thập giá với người chị em của mình, vợ ông Clôpát, với Maria Mácđala và với Gioan (Ga 19:25 tt). Một lần nữa, như trong thị kiến của Ezekiel, nơi đây chúng ta gặp một nhóm nhỏ vẫn trung thành trong một thế giới tràn ngập tàn bạo và nghi ngờ hay thỏa hiệp cách hãi sợ. Nhóm nhỏ này không ngăn chặn được thảm họa, nhưng qua “sự đau khổ với” đấng bị lên án (bởi sự đồng-thương khó với [com-passion] theo ngữ nghĩa học), chính họ đứng về phía Ngài, và qua “lòng yêu thương với” của họ, họ đứng về phía Thiên Chúa, Đấng là tình yêu. “Đồng-thương khó với” nhắc chúng ta nhờ câu chú giải tuyệt vời của thánh Bênađô thành Clairvaux về Diễm Ca (số 5, bài giảng 26): “Impassibilis est Deus, sed non incompassibilis”, Thiên Chúa không thể đau khổ, nhưng Người có thể “đau khổ với”. Dưới chân Thập giá của Đức Giêsu, chúng ta hiểu hơn bất cứ nơi nào khác về ý nghĩa “phúc cho ai than khóc, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”. Những ai không chai đá trước đau khổ và nhu cầu của tha nhân, những ai không để cho sự dữ đi vào linh hồn của họ, nhưng đau khổ dưới quyền lực của nó, và như thế, chấp nhận luân lý của Thiên Chúa, họ là những người mở cửa sổ thế giới ra để cho ánh sáng chiếu vào. Họ là những người than khóc theo nghĩa mà lời an ủi cao cả được ban cho. Vì thế, Mối phúc thứ hai nối kết chặt chẽ với Mối phúc thứ tám. “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:10).

Sự than khóc mà Đức Chúa đề cập đến thì không thỏa hiệp với sự dữ. Đây là cách thức chống lại mô hình ứng xử mà cá nhân bị áp lực chấp nhận vì “ai cũng làm như thế”. Thế giới này không thể chịu đựng cách phản kháng này. Thế giới này đòi hỏi sự thỏa hiệp. Thế giới này xem sự than khóc này như việc lên án trực tiếp chống lại lương tâm đang tê cóng. Và đúng như thế. Đó là lý do tại sao những ai than khóc lại bị bách hại vì sự công chính. Những ai đang than khóc được hứa ban sự ủi an. Những ai bị bắt bớ được hứa ban cho Triều đại Thiên Chúa, cũng cùng một lời hứa ban cho những ai có tinh thần nghèo khó. Cả hai lời hứa nối kết cách chặt chẽ. Triều đại Thiên Chúa, đứng dưới sự bảo vệ của quyền năng Thiên Chúa, đảm bảo trong tình yêu của Người, đây chính là sự ủi an thật.

Điều ngược lại cũng đúng. Những ai đau khổ không thực sự được ủi an, nước mắt của họ không hoàn toàn được lau khô, cho đến khi họ và sự bất lực của thế giới này không còn bị đe dọa bởi bạo lực chém giết. Sự ủi an không dẫn tới hoàn tất cho đến khi cả những đau khổ trong quá khứ không bao giờ hiểu thấu, được nâng lên vào trong ánh sáng của Thiên Chúa và được ban cho ý nghĩa hòa giải nhờ sự nhân từ của Người. Sự an ủi thật chỉ xuất hiện khi “kẻ thù cuối cùng”, sự chết (x. 1Cor 15:26), và tất cả kẻ đồng lõa với nó bị tước đi quyền lực của chúng. Vì thế, những lời an ủi của Đức Kitô giúp cho chúng ta hiểu được ý nghĩa Ngài muốn nói về “Triều đại của Thiên Chúa” (của các tầng trời), trong khi đó, “Triều đại của Thiên Chúa” cho chúng ta tư tưởng về niềm an ủi nào mà Thiên Chúa giữ gìn cho tất cả những ai than khóc và đau khổ trong thế gian này.

Chúng ta phải thêm vào chỗ này một nhận xét khác. Những lời của Đức Giêsu liên quan đến những ai bị bách hại vì công chính đã có một ý nghĩa ngôn sứ đối với Mátthêu và thính giả của thánh nhân. Với họ, đây là những gì Đức Chúa báo trước về hoàn cảnh Hội thánh mà họ đang sống. Hội thánh đã trở thành Giáo Hội bị bách hại, bị bách hại “vì sự công chính”. Trong ngôn ngữ của Giao Ước cũ, công chính là thuật ngữ nói về sự trung thành đối với luật Torah, với lời Chúa, như các Ngôn sứ đã luôn nhắc nhở cho thính giả của họ. Đây là sự tuân giữ con đường đúng mà Thiên Chúa đã chỉ cho, với Mười Điều răn tại tâm điểm của con đường này. Trong Tân Ước, thuật ngữ này tương ứng với khái niệm công chính của Cựu Ước là đức tin: Con người đức tin là “người công chính”, người bước trong đường lối của Thiên Chúa (x. Tv 1; Gr 17:5-8). Vì đức tin là đang bước đi với Đức Kitô, trong Ngài, toàn thể Lề luật trở nên trọn vẹn. Đức tin liên kết chúng ta với sự công chính của chính Đức Kitô.

Những ai bị bách hại vì sự công chính là những người sống bởi sự công chính của Thiên Chúa, bởi đức tin. Bởi vì con người luôn luôn cố gắng thoát ra khỏi ý muốn của Thiên Chúa để đi theo một mình họ, đức tin luôn xuất hiện như đối nghịch lại với “thế gian”, với quyền bính đang cai trị trong bất cứ thời đại nào. Vì lý do này, sẽ có sự bắt bớ vì sự công chính trong từng giai đoạn lịch sử. Lời an ủi này nói về Hội thánh bị bách hại trong mọi thời. Trong sự bất lực và đau khổ của Hội thánh, Hội thánh biết rằng Hội thánh đang đứng nơi mà Triều đại Thiên Chúa đang đến.

Như thế, nếu chúng ta có thể xác định lại một lần nữa chiều kích giáo hội học, cách chú giải về bản chất của Hội thánh, trong lời hứa gắn liền với Mối phúc này, như chúng ta đã làm trong những mối phúc trước, như thế, chúng ta cũng có thể xác định nền tảng Kitô học đối với những lời này: Đức Kitô chịu đóng đinh là người công chính bị bách hại được mô tả trong những lời tiên tri của Giao Ước cũ, đặc biệt, những Bài ca về Người Tôi Tớ Đau khổ, nhưng cũng đã được các tác phẩm của Plato (The Republic, II, 361e - 362a) hình dung trước. Và trong dáng vẻ này, chính Ngài là mùa vọng của Triều đại Thiên Chúa. Mối phúc này là lời mời gọi đi theo Đức Kitô chịu đóng đinh, lời mời gọi cho từng cá nhân cũng như cho toàn thể Hội thánh.

Trong những lời kết thúc toàn thể đoạn văn, Mối phúc liên quan đến người bị bách hại bao gồm một biến thể đề cập đến một điểm mới. Đức Giêsu hứa ban niềm vui, lời ca ngợi và phần thưởng cao cả cho những ai vì Ngài mà bị chửi rủa và bị bách hại, và mọi cách thức của sự dữ vu khống chống lại họ (x. Mt 5:11). Trung thành với con người của Ngài, từ “Tôi” của chính Đức Giêsu trở thành tiêu chuẩn cho sự công chính và cứu rỗi. Trong những Mối phúc khác, có thể nói là Kitô học hiện diện trong hình thức ẩn mình. Tuy nhiên, chỗ này, sứ điệp mà chính Ngài là tâm điểm của lịch sử lại xuất hiện cách công khai. Đức Giêsu gán cho từ “Tôi” của Ngài một vị thế chuẩn mà đúng thế, không một vị thầy Israel nào, không một vị thầy nào của Hội thánh, có quyền tự nhận cho chính mình. Người nào phát biểu như thế, không còn là một ngôn sứ theo nghĩa truyền thống, một đại sứ hay người được người khác ủy nhiệm. Chính Ngài là điểm tham khảo về cuộc đời công chính, mục đích và tâm điểm của cuộc sống này.

Sau đây, trong dòng chảy chiêm niệm, chúng ta sẽ thấy rằng Kitô học trực tiếp này lập thành Bài giảng Trên núi như một tổng thể. Những gì ở đây chỉ chạm đến, sẽ được triển khai xa hơn khi chúng ta tiếp bước.

Giờ đây, chúng ta hãy trở lại một trong hai Mối phúc vẫn còn được bàn thảo. “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (Mt 5:6). Về bản chất, lời này nối kết với những lời của Đức Giêsu liên quan đến những ai than khóc và những ai sẽ tìm thấy ủi an. Trong Mối phúc trước đó, những ai nhận được lời hứa là những người không nhượng bộ cho sự độc đoán của những ý kiến và tập quán đang chiếm ưu thế, nhưng lại chối từ những ý kiến và tập quan này qua đau khổ. Cũng thế, Mối phúc này liên quan tới những ai đang canh phòng, những ai đang tìm kiếm những gì cao cả, công lý thật, tốt lành thật. Một trong những phần nguyên bản trong sách Đanien bao gồm một nhận định mà truyền thống đã coi là tổng hợp thái độ đang được xem xét chỗ này. Phần này diễn tả Đanien như virdesideriorum, một người nhiều khao khát (Đn 9:23 trong Vulgate La tinh). Những người mà Mối phúc này diễn tả là những người không hài lòng với những sự vật như chúng là và từ chối để cho lòng thao thức của tâm hồn bị bóp nghẹt, lòng thao thức hướng con người đến những gì cao cả hơn và đặt họ trên hành trình nội tâm để đạt tới Mối phúc này, đúng như những nhà thông thái từ phương Đông tìm kiếm Đức Giêsu, ngôi sao dẫn đường đến chân lý, đến tình yêu, đến Thiên Chúa. Những người này là những người mà sự nhạy cảm nội tâm giúp họ thấy và nghe được những dấu chỉ tinh tế Thiên Chúa gởi đến trong thế gian để bẻ gãy chế độ độc tài theo quy ước.

Ngay tại điểm này, ai mà không nhớ tới những vị thánh khiêm nhường, mà trong họ, chính Giao Ước cũ mở ra cho Giao Ước mới, và được biến đổi vào trong Giao Ước mới. Họ là Dacaria và Êlisabét, Maria và Giuse, Simêôn và Anna, theo cách thức khác nhau, tất cả những người này chờ đợi sự cứu rỗi cho Israel trong sự tỉnh thức nội tâm, và qua lòng đạo đức khiêm nhường của họ, sự chờ đợi và khao khát kiên trì “sửa soạn con đường” cho Đức Chúa phải không? Nhưng chúng ta có nghĩ đến Mười Hai Tông đồ, như chúng ta sẽ thấy, cho dù những người đàn ông này đến từ quá trình học thức và xã hội hoàn toàn khác nhau, đã mở tâm hồn họ ra ngay trong công việc và cuộc sống hằng ngày của họ, có sẵn sàng đáp trả lời mời gọi cho những gì cao cả hơn hay không? Hay lòng say mê sự công chính của một người như Phaolô, dù lòng say mê sai lạc này đã sửa soạn cho Phaolô để Thiên Chúa quăng xuống và vì thế, đã đem đến cái nhìn sự trong sáng mới. Chúng ta có thể tiếp tục luồng tư duy này qua suốt toàn bộ lịch sử. Có lần Edith Stein đã nói rằng bất cứ ai tìm kiếm chân lý cách thành thật và nhiệt tình, họ đang trên con đường đi tới Đức Kitô. Chính những người này mà các Mối phúc nói tới, lòng khao khát và đói khát này được chúc phúc vì dẫn con người đến với Thiên Chúa, đến với Đức Kitô và vì thế mở thế giới ra cho Triều đại Thiên Chúa.

Dựa trên Tân Ước, đối với tôi dường như đây là chỗ cần phải nói về sự cứu rỗi cho những ai không biết Đức Kitô. Ngày nay, một quan điểm khá thịnh hành cho rằng tất cả mọi người nên sống theo tôn giáo, hay có lẽ theo vô thần, mà chính họ tìm ra cách ngẫu nhiên. Người ta cho rằng đây là con đường cứu rỗi cho họ. Một quan điểm như thế giả định một bức tranh xa lạ về Thiên Chúa và một tư tưởng xa lạ về con người và về một con đường đúng đắn để cho con người sống. Chúng ta hãy làm sáng tỏ vấn đề này bằng cách đặt ra một số câu hỏi cụ thể. Có ai đạt tới sự tốt lành và công chính trong mắt Thiên Chúa vì họ đã ý thức hoàn tất những nhiệm vụ trả thù bằng máu hay không? Vì họ đã chiến đấu cách mãnh liệt và trong “thánh chiến” hay không? Hay bởi vì họ đã thực hiện một số sát tế loài vật? Hay bởi vì họ đã thực hành những nghi thức thanh tẩy và giữ các điều khác? Vì họ đã công bố quan điểm của họ và ao ước muốn trở thành các qui tắc cho lương tâm và như thế, làm cho chính họ trở thành tiêu chuẩn? Không, Thiên Chúa đòi hỏi ngược lại: Chúng ta phải chăm chú đến lời khuyên thầm lặng của Ngài cách nội tâm, hiện diện trong chúng ta và xé chúng ta ra khỏi những gì đơn thuần là thói quen và đặt chúng ta vào trong con đường dẫn đến chân lý. “Đói khát sự công chính” là con đường mở ra cho mọi người. Con đường này tìm thấy đích điểm trong Đức Giêsu Kitô.

Còn một Mối phúc nữa “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8). Bộ phận để nhìn thấy Thiên Chúa là tâm hồn. Chỉ có trí óc không thôi, không đủ. Để cho con người có thể có khả năng nhận ra Thiên Chúa, những năng lực trong hiện hữu của họ phải làm việc hài hòa. Ý muốn cũng như chiều kích cảm xúc bên dưới của linh hồn phải trong sạch, như thế, cho trí tuệ và ý chí một hướng đi. Nói về tâm hồn theo cách này có nghĩa là những sức mạnh nhận thức của con người đang thể hiện cách hòa điệu, cũng đòi hỏi sự tương hợp riêng biệt giữa thân xác và linh hồn, vì đó là nền tảng của cái toàn thể trong tạo vật mà chúng ta gọi là “người”. Tính khí cảm xúc nền tảng của con người thật sự chỉ lệ thuộc vào hiệp nhất thân xác và linh hồn, và trên sự chấp nhận của con người vừa thân xác và vừa linh hồn. Có nghĩa là, họ đặt thân xác của họ dưới kỷ luật của tinh thần, tuy không cô lập trí tuệ hay ý chí. Đúng hơn, họ chấp nhận như chính họ đến từ Thiên Chúa, và vì thế, nhận ra và sống được tính thân xác hiện hữu của họ như sự phong phú cho tinh thần. Tâm hồn, tổng thể của con người, phải nên tinh khiết, cởi mở nội tâm và tự do, để họ có thể nhìn thấy Thiên Chúa. Trong khi tranh luận với một vài người, Theophilus thành Antioch (chết khoảng năm 180) có lần nói như thế này: “Nếu bạn nói ‘chỉ cho tôi Thiên Chúa của bạn,’ tôi sẽ trả lời bạn, ‘chỉ cho tôi con người trong bạn’… Vì Thiên Chúa được nhìn thấy bởi con người có khả năng nhìn thấy Người, họ có con mắt tinh thần mở ra… Linh hồn con người phải trinh trong như tấm gương chiếu sáng” (Ad Autolycum, I, 2, 7 tt).

Điều này làm bật ra câu hỏi: Làm thế nào con mắt bên trong của con người được trong sạch? Làm thế nào để cắt bỏ căn bệnh cườm làm cho cái nhìn của con người bị mờ hay bị mù chung với nhau? Truyền thống bí nhiệm đã nói về “con đường thanh luyện” đi lên tới sự “hiệp nhất” cuối cùng là một cố gắng để trả lời câu hỏi này. Trước hết và trên hết, phải đọc các Mối phúc trong bối cảnh Sách thánh. Nơi đó, trước hết, chúng ta gặp chủ đề về sự trong sạch tâm hồn trong Thánh vịnh 24, phản ánh cánh cửa phụng vụ thời xưa. “Ai sẽ lên núi Chúa? Và ai sẽ cư ngụ trong đền thánh của Người? Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối” (Tv 24:3-4). Trước cửa Đền thờ, câu hỏi đưa ra là ai có thể vào và đứng gần với Thiên Chúa hằng sống. Tay sạch và lòng thanh là điều kiện.

Thánh vịnh giải thích nội dung điều kiện để được vào trong nơi Thiên Chúa ngự trị bằng nhiều cách khác nhau. Một điều kiện nền tảng là ai muốn vào trong hiện diện của Thiên Chúa, họ phải tìm hiểu Người, phải tìm kiếm tôn nhan Người (Tv 24:6). Chính vì thế, điều kiện nền tảng chứng minh cùng một thái độ mà chúng ta đã nhận ra trên đây, được diễn tả trong cụm từ “đói khát sự công chính”. Tìm hiểu Thiên Chúa, tìm kiếm tôn nhan Người, là điều kiện đầu tiên và cơ bản để hướng lên dẫn đến việc hội ngộ với Thiên Chúa. Tuy nhiên, cả trước khi đó, Thánh vịnh ghi rõ ràng tay sạch và lòng thanh đòi hỏi con người từ chối sự lừa dối và thế gian. Điều này đòi hỏi sự trung thực, thành thật và công bình đối với tha nhân và cộng đoàn. Đó là những gì chúng ta gọi là đạo đức xã hội, dù đạo đức này thật sự chạm vào tận sâu thẳm tâm hồn.

Thánh vịnh 15 ghi thêm chi tiết về điều này và như thế, chúng ta có thể nói rằng điều kiện để được nhận vào hiện diện của Thiên Chúa đơn giản là nội dung của Mười Điều răn, với điểm nhấn trên việc tìm kiếm Chúa bên trong, trên hành trình hướng về Người (tấm bia thứ nhất) và trên yêu thương tha nhân, trên sự công chính hướng về cá nhân và cộng đoàn (tấm bia thứ hai). Không có những điều kiện nào liên quan đặc biệt tới kiến thức về Mạc Khải được liệt kê ra, chỉ có “tìm hiểu Thiên Chúa” và những giáo lý cơ bản của công lý mà một lương tâm cảnh giác chuyển tải đến mọi người, lương tâm này chuyển thành hoạt động qua việc tìm kiếm Thiên Chúa. Suy tư trước đây của chúng ta về vấn đề cứu rỗi tìm thấy sự xác nhận chỗ này.

Cho dù trên môi miệng của Đức Giêsu, những lời này đạt được chiều sâu mới. Vì chiều sâu này lệ thuộc vào bản chất của Ngài, nên Ngài nhìn thấy Thiên Chúa, nên Ngài đứng diện đối diện với Thiên Chúa, trong diễn từ nội tâm vĩnh cửu, trong tương quan làm con. Nói cách khác, các Mối phúc này mang tính Kitô học sâu xa. Chúng ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa khi chúng ta đi vào trong “tâm trí của Đức Kitô” (Pl 2:5). Sự thanh luyện tâm hồn xảy ra như là hệ quả của việc đi theo Đức Kitô, trở nên một với Ngài. “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20). Và ngay tại điểm này, một điều mới sáng tỏ: Việc đi lên tới Thiên Chúa xảy ra chính trong việc đi xuống phục vụ cách khiêm hạ, trong việc đi xuống của tình yêu, vì tình yêu là bản thể của Thiên Chúa, và vì thế, là sức mạnh thanh luyện con người cách đích thực và giúp cho họ nhận thấy Thiên Chúa và nhìn ra họ. Trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã mạc khải chính Người trong việc đi xuống. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2:6-9).

Những lời này đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử của bí nhiệm học. Những lời này cho thấy những gì mới mẻ trong bí nhiệm học Kitô, đến từ những gì mới mẻ trong Mạc Khải của Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa đi xuống, cho đến chết trên Thập giá. Và cách chính xác, qua việc làm như thế, Người mạc khải chính Người trong thiên tính đích thật của Người. Chúng ta đi lên tới Thiên Chúa qua việc đồng hành với Người trong con đường đi xuống này. Trong bối cảnh này, “cánh cửa phụng vụ” trong Thánh vịnh 24 nhận lấy một ý nghĩa mới: Tâm hồn thanh sạch là tâm hồn yêu thương đi vào trong hiệp nhất của phục vụ và vâng phục với Đức Giêsu Kitô. Tình yêu là ngọn lửa thanh luyện và hiệp nhất trí tuệ, ý chí và tình cảm, vì thế, làm cho con người trở nên một với chính họ, cũng như làm cho họ trở nên một trong con mắt Thiên Chúa. Chính vì thế, con người có thể phục vụ cho việc hiệp nhất những ai đang chia rẽ. Đó là cách thức con người đi vào nơi Chúa ngự và trở nên có khả năng nhìn thấy Người. Và đó là ý nghĩa về con người được “chúc phúc”.

Sau nỗ lực để đi sâu vào trong cái nhìn bên trong này của các Mối phúc (chủ đề “lòng thương xót” không được đề cập tới trong chương này, nhưng trong nối kết với dụ ngôn người Samaritanô tốt lành), chúng ta vẫn phải tự hỏi, hai câu hỏi có liên quan đến việc hiểu biết tổng thể. Trong Tin Mừng Luca, theo sau bốn Mối phúc là bốn lời công bố về mối họa. “Nhưng khốn cho các người là những kẻ giàu có… Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ được no nê… Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang vui cười… Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng” (Lc 6:24-26). Những lời này làm cho chúng ta sợ hãi. Chúng ta nghĩ gì về những mối họa này?

Giờ đây, điều đầu tiên phải đề cập là, ở đây Đức Giêsu đang đi theo một mô hình cũng được tìm thấy trong Giêrêmia 17 và Thánh vịnh 1: Sau trình thuật về con đường đúng đắn dẫn con người đến sự cứu rỗi, biển báo chống lại con đường ngược chiều đi theo sau. Biển báo này vạch mặt những lời hứa giả dối và những đề nghị dối trá, nghĩa là, cứu con người khỏi đi vào con đường có thể chỉ dẫn họ đến cái chết. Một lần nữa, chúng ta sẽ tìm thấy cùng một vấn đề trong dụ ngôn người giàu có và anh Lazarô.

Nếu hiểu cách đúng đắn những biển chỉ đường hy vọng mà chúng ta tìm thấy trong các Mối phúc, chúng ta nhận ra rằng, ở đây chúng ta chỉ đang xử lý tới những thái độ ngược lại, những thái độ giam hãm con người vào trong mặt nổi bề ngoài, trong tính tạm thời, trong sự mất mát những phẩm chất cao cả nhất và sâu xa nhất của con người và vì thế, vào trong mất mát Thiên Chúa và tha nhân, con đường đến tàn lụi. Bây giờ, chúng ta hiểu ý định thực sự của biển báo này: Lời công bố về mối họa không phải là những lời kết án, không phải là một diễn đạt ghét bỏ, ganh tị, hay thù hằn. Điểm nhấn không phải là kết án, nhưng là lời cảnh báo nhắm vào cứu độ.

Nhưng bây giờ, vấn đề cơ bản phát sinh: Phải chăng hướng đi mà Đức Chúa chỉ cho chúng ta trong các Mối phúc và trong những lời cảnh báo tương ứng, thật sự là hướng đi đúng? Có thực giàu có, no nê, vui cười, được ca tụng là một điều xấu xa hay không? Friedrich Nietzsche đã chĩa thẳng lời phê bình giận dữ của ông đến khía cạnh này của Kitô giáo. Ông nói rằng không phải nền giáo lý Kitô giáo cần được phê bình, nhưng chính nền đạo đức Kitô giáo cần được bóc trần ra như “tội tử hình chống lại cuộc sống”. Khi nói về “đạo đức Kitô giáo”. Nietzsche có ý nói thẳng đến hướng đi mà Bài giảng Trên núi đưa ra.

“Tội nào là tội lớn nhất trên thế gian này? Chắc chắn, đó là những lời của con người đã nói “Khốn cho ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười”. Chống lại những lời hứa của Đức Kitô, ông nói rằng chúng tôi không muốn Triều đại Thiên Quốc. “Chúng tôi đã trưởng thành rồi, và như thế, chúng tôi muốn có triều đại trần thế”.

Nietzsche nhìn viễn tượng của Bài giảng Trên núi như một tôn giáo phẫn uất, như sự ghen tị hèn nhát và bất tài, những ai không kham nổi những đòi hỏi của cuộc đời và cố gắng trả thù chúng bằng cách chúc lành sự thất bại của chúng và nguyền rủa những người mạnh, người thành công và kẻ hạnh phúc. Quan điểm rộng mở của Đức Giêsu đi ngược lại tính trần tục chật hẹp, với ý muốn chiếm lấy thật nhiều từ thế gian, và những gì cuộc sống ban cho bây giờ, tìm kiếm thiên đàng nơi đây, và không bị cấm cản bởi bất cứ đắn đo nào trong khi làm như thế.

Những điều này đã tìm ra con đường vào trong tâm trí của thời hiện đại và nói rộng ra, đã làm cho con người thời nay cảm thấy như thế nào về cuộc đời. Chính vì thế, Bài giảng Trên núi đặt câu hỏi về sự chọn lựa Kitô giáo nền tảng, và như con cái của thời đại chúng ta, chúng ta cảm thấy sự phản kháng từ bên trong, cho dù chúng ta vẫn bị đánh động bởi lời Đức Giêsu ca ngợi người hiền lành, người thương xót, người kiến tạo hòa bình và người trong sạch. Giờ đây, biết được từ kinh nghiệm làm thế nào những chế độ chuyên chế bạo tàn đã chà đạp con người và khinh dể, bắt làm nô lệ và đánh gục kẻ yếu hèn, chúng ta cũng có được một nhận thức mới về những ai đói khát sự công chính. Chúng ta đã tái khám phá ra cái hồn của những ai than khóc và quyền lợi cho những ai được ủi an. Khi chúng ta chứng kiến sự lạm dụng quyền lực kinh tế, như chứng kiến sự tàn ác của chủ nghĩa tư bản làm thoái hóa con người xuống cấp độ hàng hóa, chúng ta cũng nhận ra hiểm họa của sự giàu có, và chúng ta đã nhận được giá trị mới về những gì Đức Giêsu muốn nói tới khi Ngài cảnh cáo sự giàu có, thần tài Mammon đang hủy hoạ con người, đang kìm kẹp phần lớn thế gian trong dây thòng lòng bạo tàn. Đúng thế, các Mối phúc chống lại ý nghĩa hiện hữu tự phát sinh của chúng ta, cái đói khát của chúng ta về cuộc đời. Các Mối phúc đòi hỏi sự “hoán cải”, để chúng ta quay trở lại từ bên trong đi ngược lại với hướng mà chúng ta tự nhiên muốn đi vào. Việc quay trở lại này đem lại những gì trong sáng và cao quý ngay tại chỗ và cho cuộc sống của chúng ta một trật tự đúng đắn.

Thế giới Hy lạp say mê cuộc sống được diễn tả cách tuyệt vời trong thiên hùng ca Hormeric. Tuy nhiên, thế giới Hy lạp lại ý thức sâu xa rằng tội lỗi thật sự của con người, cám dỗ sâu thẳm nhất của con người, là sự ngạo mạn, tính tự phụ kiêu ngạo về tự trị đã dẫn con người làm ra vẻ thần thánh, tự công nhận họ là chúa riêng của họ, để sở hữu toàn thể cuộc sống và bòn rút cho hết những gì cuộc đời ban cho. Dưới ánh sáng của con người Đức Kitô, ý thức rằng hiểm họa thực sự của con người bao gồm trong cám dỗ tự túc cao ngạo, mà thoạt tiên có vẻ hợp lý, dẫn vào chiều sâu nhất trong Bài giảng Trên núi.

Chúng ta đã thấy Bài giảng Trên núi là Kitô học tiềm ẩn. Đằng sau Bài giảng Trên núi là nhân vật Kitô, con người là Thiên Chúa, nhưng cách chính xác, vì Ngài là Thiên Chúa, đi xuống, trút bỏ chính mình, cho đến chết trên Thập giá. Những vị thánh, từ Phaolô đến Phanxicô thành Assisi đến Mẹ Têrêsa, đã sống chọn lựa này và vì thế, đã chỉ cho chúng ta hình ảnh thật về con người và hạnh phúc của họ. Tóm lại, nền đạo đức đích thật của Kitô giáo là tình yêu. Và tình yêu đi ngược lại với sự tìm kiếm chính mình, đây chính là con đường mà con người đi đến với chính mình. So sánh với nước bóng cám dỗ về hình ảnh con người của Nietzsche, trước hết, hình như con đường này bất hạnh, và vô lý hoàn toàn. Nhưng đây chính là con đường cao cả thật của cuộc sống. Chỉ trên con đường tình yêu, với những lối đi đã được Bài giảng Trên núi diễn tả, mà sự phong phú của cuộc đời và sự cao cả về ơn gọi cửa con người mới mở ra.


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương